Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

1 tháng 3, 2011

Trùng tu Đình thờ Phạm Sùng

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 3 01, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

LỄ HỘI KHÁNH THÀNH ĐỢT I TRÙNG TU ĐÌNH THỜ THANH TĨNH ĐẠI PHU PHẠM SÙNG VÀ ĐÓN NHẬN DI ẢNH CỦA NGÀI VỀ AN VỊ TẠI HẬU CUNG ĐÌNH NHẤT


Đình thờ Đức Thành Hoàng Làng - Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng (*) tại thôn Nhất (Nhân dân địa phương thường gọi tắt là Đình Nhất), xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một ngôi đình cố, ngự trên một khu đất cao ở đầu làng Nhất . Ngôi đình này được xây dựng từ thế kỷ XV.

Đình và Chùa thôn Đông (có tên chữ Hán là Khánh Lâm Tự) cũ cách ngôi đình hiện nay chừng hơn 200 mét, toạ lạc độc lập trên một khu đất cao ráo , rộng rãi, nằm giữa Thôn Đông và Thôn Nguyễn của Trang Nguyễn Xá xưa kia .

Đình và Chùa Đông cũ được Tướng quân Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng chọn làm nơi đồn trú và huấn luyện của nghĩa quân “Phù Lý cự Trần” chống Trần Thủ Độ âm mưu cướp ngôi Nhà Lý. Sau khi bị Nguyễn Nộn làm phản, Ngài thấy sự nghiệp “Phù Lý cự Trần“ sẽ không thành nên Ngài đã cho nghĩa quân giải ngũ Riêng Ngài về tu tại Chùa Mạn Trù, phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Năm 1230 Ngài về quê nội – Hương Đường Cái Thị , Hưng Yên thăm viếng tổ tiên họ hàng rồi “hoá” tại đây. Sau khi được tin Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng đã chết, Trần Thủ Độ đã ra lệnh cho quân lính đến san phẳng khu đồn trú này, trong đó có Đình và Chùa Đông, và “chu di tam tộc” dòng họ Phạm Sùng tại đây.

Đình và Chùa Đông của Trang Nguyễn Xá bị san phẳng nên nhân dân thôn Đông đã phải xây dựng mới Đình và Chùa của mình. Khi xây dựng đã phải di dời đến vị trí ở đầu làng , như hiện nay, để iàm nơi sinh hoạt tâm linh và hội họp của cả làng. Theo các cụ cao niên kể lại, tuy nói là Đình thờ các Thần linh, Thổ địa, nhưng ngay từ đầu đã có bài vị thờ Đức Thánh Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng .

Đình Nhất hiện nay đã qua nhiều lần tu bổ , tôn tạo. Lần tu bổ tôn tạo cuối cùng là vào năm Giáp Tý - 1924 (được ghi rõ bằng chữ Hán trên Thượng Lương của Đình).
–---------
(*) Tiểu sử của Đức Thành Hoàng Làng – Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng được Giáo sư Sử học, Nhà Giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sưu tầm và viết tặng Nhân dân thôn Nhất được lưu giữ và trưng bầy tại Chính Điện của Đình Nhất từ năm 2010.

Đó là một ngôi đình năm gian, bên phải là một quần thể Chùa làng - thờ Đức Phật Thách-Ca-Mâu-Ni và nhiều vị Bồ-tát . Bên trái Đình có Phủ thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong “Tứ bất tử“ trong tâm linh của người dân Việt. (Thánh mẫu Liễu Hạnh đã được Liên hợp quốc ghi nhận là một trong 1000 nữ nhân có ảnh hưởng lớn trong nhân loại) . Nhưng rất tiếc là trong thời kỳ CCRĐ; Phủ thờ Thánh Mẫu đã bị phá huỷ hoàn toàn). Phỉa trước, sát sân đình khá rộng lát gạch là một Giếng nước lớn hình tròn được xây tường bao vững chắc để giữ nước sạch cung cấp cho dân cả làng Nhất dùng quanh năm. Cách đó chừng hơn 100 mét là một gò đất được gọi là “Đống Lão” – một địa chỉ tâm linh về việc cầu mong tuổi thọ cho các bậc cao niên của các gia đình trong làng. Trên “Đống Lão” có một cây hoa gạo

rất lớn, không biết được trồng từ bao giờ, hàng năm tạo ra một vùng màu đỏ rực rỡ phía trước Đình thờ, mỗi khi đến mùa hoa nở. Phía sau Đình, cũng cách chừng hơn 100 mét có một khu đất rộng gọi là “Văn chỉ” để làm nơi an nghỉ vĩnh hằng cho những vị được ghi nhận là có công với làng với nước. Cạnh đó là một gò đất cao, trên đó có một “Văn Miếu” nho nhỏ được xây cất tượng trưng ban đầu, để thờ Đức Khổng Tử và các danh nhân văn hoá nôi tiếng của đất nước Các cụ tiền bối làng Nhất trước đây đã xây Văn Miếu tại đây với ý định để vinh danh những tấm gương về đạo đức, nhân cách và sự thành đạt của quê hương cho các thế hệ sau này của lang Nhất .

Đình thôn Nhất, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
thờ Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng (Ảnh chụp năm 2005)

Bên cạnh Văn Miếu có một cây đa cổ thụ, tuổi thọ đến 500 năm, thân cây to lớn hàng chục người ôm không xuể, cành là sum xuê với đường kính tán rộng đến 10-15 mét, quanh năm xanh tươi. Văn Chỉ, Văn Miếu, gốc Đa Văn Miếu là nơi tụ họp vui chơi của các trẻ nhỏ và thanh niên nam nữ Làng Nhất trong những buổi chiều tà và những đêm trăng đẹp.. Cây Đa cổ thụ tại đây lớn đến mức, người dân làng Nhất và các khách thập phương về thăm quê hương Làng Nhất , khi đến Ga Đồng Văn đã có thể nhìn thấy ngay để tìm về….Nhưng cũng rất tiếc là Cây Đa cổ thụ - một kỷ niệm đẹp ghi dấu ấn trong tâm can người dân làng Nhất ấy đã bị chặt phá trong thời kỳ những năm 50 của thế kỷ XX rồi ! Còn “Văn chỉ” thì nay đã thành nơi giãn cư cho một số hộ dân trong làng xây dựng nhà ở và chăn nuôi gia súc.. Nay “Văn chỉ” không còn nừa , chỉ còn một số mộ tổ của dòng họ Đinh – những người có công với làng xóm địa phương. .

Đình Nhất được thiết kế uy nghiêm , thoáng đãng, mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Vật liệu dùng để xây dựng Đình Nhất phần lớn bằng gỗ quý. Mái Đình, sân Đình và tường bao sân Đình được xây bằng gạch cổ và ngói cổ . Cổng Đình có bốn trụ bằng gạch được trang trí hoa văn đẹp đẽ, trên đỉnh hai cột trụ chính có nụ Sen cách điệu và trên đỉnh hai trụ phụ có hai con Nghê chầu đói diện trước cổng Đình để chào đón khách thập phương về thăm. Xung quang 4 cột trụ cổng Đình có 12 câu đối bằng chữ Nho do các Nho sĩ trong vùng cung tặng Đình để ca ngợi công đức của Đức Thánh - Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng , được đắp nổi rất kỳ công do những người thợ tài ba của địa phương thực hiện. Rất tiếc là bốn trụ cổng Đình uy nghiêm này cùng cùng tường bao, cây cảnh đã bị phá huỷ trong CCRĐ.

Năm 2007, Đại tá CCB, TSKH Phạm Khắc Di (Trưởng Ban)
dẫn đầu Đoàn đại biểu BLL họ Phạm Việt Nam về thăm Đình Nhất , xã Tiên Nội


- nơi thờ Đức Thanh Tĩnh Đại phu, Tướng quân Phạm Sùng. Trong nội thất Đình Nhất được thiết kế và trang trí uy nghiêm, hài hoà : Toàn bộ cửa võng năm gian Đình được sơn son thiếp vàng rực rỡ làm nơi thờ Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng. Màu sắc rực rỡ đó đã làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, hoành tráng của Đình làng. Trong Đình có những bố đồ thờ tráng lệ như “Án gian thờ” to lớn được trạm khắc hoa văn cầu kỳ, điêu luyện, sơn son thiếp vàng bóng loáng. Hai bộ bát biểu bằng gỗ quý cũng được sơn son thiếp vàng lóng lánh đặt hai bên “Án thờ “, cùng

với đôi hạc chầu cao lớn, đứng trang nghiêm và vững trãi trên đôi rùa bằng gỗ quý cũng sơn son thiếp vàng . Trên Án thờ là bộ đỉnh và đôi cây nến bằng đồng sáng loáng , Chính giữa Án thờ là bát hương cỏ kích thước to lớn ngày đêm toả hương trầm thơm ngát , cùng một mâm bồng lớn để đặt lễ cung tiến trong những ngày rằm mùng một và những ngày lễ lớn của dân tộc. ngày lễ hội của dân làng . Gian hậu cung là nơi linh thiêng nhất của Đình làng đặt ngai thờ và bài vị của Bản Cảnh Thành Hoàng - Thanh Tĩnh Đai phu Phạm Sùng , Phía trước ngai thờ đặt bài vị Ngài là một hòm đựng 10 Sắc phong của các vị Vua của các triều đại từ Nhà Lê đến Nhà Nguyễn sau này. Trong hậu cung có nhiều đồ thờ cúng cổ xưa quý hiếm và những trang bị tế lễ tại Đình làng .. Trong Đình còn có bộ kiệu rước Thánh trong những ngày Hội lớn hàng năm của Làng , vv

Nhưng rất tiếc rằng, do việc quản lý có nhiều sơ xuất, nên cho đến nay nhiều di vật cổ quý giá trong Đình đã bị kẻ gian lấy cắp...

Đình Nhất là nơi thờ phụng, cầu phúc của dân làng và dân các vùng lân cận dâng lên Đức Thành Hoàng Làng – Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng. Đình Nhất còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi hội họp dân làng, nơi vui chơi giải trí của thanh thiếu niên trong làng sau giờ lao động mệt nhọc và trong những ngày lễ lớn của làng và của dân tộc. Nơi đây cũng đã từng diễn ra các hội nghị quan trọng của Đảng và Chính quyền địa phương, nơi đóng quân của Bộ đội cụ Hồ trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, từ sau Cách mạng Tháng Tám của dân tộc.

Đến nay, tính từ ngày trùng tu lần cuối (năm 1924) đã gần 100 năm . Trải qua gần trăm năm thời tiết rất khắc nghiệt, qua những biến cố lịch sử không có lợi cho việc bảo vệ khu di tích lịch sử - văn hoá và sự quản lý lỏng lểo của những người chịu trách nhiệm trước đây, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng: Mái đình dột nát, một số hạng mục và đồ thờ cúng bị mục nát , bong sơn, bị lấy cắp ; một số công trình của cụm di tích bị phá huỷ hoàn toàn như Phủ thờ Thánh Mẫu Liêu Hạnh, các Cột xây của Cổng vào Đình; cây cối chung quanh Đình hầu như đã bị chặt phá hết ; khuôn viên của Đình bị lấn chiếm làm công trình khác gây mất cảnh quan đẹp của khu di tích lịch sử văn hoá quý giá này, vv

Do đó, việc trùng tu ngôi Đình làng trở thành một nhu cầu bức xúc của nhân dân làng Nhất mặc dù đời sống của người dân trong làng này còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn .

Đầu năm 2010, thể theo nguyện vọng của đa số người dân trong làng, Chi bộ đảng đã cùng với MTTQ thôn và các cụ lão cao tuổi trong làng đã họp bàn về chủ trương trùng tu Đình thờ Thành Hoàng Làng - Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng , sau đó đưa ra cuộc họp toàn thôn để lấy ý kiến . Hội nghị toàn dân đầu năm 2010 đã nhất trí rất cao về việc trùng tu Đình làng ngay trong năm 2010 và cử ra một ban phụ trách việc trùng tu Đình .. Sau khi được sự nhất trí của UBND xã Tiên Nội, Ban Trùng tu Đình đã huy động sự đóng góp kinh phí của toàn dân làng Nhất, đặc biệt là những người làm ăn sinh sống xa quê hương. Chỉ trong một thời gian ngắn Ban quản lý trùng tu Đình làng đã nhận được một khoản tiền đủ để tiến hành đợt I trùng tu Đình Nhất. với mục tiêu ưu tiên dùng để lợp lại mái Đình để chống dột và sửa sang lại sân Đình, sửa sang lối đi vào Đình. Công việc trùng tu đợt I đã được khẩn trương thực hiện và đã hoàn thành trong vòng 06 tháng trước kỷ niệm lân thứ 780 ngày hoá của Thành Hoàng Làng, 13 tháng 7 âm lịch.

Được tin nhân dân thôn Nhất tổ chức trùng tu đình thờ một danh nhân đặc biệt của Triều Lý , Giáo sư Sử học, Nhà giáo Nhân dân Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã trân trọng viết một văn bản về Tiểu sử Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng. Qua Văn phòng Hội khoa học lịch sử Việt Nam và Ban Liên lạc Hậu duệ Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng, Giáo sư đã gửi văn bản này cùng với một bản sao di ảnh của Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng do Tiểu ban Tư liệu của CLB UNESCO Thông tin các dòng họ ở Việt Nam sưu tầm, để gửi về Đình Nhất tặng nhân dân Thôn Nhất. Đó là những tư liệu vô giá và là một vinh hành lớn đối với nhân dân thôn Nhất , xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Sau khi được phép của Đảng và Chính quyền địa phương, Ban quản lý di tích Đình Nhất đã tổ chức Lễ khánh thành đợt I trùng tu Đình Nhất và rước kiệu rồng đón nhận Di ảnh Thành Hoàng Làng - Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng cùng với bút đề của Giáo sư Đinh Xuân Lâm – Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam về tiểu sử của Ngài đưa về đặt tại Đình Nhất để toàn dân được hiểu biết và chiêm ngưỡng về vị Thành Hoàng Làng của mình .

Nhân dân thôn Nhất đã đưa Kiệu rồng ra rước di ảnh Đức Thành Hoàng Làng
Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng về an vị tại hậu cung Đình làng


Lễ hội đã diễn ra rất trang trọng và đông vui trong suốt hai ngày, 12 và 13 tháng 7 âm lịch, tại khuôn viên Đình Nhất mới được trùng tu . Ban tổ chức lễ hội đã đưa ra và thực hiện một chương trình lễ hội, trong đó có phần văn nghệ và vui chơi rât phong phú và đặc sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia trong suốt hai ngày .

Hầu hết các vị bô lão trong làng và toàn thể nhân dân thôn Nhất đã có mặt dự Lễ - một buổi lễ mà nhiều cụ cao niên trong làng nói : Từ hơn năm mươi năm qua, nay mới lại có Lễ hôi này của Làng. Thật chan hoà tình cảm quê hương !

Các đại biểu Đảng uỷ , Chính quyền , MTTQ xã Tiên Nội, các đại biểu của các thôn trong xã và ngoài xã ( Đoài , Nguyễn , Trung, Trì , Liêu,..), nhiều khách thập phương đã có mặt tham dự buổi lễ trang trọng và đầm ấm này

Trong bài phát biểu của mình , vị đại diện Ban quản lý di tích Đình Nhất có đoạn nói :: “Mong ước từ lâu của nhân dân quê tôi là muốn được tu bổ và tôn tạo lại cụm di tích lịch sử và văn hoá quý giá này tương xứng với thanh thế và sự nghiệp của Thanh Tĩnh Đại phu Phạm Sùng , mong giữ lại và phục hồi được những di tích lịch sử quê nhà, sưu tầm bổ sung được những bộ đồ thờ đã có trước dây, giữ được những nét đẹp văn hoá vật thể và phi vật thể của quê hương – dù cho nơi đây là một nơi ở vùng chiêm trũng, năm nào cũng phải đối phó với thiên tai và trải qua nhiều năm địch hoạ.. Nhu cầu sửa sang, phục chế cụm di tích này thì nhiều nhưng nội lực hạn chế, mới chỉ làm được một vài hạng mục mà kinh phí đã cạn kiệt, còn nhiều hạng mục chưa thể làm được”

“Nhân dân thôn Nhất rất mong chính quyền các cấp ở địa phương, các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức xã hội trong xã, huyện và tỉnh quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ . Rất mong các vị hảo tâm ở trong nước và ơ ngoài nước quan tâm tới nhu cầu sửa sang phục chế cụm di tích lịch sử - văn hoá hiếm có này, phát tâm công đức ủng hộ, gửi về địa phương Sự quan tâm đóng góp về tinh thần và vật chất của quý vị sẽ là một nguồn động viên đối với nhân dân địa phương trong lao động, sản xuất và học tập để xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, xây dựng Thôn Nhất trở thành một làng văn hoá thực sự của xã Tiên Nội huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam “

Ban quản lý Cụm di tích Đình – Chùa thôn Nhất trân trọng đề nghị: Mọi sự ủng hộ của quý vị, xin liên hệ và gửi về địa chỉ sau đây:

Ban quản lý di tích Đình Nhất , xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Điện thoại: 84.0351.3830840 (Ông Đinh Hồng Chiến ) hoặc 84.0351.3831444 (ông Phạm Văn Bang)

Ks. Phạm Văn Bào

( ĐT: 04. 36411927 / 01663095749)
Có 0 nhận xét cho bài này "Trùng tu Đình thờ Phạm Sùng"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi