Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

29 tháng 3, 2009

ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT CLB DOANH NHÂN HỌ PHẠM VIỆT NAM

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 3 29, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

LBT: Đầu năm 2008, BLL họ Phạm Việt Nam đã có chủ trương thành lập CLB DNHPVN nhằm mục đích tập hợp các doanh nhân họ Phạm là chủ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau cùng phát triển trong lĩnh vực sản xuất; kinh doanh. Đồng thời với tinh thần đồng tông đồng tộc, các doanh nhân họ Phạm cũng góp phần vào việc họ phù hợp với tâm nguyện, đóng góp cho sự phát triển ngày càng tốt đẹp những hoạt động việc họ của dòng họ Phạm Việt Nam.

Cuối tháng 9-2008, BLL họ Phạm VN đã thành lập Ban vận động thành lập CLB DNHPVN.

Qua hơn 4 tháng vận động, ngày 10-01-2009, tại Hà Nội, Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam và Ban Vận động thành lập CLB DNHPVN đã tiến hành Hội nghị cùng với một số doanh nhân họ Phạm, đã trao đổi và thống nhất thành lập CLB DNHPVN, và đã cử ra Ban Chủ nhiệm lâm thời gồm 16 thành viên và bầu 1 Chủ nhiệm và 3 phó Chủ nhiệm để chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ nhất CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số nét rất khái quát về Đại hội lần thứ nhất CLB DNHPVN vừa diễn ra ngày 29-3-2009 tại Hà Nội.


Các đại biểu và khách mời vào Hội trường Đại hội để chuẩn bị khai mạc

Sau gần ba tháng chuẩn bị khẩn trương, ngày 29-3-2009, được sự chấp thuận của Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam, Đại hội lần thứ nhất CLB DNHPVN đã được tiến hành trọng thể tại Hội trường Khách sạn Sông Nhuệ, Hà Đông, Thủ đô Hà Nội.

Về dự Đại hội có gần 100 đại biểu là người họ Phạm hiện đang đảm trách chức danh Chủ tịch HĐGT, Tổng giám đốc, Giám đốc,… của một số doanh nghiệp.


Ông Phạm Thể Duyệt phát biểu ý kiến trước Đại hội

Nhiều vị đại biểu vì có những lý do “bất khả kháng” nên đã không về dự Đại hội, nhưng đã có thư, điện thoại đăng ký là Hội viên CLB; có một số vị đã gửi lẵng hoa đến chào mừng Đại hội. Trong số khách mời của Đại hội, có một số vị là cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không đến dự được nhưng đã gửi lời chúc hoặc lẵng hoa chào mừng: có lời chúc Đại hội thành công của ông Phạm Gia Khiêm Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, có lẵng hoa của ông Phạm Khôi Nguyên - Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường và ông Phạm Minh Tuyên Uỷ viên Trung ương Đảng , Uỷ viên Thường vụ Quốc hội đều đã gửi lẵng hoa đến chào mừng Đại hội.

Đại hội đã vinh dự được đón tiếp 15 vị khách mời, trong đó có 10 đại diện của BLL họ Phạm Việt Nam và 05 đại diện một số cơ quan hữu quan ở Trung ương và Hà Nội.


Ông Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố Hà Nội
phát biểu chúc mừng và tặng hoa Đại hội

Một số cơ quan báo chí, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội và Hải Dương đã đến dự và đưa tin về Đại hội.

Đặc biệt, đến dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam có ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hằng - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương, Uỷ viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cũng về dự và tặng hoa cho Đại hội.


Ông Phạm Đình Nhân - Phó trưởng ban thường trực BLL họ Phạm Việt Nam
trình bày văn kiện Đại hội

Bài ca Họ Phạm trong lòng mẹ Việt Nam và các bản nhạc hùng tráng được nhiều người ưa thích, nhiều hình ảnh và tư liệu về hoạt động của BLL họ Phạm Việt Nam đã được phát liên tục trên hệ thống loa và trên màn hình tại hội trường Đại hội trong thời gian các đại biểu làm các thủ tục đăng ký đại biểu, đăng ký Hội viên CLB trước khi khai mạc Đại hội đã làm cho không khí Đại hội thêm tưng bừng, vui vẻ.

Đại hội đã diễn ra theo đúng chương trình đã định. Các đại biểu đã phát biểu đóng góp cho các báo cáo và dự thảo văn kiện Đại hội, thật là sôi nổi và xúc động. Thời gian làm việc của Đại hội đã phải kéo dài đến 12 giờ 45 mới kết thúc (chúng tôi sẽ đăng tải dần các văn kiện Đại hội và chọn lựa một số bài phát biểu để đăng tải trên website hophamvietnam.org để quý vị tham khảo)
Đại hội lần thứ nhất CLB DNHPVN đã kết thúc bằng việc bầu ra một Ban chủ nhiệm nhiệm kỳ 3 năm 2009 – 2011, gồm 30 vị, xem danh sách tại đây.


Ông Phạm Quang Hoàn-Chủ nhiệm CLB DNHPVN khóa I

Chiều ngày 29-3-2009, sau tiệc chào mừng kết quả Đại hội, Ban chủ nhiệm khoá I của CLB đã nhóm họp để cử ra bộ phận Ban thường trực Ban chủ nhiệm CLB gồm 10 vị:        
1 Chủ nhiệm: Phạm Quang Hoàn
4 Phó Chủ nhiệm: Phạm Nhật Vượng, Phạm Thị Loan (Tập đoàn Việt Á), Phạm Thiện Căn, Phạm Văn Căn
1 Tổng thư ký: Phạm Đình Điểu
4 Ủy viên: Phạm Hùng, Phạm Hồng Điệp, Phạm Văn Thể, Phạm Mạnh Thắng



Bà Phạm Thị Loan Tồng giám đốc Tập đoàn Việt Á
một gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam

Vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập, chúng ta tin tưởng rằng, CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam sẽ ngày càng thu hút được nhiều vị doanh nhân họ Phạm vừa say sưa, năng động trong hoạt động kinh doanh, lại vừa có nhiều tâm huyết hướng về cội nguồn dòng họ với những việc làm để “Tri ân tiên tổ”, ủng hộ các hoạt động nhằm giữ gìn gia phong, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ Phạm Việt Nam.


BS Phạm Văn Căn-Trưởng ban liên lạc họ Phạm Tp Hồ Chí Minh,
đại biểu đại diện các doanh nhân thành phố mang tên Bác

Chúc Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam ngày càng lớn mạnh và hoạt động hiệu quả thiết thực.

Hữu Lâm

»»  Đọc tiếp

28 tháng 3, 2009

Các Tiến sĩ Nho học họ Phạm ở tỉnh Hải Dương

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 3 28, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Phạm Văn Chức
Trưởng Ban Biên tập VH-Văn nghệ - Đài PT-TH Hải Dương
(Sưu tầm & biên soạn)

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp..." đó là lời tựa của tấm bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn miếu Quốc Tử Giám-Hà Nội.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài, nên ngay sau khi giành được quyền độc lập tự chủ sau gần 1000 năm Bắc thuộc, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục - đào tạo nhân tài. Năm 1075 (Triều Lý), khoa thi tuyển chọn nhân tài bậc cao đầu tiên của đất nước được tổ chức tại kinh thành Thăng Long và khoa thi cuối cùng về Nho học vào năm 1919 (Triều Nguyễn).

Xứ Đông xưa- Hải Dương nay, là vùng đất giàu tiềm năng và văn hiến, tự hào là nơi cung cấp nhiều nhân tài và vật lực, đóng góp quan trọng vào việc hình thành nên văn hoá phố phường Thăng Long. Trong 9 thế kỷ thi tuyển, nho sĩ Hải Dương đã đạt thành tích vẻ vang. Theo kết quả nghiên cứu hiện nay thì từ khoa thi đầu tiên đến khoa thi cuối cùng, tỉnh Hải Dương (xét theo đơn vị hành chính cả xưa và nay) đều có số Tiến sĩ nho học đứng đầu cả nước về cả cấp tỉnh thành phố, cấp huyện và cấp làng xã.

+ Xét theo đơn vị hành chính cấp tỉnh:- Tỉnh cũ có 637/ 2898 Tiến sĩ, chiếm 22% so với cả nước. Tỉnh mới có 486/2898 tiến sĩ, chiếm 17%.

+ Xét theo đơn vị hành chính cấp huyện: Huyện Nam Sách có 125 Tiến sĩ.

+ Xét theo đơn vị hành chính cấp làng xã thì làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang có 39 vị Tiến sĩ, nhiều nhất cả nước.

Trong tổng số 637 Tiến sĩ Nho học Hải Dương cũ, có 622 vị đã được ghi trong Đăng khoa lục & Các nhà khoa bảng Việt Nam, 15 vị được sưu tầm bổ sung từ các tư liệu khác. Những Tư liệu này đều được chú dẫn sau tiểu sử các vị Tiến sĩ.

Lại nói về sự học, từ Thế kỷ XV Nguyễn Trãi cũng đã nói trong một bài thơ Nôm:

Nên thợ nên thầy vì có học,
No ăn no mặc bởi hay làm.


(Nguyễn Trãi toàn tập- Nxb KHXH-Hà Nội-1978, tr. 454)

đó là chân lý muôn đời.

Noi theo truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam, truyền thống trọng đạo học của xứ Đông, cùng với nhiều dòng họ khác trong tỉnh, những người Họ Phạm ở Hải Dương đã có đóng góp đáng kể vào bảng vàng tại tất cả các kỳ thi, qua các triều đại. Gần 1000 năm, trong tổng số 637 vị Tiến sĩ Nho học Hải Dương, người họ Phạm tự hào có 95 vị (15%).

Trong bài biên khảo này, xin lần lượt giới thiệu tới bà con trong dòng tộc họ Phạm, cùng những người quan tâm, tóm tắt về các vị Tiến sĩ họ Phạm Hải Dương theo hệ thống qua các triều đại. Để từ đó chúng ta cùng tự hào thêm, về tổ tiên, về dòng tộc. Cũng thông qua đó, hy vọng mang đến cho bà con trong dòng tộc những thông tin có thể rất cần thiết nào đó trong việc tìm về cội nguồn đối với mỗi chi phái, cành, nhánh... họ Phạm cả nước. Và đó cũng vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của một người con họ Phạm đối với Việc họ. Bài viết được sưu tầm và biên soạn từ những tài liệu tin cậy hiện được lưu hành tại Hải Dương, nhưng rất có thể còn chưa đầy đủ, cần có sự bổ sung của các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn trong và ngoài dòng tộc chúng ta.

Danh sách được thống kê theo niên đại lịch sử. Triều đại nào không có không ghi. Số Tiến sĩ được sắp xếp thứ tự từ 1 đến 93, không theo thứ tự A, B, C...

A. Triều Lý (1010- 1225)

•1- Phạm Tử Hư (? - ?)

Người xã Nghĩa Lư (Nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng). Đỗ Đệ tam giáp, khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn, đời Lý Huệ Tông, niên hiệu Kiến gia thứ 3 (1213) làm đến Tham tụng, Lại bộ Thượng thư, phong Trình Quốc công. Ông là ông nội Phạm Văn Tuấn, tằng tổ Phạm Văn Hoán.

B. Triều Trần (1226-1400)

•2- Phạm Văn Tuấn (?-?)

Người xã Nghĩa Lư (Nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng). Ông là cháu Phạm Tử Hư, cha của Phạm Hoán. Đỗ Bảng nhãn, khoa thi Đại tỉ Thủ sĩ năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 15 (1246) đời Trần Thái Tông. Làm quan đến chức Hành khiển, hàm Thái phó, tước Trình Quốc công. Khi mất được tặng Tư đồ.

•3- Phạm Sư Mạnh (?-?)

Người hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn (nay là xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn). Tự là Nghĩa Phu, hiệu Uý Trai. Là học trò của Chu Văn An, thi đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông (1314-1329). Năm 1345 được cử tiếp sứ nhà Nguyên. Năm Thiệu Phong thứ 6 (1346) giữ chức Trưởng bạ thư kiêm chức Tham chính viện khu mật. Năm đầu Đại Trị (1358) thăng Nhập nội hành khiển. Sang năm 1359 đổi làm Hành khiển lang trung ở Tả y. Năm 1365 coi việc Viện Khu mật, thăng chức Nhập nội nạp ngôn.

•4- Phạm Hoán (?-?)

Người xã Nghĩa Lư (Nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng). Đậu Thái học sinh niên hiệu Long Khánh 2 (1374) đời Trần Duệ Tôn. Làm quan đến Hàn Lâm học sĩ (Theo Phạm Huy Ôn và Gia phả họ Phạm làng Nghĩa Phú).

C. Triều Lê sơ (1428-1527)

•5- Phạm Như Trung (1413-?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 30 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442). Làm quan đến chức Đông các hiệu thư.

•6- Phạm Bá Khuê (1419-?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi Quý Dậu, niên hiệu Thái Hoà 11 (1453). Làm quan đến chức Thị lang. Được cử đi sứ nhà Minh (12-1464). Là ông nội của Phạm Bá Dương, viễn tổ của Tiến sĩ Phạm Hưng Nhân, Phạm Khắc Minh, Phạm Minh Tuấn.

7-Phạm La (?-?) (Liệt truyện đăng khoa bị khảo, chép là Phạm Hoàn)

Người xã An Lạc, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Trắc Châu, xã An Châu, huyện Nam Sách). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hoà 11 (1453), được vua chọn làm Phò mã. Làm quan tới chức Chỉ huy thiêm sự.

•8- Phạm Lỗ (?-?)

Người xã Lỗi Dương, huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang). 20 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận 4 (1463). Làm quan tới chức Hữu thị lang bộ Hình. Ông là anh của tiến sĩ Phạm Xán.

•9- Phạm Xán (1444 -?)

Người xã Lỗi Dương, huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang).

32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475). Làm quan tới chức Hàn lâm.

Ông là em của Tiến sĩ Phạm Lỗ. (Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục, ghi ông đỗ năm 33 tuổi; Liệt huyện đăng khoa bị khảo, lại ghi ông đỗ năm 22 tuổi).

10- Phạm Miễn Lân (?-?)

Người xã An Trang, huyện Lang Tài, Kinh Bắc (nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478). Làm quan tới chức Đình uý sứ.

* 11- Phạm Chuyết (1439-?)

Người xã Kim Lan, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Kim Quan, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481). Làm quan tới chức Hữu Thị lang.

•12- Phạm Cẩn Trực (?-?)

Người xã Đàm Xá, huyện Trường Tân (nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc).

Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn, niện hiệu Hồng Đức thứ 15

(1484). Làm quan tới chức Phủ doãn phủ Phụng Khiên. Thành viên hội Tao đàn.

•13- Phạm Trí Khiêm (?-?)

Người xã An Trang, huyện Lang Tài, Kinh Bắc (nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). 24 tuổi đỗ Hội nguyên Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484). Làm quan tới chức Đông các hiệu thư. Thành viên hội Tao đàn. (Sách Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục, ghi ông đỗ tiến sĩ năm 34 tuổi).

•14- Phạm Văn Ngọc (1456-?)

Người xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách). 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15 (1484). Làm quan tới chức Giám sát ngự sử.

•15- Phạm Chân (1461-?)

Người xã Kim Lan, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Kim Quan, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng). 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Làm quan tới chức Đông các đại học sĩ.

* 16- Phạm Hạo (?-?)

Người xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành (nay là thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Làm quan tới chức Thượng thư. Ông là hậu duệ của Phạm Mại, ông nội của Phạm Gia Mô.

•17- Phạm Tuấn (1453-?)

Người xã Truân Bối, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Đồn Bối, xã Nam Hồng, huyện Nam Sách). 35 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Làm quan tới chức Tri phủ.

•18- Phạm Quảng Hiếu (1447 -?)

Người xã Uông Hạ, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách). 44 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Làm quan tới chức Thị Lang.

•19- Phạm Ngọc Uyên (? - ?)

Quê Mặc Dương - Tứ Kỳ, đỗ Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490).

•20- Phạm Tông (1461 - ?)


Người xã An Lương, huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Lâm, huyện Nam Sách). 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Làm quan tới chức Hiến sát sứ.

•21- Phạm Dương (1470 - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 24 tuổi đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức 24 (1493). Làm quan tới chức Tham chính.

Ông là cháu nội của tiến sĩ Phạm Bá Khuê, là bác của Phạm Hưng Nhân, ông nội Phạm Khắc Minh, tằng tổ Phạm Văn Tuấn.

* 22- Phạm Cảnh Lương (? - ?)

Người xã Bất Náo, huyện Kim Thành (nay thuộc xã Kim Anh, huyện Kim Thành). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức 27 (1496).

•23- Phạm Duy Viên (?- ?)

Người thôn Ngọc Cục, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499). Làm quan tới chức Lục sự.

•24- Phạm Quang Tán (1474 - ?)

Người xã Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 26 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống 2 (1499). Làm quan tới chức Tham chính.

Ông là cha Phạm Y Doãn (còn có tên là Toàn), ông nội của Phạm Phúc Khánh.

•25- Phạm Bỉnh Toàn (? - ?)

Người xã Ngọc Kỳ thượng, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Tứ Kỳ thượng, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505).

•26- Phạm Đôn Thước (1484 - ?)

Người xã Lạc Thực, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Lạc Thực, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách). 22 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505). Làm quan tới chức Hiến sát sứ.

* 27- Phạm Gia Mô (1474 - ?)

Người xã Quỳnh Khê, huyện Kim Thành (nay là thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành). 30 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505). Làm quan tới chức Thượng thư, gia phong chức Bình chương quân quốc sự, hàm Thái sư, tước Hải quốc công.

Nguyên quán xã Lê Xá, huyện Nghi Dương (Nay là thôn Lê Xá, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Được mở phủ đệ riêng. Cháu ba đời của Phạm Cao, cháu xa đời của Phạm Mại (đời Trần).

* 28- Phạm Thuần Nhân (? - ?)

Người xã Bì Đổ, huyện Đường An (nay thuộc xã Cổ Bì, huyện Bình Giang). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505). Làm quan tới chức Hình bộ hữu Thị lang. Ông từng được cử đi sứ nhà Minh.

* 29- Phạm Nguyên (?- ?)

Người xã Triền Đông, huyện Đường An (nay là thôn Lý Đông, xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511). Làm quan tới chức Phó Đô ngự sử.

30-Phạm Vĩnh Toán (1488 - ?)

Người xã Hoa Xá, huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc). 24 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511). Làm quan tới chức Thượng thư, tước hầu. Khi mất được thăng Quận công.

31- Phạm Chính Nghị (1486-?)

Người xã An Trang, huyện Lang Tài, Kinh Bắc (nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514). Làm quan tới chức Thượng thư, tước bá.

Ông là con của Phạm Miễn. " Lịch huyện đăng khoa bị khảo" ghi đỗ năm 24 tuổi, chức quan Văn trường bá. Làm quan thời nhà Mạc.

32-Phạm Thọ Chất (? - ?)

Người xã Cao La (nay là thôn Cao La, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514). Làm quan tới chức Thượng thư.

* 33- Phạm Doãn Chấp (?-?)

Người xã Đồng Lại, huyện Trường Tân (nay là thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523). Làm quan tới chức Giám sát ngự sử.

* 34- Phạm Doãn Giản (?-?)

Người thôn Phan Hà (Phan Xá), huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523). Làm quan tới chức Thừa chính sứ. " Liệt huyện đăng khoa bị khảo" ghi là Nguyễn Doãn Giản.

* 35- Phạm Hưng Nhân (? - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523). Làm quan tới chức Tham chính.

* 36- Phạm Quả Đoán (?-?)

Người xã Cao Duệ, huyện Gia Phúc (nay là thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523). Làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử.

37-Phạm Sở Ngọc (1483 - ?)

Người xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thôn Đồng Khê, xã An Lâm, huyện Nam Sách). 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523). Làm quan tới chức Thừa chính sứ.

38-Phạm Minh Lượng (1496 -?)

Người xã Kim Lan, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Kim Quan, xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng). 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên 5 (1526). Làm quan tới chức Thượng thư, tước bá.

Nguyên tên ông là Phạm Quang Tá, đã dự thi Hội khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu 2 (1520) và được lấy trúng cách. Vì ông giấu việc gia đình có tang mà vào thi Đình nên bị truất khảo không được thi. Đến khoa thi Bính Tuất, Thống Nguyên 5 (1526) lại thi nhưng đổi tên là Phạm Minh Lượng.

39- Phạm Vĩnh Truyền (1474 -?)


Người xã An Trang, huyện Lang Tài, Kinh Bắc (nay là xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). 53 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên 5 (1526). Làm quan tới chức Thượng thư, tước hầu.

D. Triều Mạc (1527-1592)

40-Phạm Huy (? - ?)

Người xã Mạc Xá, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Mạc Xá, xã Minh Tân, huyện Nam Sách). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức 3 (1529). Làm quan tới chức Tham chính.

•41- Phạm Khánh Tường (1510 -?)

Người xã Cao Duệ, huyện Trường Tân (nay là thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3 (1532). Làm quan tới chức Tham chính.

•42- Phạm Khắc Hựu (?-?)

Người xã Sùng Đức, huyện Gia Phúc (nay là thôn Thị Đức, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Đại Chính 3 (1532). Làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử.

•43- Phạm Duy Tinh (1510 -?)

Người xã Tùng Xá, huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện). 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính 9 (1538). Làm quan tới chức Thừa chính sứ.

•44- Phạm Khuông Đỉnh (?-?)

Người xã An Trang, huyện Lang Tài, Kinh Bắc (nay thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). Đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính 9 (1538). Làm quan tới chức Hàn lâm viện kiểm thảo.

" Lịch huyện đăng khoa bị khảo" chép nhầm vào niên hiệu Đại Chính 6.

•45- Phạm Công Sâm (1504 - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 38 tuổi đỗ Đệ nhất giáp đồng Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bảng nhãn), khoa Tân Sửu, đời Mạc Phúc Hải, niên hiệu Quảng Hoà 1 (1541). Làm quan tới chức Thừa chính sứ.

•46- Phạm Nguyện (1506 - ?)

Người xã Phúc Khê, huyện Đường An (nay thuộc thôn Lôi Khê, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Sửu, đời Mạc Phúc Hải, niên hiệu Quảng Hoà 1 (1541). Làm quan tới chức Hàn lâm.

" Lịch huyện đăng khoa bị khảo" ghi đỗ năm 36 tuổi.

•47- Phạm Lệnh Nhân (1524 - ?)

Người xã Đồng Khê, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Đồng Khê, xã An Lâm, huyện Nam Sách). 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1553). Làm quan tới chức Thị Lang.

•48- Phạm Xưởng (1524 - ?)

Người xã Luỹ Dương, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Luỹ Dương, xã Gia Lương, huyện Gia Lộc). 39 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 6 (1553). Làm quan tới chức Hiến sát sứ.

•49- Phạm Trấn (1523 - ?)

Người xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc (nay là thôn Lam Cầu, xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc). 34 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng Nguyên), khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo 2 (1556). Làm quan tới chức Thừa chính sứ.

•50- Phạm Đăng Sĩ (1514 - ?)

Người xã Đoàn Bái, huyện Gia Phúc (nay là thôn Đoàn Bái, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo 5 (1559). Làm quan tới chức Thừa chính sứ. Ông là bác họ của Tiến sĩ Phạm Hồng Nho.

•51- Phạm Duy Quyết (1521 - ?)

Người xã Xác Khê, huyện Chí Linh (nay là thôn Kim Khê, xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách). 42 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng Nguyên), khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Quang Bảo 9 (1562). Làm quan tới chức Đông các đại học sĩ, tả Thị Lang, tước Xác Khê Hầu. Sau khi mất được tặng chức Thượng thư.

" Liệt truyện Đăng khoa bị khảo" ghi là Phạm Duy Ưởng; " Danh nhân truyện ký" lại ghi tên ông là Phạm Duy Anh. Có sách còn ghi tên ông là Phạm Duy Trĩ. Khoa thi này (1562) chỉ lấy đỗ 18 Tiến sĩ.

Ông là học trò của Nguyễn Khắc Kính và thầy trò cùng dự thi một khoá. Nguyễn Khắc Kính chỉ đỗ Tiến sĩ. Vì thế trong dân gian có câu: " Trò Trạng nguyên, thầy Tiến sĩ ".

•52- Phạm Hoành Tài (1530 - ?)

Người xã Thượng Đỗ, huyện Kim Thành (nay là thôn Thượng Đỗ, xã Thượng Vũ, huyện Kim Thành). 26 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Ất Sửu, niên hiệu Thuần Phúc 4 (1565). Làm quan tới chức Tự khanh kiêm Đông các.

•53- Phạm Điển (1531 - ?)

Người xã Ngọc Cục, huyện Đường An (nay là thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, đời Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Sùng Khang 3 (1568). Làm quan tới chức Lễ bộ tả Thị lang. Ông là cha Tiến sĩ Phạm Liễn.

•54- Phạm Khắc Kiệm (1529 - ?)

Người xã An Vệ, huyện Gia Phúc (nay là thôn An Vệ, xã Đức Xương, huyện Gia Lộc). 43 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Tân Mùi, niên hiệu Sùng Khang 6 (1571). Sau theo giúp nhà Lê. Làm quan tới chức Thừa chính sứ.

•55- Phạm Thọ Khảo (1543 - ?)

Người xã La Xá, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn La Xá, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ). 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, niên hiệu Sùng Khang 6 (1571). Làm quan tới chức Tả thị lang bộ Lễ.

•56- Phạm Duy Tinh (1546 - ?)

Người xã Hàm Cách, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Hàm Cách, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ). 32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang 12 (1577). Làm quan tới chức Cấp sự trung.

•57- Phạm Khắc Minh (1545 - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay là thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành 3 (1580). Làm quan tới chức Thượng thư, tước hầu. Ông là bác Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, ông nội của Phạm Văn Khuê.

•58- Phạm Đình Quang (? - ?)

Người quán An Trang, trú quán tại xã Cổ Lãm, huyện Lang Tài (nay là An Trang, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng). Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên 5 (1526). Làm quan tới chức Hiến sát sứ.

•59- Phạm Đức Mậu (1551 - ?)

Người xã Nghĩa Dũng (nay là thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ). 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Diên Thành 6 (1583). Làm quan tới chức Cấp sự trung.

" Liệt huyện đăng khoa bị khảo" ghi đỗ năm 22 tuổi, sau thăng Giám sát ngự sử.

•60- Phạm Hiến (1552 - ?)

Người xã Thiên Đồng, huyện Kim Thành (nay là thôn Thiên Đồng, xã Kim Tân, huyện Kim Thành). 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 1 (1586). Làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử. Quy thuận nhà Lê, sau quay về làm quan với nhà Mạc.

•61- Phạm Minh Nghĩa (1558 - ?)

Người xã Phí Xá, huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện). 29 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái 1 (1586). Làm quan tới chức Đề hình giám sát ngự sử.

Trú quán xã Kinh Dương, tổng Chiêu Lai, huyện Đường Hào (Nay thuộc xã Thái Dương, huyện Bình Giang). Sau theo về nhà Lê, được thăng chức Tham chính.

•62- Phạm Khắc Khoan (1544 - ?)

Người xã Mạc Xá, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Mạc Xá, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ). 46 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Làm quan tới chức Tham chính.

•63- Phạm Viết Tuấn (1549 - ?)

Người xã La Xuyên, huyện Thanh Lâm (nay là thôn La Xuyên, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách). 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Làm quan tới chức quan Giám sát ngự sử, tước Trí Xuyên bá. Sau quy thuận nhà Lê.

•64- Phạm Doãn Toàn (1563 - ?)


Người xã Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Mạn Nhuế, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị 2 (1589). Làm quan tới chức quan Giám sát ngự sử.

Quy thuận nhà Lê, làm quan thời này. Ông là con của Phạm Quang Tán, là cha của Phạm Phúc Khánh.

" Lịch triều đăng khoa lục" ghi nhầm là Phạm Y Toàn.

•65- Phạm Hồng Nho (1555 - ?)

Người xã Đoàn Bái, huyện Gia Phúc (nay là thôn Bái, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc). 38 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592). Làm quan tới chức hữu Thị lang, tước bá. Tham chính xứ Kinh Bắc.

" Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục" ghi tên là Phạm Mậu Nho, người xã Đoàn Bái, huyện Gia Lâm.

E. Triều Lê Trung Hưng

•66- Phạm Khuê (1564 - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay là thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 47 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, đời Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định 11 (1610). Làm quan tới chức Hàn lâm viện hiệu thảo.

Ông là cháu nội Tiến sĩ Phạm Khắc Minh, ông nội Phạm Văn Tuấn.

•67- Phạm Phúc Khánh (1579 - ?)


Người xã Mạn Nhuế, huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 45 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Hợi, niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623). Làm quan tới chức Tự khanh, tước tử. Ông là cháu nội của Phạm Quang Tán, con của Phạm Y Toàn.

•68- Phạm Liễn (1584 - ?)

Người xã Ngọc Cục, huyện Đường An (nay là thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hoà 3 (1637). Làm quan tới chức quan Công bộ hữu Thị lang, về trí sĩ. Ông là con của Phạm Điển, khi mất được tặng chức Hữu thị lang bộ Hộ.

•69- Phạm Đậu (1610 - ?)


Người xã Thái Thạch (nay là thôn Thái Thạch, xã Hùng Sơn, huyện Thanh Miện). 31 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hoà 6 (1640). Làm quan tới chức Hình khoa đô cấp sự trung, tước nam.

•70- Phạm Văn Tuấn (1598 - ?)

Người xã Nhân Lý, huyện Thanh Lâm (nay là thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách). 49 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 (1646). Làm quan tới chức Giám sát.

Ông là cháu nội Phạm Khuê, cháu họ Phạm Khắc Minh, viễn tôn Phạm Hưng Nhân, đều là Tiến Sĩ.

•71- Phạm Tĩnh (1629 - ?)

Người xã Mặc Xá (nay là thôn Mặc Xá, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ). Thi hương đỗ Giải nguyên. 42 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị 8 (1670). Làm quan tới chức Tham chính.

Ông là cháu nội của Phạm Khắc Khoan.

•72- Phạm Hữu Dung (1652 - ?)


Người xã Ngọc Cục, huyện Đường An (nay là thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). Trước đã đỗ khoa Sĩ Vọng, 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680). Làm quan tới chức Cấp sự trung.

•73- Phạm Minh (1672 - 1746)

Người xã My Thự, huyện Đường An (nay là xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang). 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Chính Hoà 24 (1703). Làm quan tới chức Tả thị lang bộ Công, tước hầu, về trí sĩ. Sau đổi tên là Phạm Ích Minh. Khi mất được tặng chức Thượng thư.

•74- Phạm Đỉnh Chung (1687 - ?)

Người xã Tuấn Kiệt, huyện Đường An (nay thuộc xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang). 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái 5 (1724). Làm quan tới chức Hữu thị lang, về trí sĩ, sau khi mất được tặng chức Hữu thị lang bộ Hộ.

Bia "Bảo Thái ngũ niên Giáp Thìn khoa tiến sĩ đề danh ký" ghi tên ông cùng tên các tiến sĩ đồng khoa, dựng tại Văn miếu Quốc Tử giám, Hà Nội.

•75- Phạm Trọng Côn (1689 - ?)

Người làng Đan Trường, huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Đan Tràng, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng). 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái 5 (1724). Làm quan đến hàm Đãi chế, về trí sĩ.

•76- Phạm Dương Ưng (1737 - ?)

Người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). Trú quán phường Phục Cổ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Thi Hương đỗ Giải Nguyên, 27 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 24 (1763). Làm quan tới chức Đông các học sĩ, Phó đốc thị đạo Thuận Quảng.

•77- Phạm Đồng Viện (1717 - ?)

Người xã La Đôi, huyện Thanh Lâm (nay là thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách). 50 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng 27 (1766). Chức quan Thị giảng, về trí sĩ. Sau đổi tên là Phạm Đình Toại.

•78- Phạm Quý Thích (1759 - 1825)

Tự Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, Thảo Đường cư sĩ. Người xã Hoa Đường, huyện Đường An (nay thuộc thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang). 20 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 40 (1779). Làm quan tới chức Thiêm sai tri công phiên.

Thời Tây Sơn về ở ẩn. Khi Gia Long lên ngôi triệu ông vào Phú Xuân bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích an hầu, đốc phủ Hoài Đức (Hà Đông). Năm Đinh Mão (1807) làm Giám thi trường thi Sơn Nam. Sau ông cáo quan về dạy học, nhiều người thành đạt. Ông mất tại quê nhà. Ông là người soạn một số văn bia hiện còn trên địa bàn thành phố Hà Nội.


TIẾN SĨ NHO HỌC ĐẤT HẢI DƯƠNG XƯA, NAY THUỘC TỈNH KHÁC

•I- Chuyển sang Hải Phòng

•79- Phạm Đức Khản

Người xã Hội Am, huyện Vĩnh Lại (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Có tài liệu ghi là Phạm Đức Trung. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hoà 6 (1448), đời Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Tả thị lang.

•80- Phạm Bá

Người xã Phắc Xuyên, huyện Tân Minh (nay là thôn Phác Xuyên, xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Đỗ Đình nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận 10 (1469), làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, nhập thị kinh diên, tước Xuyên quận công trí sĩ.

•81- Phạm Minh Du (1491 - ?)

Người xã Cẩm Hà, huyện An Lão, theo LHĐK là xã Cẩm Bồ, huyện Tiên Minh, (nay thuộc huyện An Hải, Hải Phòng). Cha của Phạm Đốc Phi. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514), đời Lê Tương Dực, làm quan đến chức Thừa chính sứ.

•82- Phạm Tri Chỉ

Người xã Bắc Tạ, huyện Tứ Kỳ (nay là thôn Bắc Tạ, xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Sùng Khang 3 (1568), đời Mạc Mậu Hợp, quy thuận nhà Lê, làm quan đến chức Thị lang.

•83- Phạm Đình Trọng (1714 - 1754)

Người xã Khinh Dao, huyện Giáp Sơn (nay là thôn Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Hải, Hải Phòng). 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Vĩnh Hựu 5 (1739), đời Lê Ý Tông, từng giữ chức Phó đô ngự sử. Bồi tụng, tước Dao lĩnh hầu. Hiệp trấn ba đạo Đông, Nam, Bắc thống lĩnh quân dẹp Nguyễn Hữu Cầu, thăng Thượng thư bộ Binh, hàm Thái tuế, thái phó, tước Hải quận công, mất tại quân doanh truy tặng tước Đại vương, phong Phúc thần.

•II- Chuyển sang Hưng Yên

•84- Phạm Hựu (1522 - ?)

Người xã Đào Xá, huyện Đường An (nay là thôn Đào Xá, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi). 50 tuổi đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, niên hiệu Sùng Khang 6 (1571), đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Tham chính.

•85- Phạm Hữu Năng (1563 - ?)

Người xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng (nay thuộc thôn Cẩm Sơn, xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào). 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh 2 (1592), đời Mạc Mậu Hợp. LHĐK ghi năm 36 tuổi đỗ Đình nguyên. Theo nhà Lê làm đến chức Hiến sát sứ.

•86- Phạm Công Trứ (1602 - 1675)

Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào (nay là thôn Liêu Xuyên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Hào). Cha của Phạm Công Phương.

27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628), đời Lê Thần Tông. Làm quan đến Tham tụng, Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, chưởng lục bộ sự, Thiếu bảo được ban Quốc Lão, tước Yên quận công.

•87- Phạm Quang Chiếu (1650 - ?)

Người xã Đào Xá, huyện Đường An (nay là thôn Đào Xá, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi). 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị 1 (1676), đời Lê hy Tông. Làm quan đến chức Cấp sự trung. Sau khi mất tặng Đô cấp sự trung.

•88- Phạm Công Phương (1642 - ?)

Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào (nay là thôn Liêu Xuyên, xã Nghĩa Hiệp, huyện Mỹ Hào). Con của Phạm Công Trứ.

39 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680), đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Cấp sự trung. Sau khi mất tặng Binh khoa đô cấp sự trung, Tước nam.

•89- Phạm Sĩ Thuyên (1697 - ?)

Người xã Trung Lập, huyện Đường Hào (nay là thôn Trung Lập, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào). Thi Hương đỗ Giải nguyên, 47 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743). Làm quan đến chức Hàn lâm thị thư, Tước bá, về trí sĩ.

•90- Phạm Sĩ Ái (1806 - ?)

Người xã Trung Lập, huyện Đường Hào (nay là thôn Trung Lập, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào). Cử nhân khoa Mậu Tý (1828). 27 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832). Làm quan đến chức Hàn lâm viện biên tu. Tri phủ Cam lộ án sát Hà Tĩnh, Thị lang bộ Binh, chủ khảo trường thi Gia Định. Bị ốm mất tại chức.

•91- Phạm Xuân (1850 - ?)

Người xã Bạch Sam, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào). Cử nhân khoa Giáp Tuất (1874). 26 tuổi đỗ Phó bảng, khoa Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức (1875). Làm quan ngự sử.

•92- Phạm Văn Thụ (1858 - 1930)

Tự Đàn Viên, hiệu Đông Bạch Thái. Người xã Bạch Sam, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào). Cử nhân khoa Tân Mão (1891). 35 tuổi đỗ Phó bảng, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái 4 (1892). Làm Liêm phóng sứ ở Phủ Thống sứ (Pháp), sau là Tri phủ Tiên Hưng, Tổng đốc Nam Định, vào Huế thăng chức Thượng thư bộ Hộ.

 •III- Chuyển sang Bắc Ninh

•93- Phạm Đoan Lương

Người xã Lại Thượng, huyện Thanh Lâm (nay là thôn Lại Nguyễn, xã Lại Hạ, huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Trú quán xã Phấn Lôi, huyện Yên Dũng (ngay là thôn Phấn Lôi, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang).

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo 2 (1556), đời Mạc Phúc Nguyên. LHĐK ghi đỗ năm 24 tuổi. Làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Tham dưỡng Hàn lâm viện sự.


BIỆT LỤC

+ Phạm Kính

Người xã Mặc Dương, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, khoa Quý Sửu, niên hiệu Cảnh Lịch 5 (1553). Theo "Tứ Kỳ Phong vật chí".

+ Phạm Duy Chu

Người xã La Xá, huyện Tứ Kỳ (nay thuộc xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Trị 14 (1571). Theo " Tứ Kỳ Phong vật chí".

-----------------------------------------------------
Rất mong nhận được sự quan tâm, tra cứu bổ sung, chỉnh lý...của dòng tộc trong toàn quốc. Tác giả xin trân trọng cảm ơn!

Mọi chi tiết xin liên hệ:

PHẠM VĂN CHỨC

Trưởng ban Văn nghệ- Đài PT-TH Hải Dương
Nhà riêng: 12/1 ngõ 73, Tập thể Tuệ Tĩnh, phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương.
Điện thoại: (0320) 6. 259. 309 ; (0320) 2. 470. 215; DĐ: 0982. 199. 309
»»  Đọc tiếp

27 tháng 3, 2009

Ông Phạm Đức Hải giữ chức Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 27, 2009 bởi PKDuong · 0 comments

Hôm qua 25.3 tại Báo Tuổi Trẻ (TP.HCM), Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trao quyết định của Ban Thường vụ Thành Đoàn về tiếp nhận, điều động và bổ nhiệm ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, giữ chức vụ Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ trong 5 năm, kể từ 26.3.2009.

Ông Phạm Đức Hải sinh năm 1963 tại Sài Gòn, trình độ thạc sĩ kinh tế, cử nhân chính trị, nguyên là Phó bí thư Thường trực Thành Đoàn.

Theo Thanh niên Online (26/03/2009)
»»  Đọc tiếp

26 tháng 3, 2009

Cuốn thư CHIẾU DỜI ĐÔ bằng sứ

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 3 26, 2009 bởi Unknown · 0 comments

Ngày 20.03.2009, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và Ban chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm đã tổ chức một đoàn hành hương do ông Phạm Đình Nhân, Phó trưởng ban Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và ông Phạm Quang Hoàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú, Phó Chủ nhiệm lâm thời Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm, với sự hướng dẫn của ông Phạm Vinh Quang, Giám đốc Công ty Đường Sáng đã lên Đền Đô, xã Đình Bảng, nơi thờ 8 vị vua Nhà Lý (Lý Bát Đế) chứng kiên lễ gắn những chữ Hán đầu tiên lên bức cuốn thư xây rộng trên 40m2 đặt trước cửa Đền. Bức cuốn thư đó bao gồm 214 chữ Hán nội dung chiếu dời đô của Lý Thái Tổ. Mỗi chữ là một tấm gốm sứ rộng 16 x 16cm đắp nổi chữ Hán men màu xanh.


Ý tưởng này đề ra do tập thể lớp Hán Nôm Hương Nam mà người chủ trì đúc chữ gốm xứ và cúng tiến cho Đền Đô là một doanh nhân người họ Phạm : Ông Phạm Xuân Hoà, người làng Gốm xứ Bát Tràng. Bức cuốn thư xây dựa vào bức tường của cổng đền do ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch xã Đình Bảng cúng tiến.
Sau đó, Đoàn hành hương còn lên chùa Tiêu Sơn, viếng cửa Chùa, thăm bức tảng đá “Lý Gia Linh thạch” (Tấm đá thiêng Nhà Lý) và bức tượng Thiền sư Vạn Hạnh, người đã có công nuôi dưỡng Lý Công Uẩn, vị vua lập nên Triều Lý và là con của bà Phạm Thị Ngà, người họ Phạm, sau này được phong là Lý triều Quốc mẫu, Minh Đức Hoàng Thái Hậu.

Sau đây là bức ảnh đoàn hành hương chụp trước cảnh đang gắn chữ trên bức cuốn thư :



---------------------------------------------------------------
Post bài: Phạm Đạo, TP.HCM, ngày 26/3/2009
»»  Đọc tiếp

BLL họ Phạm Thủ đô Hà Nội

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 3 26, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

1 Phạm Hoan 1942 63 Nguyễn Thái Học, Hà Đông 3 3824306 Trưởng ban

2 Phạm Đình Điểu 1944 42/317 Tây Sơn, Đống Đa 3 8532700 0903210030 Phó ban T.T Tổng Thư ký

3 Phạm Văn Lĩnh 1944 C10, TT1, Văn Quán, Yên Phúc, Hà Đông 3 3543377 0913 039271 Phó ban

4 Phạm Đỗ Cáp 1944 749 phố Quang Trung, Hà Đông 01686700875 Phó ban

5 Ph. Quang Nhuệ 1946 38/69 phố Chùa Láng, Đống Đa 3 7754615 0906078597 Phó ban

6 Phạm Văn Mai 1949 Xóm 4 Bát Tràng, Gia Lâm 3 8740371 Phó ban

7 Phạm Tiến Lượng 1950 27, ngõ 3A Nguyễn Trãi, Hà Đông 3 3821291 Ủy viên TT
8 Phạm T. Hải Yến 1948 206-A2 Khương thượng, Trung Tự, ĐĐa 3 8524816 Ủy viên TT
9 Phạm Kim Ngân 1950 D1 ngõ 32 Lương Đình Của, Đống Đa 3 8524819 Ủy viên TT
10 Phạm Văn Huân 1941 Lưu Xá, Đức Giang, Hoài Đức 3 3861868 Ủy viên TT
11 Phạm Văn Kỷ 1947 Thanh Liệt, Thanh Trì 3 6883014 Ủy viên TT

12 Phạm Xuân Bảo 1946 6-22/17 Ngõ Lệnh Cư, Đống Đa 3 8564728 Ủy viên
13 Phạm Thị Nhật 1931 16/70 Trung Tư, Đ Đa 3 8523039 Ủy viên
14 Phạm Quang Đại 1941 Xóm 3 Đông Ngạc, Từ Liêm 3 5378080 Ủy viên
15 Phạm Văn Đăng 1945 Tế Tiêu, Đại Nghĩa, Mỹ Đức 3 3741697 Ủy viên
16 Phạm Đình Dần 1938 Thượng Hội, Tân Hội, Đan Phượng 3 3632500 Ủy viên
17 Phạm Huy Thiết 1945 Tây Sơn, Pjương Trung, Thanh Oai 3 3871237 Ủy viên
18 Phạm Đình Chính 1934 Thôn Đia, Nam Hồng, Đông Anh 3 9580028 Ủy viên
19 Phạm Thế Vựng 1963 Xóm Tuyền, Việt Hùng, Đông Anh 3 8839103 Ủy viên
20 Phạm Thị Ứng 1950 20 Nguyễn Công Trứ, Phúc La, Hà Đông 3 3540954 Ủy viên
21 Phạm Hùng Tiến 1927 Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Hà Đông 3 3824864 0902171876. Ủy viên
22 Phạm Xuân Tiên 1954 149 ngõ 2, Thanh Bình, Mỗ Lao, Hà Đông 3 3529999 0912449588 Ủy viên
23 Phạm Văn Giai 1936 719 phố Quang Trung, Hà Đông 3 3829051 0986506178 Ủy viên
24 Phạm Ngũ Nhạc 1938 TT C/ ty sửa chữa đường bộ I , Hà Đông 3 3820139 Ủy viên
25 Phạm Xuân Hoà 1940 10 Phan Đình Giót, Hà Đông 3 3826359 Ủy viên
26 Phạm Thanh Hồng 1938 Lô 28 TT Bưu điện Văn Phú , Hà Đông 3 3824795 Ủy viên
27 Phạm Thị Mậu 1958 15 cụm 7, Quang Trung, Hà Đông 3 3826180 0982644534 Ủy viên
28 Phạm Thị Xuyến 1966 9 ngõ Cao Thắng, Yết Kiêu, Hà Đông 3 3529903 Ủy viên
29 Phạm Công Hoan 1945 35/5 TT Liên hiệp Thực phẩm, Hà Đông 3 3823195 Ủy viên
30 Phạm Văn Tiến 1949 15 TT sông Đà, Phú La, Hà Đông 3 3517918 Ủy viên
31 Phạm Văn Lưu 1947 629 Quang Trung, Hà Đông 3 3829256 Ủy viên
32 Phạm Ngọc Can 1939 6/93/19 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân 3 8537298 Ủy viên
33 Phạm Dục 1940 Thôn Hai, Đông Mỹ, Thanh Trì 3 8537298 Ủy viên
34 Phạm Công Kha 1956 2, ngõ 5, Tô Hiệu, Nguyễn Trãi, Hà Đông 3 3826535 0913 297373 Ủy viên
35 Phạm Ngọc Bích 1935 Thanh Liệt, Thanh Trì 3 6889833 Ủy viên
»»  Đọc tiếp

23 tháng 3, 2009

Cô gái trẻ gốc Việt Jasmine Phạm trở thành Á hậu Canada

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 3 23, 2009 bởi PKDuong · 0 comments

Trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Canada 2009 diễn ra hôm 22/3/2009 vừa qua, có một cô gái gốc Việt đã giành ngôi á hậu 3, đó là người đẹp 18 tuổi Jasmine Phạm.

Jasmine Phạm năm nay 18 tuổi, cao 1,75m. Cô sinh ra và lớn lên tại Ontario, Canada nhưng lại mang trong mình một phần dòng máu Việt Nam. Jasmine Phạm sẽ tốt nghiệp phổ thông vào tháng 6 tới và cô có kế hoạch theo học đại học Waterloo, Canada sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Năm 2008, Jasmine Phạm đã đăng quang Hoa hậu Kapuskasing - cuộc thi diễn ra tại thành phố nhỏ nơi cô đang sống cùng cha mẹ và nhiều anh chị em thân thích.

Cách đây ít tháng, Jasmine Phạm tham dự cuộc thi Hoa hậu tuổi teen Bắc Ontario. Cô đã vượt qua 22 thí sinh khác và giành chiến thắng với phần thưởng là vương miện, 1000 đô la tiền mặt, vòng cổ kim cương, tranh quý các một vài tác phẩm điêu khắc có giá trị khác.


Jasmine Phạm đăng quang Hoa hậu tuổi teen Bắc Ontario

Ngay sau khi giành vương miện Hoa hậu tuổi teen Bắc Ontario, Jasmine Phạm đã tuyên bố cô có ý định tham dự cả cuộc thi Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ Canada. Khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới Canada, người đẹp gốc Việt là gương mặt khá nổi trội và kết quả cuối cùng cô đã giành được danh hiệu á hậu ba.


Jasmine Phạm xinh đẹp, quyến rũ



Jasmine Phạm ngoài cùng bên trái

Cô gái trẻ xinh đẹp này là một người đam mê âm nhạc, cô tham gia biểu diễn văn nghệ khá thường xuyên tại nơi cô sinh sống và ngoài ra, Jasmine Phạm còn thích chơi bóng chuyền, bóng chày.

Đi du lịch để khám phá các nền văn hóa khác nhau cũng là một đam mê lớn của nàng á hậu duyên dáng này. Gần đây, Jasmine Phạm đã có chuyến quay lại Việt Nam, cô tâm sự là cô cảm thấy rất hạnh phúc khi được hiểu thêm về quê hương của mình.


Là một người ham học hỏi và không ngừng khám phá, phương châm sống của Jasmine Phạm là: “Đừng đi theo lối mòn mà bạn hãy tự tạo ra con đường của riêng mình”.

Jasmine Phạm tiết lộ, cô thích đọc cuốn sách Hồi ức của một geisha, thần tượng đạo diễn phim Titanic James Cameron và rất yêu quê hương Việt Nam - đất nước mà cô muốn được về thăm nhiều hơn nữa.


Vĩnh Ngọc
Theo GB/MC
»»  Đọc tiếp

Thái Tổ Phạm Hoàng Hậu - Một bà mẹ họ Phạm sinh ra vua

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 3 23, 2009 bởi PKDuong · 1 comments

Bà họ Phạm, huý là Ngọc Trần, người xã Quần Lại, huyện Lôi Dương, Thanh Hoá. Bà là một trong số các bà vợ của Lê Lợi. Khi Lê Lợi mới khởi nghĩa đánh giặc Minh phải di chuyển luôn, không ở yên một chỗ nào, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian khổ. Bà sinh ra Nguyên Long (vua Thái Tông sau này) vào mùa đông năm Quý Mão (1423), tức là vào năm thứ 6 của cuộc khởi nghĩa.

Năm Ất Tỵ (1425) Bình Định Vương Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên, nơi có đền thờ thần Phổ Hộ. Ban đêm nhà vua nằm mộng thấy có vị thần đến bảo rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau Bình Định Vương gọi các bà vợ đến, hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ vị thần không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con của người ấy làm thiên tử”. Các bà không ai nói gì, chỉ có bà họ Phạm khảng khái quì thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Nhà vua khen ngợi và thương cảm, nói với các bà tôn, nhận theo lời hẹn đó. Khi ấy Nguyên Long mới lên 3 tuổi, bà liền cho người hấu bế ẵm nuôi nấng. Nhà vua sai làm lễ tế thần, dùng bà làm vật tế. Đó là vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425). Khi Lê Lợi đã bình định được thiên hạ, lên ngôi vua, bảo với quần thần rằng: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”. Bèn sai người rước quan tài về an táng ở Thanh Hoá. Đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông phải ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống đất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả lấy làm lạ, trở về tâu vua. Vua chợt hiểu ra, nói: “Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn”, bèn bảo cứ để quan tài ở đó, dựng điện Hiếu nhân để thờ; đồng thời dựng miếu đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế. Đến năm Kỷ Dậu (1429) nhà vua cử quận vương Tư Tề là con trưởng đã lớn làm quốc vương, tạm coi việc nước. Tư Tề là người đã từng lăn lộn từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, đã từng cùng với Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin để thực hiện hoà ước với Vương Thông. Năm Nhâm Tý (1432) Quốc Vương Tư Tề đã đem quân đi đánh Châu Phục Lễ, bức hàng tù trưởng là đèo Cát Hãn và con y là Đèo Mạnh Vượng. Cuối đời, vua Lê Thái Tổ nhiều bệnh, chính sự của nhà nước đều giao cho Vương quyết định. Nhưng vì Vương mắc chứng cuồng, giết bừa các tỳ thiếp, dần dần không hợp ý vua... Vua rất lo nghĩ đến trách nhiệm của người thừa kế. Một hôm giữa trưa nằm ngủ, chợt mộng thấy bà Hoàng hậu Phạm Ngọc Trần than trách rằng: “Nhà vua phụ công của thiếp, từ hồi mới khởi nghĩa đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi, mà ơn thánh chẳng được hưởng”. Vua tỉnh dậy, bồi hồi xúc cảm bèn cho lập Nguyên Long làm con đích (Hoàng thái tử). Khi Lê Thái Tổ mất, Nguyên Long được nối ngôi, lấy hiệu là Thái Tông. Tháng 6 năm Giáp Dần (1434) truy tôn mẹ là Phạm Ngọc Trần làm Cung từ quốc thái mẫu, thờ phụng ở Thái miếu. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1437) truy tôn làm Cung từ Quang Thục quốc thái mẫu. Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1437) truy tôn làm Hoàng thái hậu.

(Theo Các triều đại Việt Nam. NXB Thanh Niên)

Nguồn: Tạp chí quê hương online
»»  Đọc tiếp

22 tháng 3, 2009

Tin buồn: Hòa thượng Thích Giác Hải đã viên tịch

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 3 22, 2009 bởi PKDuong · 0 comments

LBT: Hòa thượng Thích Giác Hải (thế danh: Phạm Văn Kiểm) đã tạ thế. Chúng tôi xin trích đăng tiểu sử của Hòa thượng để bà con đồng tộc được biết.

Tiểu sử Hòa thượng Thích Giác Hải


Hòa thượng Thích thượng Giác hạ Hải, tự Thanh Thuần, đạo hiệu Tâm Quán, thế danh Phạm Văn Kiểm, sinh năm Đinh Mão (1927) tại làng Nguyên Hanh, Huyện Thường Tín, Tỉnh Hà Đông (nay là Quận Thường Tín, ngoại thành Hà Nội

- Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN
- Trưởng Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm
- Trụ trì chùa Giác Tâm (59/8C Thuận Kiều phường 12, Quận 5, TP. HCM); chùa Giác Hải (321 Bình Long, Phường Bình Hưng Hòa A, Quận Bình Tân, TP. HCM); chùa Trấn Quốc (252 Ngô Gia Tự, Phường 4, Quận 10, TP. HCM)

I. Thân thế

Hòa thượng Thích thượng Giác hạ Hải, tự Thanh Thuần, đạo hiệu Tâm Quán, thế danh Phạm Văn Kiểm, sinh năm Đinh Mão (1927) tại làng Nguyên Hanh, Huyện Thường Tín, Tỉnh Hà Đông (nay là Quận Thường Tín, ngoại thành Hà Nội).

Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Hách, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ruyền.

Hòa thượng là con út trong gia đình có hai anh em trai.

II. Xuất gia tu học

Hòa thượng sinh ra trong gia đình nhiều đời tín Phật. Được sự dạy dỗ và hướng dẫn của song thân thời thơ ấu, cộng với căn lành Phật pháp được gieo trồng từ nhiều kiếp, lên 9 tuổi, Hòa thượng quy y với Sư cụ Thích Thanh Giá (người mà Hòa thượng gọi bằng chú) tại chùa Phú Đôi, thôn Phú Đôi, Hà Đông.

Sau đó, Hòa thượng được giới thiệu đến chùa Trấn Quốc, xuất gia cầu pháp với Nghiệp sư là Sư tổ Thích Tâm Lợi (Sư tổ đời thứ 11), vì còn là Khu ô nên Tổ Thích Tâm Lợi đã cho y chỉ vào Hòa thượng Thích Thanh Tỉnh (Sư tổ đời thứ 12) để nhận ân giáo dưỡng và tu học.

Năm 16 tuổi, Hòa thượng thụ Sa di giới.

Năm 20 tuổi Hòa thượng thụ Tỳ kheo giới, từ đó được gần gũi, theo học với các bậc thạc đức tùng lâm thời bấy giờ, cũng như với các bậc cao tăng dòng Tào Động Tổ đình Trấn Quốc.

III. Hoằng pháp

1951, cơ duyên hoằng pháp đầy đủ, Hòa thượng nhận mệnh chư Tổ, chọn phương Nam làm nơi phát triển tư tưởng của Tổ đình Trấn Quốc. Vào đến Sài Gòn, Hòa thượng liền nhập trường Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Sau đó, Hòa thượng đã cùng với Hòa thượng Thích Đức Hải kiến tạo ngôi Tam bảo chùa Giác Tâm.

Năm 1957, Hòa thượng sáng lập chùa Giác Hải và nghĩa trang Giác Tâm.

1963, trong lúc Phật giáo gặp Pháp nạn, nhưng Hòa thượng không hề nản chí mà tiếp tục cùng đạo tràng tứ chúng gây dựng chùa Trấn Quốc để đẩy mạnh phong trào Phật giáo ở miền Nam, đồng thời tưởng nhớ về chốn Tổ ở miền Bắc.

Năm 1965, Hòa thượng thành lập Ban Tương tế Phật tử chi Vĩnh Nghiêm – Trấn Quốc, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Nghi lễ Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Những năm sau đó, Hòa thượng làm Chứng minh Đạo sư Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Năm 2000, Hòa thượng được Chư tôn Đức Tăng Ni trong Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm suy cử đảm nhiệm chức vụ Trưởng Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Trong cương vị này, Hòa thượng rất coi trọng việc bảo vệ và giữ gìn tông phong của Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm.

Năm 2002, tại Đại hội Phật giáo Nhiệm kỳ V, Hòa thượng được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN.


IV. Những năm cuối đời

Với tư tưởng Đạo pháp và Dân tộc, Hòa thượng đã quyết tâm xây dựng chùa Giác Hải tại Bình Hưng Hòa thành ngôi Việt Nam Quốc Tổ Tự, nhằm xiển dương giáo lý nhà Phật và nêu bật tinh thần của chư vị anh hùng có công khai mở non sông đất nước. Chính tư tưởng này đã giúp ngài trụ vững trên mảnh đất miền Nam trong những năm tháng khó khăn nhất.

Hòa thượng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều bằng khen, bằng tuyên dương công đức trong các lĩnh vực từ thiện xã hội.

Hòa thượng là người cương trực, thẳng thắn và công tâm trong mọi việc của Môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Và trong độ chúng, Hòa thượng là người nhiều lòng từ bi thương xót, bất cứ ai còn chí xuất gia, mong muốn tu học thì Hòa thượng cũng đều bao dung che chở.

Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng nếu ai có chí lập thân danh, Hòa thượng cũng sẵn sàng giúp đỡ để chúng đệ tử ra ngoài hoằng pháp. Chính vì vậy, chúng tử chúng tôn của Hòa thượng ngày một thêm đông và giữ cương vị trụ trì ở nhiều nơi.

Hòa thượng còn được tứ chúng biết đến với tư cách của một người hiếu tử. Khi Tổ vào Nam, mặc dù có nhiều đệ tử, nhưng Hòa thượng vẫn đích thân hàng ngày hầu hạ Tổ từ những việc nhỏ nhất, và khi Tổ viên tịch, Hòa thượng là người đứng ra lo chu toàn tốt đẹp mọi sự lễ nghi.

V. Thuận thế vô thường

Mặc dù tâm nguyện xây dựng công trình quy mô, hoành tráng ngôi Việt Nam Quốc Tổ Tự chưa thành như ý nguyện, nhưng tất cả những tâm huyết trong suốt thời gian còn lại Hòa thượng đều dành cho ngôi chùa này và kỳ vọng chúng tử chúng tôn sẽ hoàn thành ý nguyện đó. Ý tưởng và hoài bão mà Hòa thượng đã ghi nhớ mang theo qua lời dặn của chư Tổ trong suốt quá trình hoằng hóa ở phương Nam, luôn luôn đúng với tinh thần và tông phong Tổ đình Trấn Quốc: Dân tộc còn thì đạo pháp còn, dân tộc mất thì đạo pháp suy vong.

Hòa thượng luôn nỗ lực đi theo con đường của chư Bồ tát là lấy lợi sinh làm bản hoài. Tinh thần ấy Hòa thượng đã giữ vững cho đến ngày lâm trọng bệnh và viên tịch vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 17 tháng 2 năm Kỷ Sửu (13/3/2009). Hòa thượng trụ thế: 83 năm, hạ lạp: 62 mùa an cư kiết hạ.

Nguồn: http://phattuvietnam.net/2/18/5670.html

Tin đăng trên báo Giác Ngộ: http://www.giacngo.vn/thongtin/2009/03/14/7AC219/
»»  Đọc tiếp

20 tháng 3, 2009

Mục lục các bản tin nội tộc từ số 23 đến số 27

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 20, 2009 bởi Unknown · 0 comments

Lâu nay Ban biên tập chúng tôi không đăng lên trang Web các bản tin nội tộc từ số 23, Quí I năm 2008 đến số 27, Quí I năm 2009. Chúng tôi thành thật xin lỗi bạn đọc. Để sửa chữa thiếu sót trên, lần này chúng tôi đăng Mục lục của 5 số đó để bạn đọc được biết và sẽ lần lượt đăng các bài trong bản tin chưa đưa lên trang web. Mong bạn đọc lượng thứ


“Thông tin họ Phạm” số 23, Quí I/2008

Chuyên mục hoạt động dòng họ
- Nghiên cứu những tài liệu lịch sử về Thượng thủy tổ Phạm Tu và đôi điều suy ngẫm – tr.3
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phạm Thế Duyệt dự lễ kỷ niệm lần thứ 1462 ngày hy sinh của Lão tướng Phạm Tu – Trưởng Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân – tr.10
- Dòng họ Phạm ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An tổ chức sưu tầm và biên dịch tư liệu về cụ Phạm Nguyễn Du – tr.11
- Họ Phạm huyện Thái Thụy, Thái Bình xây dựng các dòng họ văn hóa – tr.15
- Ban vận động thành lập BLL họ Phạm tỉnh Hòa Bình – tr.16
- Họ Phạm Uông Bí – tr.18

Giới thiệu danh nhân dòng họ

- Phạm Tiềm – Một vị tướng trấn thủ đất Hoành Sơn – tr.27
- Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế) – tr29
- Phạm Xuân Ẩn – Nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam – tr.31

Gương người tốt việc tốt họ Phạm
- Ba lần gặp trên TiVi – tr.33
- Tin vắn – tr. 34

Tin vắn
- Lời cám ơn
- Tin buồn
- Về bản quyền bài hát “Họ Phạm trong lòng mẹ Việt Nam"

Góc văn thơ
- Tân xuân mừng thọ (Phạm Văn Huân)
- Ơn giời (Phạm Văn Dực)
- Sáng ngời tuổi cao (Phạm Khánh)



“Thông tin họ Phạm” số 24, Quí II/2008

Chuyên mục hoạt động dòng họ
- Thông báo của BLL họ Phạm Việt Nam – tr. 1
- Thông báo của Ban biên tâp Bản tin nội tộc – tr. 4
- Họp mặt lần thứ III đại biểu các dòng họ Phạm tỉnh Hưng Yên – tr. 7
- Giỗ Tổ họ Phạm Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội (ảnh) – tr. 11
- Giỗ Tổ chi Mậu Họ Phạm Đông Đồ - Đông Anh – Hà Nội (ảnh) tr.11
- Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật năm 2007 – tr. 12

Chuyên mục Tìm về cội nguồn
- Một số dòng họ Phạm trên đất Bắc Ninh và Bắc Giang – tr.14
- Họ Phạm Trí làng Biêu, xã Tư Mại, Yên Dũng, Bắc Giang – tr. 19
- Đính chính – tr. 20
- Họ Phạm làng Văn Lang, Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình – tr. 21
- Tộc Phạm làng Cẩm Sa, Điện Bàn, Quảng Nam – tr. 27
- Chỉ dẫn đường về thăm di tích lịch sử văn hoá Đình Ngoại, xã Thanh Liệt,
Thanh Trì, Hà Nội thờ Thượng Thuỷ tổ Phạm Tu –tr. 30
- Hỏi về họ Nguyễn gốc Phạm ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình - tr. 33
- Hỏi về họ Phạm ở Đại Định, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Đông – tr. 34

Chuyên mục họ Phạm với đất nước
- Gương mặt 13 Thủ khoa họ Phạm mới tốt nghiệp các trường đại học và cao
đẳng ở Hà Nội 2006 và 2007 – tr. 35
- Hòn non bộ trước đình Ngoại thờ danh tướng Phạm Tu – tr. 40
- Thơ: “Mừng xuân Mậu Tý” (Phạm Văn Huệ) – tr. 40
- Lời cám ơn – tr. 41



“Thông tin họ Phạm” số 25, Quí III/2008

Nhân kỷ niệm lần thứ 1463 ngày hy sinh của Thượng thủy tổ Phạm Tu
- Người anh hùng dân tộc Phạm Tu (476-545) - tr. 7
- Nhà bia tưởng niệm mới được xây dựng - tr. 9
- Chí khí tuổi cao (thơ) – tr. 10
- Cảm xúc trước cờ họ Phạm – tr. 11

Chuyên mục hoạt động dòng họ
- Thư ngỏ của Thường trực BLL họ Phạm VN – tr. 14
- Thành viên Thường trực BLL họ Phạm VN – tr. 15
- Thông báo về cuộc họp Thường trực mở rộng, ngày 17-5-2008 – tr. 18
- Lễ dâng hương ngày giỗ tổ chi Mậu họ Phạm Đông Đồ, Đông Anh, Hà Nội - tr. 20
- Kiện toàn BLL họ Phạm tp.Hồ Chí Minh – tr. 24
- Sinh hoạt dòng họ Phạm Đắc tỉnh Quảng Nam chi nhánh tại tp.Hồ Chí Minh - tr. 26
- Tin vắn: Hoạt động dòng họ - tr. 26
+ Thành lập BLL lâm thời Vĩnh Phúc - tr.26
+ Họ mặt họ Phạm tp.Hà Đông - tr. 27
+ Họp mặt dòng họ Phạm Văn Viết... – tr.28
- Họ Phạm ở Bình Đa, Biên Hoà khánh thành Từ đường chung hai họ nội và ngoại. – tr. 32
- Họ Phạm “Phạm Xá” họp mặt – tr. 40


Chuyên mục Tìm về cội nguồn
- Vài nét về dòng họ làng Trương Xá (dòng họ cụ Phạm Bành) – tr. 45
- Họ Phạm tổng Kiến Lao, Xuân Trường, Nam Định – tr. 46
- Hỏi về dòng họ Phạm thôn Đông Hội, Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định – tr. 48

Chuyên mục họ Phạm với đất nước
- Mừng đại thọ cụ Phạm Kỷ (Điện Bàn, Quảng Nam) - tr. 47
- Phạm Gia Tu - một cán bộ thổ nhưỡng lão thành.... - tr. 48
- Phạm Minh Tuấn - một trong 10 gương mặt trẻ ....- tr.48
- Anh hùng Châu Á Phạm Thị Huệ - tr. 49

Lời cảm ơn – tr. 50


“Thông tin họ Phạm” số 26, Quí IV/2008


- Dâng hương tưởng niệm danh tướng Phạm Tu (476 - 545), Thượng Thủy tổ họ Phạm Việt Nam - tr. 1
- Họp mặt lần thứ XII đại diện các BLL và HĐGT họ Phạm Việt Nam – tr. 5
- Thông báo của thường trực Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam – tr. 6
- Danh sách Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam (khoá IV) – tr. 11
- Thành viên các Ban chuyên trách trong BLL họ Phạm Việt Nam – tr.18
- Thành viên các ban chuyên trách - tr. 20
- Lời phát biểu của PGS TS Phạm Xuân Hằng - tr. 21
- Đại diện BLL họ Phạm Việt Nam thăm ông Phạm Thế Duyệt tại nhà riêng - tr.23
- Thành lập BLL lâm thời họ Phạm tỉnh Hải Dương - tr. 26
- Họ Phạm Xá biểu dương con ngoan trò giỏi năm học 2007-2008 - tr.29
- Phạm Công Trứ - nhà chính trị, văn hoá lớn của thế kỷ XVII – tr.30
- Hoàng Ngân – người con gái họ Phạm được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - tr. 36
- Cái tâm của một họa sĩ trẻ - tr. 38
- Bài hát “Họ Phạm” - tr.40
- Bài ca Thượng thủy tổ Phạm Tu - tr.42
- Hồ Ngọc xanh - tr. 42


“Thông tin họ Phạm” số 27, Quí I/2009

- Công văn của UBND Thành phố Hà Nội - tr. 2

Chuyên mục hoạt động dòng họ
- Dự kiến những công việc chủ yếu của Ban Thông tin-Tư liệu hai năm 2009-2010 - tr.3
- Thành lập BLL họ Phạm thành phố Hà Nội - tr. 7
- Họp mặt đại biểu họ Phạm tp. Hải Phòng lần thứ nhất - tr. 10
- Họp mặt đại biểu họ Phạm tp. Hồ Chí Minh lần thứ nhất - tr. 12
- Đại diện Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam làm việc với Thường trực BLL họ Phạm tp. Hà Đông - Tr. 15
- Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 9 - tr. 17
- Họ Phạm xã Nghĩa Lâm đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa từ đường đại tôn
- Lễ khánh thành tổ đường họ Phạm Thiên Thiện - tr. 22
- Họ Phạm Phúc-Nam Huân xây lại bái đường - tr. 24
- Một số lễ hội mùa xuân ở di tích thờ danh nhân họ Phạm - tr. 25

Chuyên mục Tìm về cội nguồn
- Truyền thống Phạm tộc - Thủy tổ Phạm Tô Giang - tr.28
- Vấn tổ tầm tông - tr. 31
- Thư bạn đọc - tr. 31

Chuyên mục họ Phạm với đất nước

- Tưởng nhớ danh nhân họ Phạm - tr. 32
- Kỷ niệm năm sinh danh nhân họ Phạm - tr.33
- Đạo thầy trò của Phạm Thận Duật - tr. 34
- Võ miếu ở cố đô Huế - tr. 39
- Thái Nguyên: Phát hiện di tích thờ tướng quân Phạm Cự Lạng ở Phú Bình và Phổ Yên - tr.41
- Thơ: Đầu xuân họp mặt chúc xuân Kỷ Sửu tăng cao thọ trường - tr. 45
- Lời cám ơn - tr. 47
»»  Đọc tiếp

Gương mặt thủ khoa họ Phạm

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 20, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Tốt nghiệp năm 2006 và 2007 của các trường Đại học và Cao đẳng ở Hà Nội.

LBT. Hiện nay có nhiều thanh niên của các dòng họ, trong đó có thanh niên họ Phạm, đã tích cực phấn đấu, rèn luyện để đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập và lao động. Bản tin nội tộc xin nêu danh các chàng trai, cô gái họ Phạm tốt nghiệp đạt danh hiệu Thủ khoa các năm 2006, 2007 của các trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội (Theo Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội – thukhoa.org) để biểu dương trong họ. Dòng họ xin chia vui cùng các vị sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục để có được những Thủ khoa là người họ Phạm này.

1. Phạm Quang Phương. Thường trú: Sơn Tây – Hà Tây. Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.Thủ khoa 2007. Chuyên ngành: Hệ thống điện. Điểm tb toàn khóa: 8.81.

Thành tích: Giải nhất cuộc thi Olympic Cơ sở Kỹ thuật điện cấp trường, được nhận học bổng thực tập ngôn ngữ 4 tuần tại Pháp; năm 2007, được nhận học bổng cao học tại Pháp do tổ chức Đại học Pháp ngữ và học bổng của Phòng thí nghiệm Kỹ thuật điện – Grenoble – Pháp trao tặng.

2. Phạm Thủy Trang. Thường trú: Ba Đình - Hà Nội. Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN.Thủ khoa 2006.

Chuyên ngành: Di truyền học. Điểm tb toàn khóa: 9.13.

Thành tích: Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN các năm 2003, 2004, 2005. Được nhận bằng khen sinh viên xuất sắc, học bổng Odon Vallet năm 2003. Đạt giải nhì Olympic Tiếng Anh cấp trường, giải ba cấp ĐHQGHN các năm 2003, 2004. Được nhà trường tặng giấy khen cán bộ đoàn có nhiều thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2003, 2004, 2006. Đạt giải Bí thư chi đoàn giỏi thủ đô năm 2006.

3. Phạm Phương Mai. Thường trú: Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội - ĐHQGHN. Thủ khoa 2006. Chuyên ngành: Xã hội học. Điểm tb toàn khóa: 8.60.

Thành tích: Là sinh viên giỏi toàn khoá học, sinh viên tiêu biểu ĐHQGHN năm 2003, 2004, 2005. Được tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của Đoàn Thanh niên ĐHQGHN khóa 2000 - 2005. Đạt giải nhất cuộc thi hùng biện "Sinh viên với phát triển bền vững" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức; giải ba tập thể Olympic các môn Mác - Lênin, Tư tưởng HCM năm 2003 - 2004 cấp trường; giải khuyến khích Hội thi tuyên truyền Tư tưởng HCM toàn quốc năm 2004.

4. Phạm Quỳnh Nga. Thường trú: Đống Đa - Hà Nội. Sinh viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất. Thủ khoa 2006. Chuyên ngành: Lọc hóa dầu. Điểm tb toàn khóa: 8.65.

Thành tích: Đạt danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa. Nhận học bổng toàn phần của trường dành cho sinh viên xuất sắc từ năm 2001 - 2006; học bổng dành cho sinh viên ưu tú do tổ chức SOCIETY OF PETROLEUM ENGINEERS - SPE INTERNATIONAL trao tặng; đạt giải ba Olympic tiếng Anh năm 2004.

5. Phạm Thị Lan. Thường trú: Phú Xuyên - Hà Tây. Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.Thủ khoa 2006.Chuyên ngành Sư phạm tin học. Điểm tb toàn khóa: 8.95.

Thành tích: Là sinh viên giỏi toàn khóa học. Được nhận học bổng Odon Vallet năm học 2002 - 2003; 2003 - 2004; 2004 - 2005; giấy khen cấp trường trong 2 đợt thực tập sư phạm. Đạt giải nhì tại hội nghị SVNCKH cấp khoa năm 2006.

6. Phạm Thị Thu Hường. Thường trú: Cẩm Phả - Quảng Ninh. Sinh viên Trường ĐH Sư Phạm II. Thủ khoa 2006. Chuyên ngành: Sư phạm Sinh-Kỹ thuật nông nghiệp. Điểm tb toàn khóa: 8.31.

Thành tích: Nhận học bổng “Những trang vàng” do Thành Đoàn Hà Nội trao tặng tháng 3/2005. Đạt giải ba cuộc thi Olympic môn Tâm lý học năm học 2004 - 2005; giải khuyến khích Sinh viên NCKH cấp Bộ năm học 2005 - 2006.

7. Phạm Thị Ngân. Thường trú Văn Giang - Hưng Yên. Sinh viên Học viện An ninh. Thủ khoa 2006. Chuyên ngành: Tin học. Điểm tb toàn khóa: 9.32.

Thành tích: Đạt danh hiệu học viên Ưu tú toàn khóa. Đạt 1 giải nhất, 3 giải ba Olympic Toán sinh viên toàn quốc các năm học 2001 - 2002; 2003 - 2004; 2004 - 2005. Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Bộ Công an, Tổng cục XDLL, Học viện và Đoàn Thanh niên phát động, được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Công an, Bộ Giáo dục, Hội Toán học Việt Nam, Tổng cục XDLL.

8. Phạm Huy Thông. Thường trú: Vinh – Nghệ An. Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.Thủ khoa: 2007

Chuyên ngành: Khoa Kinh tế. Điểm tb toàn khóa: 8.19.

Thành tích: Đạt danh hiệu sinh viên giỏi toàn khoá học, chủ nhiệm Đề tài KH “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội” cấp Học viện, tham gia đội Olympic các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của khoa và đạt giải khuyến khích. Nhiệt tình tham gia các hoạt động Tình nguyện như: Tình nguyện phục vụ SEAGAME 22, PARAGAME 2, đội TN đồng hương Nghệ An.

9. Phạm Thị Lan. Thường trú: TP Nam Định. Sinh viên Học viện Bưu chính Viễn thông: Thủ khoa 2007.

Chuyên ngành: Công nghệ Thông tin. Điểm tb toàn khóa: 8.78

Thành tích: Đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khoá học.

Được nhận học bổng Motorola và của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trao tặng. Nhiệt tình tham gia các hoạt động do Đoàn trường tổ chức, có tinh thần giúp đỡ bạn bè trong học tập và cuộc sống.

10. Phạm Tiến Dũng. Thường trú: Hà Nội. Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân. Thủ khoa 2006.

Chuyên ngành: Cảnh sát kinh tế. Điểm tb toàn khóa: 8.52.

Thành tích: Có 6 đề tài gửi dự thi ở Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đạt 1 giải ba của Bộ Công an, 2 đề tài đạt giải cấp học viện. Được tặng 4 bằng khen do Tổng cục XDLL Công an nhân dân, 8 giấy khen do Học viện CSND và các cấp khác trao tặng.

11. Phạm Xuân Quý. Thường trú: Vũ Thư – Thái Bình. Sinh viên Học viện Hậu Cần. Thủ khoa 2007.

Chuyên ngành: Chỉ huy tham mưu Hậu cần. Điểm tb toàn khóa: 8.03

Thành tích: Năm học 2005 – 2006 đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, đạt giải nhất cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh toàn quân lần thứ IV; năm học 2006 – 2007 được nhận giải thưởng Sao tháng Giêng do TƯ Hội Sinh viên VN trao tặng. Là Bí thư chi đoàn, tham gia tích cực hoạt động đoàn của Học viện được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn.

12. Phạm Minh Tuấn. Thường trú: Ba Đình – Hà Nội. Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự. Thủ khoa 2007

Chuyên ngành: Tin học – Hệ dân sự. Điểm tb toàn khóa: 8.39.

Thành tích: Năm 2003, đạt Giải đặc biệt kỳ thi Olympic Tin học sinh viên toàn quốc năm 2003; đạt 2 giải ba đồng đội Olympic Tin học sinh viên toàn quốc năm 2003 và 2006; giải ba kỳ thi lập trình viên ACM – Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội năm 2006. Tham gia các hoạt động tập thể của Học viện đặc biệt là phong trào Thanh niên tình nguyện.

13. Phạm Diễm Hảo. Thường trú: Ba Đình – Hà Nội. Sinh viên Viện ĐH Mở Hà Nội. Thủ khoa 2007.

Chuyên ngành: Quản trị Du lịch – Khách sạn. Điểm tb toàn khóa: 8.15.

Thành tích: Ba năm liền đạt thành tích xuất sắc trong học tập; tích cực tham gia NCKH, đạt giải Nhì NCKH cấp Khoa năm học 2004 – 2005.

Tích cực tham gia các phong trào hoạt động của lớp, khoa, Đoàn Thanh niên.

Sưu tầm: THÁP BÚT
»»  Đọc tiếp

Họ Phạm xã Bản Nguyên, Lâm Thao, Phú Thọ tìm gốc Hưng Yên

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 20, 2009 bởi PK.Dương · 3 comments

Thủy tổ: Cụ Ông Phạm Văn Sĩ; Cụ Bà Vũ Thị Đỉnh. Từ thời Thủy tổ đến nay khoảng 400 năm, con cháu phát triển 13 đời

Chúng tôi muốn tìm gốc tổ tiên tại thôn Bình Vũ, xã Đinh Xá, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (theo tên cũ). Vào thời Hậu Lê có 3 anh em trai Họ Phạm là chí sĩ Nho giáo phải trốn đi lên mạn ngược để ẩn náu dung thân. Nay chúng tôi chưa tìm được mình thuộc dòng Họ Phạm nào ở Hưng Yên. Rất mong ai có thông tin liên quan báo giúp cho chúng tôi theo địa chỉ:

Ông Phạm Đức Triển, (sinh năm 1953, hậu duệ đời thứ 8)

Trường Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ

ĐT: 0210.262165 / 098.2822165

email: phamductrien@yahoo.com

Xin chân thành cám ơn!
»»  Đọc tiếp

19 tháng 3, 2009

Họ Phạm thôn Bình Hà, Thanh Hà, Hải Dương gốc ở Nam Hà

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 3 19, 2009 bởi PK.Dương · 7 comments

Tôi là Phạm Văn Tiềm, đang công tác tại Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Hiện ở tại tổ 25A Phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Quê quán: Thôn Bình Hà xã Thanh Bình (thị trấn Thanh Hà), huyện Thanh Hà , tỉnh Hải Dương.

Theo như các cụ tuổi cỡ ông nội tôi (sinh trước đây hơn 100 năm) kể lại thì họ Phạm quê tôi bắt nguồn từ một cụ tổ họ Phạm đến từ Hà Nam cách đây khoảng 300-400 năm. Cụ làm nghề thợ mộc, thời gian rỗi thì làm cả việc nhà nông giúp mọi người. Cụ đến làm thuê cho một gia đình giàu có ở thôn Đồng Nổi xã Tân An phủ Thanh Hà tỉnh Đông (Hải Dương), quê của Nguyễn Hữu Cầu (khởi nghĩa Quận He), quê của tướng Phạm Xuân Quắc bây giờ, sau đó đến làm thợ và sinh sống tại thôn Bình Hà phủ Thanh Hà, Hải Dương. Tại đây cụ sinh được 5 người con trai (ngày xưa các cụ chỉ tính đến con trai) và hình thành 4 chi họ Phạm tại đây. Người con cả lại được cho làm con nuôi nhà chủ tốt bụng không có con trai ở thôn Đồng Nổi, Tân An.

Chi họ chúng tôi không lớn, khoảng vài chục gia đình có mộ tổ riêng, sống ở xóm Chanh thôn Bình Hà, Thanh Bình Thanh Hà là chủ yếu, có một vài gia đình sống tại Hải Phòng, Thanh Hóa. Các cụ chủ yếu làm nghề thợ mộc, làm nhà và chạm trổ nổi tiếng của vùng. Chi họ có gia phả viết bằng chữ Hán-Hán nôm (phần nhiều rách nát) và đã dịch ra tiếng Việt. Nội dung chủ yếu viết về phả hệ, tên tuổi, nơi để phần mộ và ngày giỗ, không có thông tin gì thêm.

Liên hệ: ông PHẠM VĂN TIỀM

Địa chỉ: P.201, A1, số 8, ngõ 105, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

ĐT: 04.37843663 Email: pvtiem50@ yahoo.com
»»  Đọc tiếp

17 tháng 3, 2009

Thông báo Về việc đặt mua bản tin nội tộc trong năm 2009

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 3 17, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Thực hiện Chương trình hoạt động của Bản tin nội tộc Thông tin họ Phạm Việt Nam năm 2007-2008 (từ Cuộc họp mặt toàn quốc lần thứ X đại diện các dòng họ Phạm Việt Nam tại Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội năm 2006 đến Cuộc họp mặt lần thứ XI năm 2007 tại Thái Bình), Ban biên tập Bản tin nội tộc đã tiến hành một số công việc sau đây:

1. Đã xuất bản và phát hành đúng kỳ hạn 04 số  Thông tin họ Phạm Việt Nam từ số 18 đến số 21 và 01 Phụ lục Bản tin số 18, với số lượng phát hành từ 350 đến 400 bản mỗi kỳ

2. Lượng thông tin trong mỗi Bản tin nhiều hơn trước. Nội dung các bài viết trong Bản tin đã được biên tập kỹ hơn và đã có một số cải tiến, nâng cao chất lượng Bản tin. Tin tức hoạt động dòng họ và những yêu cầu về “vấn tổ tầm tông” đã được đưa kịp thời lên Bản tin. Thường trực Ban biên tập cũng đã cố gắng chọn lựa để đa được một số hình ảnh hoạt động có ý nghĩa của các dòng họ vào Bản tin, làm cho Bản tin ngày càng sinh động hơn (Tiếc rằng vì kinh phí có hạn nên chúng tôi chưa có thể in ảnh màu lên Bản tin). Khi thấy có những thông tin sai lệch về danh nhân của dòng họ, Bản tin đã kịp thời có hình thức đa tin – phát hành Phụ lục để  cải chính,..Bản tin đã được đưa kịp thời lên Trang web hoPham.org để phục vụ đông đảo bạn đọc ở trong nước và ngoài nước có sử dụng máy tính và nối mạng Internet

Nhìn chung, trong năm vừa qua, Bản tin ngày càng được các độc giả trong và ngoài dòng họ Phạm hoan nghênh, đánh giá là Bản tin này có ích lợi thiết thực cho hoạt động dòng họ và cho các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam....nhưng còn hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin về dòng họ, trình bày chưa đẹp, phát hành chưa rộng rãi,,...

Trong 4 số Bản tin phát hành trong năm qua (từ số 18 đến số 21), đã có:
-    22 bài phản ánh về hoạt động dòng họ
-    8 bài giới thiệu về các dòng họ Phạm Việt Nam
-    4 bài giới thiệu về Danh nhân dòng họ
-    41 bài về Vấn tổ tầm tông
-    2 bài giới thiệu kinh nghiệm làm Việc họ
-    2 bài giới thiệu tấm gương tích cực làm việc họ
-    Đã đăng liên tục 3 kỳ Giới thiệu Danh mục 80 Gia phả và tư liệu dòng họ Phạm hiện lưu trữ tại Ban tư liệu thuộc BLL họ Phạm Việt Nam (còn tiếp)

3. Viêc phát hành Bản tin cũng đã được cải tiến: Bao gói để gửi đến người nhận Bản tin đã  được in sẵn, nên đã tránh được việc để sót địa chỉ người nhận tin. Số Bản tin mà Bưu điện trả lại do không đúng địa chỉ ngày càng ít đi (có một số địa chỉ do người đặt tin viết không rõ ràng hoặc đã thay đổi chỗ ở nhận tin mà không thông báo cho Ban biên tập). Cũng có một số trường hợp, Bản tin bị thất lạc không rõ nguyên nhân: do Bưu điện để thất lạc hay do đã có người nhận hộ mà không đưa trả ?

4. Năm vừa qua, Thường trực Ban biên tập đã nhận được số tiền do các vị hảo tâm trong dòng họ  ủng hộ hoạt động của Bản tin là 3.900.000 đồng (Ba triệu chín trăm ngàn đồng)  Số tiền này đã góp phần giúp Ban biên tập Bản tin khắc phục được một số khó khăn về kinh phí để tổ chức biên tập và xuất bản Bản tin nội tộc năm 2007 và sắp tới chuẩn bị trước cho việc xuất bản Bản tin nội tộc năm 2008 phục vụ dòng họ (Đến nay vẫn còn 92 vị chưa nạp đủ tiền mua Bản tin năm 2007, thậm chí có 03 vị còn nợ tiền mua Bản tin đến 3 năm !)

Hiện nay Bản tin vẫn còn có một số vấn đề sau đây cần được tháo gỡ :

1. Hầu hết các Ban Liên lạc và các Hội đồng gia tộc họ Pham của các địa phương chưa phân công người viết bài phản ánh hoạt động dòng họ và liên hệ thường xuyên với Thường trực Ban biên tập nhằm bảo đảm thông tin hai chiều thật chính xás, nhanh và có hiệu quả phục vụ thiết thực cho hoạt động của dòng họ; và cũng do vậy mà dự trữ thông tin tư liệu để dăng tải trong Bản tin nội tộc không nhiều, việc thiết kế nội dung từng số theo chuyên mục  còn bị động, không cân đối thông tin hoạt động dòng họ trong toàn quốc,...

2.  Bản tin không có bộ phận trị sự nên mọi công việc của Bản tin đều do Thường trực Ban biên tập đảm trách, trong khi chỉ có 03 thành viên của Thường trực Ban biên tập tuổi đã cao, có vị ốm yếu, bệnh tật. Kính mong các Ban liên lạc và Hội đồng gia tộc dòng họ, nhất là các Ban liên lạc và Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm ở Hà Nội hoặc có chi nhánh, có thành viên ở Hà Nội, giới thiệu cho những vị có nhiệt tình với Việc họ, có năng lực hoạt động Bản tin, để tham gia Ban biên tập Bản tin nội tộc Thông tin họ Phạm Việt Nam.

3. Kinh phí hoạt động của Bản tin rất eo hẹp. Từ ngày xuất bản số đầu tiên của Bản tin đến nay, Ban biên tập phải tự lo kinh phí hoạt động. Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam yêu cầu Ban biên tập Bản tin nội tộc định mức thu chỉ đủ để bù chi cho hoạt động in ấn và phát hành, trong khi số lượng phát hành trung bình đến nay mới ở mức 320 bản mỗi kỳ, giá thành cao (không những thế, còn có nhiều vị không nạp tiền mua Bản tin nội tộc); và vì vậy dù có sự ủng hộ thêm của một số vị hảo tâm vẫn không đủ kinh phí cho những cải tiến lớn về nội dung, hình thức của Bản tin và khuyến khích người cung cấp và xử lý thông tin.

Tuy nhiên, với nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban biên tập đã  khắc phục mọi khó khăn để bảo đảm Bản tin ngày càng có chất lượng cao hơn, ra đúng kỳ và đến được tay bà con dòng họ đã đặt mua Bản tin nội tộc.

Ban biên tập một lần nữa chân thành cám ơn cô bác đã có lòng hảo tâm gửi thêm tiền ủng hộ hoạt động của Bản tin; và mong rằng cô bác nào đã nhận Bản tin nội tộc năm 2007 và những năm về trước mà đến nay vẫn chưa nạp tiền cho Ban biên tập thì sớm chuyển tiền về Ban biên tập. Từ Bản tin số 23 năm 2008, Ban biên tập sẽ không gửi tiếp Bản tin đến cô bác nào chưa nạp tiền mua Bản tin năm 2007 và các năm trước. Từ tháng 11 năm 2007, Ban biên tập sẽ bắt đầu nhận tiền đặt mua Bản tin nội tộc năm 2008 (Những vị nào đã đặt tiền mua Bản tin năm 2008 từ 2007 trở về trước thì không phải đăng ký mua nữa mà chỉ thông báo những thay đổi về việc gửi Bản tin, như thay đổi về địa chỉ nhận Bản tin, về số lượng Bản tin cần có, về hình thức chuyển  Bản tin theo hình thức chuyển thông thường hay theo hình thức chuyển bảo đảm – ghi số ?, vv ,..).

Về tiền đặt mua Bản tin năm 2008. Ban Biên tập vẫn duy trì mức thu là 5.000 đ/ 01 số (cả năm là 20.000 đ/ 01 số), bao gồm cả bưu phí bình thường.  Nếu vị nào muốn Bưu điện chuyển theo hình thức bảo đảm thì thông báo cho Ban biên tập. Ban biên tập sẽ thu thêm tiền bưu phí chuyển theo hình thức bảo đảm.

Ban biên tập Bản tin nội tộc Thông tin họ Phạm Việt Nam sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến phê bình của bà con cô bác trong họ và sẽ có biện pháp sửa chữa những khuyến điểm để đáp ứng ngày càng tốt hơn về nhu cầu thông tin dòng họ của bà con cô bác trong dòng họ.

Ban biên tập Bản tin nội tộc
“Thông tin họ Phạm Việt Nam”
»»  Đọc tiếp

13 tháng 3, 2009

Lễ tưởng niệm cụ Phạm Khắc Hòe (1902-1995)

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 13, 2009 bởi PKDuong · 0 comments


LỄ TƯỞNG NIỆM CỤ PHẠM KHẮC HOÈ (1902-1995)
MỘT NHÂN SĨ YÊU NƯỚC, MỘT TRÍ THỨC TIẾN BỘ GẮN BÓ VỚI DÂN TỘC, VỚI TỔ QUỐC

Ngày 12 tháng 3 năm 2009, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử học Việt Nam và gia đình cụ Phạm Khắc Hoè đã tổ chức Lễ tưởng niệm cụ Phạm Khắc Hoè - một trí thức yêu nước của Việt Nam, nhân kỷ niệm lần thứ 107 ngày sinh của Cụ (15-3-1902).

Đến dự lễ tưởng niệm “Một nhân sĩ yêu nước hiếm có, một thành viên của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” này, có nhiều vị lão thành cách mạng, đặc biệt là ông Đỗ Mười – nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, có đại diện UBND thành phố Hà Nội – Bà Ngô thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND thành phố, Ông phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và nhiều nhà nghiên cứu sử học, văn học- nghệ thuật, giáo dục học, nhà báo, nhiều vị trong Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, cùng đông đảo bạn bè và người thân của gia đình cụ Phạm Khắc Hoè. UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp, bà Hà Thị Khiết, … gửi lẵng hoa đến chúc mừng.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sau khi giới thiệu thành phần dự lễ, ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - người chủ trì buổi lễ, đã long trọng đọc lời khai mạc, giới thiệu khái quát về thân thế và sự nghiệp của cụ Phạm Khắc Hoè. Tiếp đó, ông Dương Trung Quốc đã mời một số vị lên đọc bài phát biểu của mình. Đó là các vị:

1. Giáo sư NGND Đinh Xuân Lâm với bài “Phạm Khắc Hoè - tấm gương chuyển biến tư tưởng của trí thức Việt Nam”,
2. GS. Vũ Ngọc Khánh với bài: “ Ba triều công cán, một tấm lòng ngay”,
3. Nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam với bài: “Một nhân cách văn hoá đáng kính trọng”
4. GS. Hoàng Chương với bài: Mấy ý kiến nhỏ sau khi đọc “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”,
5. Nhà thơ Phạm Thị Hồng Ngát với bài: “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” - một cuốn hồi ký vô giá.
6. Luật sư Trần Vân - nguyên cán bộ Bộ công an thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với bài: Câu chuyện về cụ Phạm Khắc Hoè 62 năm về trước.
7. Ông Phó chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội thay mặt ông Chủ tịch Phạm Xuân Hằng đọc bài viết: “Ngự tiền văn phòng tổng lý trong những ngày cuối cùng của triều đình Huế”



Những người dự lễ còn được nghe đọc bài phát biểu của GS, AHLĐ Vũ Khiêu (Cụ Vũ Khiêu có việc đột xuất không đến dự được ): “Cụ Phạm Khắc Hoè và những phẩm chất truyền thống của trí thức Việt Nam”.

Trong tất cả các phát biểu trên diễn đàn buổi lễ đều nói lên sự kính trọng và những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân sĩ trí thức yêu nước - cụ Phạm Khắc Hoè, đặc biệt là thông qua cuốn hồi ký nổi tiếng của ông: “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”

Để kết thúc buổi lễ tưởng niệm, ông Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc đã trích đọc lại Lời điếu do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Quang Đạo đọc tại Lễ tang cụ Phạm Khắc Hoè, với lời kết như sau: “Chúng ta giữ mãi trong lòng sự kính trọng một vị nhân sĩ yêu nước hiếm có, người trí thức tiến bộ, gắn bó với dân tộc, với Tổ quốc.”

Phạm Cầu
»»  Đọc tiếp

Danh tướng Phạm Tu - Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 13, 2009 bởi PK.Dương · 2 comments

Phạm Tu (476 – 545) Tiền Lý triều Tả tướng, Trưởng Ban võ của nhà nước Vạn Xuân Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam

Phạm Tu sinh ngày 10 tháng 3 năm Bính Thìn (tức 19.04.476) tại Trang Quang Liệt, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Song thân của Ngài là Phạm Thiều và Lý Thị Trạch, vốn là những người đức độ có tiếng trong vùng.

Ngài là danh nhân họ Phạm xuất hiện sớm nhất trong lịch sử: Bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” có hai chỗ viết về Ngài; bộ “Biên niên Lịch sử cổ trung đại” có ba lần nhắc đến tên Ngài …

Từ nhỏ Ngài đã là một trang thiếu niên phương phi, tuấn tú; chăm đọc sách, học giỏi, đàn hát hay … Lớn lên lại năng luyện võ nghệ, là một đô vật nổi tiếng, thường được gọi là Đô Tu, rồi đã thật sự trở thành một hào kiệt có uy tín lớn trong vùng.

Sinh ra giữa thời “hơn một ngàn năm Bắc thuộc” (từ năm -179 đến năm +905) nên hầu như suốt cuộc đời, Ngài sống ẩn dật, nung nấu chí cứu nước, chờ thời cơ. Ngài lấy biệt hiệu là Cảm Ứng cư sĩ , từng khuyên dân “cửu niên tam tích”(1) – “cửu niên” với nghĩa là lâu dài, nhiều năm tích trữu ba thứ là: Lương thực, quần áo, vũ khí … để luôn sẵn sàng, khi thời cơ đến thì vùng lên giành lại non sông.

Năm 541, được tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, mặc dù lúc này đã bước sang tuổi 66. Nhưng Ngài vẫn tích cực hưởng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn). Ngài đã chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành một đội quân mạnh, đánh chiếm thành Long Biên (vùng Bắc Ninh ngày nay) thủ phủ của chính quyền đô hộ.


Nhà bia thờ Phạm Tu trong khuôn viên đình ngoại
ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Khi quân Lâm Ấp ở phía Nam nước ta, lợi dụng tình thế tràn sang cướp bóc, Lý Bí đã cử Phạm Tu đem quân vào đánh dẹp. Mùa hè năm 543 Người đã chỉ huy đánh tan địch ngay ở Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay). Trong chiến cuộc này, dưới trướng của Phạm Tu có cả tướng quân Phục Man, người làng Giá (Yên Sở, Đan Phượng Hà Tây) – sau được thờ làm Thành hoàng làng ở đấy.

Chiến thắng trở về, Ngài càng được khẳng định là vị tướng tài giỏi nhất trong nghĩa quân và cũng là người cao tuổi nhất(2)

Năm 544, Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế (Lý Nam Đế), thành lập nhà nước Vạn Xuân – “một nhà nước có tổ chức đầu tiên ở nước ta”, Ngài được Lý Nam Đế giao trọng trách làm Tả Tướng, đứng đầu Ban Võ (tương đương BỘ trưởng Quốc phòng – Tổng Tư lệnh quân đội ngày nay). Tướng quân Phục Man được mang “Quốc tính” (họ của nhà vua) và trở thành “Phò mã”, được trông coi mạn Nam nước Vạn Xuân.

Khi nhà Lương ( Nam triều thuộc Nam-Bắc triều của Trung Quốc, 420 -589) huy động tổng lực của cả 5 châu xung quanh nước ta là: Việt – La – An – Ái – Định Châu sang đàn ấp Giao châu. Phạm Tu đã giúp Lý Nam Đế huy động tới 3 vạn quân ra chống cự (trong khi toàn dân ở Giao Châu lúc bấy giờ chỉ có hơn 70 vạn nhân khẩu cả trẻ già, trai gái). Trong cuộc kháng chiến lực lượng quá chênh lệch này, ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (tức 13.8.545), Phạm Tu dã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình – một công trình quân sự mới được cấp tốc xây dựng bên cửa sông Tô Lịch (phía sau chợ Đồng Xuân Hà Nội ngày nay) để chặn đại quân địch lại cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục bảo toàn lực lượng, tạm rút lên trung du rồi vòng về vùng đầm lầy Dạ Trạch xây dựng căn cứ địa chiến đấu lâu dài, nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng. Triều đình nhà Tiền Lý đã giữ vũng nền độc lập của nhà nước Vạn Xuân được thêm gần 6 năm nữa (545 – 602)

Sau khi lão tướng Phạm Tu hy sinh, Nhà vua vô cùng thương tiếc, đã cho Thái giám về tận quê hương truy phong tước Long Biên Hầu (vì chính Ngài có công đầu trong hạ thành Long Biên, thủ phủ của địch); ban tên thụy là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thanh mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ Ngài làm “bản cảnh thành hoàng” lưu truyền mãi mãi.

Các đời sau: Đinh, Lê, Lý, Trần, rồi Hậu Lê, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và Nguyễn đều có sắc phong là Thượng Đẳng Thần: Đô Hồ Đại Thần hay Đô Hồ Đại Vương. Hiện nay ở Đình làng Thanh Liệt còn lưu giữ được 10 sắc phong từ thời Cảnh Hưng nhà Lê, qua Cảnh Thịnh, Tây Sơn đến Khải Định nhà Nguyễn.

Ban thông tin tư liệu
Thuộc Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam

------------------------------------------------------------
Download bản e-book PDF về Danh tướng Phạm Tu tại đây:

- Download Link 1 (đã tải: lần); Download Link 2 (đã tải: lần)

Hoặc tại đây: Download Link 1; Download Link 2

------------------------------------------------------------
Tham khảo thêm:

- Đền thờ Danh tướng Phạm Tu ở xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
- Trang web Thăng Long-Hà Nội, Ngàn Năm Văn Hiến

- Nêu rõ vai trò của Phạm Tu khi giữ thành của sông Tô
...Chính tòa thành lũy có phân còn sơ sài xây dựng bằng tre, gỗ ở nơi cửa sông Tô Lịch này từ năm 545, đã vừa khai mở truyền thống chọn đất nơi đây để xây thành đắp lũy mà hình thành tiền đề đô thị, lại vừa bắt đầu truyền thống đấu tranh anh hùng bất khuất của đất và người nơi đây bằng sự kiện: Tháng bảy mùa hè năm 545, lão tướng Phạm Tu, từ nơi quê hương bên bờ tây sông Tô Lịch, đã tới nơi cửa sông ở mạn đông này, trong cương vị Người trấn giữ tòa "Tô Lịch giang khẩu mộc sách", đồng thời là Người chỉ huy trận đánh bảo vệ vùng đô thành sơ khởi ở tòa thành lũy đầu tiên trên đất núi Nùng sông Tô này, và đã oanh liệt hy sinh, giữa sự nghiệp kháng chiến của Vạn Xuân non trẻ chống giặc bên ngoài đến tái đô hộ.
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi