Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

26 tháng 9, 2011

Nhà thờ họ có tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 9 26, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Nhà thờ họ có tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 TP - Sài Gòn có một nhà thờ họ Phạm gắn với tên tuổi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Chi phái Phạm Văn Nga, thân sinh của cố Thủ tướng. Quanh ngôi nhà thờ họ Phạm này là câu chuyện vui buồn lẫn lộn...
Nhớ về chú Tám
“Tôi là Phạm Văn Ngộ cháu ruột ông Phạm Văn Đồng. Cha tôi là ông Phạm Văn Cáo là anh ruột ông Phạm Văn Đồng” – Người chủ nhà gầy gò, nói với tôi như vậy.
Cụ Phạm Văn Nga có 8 người con, ông Phạm Văn Cáo (bố của ông Ngộ) là thứ hai, ông Phạm Văn Đồng là thứ bảy. Theo phong tục trong Nam, gia đình gọi ông Đồng là chú Tám. “Chú Tám mất năm 2000, chúng tôi được điện, ra ở Nhà khách Chính phủ để làm lễ. Đau xót vô cùng! Chú là người làm rạng danh dòng họ Phạm chúng tôi”.
Ông Ngộ bồi hồi ngước nhìn lên bàn thờ có tấm hình ông Phạm Văn Đồng, buồn bã. Còn nhớ lúc nhỏ ông Đồng học rất giỏi. Học ngang tú tài, ông bỏ đi làm cách mạng cứu nước. Ông bị bắt đi tù Côn Đảo, nhà không ai biết. Khi ông ra tù, về thăm, nói chuyện, rồi ông lại đi biệt tích luôn.
“Năm 1945, nhà nước mới ra đời, nghe tên Phạm Văn Đồng là bộ trưởng mới biết chú Tám còn sống. Nhưng rồi đất nước bị chia cắt, bà con họ hàng ít người được nhìn thấy mặt”. Nhưng, họ vẫn cố gắng dõi theo từng bước đi của con người đã làm vẻ vang cho họ Phạm đang sống bên kia sông Bến Hải.
Bà Gấm vợ ông Ngộ bảo: “Khổ lắm. Tôi ở Sài Gòn, nhưng chồng tôi thì bị điều đi khắp nơi”. Ông Ngộ bảo: “Họ bắt khai con cháu ai đi tập kết. Tôi khai tôi cháu ruột ông Phạm Văn Đồng. Họ bắt tôi lên Ban Mê Thuột, sung vào đơn vị toàn đồng bào dân tộc thiểu số, bắt phải đi trồng sắn tự sinh sống, không cho tiếp xúc với ai. Mỗi tuần tôi phải đi trình diện một lần. Rồi tôi bị điều ra miền Trung. Tôi xin đi dạy ở trường thiếu sinh quân rồi giải ngũ. May mắn cho tôi, tôi chưa biết đánh trận là gì”.
Giải ngũ, ông về làm trong Sở Giáo dục. Ông nói: “Tôi được cử đi Nhật học, nhưng họ nói tôi bà con với Việt cộng, không cho tôi xuất ngoại”. Quá mệt mỏi, xin về dạy ở trường Trưng Vương với vợ, cuộc đời ông từ đó yên ổn hơn.
Sau 30-4-1975, ông Phạm Văn Đồng vào Sài Gòn. Ông nhắn tin cho bà con ở Sài Gòn đến thăm. Bà Gấm nhớ lại: “Tôi dắt mấy đứa con lóc nhóc cùng họ hàng bên nội lên gặp ông Đồng. Ông ấy hiền lắm. Tôi bảo: Chồng tôi không phải ác ôn. Ông cười, bảo: “Cứ yên tâm”. Tôi về làm đơn gửi lên các nơi, nói chồng tôi là cháu ông Phạm Văn Đồng. Vài tháng sau, chồng tôi được về, đi
dạy học”.
Dòng họ hiển danh
Họ Phạm là một trong 5 họ lớn nhất của Việt Nam. Người họ Phạm suy tôn danh tướng Phạm Tu (467-545) thời Tiền Lý làm Thượng Thủy Tổ. Ông tổ dòng họ Phạm ở Mộ Đức, Quảng Ngãi là ông Phạm Công Hiều, sinh vào đời vua Lê Thế Tông (1573-1600), đỗ cử nhân, làm quản cơ, chỉ huy một binh biền khai phá 3.180 mẫu ruộng.
Ông mất được nhà Lê phong Dực Bảo Trung Hưng Thi Phổ Hậu Hiền, lập miếu thờ. Tính từ ông Phạm Công Hiều đến đời ông Phạm Văn Nga (cụ thân sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) vừa đúng 10 đời. Ông Nga là con của ông Phạm Văn Thức với bà Trần Thị Lượng.
Ông Nga từng làm chức Thị Giảng Học Sĩ (dạy học cho các hoàng tử), làm tới Tham Biện Nội Các, hàm tam phẩm. Ông mất năm 1924, được nhà vua phong thần (sắc phong hiện vẫn còn). Ông có 9 người con là: ông Phúng, một người con mất lúc nhỏ, ông Cáo (bố ông Ngộ), ông Ký, ông Dụy, ông Khoái, ông Đồng, bà Chiêm, bà Oanh.
Bố ông Ngộ là ông Phạm Văn Cáo, tú tài Hán học, làm tri huyện ở huyện Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ (Quảng Ngãi), Lệ Thủy (Quảng Bình). Sau năm 1945, ông làm Thẩm phán Tòa Thượng thẩm ở Huế, sau nghỉ hưu ở Đà Nẵng. Ông Cáo với ông Đồng rất thân thiết.
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông Đồng về Đà Nẵng, nơi ông Cáo đang nghỉ hưu, để gặp anh trai. Hai người đi ô tô về quê Quảng Ngãi. Không ngờ đó cũng là chuyến đi biệt ly đau xót. Ông Ngộ kể: “Bố tôi với chú Tám đi ô tô về quê thắp hương. Nhưng đường sá xấu quá, bố tôi lại già lắm rồi, nên xe xóc, ruột bị xoắn lại, đau đớn. Bác sĩ đã mổ mà không cứu được, vài tháng sau bố tôi qua đời”.
Ông Phạm Văn Đồng là Thủ tướng của nước Việt Nam trong suốt 32 năm. Người trong Nam cũng được biết ông lập gia đình với bà Phạm Thị Cúc là người Hà Nội, bà từng giúp ông hoạt động ở Cầu Gỗ, họ có với nhau một người con trai là Phạm Sơn Dương. Ông Ngộ ghi nhận: “Mỗi lần chú Tám vào Sài Gòn công tác, chú đều nhắn cho chúng tôi lên ăn cơm. Có hôm cả họ ăn vui vẻ với nhau. Có khi chú mời cơm lần lượt từng nhà”.
Mong giữ được chỗ thắp hương
Hồi còn sinh viên, ông Ngộ sống cùng anh trai là ông Diêu, ở ngôi nhà số 69 Trần Khánh Dư, Q1, TPHCM, nơi thờ họ Phạm. Ông Diêu là giáo sư văn chương, dạy ở các trường sư phạm, văn khoa… từng in cuốn Việt Nam Văn học giảng bình xuất bản trước 1975. Ông Diêu đứt mạch máu não mất năm 1982. Năm 1984, người vợ thứ hai của ông là bà Phan Thị Ninh cùng các con đi nước ngoài.
Ông Ngộ đưa cho tôi xem “Đơn xin cứu xét” của bà Ninh soạn ngày 21-3-1984, có viết: “Nay vì tôi và các con được phép xuất cảnh ra nước ngoài, căn nhà trên, gia đình tôi đã đồng ý bán lại cho người em ruột của chồng tôi là ông Phạm Văn Ngộ hiện ngụ tại 457 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh với giá tượng trưng là 80.000 đồng (tám chục ngàn đồng) kèm theo điều kiện là chú ấy phải thay mặt gia đình tôi chăm sóc phần mộ của chồng tôi và nếu sau này có sự quy hoạch lại của nhà nước, chú ấy phải đứng ra lo liệu việc dời phần mộ của chồng tôi về quê. Từ lâu, căn nhà trên là nhà thờ của hai họ Phạm và họ Phan, nên sau khi gia đình chúng tôi xuất ngoại chú ấy phải tiếp tục thờ cúng ông bà hai họ”.
Theo vợ chồng ông Ngộ, họ đã thanh toán cho bà Ninh số tiền 80.000 đồng (tương đương 1 cây vàng) trước khi bà xuất cảnh.
Sau thời gian đi nước ngoài, bà Ninh đã trở lại Việt Nam và đâm đơn kiện, đòi lại căn nhà. Ngày 31-8-2009, Tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại TPHCM đã tuyên rằng việc bán nhà không có sự đồng ý của các con bà Ninh bằng văn bản, nên không hợp pháp. Ông Ngộ lắc đầu nói: “Tôi vẫn còn giữ giấy tờ có chữ ký của các cháu trước khi xuất cảnh đồng ý bán nhà cho chúng tôi”.
Tòa quyết định buộc ông Phạm Văn Ngộ, bà Đinh Thị Gấm và các con phải rời khỏi nhà để trả nhà cho bà Phan Thị Ninh. Thực tế, ngôi nhà 69 Trần Khánh Dư lâu nay đã là nhà thờ của họ Phạm.
Vì không đồng tình với bản án, ông Ngộ - bà Gấm gửi đơn lên các cơ quan T.Ư. Ngày 2-6-2011, Văn phòng BCH Trung ương Đảng có công văn số 842-CV/VPTW gửi Tòa án Nhân dân Tối cao, truyền đạt: “Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhận được đơn của Hội đồng gia tộc họ Phạm (chi phái cụ Phạm Văn Nga, thân sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chi nhánh tại TPHCM) đề nghị giải quyết dứt điểm vụ tranh chấp nhà số 69 Trần Khánh Dư, phường Tân Định, quận 1, TPHCM, đã kéo dài 27 năm” và đề nghị “chỉ đạo các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết vụ tranh chấp nhà nêu trên theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Bí thư biết”.
Ngôi nhà bề ngang 8m, dài 15 m, hiện cho thuê nửa mặt tiền bán cơm bình dân với giá 4 triệu đồng/tháng. Con cháu đông, làm nghề tự do, thu nhập phập phù. Ông Ngộ, ở tuổi thất thập cổ lai hy, gầy gò, mắt kém, nói: “Thực tình chúng tôi không muốn ra tòa, nguyện vọng chỉ là sao có chỗ để sống mà lo việc thờ cúng tổ tiên thôi”.

Sau khi đưa tang ông Phạm Văn Đồng ở Hà Nội, họ Phạm ở TPHCM trở về Nam, tổ chức một lễ tang riêng cho ông Phạm Văn Đồng tại nhà thờ họ số 69 Trần Khánh Dư (Q1, TPHCM). Họ cũng quyết định lập ra một chi phái mới của họ Phạm, là “Chi phái Phạm Văn Nga - thân sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, suy tôn bố của ông Phạm Văn Nga là tổ chi phái.

Tháng 9-2011
Trần Nguyễn Anh
(Tiền phong  7.9.2011)
                 http://www.tienphong.vn/Phong-Su/550895/Nha-tho-ho-co-ten-Thu-tuong-Pham-Van-Dong-tpp.html
Có 0 nhận xét cho bài này "Nhà thờ họ có tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi