Người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ
Một nén tâm nhang tưởng nhớ 4 năm ngày mất
của Phạm Tiến Duật
Nhà thơ Phạm Tiến Duật quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, sinh ngày 14.01.1941. Bố dạy chữ Hán và chữ Pháp, mẹ làm ruộng, không biết chữ. Sau khi học hết Phổ thông 10/10, ông vào học khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1964, đúng vào lúc Mỹ mở rộng chiến tranh ra đánh phá Miền Bắc, ông cũng như bao thanh niên cùng thời hăng hái nhập ngũ chống Mỹ cứu nước. Sau khoá huấn luyện tân binh, ông được điều về Cục Vận tải Quân sự. Khi Cục này sát nhập vào Đoàn 559, ông thuộc Ban Tuyên huấn Cục Chính trị Đoàn 559.
Sẵn tình yêu và khả năng văn thơ, lại được đào tạo cơ bản tại khoa Văn Đại học Sư Phạm Hà Nội, nay lăn lộn ở Trường Sơn, trực tiếp tham gia vào mật trận nóng bỏng nhất của cuộc Kháng chiến Chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, tận mắt chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng và tràn đầy lạc quan cách mạng của bộ đội ta, nhất là các chiến sĩ lái xe..., tâm hồn thơ của ông nhanh chóng hoà nhịp vào cuộc chiến đấu sôi động nơi đất lửa tiền tuyến. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ nóng bỏng về người linh Trường Sơn anh hùng. Thành công lớn nhất là ông đã hoà nhập tâm hồn lính thời chống Mỹ, lạc quan, hồn nhiên, tươi trẻ, coi thường gian khổ hy sinh...và đưa cách nghĩ lính, ngôn ngữ lính ấy vào thơ. Sự thành công của Pham Tiến Duật được đông đảo bạn đọc ghi nhận, và ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách viết của các nhà thơ trẻ cùng thời, làm cho tác phẩm của họ hoà thành một dàn hợp xướng thơ hùng hậu mà chính ông là người lĩnh xướng.
Năm 1969, Tuần báo Văn nghệ tổ chức một cuộc thi thơ. Phạm Tiến Duật gửi 5 bài thơ dự thi, đã được Ban Giám khảo đánh giá rất cao. Trong hơn nửa thế kỷ qua, ở nước ta có nhiều cuộc thi thơ, nhưng ít khi mà những tác phẩm trúng giải được bạn đọc đồng tình như cuộc thi của Tuần báo Văn Nghệ năm 1969. Và cũng ít có cuộc thi thơ mà giải nhất được thuyết phục như cuộc thi đó. Người đoạt giải nhất đó không ai khác ngoài Phạm Tiến Duật! Những bài thơ của ông thuyết phục đến nỗi không những thời đó được bạn đọc nhập tâm mà về sau xuất hiện trong nhiều tuyển tập thơ, xứng danh là những bài thơ tiêu biểu của thời chống Mỹ. Đó là Lửa Đèn. Tiểu đội xe không kính. Đó là Gửi em cô thanh niên xung phong và Nhớ... Ông đã dược kết nạp và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1970.
Tháng 3 năm 1970, trong lễ Tổng kết cuộc thi thơ này, Phạm Tiến Duật vẫn ở chiến trường không về dự để nhận Giải Nhất được, nhưng tên tuổi của ông nổi bật lên trong đội ngũ rất đông đảo và có chất lượng cao các nhà thơ thời chống Mỹ cứu nước. Ông vẫn ngày đêm sát cánh cùng bộ đội, thanh niên xung phong trên khắp các nẻo đường Trường Sơn cho đến ngày toàn thắng. Ông sáng tác rất khoẻ, rất đều hàng loạt các bài thơ có giá trị cao về các anh lính lái xe, về các cô thanh niên xung phong, về bộ đội và nhân dân, những anh hùng giữa khói lửa của cuộc kháng chiến gian khổ hào hùng, đầy hy sinh khốc liệt nhưng tràn đầy lạc quan, vui nhộn, hóm hỉnh, trữ tình, tâm hồn cao cả của người chính nghĩa, người chiến thắng. Dạo đó ông đang làm báo của Binh đoàn Trường Sơn, nhưng ít khi ở cơ quan mà thường trực trên các binh trạm dọc tuyến đường vận tải đầy bom đạn và là người bạn thân thiết của những chiếc xe ZIN, xe GAS... Ông viết nhiều về chiến sĩ lái xe đến nỗi làm nhiều bạn đọc tưởng ông là một lái xe, có người đã khẳng định như đinh đóng cột như thế. Ông còn viết trường ca Những vùng rừng không dân .Trong hoàn cảnh thời chiến, viết những gì dài hơi thật khó khăn.
Thơ Phạm Tiến Duật xuất hiện ngay từ ngày đầu và đơm hoa kết trái trong toàn bộ thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Có thể nói "Thời thế sinh anh hùng". Trong bão táp của cuộc kháng chiến, trong lúc cả một dân tộc hừng hực "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "tất cả cho tiền tuyến"..., Phạm Tiến Duật xuất hiện thật đúng lúc và đã thực hiện xuất sắc sứ mạng của mình. Nêú đặt câu hỏi nhà thơ nào tiêu biểu nhất của Phong trào Thơ Mới trước Cách mạng Tháng Tám hoặc cũng đặt câu hỏi tương tự cho Chín năm kháng chiến chống Pháp hoặc giai đoạn từ năm 1975 đến nay, những người trả lời không dễ có cùng đáp án. Thế nhưng nếu đặt câu hỏi trên với thời kỳ chống Mỹ cứu nước từ 1965 - 1975 thì dễ dàng tìm được sự thống nhất. Đó là Phạm Tiến Duật! Có thể nói đông đảo bạn đọc, từ người dân thường đến các nhà thơ nhà văn cùng thời đều thừa nhận điều đó. Có rất nhiều câu nói ca ngợi Phạm Tiến Duật là "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại", "cây săng lẻ của rừng già", "nhà thơ lớn nhất thời kỳ chống Mỹ", "người lĩnh xướng dàn thơ chống Mỹ", "mỗi bài thơ có sức mạnh bằng cả một sư đoàn" v.v... và v.v...
Sau đại thắng mùa Xuân 1975, nước nhà thống nhất, Phạm Tiến Duật về Hà Nội làm Biên tập thơ của Tuần báo Văn nghệ. Với tài năng và tinh thần dám chịu trách nhiệm, ông đã cho đăng nhiều bài thơ có giá trị, kể cả những bài trong hoàn cảnh nhất định có người ngại ngần. Hơn chục năm sau, ông chuyển về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, từng giữ chức Phó Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, sau làm Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thời gian ông dẫn chương trình dành cho người cao tuổi trên VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam.
Các tác phẩm của Phạm Tiến Duật đã xuất bản gồm có:
- Vầng trăng, quầng lửa (Tập thơ 1970)
- Một chặng đường (Tập thơ 1971)
- Ở hai đầu núi (Tập thơ 1981)
- Vầng trăng và những quầng lửa (Tuyển tập thơ 1983)
- Thơ một chặng đường (Tuyển tập thơ 1994)
- Nhóm lửa (Tập thơ 1996)
- Tiếng bom và tiếng chuông chùa (Trường ca 1997)
- Tuyển tập Phạm Tiến Duật (2007) (Tuyển tập này được xuất bản trong thời gian Phạm Tiến Duật nằm trên giờng bệnh và đã được Giải thưởng Văn học năm 2007 của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân)
Không biết có phải vì những năm tháng lăn lộn ở Trường Sơn, chịu bom đạn ác liệt và chất độc màu da cam của Mỹ hay không, về cuối đời, Phạm Tiến Duật mắc bệnh ung thư phổi. Ông vĩnh biệt chúng ta ngày 04.12.2007.
VƯƠNG TRỌNG
PHẠM VĂN DƯƠNG
Đăng nhận xét