Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

30 tháng 10, 2008

Phạm Thị Ngọc Hà dự thi Người mẫu Thế giới 2008

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 30, 2008 bởi PKDuong · 0 comments

Phạm Thị Ngọc Hà tiếp tục “đem chuông đi đánh xứ người”


(HNMO)- Người mẫu Phạm Thị Ngọc Hà vừa chính thức được Cty Elite Việt Nam chọn là đại diện tham dự cuộc thi Người mẫu Thế giới 2008 (Miss Model of the World 2008) lần thứ 20.


Cuộc thi năm nay được tổ chức tại Thâm Quyến – Trung Quốc từ 04/11 đến 23/11/2008, với sự tham gia của 69 thí sinh đến từ các nước trên toàn thế giới. Đêm chung kết sẽ diễn ra tại Nhà hát ngoài trời mang tên “Cửa sổ Thế giới” vào ngày 22/11/2008.


Như vậy, hiện nay Phạm Thị Ngọc Hà là người đẹp thứ 3 đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, sau Cao Thùy Dương (cuộc thi MI’ 2008 tại Macau) và Đinh Lan Phương (cuộc thi Elite Model Look 2008 tại Hải Nam, Trung Quốc).


Các thí sinh cuộc thi Miss Model of the World 2008 sẽ tham gia nhiều hoạt động của cuộc thi như: được thăm quan các thành phố của Thâm Quyến và Hàng Châu, tham dự Gala chung kết của cuộc thi Miss Model của Trung Quốc, tham dự các sự kiện xung quanh cuộc thi. Trước Phạm Thị Ngọc Hà, năm 2003 - người mẫu Thanh Ngọc là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham dự cuộc thi này tại Thượng Hải – Trung Quốc.


Người mẫu Phạm Thị Ngọc Hà năm nay 24 tuổi, cao 1m74 với các số đo 3 vòng 88 – 61 – 91 , cô đã từng đạt danh hiệu “Thí sinh mặc trang phục áo dài đẹp nhất” trong cuộc thi Hoa hậu Du lịch 2008 đồng thời lọt vào Top 10 người đẹp nhất cuộc thi. Phạm Thị Ngọc Hà gia nhập làng thời trang Việt Nam từ năm 2005, cô đã từng tham gia hầu hết các Chương trình thời trang lớn trong nước như Fashion Week, Vietnam Grandpix, Đẹp Fashion show.... cũng như các Chương trình thời trang tại Malaysia, Nga....... Cô cùng từng làm MC cho các chương trình trên các Đài truyền hình như: Chương trình “Rec của tôi” – VTV6, Chương trình “Lựa chọn thông minh” – ĐTH Hà Nội.

Trước ngày lên đường, người đẹp Phạm Thị Ngọc Hà cho biết, hành trang của cô mang đến cuộc thi gồm gần 40 bộ trang phục của nhãn hiệu thời trang Ivy dành cho 20 ngày dự thi tại Thâm Quyến. Các trang phục này được Công ty Elite Việt Nam và Ngọc Hà phối hợp làm việc với các nhà thiết kế từ hơn 1 tháng. Toàn bộ trang phục mặc hàng ngày, trang phục dự tiệc tối và trang phục dạ hội đều được các NTK của Ivy thiết kế riêng theo số đo Hà, với số lượng trang phục. Riêng bộ dạ hội đêm chung kết sẽ được các NTK đặc biệt trên chất liệu voan đính đá với màu chủ đạo là màu của cây trường xuân.

Ngọc Hà cũng cho biết thêm, các bộ trang phục này đều mang đậm phong cách mới của Italy – là sự pha trộn khéo léo giữa thời trang Châu Âu sang trọng và thời trang Châu Á thanh lịch…Phong cách thiết kế hết sức gần gũi với vóc dáng phụ nữ Việt Nam, sang trọng, lịch sự mà vẫn gợi cảm, quyến rũ bởi những nét họa tiết đơn giản, hài hoà giữa sắc màu và đường nét.


Cuộc thi “Miss Model of the World” là cuộc thi người mẫu quốc tế được thành lập từ năm 1988 và đăng ký tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Người sáng lập ra cuộc thi này là Mr. Cevik Suha Alpayli - người được biết đến trên toàn thế giới bởi các cuộc thi sắc đẹp và các cuộc thi người mẫu. Cuộc thi được tổ chức thường niên và tập hợp các người mẫu và người mẫu ảnh, đại diện cho hơn 40 nước từ 5 châu lục trên thế giới.

Tuyết Minh

Nguồn: báo Hà Nội Mới
»»  Đọc tiếp

Công văn của UBND thành phố Hà Nội

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 30, 2008 bởi PK.Dương · 0 comments

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc đồng ý chủ trương đặt tên cho 1 đường phố là Phạm Tu, vị Tả tướng thời Lý, Trưởng ban Võ đầu tiên của Nhà nước Vạn Xuân.

Theo công văn số 2582/UBND-VHKG do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ngày 29/10, UBND TP Hà Nội đã nhận được đơn kiến nghị ngày 1/10/2008 của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì, trên vành đai 3 của Thủ đô.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương trên, đồng thời, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở GTVT, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vi liên quan nghiên cứu đề xuất để giải quyết đúng quy trình.

Phạm Tu (476 – 545) là người gốc Hà Nội, sinh ra tại Trang Quang Liệt (tức Thanh Liệt, Thanh Trì ngày nay). Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, luôn giáo dục nhân dân và thuộc hạ nung nấu ý chí xây dựng đất nước hùng mạnh, đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Ông đã chỉ huy quân đội chiến đấu anh dũng, chống trả quân xâm lược nhà Lương và quân Lâm Ấp, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong một trận chiến bảo vệ Thành Tống Bình xưa (Thành này nằm ở vị trí gần Chợ Đồng Xuân, Hà Nội ngày nay), vào ngày 20 tháng Bảy năm Ất Sửu (545), ông đã anh dũng hy sinh tại chiến thành này.

Sau khi ông mất, Lý Nam Đế đã cử người về tận quê ông, truy phong ông là Đô Hồ Đại Vương - Long Biên hầu, sắc cho quê ông là Thang mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch và thờ người làm Bản cảnh Thành hoàng lưu truyễn mãi mãi. Hiện nay ở Thanh Liệt còn lưu lại được 10 sắc phong của các triều đại dành cho ông.

Ngày 19/11, trao đổi với Vietnam+, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, về nguyên tắc thì việc đặt tên cho đường phố phải qua 8 bước… Theo đó, chỉ khi nào HĐND Thành phố họp và thống nhất đồng ý thì việc đặt tên đường phố sẽ hoàn tất.

Sau đây là nguyên bản công văn mà BLL Họ Phạm Việt Nam chúng tôi nhận được và đánh máy lại để bạn đọc tham khảo:



Công văn số 2583 UBND-VHKG,
ngày 29-10-2008 của UBND Thành phố Hà Nội

VỀ VIỆC ĐẶT TÊN PHẠM TU CHO MỘT ĐƯỜNG PHỐ LỚN
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI


Kính gửi:
-Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch;
- UBND huyện Thanh Trì;
- Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam.

UBND Thành phố nhận được Đơn kiến nghị ngày 01/10/2008 của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì trên đường vành đai 3 của Thủ đô Hà Nội

Về việc này UBND Thành phố có ý kiến như sau:

1. Đồng ý về chủ trương theo đề nghị của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đường phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất nội dung giải quyết theo đúng quy trình tại Quyết định 207/2006/QĐ-UBND ngày 27/11/2006 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, báo cáo UBND Thành phố.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Thị Thanh Hằng

(Đã ký)


»»  Đọc tiếp

23 tháng 10, 2008

Phạm Đình Trạc - Một Trung Thần Tuẫn Tiết Triều Nguyễn

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 23, 2008 bởi PKDuong · 0 comments

Khi nói đến làng Liêu Xuyên (xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), người ta thường nhắc đến vị Trạng nguyên đời Lý Cao Tông là Đỗ Thế Diên; đến 2 cha con kế thế đăng khoa là Quốc lão, Thái tể Phạm Công Trứ (1600 - 1675) và Tiến sĩ Phạm Công Phương thời Lê - Trịnh, nhưng còn một nhân vật rất nổi tiếng, là một trung thần tuẫn tiết dưới triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn, đó chính là quan Án Phạm Đình Trạc.

Phạm Đình Trạc, tự là Bạt Khanh, thụy Đoan Trực, hiệu là Thuần Tiết, người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương. Tổ 4 đời của ông húy là Thiền, đỗ Hương cống cuối đời Lê, làm quan đến Tham nghị xứ Kinh Bắc; tổ 3 đời húy là Đôn, cũng đỗ Hương cống.

Phạm Đình Trạc là người tính hạnh hiền hòa, thường ngày giao tiếp rất rộng rãi, cung kính theo lễ độ. Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) và được sung vào làm Hành tẩu bộ Lễ. Được nhiều người đứng ra tiến cử, nhưng vì tính cương trực nên ông đều không chấp nhận. Năm Đinh Hợi (1827), Phạm Đình Trạc được tuyển cử làm Tri huyện Hà Đông (tòng Lục phẩm); sau đó, ông được triệu về Kinh làm Chủ sự bộ Lễ (chánh Lục phẩm). Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), thăng Phạm Đình Trạc lên làm Lang trung bộ Lại (chánh Tứ phẩm) và đến mùa Xuân, tháng Giêng, năm Quý Tỵ (1833), ông được điều bổ làm Án sát sứ tỉnh Cao Bằng (tòng Tam phẩm).

Đến nhậm chức được 7 tháng, Bế Văn Cận và Nông Văn Vân tụ tập dân chúng, kéo nhau từ tỉnh Tuyên Quang sang vây đánh tỉnh thành Cao Bằng. Thự Bố chính Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc và Lãnh binh Lạng Sơn Phạm Văn Lưu cùng đồng sự mưu giữ lấy của cải, thóc lúa để cố thủ. Qua hơn một tháng, quân cứu viện không đến, giặc quây đánh bốn mặt, pháo bắn như mưa, thành sắp bị vỡ. Trước tình thế nguy cấp đó, Bùi Tăng Huy và Phạm Đình Trạc mới họp văn, võ, binh lính và chức dịch mà bàn rằng: Nay sức đã kiệt, quân cứu viện lại không có, chúng ta thà chết cho toàn tính mệnh quan quân một thành. Rồi các viên ấy đều mặc triều phục, đặt hương án, trông về cửa cung khuyết mà lạy, đoạn đem triều phục, bằng sắc đốt hết. Bùi Tăng Huy tự thắt cổ chết, Phạm Đình Trạc nằm xuống hố (đã đào sẵn), sai người lấp đất lên; Phạm Văn Lưu cũng thắt cổ chết. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 10 năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1833).

Ngay sau khi Tổng thống Quân vụ Đại thần Tạ Quang Cự khôi phục được tỉnh thành Cao Bằng, đã đem hết sự trạng tâu lên triều đình. Thánh tổ Nhân hoàng đế (Minh Mệnh) khen họ là những người có chí khí và đến năm Ất Mùi (1835) cho lập một đàn tế cùng với việc xây dựng ngôi đền thờ (gọi là đền Tam Trung, ngày nay thuộc xã Gia Cung, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) để nêu gương tiết liệt. Đến đời vua Thiệu Trị đã truy tặng Phạm Đình Trạc chức Tham tri bộ Lễ (tòng Nhị phẩm) và lục dụng hai người con của ông: Con trưởng là Phạm Đình Nghị ấm thụ chức Tư vụ; con thứ Phạm Bá Quỹ được sung vào học ở Quốc Tử Giám. Năm Bính Thìn (1856) đời vua Tự Đức, cùng với Bùi Tăng Huy, Phạm Đình Trạc đều được liệt thờ vào Trung Nghĩa từ (đền thờ những vị trung thần của triều Nguyễn).

Tấm gương tuẫn tiết của Bùi Tăng Huy, Phạm Văn Lưu và Phạm Đình Trạc đã được các quan đồng liêu, bạn bè, nhân dân địa phương và du khác thập phương kính trọng. Và, rất nhiều bài văn tế, văn viếng, bài thơ, câu đối, bia ký... của những danh nhân thuở bấy giờ, như Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Hội nguyên Đỗ Huy Cát, Cử nhân Dương Bá Trạc... lưu tại đền Tam Trung đã nói lên điều đó./.

Lê Quang Chắn
Viện Sử học
»»  Đọc tiếp

12 tháng 10, 2008

Thiêng liêng Hồ Gươm

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 10 12, 2008 bởi PK.Dương · 0 comments


Ảnh: wikimapia.org


THIÊNG LIÊNG HỒ GƯƠM


Ngàn năm rực rỡ đất Thăng Long,
Nhớ buổi sơ khai dựng chiến thành,
Quân dân Vạn Xuân cùng đánh giặc,
Kiên cường trận tuyến chống xâm lăng.

*

Triều Tiền Lý gây nền độc lập:
Lão tướng tuổi cao tròn thất thập
Vẫn hiên ngang chặn bước bạo tàn
Người ngã xuống, hồn thiêng giữ đất.
Dân tộc đêm trường bốn trăm năm

Cho tới ngày tự chủ hoàn toàn
Từ Hậu Lý thành kinh đô mãi mãi,
Ba sáu phố phường qua chiến tranh
Dòng tên người khắc vào lịch sử.

Gan dạ anh hùng, hồn Dân tộc

Giữ Thủ đô, bảo vệ Nước nhà.

*

Với chiều dài mười lăm thế kỷ,
Bên Hồ Gươm không thấy cửa sông
Mà xán lạn anh hùng dân tộc:
Phạm Tu xông pha giữa trận tiền
Đã hy sinh trên mảnh đất thiêng.
Vị minh quân là Lý Thái Tổ
Dời đô về giữa đất Rồng Tiên,
Để xây nên nước Việt vững bền.
Lẫy lừng ba cuộc chống quân Nguyên,
Hưng Đạo vương là viên ngọc sáng.
Hùng tráng bản trường ca giữ nước
Giặc Minh hung bạo phải cụp đuôi,
Hồ Gươm đó, vua Lê trả kiếm
Dân tộc ta muốn mãi hòa bình,
Mà tận trời xa, Pháp-Mỹ sang

Phải khuất phục giữa lòng Hà Nội:
Bê-năm-hai cháy sáng bầu trời,
Đời sống mãi những người quyết tử

Trong hòa bình, rộn rã tiếng ca

Vang, vang vọng lời thơ bất hủ:
"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo."

*

Tháng mười hoa sữa nở thơm
Hương sắc Thủ đô ngày giải phóng,
Nhìn Hồ Gươm rực sáng đèn hoa
Thấy những anh linh ngời đất Việt
Hồn thiêng sống mãi với non sông.
Cha ông xả thân vì con cháu,
Hãy nhớ ơn kia hỡi đồng bào!


Tháp Bút

Hồ Gươm, ngày giải phóng Thủ đô 2008
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi