Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

31 tháng 10, 2009

Vì sao tôi thích đi họp họ Phạm

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 10 31, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments


VÌ SAO TÔI THÍCH ĐI HỌP HỌ PHẠM?

Gia đình tôi cha mẹ sinh 4 người con gái không có con trai. Từ năm 1944 mẹ đẻ tôi sinh em thứ 4 là gái, đã bong huyết chết cả 2 mẹ con. Cha tôi đi vắng quanh năm làm lá cọ và làm nón tân trên tỉnh Phú Thọ, Yên Bái ít khi ở nhà.
Tôi nhớ năm 1944 mẹ đẻ tôi mất “việc họ” họp và ăn cơm đoàn kết ngay cạnh nhà, nhà Bác Bất tôi.
Vì nhà không có con trai, cha đi ngược vắng. Ba chị em ngồi khóc! Bà thím buồn lại nói: Nhà vô phúc nên không có đinh đi họp họ. Chị tôi khóc! Thế là tôi cũng òa khóc mãi!!! Tủi thân quá!!
Sau cách mạng tháng 8 con gái bình đẳng cùng con trai, thế là tôi được vào nhà thờ họ Phạm Huy ngay gần nhà. Tôi vui lắm! Khi ra Hà Nội. Năm họ Phạm ta họp ở Quán Sứ chị Lợi cùng ở làng Chuông gọi điện thoại báo tin lúc ấy tôi đang sốt 390, nhà gàn không cho đi nhưng chị Lợi thuê xe đến tận nhà đón tôi. Từ ngày đầu cho đến 12 năm nay tôi đều có mặt tại các cuộc họp họp dù xa hay gần.
Năm 2007 họp tận Thái Bình, chồng tôi ôm nhưng tôi vẫn thu xếp cho các con trông nom cha cho mẹ đi họp họ.
Từ ngày đi họp ở Thái Bình về, học tập Thái Bình 10 năm xây dựng cơ sở họ từ các xã, phường quận huyện đều có Tổ chức dòng họ. Về đến Hà Nội, tôi đi thăm các gia đình họ Phạm ngay khu tập thể Khương Thượng như: đến nhà A6 có bác Phạm Hoàng Ly 80 tuổi, Bác Phạm Cường , bác Phạm Huy Khánh, bác Phạm Đình Khoát và chị Phạm Hải Yến, Phạm Thị Cúc, Phạm Thị Phúc... Sau khi xin ý kiến của Bác Phạm Hồng, Tổng thư ký BLL họ Phạm lúc ấy đồng ý cho thành lập Ban liên lạc họ Phạm phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Mọi người ai cũng vui vẻ đi họp mỗi người góp 50.000đ để thăm người ốm phải đi bệnh viện.
Đầu năm 2008 gia đình tôi chuyển sang phường Trung Liệt nhưng tôi vẫn về họp cùng các anh chị họ Phạm phường Trung Tự. Vì về họp gặp lại bạn bè thấy rất vui. Khi tôi ốm nằm nhà con trai út phường Trung Liệt, các anh chị trong Ban liên lạc như chị Cúc, chị Yến, anh Khoát sang thăm. Tôi rất vui.và rất cảm động.
Tháng 2 - 2008, tôi về Trung Tự mời Ban liên lạc họ Phạm phư\ơngf Trung Tự họp để báo cáo với Ban liên lạc tôi xin rút lui Trưởng ban liên lạc, hội nghị bầu ông Phạm Xiển làm Trưởng Ban, ông Ban, ông Phạm Đình Khoát và bà Phạm Hải Yến làm phó BLL phường Trung Tự.
Từ tháng 5 - 2008 về phường Trung Liệt tôi đã đi thăm được 20 người họ Phạm ngay gần nhà, các tổ dân phố cụm dân cư số 6 nơi gia đình tôi ở và thăm 4 người họ Phạm cùng CLB thơ Phường Trung Tự
Nhà bác phạm Duy Tuân nay là Trưởng ban liên lạc quận Đống Đa, bác Phạm Văn Liên, bác Phạm Sĩ Ngoạn là đảng ủy viên, chủ tịch Hội chữ thập đỏ của phường Trung Liệt và Ban Thường vụ Hội chữ thập đỏ quận Đống Đa. Chị Phạm Thị Thơm là chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trung Liệt, chị Thơm cho tôi danh sách người họ phạm làm công tác hội chữ thập đỏ hội viên phụ nữ người họ Phạm.
Từ tháng 5 - 2008 đến tháng 7 - 2009 gần một năm cứ mỗi tuần 2 lượt vào các buổi chiều và tối , tôi sang các nhà gần trước, các bạn thơ, các chị phụ nữ. Người cao tuổi.
Khi đến các nhà chơi, tôi gợi ý việc họp để thành lập BLL phường Trung Liệt ai cũng vui, mong muộn họp họ.
Cảm động nhất là đến nhà bác Phạm Chẩm đã 80 tuổi, cùng CLB thơ với tôi qua ông bác ở Quang Nam lại là TNXP thời chống Pháp của khu V. khi tôi nói đến họp họ bác rất ủng hộ (bác làm tổ trưởng người cao tuổi cụm 7), bác cho tôi danh sách của 20 người họ Phạm cụm 7, đưa tôi đi từng nhà chơi thăm, thế là có ba bác hội thơ lại là cán bộ, giảng viên Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có trình độ, có nhiệt tình với họ Phạm. Từ việc đến chơi, thăm hỏi trên tôi nắm được cụ thể phường Trung Liệt có người họ Phạm của 28 tỉnh thành đang sinh sống tại 13 cụm dân cư phường Trung Liệt, quận Đống Đa.
Sau khi đi họp các doanh nhân người họ Phạm về và họp Ban Liên lạc họ Phạm của thành phố Hà Nội quyết định ra mắt Ban Liên lạc họ Phạm, quận Đống Đa. Đầu tháng 8 - 2009 tôi mời 20 người của phường Trung Liệt định thành lập BLL họ Phạm Phường Trung Liệt nhưng sau lần họp ấy, anh Phạm Đình Điểu gợi ý mời thêm các đại biểu phường Trung Tự và một số phường khác như phường Ngã Tư Sở, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa... Để ra mắt của BLL quận Đống Đa và Phường Trung Liệt luôn. Lúc này về họp với 5 người của phường Trung Liệt, 3 người của phường Trung Tự còn mời thêm đại diện BLL của thành phố Hà Nội và anh Phạm Cầu, BLL họ Phạm Việt Nam dự để chuẩn bị cho cuộc họp trù bị. Buổi họp Ban trù bị gồm 15 người dự đông đủ có mặt, Ban thường trực họ Phạm thành phố Hà Nội.
Cuộc họp nay quyết định số người tham gia BLL quận, phường Trung Liệt,
phân công làm giấy mời toàn quận Đống Đa, phân công người trang trí địa điểm mượn hội trường v.v. .
Tại cuộc họp trù bị đã vận động mọi người góp quĩ : ông Phạm Huy Lính, phó ban LL họ Phạm ủng hộ 500.000đ, ông Phạm Vũ Cân 500.000đ, và cả ông Phạm Cầu cùng mọi người mỗi người họp ủng hộ 200.000đ, thế là số tiền ngày họp trù bị được 2.000.000đ để chi phí cho ngày 30 - 8 - 2009 họp chính thức.
Cuộc họp đã diễn ra tại Hội trường Học viện tại chức HCM (Nhà thờ tổ của Hoàng Cao Khải). Có treo cờ họ PHạm, mở đĩa nhạc bài hát của họ Phạm và Băng cơ khẩu hiệu trang nghiêm còn có Đội văn nghệ biếu diễn một số tiết mục
Tại cuộc họp có bán và biếu nội san “Thông tin họ Phạm Việt Nam” ai không có tiền thì biếu. Tổng số là 80 cuốn, Ngoài ra cò bán cuốn tomd tắt “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”
Hội nghị có 80 đại biểu đến dự rất vui vẻ. Kết quả ra mắt được BLL họ Phạm quận Đống Đa. Ông Phạm Duy Tuấn được bầu làm Trưởng Ban., ông Phạm Vũ Câu được bầu làm Phó trưởng Ban. Và 22 ủy viên khác.
Cùng ngày BLL họ Phạm Phường Trung Liệt cũng được thành lập có 9 người 4 chị nữ, 5 bác nam.
Sau cuộc họp chung ngày 29/9/2009, Ban thường trực đã họp để rút kinh nghiệm đánh giá kết quả, dự kiến phân công một số ban và rút kinh nghiệm đi dự lễ ngày 20/7. Giờ cụ Phạm Tu và bàn một số công tác sắp tới từ nay đến tháng 12 - 2009.

Hà Nội, 10 năm 2009
Phạm Thị Nhật
»»  Đọc tiếp

12 tháng 10, 2009

Chính thức thành lập BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 10 12, 2009 bởi PK.Dương · 19 comments

Sau một thời gian chuẩn bị khá kỹ càng về mọi điều kiện, được sự đồng ý của UBND tỉnh, ngày Chủ nhật 11-10-2009 ( tức 23-8 Kỷ Sửu) cộng đồng người họ Phạm tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ nhất.

Về dự cuộc gặp mặt có tính lịch sử này có ông Phạm Thế Duyệt- Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; Ông Lê Hồng Văn-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương; Bà Phạm Thị Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hải Dương; Ông Phạm Thế Tập-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương; Các ông Phạm Đình Nhân, Phạm Đình Điểu, Phạm Vũ Quất và Bà Phạm Thúy Lan, đại diện BLL họ Phạm toàn quốc; Ông Phạm Quang Hoàn- Chủ nhiệm CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam; Đoàn đại biểu BLL họ Phạm TP.Hải Phòng; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện thành phố là người họ Phạm, cùng gần 300 bà con, dâu rể... đại diện các chi nhánh, dòng tộc họ Phạm đến từ 12 huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Sau những nghi thức trọng thể, Ông Phạm Văn Hoàn-Trưởng ban, đã trình bày báo cáo hoạt động của của BLL lâm thời tỉnh Hải Dương hơn một năm qua. Sau phần giới thiệu những nét chính về họ Phạm Việt Nam và họ Phạm tỉnh Hải Dương, báo cáo đã nêu bật kết quả những việc mà BLL lâm thời họ Phạm tỉnh Hải Dương đã làm được từ sau ngày 8 tháng 7 năm 2008 đến nay, cụ thể: Ban vận động đã tổ cuộc họp thành lập BLL lâm thời; thường xuyên liên hệ với BLL toàn quốc; tổ chức Đoàn đi lễ Thượng Thủy tổ vào 20-7 tại Hà Nội và dâng hương Danh tướng Yết Kiêu-Phạm Hữu Thế tại đền Quát ( Hải Dương) hàng năm; tham gia các họp BLL toàn quốc, Đại hội thành lập CLB doanh nghiệp họ Phạm; thường xuyên viết bài giới thiệu về hoạt động của họ Phạm Hải Dương và danh nhân Hải Dương trên Website và Bản tin nội tộc; Dự thảo Quy chế hoạt động của Liên lạc họ Phạm tỉnh Hải Dương; liên hệ, kết nối, sâu rộng các Hội đồng Gia tộc, các bậc tôn trưởng của các chi phái dòng họ Phạm tham gia vào tổ chức cộng đồng họ Phạm tỉnh HD. Đặc biệt BLL lâm thời đã làm văn bản đề nghị với TP.Hải Dương và UBND tỉnh lựa chọn tên danh nhân họ Phạm để đặt tên cho các đường phố và công trình công cộng ở TP.Hải Dương. Đề nghị đã được cấp trên chấp thuận. Tại Quyết định số 27/2009/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, 3 danh nhân họ Phạm là : Phạm Tu, Phạm Lệnh Công và Phạm Trấn đã được chọn và đặt tên cho một số đường phố mới. Trong đó có phố mang tên Thượng thủy tổ Phạm Tu tại Khu đô thị mới Hà Hải. Đây là việc làm có ý nghĩa lớn của hậu thế để tri ân tiên tổ, những người đã có công lao to lớn đối với đất nước...

Báo cáo cũng nêu lên một số phương hướng trong tổ chức và hoạt động sau khi thành lập Ban LL chính thức. Trong đó tập trung vào việc duy trì các hoạt động sao cho ý nghĩa và hiệu quả đồng thời phát triển sâu rộng hơn thành phần tham gia vào tổ chức những người họ Phạm toàn tỉnh.
Sau báo cáo, Nhà báo Phạm Văn Chức-Phó trưởng ban kiêm Tổng Thư ký đã trình bày dự thảo Quy chế về tổ chức và hoạt động gồm 6 phần trong đó có các quy định cụ thể để làm cơ sở cho các hoạt động của BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương.

Tại cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này, thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Ông Lê Hồng Văn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã phát biểu ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của những người họ Phạm đối với đất nước qua suốt chiều dài hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc, đồng thời bày tỏ sự vui mừng phấn khởi khi tỉnh Hải Dương có thêm một tổ chức sẽ hoạt động theo phương châm vì mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. Tỉnh sẽ ủng hộ khi tổ chức của những người họ Phạm duy trì được hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích đã đề ra, đóng góp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Hải Dươngcũng như phong trào chung của toàn xã hội...

Cũng tại cuộc gặp mặt, bà con họ Phạm Hải Dương còn được nghe những lời tâm sự rất sâu sắc và thấm đẫm tình cảm đồng tộc của Ông Phạm Thế Duyệt- Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; Ông Phạm Đình Nhân-Phó Trưởng ban LL họ Phạm toàn quốc; Ông Phạm Thanh Bình-BLL họ Phạm TP.Hải Phòng cùng một số đại biểu các dòng họ Phạm lớn trong tỉnh.
Tiếp tục nội dung của cuộc gặp mặt, Ông Phạm Xuân Thăng- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương đã lên điều hành phần bầu cử BLL và các Tiểu ban. Các đại biểu tham dự đã thể hiện sự đồng thuận cao và nhất trí bầu ra BLL chính thức toàn tỉnh gồm 41 vị và thành phần lãnh đạo 4 Tiểu ban chuyên môn của BLL tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ I ( 2009-2012). Bộ phận Thường trực gồm:

1- Ông Phạm Văn Bảo- Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban.
2- Ông Phạm Thế Tập- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương, Phó trưởng ban.
3- Ông Phạm Xuân Thăng- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương, Phó trưởng ban.
4- Ông Phạm Văn Hoàn-Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, Phó trưởng ban.
5- Ông Phạm Văn Chức-Nhà báo,Trưởng T.ban VN-TT-DL, Đài PT-TH Hải Dương, Phó trưởng ban kiêm Tổng Thư ký.

Ngay trong cuộc gặp mặt đầu tiên này, nhiều doanh nghiệp, gia đình và cá nhân người họ Phạm đã đến dự đồng thời thể hiện lòng hảo tâm ủng hộ bằng tinh thần và vật chất giúp cho việc duy trì bước đầu các hoạt động của Ban liên lạc./.

Phạm Ngọc Dũng


»»  Đọc tiếp

10 tháng 10, 2009

Thư thăm hỏi

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 10 10, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Vừa qua cơn bão số 9 đã tàn phá các tỉnh miền Trung trong đó có đảo Lý Sơn (có rất nhiều bà con họ Phạm ra đây lập nghiệp và sinh sống) gây nhiều thiệt hại về người và của cho đồng bào.

Tôi xin thay mặt cho Thường trực Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam gửi đến bà con họ Phạm ở đảo Lý Sơn lời thăm hỏi ân cần nhất của chúng tôi. Bà con hãy nhớ rằng trên 5 triệu người họ Phạm trên toàn quốc luôn quan tâm đến bà con, những người trên tuyến đầu của Tổ quốc.

Mong bà con cố gắng khắc phục hậu quả của cơn bão để trở lại cuộc sống bình thường.

Hà Nội, 10/10/2009
TM. Thường trực BLL họ Phạm VN
Trưởng Ban
PGS.TS. Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

8 tháng 10, 2009

Đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 08, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Đền Quát - Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia thờ danh tướng Yết Kiêu.

Mùa thu này, làng quê Hạ Bì thuộc xã Yết Kiêu (Gia Lộc-Hải Dương) lại tràn ngập không khí náo nức, tươi vui trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Quát. Năm nay, Lễ hội Đền Quát có nhiều nét mới so với những năm trước.
Nhiều nội dung phần lễ và phần hội sẽ được khôi phục. Theo đó, lễ hội sẽ bao gồm: Lễ cáo yết (nghi lễ mở cửa đền); Lễ mộc dục (tắm tượng-thể hiện lòng tôn kính của nhân dân với Đức thánh); Lễ rước bộ; Lễ tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu; Tổ chức thi cỗ dâng Thánh (có 7 mâm cỗ hộp do các nghệ nhân làng Hạ Bì thực hiện); Hội Bơi chải (trên đoạn sông trước cửa đền với sự tham gia của 10 đội thuyền đến từ các Hà); thi bơi lội (bơi người) cùng nhiều trò chơi dân gian trong suốt các ngày diễn ra lễ hội...


Đền Quát được xây dựng vào cuối thời Trần nhằm ghi nhớ công lao của Đô soái Yết Kiêu. Danh tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301), quê quán ấp Hạ Bì, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (thuộc xã Yết Kiêu - Gia Lộc ngày nay). Ông là người có công giúp Nhà Trần chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII với biệt tài thuỷ chiến. Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông. Theo đó, Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ. Năm 15 tuổi, trong một lần đi gánh nước, ông thấy hai con trâu trắng húc nhau ở bến sông Quát. Vốn có sức khoẻ, ông dùng đòn gánh đánh trâu. Chúng sợ bỏ chạy, ông nhặt được hai cái lông trâu, đặt xuống nước, nước rẽ làm đôi. Ông cho đây là lông trâu thần, liền nuốt vào bụng. Từ đó ông có thân thể cường tráng, trí lực phi thường, bơi lội dưới nước như đi trên bờ. Trong trận chiến chống giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, Yết Kiêu nổi tiếng với chiến công dùng mũi khoan đánh chìm một đoàn thuyền chiến của giặc, bắt sống tướng giặc Phạm Nhan.

Trận đó, Yết Kiêu đem một toán nghĩa quân, đến mai phục trong bụi lau sậy ven bờ sông, nơi đoàn thuyền giặc Nguyên đậu. Rồi một mình ông dùng chiếc mũi khoan nhọn bằng sắt, bơi lặn khoan các đáy thuyền của chúng. Cứ khoan xong một lỗ, ông lại lấy giẻ đút nút dùng dây một đầu buộc vào nút giẻ đầu kia giòng lên bờ. Chờ cho giặc ngủ say, Yết Kiêu giật các đầu dây, nước ùa vào thuyền từng chiếc, từng chiếc thuyền bị đắm bọn giặc tỉnh dậy nhốn nhào. Yết Kiêu cho hiệu nổi quân reo. Còn ông nhảy lên thuyền túm cổ tên Phạm Nhan lôi tụt xuống sông, kéo hắn vào bờ. Bọn giặc trên thuyền hoảng loạn tưởng nghĩa quân đột nhập chúng túm đánh lẫn nhau, kết tục, cả đoàn thuyền của giặc đều bị chìm. Trận đánh kết thúc, nghĩa quân toàn thắng, Phạm Nhan bị chém đầu tại bãi bơi Kiếp Bạc. Vua Trần thăng cho Yết Kiêu chức "Đệ nhất Bộ đô soái Thủy quân". Khi ban bổng lộc, Vua hỏi: "Tướng Yết Kiêu muốn bổng lộc gì ?" Ông thưa: "Điều thứ nhất thần xin là bệ hạ ban phúc cho dân ấp Hạ Bì được tự do hành nghề chài lưới từ đầu sông ở thượng nguồn tới cửa sông giáp biển. Thứ hai, Bệ hạ ban ơn cho mỗi hộ khi hành nghề ở đâu cũng được sử dụng 3 thước đất phơi chài nước đồ nghề và kéo sợi quay tơ, chức dịch địa phương bất đắc ngáng chở, ngoài ra thần không xin gì thêm". Vua Trần khen Yết Kiêu là người nhân nghĩa và y ban. Từ đó, dân làng Hạ Bì làm nghề chài lưới cứ theo các triền sông trải dải ra sinh sống( mỗi nhóm gọi là một Hà). Theo di ngôn thì trước kia có 9 Hà là: Lạc Thượng, Lạc Trung, Lạc Hạ, Tán Võng, Kênh Tre, Kênh Hà, Kênh Trẽ, Kênh Be và Kênh Trung. Hiện nay dân các Hà còn sinh cơ lập nghiệp ở khắp nơi tạo ra thành nhiều Hà phụ, thuộc một số xã theo các sông, lạch.


Đoàn đại biểu BLL họ Phạm lâm thời tỉnh Hải Dương về dâng hương
Đô soái Yết Kiêu-Phạm Hữu Thế tại đền Quát ngày 3-10-2009 ( Tức 15-8 Âm lịch).

Đền Quát toạ lạc ngay ở đầu làng, nằm trên gò đất cao, bằng phẳng và rộng rãi, đồng thời cũng là nơi chôn rau cắt rốn của danh tướng. Xung quanh đều có hồ, bao bọc ba mặt. Trước cửa đền là con sông Đĩnh Đào, dòng sông chảy tới đây uốn khúc tạo thành hình cánh cung, ôm gọn khu ruộng triều phì nhiêu nối liền với cánh đồng rộng mênh mông của xã. Sở dĩ gọi là đền Quát vì do nhân dân trong làng và các bà cung tiến làm nên. Trước kia, hàng năm cứ đến kỳ hội đền từ ngày mồng 10 tháng giêng đến ngày 20 tháng giêng âm lịch, dân các Hà bằng mọi phương tiện nhưng chủ yếu bằng thuyền, tấp nập về dự hội. Chính vì thế mới có tên là Đền Quát ("Quát" có nghĩa là bao quát rộng rãi).

Đền xây dựng chủ yếu bằng gạch Cậy, lợp ngói mũi, cột, xà, hoành, dui... Đền có rất nhiều câu đầu, câu đối, đại tự, cửa võng, cuốn thư, đồ thờ, tượng cũng như những hình vẽ, nề đắp, chạm trổ. Trên các cổng chè, cột tháp và thân các muông chim, cầm thú, những hoa văn khắc chạm ở khắp nơi trên hình mẫu mọi vật, đặt chúng thành từng nhóm, kết hợp giữa cảnh vật với con người và thiên nhiên một cách đa dạng hài hoà hấp dẫn. Trải qua hơn 600 năm, qua các thời đại vương triều, đền Quát đã được nhân dân nhiều lần tu sửa tôn tạo ngày một khang trang. Đến thời Thiện Trị: 1841-1847 đều được tu bổ lớn. Và tiếp theo qua các thời, đền đều được trùng tu vào các năm Tự Đức 1848-1883, Đồng Khánh 1884-1885, Khải Định 1916-1925. Qua tìm hiểu và nghiên cứu 4 đạo sắc phong còn lại như sau: Sắc thời Cảnh Hưng năm thứ 4 ngày 16-5-1783; thời Cảnh Thịnh thứ 4 ngày 25-5-1795; thời Tự Đức thứ 6 ngày 10-11-1853; thời Khải Định thứ 9 ngày 25-7-1924. Đáng tiếc là hình ảnh uy nghi, lộng lẫy của toàn bộ ngôi đền và cảnh quan xung quanh nội tự cùng phần lớn các sắc phong đến nay không còn nữa. Hàng chục sắc phong quan trọng của những thế kỷ trước đều bị thực dân Pháp cướp đi hoặc đốt phá trong trận càn ngày 14-6-1948. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã tập trung vào hai nhiệm vụ cơ bản là sản xuất- chiến đấu nên không có điều kiện tu sửa. Vì vậy ngôi đền ngày càng xuống cấp. Giữa năm 1973, một cơn giông lớn đã làm sập nốt 3 gian cung. Phải đến ngày 10-10-1976, cuộc họp liên tịch giữa cấp uỷ, chính quyền xã Yết Kiêu với phòng Văn hoá huyện Gia Lộc và Ty Văn hoá tỉnh Hải Dương quyết định: Hàng năm mở hội đền truyền thống tại đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu-Phạm Hữu Thế trong thời gian 3 ngày (từ 18 đến 20/8 âm lịch, cùng thời gian với Lễ hội đền Kiếp Bạc, thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn,vị chỉ huy của Yết Kiêu ); Đền Quát cứ 5 năm sẽ mở hội lớn một lần vào các năm thứ 5 và thứ 10 của thập kỷ; đảm bảo di tích văn hoá của đền theo thời kỳ ban đầu xây dựng; tiến hành trồng cây cổ thụ, cây lấy gỗ, cây ăn quả, tiến hành thả cá ở khu hồ lớn, tăng thu nhập, góp phần vào kinh phí tu bổ cho đền ngày thêm khang trang. Tháng 8 năm 1976, nhân dân làng Quát đã khôi phục lại Hậu cung. Thời kỳ này do các công trình thuỷ lợi được xây dựng, dòng sông Quát đã bị ngăn đập không còn dòng chảy như xưa nên lưu lượng nước cạn hơn, nếu tổ chức bơi chải vào dịp lễ hội truyền thống 15 tháng Giêng thì rất khó khăn vì nước cạn nên Ty Văn hoá Hải Dương lúc đó đã nhất trí cho tổ chức lễ hội vào dịp từ 14-15 tháng tháng âm lịch hàng năm. Khu di tích đền Quát đã được xếp hạng LSVH cấp Quốc gia ngày 28 tháng 1 năm 1998.


Một góc khuôn viên Đền Quát ngày hội.

Được sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, huyện và địa phương, khi di tích dần được củng cố, tôn tạo. Năm 2006, Nhà nước hỗ trợ giải toả 24 hộ dân đang sinh sống xung quanh khuôn viên Đền Quát, trả lại hiện trạng vốn có của Đền. Tiếp đó, UBND tỉnh đầu tư xây dựng kè lạch xanh, lạch đỏ và bờ sông Đĩnh Đào đoạn thuộc khuôn viên của đền. Chính quyền và nhân dân địa phương đầu tư cho đội bơi chải và đội vận động viên bơi lội tập luyện hàng năm...Là vùng quê nghèo, thuần nông, điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn nhưng cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, trong đó tiêu biểu là Đền Quát. Việc duy trì, tổ chức tốt lễ hội hàng năm đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Lễ hội năm 2009 này, cán bộ và nhân dân làng Quát và xã Yết Kiêu vui mừng hơn khi được biết tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị thành lập Ban liên lạc chính thức của những người đồng tộc họ Phạm. Ngay trong dịp trọng hội, BTC lễ hội đã được đón đoàn đại biểu BLL lâm thời họ Phạm Hải Dương về dâng hương Đô soái Yết Kiêu-Phạm Hữu Thế.

Bài & ảnh: Phạm Văn Chức

»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi