Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

31 tháng 12, 2011

Mười sự kiện nổi bật năm 2011

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 12 31, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


Mười sự kiện nổi bật trong hoạt động
của HỌ PHẠM VIỆT NAM năm 2011
(theo thứ tự thời gian)
          Năm 2011 là một năm Họ Phạm Việt Nam trong cả nước có nhiều hoạt động sôi nổi và có hiệu quả, thể hiện sự phát triển về chất trong hoạt động việc họ, làm cơ sở cho việc đổi tên Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng Họ Phạm Việt Nam. Ban Biên tập THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM và Ban Biên tập Trang tin điện tử hophamvietnam.org đã chọn và công bố 10 sự kiện nổi bật trong hoạt động của Họ Phạm Việt Nam. Mười sự kiện đó là:

      1. Quỹ Tấm lòng vàng Họ Phạm Việt Nam được thành lập ngày 25.3.2011, tổ chức Lễ ra mắt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 29.5.2011. Quỹ thường xuyên hoạt động: trao Giấy biểu dương và thăm hỏi gia đình anh Phạm Văn Chính (Hà Nội, tháng 10), trao trợ cấp gia đình anh Phạm Thắng (Thừa Thiên, tháng 11).


      2. Lễ vinh danh nhân tài Họ Phạm Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ngày 29.5.2011 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội..


3. Đêm âm nhạc Họ Phạm “Mọi trái tim-Một tấm lòng” được tổ chức ngày 18.8.2011 tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh nhân dịp Giỗ Thượng Thủy Tổ.


4. Cả nước tổ chức Lễ giỗ Thượng Thủy tổ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu lần thứ 1466, nổi bật nhất là Lễ giỗ ở Đình Ngoại (Thanh Liệt, Hà Nội), quê hương Người và TP Hồ Chí Minh vào ngày 20 tháng 7 Tân Mão (tức 19.8.2011).


5. Dựng tượng Danh nhân Phạm Tu, Thượng Thủy Tổ Họ Phạm Việt Nam tại Huế (nhà thờ Họ Phạm làng An Ninh Hạ) ngày 21.8.2011.


6. Hai thành phố lớn ở miền Trung là Đà Nẵng và Huế có đường phố mang tên Phạm Tu.


7. Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập BLL Họ Phạm Việt Nam (24.10.1996 - 24.10.2011) được tổ chức ngày 23.10.2011 tại Hà Nội, tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm qua 15 năm hoạt động và vinh danh 15 vị có nhiều công lao với việc họ.


8. Hội nghị lần thứ hai BLL toàn quốc Họ Phạm Việt Nam khóa VI kiện toàn tổ chức, đổi tên BLL Họ Phạm Việt Nam thành Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, bổ sung sửa đổi Quy chế thành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Họ Phạm Việt Nam với tổ chức theo hệ thống ngành dọc 5 cấp có quy định lề lối hoạt động rõ ràng..  


9. Nhiều Ban Liên lạc, nhiều Hội đồng họ Phạm mới thành lập hoặc tổ chức Đại hội để đổi mới, nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh: Kinh Bắc, Nam Định, Quảng Ngãi; Quảng Ninh, Hòa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng; cấp huyện hoặc tương đương: TP Hạ Long (Quảng Ninh), Từ Sơn, Thuận Thành (Bắc Ninh), Quảng Điền (Thừa Thiên Huế),  Hoài Ân, An Lão (Bình Định), TP Hà Giang, Vũ Thư (Thái Bình). 


10. Lễ khánh thành  Công trình Tu bổ tôn tạo đình thờ Đô hồ Đai vương Phạm Tu ngày 19.12.2011.

                        BBT THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM
                  BBT Trang tin điện tử www.hophamvietnam.org
»»  Đọc tiếp

30 tháng 12, 2011

Đại hội đại biểu họ Phạm Vũ Thư lần thứ nhất

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 12 30, 2011 bởi Phạm Đạo · 6 comments


Đại hôi đại biểu họ Phạm
huyện Vũ Thư lần thứ nhất
          Vũ Thư là một trong 7 huyện của tỉnh Thái Bình. Tại đây có đến trên 180 chi họ Phạm.  Ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Thái Bình đã được thành lập từ năm 1997,  6 huyện đã lần lượt thành lập BLL họ Phạm của huyện, Vũ Thư là huyện cuối cùng …. Từ hơn chục năm nay, các BLL họ Phạm của tỉnh Thái Bình hoạt động liên tục, sôi nổi và có hiệu quả.
        Sau một quá trình chuẩn bị tích cực và nghiêm túc, từ việc điều tra, nghiên cứu, tập hợp các dòng họ, các chi phái trong huyện, đến việc tìm hiểu và vận động các nhân tố tích cực để chuẩn bị nhân sự cho Hội đồng và Ban tư vấn của Hội đồng, đồng thời xây dựng Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng,  ngày 25.12.2011, tại nhà thờ họ Phạm Bá thôn Bình Minh, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, đã diễn ra Đại hội đại biểu Họ Phạm huyện Vũ Thư lần thứ nhất để thành lập Hội đồng Họ Phạm huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
420 đại biểu đại diện cho 177 dòng họ, chi phái họ Phạm ở tất cả các xã của huyện Vũ Thư đã về tham dự Đại hội..
         Về phía địa phương có ông Phó Bí thư Huyện Ủy, Chủ tịch UBD huyện, ông Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, ông Chủ tịch MTTQ huyện cùng đại diện các đoàn thể của huyện Vũ Thư; lãnh đạo và các đoàn thể của xã Bách Thuận, các cháu học sinh Trường Mầm non và Trường Tiểu học xã Bách Thuận đã đến chúc mừng Đại hội.
         Về phía Họ Phạm, về dự đại hội có: Bà Phạm Thị Thúy Lan, Ủy viên Thường trực kiêm Tổng Biên tập THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM và ông Phạm Đức Nhị ủy viên Ban Lễ tân đại diện Hồi đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam; các vị ủy viên HĐ toàn quốc Họ Phạm Việt Nam tại Thái Bình; ông Phạm Xuân Đào nguyên Trưởng Ban và ông Phạm Đình Trọng Chủ tịch cùng nhiều ủy viên Hội đồng Họ Phạm tỉnh Thái Bình; các vị Chủ tịch Hội đồng Họ Phạm các huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Tiền Hải, Tiên Hưng, Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Một không khí thật náo nhiệt vui vẻ của ngày hội bao trùm Đại hội.  
        Một chương trình văn nghệ chào mừng đặc sắc diễn ra suốt buổi tối hôm trước và 45 phút sáng ngày 25.12.2011 do các Cựu chiến binh của CLB Thương bệnh binh Sư đoàn 308 của Thái Bình mà ông Phạm Hoài Giao làm Chủ nhiệm, biểu diễn. Đại hội đã khai mạc lúc 9 giờ sáng. Sau Lễ chào cờ, là Lễ dâng hương Thượng Thủy Tổ Phạm Tu trong lời giới thiệu tóm tắt về tiểu sử của Thượng Thủy tổ. Sau Lời khai mạc, Đại hội đã nghe ông Phạm Thanh Giản, Trường Ban Liên lạc Lâm thời Vũ Thư báo cáo quá trình vận động thành lập và hình thành Hội đồng Họ Phạm huyện Vũ Thư, Danh sách Hội đồng Họ Phạm và Hội đồng tư vấn Họ Phạm huyện Vũ Thư, ông Phạm Ngọc Phô Trưởng Ban Tư vấn đọc Bản Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Do đã được chuẩn bị kỹ cho nên các văn kiện và Danh sách Hội đồng Họ Phạm và Hội đồng Tư vấn đều được đại hội nhất trí cao.
       Đại hội đã nghe những ý kiến phát biểu của đại diện Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, Hội đồng Họ Phạm tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà, đại diện địa phương. Mọi người đều chúc mừng sự ra đời của Hội đồng Họ Phạm huyện Vũ Thư và mong rằng hoạt động của họ Phạm huyện Vũ Thư sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê hương trong đó có các chi họ Phạm..
       Đây là một trong những Đại hội cấp huyện được tổ chức chu đáo nhất trong năm 2011. Hy vọng rằng Hội đồng Họ Phạm huyện Vũ Thư ra đời trong bối cảnh Họ Phạm toàn quốc vừa được củng cố kiện toàn, Vũ Thư đã “đi tắt đón đầu” bước vào hoạt động trong một Quy chế mới đã hoàn chỉnh chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi và nhanh chóng gắn với hoạt động của Hội đồng Họ Phạm tỉnh Thái Bình và Hội đồng Họ Phạm toàn quốc
        Đại hội đã kết thúc với bữa liên hoan thân mật, ấm tình đồng tộc.
                                                                                           Thúy Lan 

          Sau đây là một số hình ảnh của Đại hội

               Hội nghị BLL lâm thời Họ Phạm huyện Vũ Thư chuẩn bị cho ĐH chính thức.
            Văn nghệ chào mừng do CCB CLB Thương bệnh binh của Sư đoàn 308 Thái Bình biểu diễn
                     Ông Nguyễn Quang Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư chúc mừng đại hội
                                                                          Toàn cảnh Đại hội
                                   Thường trực Hội đồng Họ Phạm huyện Vũ Thư nhiệm kỳ 1
»»  Đọc tiếp

29 tháng 12, 2011

Hoạt động của HĐHP Hà Nội

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 12 29, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

   HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ
      PHẠM THÀNH PHỐ HÀ NỘI

         Sáng ngày Chủ nhật, 25/12/2011, tại Nhà văn hoá cụm số 8 phường Trung Liệt ,Số 9, ngách 50, ngõ 178 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội; Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội đã họp toàn thể để kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm và quyết định công tác đầu năm 2012.
        I. Hội nghị đã ghi nhận những công việc lớn mà Hội đồng đã thực hiện trong thời gian qua, nổi bật là:
           1.Chiểu theo quyết định của Hội nghị lần 2 BLL toàn quốc khoá 6 (mở rộng) đổi tên “Ban liên lạc họ Phạm Việt nam” thành “Hội đồng toàn quốc họ Phạm Việt Nam” là cơ quan thường trực của “Hội đồng họ Phạm Việt nam”; theo đó đổi tên Ban liên lạc họ Phạm thành phố Hà Nội thành Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội; các Ban liên lạc họ Phạm các quận/huyện, phường/xã cũng đổi tên tương ứng. Thường trực Hội đồng cũng đã thông qua bản dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội (sửa đổi).
           2.Về lễ tân, khánh tiết:
      • Thường trực đã tham gia đầy đủ các lễ chuyển vị (rước Ban thờ) cụ thuỷ tổ Phạm Tu lên nhà chính và dự Lễ khánh thành tôn tạo Đình thờ Cụ.
     • Dự Lễ khánh thành tu tạo Mộ tổ và Giỗ thuỷ tổ họ Phạm Bá ở thôn Trinh Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông..Thường trực đã báo tin trên trang tin điện tử www.hophamhanoi.com và cử đoàn đại biểu tới phúng viếng cụ thân mẫu ông Phạm Vũ Câu, Phó Chủ tịch Hội Đồng họ Phạm toàn quốc, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội. Đại diện Thường trực đã đến chia buồn với gia quyến anh Phạm Văn Chính ở huyện Ứng Hòa, bị giết hại khi tham gia bắt cướp tại quận Hà Đông;đã liên hệ chia buồn với bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường Láng Thượng, Uỷ viên Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội.
          3.Về công việc chuẩn bị cho “Cuộc họp mặt họ Phạm thành phố Hà Nội”:
     • Thường trực và Ban thư ký đã gửi thư liên hệ tới gần 70 chi , pháihọ Phạm trên địa bàn các xã, phường của Hà Nội; sau mấy tháng liên hệ quanhiều kênh khác nhau, Thường trực đã nhận được hồi âm và đầu mối liên hệcủa hơn 40 chi phái họ Phạm Hà Nội.
    • Thường trực và Ban thư ký đã và đang gấp rút chuẩn bị nội dung
cho khoảng 10 tài liệu để đăng trên Nội san của Hội đồng họ Phạm Việt Nam
phục vụ cho Cuộc họp mặt. Thống kê và lập danh sách Vinh danh năm 201 gồm các đối tượng: những người họ Phạm Hà Nội được Nhà nước vinh danh; phong Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, các học sinh đạt giải Olympic quốc tế, thủ khoa đỗ vào đại học trong năm 2011và các vận động viên họ Phạm Hà Nội
giành huy chương tại Seagames 26.
    • Liên hệ và gặp gỡ một số nghệ sĩ họ Phạm tại Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ cho cuộc gặp.
   • Khảo sát địa điểm và dự chi.
        4. Về một số việc chưa thực hiện được theo kế hoạch dự kiến trước đây:- Chưa ra mắt thành lập được Hội đồng họ Phạm quận Hoàng Mai (ÔngPhạm Đức Hoà, Uỷ viên thường trực phụ trách quận Hoàng Mai dự kiến sẽ cố gắng làm lễ ra mắt trong quí IV năm nay).- Gia đình ông Phạm Văn Móng ( huyện Đông Anh) có lễ vật cung tiến cho đình thờ Cụ Phạm Tu (một lư hương và hai cây đèn bằng đá, trị giá khoảng 25 triệu VND), nay chưa thực hiện được.

      II.Hội nghị đã nhất trí quyết định các việc sau:
   • Tổ chức Cuộc họp mặt họ Phạm thành phố Hà Nội vào ngày Chủ nhật, 12 tháng 2 Nhâm Thìn( tức 4 tháng 3 năm 2012). Điạ điểm tại Đình thờ Thượng Thuỷ tổ Họ Phạm Việt Nam Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.
   • Giao Thường trực Hội đồng tiếp thu ý kiến đã được thảo luận nhất trí của Hội đồng và thành lập Ban tổ chức, các Tiểu ban để phân công cụ thể, chi tiết từng người đảm nhiệm các nội dung yêu cầu chuẩn bị cho Cuộc họp mặt.Yêu cầu các ủy viên Hội đồng tích cực và chủ động, tự giác xung phong đảm nhận các công việc được phân công.
    • Giao Thường trực chỉnh lý Dự thảo Quy chế (sửa đổi) Tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội và phổ biến tới các tổ chức các cấp và đăng trên trang tin điện tử. Giao Thường trực tổ chức vận động tài trợ cho tổ chức hoạt động trên; đồng thời yêu cầu tất cả các ủy viên Hội đồng tùy theo mối quan hệ sẵn có tham gia vận động các Doanh nhân và người hảo tâm họ Phạm tài trợ, hỗ trợ cho các nội dung chi phí trong cuộc họp mặt này. Hội đồng họ Phạm thành ph Hà Nội đã có Tâm thư đăng trên trang tin điện tử và chuyển đến các ủy viên Hội đồng để vận động tài trợ.
     • Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần của các uỷ viên thay mặt Hội đồng họ Phạm một số địa phương sẵn sàng trợ giúp và đóng góp công sức cho hoạt động này. Trước hết là các vị: ông Phạm đức Chính, ông Phạm Tuấn Khanh, bà Phạm thị Nhật, bà Phạm kim Ngân, ông Phạm văn Kỷ, anh Phạm Văn Tùng… đã nhận đi liên hệ một số việc liên quan đến khâu trang trí , hậu cần và cho chương trình văn nghệ của Cuộc họp mặt.

III. Kế hoạch phấn đấu Thực hiện
      - Trước Tết Nguyên đán chuẩn bị xong về cơ bản và có thể phát hành Giấy mời dự “Cuộc họp mặt họ Phạm thành phố Hà Nội”đầu xuân Nhâm Thìn (gửi các đại diện tổ chức, cá nhân, bà con họ Phạm Hà Nội) và đăng tải trên Đài truyền hình Hà Nội và Báo Hà nội.
     - Họp Hội đồng họ Phạm thành phố Hà Nội mở rộng ( có mời đại diện mới của các Hội đồng gia tộc mới kết nối được) vào trung tuần tháng giêng năm Nhâm thìn để bàn hoàn thành các công việc chuẩn bị cho Cuộc họp mặt. Rất trân trọng và mong nhận được sự tự nguyện hợp tác, tài trợ, tham gia vào các hoạt động dòng họ Phạm Hà Nội của tất cả các thành viên là con, cháu các dòng tộc họ Phạm Hà Nội đang sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước Việt nam.

TM. HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM HÀ NỘI
 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký

Phạm Quang Nhuệ
»»  Đọc tiếp

28 tháng 12, 2011

BÁC PHẠM CHÍ CÔNG

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 12 28, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


BÁC PHẠM CHÍ CÔNG, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TỈNH BÌNH ĐỊNH- MỘT GƯƠNG SÁNG HẾT LÒNG CHĂM LO VIỆC HỌ

Hôm 10/12/2011, tôi gặp bác Phạm Chí Công trong Đại hội nhiệm kỳ 2 của BLL họ Phạm (HĐHP) tỉnh Quảng Ngãi. Bác năm nay đã ngoài 80 tuổi mà vẫn rất minh mẫn, vẫn đầy nhiệt huyết với dòng họ. Bác là một trong những người sáng lập ra Ban liên lạc họ Phạm tỉnh Bình Định (nay là Hội đồng Họ Phạm tỉnh Bình Định). Tuy được thành lập năm 2006 và tổ chức Đại hội lần thứ nhất (2010) nhưng đã có nhiều hoạt động rất đáng khích lệ như: ra được bản tin nội tộc của tỉnh, thành lập được CLB doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định (G100+5), giúp đỡ con cháu họ Phạm điều trị ung thư và mổ tim; lập quỹ họ; chuẩn bị làm Đền thờ Thượng thủy tổ Đô hồ Đại vương Phạm Tu,…
Bác tặng tôi mấy tài liệu biên khảo: “Ba danh tướng kiệt xuất họ Phạm Việt Nam”, “Cuộc đời và sự nghiệp Phạm Chí Công” và “Bản tin Nội tộc số 2” của BLL họ Phạm Tỉnh Bình Định. Về đến Tp. Hồ Chí Minh, tôi đã đọc cả ba cuốn ấy. Cuốn “Cuộc đời và sự nghiệp Phạm Chí Công” đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Nhìn vẻ bề ngoài bác hiền từ là vậy, thế mà trong chiến tranh bác đã từng làm Tư lệnh nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh nổi tiếng góp phần vào chiến thăng vẻ vang của dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau.
Ở đây tôi chỉ phác họa đôi nét về một người con họ Phạm mà sự cống hiến và công tích của Bác vang tiếng một thời trên chiến trường Bắc Bình Định anh hùng trong những năm đánh Mỹ. Bác sinh ngày 01/5/1925 tại một làng quê nghèo khó - làng Cẩn Hậu, thuộc xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Bác tham gia Cách mạng rất sớm từ những năm đầu Cách mạng tháng Tám 1945. Trong quá trình hoạt động Cách mạng ở chiến trường miền Nam ác liệt, để bảo đảm an toàn, bí mật và che mắt địch Bác đã phải nhiều lần thay đổi tên gọi, thay đổi bí danh (Bác đã 6 lần đổi tên: Phạm Văn Nào, Phạm Văn Dánh, Phạm Huy Dương, Phạm Diên An, Phạm Xuân Trường và Phạm Chí Công). Một điều đáng nói là mỗi cái tên ấy đều gắn với một chiến công của bác:
Tên Phạm Văn Nào là tên bố mẹ bác đặt cho khi Bác chào đời ở quê hương.
Đến năm 1945, Bác tham gia Cách mạng tổ chức đặt cho bác cái tên mới là Phạm Văn Dánh để làm tự vệ bảo vệ đoàn biểu tình đi cướp chính quyền ở huyện Hoài Nhơn, Cái tên này được dùng suốt chin năm kháng chiến  chống Pháp.
Đến năm 1959, Ban Tổ chức Trung ương đã đổi tên cho bác thành Phạm Huy Dương để vượt Trường Sơn trở về miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại chiến trường Bình Định và được Đảng bộ tỉnh Bình Định phân công trở về trực tiếp công tác, chiến đấu tại quê nhà. Trong thời gian này bác đã làm Tư lệnh nhiều chiến dịch ở Bình Định. Bác đã cùng với quân và dân tỉnh Bình Định đánh cho  Mỹ - ngụy nhiều tổn thất về quân số và khí tài, làm cho địch nhiều phen lao đao, chúng đã nhiều lần truy tầm và 2 lần huênh hoang treo giải thưởng cho ai cắt được đầu Tư lệnh Huy Dương sẽ được trọng thưởng.
Trong thời gian chống Mỹ bác còn được đổi tên thành Diên An làm Tư lệnh cho một số chiến dịch quan trọng, nhất là chiến dịch đánh sư đoàn không vận của Mỹ từ năm 1966 - 1967.  Năm 1972 bác lại được Tỉnh ủy Bình Định đổi tên thành Xuân Trường làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng một số  thị trấn, quận lỵ của tỉnh Bình Định.
Năm 1974, bác lại được đổi tên thành Phạm Chí Công để làm Phó Tư lệnh chiến dịch giải phóng thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Sau khi rời quân ngũ bác về tham gia công cuộc xây dựng quê hương. Bác từng giữ các chức vụ quan trọng trong Ban lãnh đạo tỉnh như làm: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và đã có không ít công lao trong việc cùng với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh Bình Định từng bước phát triển, đời sống nhân dân ổn định và có nhiều khởi sắc, góp phần đưa Bình Định tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Khi về hưu bác bắt đầu “làm việc họ” trước hết là tự sưu tầm ba vị Tướng kiệt xuất của dòng họ Phạm đó là Phạm Tu, Phạm Văn Đồng và Phạm Hùng (xem cuốn “Ba danh tướng kiệt xuất họ Phạm Việt Nam” tới việc vận động thành lập BLL họ Phạm tỉnh Bình Định, chăm lo tổ chức kết nối dòng tộc ở các huyện trong tỉnh.
Chúng ta thật sự cảm động, ghi nhận công lao của Bác Phạm Chí Công  - Chủ tịch HĐHP tỉnh Bình Định  đã từng có nhiều chiến công hiển hách trong những năm đánh Mỹ đến vậy mà khi đã nghỉ hưu, mặc dù đã qua cái tuổi “Thất thập cổ lai hy”  mà vẫn hết lòng lo toan cho việc họ - Chẳng những vậy, mà người vợ của Bác cũng là người có công cộng tác chặt chẽ, giúp Bác phát huy lòng nhiệt huyết vì việc họ cho dòng họ Phạm của cả tỉnh Bình Định!

Tp. HCM, 22/12/2011.
Pha Lê

»»  Đọc tiếp

27 tháng 12, 2011

Hoạt động của BLL họ Pham tỉnh Cần Thơ

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 12 27, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


        LGT: BBT Bản tin Nội tộc THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM vẫn thường xuyên gửi Bản tin tới Ban BLL Họ Phạm TP Cần Thơ và luôn mong tin về hoạt động của Họ Phạm Cần Thơ. Bởi vậy, BBT rất vui mừng khi nhận được bức thư của ông Phạm Duy, Phó Ban Liên lạc Họ Phạm TP Cần Thơ vừa gửi cho Tổng Biên tập Bản tin Nội tộc. Xin chuyển bức thư đó tới bà con đồng tộc và bạn đọc thay cho bài viết về tin hoạt động của Họ Phạm Cần Thơ.
Phạm Thị Thúy Lan


         TIN HỌ PHẠM THÀNH PHỐ CẦN THƠ

         Chúng tôi từ khắp miền Tổ quốc, đã qua chiến đấu, xây dựng và công tác, hiện đang thường trú tại Cần Thơ đều mong muốn người mang họ Phạm hàng năm tụ hội tưởng nhớ tổ tiên. Năm 2007 được biết từ trên mạng: BLL HỌ PHẠM VIỆT NAM được thành lập từ năm 1996, đã hơn 10 lần họp mặt toàn quốc giỗ tổ.
         8 giờ sáng ngày 19.4.2009, ước muốn đã thành sự thật: 18 người họ Phạm của 12 tỉnh (Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Hà Tây, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Quảng
Bình, Hưng Yên, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ,…) nghiêm túc trước bàn thờ có ảnh của Thượng Thủy Tổ Phạm Tu (đăng ở trang đầu tập thứ nhất “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”) bên lọ hoa tươi, trên là dòng chữ “Họp mặt Họ Phạm lần thứ nhất” tại số nhà 147 KV8, phường An Thới, Thành phố Cần Thơ.
        Sau làm lễ, chùng tôi đã cử ra Ban Liên lạc Họ Phạm Cần Thơ gồm 7 người:
1/ Ông Phạm Thành Lâm, quê An Giang, Trưởng Ban, phụ trách chung
2/ Ông Phạm Duy, quê Hải Phòng, Phó Trưởng Ban, phụ trách Tuyên huấn, Thư ký, Thường trực
3/ Ông Phạm Huy Xô, Phó Trưởng Ban, làm tổ chức kết nối và phát triển dòng họ
4/ Ông Phạm Duy Tốn, quê Hà Nam, phụ trách khuyến học, khánh tiết
5/ Ông Phạm Văn Dũng, quê Cần Thơ, phụ trách khuyến học
6/ Ông Phạm Quang Hân, quê Hải Dương, phụ trách vận động tài trợ
7/ Ông Phạm Văn Thảo, quê Nam Định, phụ trách tài chính, hậu cần.
Sau đó đã thông quy ước và thể lệ sinh hoạt dòng họ.

Xin ý kiến của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam.

Cần Thơ ngày 20 tháng 12 năm 2011
Phó Ban Liên lạc Họ Phạm Cần Thơ
Phạm Duy
»»  Đọc tiếp

25 tháng 12, 2011

GẶP GỠ DOANH NHÂN HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 12 25, 2011 bởi Phạm Đạo · 2 comments

GẶP GỠ DOANH NHÂN HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

         Ngày 26.11.2011 từ 18h00 đến 21h00, tại nhà hàng Quê Hương, 86 Võ Văn Tần, quận1, Thành Phố Hồ Chí Minh, các doanh nhân họ Phạm phía Nam đã tổ chức được buổi gặp gỡ và trao đổi rất bổ ích và lý thú.
       Cuộc gặp có sự hiện diện của các ông: Phạm Đạo, Chủ tịch, ông Phạm Văn Căn, Phó Chủ tịch HĐ toàn quốc Họ Phạm Việt Nam, Chủ tịch HĐ Họ Phạm TPHCM, Phạm Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Phạm TPHCM cùng nhiều doanh nhân họ Phạm và bà con họ Phạm đến dự.
            Chủ tịch HĐ toàn quốc HP Việt Nam Phạm Đạo đã khái quát xuất xứ của việc ra đời BLL họ Phạm toàn quốc năm 1996 và nay là HĐHP Việt Nam, giải thích vì sao suy tôn cụ tổ Họ Phạm Việt Nam là ngài Phạm Tu, một danh tướng góp công lớn đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước ta.
           Bác Phạm Đạo còn cho biết Họ Phạm toàn quốc đã tổ chức được 13 cuộc họp đại biểu Họ Phạm toàn quốc mà lớn nhất là ở Thái Bình năm 2008 quy tụ hơn 1000 người, và Ninh Bình 2010 quy tụ 1500 người. Điều đó nói lên sức mạnh họ Phạm cả nước và ở nước ngoài, tuy chiếm khoảng 7% dân số, tức khoảng hơn 6 triệu người, nhưng đã đóng rất lớn vào sự phát triển chung của đất nước Việt Nam. Hiện nay Họ Phạm có rất nhiều người con ưu tú đang rất thành công trong sản xuất kinh doanh, sở hữu tài sản có giá trị rất lớn hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều người con Họ Phạm đang nắm giữ những cương vị rất quan trọng trong bộ máy lãnh đạo quốc gia từ Trung ương đến địa phương.
          Buổi gặp gỡ còn đề cập nhiều vấn đề phát triển dòng họ như đẩy mạnh hoạt động của quỹ khuyến học, khuyến tài, nâng cấp trang web hophamvietnam.org, xuất bản sách về Họ Phạm Việt Nam, phát triển hoạt động của Câu lạc bộ doanh nhân họ Phạm TPHCM và vươn tới toàn quốc.
         Các anh chị em doanh nhân họ Phạm rất phấn khởi đón nhận những lời tâm huyết của Chủ tịch Hội đồng toàn quốc Họ Phạm VN. Anh Phạm Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phạm TPHCM, chủ nhiệm CLB doanh nhân họ Phạm phía Nam đã phát biểu nêu lên tần quan trọng của các hoạt động  của CLB doanh nhân họ Phạm.  Bởi vì từ đây sẽ là nền tảng để phát triển hoạt động của các lĩnh vực khác trong cộng đồng Họ Phạm Việt Nam.    
             Các anh chị em họ Phạm rất hy vọng và nguyện làm hết sức mình để ngày càng kết nối được nhiều bà con Họ Phạm toàn quốc và ở nước ngoài cũng chung sức, đồng lòng giúp bà con Họ Phạm phát triển, đóng góp cùng các dòng họ khác trên cả nước để xây dựng tổ quốc Việt Nam chúng ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
            Kết thúc buổi giao lưu, gặp gỡ, các anh cho em đã chụp hình lưu niệm và hẹn gặp lại nhau trong buổi giao lưu tất niên sắp tới tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Phạm Huy: 0913.046968
E-mail: phamhuy@vietkey.vn
YM: phong_chauthanh
Skype: hoangthanhhaivn
»»  Đọc tiếp

24 tháng 12, 2011

Người họ Phạm làm khoa học

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 12 24, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Người Việt có nghiên cứu trên tạp chí hàng đầu thế giới

Một nhà khoa học Việt Nam tại Hàn Quốc vừa có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Science AAAs của Mỹ, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

     Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng( ảnh bên trái)

     Trường Đại học Sogang có hai nhà nghiên cứu có công trình đăng tải trên tạp chí Science, trong đó Tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng là người Việt Nam đầu tiên có bài đăng trên tạp chí này.
       Tạp chí Science thuộc Hiệp hội Hoa Kỳ vì nền Khoa học Tiên tiến (AAAS) - một tổ chức ra đời năm 1848, có sứ mệnh "thúc đẩy và bảo vệ tính chính trực của khoa học và việc sử dụng khoa học".
        Khi gửi bài đến Science, ban biên tập phải đọc và chuyển cho ít nhất 2 chuyên gia để đánh giá và phản biện, đề xuất lên ban biên tập về việc cho đăng hay không. Ban biên tập sẽ đọc lại lần cuối và ra quyết định cuối cùng về việc nên cho đăng hay không. Quy trình này tương đối khắt khe, và tỷ lệ bài bị từ chối bởi những tạp chí như Science là rất cao, có khi lên tới 95% hoặc hơn.
       Chính vì thế một nghiên cứu khoa học đăng ở Science có giá trị và ảnh hưởng rất lớn. “Được đăng công trình trên tạp chí Science là ước mơ của người làm nghiên cứu, vì thế tôi rất vui và tự hào khi có công trình nghiên cứu được công bố. Đó không phải là kết quả riêng tôi mà là nỗ lực của cả tập thể thầy trò trong 3 năm qua”, tiến sĩ Phạm Cao Thanh Tùng, 34 tuổi, nói.
        Tiến sĩ Tùng cho biết, công trình nghiên cứu của anh về Zeolit và ứng dụng vào lĩnh vực vật liệu mới. Zeolite nguyên thủy trong tự nhiên là một dạng khoáng bao gồm oxít Silic và oxít nhôm. Trong công nghiệp, zeolit được tổng hợp và ứng dụng từ khá lâu làm xúc tác trong ngành công nghiệp dầu khí, làm chất hấp phụ, làm phụ gia trong chất tẩy rửa.
       Hướng nghiên cứu của anh là chế tạo các màng mỏng zeolit, và ứng dụng để tách riêng biết các phần tử trong hỗn hợp khí hay các hỗn hợp bao gồm các thành phần có kích thước phân tử khác nhau.
Hướng nghiên cứu này đã được 20-30 năm, nhưng vẫn có những hạn chế trong quá trình chế tạo. Lần này nhóm Tùng đã nghiên cứu chế tạo màng bằng phương pháp pháp mới, tổng hợp thành công lớp màng này, với nhiều ưu điểm nổi trội hơn phương pháp cũ.
      “Khi thử nghiệm ứng dụng để tách riêng hỗn hợp 2 đồng phân của xylen, là nguyên liệu đầu tiên của ngành công nghiệp nhựa, kết quả cho độ tách rất cao”, Tùng nói.
      “Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Science lần này, ngoài kết quả ứng dụng để tách riêng 2 đồng phân của Xylen, màng mỏng zeolit này còn được nghiên cứu ứng dụng làm vật liệu quang học, gọi là vật liệu quang học phi tuyến tính. Thử nghiệm này cũng cho kết quả cao hơn 10 lần so với các kết quả từng công bố”, Tùng nói thêm.
      Tiến sĩ Tùng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến dựa trên vật liệu này và đã thu được những kết quả mới rất tốt. Anh mong muốn thời gian tới có thêm nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng dựa trên vật liệu này.
Phạm Cao Thanh Tùng tốt nghiệp Đai học Khoa học tự nhiên TP HCM năm 1999, hoàn thành thạc sĩ năm 2002. Từng công tác tại viện Công nghệ hóa học, thuộc viện Khoa học Việt Nam tại TP HCM 2000 – 2006. Từ tháng 8/2006, anh làm nghiên cứu sinh tại đại học Sogang, Seoul, Hàn Quốc và tốt nghiệp tiến sĩ 8/2011. Từ tháng 9 năm nay anh đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại trường này.
       Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, Science là một tạp chí lớn, uy tín có số lượng người đọc lên đến hàng triệu người, nhiều người sử dụng tạp chí này như một nguồn chính thức và chính dẫn lại trong các đề tài nghiên cứu.
       "Người ta thường xuyên dựa vào chỉ số Impact factor để đánh giá sự ảnh hưởng của một tạp chí khoa học. Và chỉ số này của tạp chí Science luôn ở mức rất cao", giáo sư Dũng nói.
Hương Th

»»  Đọc tiếp

21 tháng 12, 2011

Lễ khánh thành Đình thờ Phạm Tu

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 12 21, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Lễ Khánh thành Đình thờ Đô Hồ Hồ Đại Vương Phạm Tu

Kể từ Lễ động thổ Công trình tu bổ tôn tạo Đình Ngoại, nơi thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu (476-545), Thượng Thủy Tổ họ Phạm Việt Nam, nhân dân Hà Nội, nhân dân huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt và con cháu họ Phạm cả nước luôn luôn dõi theo tiến độ công trình, ai cũng mong công trình mau hoàn thành, khang trang xứng với công lao của Người với đất nước. Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt trưc tiếp chỉ đạo và theo dõi diễn biến của việc triển khai Dự án, vượt nhiều khó khăn đồng thời tạo mọi điều kiện cho Dự án được hoàn thành với chất lượng tốt nhất. Sau hai năm (từ 29.12..2009) với rất nhiều công sức và tình cảm, với vốn đầu tư 29 tỉ của Nhà nước cộng với công đức của nhân dân cả nước trong đó có con cháu họ Phạm, đến nay công trình tu bổ di tích lịch sử cấp quốc gia đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu đã hoàn thành. Các hạng mục như: tòa đại đình, nhà thọ 5 gian, nhà khách 5 gian, ban thờ Thần Nông, giếng cổ, nghi môn, hồ bán nguyệt, hệ thống sân vườn…, tạo thành quần thể hoàn thiện Di tích trên tổng diện tích mặt bằng 6.900m2 . Đúng vào kỷ niệm 65 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến, sáng ngày 19.12.2011, huyện Thanh Trì đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành đình thờ Đô hồ Đại vương Phạm Tu. Từ 7 giờ sáng ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy đã đến dâng hương Phạm Đô Hồ Đại Vương, thăm toàn bộ khu Di tích và chụp ảnh lưu niệm với các vị lãnh đạo huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt và đại diện Hội đồng toàn quốc Họ Phạm Việt Nam. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; nguyên Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội; Giáo sư Vũ Khiêu đã đến dự và cắt băng khánh thành. Ông Triệu Đình Phúc, Bí thư Huyện Ủy cùng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và các đoàn thể của xã Thanh Liệt; cùng lãnh đạo và nhân dân nhiều huyện trong Thành phố, các xã của huyện Thanh Trì và các vị trong Thường trực cùng các ủy viên Hội đồng Họ Phạm toàn quốc, Hôi đồng Họ Phạm Thành phố Hà Nội và một số tỉnh cùng đông đảo bà con họ Phạm khắp nơi
về dự Lễ. Sau chương trình văn nghệ chào mừng với những tiết mục đặc sắc, Buổi lễ đã được khia mạc. Trưởng Ban quản lý Dự án, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Hùng Tiến đã báo cáo quá trình và kết quả thực hiện Dự án. Sau đó, Bí thư Huyện Ủy huyện Thanh Trì Triệu Đình Phúc đã nêu rõ ý nghĩa của Đình thờ Đô Hồ Đại Vương và niềm tự hào của nhân dân Thanh Trì là quê hương của người anh hùng dân tôc có công lớn với đất nước và riêng với Thủ đô, hứa bảo vệ di tích và phát huy truyên thống vẻ vang của quê hương Người. Thay mặt lãnh đạo Thành phố, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nôi đã phát biểu ý kiến. Ông biểu dương sự cố gắng của Ban quản lý Dự án và địa phương, chúc mừng Dự án đã hoàn thành những công trình chính đồng thời yêu cầu đơn vị thi công phải hoàn thiện hạng mục đường vào và kè hồ của dự án vào quý II- 2012; ông cũng đề nghị chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì nói chung, xã Thanh Liệt nói riêng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích bằng nguồn lực của nhân dân trong vùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, công trình giữ được nhiều yếu tố gốc, do đó càng nâng cao được giá trị lịch sử mang tầm Quốc gia của Di tích .

Sau đây là một số hình ảnh của Lễ Khánh thành:

                                                    Toàn cảnh sân Đình trong ngày Lễ

 Ông Phạm Thế Duyệt, GS Vũ Khiêu, ông Nguyễn Văn Khôi, cùng Lãnh đạo
Thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt cắt băng khánh thành Đình Thờ.
Ông Phạm Thế Duyệt,  GS Vũ Khiêu, ông Nguyễn Văn Khôi, bà Ngô Thị Thanh Hằng cùng lãnh đạo Huyện Thanh Trì và đông đảo nhân dân dâng hương Phạm Đô Hồ Đại Vương.
Ông Phạm Quang Nghị cùng lãnh đạo huyện Thanh Trì, xã Thanh Liệt và đại diên Hội đồng toàn quốc họ Phạm VN dâng hương Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu và chụp ảnh lưu niệm 
Con cháu họ Phạm tại buổi Lễ (kể cả bà Ngô ThịThanh Hằng).


Bài: Phạm Thúy Lan
Ảnh: Ban Biên tập BTNT
»»  Đọc tiếp

13 tháng 12, 2011

Như một lời di chúc

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 12 13, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


NHƯ MỘT LỜI DI CHÚC

Lời BBT: Tình cờ chúng tôi được xem một bản gia phả của dòng họ ở thôn Hội Phụ, xã Đông Hội, huyện Đông Anh Hà Nội. Trong phần phả ký có một đoạn cụ Phạm  Quốc Hiền, cụ Tổ đời thứ 10 (1824 – 1856) của dòng họ. Cụ thi Hương năm 19 tuổi, đỗ Tú tài năm 22 tuổi, cụ mất năm 32 tuổi.

Sau đây là đoạn văn cụ đã viết:

“Là kẻ sĩ lúc này thật khó
Đã là kẻ sĩ thì không được để hổ với bút nghiên
Bút nghiên không hổ thì vòng sĩ hoạn là khó tránh
Mà đã trong vòng sĩ hoạn thì phải gìn giữ cho được sĩ khí
Sĩ khí mà không còn thì đâu còn là sĩ nhân”

»»  Đọc tiếp

12 tháng 12, 2011

Thông báo của Ban Lễ tân về Lễ khánh thành Đình thờ Phạm Tu

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 12 12, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


BAN LỄ TÂN
HỘI ĐỒNG TOÀN QUỐC HỌ PHẠM VIỆT NAM

THÔNG BÁO

Kính gửi bà con họ Phạm cả nước!

Sau một quá trình thi công trùng tu tôn tạo Đình Ngoại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì,
Hà Nội, với tên là PHẠM TỔ LINH TỪ, nơi thờ Thành hoàng xã Thanh Liệt đồng thời
là Thành hoàng Thành Thăng Long, Đô Hồ Đại Vương Long Biên hầu Tiền Lý triều Tả
tướng Phạm Tu (476-545) – Thương Thủy Tổ của họ Phạm Việt Nam, nay công trình
chính đã hoàn thành.

Ủy Ban Nhân Dân huyện Thanh Trì sẽ tổ chức trọng thể Lễ khánh thành Đình Ngoại.
Buổi lễ được bắt đầu vào 8 giờ sáng ngày 19 tháng 12 năm 2011 (tức ngày 25 tháng
11 năm Tân Mão), đúng vào kỷ niệm 65 năm ngày Toàn quốc Kháng chiến, tại Đình
Ngoại.

Vậy Ban Lễ tân Hôi đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam kính báo để bà con xa gần
được biết.

Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam
Trưởng Ban Lễ Tân
KS. PHẠM NGHỊ
»»  Đọc tiếp

11 tháng 12, 2011

Các cô gái họ Phạm trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 12 11, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Lời BBT: Trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011. Các cô gái họ Phạm đoạt các danh hiệu: Á hậu 1 - Phạm thị Thanh Tuyền;  Người đẹp thân thiện - Phạm Thị Minh Nguyệt; Người đẹp tài năng - Nguyễn Phạm Ly Sang
 
Cô gái Nùng đăng quang Hoa hậu các dân tộc VN

              Người đẹp Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, đã giành chiến thắng thuyết phục và đăng quang danh hiệu cao quý Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011.


Tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam (giữa) cùng hai á hậu: Á hậu 1 - Phạm Thị Thanh Tuyền (phải) và Á hậu 2 - người đẹp Sơn Thị Du Ra


 Á hậu Phạm Thị Thanh Tuyền
          Trong 6 thí sinh cuối cùng bước vào vòng thi ứng xử của đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2 năm 2011, diễn ra vào tối 10.12, tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), thí sinh Triệu Thị Hà đã gây bất ngờ và giành được cảm tình của khán giả cùng hội đồng giám khảo, khi thể hiện một đoạn trong điệu Nàng ới! (dân ca Nùng), nhằm minh họa cho phần trả lời của câu hỏi chung: Giới thiệu ngắn gọn nhất nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình.
         Trước đó, cô gái đến từ Cao Bằng, với chiều cao 1,69m, cùng số đo ba vòng: 88-63-88, cũng đã ghi điểm khi trình diễn nổi bật trong phần thi trang phục dạ hội và trang phục áo tắm trong đêm chung kết này.
Triệu Thị Hà cũng là gương mặt được đánh giá khá cao trong suốt hành trình tiến đến đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011. Cô luôn xuất hiện trong danh sách các người đẹp xuất sắc như: Top 10 thí sinh trình diễn trang phục dạ hội đẹp nhất, Top 10 thí sinh trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất; Top 5 thí sinh mặc trang phục áo dài đẹp nhất…
         Bên cạnh danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 được trao cho Triệu Thị Hà, ban tổ chức cũng đã dành tặng danh hiệu và giải thưởng cho Á hậu 1 - người đẹp Phạm Thị Thanh Tuyền (Kinh) và Á hậu 2 - người đẹp Sơn Thị Du Ra (Khmer).
         Ngoài ra, cũng trong đêm chung kết, các giải thưởng phụ cũng đã được trao cho các người đẹp: Lê Thị Như Quỳnh (Mường - Thí sinh trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất), H’Năng Niê (Êđê - Thí sinh có thể hình đẹp nhất), Nguyễn Thị Thu Hà (Kinh - Thí sinh có gương mặt đẹp nhất), Mai Hà Ngân (Tày - Thí sinh có làn da đẹp nhất), Nguyễn Phạm Ly Sang (Kinh - Người đẹp tài năng), Hà Thị Hằng (Thái - Thí sinh mặc trang phục áo dài đẹp nhất), Kră Jăn Loen (K’Ho - Người đẹp có giọng hát hay nhất), Huỳnh Thị Ngọc Hân (Kinh - Người đẹp du lịch), H’Ngăc Byă (Êđê - Thí sinh có mái tóc đẹp nhất), Trương Thị Hải Ngân (Bana - Thí sinh có nụ cười đẹp nhất), Phạm Thị Minh Nguyệt (Kinh - Người đẹp TP.HCM), Đặng Thị Thùy Dương (Kinh - Người đẹp thân thiện).
         Trước đó, 60 thí sinh của đêm chung kết Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2 năm 2011 đã trình diễn trang phục áo dài của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy, trang phục truyền thống dân tộc và trang phục áo tắm với các thiết kế của nhà tạo mẫu Xuân Thu.
         Sau đó, danh sách Top 15 thí sinh bước vào vòng trong của cuộc thi được công bố, các thí sinh này cũng đã tham gia phần thi trình diễn trang phục dạ hội để chọn ra Top 6 chung cuộc.
         Chương trình cũng có sự góp mặt của ca sĩ Thu Minh với ca khúc Đường cong, nhóm Mặt trời mới với ca khúc Mái đình làng biển, ca sĩ Quang Linh với ca khúc Tôi yêu, ca sĩ Hồ Trung Dũng với Gõ cửa thiên đường...
Hiền Nhi

»»  Đọc tiếp

Tin vắn về họ Phạm Quảng Ngãi

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 12 11, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

 ĐẠI HỘI HĐHP QUẢNG NGÃI NHIỆM KỲ II

Sáng ngày 10/12/2011, tại Tp. Quảng Ngãi đã diễn ra Đại hội Hội đồng họ Phạm tỉnh Quảng Ngãi lần thứ II. Đến dự buổi Đại hội về phia địa phương có ông Phạm Thanh Nghìn, đại diện Mặt trận tổ quốc tỉnh. Có Đại diện Hội đồng họ Phạm toàn quốc. Có đại diện của một số HĐHP các tỉnh bạn. Các đại biểu của một số dòng họ ở tỉnh Quảng Ngãi như họ Thân, họ Đỗ, họ Trần,… cũng được mời đến dự. Và gần 300 bà con cô bác dòng họ Phạm ở khắp các huyện thị về dự.
Trước khi khai mạc là các tiết mục văn nghệ chào mừng. Rất độc đáo ở chỗ tất cả những tiết mục đều do các ca sĩ nghiệp dư họ Phạm hát những bài của các nhạc sĩ họ Phạm ở Quảng Ngãi cũng như cả nước.
Bắt đầu là thủ tục rước chân dung Thủy tổ Phạm Tu (do HĐHP toàn quốc tặng) vào vị trí bàn thờ Người. Lễ dâng hương tiến hành trọng thể với phong tục truyền thống. Các Đại diện của HĐHP Việt Nam, HĐHP tỉnh Quảng Ngài và các đại diện các huyện thi lần lượt thành kính dâng lên Người những ném tâm nhang thơm ngát.
Sau khi tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Ông Phạm Thắng Lợi, trong BLL họ Phạm Quảng Ngãi khóa I lên đọc báo cáo công tác nhiệm kỳ qua và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ tới. Tiếp theo ông Phạm Hiện lên đọc dự thảo Qui chế tổ chức và hoạt động của HĐHP tỉnh Quảng Ngãi sau một vài ý kiến bổ sung. Bản Qui chế đã được mọi người nhất trí cao. Có 2 đại diện cấp huyện lên tham luận trong đó có đại diện của huyện đảo Lý Sơn.
PGs.Ts Phạm Đạo Chủ tịch HĐHP họ Phạm Việt Nam đã lên trao tặng HĐHP Quảng Ngãi một lá  cờ họ rồi phát biểu ý kiến. Bài phát biểu của ông nói về một số hoạt động của dòng họ Phạm Việt Nam trong những năm qua được các Đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh.
Bs. Phạm Văn Căn, Phó Chủ tịch HĐHP toàn quốc, Chủ tịch HĐHP Tp. HCM lên tặng quà và phát biểu chào mừng. Nhà bào Phạm Hữu Thanh Tùng thay mặt HĐHP Phạm TT-Huế và BBT trang tin nội tộc phát biểu.
Ông Phạm Minh Hòa lên thông qua danh sách nhân sự cho HĐHP tỉnh Quảng Ngãi khóa II. Hội đồng gồm gần 60 vị và một Ban cố vấn gần hai chục người. Danh sách nhân sự được 100% đại biểu có mặt nhất trí bằng những tràng pháo tay vang dậy hội trường.
Kết thúc Chương trình Đại hội, ông Phạm Đình Khối thay mặt cho những người vừa trúng cử HĐHP tỉnh Quảng Ngãi khóa II nhận nhiệm vụ và kết thúc Đại Hội.
Gần ba trăm Đại biểu cùng dự bữa cơm thấm đậm tình đồng tộc.
Đầu giờ chiều lại rước di ảnh của Thủy tổ Phạm Tu về một từ đường họ Phạm ở huyện Mộ Đức, quê hương cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Kết thúc một đại hôi cực kỳ thành công ngoài cả mong đợi của Ban Tổ chức.

Tp. HCM, ngày 11/12/2011
Pha Lê

Sau đây là một số hình ảnh minh họa












Ghi chú ảnh
1. Văn nghệ chào mừng
2. PGs.Ts Phạm Đạo trao tặng di ảnh Thủy tổ Phạm tu
3. Các đại biểu dâng hương
4. Toàn cảnh Hội trường
5. Đại diệ huyện đảo Lý Sơn phát biểu
6. Thông qua nhân sự HĐHP Quảng Ngái nhiệm kỳ II.
7. Bữa liên hoa đậm đà tình đồng  tộc
8. Chuẩn bị csdi ảnh Thủy tổ Phạm Tu về Mộ Đức.














        Chuẩn bị rước di ảnh Thủy tổ Phạm Tu về Mộ Đức
»»  Đọc tiếp

8 tháng 12, 2011

Gặp thân nhân anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Lãng

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 12 08, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments


        Gặp thân nhân Anh hùng Liệt sĩ Phạm Văn Lãng
       
      Sáng thứ bảy 3.12.2011, tôi đang làm việc trên máy vi tính thì điện thoại đổ chuông. Đầu kia một giọng nam giới:
-  Dạ, tôi cần gặp bà Thúy Lan, Tổng Biên tập …
-  Tôi đây! Ai đấy ạ!
-  Cháu là con trai Liệt sĩ Phạm Văn Lãng. Cháu thấy ở Thông tin Họ Phạm Việt Nam số 37 trang 15 có đăng tin về Liệt sĩ Phạm Văn Lãng là bố cháu… Trong cuốn sách này có số điện thoại của bà….
        Tôi mừng đến luống cuống! Bởi vì, Liệt sĩ Phạm Văn Lãng (Phạm Văn Thế), bộ đội Đặc công Đà Nẵng, là một trong 6 vị họ Phạm năm 2010 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân mà Họ Phạm Việt Nam vinh danh trong “Lễ Vinh danh Nhân tài và Ra mắt Quỹ Tấm Lòng Vàng Họ Phạm Việt Nam” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 29.5.2011 vừa qua, nhưng chưa tìm được thân nhân để trao Bằng Vinh danh. Gia đình Liệt sĩ Phạm Văn Lãng ư? Đây là một trong những đối tượng mà cả Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam đã đi tìm từ hơn nửa năm nay, nhất là đối với các Liệt sĩ đã hy sinh từ lâu mà địa chỉ không rõ ràng thì việc đi tìm thân nhân đúng như mò kim đáy biển! Chúng tôi thấy các liệt sĩ này toàn ghi là ở các tỉnh phía Nam nên đã chuyển vào cho Hội đồng Họ Phạm TP Hồ Chí Minh tìm và trao Bằng. Tôi vội bỏ máy vi tính đứng dậy tiếp chuyện điện thoại.
        Cuộc trò chuyện kéo dài gần 20 phút với con trai Liệt sĩ: anh Phạm Xuân Hùng, 49 tuổi,  rồi vợ Liệt sĩ: bà Đỗ Thị Cúc, 77 tuổi….
       Thì ra Liệt sĩ Phạm Văn Lãng (ở Đà Nẵng gọi là Phạm Văn Thế) hoạt động và hy sinh ở Đà Nẵng nhưng quê ở Nam Định. Ông là người thôn Đông Thịnh, xã Xuân Ninh (xưa kia là Xuân Lạc), huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông sinh năm 1935, làm liên lạc từ năm 1950 rồi đi bộ đội chống Pháp năm 1953. Tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, với 13 tuổi quân, thành tích của ông có nhiều, nhưng đáng kể nhất là thời kỳ ông ở Tiểu đoàn 489 bộ đội Đặc công Đà Nẵng mà hồ sơ của ông còn lưu đầy đủ ở Ban Chỉ huy Quân sự Quảng Nam – Đà Nẵng. Hai chiến công lớn nhất của ông cùng đơn vị là:
        - Trong chiến thắng vang dội “Đặc công đánh thốc vào sân bay Đà Nẵng” ngày 30 tháng 6 năm 1965: Ông thực hiện nhiệm vụ dẫn một tổ trinh sát 15 chiến sĩ của Đại đội đặc công Đà Nẵng bí mật đào hầm tiến vào sát sân bay rồi cùng Đại đôi vào lúc 0 giờ 28 phút ngày 30-6-1965, tấn công phủ đầu quân Mỹ ở sân bay Đà Nẵng làm chúng trở tay không kịp. Chỉ sau 25 phút đánh thần tốc, đơn vị đã tiêu diệt và làm bị thương 271 sĩ quan và giặc lái Mỹ, phá hủy 59 máy bay chiến đấu các loại, 50 xe quân sự, 3 giàn tên lửa và một nhà máy đèn, khiến cho những tên lính không quân Mỹ còn lại hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Về phía ta, chỉ có 3 người bị thương. Quân địch phải một phen kinh hoàng bạt vía!
       -  Ngày 19.8.1966 một mình ông thực hiện trận đánh vào Khách sạn Mụ Mai ở đường Lê Đình Dương, TP Đà Nẵng, diệt được 61 sĩ quan cao cấp Mỹ. Ông đã anh dũng hy sinh trong trận này. Nhân dân đã lập miếu thờ ông tại đây, người Mỹ đã nhiều lân cho ủi miếu thờ nhưng không được. Ngày nay, sau 45 năm, Ban thờ ông vẫn còn tại đây, số nhà 56/2 phố Lê Đình Dương, TP.Đà Nẵng, như một chứng tích về chiến công của ông cũng như lòng kính trọng và tri ân của nhân dân với công lao và sự hy sinh dũng cảm của ông để bảo vệ Tổ quốc.
         Vợ ông, bà Đỗ Thị Cúc luôn luôn phải xa chông – anh lính chiến, và vĩnh viễn xa ông khi ấy bà mới 32 tuổi. Bà đảm đang thay chồng nuôi con và lo lắng mọi việc gia đình. May mắn thay, ông đã để lại trên đời một người con trai hiếu thảo biết thương yêu và chăm sóc mẹ, giỏi giang năng động, có trách nhiệm với con cái. Ông cũng được một lần duy nhất nhìn thấy con trai vừa được 2 tuổi, khi đó ông về giỗ bố lần cuối cùng tháng 11.1964 sau khi học xong Trường Sĩ quan, rồi vào Nam nhận nhiệm vụ tại Đại đội Đặc công TP Đà Nẵng. Con trai ông, anh Phạm Xuân Hùng, sinh năm 1962, sinh được 3 con, hai gái một trai: con gái lớn Phạm Thị Thu Hiền đã học xong Đại học Mở và đã đi làm, con trai thứ hai Phạm Xuân Hào đã học xong Đại học đang học Cao học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, con gái thứ ba Phạm Thị Hoài Thương đang học Đại học Dân lập Phương Đông năm nay sẽ ra trường.
         Bà Cúc cũng như anh Hùng cứ luôn nói: cháu Hào ở trên đó, cháu sẽ thay mặt gia đình đên thăm các ông bà, có việc gì của dòng họ ta, bà cứ bảo cháu làm!.
        Và ngay chiều hôm sau, 4.12.2011, cháu Hào, cậu sinh viên cao học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng bạn gái đã đến thăm tôi. Các cháu thật lễ độ, thông minh và ngay lập tức đã chiếm được cảm tình của mọi người trong gia đình tôi. Cũng như bà nội và bố, cháu Hào rất vui vẻ hăng hái, cháu bảo: “Có việc gì bà cứ gọi cháu, chuyên môn của cháu là Công nghệ Thông tin, cháu có thể đảm nhiệm hoàn toàn về kỹ thuật của Trang Web của dòng họ ta”. Bạn gái cháu nói thêm: “Bà có thể giao cho anh ấy làm admin ạ”. 
         Còn chuyện về gia đình Liệt sĩ tìm đến BBT Bản tin thì anh Hùng cho biết như sau:  ông Phạm Kim Ngân (ở cùng xã Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định) bạn đọc thường xuyên của Bản tin Nội tộc khi đọc Bản tin số 37 trong bài “Danh sách các đối tượng được vinh danh…” “Đưa Tấm Lòng Vàng đến tận nhà…” thấy thông tin về Liệt sĩ PhạmVăn Lãng đã đưa cho gia đình anh Hùng đọc và hướng dẫn liên hệ với Ban Biên tập Bản tin Nội tộc….
        Cho đến bây giờ, khi viết bài này, tôi vẫn thấy lòng mình bồi hồi nghĩ về những cuộc găp gỡ với gia đình Anh hùng Liệt sĩ Phạm Văn Lãng (kể cả trên điên thoại). Tôi tự hào về những đóng góp của họ Phạm ta cho đất nước, trong bất kỳ giai đoan cách mạng nào, trong lĩnh vực nào, dòng họ ta cũng có những con người xuất sẵc cống hiến cho đất nươc Sau sự cảm phục trước chiến công to lớn cùng sự hy sinh của Liệt sĩ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôi rất vui mừng vì hậu duệ của ông – con cháu của Liệt sĩ mang dòng máu của Liệt sĩ đang sống xứng đáng với tấm gương cao cả ông  và hứa hen một tương lai tươi sáng bới được nuôi dạy chu đáo, học hành đến nơi đến chốn. Tuổi trẻ của dòng họ mình đáng quý biết bao!  Tôi cũng thấy vui vui bởi hai tờ báo của chúng ta, Bản tin Thông tin Họ Phạm Việt Nam và Trang tin điện tử hophamvietnam.org đã góp một phần nhất định trong mọi mặt hoạt động của dòng họ, mà trong trường hợp cụ thể này, thật là có hiệu quả !
        Đây là thân nhân của Anh hùng Liệt sĩ đầu tiên đã tìm được trong số 6 Anh hùng họ Phạm được vinh danh năm 2011.  Thường trực Hội đồng Toàn quốc Họ Phạm Việt Nam sẽ phối hợp với Hội đồng Họ Phạm tỉnh Nam Định và huyện Xuân Trường tổ chức trao Bằng Vinh Danh cho gia đình Liệt sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Phạm Văn Lãng.

Phạm Thúy Lan

                           Cháu Phạm Xuân Hào, cháu nội của Liệt sĩ Phạm Văn Lãng với tác giả

                                                  Bạn gái của cháu Hào với tác giả
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi