Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

28 tháng 9, 2011

Tin vắn

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 9 28, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments



Nhạc sĩ Phạm Tuyên được đề nghị
công nhận là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011

Theo Báo Kinh tế Đô thị, chìều 26/9/2011, ông Hoàng Duy Khanh, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố Hà Nội cho biết, tại phiên họp ngày 23/9/2011, Hôi đồng Thi đua Khen thưởng Thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 đã họp, biểu quyêt đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định công nhận 10 vị là công dân ưu tú của Thủ đô. Xếp thứ hai trong danh sách đề nghị này là Nhạc sĩ Phạm Tuyên, nguyên Chủ tịch Hội Âm Nhạc Hà Nội, Chủ tịch danh dự Hội Âm nhạc Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2015.
     Đầu năm, ngày 26/3/20110, nhân kỷ niệm ngày Thành lập Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành Đoàn TNCS  Thành phố Hà Nôi đã trao cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên GIẢI THƯỞNG “Gương điển hình có nhiều cống hiến và ảnh hưởng đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên thiếu nhi Thủ đô giai đoan 1981-2011”

Phạm Thúy Lan
»»  Đọc tiếp

Bốn chị em mồ côi cần giúp đỡ

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 9 28, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Bốn chị em mồ côi rất cần sự giúp đỡ

Tối 25-9, anh Phạm Thăng (50 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Chung (42 tuổi, trú phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy - Thừa Thiên Huế) đi đánh cá, bất ngờ gặp mưa to gió lớn gây lật ghe rơi xuống sông Đại Giang.  

Nghe tiếng kêu cứu của vợ chồng anh Thăng, dân hai bên sông triển khai ứng cứu và báo cho cơ quan chức năng. Dù huy động 6 ghe lớn, 2 ca nô của công an tìm kiếm suốt đêm, nhưng do trời tối, mưa to, nước sông chảy xiết, nên công tác cứu hộ vẫn không có kết quả. Đến trưa 26-9, thi thể chị Chung, anh Thăng lần lượt được phát hiện nổi trên sông Đại Giang.

Gia đình anh Thăng có 4 con, thuộc diện khó khăn. Cháu lớn là Phạm Thị Thuý – SN 1993, hiện đang là SV trường CĐ Y tế Huế. Ba em của Thuý cũng đều là học sinh THCS và Tiểu học tại địa phương. Cháu nhỏ nhất là Phạm Năng, SN 2004. Bốn chị em mồ côi cả cha và mẹ đang rất cần được giúp đỡ.

Mọi sự giúp đỡ xin được thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Họ Phạm Việt Nam.

Thanh Tùng
»»  Đọc tiếp

26 tháng 9, 2011

Nhà thờ họ có tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 9 26, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Nhà thờ họ có tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 TP - Sài Gòn có một nhà thờ họ Phạm gắn với tên tuổi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chi phái Phạm Văn Nga, thân sinh của cố Thủ tướng. Quanh ngôi nhà thờ họ Phạm này là câu chuyện vui buồn lẫn lộn...
Nhớ về chú Tám
“Tôi là Phạm Văn Ngộ cháu ruột ông Phạm Văn Đồng. Cha tôi là ông Phạm Văn Cáo là anh ruột ông Phạm Văn Đồng” – Người chủ nhà gầy gò, nói với tôi như vậy.
Cụ Phạm Văn Nga có 8 người con, ông Phạm Văn Cáo (bố của ông Ngộ) là thứ hai, ông Phạm Văn Đồng là thứ bảy. Theo phong tục trong Nam, gia đình gọi ông Đồng là chú Tám. “Chú Tám mất năm 2000, chúng tôi được điện, ra ở Nhà khách Chính phủ để làm lễ. Đau xót vô cùng! Chú là người làm rạng danh dòng họ Phạm chúng tôi”.
Ông Ngộ bồi hồi ngước nhìn lên bàn thờ có tấm hình ông Phạm Văn Đồng, buồn bã. Còn nhớ lúc nhỏ ông Đồng học rất giỏi. Học ngang tú tài, ông bỏ đi làm cách mạng cứu nước. Ông bị bắt đi tù Côn Đảo, nhà không ai biết. Khi ông ra tù, về thăm, nói chuyện, rồi ông lại đi biệt tích luôn.
“Năm 1945, nhà nước mới ra đời, nghe tên Phạm Văn Đồng là bộ trưởng mới biết chú Tám còn sống. Nhưng rồi đất nước bị chia cắt, bà con họ hàng ít người được nhìn thấy mặt”. Nhưng, họ vẫn cố gắng dõi theo từng bước đi của con người đã làm vẻ vang cho họ Phạm đang sống bên kia sông Bến Hải.
Bà Gấm vợ ông Ngộ bảo: “Khổ lắm. Tôi ở Sài Gòn, nhưng chồng tôi thì bị điều đi khắp nơi”. Ông Ngộ bảo: “Họ bắt khai con cháu ai đi tập kết. Tôi khai tôi cháu ruột ông Phạm Văn Đồng. Họ bắt tôi lên Ban Mê Thuột, sung vào đơn vị toàn đồng bào dân tộc thiểu số, bắt phải đi trồng sắn tự sinh sống, không cho tiếp xúc với ai. Mỗi tuần tôi phải đi trình diện một lần. Rồi tôi bị điều ra miền Trung. Tôi xin đi dạy ở trường thiếu sinh quân rồi giải ngũ. May mắn cho tôi, tôi chưa biết đánh trận là gì”.
Giải ngũ, ông về làm trong Sở Giáo dục. Ông nói: “Tôi được cử đi Nhật học, nhưng họ nói tôi bà con với Việt cộng, không cho tôi xuất ngoại”. Quá mệt mỏi, xin về dạy ở trường Trưng Vương với vợ, cuộc đời ông từ đó yên ổn hơn.
Sau 30-4-1975, ông Phạm Văn Đồng vào Sài Gòn. Ông nhắn tin cho bà con ở Sài Gòn đến thăm. Bà Gấm nhớ lại: “Tôi dắt mấy đứa con lóc nhóc cùng họ hàng bên nội lên gặp ông Đồng. Ông ấy hiền lắm. Tôi bảo: Chồng tôi không phải ác ôn. Ông cười, bảo: “Cứ yên tâm”. Tôi về làm đơn gửi lên các nơi, nói chồng tôi là cháu ông Phạm Văn Đồng. Vài tháng sau, chồng tôi được về, đi
dạy học”.
Dòng họ hiển danh
Họ Phạm là một trong 5 họ lớn nhất của Việt Nam. Người họ Phạm suy tôn danh tướng Phạm Tu (467-545) thời Tiền Lý làm Thượng Thủy Tổ. Ông tổ dòng họ Phạm ở Mộ Đức, Quảng Ngãi là ông Phạm Công Hiều, sinh vào đời vua Lê Thế Tông (1573-1600), đỗ cử nhân, làm quản cơ, chỉ huy một binh biền khai phá 3.180 mẫu ruộng.
Ông mất được nhà Lê phong Dực Bảo Trung Hưng Thi Phổ Hậu Hiền, lập miếu thờ. Tính từ ông Phạm Công Hiều đến đời ông Phạm Văn Nga (cụ thân sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) vừa đúng 10 đời. Ông Nga là con của ông Phạm Văn Thức với bà Trần Thị Lượng.
Ông Nga từng làm chức Thị Giảng Học Sĩ (dạy học cho các hoàng tử), làm tới Tham Biện Nội Các, hàm tam phẩm. Ông mất năm 1924, được nhà vua phong thần (sắc phong hiện vẫn còn). Ông có 9 người con là: ông Phúng, một người con mất lúc nhỏ, ông Cáo (bố ông Ngộ), ông Ký, ông Dụy, ông Khoái, ông Đồng, bà Chiêm, bà Oanh.
Bố ông Ngộ là ông Phạm Văn Cáo, tú tài Hán học, làm tri huyện ở huyện Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi), Lệ Thủy (Quảng Bình). Sau năm 1945, ông làm Thẩm phán Tòa Thượng thẩm ở Huế, sau nghỉ hưu ở Đà Nẵng. Ông Cáo với ông Đồng rất thân thiết.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Đồng về Đà Nẵng, nơi ông Cáo đang nghỉ hưu, để gặp anh trai. Hai người đi ô tô về quê Quảng Ngãi. Không ngờ đó cũng là chuyến đi biệt ly đau xót. Ông Ngộ kể: “Bố tôi với chú Tám đi ô tô về quê thắp hương. Nhưng đường sá xấu quá, bố tôi lại già lắm rồi, nên xe xóc, ruột bị xoắn lại, đau đớn. Bác sĩ đã mổ mà không cứu được, vài tháng sau bố tôi qua đời”.
Ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng của nước Việt Nam trong suốt 32 năm. Người trong Nam cũng được biết ông lập gia đình với bà Phạm Thị Cúc là người Hà Nội, bà từng giúp ông hoạt động ở Cầu Gỗ, họ có với nhau một người con trai là Phạm Sơn Dương. Ông Ngộ ghi nhận: “Mỗi lần chú Tám vào Sài Gòn công tác, chú đều nhắn cho chúng tôi lên ăn cơm. Có hôm cả họ ăn vui vẻ với nhau. Có khi chú mời cơm lần lượt từng nhà”.
Mong giữ được chỗ thắp hương
Hồi còn sinh viên, ông Ngộ sống cùng anh trai là ông Diêu, ở ngôi nhà số 69 Trần Khánh Dư, Q1, TPHCM, nơi thờ họ Phạm. Ông Diêu là giáo sư văn chương, dạy ở các trường sư phạm, văn khoa… từng in cuốn Việt Nam Văn học giảng bình xuất bản trước 1975. Ông Diêu đứt mạch máu não mất năm 1982. Năm 1984, người vợ thứ hai của ông là bà Phan Thị Ninh cùng các con đi nước ngoài.
Ông Ngộ đưa cho tôi xem “Đơn xin cứu xét” của bà Ninh soạn ngày 21-3-1984, có viết: “Nay vì tôi và các con được phép xuất cảnh ra nước ngoài, căn nhà trên, gia đình tôi đã đồng ý bán lại cho người em ruột của chồng tôi là ông Phạm Văn Ngộ hiện ngụ tại 457 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh với giá tượng trưng là 80.000 đồng (tám chục ngàn đồng) kèm theo điều kiện là chú ấy phải thay mặt gia đình tôi chăm sóc phần mộ của chồng tôi và nếu sau này có sự quy hoạch lại của nhà nước, chú ấy phải đứng ra lo liệu việc dời phần mộ của chồng tôi về quê. Từ lâu, căn nhà trên là nhà thờ của hai họ Phạm và họ Phan, nên sau khi gia đình chúng tôi xuất ngoại chú ấy phải tiếp tục thờ cúng ông bà hai họ”.
Theo vợ chồng ông Ngộ, họ đã thanh toán cho bà Ninh số tiền 80.000 đồng (tương đương 1 cây vàng) trước khi bà xuất cảnh.
Sau thời gian đi nước ngoài, bà Ninh đã trở lại Việt Nam và đâm đơn kiện, đòi lại căn nhà. Ngày 31-8-2009, Tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM đã tuyên rằng việc bán nhà không có sự đồng ý của các con bà Ninh bằng văn bản, nên không hợp pháp. Ông Ngộ lắc đầu nói: “Tôi vẫn còn giữ giấy tờ có chữ ký của các cháu trước khi xuất cảnh đồng ý bán nhà cho chúng tôi”.
Tòa quyết định buộc ông Phạm Văn Ngộ, bà Đinh Thị Gấm và các con phải rời khỏi nhà để trả nhà cho bà Phan Thị Ninh. Thực tế, ngôi nhà 69 Trần Khánh Dư lâu nay đã là nhà thờ của họ Phạm.
Vì không đồng tình với bản án, ông Ngộ - bà Gấm gửi đơn lên các cơ quan T.Ư. Ngày 2-6-2011, Văn phòng BCH Trung ương Đảng có công văn số 842-CV/VPTW gửi Tòa án Nhân dân Tối cao, truyền đạt: “Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhận được đơn của Hội đồng gia tộc họ Phạm (chi phái cụ Phạm Văn Nga, thân sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chi nhánh tại TPHCM) đề nghị giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp nhà số 69 Trần Khánh Dư, phường Tân Định, quận 1, TPHCM, đã kéo dài 27 năm” và đề nghị “chỉ đạo các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết vụ tranh chấp nhà nêu trên theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Bí thư biết”.
Ngôi nhà bề ngang 8m, dài 15 m, hiện cho thuê nửa mặt tiền bán cơm bình dân với giá 4 triệu đồng/tháng. Con cháu đông, làm nghề tự do, thu nhập phập phù. Ông Ngộ, ở tuổi thất thập cổ lai hy, gầy gò, mắt kém, nói: “Thực tình chúng tôi không muốn ra tòa, nguyện vọng chỉ là sao có chỗ để sống mà lo việc thờ cúng tổ tiên thôi”.

Sau khi đưa tang ông Phạm Văn Đồng ở Hà Nội, họ Phạm ở TPHCM trở về Nam, tổ chức một lễ tang riêng cho ông Phạm Văn Đồng tại nhà thờ họ số 69 Trần Khánh Dư (Q1, TPHCM). Họ cũng quyết định lập ra một chi phái mới của họ Phạm, là “Chi phái Phạm Văn Nga - thân sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, suy tôn bố của ông Phạm Văn Nga là tổ chi phái.

Tháng 9-2011
Trần Nguyễn Anh
(Tiền phong  7.9.2011)
                 http://www.tienphong.vn/Phong-Su/550895/Nha-tho-ho-co-ten-Thu-tuong-Pham-Van-Dong-tpp.html
»»  Đọc tiếp

25 tháng 9, 2011

Lễ “yên vị” bàn thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu tại Đình Ngoại, Thanh Liệt, Hà Nội.

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 9 25, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

         Lễ “yên vị” bàn thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu
        tại Đình Ngoại, Thanh Liệt, Hà Nội.               

      Dự án “Công trình Tu bổ tôn tạo Đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu” đã tiến hành từ ngày 29/11/2009. Cụm di tích của Dự án Công trình có tổng diện tích gần 7.000m2 bao gồm 18 Công trình (Đại Đình, nhà Thọ, nhà Bia, nhà Khách, nhà Tạo soạn, Dân tế, Nghi môn, Hồ bán nguyệt, Bình phong, Cổng, Sân, Vườn, Tường, 2 Giếng (2 mắt rồng), Bàn thờ Thần nông ….).
        Theo Chương trình của Dự án, nhà Khách phải xây dựng trước để làm nơi chuyển tượng Ngài và Bàn thờ Ngài từ tòa Đại Đình cũ ra, để phá bỏ tòa Đại Đình cũ rồi xây dựng tòa Đại Đình mới. Sau gần 4 tháng, ngày 12/3/2010 nhà Khách đã xây dựng xong và lập bàn thờ tạm thời thờ Ngài tại đây. Sau đó Ban Quản lý Dự án đã tiến hành xây dựng tòa Đại Đình (nơi đặt tượng thờ Ngài là nơi quan trọng nhất của Dự án).
Sáng ngày 23 tháng 01 năm 2011,  Đảng bộ, HĐND, UBND và MTTQ huyện Thanh Trì - Hà Nội đã long trọng tổ chức “Lễ Thượng lương” (Lễ cất nóc), về dự Lễ có Cụ Phạm Thế Duyệt - nguyên UVBCT BCH Trung ương Đảng CSVN, Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Đoàn đại biểu BLL họ Phạm VN dự Lễ gồm có: ô. Phạm Cầu - Phó Trưởng ban; ô. Phạm Đình Điểu - UVTT, ô. Phạm Vũ Câu - UVTT, T/ban kiêm TTK BLL họ Phạm Hà Nội. CLB doanh nhận họ Pham Việt Nam cũng có đoàn tham gia do ông Phạm Quang Hoàn Chủ nhiệm CLB làm Trưởng đoàn.
         Sau gần 1 năm xây dựng, tòa Đại Đình đã hoàn thành, với diện tích là 365m2 (diện tích cũ 235m2 ), cao hơn cũ gần 2 mét, sân đình đã tôn cao hơn 1 mét, cột to gấp đôi cột trước kia, mái cao hơn gấp rưỡi trước …. Trong nội cung tòa Đại Đình, đặc biệt có 4 hoành phi mới rất có ý  nghĩa bằng chữ nho dịch là: NGỌC ĐÀM THANH ; PHẠM TỔ LINH TỪ; HƯU HỮU LIỆT QUANG ; THÁNH ĐỨC LƯU ÂN. Trong nội cung có 15 bộ hoành phi câu đối mới và các bàn thờ, đồ thờ…, BLL Họ Phạm Việt Nam đã phục chế 11 bộ hoành phi câu đối bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất có giá trị vì duy trì những hoành phi câu đối cổ xưa rất đẹp và là gỗ rất quý.  
          Ngày 20 tháng 09 năm 2011 (tức ngày 23 tháng 08 năm Tân Mão), tại Đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu, HĐND, UBND Xã Thanh Liệt - huyện Thanh Trì, đã long trọng tổ chức Lễ “Chuyển vị” (chuyển tượng Ngài và Bàn thờ Ngài từ nhà Khách về tòa Đại Đình mới).  Sau khi sắp xếp bố trí tượng Ngài, đồ thờ … đúng 14h chiều đã làm Lễ “Yên vị” Ngài tại Bàn thờ Ngài. Tham dự Lễ có Đại diện HĐND, UBND Xã Thanh Liệt ; Tham dự có các vị trong Ban Tế Lễ của Xã Thanh Liệt và các vị trong Hội Người cao tuổi của Xã Thanh Liệt và các Thôn trong Xã … 
        Đoàn đại biểu BLL họ Phạm VN dự Lễ gồm có: ô. Phạm Cầu - Phó T/ban ; ô. Phạm Văn Dương - PTB kiêm TTK ; ô. Phạm Đình Điểu - UVTT ; ô. Phạm Hồng Vũ - UVTT. Đoàn đại biểu BLL họ Phạm Hà Nội gồm có: ô. Phạm Vũ Câu - UVTT BLL họ Phạm VN - TB kiêm TTK BLL họ Phạm Hà Nội ; ô. Phạm Quang Nhuệ UVTT BLL họ Phạm VN , Phó T/ban BLL họ Phạm HN ; ô. Phạm Duy Tuấn UVTT BLL họ Phạm HN  T/ban BLL họ Phạm quận Đống Đa ; ô. Phạm Cao Sơn UVTT BLL họ Phạm HN, T/ban BLL họ Phạm quận Hà Đông …CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam cũng có Đoàn đến dự do ông Phạm Quang Hoàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ làm Trưởng đoàn,

        Dự kiến Dự án “Công trình Tu bổ tôn tạo Đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu” sẽ hoàn thành vào cuối năm, Ban Quản lý Dự án và Ban UBND huyện Thanh Trì - Hà Nội sẽ tổ chức Lễ khánh thành Công trình, khi đó BLL họ Phạm VN sẽ thông báo trên Trang tin điện tử: www.hophamvietnam.org.

(Dưới đây là một số hình ảnh Lễ “Chuyển vị” và Đoàn đại biểu BLL họ Phạm VN dự Lễ)






Phạm Đình Điểu

»»  Đọc tiếp

13 tháng 9, 2011

Hội nghị gặp mặt dòng họ Phạm huyện Thuận Thành

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 9 13, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


          Hội nghị gặp mặt dòng họ Phạm huyện Thuận Thành

        Ngày 10 tháng 9 năm 2011, tại Nhà văn hóa thôn Công Hà, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tình Bắc Ninh, 130 tộc viên thuộc các dòng họ, chi họ ở hầu khắp các thôn xã trong toàn huyện Thuận Thành đã về tham dự “Hội nghị gặp mặt dỏng họ Phạm huyện Thuận Thành”. Về dự Hội nghị có đại biểu của Ban Liên lạc họ Phạm các huyện thị trong tỉnh Bắc Ninh như Thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ cùng Trưởng Phó Ban và Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Kinh Bắc. Đại diện chính quyền, đoàn thể, Hội đồng Nhân dân, Ban Mặt trận Tổ Quốc của thôn, xã và huyện đã đến dự đông đủ. Hội nghị còn được đón PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng Ban cùng một số vị trong Thường trực Ban Liên lạc toàn quốc họ Phạm Việt Nam và Thường trực CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam.
      Một chương trình Văn nghệ đặc sắc chào mừng với những làn điệu quan họ Bắc Ninh do các liền anh liền chị quan họ biểu diễn cùng với giọng hát của con cháu họ Phạm huyện Thuận Thành đã đem đến cho Hội nghị niềm vui và không khí của miền quê giàu truyến thống lịch sử -văn hóa Kinh Bắc.
     Hội nghị đã nghe Quy chế tổ chức và hoat động của BLL toàn quốc họ Phạm Việt Nam, Quy chế tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm Kinh Bắc và Dự thảo Quy chế của BLL họ Phạm huyện Thuận Thành. Ban Liên lạc lâm thời họ Phạm huyện Thuận Thành đã báo cáo những kết quả chính trong hoạt động của Ban 5 tháng qua, từ khi  thành lập, tháng 4 năm 2011 đến nay, chủ yếu là hoạt động kết nối và nắm tình hình dòng họ trong toàn huyện nhằm đi tới Hội nghị gặp mặt hôm nay để chính thức bàu ra BLL họ Phạm huyện Thuận Thành và thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm huyện Thuận Thành. Hội nghị đã nhất trí cao với Dự thảo Quy chế và Danh sách dự kiến BLL họ Phạm huyện Thuận Thành mà BLL lâm thời họ Phạm đã đưa ra. Đây là đơn vị thứ hai của tỉnh Bắc Ninh thành lập được BLL họ Phạm ở cấp huyện, thị.
     Hội nghị đã được nghe ý kiến phát biểu của đại diện các BLL họ Phạm các huyện thị trong tỉnh, đại diện các chi họ trong huyện, đại diện chính quyền địa phương, đại diện Thường trực CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam và ý kiến phát biểu của Trưởng Ban Liên lạc toàn quốc họ Phạm Việt Nam. Các ý kiến đều đánh giá cao hoạt động tích cực và có hiệu quả của BLL lâm thời họ Phạm huyện Thuận Thành trong thời gian qua, chúc mừng Ban Liên lạc họ Phạm huyện Thuận Thành được thành lập; đánh giá cao trình độ tổ chức và kết quả của Hội nghị và mong rằng BLL họ Phạm huyện Thuận Thành phát huy kết quả đạt được, đẩy mạnh hoạt động để giành được  nhiều kết quả hơn nữa theo tôn chỉ mục đich hoạt động dòng họ đã được ghi rõ trong Quy chế hoạt động vừa được thông qua. PGS.TS còn nêu những nét chính trong lịch sử phát triển của dòng họ Phạm Việt Nam, hoạt động của BLL toàn quốc họ Phạm Việt Nam và một vài kinh nghiệm hoạt động dòng họ của các BLL họ Phạm ở các địa phương trong toàn quốc. Hội nghị cũng đã thu hút được sự ủng hộ về vật chất của đông đảo các tộc viên cho Quỹ hoạt động của dòng họ.
     Hội nghi gặp mặt dòng họ Phạm huyện Thuận Thành, Bắc Ninh kết thúc bằng bữa liên hoan thắm tình đồng tộc và mọi người lưu luyến chia tay trong tiếng hát của bài ca quan họ quen thuộc “Người ở đừng về”…

Phạm Thúy Lan

      Dưới đây là một vài hình ảnh của Hội nghị

Văn nghệ chào mừng

 Ông Trưởng ban Tổ chức khai mạc Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

 Nhà báo Phạm Thuận Thành, UV BLL Họ Phạm VN, Trưởng Ban BLL
Họ Phạm Kinh Bắc phát biểu với Hội nghị

PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng BLL toàn quốc họ Phạm Việt Nam trao
“Giấy Ghi nhận tấm lòng nhân ái”

 BLL họ Phạm huyện Thuận Thành chụp ảnh lưu niệm với đại diện 
BLL toàn quốc họ Phạm Việt Nam và với các vị khách mời 
»»  Đọc tiếp

10 tháng 9, 2011

ĐẠI DIỆN BLL HỌ PHẠM TP.HCM DỰ TRIỂN LÃM TRANH "TRỜI ĐẤT VÀ CON NGƯỜI II"

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 9 10, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

ĐẠI DIỆN BLL HỌ PHẠM TP.HCM DỰ TRIỂN LÃM TRANH "TRỜI ĐẤT VÀ CON NGƯỜI II" 

 Sáng ngày 9/9/2011 Bs. Phạm Văn Căn, Phó Tổng thư ký BLL Họ Phạm Việt Nam,Trưởng BBL Họ PhạmTp.HCM, đến dự và chúc mừng khai mạc triển lãm tranh : TRỜI ĐẤT VÀ CON NGƯỜI II của họa sĩ Phạm Huy Hùng tại bảo tàng mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh , 97A Phó Đức Chính quận 1.
    Với 50 bức tranh bằng chất liệu sơn dầu và sơn mài được trưng bày lần này là sự ghi dấu, cảm nhận trong suốt chặng đường nhận thức hội họa của họa sĩ  Phạm Huy Hùng.
  Trong cuộc họp báo trước giờ khai mạc Họa sĩ tâm sự "sau nhiều ngàn năm diễn tiến văn minh,văn hóa của xã hội loài người với bức tranh toàn cảnh hiện nay của thế giới, ngẫm lại, càng nhận thấy ý nghĩa sâu sắc, cao quý tỏa sáng trên trống đồng NGỌC LŨ không chỉ ảnh hưởng đến tư tưởng , tình cảm, tâm thức của con người Việt Nam qua nhiều thời đại mà còn là thông điệp xuyên thời gian định hướng cho tương lai của xã hội mới, con người thời đại mới, thời đại của tự do, bình đẳng, bác ái, hiểu biết, tôn trọng tự nhiên và cả siêu tự nhiên.Một lần nữa tôi muốn gửi tới công chúng thông điệp của tổ tiên mượn từ trời cao" . Anh cũng tuyên báo với giới truyền thông sẽ có 4 bức tranh được bán, phần lớn số tiền bán tranh anh giành vào mục đích từ thiện là ủng hộ trẻ em bị chất độc màu da cam và ủng hộ Trường Sa
 
   Khi được hỏi về những hình tam giác đều, khối chóp tam giác đều , hình tròn hay những khối cầu sáng trong hầu hết những tác phẩm sơn dầu của anh, họa sĩ đã giải thích như sau: 
  - Hình tam giác đều biểu thị quan hệ hài hòa và bền vững của trí tuệ (thân xác)- linh hồn – xã hội. 
  - Khối chóp tam giác đều là đơn vị tối thiểu cần và đủ để trí tuệ - linh hồn – xã hội , hội nhập với siêu tự nhiên.         

                           
  - Khối chóp tam giác đều của tôi còn có ý nghĩa là viên kim cương (ý tôi muốn nhấn mạnh sự quý giá của vật chất này trong thế giới vật chất của xã hội loài người). 
  - Hình tam giác đều và khối tam giác đều là đơn vị tối thiểu cần hài  hòa được với không gian 4 chiều (thực ra không gian có n chiều chứ không phải là 4 chiều).                                                             Hs Phạm Huy Hùng và Bs Phạm Văn Căn
  - Hình tròn, khối cầu là trạng thái ổn định tương đối năng động và quan hệ hài hòa được với tam giác đều và cả khối chóp tam giác đều. Nhiều vật chất tồn tại trong tự nhiên có hình khối cầu như hạt nước, hạt bụi hay lớn hơn như cả một hành tinh.
   Họa sĩ Phạm Huy Hùng tự bạch; "...Tư tưởng tình cảm của tôi không còn là mới nhưng nhờ có tổ tiên anh linh mà tôi được định hướng, nhờ có truyền thống mà tôi nên người .Tôi kính tạ Trời Đất và Người những điều tôi biết về NGƯỜI bằng tâm hồn tôi với những tác phẩm này..."


 "Tình Yêu"- tranh sơn mài 170 x 120cm 
(Ảnh bên)
   Ngắm nhìn những bức tranh với cấu trúc cô đọng chỉ còn lại tam giác đều , chóp tam giác đều , hình tròn hay những khối cầu sáng ( ký tự của riêng họa sĩ ) với một tông màu tươi sáng hết sức nhẹ nhàng ta tự hỏi phải chăng quả thật họa sĩ đã nhận và mã hóa thông điệp từ trời cao hay từ siêu tự nhiên là chuyện đáng tin ! Và ta chợt nhớ lời bài hát của Trịnh Công Sơn : Chúa đã bỏ loài người , Phật cũng bỏ loài người…Thì ngay ở phòng tranh này chúng ta có thể tin rằng các Đấng không bỏ loài người …
  Phòng tranh :TRỜI ĐẤT VÀ CON NGƯỜI II sẽ đón khách đến ngày 24/9/2011. Xin trân trọng giới thiệu.

Tin và ảnh : Tiểu Vũ

»»  Đọc tiếp

7 tháng 9, 2011

BLL HỌ PHẠM TP.HCM TỔNG KẾT CÔNG TÁC TỔ CHỨC LỄ HỘI GIỖ TỔ NĂM 2011

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 9 07, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


BLL HỌ PHẠM TP.HCM TỔNG KẾT CÔNG TÁC TỔ CHỨC LỄ HỘI GIỖ TỔ NĂM 2011 

    Sáng ngày 4/9/2011 BLL Họ Phạm Tp.HCM tổ chức tổng kết khen thưởng công tác tổ chức Lễ Hội Giỗ tổ năm 2011 và Đêm nhạc “Mọi Trái tim- Một Tấm Lòng”. Đến dự có đông đảo thành viên trong BLL, các cụ cao tuổi trong họ, các doanh nhân họ Phạm, các vị đại diện BLL các quận huyện, thành viên mới vừa bổ sung vào BLL, thành viên ban tổ chức Lễ Hội, và các cá nhân tích cực góp phần vào sự thành công của Lễ Hội vừa qua…    
   Đáng chú ý là trong buổi lễ này BLL cũng đã mời hai mẹ con của em Đoàn Phạm Khiêm đến cùng tham dự, Em Khiêm là một người câm điếc, nhưng đã vượt lên số phận thi đổ cao vào  Đại Học, hiện em đang học năm thứ tư của trường Đại Học Mỹ Thuật Tp.HCM. Trước đó vào ngày1 tháng 9,  Bs. Phạm Văn Căn, Phó tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam cũng đã trao một suất học bổng trị giá 3 triệu đồng cho em Đoàn Phạm Khiên.
   Lễ Hội Giỗ Tổ họ Phạm được tổ chức trong hai ngày 18-19/2011 đã thành công tốt đẹp là một sự kiện chứng minh cho tinh thần đoàn kết nhất trí, một lòng vì dòng họ, quyết tâm vượt khó của BTC cũng như bà con Họ Phạm tại Tp.HCM.
   Qua bảng báo cáo Tổng kết trong buổi lễ do Bs. Phạm Văn Căn Trưởng BLL họ Phạm Tp.HCM trình bày có những thành tích đáng ghi nhận như sau:
   Hai chương trình Lễ dâng hương Ngài Thủy Tổ và Đêm nhạc Họ Phạm “ Mọi Trái Tim – Một Tấm Lòng” đã được tổ chức thành công ngoài mong đợi. Các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt đưa tin trước trong và sau Lễ Hội qua các kênh báo chí, truyền hình, internet đã gây được tiếng vang lớn trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài..
   - Có 11 cá nhân được BTC trao bằng Tri Ân Công Đức & Kỷ niệm chương. 24 cá nhân xuất sắc được trao bằng Ghi Nhận Tấm Lòng trong đợt Lễ Hội này.
    Trưởng BLL Họ Phạm Tp.HCM cũng đã thông qua một số điều Bổ sung  vào Quy Ước hoạt động của BLL, danh sách dự kiến thành viên mới vào BLL để lấy ý kiến đóng góp, phát động cuộc vận động xây nhà thờ họ Phạm tại miền Nam, trưng cầu sáng tác logo và mẫu cờ họ Phạm. Nhiều ý kiến chân thành và có chất lượng được đóng góp trong buổihọp.
   Trong buổi lễ các đại biểu cũng đã thưởng thức một tiểu phẩm kịch câm đặc sắc của em Đoàn Phạm Khiêm và nghe giọng ca Huế ngọt ngào của nghệ sĩ Bảo Cường.
   Với với những kết quả đạt được từ Lễ hội, BTC  cũng nghiêm túc tự nhận những mặt còn tồn tại hạn chế để khắc phục. Đây sẽ là tiền đề cho những hoạt động sắp đến của BLL sẽ được phát huy ngày càng nâng cao hơn, đáp ứng với sự nhu cầu nguyện vọng của đông đảo bà con họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh trong công tác kết nối và phát triển Dòng họ.
Phạm Thị Như Ý

Sau đây là một vài hình ảnh minh họa








»»  Đọc tiếp

6 tháng 9, 2011

GS-TS Phạm Vũ Luận dâng hương

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 9 06, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


GS-TS Phạm Vũ Luận dâng hương
Ngài Thượng thuỷ tổ ở nhà thờ An Ninh Hạ (Huế)

GS-TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tham gia đoàn công tác của Chính phủ tại hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.  Ngày 2-9-2011, GS-TS Phạm Vũ Luận đã dự lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Đại học Huế nhiệm kỳ 2011-2016; dự lễ khai giảng năm học 2011-2012 của trường Quốc Học, và đến thăm nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ.
GS-TS Phạm Vũ Luận thành kính dâng hương tưởng niệm Ngài Thượng thuỷ tổ và các vị tiền bối của họ Phạm An Ninh Hạ; chụp ảnh lưu niệm với con cháu họ Phạm làng An Ninh Hạ trước tượng Ngài Phạm Tu; chụp ảnh lưu niệm với BLL họ Phạm Thừa Thiên Huế ở đường Phạm Tu.
                                                                                                          Thanh Tùng
Một số hình ảnh:

 Dâng hương Ngài  Thượng Thuỷ tổ

 Chụp ảnh lưu niệm trước tượng Ngài Phạm Tu

 Chụp ảnh lưu niệm ở đường Phạm Tu

»»  Đọc tiếp

1 tháng 9, 2011

Phạm Thị Trân Châu

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 9 01, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu 

 Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam



GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu,  Sinh ngày: 29 - 7 - 1938. Nguyên quán: Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam  Nơi ở hiện nay: Nhà 17, Ngõ Bạch Liên, Đường Khuất Duy Tiến, Quận Thanh Xuân, Hà Nội - Năm 1959: Tốt nghiệp Trường ĐHTH Hà Nội, công tác giảng dạy tại Khoa Sinh học - Trường ĐHTH Hà Nội. - Năm 1974 - 1985 Bảo vệ Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa họct ại ĐHTH Ba Lan.- Năm 1991: Được phong là Giáo sư   GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu đã nghỉ hưu, là  Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hoá sinh ViệtNam - Ngày 8/3/2011, Đại hội Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ I (2011-2016), Bà được bầu là Chủ tịch Hội.

Ngày 25/02/2011, Bộ Nội vụ có Quyết định số 176/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Hội Nữ trí thức Việt Nam được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động.
Đại hội thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ I (2011-2016) đã được long trọng tổ chức đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội.       
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự Đại hội. Cùng dự có lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và 302 đại biểu chính thức.         
Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam (nhiệm kỳ 2011 - 2016) gồm 35 thành viên là những nữ trí thức tiêu biểu do GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Trưởng ban vận động thành lập Hội làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là Chủ tịch danh dự của Hội.
Theo Văn kiện Đại hội thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ I (nhiệm kỳ 2011 – 2016), Hội Nữ trí thức Việt Nam ra đời nhằm tập hợp, đoàn kết phụ nữ trí thức với mục đích hỗ trợ, phát huy năng lực, vai trò của nữ trí thức trong hoạt động tri thức nâng cao trình độ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước; tạo điều kiện để các nữ trí thức làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, giúp Hội hoạch định, đề xuất giải pháp đóng góp vào sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ.
Nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nữ trí thức Việt Nam thời gian tới là tập trung vào việc vận động nữ trí thức tham gia tích cực các hoạt động của Hội, là cầu nối để đội ngũ nữ trí thức thực hiện tốt hơn trọng trách của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Tại Đại hội GS Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho biết: Những người trí thức thì lúc nào cũng mong muốn cống hiến và được tạo điều kiện cả về tinh thần lẫn vật chất để cống hiến nhiều cho xã hội.
Về mặt tinh thần thì phải làm sao tạo điều kiện để các trí thức đóng góp ý kiến, phát biểu một cách thẳng thắn. Với tinh thần xây dựng, trí thức luôn là những người rất thiết tha yêu nước và luôn muốn được đóng góp một cách chân thành. Vì vậy tôi mong Chính phủ mới phải biết lắng nghe và trân trọng những ý kiến đóng góp của họ.Tôi mong mỏi Chính phủ sẽ có cơ chế để thu thập được ý kiến của nhân dân nói chung và đặc biệt là của giới trí thức nói riêng. Trí thức Việt Nam luôn có truyền thống yêu nước, lòng khát khao được cống hiến rất lớn, Chính phủ phải làm sao để khơi dậy được điều đó.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội cần tích cực tập hợp, đoàn kết nữ trí thức trong cả nước nhằm phát huy tiềm năng, vai trò, trách nhiệm cả nữ trí thức, khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam, góp phần để xã hội thêm hiểu và tôn vinh vai trò của mình. Hội quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nữ trí thức từ giai đoạn trẻ tuổi trong học tập, cống hiến và phát triển; đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức, trong nghiên cứu các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phụ nữ và gia đình; tham gia Đề án phát triển gia đình Việt Nam bền vững...   
    
                                              Phạm Đình Điểu - Tổng hợp từ www.chinhphu.vn ; dangcongsan.vn               

»»  Đọc tiếp

Nhạc sỹ Phạm Tuyên

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 9 01, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Nhạc sỹ Phạm Tuyên: Tôi đã có giải thưởng lớn nhất của đời mình!
GiadinhNet - Bộ VH,TT&DL vừa chính thức có thông cáo gửi các cơ quan báo chí về trường hợp nhạc sỹ Phạm Tuyên trong đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

Thông cáo cho biết, nhạc sĩ Phạm Tuyên là người đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ có giá trị to lớn, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của đất nước, được công chúng yêu thích, mến mô...
Để có cơ sở trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng Giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2011 cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, Bộ VH,TT & DL giao Hội Nhạc sĩ Việt Nam triển khai các thủ tục theo quy định, hướng dẫn nhạc sĩ Phạm Tuyên lập hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng; tổ chức họp Hội đồng cấp cơ sở Hội Nhạc sĩ Việt Nam để xét hồ sơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên, báo cáo kết quả họp Hội đồng cấp cơ sở về Bộ trước ngày 15/9/ 2011.
Chia sẻ cảm xúc về sự việc này, nhạc sỹ Phạm Tuyên vui vẻ cho biết: "Sau khi đọc các thông tin trên báo chí, con gái tôi bảo: "Bố đã có phần thưởng lớn nhất là được cả nước quan tâm...". Tôi cũng thấy vậy, đúng là mình đã có một phần thưởng không thể so sánh được với bất cứ phần thưởng nào khác, đó là sự yêu mến của công chúng. Nếu phần thưởng đó có thêm sự công nhận chính thức của Nhà nước thì tôi càng thấy vui".
Nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng cho biết thêm, nhiều bạn bè đã gọi điện, nhắn tin chúc mừng ông khiến ông thấy rất phấn chấn. Qua sự việc này, nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng gửi lời cảm ơn đến Hội Âm nhạc Hà Nội đã dành cho ông sự quan tâm rất lớn; Báo GĐ&XH là tờ báo đầu tiên "xới" lên vấn đề và nhận được sự tham gia của nhiều tờ báo khác đấu tranh cho quyền lợi của ông. Đặc biệt, qua Báo GĐ&XH, nhạc sỹ Phạm Tuyên gửi lời cảm ơn đến toàn thể công chúng đã dành cho ông những tình cảm đặc biệt trong thời gian qua.    
Hoàng Phương
                                                                                                                                   (GD&XH)

http://giadinh.net.vn/2011083110091062p0c1003/nhac-sy-pham-tuyen-toi-da-co-giai-thuong-lon-nhat-cua-doi-minh.htm

»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi