Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

29 tháng 6, 2011

Tin buồn

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 6 29, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

NSND Quý Dương (Phạm Quý Dương) qua đời

28/06/2011 16:00

Nghệ sĩ Quý Dương( tên thật là Phạm Quý Dương), một trong ba cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam đã từ trần vào 12h45 phút trưa nay (28/6) khi đang trên đường đến bệnh viện để chạy thận. Đã 8 năm nay, ông phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này.

Nghệ sĩ Chí Trung, con trai của NSND Quý Dương cho biết, trưa nay, bố anh đi taxi đến bệnh viện để chạy thận theo lịch hẹn. Thế nhưng, khi đang trên đường đi, ông khó thở và đột quỵ. Mặc dù được đưa ngay vào viện Giao thông vận tải cấp cứu nhưng ông đã không thể qua khỏi. Nghệ sĩ Quý Dương qua đời vào khoảng 12h45 phút, hưởng thọ 75 tuổi.

Lễ tang nguyên Giám đốc Nhà hát vũ kịch Việt Nam sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng trong những ngày tới.
Nghệ sĩ Quý Dương lúc còn sống vẫn rất lạc quan dù mắc nhiều bệnh tật.

NSND Quý Dương suy thận đã 8 năm, chứng bệnh tiểu đường cũng hành hạ ông suốt hơn 20 năm nay. Sức khỏe của ông ngày một suy yếu trong thời gian gần đây vì mắc thêm các bệnh phổi và tim. Tuy vậy, giọng opera hàng đầu của nền thanh nhạc Việt Nam vẫn sống rất vui vẻ, lạc quan.

Suốt cuộc đời của mình, nghệ sĩ Quý Dương đã dành trọn cho tình yêu nghệ thuật. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân là Học viện Âm nhạc quốc gia hiện nay. Cùng với NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, ông được xem là một trong ba cây đại thụ của nghành biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Quý Dương nổi tiếng với những ca khúc như Ngọn đèn đứng gác (Hoàng Hiệp), Tình em (Huy Du), Tấm áo mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý)...
Theo Ngôi sao



»»  Đọc tiếp

27 tháng 6, 2011

Chuyện người nhặt xác 3000 hài nhi

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 6 27, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Chuyện người nhặt xác 3000 hài nhi

Lời BBT: Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/06. Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một bài viết được đăng tải trên trang web "Dân trí" rất đáng để mọi người cùng suy ngẫm

Ngày ngày, hai người đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm" lóc cóc đạp xe hàng chục cây số rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin xác hài nhi về chôn cất.

Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định.
Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.

Không thể kìm lòng

Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.

Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương “hài nhi”, có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.

Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.

Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.

Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.

Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt.

Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.

Bị cười chê là… khùng!


Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.

Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.

Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: “Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”.

Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.

Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”- bà Cường cho biết.

Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.   
            
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.

Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.

Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.
                                                                                              Bà Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Cầu mong… thất nghiệp

Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.

Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.

Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.

Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.

Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.

Ám ảnh

Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.

“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”- bà Cường nhớ lại.

Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.

“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.

Theo Khánh Linh
Người Lao động



»»  Đọc tiếp

24 tháng 6, 2011

DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC TÂM LÝ GIÁO DỤC TOÀN QUỐC

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 6 24, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

DỰ HỘI THẢO KHOA HỌC TÂM LÝ GIÁO DỤC TOÀN QUỐC

HỘI THẢO KHOA HỌC TÂM LÝ GIÁO DỤC TOÀN QUỐC

Sáng 23/06/2011 tại thành phố du lịch Vũng Tầu đã có cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc: “ỨNG DỤNG TÂM LÝ HỌC, GIÁO DỤC HỌC VÀO ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN VÀ CĂN BẢN NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM” do Hội Khoa học tâm lý giáo dúc tổ chức.

Đến dự có các đồng chí lãnh đạo tp. Vũng Tầu, đại diện các Chi hội ở nhiều tỉnh thành đông đủ nhất là các tỉnh miền Nam.

Nhiều báo cáo khoa học đã nêu lên những bức súc của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, các định hướng, các biện pháp để thực hiện được mục đích của cuộc hội thảo (trong cuốn Kỷ yếu có đến trên 50 bản tham luận).

GS.Viện sỹ, NGND Phạm Minh Hạc cùng Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. Hội thảo đã diễn ra cả ngày hôm 23/6 rất sôi nổi. Rất đáng tiếc là không có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đến dự!

PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam đến dự với tư cách là thành viên của Đoàn Hà Nội

Sau đây là một số hình ảnh về Đoàn Hà Nội tham dự Hội thảo.

Biểu diễn văn nghệ tước giờ khai mạc hội thảo

Toàn cản Hội trường

Đoàn Hà Nội (Nhà Giáo Trần Thanh Tùng và PGS.TS Phạm Đạo)

Đoàn Hà Nội (Nghệ sỹ Hồng Oanh, nhà giáo Phạm Tường)

Một số đại biểu họ Phạm
(Phạm Thu Hương, Phạm Đạo, Phạm Minh Hạc, Phạm Tường, Nguyễn Thị Thu Mai)

GS VS Phạm Minh Hạc, PGS TS Phạm Đạo


»»  Đọc tiếp

21 tháng 6, 2011

Thư chúc mừng các nhà báo

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 6 21, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


       Nhân ngày Nhà Báo Việt Nam, Ban biên tập trang web "hophamvietnam.org" xin gửi đến các thế hệ nhà báo họ Phạm nói riêng cũng như các nhà báo của cả nước lời chúc mừng nhiệt liệt nhất. Chúc các nhà báo - "Đội quan tiên phong" chống tiếu cực thành đạt trong sự nghiệp cao cả của mình.
     Nhân dịp này cũng xin chúc các cộng tác viên của Trang web họ Phạm "hophamvietnam.org" cũng như Bản tin nội tộc "Thông tin họ Phạm Việt Nam" sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và có nhiều bài viết cho trang web cũng như bản tin.

    Thay mặt Ban biên tập
    Tổng biên tập
    PGS.TS Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

19 tháng 6, 2011

Phạm Thị Ngọc Oanh cán đích trên Đường lên đỉnh Olympia năm 2011

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 6 19, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Phạm Thị Ngọc Oanh cán đích trên Đường lên đỉnh Olympia năm 2011
19/06/2011 13:27

(TNO) Liên tục dẫn đầu cả 3 vòng thi và thất bại ở câu hỏi cuối cùng tại vòng thi Về đích với ngôi sao hi vọng nhưng với 230 điểm giành được, Phạm Thị Ngọc Oanh xứng đáng bước lên ngôi vô địch của vòng thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11.

Trận chung kết chính thức bắt đầu từ 9 giờ sáng nay 19.6, tại trường quay S9, Đài truyền hình Hà Nội và được truyền hình trực tiếp tại 4 điểm cầu. Đó là các ngôi trường THPT của các thí sinh tham dự vòng chung kết.
                 Ngọc Oanh và Giải nhất cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia thứ 11 - Ảnh: Phan Hậu

Đó là: Đó là Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng); Lê Bảo Lộc, (THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Ninh Thuận); Thái Ngọc Huy (THPT Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Vũ Bạch Nhật (THPT Đông Thành, tỉnh Quảng Ninh).

Sau 4 vòng thi gay cấn, nữ sinh duy nhất tham gia so tài tại vòng chung kết Phạm Thị Ngọc Oanh đã xuất sắc chạm vào vòng nguyện quế, giành giải Vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2011.

Sinh ra ở vùng nông thôn nghèo Tiên Lãng (Hải Phòng), Oanh sớm có ý thức tự lập và ý chí vươn lên trong học tập. Học đồng đều tất cả các môn, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, Oanh luôn là tấm gương trong học tập và rèn luyện cho học sinh trong trường noi theo.

Ở một cuộc thi căng thẳng, hồi hộp nhưng khán giả thực sự ngưỡng mộ Ngọc Oanh luôn bình tĩnh tự tin trả lời các câu hỏi. Oanh cũng chính là người Vượt chướng ngại vật nâng điểm số của mình lên 140, đồng thời giành áp đảo các đối thủ còn lại trong các phần thi kế tiếp.

                            Ngọc Oanh trong vòng vây báo giới sau lễ đăng quang - Ảnh: Phan Hậu

Trao đổi với báo chí sau lễ trao giải, Oanh cho biết mình bước vào cuộc thi với tâm thế rất thoải mái khi không đặt nặng yếu tố thành tích. “Em chỉ coi đó là một cuộc chơi và muốn chơi hết mình”, Oanh nói.

Với giải Nhất giành được, Phạm Thị Ngọc Oanh trở thành nhà vô địch cuộc thi Olympia năm thứ 11, được tặng phần thưởng học bổng trị giá 35.000 USD. Oanh cũng chính là học sinh đầu tiên của Hải Phòng giành ngôi vị cao nhất tại cuộc thi kiến thức danh giá này.

Ngoài ra, ban tổ chức đã trao giải Nhì cho thí sinh Thái Ngọc Huy với 215 điểm và trao 2 giải Ba cho hai thí sinh còn lại: Lê Bảo Lộc và Vũ Bạch Nhật.

Phan Hậu



»»  Đọc tiếp

Nữ thi sĩ trẻ Phạm Vân Anh

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 6 19, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Có một "Góc" thơ như thế !
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên

Có lẽ Phạm Vân Anh cũng như không ít người, thơ chỉ là một "góc" nào đấy trong đời sống tinh thần cá nhân ở mỗi khắc giao của thời gian và không gian lịch sử, đất trời. Nhưng đấy lại là một "góc" không thể thiếu và cũng không hề trộn lẫn vào đâu được của một cô gái đất cảng với phơi phới đam mê, bộn bề công việc, đau đáu nghĩ suy.

Phạm Vân Anh còn rất trẻ (1980). Trẻ với nhiều tư cách khác nhau như: hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam (2009), người thơ trẻ, công chức trẻ,... Còn với tư cách đạo diễn điện ảnh Bộ đội Biên phòng lại càng trẻ. Lợi thế so sánh ấy của cô đã nói lên được khá nhiều điều, nhưng ở đây tôi chỉ quan tâm đến thơ và người thơ.

Nhà văn Phạm Vân Anh, sinh năm 1980, tại Hải Phòng.
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
Hiện công tác tại: Điện ảnh Bộ đội Biên phòng
Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng dành cho Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 2005 cho tập thơ Tôi chào Tôi..
- Giải Ba cuộc thi thơ về đề tài giáo dục do Sở Giáo dục, Đào tạo và Hội LHVHNT Hải Phòng phối hợp tổ chức năm 2005..
- Giải Tư về thơ trong cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 2006 của Tạp chí Cửa Biển- Hội LHVHNT Hải Phòng.
- Giải Ba về thơ (không có giải Nhất, Nhì) trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức năm 2007.
- Giải Ba ( không có giải Nhất ) về Ký trong Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp tổ chức năm 2008.

Chỉ cần lướt qua "tóm tắt lý lịch" văn chương của Phạm Vân Anh, chắc hẳn không ít người phát thèm, nhưng cũng sẽ có kẻ cảm thấy choáng ngợp, vì không biết cô bé đất cảng Hải Phòng này bằng cách nào mà có thể trong cùng một quãng thời gian chưa phải là dài lại có thể làm được nhiều việc cho văn chương đến thế, mà việc nào cũng đáng để nhiều người ngẫm ngợi; lại còn học tiếng Anh trình độ cử nhân, đạo diễn điện ảnh và lại còn... yêu nữa chứ. Có người nghĩ rằng Phạm Vân Anh phải là người có tới ba đầu sáu tay mới làm được.
Riêng về thơ Phạm Vân Anh đã có ba tập: "Tôi chào tôi" (2004), "Mùa tình" (2006), "Góc" (2009). Chị cũng chuẩn bị cho trình làng hai tiểu thuyết "Tỏ bóng" và "Huyền sử đá" và hiện đang thực hiện một bộ phim truyền hình dài tập về công tác phòng chống ma túy khu vực biên giới của các chiến sĩ Biên phòng. Chỉ với ba tập thơ trên, chị đã gặt gái được ít nhiều thành công qua sự ghi nhận từ các cuộc thi, các đoàn, hội nghề nghiệp như: Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban Toàn quốc các Hội LHVNNT Việt Nam, năm 2005 cho tập "Tôi chào tôi"; Giải ba về thơ trong cuộc sáng tác về đề tài giáo dục của Sở GDĐT và Hội LHVHNT Hải Phòng tổ chức, năm 2005; Giải tư về thơ trong cuộc thi thơ và truyện ngắn của tạp chí Cửa Biển thuộc Hội LHVHNT Hải Phòng; Giải ba về thơ (không có giải nhất và nhì) trong cuộc thi sáng tác Văn học do Hội NVVN và Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức, năm 2007,...

Thơ Phạm Vân Anh mới, nhưng không "lạ hoắc". Mới về ý tưởng, hình tượng, cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu,... Hay nói một cách khác, thơ Phạm Vân Anh mới, nhưng vẫn nằm trong mạch nguồn truyền thống, chứ không rơi vào tình trạng lai căng, chắp vá, bê nguyên xi cái của người vào nhà mình rồi tự nhận là cái của mình hoặc rơi vào tình trạng tắc tị trong cảm xúc và tư duy thơ, để tạo ra những cái mà một số người vẫn tự huyễn hoặc mình bằng mỹ từ "thơ mới". Cái mới của thơ Phạm Vân Anh là ở tâm thế thời đại rộng mở, đa chiều của thời hội nhập; mới ở sức trẻ của cảm xúc và đột phá trong tư duy và mới ở bản lĩnh của một người cầm bút chân chính dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước thơ và trước công chúng.

Nếu một ai đó, ít tiếp cận với thơ của các cây bút thuộc thế hệ 8X, 9X thì sẽ có thể cảm thấy lúng túng khi cảm nhận và đưa ra những nhận xét, đánh giá về thơ của những người như Phạm Vân Anh. Chỉ đơn giản là thơ của họ có khá nhiều hình tượng thơ rất mới lạ, nhiều cách viết "không giống ai", không câu nệ vào câu chữ, trang dòng, vần điệu,...Nhiều khi người đọc có cảm tưởng hình như người thơ nghĩ thế nào, viết thế ấy, không tuân thủ những qui tắc, lề lối truyền thống mà thơ ca Việt Nam đã có không ít thành công trong các giai đoạn, trường phái, trào lưu thơ trước đây như: Thơ mới, Thơ kháng chiến chống Pháp, Thơ chống Mỹ, Thơ hậu đánh Mỹ,...

Có lẽ hơn ai hết và hơn lúc nào hết, thế hệ các người làm thơ 8X, 9X đang tự đặt ra cho mình một trách nhiệm là phải đổi mới thơ. Và qua quá trình thực thi trách nhiệm đó, họ hoàn toàn có khả năng tự khẳng định bản lĩnh, tư cách một thế hệ, một giai đoạn thơ của riêng mình, mà Phạm Vân Anh chỉ là một ví dụ: Và.../ Còi tàu hụ dài theo bóng thời gian/ Gom hoàng hôn đổ hắt chiều nắng ảo/ Đất thinh lặng ngẫm lời cày ải/ Bước trâu đi/ Mê mải khói lên trời... (Mở ra quầng sáng).

Cái mới của thơ trẻ hôm nay chính là đã vượt qua được sự ru ngủ của vần điệu, những từ ngữ sáo rỗng, vô hồn mà không ít người thơ trước đây thường lấy nó làm cứu cánh mỗi khi cạn kiệt cảm xúc, tắc tịt tư duy. Thơ trẻ hôm nay tiến sâu hơn vào các tầng bậc khác nhau của đời sống tâm hồn con người hôm nay. Trong quá trình đó, Phạm Vân Anh và những người đồng hành đã khiến bạn đọc buộc phải dừng lại, dù chỉ trong giây lát để nghĩ suy theo một cách khác, chứ không dễ gì hài lòng với những gì mình đã biết về thơ ca trước đây:... Những hạt lời tãi trên luống cải Mèo/ Hoa vàng không trả lời/ Đá lạnh không trả lời/ Người nằm lại miền Trời thành sương khói/ Để đá cứ gằn lên thành biển/ Biển đá mang mặt người nhễu nại ẩn sau ngói âm dương uốn lượn nhịp rừng, ngựa thồ nhịp lên dốc, nhịp trống thúc quân âm âm hồn đất mẹ vía trời cha .../Người nằm lại... (Hạt đèn cực Bắc).

Có thể nói đoạn thơ viết về một chốt biên phòng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc như vậy là khá mới từ cách nghĩ đến cách cảm, từ giọng điệu đến lời thơ. Cứ như thể những con chữ này có một ma lực nào đó thật sự ghê gớm kéo người thơ theo nó, chứ không phải là người thơ ghi lại sự sắp đặt về những điều mà mình mắt thấy, tai nghe. Sẽ không phải là nói quá, đây chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa hai phương cách khai triển thủ pháp thi ca truyền thống và hiện đại. Nếu thơ ca truyền thống ưu tiên cho thủ pháp chủ thể hóa khách thể, thì thơ ca hiện đại lại ưu tiên xu hướng khách thể hóa cảm xúc thẩm mỹ, phương thức tư duy của chủ thể, tôn trọng cao nhất có thể chất liệu hiện thực đời sống khách quan bằng cách dồn nén cảm xúc, tiến sâu vào bản chất chất thẩm mỹ của sự vật, hiện tượng, khám phá, lý giải nó, chứ không chỉ dừng lại ở việc mô tả hiện thực.... Đất nước bám rễ vào dân/ Vững bền qua bão lửa/ Tương lai sinh sôi từ muôn triệu tim người/ Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài, những đớn hèn mục ruỗng, tái tạo sinh lực cho đất mẹ, sung mãn tràn trề/ Tre già cho măng ấm bụi/ Rừng lại lên xanh. Hãy để giông tố đến...(Bài ca mặt trời).

Khát vọng đổi mới đất nước nói chung và thi ca nói riêng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với những người thuộc thế hệ Phạm Vân Anh hôm nay, mà đã trở thành xúc cảm thường trực trong nghĩ suy và hành động của họ. Rõ ràng là chưa bao giờ nhu cầu đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn học nghệ thuật lại được đặt ra gắt gáo như hiện nay. Và thế hệ trẻ đã mau chóng nhận ra trọng trách mà lịch sử dân tộc đang đặt lên trên vai mình. Họ không thích và không thể ngồi để nhâm nhi, thưởng ngoạn sự bình yên nhem nhuốc với những rác rưởi bất tài, những đớn hèn mục ruỗng, trái lại họ khao khát bão giông để có thể cuốn trôi mau những thứ rác rưởi đó cho cuộc sống bình yên đích thực, sáng trong đến gần mỗi chúng ta hơn. Nhưng họ không và không bao giờ quay lưng lại với quá khứ đau thương, bi hùng của các thế hệ cha anh, trái lại họ rất trân trọng quá khứ đó như một báu vật của tiền nhân để lại theo qui luật của đất trời, tự nhiên Tre già cho măng ấm bụi.

Cái mới của những con người chân chính không bao giờ là sự phá phách hay đạp đổ những gì đã thuộc về truyền thống. Cũng vậy cái mới của những người thơ hẳn hoi thường là biết thổi vào tác phẩm của mình những xúc cảm thẩm mỹ và phương cách tư duy của thời đại mới dẫn công chúng thơ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác... Hương nếp đang nồng tay ai ủ/ Liềm hái dãi dầu ngang mặt người/ Dẫu Tả Khó Cừ nghe đã mỏi/ Văn vắt giọng cười trong mưa rơi/ Ngút ngàn Tây Bắc chiều loang tím/ Một góc biên thùy mây ngậm mây/ Đường rừng lúng liếng môi kèn lá/ Khẽ khàng sương muối trắng bàn tay.(Thì thầm cùng Apachải).

Giọng thơ phảng phất "Tây Tiến" của cố thi sĩ Quang Dũng cách đây hơn một nửa thế kỷ. Quang Dũng ngược lên Tây Bắc theo đoàn quân ra trận đánh giặc cứu nước, còn Phạm Vân Anh lên Tây Bắc để được "mục sở thị" những gì mà các chiến sĩ Biên phòng và người dân nơi đây đang nếm trải hôm nay. Tuy khác nhau về thời gian lịch sử, nhưng hai người thơ hẳn hoi cách nhau gần một vòng đời đã gặp nhau ở cách cảm và cách nghĩ về miền phên dậu phía Tây Bắc của Tổ của quốc. Thời gian có thể qua xa, nhưng mảnh đất và con người Tây Bắc hiện lên trong hai bài thơ của Quang Dũng và Phạm Vân Anh mãi vẫn là điều đáng nghĩ suy đối với mỗi chúng ta./.

--------------
* Góc - Thơ Phạm Vân Anh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009

Bài này lấy từ trang Web họ Phạm Tp. HCM "tphcm.hopham.org"

»»  Đọc tiếp

17 tháng 6, 2011

Giới Thiệu Đêm Nhạc Mọi Trái Tim- Một Tấm Lòng

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 6 17, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Giới Thiệu Đêm Nhạc Mọi Trái Tim- Một Tấm Lòng

Tiểu Vũ -Anh Cường

1466 mùa xuân đi qua, kể từ ngày danh tướng Phạm Tu , người anh hùng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 6 của Nhà nước Vạn Xuân đã anh dũng ngã xuống bên cửa sông Tô lịch , từ đó đến nay ngày 20 tháng Bảy Âm lịch đã trở thành ngày thiêng liêng của những người họ Phạm trên mọi miền đất nước , bằng nhiều hình thức khác nhau , lễ giỗ kỵ của ngài được trân trọng tổ chức ở nhiều nơi để con cháu họ Phạm dâng lên ngài những nén hương thơm và lòng thành kính tri ân Ngài Thượng Thủy Tổ

Đêm nhạc “ Mọi Trái Tim – Một Tấm Lòng “ là một trong những chủ đề của nhiều hoạt động được BLL Họ PhạmTp. HCM sẽ tổ chức trong dịp Lễ Hội Giỗ Tổ Ngài Phạm Tu sắp đến

Như tên gọi “ Mọi Trái Tim – Một Tấm Lòng ” là một chủ đề xuyên suốt của đêm nhạc , tất cả đều hướng đến một điểm chung là một lòng thành kính với tổ tiên trong quá khứ, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt nam và tưởng nhớ đến những nhạc sĩ Họ Phạm đã quá cố. Đêm nhạc còn là một chương trình từ thiện để hướng về những mảnh đời còn bất hạnh trong cuộc sống hiện tại, “ Mọi Trái Tim – Một Tấm Lòng’’ sẽ cùng chung tay góp phần đem đến những giá trị sâu sắc trong cuộc hành trình nhân ái của BLL Họ Phạm Tp.HCM nói riêng và tất cả bà con Họ Phạm nói chung

Khi nhắc đến âm nhạc Việt nam chúng ta không thể không nhắc đến những nhạc sĩ tài hoa Họ Phạm như Nhạc sĩ Phạm Duy, Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Nhạc sĩ Khánh Băng ( Phạm Văn Minh) Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn,… có người còn sống , có người đã ra đi mãi mãi , nhưng nhạc sĩ Họ Phạm đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam hàng ngàn ca khúc với những giai điệu lúc trầm hùng đầy hào khí để ca ngợi non sông Tổ Quốc ca ngợi những người anh hùng của dân tộc, lúc ngọt ngào, khi sâu lắng, in hằn trong đó là những trải nghiệm về cuộc đời , về tình yêu về thân phận con người.

Âm nhạc của những nhạc sĩ họ Phạm còn đưa ta về với những vùng quê yên ả thanh bình , gặp gỡ những bà mẹ quê qua những khúc dân ca ngọt ngào đậm đà tình quê hương dân tộc, và cả những giai điệu đầy nét thơ ngây dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Nhiều nhạc sĩ đã có những giải thưởng cao quý của Nhà nước và Quốc tế…Nhạc của các nhạc sĩ Họ Phạm cũng là một phần kho báu của âm nhạc Việt Nam.

Đêm nhạc Họ Phạm chủ đề “Mọi Trái Tim- Một Tấm Lòng’’ quy tụ những tác phẩm vang bóng một thời của những tác giả Họ Phạm . Đặc biệt trong đêm nhạc khán giả sẽ có cơ hội giao lưu gặp gặp gỡ diện kiến với những cây đại thụ trong trong làng âm nhạc Việt nam như nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Tuyên , nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn... đó là điều vô cùng thú vị mà lâu nay khán giả ít có dịp thưởng thức

Một niềm vui nữa là trong chương trình sẽ có sự tham gia các ca sĩ nổi tiếng Họ Phạm như Elvis’ Phương (
Phạm Thanh Phương ) trầm lắng sâu đậm với “ Áo anh sứt chỉ đường tà’’ ca sĩ Duy Quang với bài tình ca nổi tiếng “ Kiếp Đam Mê “ do anh sáng tác và trình bày , ca sĩ trẻ Đức Tuấn ( Phạm Đức Tuấn) người nổi tiếng và thành công với những chương trình nhạc Họ Phạm do anh tổ chức….

Mọi Trái Tim – Một Tấm lòng còn có sự góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng khác như Long Nhật , Quỳnh Lan ,Viết Thanh, Khánh Duy, Saxophone Phạm Quang Trung và các em Thiếu Nhi Nhà Văn Hóa Thành Phố hi vọng sẽ tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc và còn biết bao nhiêu điều bất ngờ khác nữa chờ đón quý vị khán giả trong đêm nhạc

“ Mọi Trái Tim- Một Tấm Lòng’’ kịch bản và đạo diễn Nhạc sĩ Phạm Anh Cường ,đơn vị tổ chức BLL Họ Phạm Tp HCM,

Đêm nhạc sẽ khai mạc vào lúc 19h00 ngày 12/08/2011 tại Nhà Hát Lớn Thành Phố Hồ Chí Minh


»»  Đọc tiếp

16 tháng 6, 2011

Thiếu tướng Phạm Quang Cử

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 6 16, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thiếu tướng Phạm Quang Cử

LGT: Sáng ngày 29/05/2011, tại Văn Miếu - Quốc Từ Giám, Ban Liên lac họ Phạm Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Vinh danh Nhân tài họ Phạm, trong buổi Lễ có Vinh danh Tiến sĩ, Thày thuốc Nhân dân, Thiếu tướng Phạm Quang Cử được phong Danh hiệu Giáo Sư năm 2010, sau đây xin giới thiệuvề ông.

Thiếu tướng Phạm Quang Cử, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND là tân Giáo sư duy nhất của lực lượng CAND thuộc chuyên ngành Y học.

Trước khi nhận nhiệm vụ Phó Tổng cục trưởng vào tháng 2/2009, ông là Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, một bệnh viện Trung ương đầu ngành của y tế CAND.

Giáo sư Phạm Quang Cử luôn giản dị, không quan cách. Từ khi bắt đầu khoác trên mình chiếc áo blu trắng, ông đã tâm niệm rằng, muốn chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân thì không thể không nâng cao trình độ chuyên môn,tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy, hướng dẫn kiến thức y học cho thế hệ sau. Đó cũng chính là niềm vinh dự và trách nhiệm của người thầy thuốc, người thầy giáo.

Thầy thuốc nhân dân Phạm Quang Cử đã gần 30 năm gắn bó, lăn lộn với Bệnh viện 19-8, Bộ Công an,, bài học mà ông tâm đắc nhất là mình phải biết trân trọng và cảm thông với người bệnh thực sự, sức khoẻ của người bệnh phải là mục tiêu số 1 của người thầy thuốc.

Xuất phát từ quan niệm như vậy nên GS. TS Thầy thuốc nhân dân Phạm Quang Cử thường nói với các y, bác sỹ của mình rằng, điều kiện chăm sóc của Bệnh viện có thể chưa tốt nhất, phương tiện chưa hiện đại nhất nhưng phải làm sao để mỗi bệnh nhân, mỗi Cán bộ, Chiến sĩ khi đến đây chữa bệnh đều có cảm nhận, bác sỹ ở đây tình cảm nhất, thương yêu người bệnh chu đáo nhất… Đó mới là cái tâm, cái đức của người thầy thuốc trong lực lượng vũ trang.

Từ khi còn trẻ, một trong những hướng nghiên cứu chính của Thầy thuốc Nhân dân Phạm Quang Cử chính là các đề tài về tiêu hóa. Luận án tiến sỹ của ông cũng đi theo hướng nghiên cứu này (nghiên cứu về vi khuẩn helicobacter pylori, một trong những tác nhân gây ung thư dạ dày và các tổn thương khác ở dạ dày.

Giáo sư Phạm Quang Cử đã nghiên cứu 4 đề tài cấp Bộ về loại vi khuẩn này và đã được đánh giá xuất sắc). Từ năm 1986 đến nay, Giáo sư Phạm Quang Cử đã có 63 đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh và 12 học viên cao học, trong đó có 1 nghiên cứu sinh và 9 học viên cao học đã bảo vệ luận án, luận văn xuất sắc. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Phạm Quang Cử rất tâm đắc với đề tài cấp Bộ: "Y đức thầy thuốc Công an và các giải pháp nâng cao y đức giai đoạn hiện nay". Bởi từ trong sâu thẳm trái tim của một người thầy thuốc, ông luôn coi trọng tính mạng và sức khỏe người bệnh, yêu thương bệnh nhân. Năm 2008, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân cho ông.

Phạm Đình Điểu - Tổng hợp từ http://www.cand.com.vn/









»»  Đọc tiếp

13 tháng 6, 2011

Khánh thành Khu lăng mộ Quan Tả Thị lang Phạm Thọ Khảo

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 6 13, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Khánh thành Khu lăng mộ Quan Tả Thị lang Phạm Thọ Khảo


Lãnh đạo Đảng, chính quyền xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ( Hải Dương) cùng hậu duệ dòng họ Phạm Thọ vừa long trọng tổ chức Lễ khánh Thành công trình Kiến trúc gồm Từ đường và khu lăng mộ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo-một vị quan lớn triều Mạc, người có nhiều công lao với đất nước.

Tới dự và tham gia các nghi thức buổi lễ có một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá tại Hà Nội; Bảo tàng-Hội sử học, Hội khuyến học, Ban liên lạc họ Phạm tỉnh Hải Dương, đại diện một số dòng họ Phạm trong vùng, lãnh đạo các địa phương ở Tứ Kỳ.

Công trình kiến trúc được thiết kế theo phong cách truyền thống, gồm các gian: Hậu cung đặt ngai và bài vị thờ các vị tiên tổ trong dòng họ Phạm Thọ và Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo. Các gian còn lại là nơi trưng bày những hiện vật, tài liệu cổ, quý hiếm liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Tiến sĩ. Lăng mộ của cụ Phạm Thọ Khảo được xây hoàn toàn bằng đá xanh với quy mô khá bề thế...Theo 7 tài liệu cổ chữ Hán hiện được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm( Hà Nội), trong đó cơ bản thống nhất về thông tin: Cụ Phạm Thọ Khảo sinh năm 1543 ở trang La Xá-huyện Tứ Kỳ-phủ Thượng Hồng( nay là thôn Đồng Bình-xã Dân Chủ-Tứ Kỳ). Năm Sùng Khang thứ 6 (1571) triều đình mở khoa thi Hội, cụ ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân( tức Tiến Sĩ), được vua phong chức Lễ bộ Thượng thư, Tả thị lang Đại phu, hàng Tam phẩm. Phạm Thọ Khảo văn võ song toàn, trong quá trình 10 năm làm quan cụ đã có nhiều công lao to lớn đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên, vào ngày 15-11 âm lịch, năm nào chưa rõ cụ đột ngột qua đời(cuốn Thần tích cổ ghi năm 1581). Vua Mạc Mậu Hợp cùng triều đình vô cùng thương tiếc và phong tặng 6 chữ: “Dực Vận Khai Bình Đại Liêu”(đại ý là:Vị quan lớn có công lao mang lại thái bình thịnh trị cho đất nước)...Tuy nhiên, không biết cụ được táng ở nơi nào...Do được hưởng hồng phúc và âm đức của tổ tiên, từ xưa đến nay, dòng họ Phạm Thọ vẫn kế thừa và phát huy được truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt và có mặt khắp mọi miền, đem tài trí xây dựng quê hương đất nước. Tuy nhiên, việc chưa tìm thấy nơi an táng cụ Phạm Thọ Khảo vẫn canh cánh trong tâm thức lớp lớp con cháu của dòng họ...

Xuất phát từ tâm nguyện của cả dòng tộc, anh Phạm Văn Sơn-hậu duệ đời thứ 19 (hiện là Giám đốc CÔNG TY TNHH SOS MÔI TRƯỜNG; ĐT: 091-8261628; Địa chỉ: P602, N13, Làng Quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Tel: 04-37545341. Fax: 04-37545629; Website: ww.sosenvironment.com. Email: sosenvironment@vnn.vn; Showroom: P105-D5, TT Nghĩa Tân, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội ) đã cùng cả gia tộc Phạm Thọ đã quyết tâm tổ chức đi tìm mộ cụ...Được sự đồng ý và giúp đỡ của các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn của TW, của tỉnh, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, và các đại phương.v.v...Sau hơn 430 năm, vào cuối năm 2010, hậu duệ tộc Phạm Thọ đã tìm thấy mộ của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo (bằng phương pháp tâm linh)được táng tại cánh đồng thôn Gia Phúc-xã Nguyễn Trãi( Thường Tín-Hà Nội), cách chùa Đậu 500m và đã long trọng tổ chức Lễ rước ngọc cốt, cùng bài vị của cụ đang thờ tại Văn Miếu Mao Điền( Hải Dương) về quê hương, đồng thời xin phép ngành Văn hoá-Bảo tàng tỉnh tổ chức xây dựng công trình gồm: Từ đường và Lăng mộ của cụ.

Những hạng mục chính của công trình hoàn thành, là minh chứng của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người hiền tài, tri ân những người có công lao với đất nước, đồng thời đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ là hậu duệ tộc Phạm Thọ và của cả con em địa phương.

Bài và ảnh: Phạm Chức
( BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương)

Sau đây là một số hình ảnh minh họa
Toàn cảnh buổi Lễ

Toàn cảnh từ đường

Lăng mộ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo

»»  Đọc tiếp

11 tháng 6, 2011

NHƯ ĐƯỢC TỔ TIÊN CHỜ ĐÓN SẴN

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 6 11, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

NHƯ ĐƯỢC TỔ TIÊN CHỜ ĐÓN SẴN ĐƯA VỀ THĂM QUÊ HỌ GỐC

Phạm Y
(Họ Phạm làng Hới, xó Đồng Hới , huyện Đông Hải , tỉnh Quảng Bỡnh)
Hè năm nay, vợ chồng tôi được cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng – nơi tôi công tác trước khi nghỉ hưu, xếp cho đi nghỉ ở Sầm Sơn đợt một, từ ngày 9 đến ngày 13-5-2011.

Đã gần 50 năm rồi chúng tôi chưa trở lại Sầm Sơn nên có một ý nghĩ loé lên là kỳ này tôi có thể gắng tìm về thăm lại “Quê tổ” và dâng hương “Tộc đường họ Phạm” ở làng Hới thuộc Lạch Hới, tỉnh Thanh Hóa - gốc của họ Phạm làng Hới, xã Đồng Hới huyện Động Hải, tỉnh Quảng Bình – quê tôi ngày nay, để thực hiện một tâm nguyện của Thầy (Cha) chúng tôi là ông Phạm Nghi, tuổi Mậu Thân (1908) và Me (mẹ) chúng tôi là bà Lê Thị Dung cùng tuổi Mậu Thân hiện thọ 104 tuổi đang sống với các em chúng tôi ở Huế, dặn tôi trước khi chia tay Cha Mẹ tôi, chia tay gia đỡnh họ hàng tụi, đi tập kết ra Bắc.

Vợ tôi - bà Vương Thị Oanh rất ủng hộ ý định này vì nghĩ rằng chúng tôi tuổi đã cao, khó có dịp khác trở lại Sầm Sơn.

Tháng 8-1975, đất nước vừa được thống nhất, tôi về Huế đoàn tụ gia đình. Thầy tôi có kể rằng: “Theo chuyện xưa truyền miệng đến nay, là quê mình gốc ở Thanh Hoá, từ làng Hới thuộc Lạch Hới chuyển vào Quảng bình lập nên làng Hới mới ở cửa sông Nhật Lệ. Các cụ tiền hiền thuộc Đạo Thuỷ quân Nhà Trần hộ vệ đưa Công chúa Huyền Trân vào gả cho vua Chiêm Thành và đóng quân ở Cửa biển Nhật Lệ tiếp quản hai châu (châu Ô và châu Lý – là Lễ vật của Vua Chiêm Thành xin cưới Công chúa Huyền Trân. Với con mắt của người ngư dân, thấy vùng trong này lắm cá tôm, nhiều loài ngon mà sản lượng dồi dào nên sau khi ra quân, các cụ đưa bà con vào làm ăn lập “khu kinh tế mới”. Cho đến nay kể cũng đã hơn 700 năm rồi”.

Ngày tôi tập kết ra Bắc, Thầy tôi cũng đó dặn dũ tụi rằng : “ Ở ngoài Bắc có điều kiện thì phải một lần hành hương thăm Quê tổ ngày xưa và dâng hương ở Tộc đường họ Phạm làng Hới – gốc của Họ Phạm chúng ta đó! ”. Tôi tâm nguyện là sẽ thực hiện lời dặn này của cha tụi nhưng vì công việc bận rộn và nhiều lý do khác, mãi đến ngày về hưu, tôi vân chưa thực hiện được lời dặn của Cha tôi. Thầy tôi kể lại như vậy có ý nhắc nhở tôi về lời Cha tôi dặn tôi trước ngày ra đi tập kết. Tôi nghĩ mình có lỗi với cha rồi !

Thật may mắn cho vợ chồng tôi là lần nghỉ này, cơ quan lại bố trí cho vào Sầm Sơn, Thanh Hoá, gần Lạch Hới – quê gốc của họ Phạm quê tôi ngày nay. Cùng đi trong đoàn cán bộ hưu trí lần này có bác Trưởng đoàn là Phạm Cầu – hiện đang làm Phó trưởng ban Ban liên lạc họ Phạm-Việt Nam. Khi biết ý định của tôi, bác Phạm Cầu rất tán thưởng và khích lệ vợ chồng tụi. Tôi quyết định dùng nửa ngày cuối kỳ nghỉ sẽ tách đoàn đi về thăm làng Hới xã Quảng Tiến - Thanh Hoá.

Bốn ngày đầu tháng 5 này ở Sầm Sơn, thời tiết rất đẹp. Nhưng đến tối ngày thứ tư thì Đài THVN báo rằng ngày mai sẽ có gió mùa đông bắc tràn về Thanh Hoá. Tin này làm tôi không sao ngủ được. Trong đầu nảy sinh nhiều kế hoạch để ngày mai thực hiện chuyến “hồi hương” đã quyết.

Từ 3 giờ sáng ngày 13-5 trời nổi gió, mưa, và sóng biển lồng lộn gầm gào ngoài xa xa, tôi hết vào rồi lại ra ban công nhìn trời đất vần vũ.

Sáng 13-5 các bác trong đoàn thăm phố xá, mua bán sản vật Sầm Sơn, còn tôi thì loanh quanh ở phòng thường trực Khách sạn Lê Lợi, hết thăm hỏi tìm đường lại ra cửa nhìn trời mây đen sầm sập, gió rít ù ù trong làn mưa giăng giăng. Lòng tôi như có lửa đốt vì thời gian còn lại thu nhích dần dần. Chỉ còn gần hai giờ nữa là các thành viên trong đoàn phải tụ tập về dự bữa cơm cuối cùng tại khách sạn Lê Lợi để chia tay, liệu có thể đi nổi không, về kịp không ?

Trời bỗng bừng sáng, mư¬a tạnh hẳn. Các bà và vợ tôi đi phố đã lục tục về, thấy tôi ch¬ưa đi thì giục ngay: “Bác gắng đi đi, trời khá lên rồi, ít nhất bỏc cũng đến được làng Hới. Như vậy, bác cũng đạt được việc đặt chân đến “làng xưa đất cũ” !

Được động viên thiết thực, tôi đi ngay ra bến xe buýt ở cửa Bưu điện Sầm Sơn để đi tuyến đi Sầm Sơn - Quảng Tiến (5km, 30 phút/ chuyến đi về).

Đang đứng ngơ ngác nhìn biển báo thì có một anh râu ria rậm rạp từ trong quán nước bước đến thăm hỏi. Tôi nói ý định đến làng Hới bằng xe buýt. Anh ta giải thích : “với một giờ đồng hồ mà đi xe buýt thì không đạt được gì, và gợi ý tụi nên để anh ta chở xe ôm đi về làng Hới tìm ngay nhà ông Tộc trưởng họ Phạm Gia rồi ra lạy Tổ ở Nhà thờ Họ và về ngay thì mới kịp. Làng Hới khá rộng, nhiều ngõ ngách như vào mê hồn trận mà bác tự đi bộ, mỗi bước mỗi hỏi đường thì một ngày chưa chắc đã xong”.

Thấy anh xe ôm lương thiện, chỉ lấy công chở 15.000đ đi về và 15.000đ chở loanh quanh, tôi đồng ý đi ngay. Anh ta xưng tên là Phạm Công Bảy 48 tuổi quê gốc Quảng Ngãi, “có họ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”. Anh sinh sống ở Sầm Sơn và lấy vợ ở làng Hới.

Độ 10 phút xe chạy vào làng Hới, lòng vòng mấy ngã tư, ngã ba, bỗng anh Bảy kêu to và chỉ về một người đi xe đạp ở phía trư¬ớc cách 100m, mặc áo quần nâu. Anh ta núi : Đó là cậu ruột của vợ anh ta. “Ông cụ ở trong Ban Hội đồg tộc Phạm Gia, có thể mở Tộc đường cho vào dâng hương mà không cần đến tìm ông Tộc trưởng là bố ông Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến. Mất thời giờ !” Rồi xe tăng tốc đến ép sát cụ mặc áo nâu, Bảy nói gọn: “Có ông ở Hà Nội ra muốn vào lễ bái Nhà thờ họ Phạm đó!”. Ông cụ chẳng cần nghe giải thích yêu cầu gì, chỉ bảo hãy đợi ở đây dăm phút để Cụ đến chỗ con gái dặn mấy chuyện rồi trở lại đón về Nhà thờ họ, “có sẵn chìa khoá đây !“.

Ít phút sau Cụ đạp xe trở lại, gởi xe vào nhà bà con rồi cùng tôi lên xe ôm của Bảy chạy qua mấy đường là đến cổng Nhà thờ họ. Nhà thờ bị bom đạn giặc Mỹ phá hỏng, bà con Tộc Phạm trong làng mới sửa tạm thành một gian để thờ cúng, chờ khi đủ tiền quyên góp sẽ xây lại khang trang như xưa, vì đất cũ rất rộng.

Vừa mở cửa Nhà thờ , Cụ Phó Hội đồng họ Phạm tranh thủ tự giới thiệu là Phạm Gia Hồ -81 tuổi. Toi cũng tự giới thiệu là Phạm Y tuổi Canh Ngọ -82 tuổi. Thế là cụ xin nhận làm anh em một cách vô tư, tự nhiên !.

Cụ Phạm Gia Hồ thắp hương, chia cho 3 người mỗi người 3 nén, rồi Cụ quì xuống khấn một câu rất dài đại ý là có hậu duệ họ Phạm tha phư¬ng cầu thực về xin bái yết Tổ tông ; sau đó Cụ đưa cho tôi đĩa xin “âm dương”. Cụ bảo tôi: “ khấn đi !”. Tôi cầm đĩa đưa lên trán và khấn rằng : Thực hiện tâm nguyện của Thầy tôi hiện đã mất, nay có dịp về Sầm Sơn, vào làng Hới xin dâng hương lên viếng Tổ họ Phạm của mình. Rồi xin âm dương, nhưng chỉ được 2 đồng tiền ngửa.

Cụ Phạm Gia Hồ bảo tôi khấn lại. “Khấn lại phải xưng họ tên tuổi rõ ràng mới đ¬ược!”. Và tôi khấn lại, xưng đủ tên tuổi của tôi, của Thầy tôi và xin âm dương. Lạ thay, khi gieo tiền thì 1 đồng rơi xuống đã nằm ngửa, còn đồng kia quay 3-4 vòng rồi vọt ra khỏi đĩa rơi xuống chiếu trước đầu gối tôi. Cụ Phạm Gia Hồ theo rõi và reo lên “Được rồi !” khi đồng tiền trên chiếu nằm mặt sấp. Tôi sung sướng bật dậy “đại bái” 4 lạy dài.

Đợi 5-7 phút , Cụ rủ ra nhà uống nước, nhưng cậu Bảy nhắc là đã đạt yêu cầu và bác Y phải trở về nhà nghỉ cho kịp ăn cơm về Hà Nội. Tôi cũng cảm ơn Cụ Phạm Gia Hồ và xin hẹn có dịp khác có thể trở lại nhà thăm gia đình Cụ.

Lại lên xe ôm, trở về nhà khách. Tôi như nửa tỉnh nửa mê, nhiều phong cảnh, đường sá thoáng qua mà không có ấn tượng gì. Bỗng xe dừng sững lại ở cổng nhà nghỉ Lê Lợi. Tôi sung sướng quá, thưởng hết cả 50.000đ cho cậu Bảy, cảm ơn rồi chạy vào rửa mặt để ăn cơm.

Khi nhìn đồng hồ thấy 10 giờ 25 phút, và mọi người đang tề tựu vào phòng ăn lớn của Khách sạn Lê Lợi.

Tôi kể lại câu chuyện cho bác Phạm Cầu và các bác trong đoàn. Ai cũng lạ về câu chuyện tôi vừa “thụ động” thực hiện buổi về nguồn độc đáo đầy bất ngờ, như có một diệu lực lập trình sẵn cho tôi. Chỉ có đúng một giờ và chỉ gặp có 2 người là cậu Bảy xe ôm và Cụ Phạm Gia Hồ - đều là trong họ Phạm mà làm xong một công việc không ai tưởng tượng nổi ! Tất cả đã như chờ sẵn để đón đưa một hậu duệ của Thuỷ tổ cách đây năm sáu trăm năm về thăm quê Tổ gốc, thực hiện lời cha dặn trước khi tập kết năm 1955.


Sầm Sơn-Thanh Hoá, ngày 13 tháng 5 năm 2011
Bán đảo Linh Đàm, Hà Nội, ngày 18 tháng 5 năm 2011

Kính dâng lên Thầy
Tâm nguyện của Thầy, Chúng con đã thực hiện !
Phạm Y- Vương Thị Oanh





»»  Đọc tiếp

GS.VS Phạm Minh Hạc

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 6 11, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc



LGT: Sáng ngày 29/05/2011, tại Văn Miếu - Quốc Từ Giám, Ban Liên lac họ Phạm Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Vinh danh Nhân tài họ Phạm và Lễ ra mắt Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm Việt Nam. Tại buổi Lễ, Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam thay mặt cho các dòng họ Phạm trong cả nước làm Lễ Vinh danh các Nhân tài, các Nhà tài trợ, trao Giải thưởng cho các em đạt Giải Olympic Quốc tế, Giải Nhất Quốc gia, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tài trợ các gia đình và cá nhân gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi xin giới thiệu một số Nhân tài họ Phạm được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Thày thuốc Nhân dân, Giáo Sư, Anh hùng LLVTND năm 2010, sau đây là xin giới thiệu Giáo Sư, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc.

- Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, sinh ngày 26-10-1935 tại thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. nơi có truyền thống yêu nước cách mạng và hiếu học. Ông tự hào nơi đó chính là một nơi tiêu biểu cho vùng văn hóa Nam Thăng Long xưa.

Ông sinh trong gia đình có công với cách mạng, ông nội là cụ đồ Duy, tên thật là Phạm Thượng Chí, một trong 6 đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ đảng năm 1930 ở làng Đông Phù, một trong những chi bộ đảng đầu tiên của Hà Đông.
Sau khi bị địch khủng bố, cụ dời làng xuống Cổ Am, Hải Phòng và mất ở đó. Tiếp nối cha, người chú ruột ông sau này cũng là Bí thư chi bộ Đông Phù, là người kết nạp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Đảng. Cha ông, một người buôn bán giỏi có tiếng trong vùng là người hết lòng ủng hộ cách mạng, nuôi giấu nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Thọ Chân và được kết nạp Đảng năm 1944. Sau này, trước khi xây dựng Nhà máy thuốc là Thăng Long, Bộ Nội thương thành lập Công ty thuốc lá thuốc lào miền Bắc, với tài kinh doanh nổi tiếng trước đó, cha ông trở thành GĐ đầu tiên.

Trong kháng chiến chống Pháp, Phạm Minh Hạc học tại Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền, Quân khu 3. Giải phóng thủ đô, ông trở về Hà Nội học ĐH Văn khoa. Sau 1 năm học, ông được chọn là 1 trong 4 sinh viên của trường đi đào tạo ở Liên Xô, ông học ngành tâm lý giáo dục.

Ở phương tây, tâm lý giáo dục đã phát triển từ cuối thế kỷ 19 nhưng ở Việt Nam thì còn rất mới mẻ. Ông nhớ lại, chính Bác Hồ đã sớm coi trọng vai trò của tâm lý, ở phần phụ lục trong Nhật ký trong tù, Bác đã nói 4 yếu tố xây dựng xã hội thì tâm lý là yếu tố đầu tiên rồi mới đến các yếu tố khác.

14 năm theo học ở Liên Xô, từ ĐH đến bảo vệ thành công luận án TSKH, ông ví von, số vàng để đào tạo người làm khoa học còn nặng hơn cái đầu của họ, trung bình cái đầu của chúng ta chỉ có 1,4kg thôi nhưng tiền đào tạo thì phải nhiều hơn. Phần lớn tiến sĩ đều là con em gia đình cách mạng, con em công nông, nhà nghèo. Nếu không có Đảng và chế độ cho đi học, thì khó mà kham nổi. Trở về từ nước ngoài, sau bao năm cống hiến, giờ ngoảnh đầu nhìn lại, ông bảo thế hệ ông đã làm hết mình, đó cũng là trách nhiệm đối với đất nước. Đối với ngành tâm lý giáo dục, từ những năm 70 đến hết những năm 90, ông là chủ biên và là tác giả của sách tâm lý học từ trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm đến đại học sư phạm.

Năm 1981, ông làm Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, từ năm 1985 đến 1987 là Thứ trưởng Bộ Giáo dục kiêm Viện trưởng. Sau đại hội đổi mới tháng 12/1986, tháng 2/1987 ông được cử làm Bộ trưởng, đến năm 1990 khi sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Đại học, ông làm Thứ trưởng thứ nhất đến 1996, rồi về làm Phó ban thứ nhất Ban Khoa giáo trung ương.

Ông trở thành Bộ trưởng Giáo dục giữa lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau 10 năm khủng hoảng kinh tế xã hội. Ông nhớ lại, đó là năm đổi tiền, lạm phát trên 800%, nhiều người có một khối tiền sau một đêm ngủ dậy mất hết không còn gì nữa. Đời sống giáo viên vô cùng eo hẹp, trường học bị “vỡ” từng mảng một, giáo viên bỏ trường, một loạt trường không có người dạy, không có người học. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giữ cho các trường đừng tan vỡ.

Từ lúc làm Thứ trưởng đến khi về hưu, mỗi ngày ông làm việc 15 tiếng là bình thường. Phòng làm việc của ông đều có hai buồng, có giường gối, chăn màn nhưng 21 năm chưa bao giờ ông nằm trên chiếc giường nghỉ trưa, dù chỉ một lần.

Điều mong muốn nhất của ông đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà hiện nay: “Mục tiêu cao nhất là phát triển con người, nhiệm vụ của nhà trường là dạy chữ, dạy người, nhưng chúng ta mới chú trọng dạy chữ thôi, vẫn rất thiếu về việc dạy nghề, dạy người. Giáo dục toàn diện tạo ra giá trị của con người, đóng góp và giá trị chung xã hội. Đến bây giờ, sau 25 năm đổi mới, tôi vẫn luôn mong 3 điều: đủ trường lớp, đủ thầy giáo và đủ sách cho các cháu học sinh. Đó là tình cảm sâu nặng nhất trong lòng tôi với các em học sinh và sự nghiệp giáo dục. Chắc không ai có thể chê cười điều đó được”.

Giáo dục con người cốt lõi là hiểu tâm lý và giá trị con người," đó là tâm sự của giáo sư-viện sĩ- Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một người trải bao năm tâm huyết với ngành giáo dục Việt Nam nay dù đã ở tuổi 76, ông vẫn đang miệt mài theo đuổi những nghiên cứu phục vụ sự nghiệp “trồng người” của nước nhà.

Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên 59 cuốn sách về: tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách, tâm lý học đại cương, tâm lý học nhân học; Giáo dục học: đường lối, chính sách, chiến lược giáo dục; Nghiên cứu con người, văn hóa và nguồn nhân lực.

Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì...

Ngày 9/11/2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1917/QĐ/CTN phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân trong đó có Ông.

Phạm Đình Điểu - Tổng hợp (nhantainhanluc.com/vn và hanoi.vietnamplus.vn)

»»  Đọc tiếp

9 tháng 6, 2011

Nhớ quê, nhớ Tướng Công Phạm Ngũ Lão

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 6 09, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments



Nhớ quê, nhớ Tướng Công Phạm Ngũ Lão

                                                                                            Vĩnh Trụ

Bóng quê thấp thoáng giếng làng
Hồn quê lãng đãng trên ngàn mây xanh
Bút quê võ vẽ khuôn tranh
Thẳm sâu nguồn cội mong manh ráng chiều.


Đâu rồi ánh mắt trong veo
Trăm thương ngàn nhớ quê nghèo trao nhau
Chưa nắng - đã chụm mái đầu
Chưa mưa – đã nấp vào sau cái nhìn


Đường quê cỏ mướt sương tan
Làng trên xóm dưới râm ran gọi mùa
Chim gù,vẳng tiếng nhặt thưa
Mà xao động cả lòng chưa hẹn lòng!


Chân trời tím – chân trời hồng
Có nghe da diết ruộng đồng nơi quê
Dập dìu sóng lúa ven đê
Đền cong mái hỏi hẹn thề còn không?

Nhớ Phạm Ngũ Lão Tướng Công
Nhớ Hội Đền Ủng ngóng trông rộn ràng
Ơn người mở đất lập làng
Dạy nghề đan lát – giần sàng sẻ chia


Nhớ Người dẹp giặc sơn khê
Giữ yên bờ cõi - làng quê yên bình
Gửi lòng theo khói tâm linh
Khúc vui nguồn cội, quê minh vội ghi./.
-------------------
Đền thờ Tướng Công Phạm Ngũ Lão ở làng Phù Ủng
Xã Bãi Sậy, huyện Ân thi,tỉnh Hưng Yên, Hội Đền Ủng
mở vào ngày 13 tháng giêng Âm lịch hàng năm.

Sưu tầm Phạm Văn Hồng












»»  Đọc tiếp

Thư bạn đọc

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 6 09, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thư bạn đọc ngày 27/4/2011


khi có thời gian tôi thường truy cập vào trang web này Tôi rất quan tâm tới những nội dung đã đề cập Tôi mong muốn có thêm mục tìm hiểu về gốc gác của mình qua việc giới thiệu thêm về gia phả các chi họ ví dụ : tôi có gốc gác họ Phạm văn từ Nghệ an vào lập nghiệp tại Quảng Nam từ rất lâu đời Ông cao cao cao Thuỷ tổ dòng họ tôi là Phạm Đại Lang cao Thuỷ tổ là Phạm nhất Lang Tổ Phạm văn Hạnh .Theo gia phả ghi chép tổ tôi Điển Đô Đốc Quận công Phạm Văn Phước làm quan trấn Quảng Nam năm kỷ dậu tổ sinh ra Hoàng Thái hậu PHẠM THỊ NGỌC TỶ và Đức Bá PHẠM THỊ DINH ... nhưng việc tìm kiếm thông tin lịch sử rất khó khăn . Tôi mong muốn được tìm hiểu qua bà con họ tộc và các nhà lịch sử... nên tôi nghĩ trang web của mình nên có mục này sẽ rất bổ ích.Xin cảm ơn và gởi lời kính chú sức khoẻ đến các Bác các Anh Chị trong Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam ,chúc trang web ngày càng phát triển





»»  Đọc tiếp

4 tháng 6, 2011

Tin đầy đủ về Lễ Vinh danh nhân tài và ra mắt Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 6 04, 2011 bởi Phạm Đạo · 8 comments

LỄ VINH DANH NHÂN TÀI VÀ LỄ RA MẮT
QUỸ TẤM LÒNG VÀNG HỌ PHẠM VIỆT NAM

Sáng ngày 29/05/2011, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có buổi Lễ “Vinh danh nhân tài và Lễ ra mắt Qũy Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Đến dự buổi Lễ long trọng này có các Quí vị:
- Gs, Ts Phạm Vũ Luận, Ủy viên BCHTW Đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; - Gs, Viện sĩ Pham Minh Hạc, nguyên Ủy viên BCHTW Đảng CSVN, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng;
- Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng LLVTND, Anh hùng lao động, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Công nghiệp Bộ Quốc Phòng;
- Gs, NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; -
 Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
- Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Chủ tịch danh dự Hội Nhạc sĩ Hà Nội.
Buổi Lễ có các vị là Nhà Giáo Nhân dân, Anh hùng LLVTND, Thày thuốc Nhân Dân, Giáo sư... họ Phạm có những cống hiến cho đất nước đã được Nhà nước phong tặng các Danh hiêu cao quý năm 2010
Dự Lễ về phía Ban Liên lạc ho Phạm Việt Nam có các vị:
- PGs,Ts Phạm Đạo, Trưởng ban Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam;
- Ks. Phạm Đình Nhân, Phó trưởng ban thường trực Ban LL họ Phạm Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm Việt Nam;
- Đại tá Cựu chiến binh Phạm Văn Dương, Phó trưởng ban kiêm Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam; - Ông Phạm Cầu, Phó trưởng ban Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam; Cùng các Phó Tổng thư ký, các Ủy viên Thường trực và ủy viên Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam.
Ngoài ra còn có một số vị là Trưởng ban và ủy viên Ban Liên lạc họ Phạm một số Tỉnh Thành, Đại diện Hội đồng Gia tộc họ Phạm ở một số địa phương và các vị cao niên, các bậc trưởng lão của họ Phạm cũng về đây dự Lễ.
Đến dự Lễ có một số vị:
- Đại diện Ban Liên lạc các dòng họ Nguyễn, họ Vũ - Võ, họ Trần, họ Hồ, họ Đặng, họ Đào, họ Lê, họ Phan.
- Lãnh đạo Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử giám, các nhà nghiên cứu văn hóa và sử học, các nhà tài trợ cho Quỹ, các phóng viên các phương tiện thông tin đại chúng đến dự và đưa tin, các em học sinh và gia đình.
- Một số Tổng biên tập và phóng viên một số phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh - truyền hình: VTV3, VTV1, HTV; các Báo: Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Hà Nội Mới, Văn Hoá, Dân Trí, Người Cao Tuổi …)

Để chào mừng sự kiện Lễ Vinh danh Nhân tài họ Phạm và Lễ ra mắt Quỹ Tấm Lòng vàng họ Phạm Việt Nam, có một số đơn vị và cá nhân đã gửi lẵng hoa đến chúc mừng:
+ Lẵng hoa của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên UVBCT do bận đi xa, có gửi đến cùng với bức thư chào mừng
+ Lẵng hoa của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
+ Lẵng hoa của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật
+ Lắng hoa của Ban Liên lạc họ Phạm thành phố Hà Nội
+ Lẵng hoa của Ban Liên lạc họ Phạm thành phố Hổ Chí Minh
+ Lẵng hoa của Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam
+ Lẵng hoa của Ban Liên lạc họ Phạm Phạm Xá

Chương trình buổi Lễ mở đầu là phát biểu khai mạc của PGs, Ts Phạm Đạo, Trưởng ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam. Sau đó Đại tá CCB Phạm Văn Dương, Phó trưởng ban kiêm Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đọc Quyết định về việc thành lập Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm Viêt Nam, ban hành Quy chế và Quyết định nhân sự (những Quyết định được đăng trên trang Webs của họ Phạm VN: www.hophamvietnam.org và Bản tin họ Phạm VN số 36.
Tiếp đến Ông Phạm Đình Nhân, Phó Trưởng ban Thường trực, Trưởng ban Tài chính Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm Việt Nam lên phát biểu về tôn chỉ mục đích hoạt động của Quỹ và kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ để Quỹ có điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo đúng tôn chỉ và mục đích của Quỹ.

Sau phần Lễ ra mắt Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm Việt Nam, tiếp đến là Lễ Vinh danh Nhân tài họ Phạm Việt Nam được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Thày thuốc Nhân dân, Anh hùng LLVTND năm 2010.
Gs, Ts Phạm Vũ Luận, Ủy viên BCHTW Đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Bằng Vinh danh và hoa cho các vị được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NGND (Nhà giáo Nhân dân), Anh hùng LLVTND, Thầy thuốc ND:
- Gs, Viện sĩ, NGND Phạm Minh Hạc (1932),
- Ts, NGND Phạm Ngọc Anh (1952),
- NGND Phạm Minh Phương (1950),
- Gs.Ts, NGND Phạm Minh Khang (1944),
- Gs.Ts, NGND Phạm Lương Tuệ (1933),
- Gs.Ts, NGND Phạm Hữu Tòng (1936)
- PGs.Ts, NGND Phạm Gia Văn (1923),
- Đại tá ,PGs.Ts, NGND Phạm Huy Chương (1945), vắng mặt do đi công tác xa
- Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái (1949),
- Thiếu tướng, Anh hung LLVTND Phạm Ngọc Lan (1934), vắng mặt do mẹ vợ ốm nặng
- Đại tá, Ts, Thầy thuốc ND Phạm Công Dương (1939),

Gs, Viện sĩ Phạm Minh Hạc nguyên Ủy viên BCHTW Đảng CSVN, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng đã trao Bằng Vinh danh và hoa cho các vị được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Gs (Giáo sư):
- Gs, Ts, TTND, Thiếu tướng Phạm Quang Cử (1959),
- Gs, Ts, NHƯT Phạm Minh Tuấn (1954),
- Gs Phạm Văn Lầm (1953),
- Gs, NGƯT Phạm Ngọc Đính (1947),
- Gs, Ts, Đại tá, Nhạc sĩ Phạm Vinh Quang (1956),

Tại buổi Lễ Ban tổ chức đã trao tặng Bằng Vinh danh Nhân tài họ Phạm Việt Nam cho các vị Anh hùng Liệt sĩ đã được Nhà nước truy tặng Danh hiệu AH LLVT trong năm 2010 như sau :
1. Liệt sĩ Phạm Văn On, AHLLVTND
2. Liệt sĩ Phạm Văn Bảy tức Phạm Minh Trung, AHLLVTND
3. Liệt sĩ Phạm Gạo, AHLLVTND
4. Liệt sĩ Phạm Văn Lãng (tức Phạm Văn Thế), AHLLVTND
5. Liệt sĩ Phạm Thị Mãnh, AHLLVTND
6. Liệt sĩ Phạm Văn Cương (tức Út Cương), AHLLVTND
Gia đình các Liệt sĩ Anh hùng đều ở các tỉnh phía Nam, không có điều kiện ra Hà Nội để dự Lễ, Ban Liên lạc họ Phạm Viêt Nam nhờ Ban Liên lạc họ Phạm TP Hồ Chí Minh làm lễ tại TP hoặc chuyển đến các gia đình Liệt sĩ Anh hung.

Tiếp theo PGs, Ts Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm VN và Ks Phạm Đình Nhân, Phó T/ban Thường trực BLL họ Phạm VN, Chủ tịch Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm VN lên sân khấu nhận tiền tượng trưng và trao tặng hoa, tặng Bằng Vinh danh Tấm Lòng Vàng họ Phạm VN đến các Nhà tài trợ lớn .
1. Thạc sĩ Phạm Thị Thanh An, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc, đã tài trợ cho Quỹ 20 triệu đồng với danh nghĩa cá nhân,
2. Bác sĩ Phạm Văn Căn, Giám đốc Công ty TNHH Giải phẫu thẩm mỹ Y Ngọc, TP Hồ Chí Minh, đồng thời là Trưởng ban Ban Liên lạc họ Phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tài trợ cho Quỹ 10 triệu đồng với danh nghĩa cá nhân,
3. Ô.Phạm Quang Hoàn, Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam, đã tài trợ cho Quỹ 10 triệu đồng (vắng mặt do đi công tác xa),
4. Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sao Hà, Hải Phòng đã tài trợ cho Quỹ 10 triệu đồng (bà Hà vắng mặt, ô. Phạm Thanh Bình Phó T/ban BLL Hải Phòng nhận hộ Bằng Vinh danh)
5. Ông Phạm Quốc Việt, một nông dân ở xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã tài trợ 20 triệu đồng
6. Ông Phạm Gia Tiến và bà Trịnh Thị Tuyết đã tài trợ 10 triệu đồng
7. Tiến sĩ, AHLĐ Phạm Văn Trung, GĐ XN Tập thể Bình An, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Duyên Hải, Hải Phòng, đã tài trợ cho Quỹ 10 triệu đồng (Ô. Trung vắng mặt, ô. Phạm Thanh Bình Phó T/ban BLL Hải Phòng nhận hộ Bằng Vinh danh)

Tiếp theo PGs, Ts Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm VN và Thạc sĩ Phạm Thị Thanh An, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Kinh Bắc đã tặng hoa và Giải thưởng (2 triệu đồng/người) cho các học sinh đạt Giải Olympic Quốc tế:
1. Phạm Văn Quyền Huy chương Bạc môn Vật lý 2. Phạm Bình Minh Huy chương Bạc môn Vật lý
3. Phạm Việt Cường Huy chương Bạc môn Toán
4. Phạm Văn Trung Huy chương Đồng môn Vật lý
5. Em Bùi Vũ Nguyệt Minh, 11 tuổi.Con bà Phạm Thanh Giang đạt Giải thưởng "Học bổng Đặng Thái Sơn" trong cuộc thi Piano Quốc tế tổ chức tại Hà Nội.

Các học sinh đỗ Thủ khoa Đại học năm học 2010-2011 với số điểm tử 28 trở lên, lên nhận Giải thường (1 triệu đồng/người)
1. Phạm Văn Khánh, Điểm 29,5, Khối A, thủ khoa trường ĐHBK Hà Nội
3. Phạm Tuấn Anh, Điểm 29,5. Khối A, thủ khoa trường ĐHKTQD Hà Nội
2. Phạm Quang Đức, Điểm 29 Khối A, thù khoa trường ĐHBK Hà Nội
4. Phạm Khắc Minh, Điểm 29, Khối B, thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội
5. Phạm Văn Minh, Điểm 29, Khối A, Thủ khoa trường ĐHBK Tp HCM
6. Nguyễn Thanh Tùng, Điểm 28, Khối A, Thủ khoa ĐHBK Hà Nội
(Em Tùng con bà Phạm Kim Anh)

Tiếp theo Ks Phạm Đình Nhân, Phó T/ban Thường trực BLL họ Phạm VN, Chủ tịch Quỹ Tấm Lòng Vàng họ Phạm VN và Nhà tài trợ Phạm Văn Căn, Giám đốc Công ty TNHH Giải phẫu Thẩm mỹ Y Ngọc TP HCM đã tặng hoa và trao Giải thưởng (1 triệu đồng/người) cho các học sinh đạt Giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2009-2010 và 2010-2011:
1. Ts Phạm Ngọc Hùng, Giải Quả Cầu vàng 2010, Trường Đại học CN, ĐHQG Hà Nội,
2. Phạm Tiến Hùng, Giải Nhất QG môn Vật lý, ĐH KH Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội

3. Phạm Xuân Thắng, Giải Nhất QG môn Sinh học, Phú Thọ
4. Phạm Anh Đức, Giải Hoa Trạng Nguyên, Khoa KT Đối ngoại ĐH Ngoại thương,
5. Phạm Đăng Huy Giải Nhất QG môn Hóa học, Hải Phòng
6. Phạm Thị Xuân Phương Giải Nhất QG môn Tiếng Pháp, Hải Phòng
7. Phạm Hương Quỳnh Giải Nhất QG môn Tiếng Trung, Hải Phòng
8. Phạm Thị Hoàng Anh Giải Nhất QG môn Tiếng Trung, Hải Phòng
9. Phạm Dương Nguyệt Linh Giải Nhất QG môn Tiếng Anh, Lạng Sơn
10. Phạm Vũ Chí Hiếu Giải Nhất QG môn Vật lý, Nam Định
11. Phạm Tùng Lâm Giải Nhât QG môn Lịch sử, Quảng Ninh
12. Phạm Thị Mai Giải Nhất QG môn Lịch sử, Thái Nguyên

Thay mặt các bạn học sinh được nhận Giải thường, em Phạm Văn Khánh Thủ khoa Trường ĐHBK Hà Nội, hiện là sinh viên Khoa Tin học của Trường đã phát biểu những lời tâm huyếtrất cảm động.
Tiếp theo Chương trình, Đại tá CCB Phạm Văn Dương, Phó T/ban kiêm Tổng thư ký BLL họ Phạm VN và Nhà tài trợ Phạm Quốc Việt, một nông dân ở Ý Yên, Nam Định trao học bổng (1 triệu đồng cho 11 hoc sinh nghèo vượt khó.
1. Phạm Thị Quỳnh Như
2. Phạm Xuân Phước
3. Phạm Xuân Phương
4. Phạm Văn Thịnh
5. Phạm Trường Sơn
6. Phạm Duy Lân
7. Phạm Thị Thanh Thanh
8. Nguyễn Thành Đạt
9. Nguyễn Văn Thế
10. Phạm Thị Hằng
11. Phạm Văn Đức

Tiếp theo Chương trình, CVCC Phạm Cầu, Phó T/ban BLL họ Phạm VN và nhà tài trợ Phạm Gia Tiến, ở Từ Sơn, Bắc Ninh trao tặng quà trợ giúp khó khăn (3 triệu đồng/người) cho:
1. Bạn Phạm Thị Hà Liêm
2. Cháu Phạm Thị Minh Khuê
3. Bạn Đoàn Phạm Khiêm
4. Bà Phạm Thị Nhu
5. Bạn Phạm Thị Lộc
6. Bạn Phạm Quang Khoát
7. Cháu Phạm Kế Thiện
8. Bà Phạm Thị Năm

Một số vị do đi công tác, sức khoẻ, hoặc ở xa không có điều kiện đến dự Lễ, Ban Tổ chức có kế hoạch gửi Bằng Vinh danh, Giải thưởng đến tận tay một số Nhân tài, Nhà Tài trợ, Giải Olympic Quốc tế, Giải nhất Quốc gia, Thủ khoa từ 28 điểm, H bổng, Trợ giúp khó khăn)

Kết thúc Chương trình, PGs, Ts Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm VN thay mặt Ban BLL họ Phạm VN Phát biểu bế mạc Buổi Lễ, cảm ơn các vị Đại biểu và chụp ảnh kỷ niệm cùng với BLL họ Phạm Việt Nam.

Buổi Lễ rất vui và nồng nhiệt do sự đóng góp những tiết mục của các ca sĩ họ Phạm, Ca sĩ Đăng Dương đã cống hiến bài hát “Gửi nắng cho em” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên và “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” của Nhạc sĩ Phan Nhân. Đặc biệt là Giáo sự, Tiến sĩ, Đại tá, Nhạc sĩ Phạm Vinh Quang, người vừa nhận được Bằng Vinh danh Nhân tài họ Phạm Việt Nam đã trình bày 2 ca khúc “Sống” và “Hiếu thảo” do ông sáng tác.

Buổi Lễ đã để lại cho bà con dòng họ những ấn tượng tốt và nhất là các phương tiện thông tin đại chúng đã quảng bá hình ành của họ Phạm trên khắp đất nước và cả ra ngoài nước.

Ths. Phạm Đình Điểu - Tổng hợp

Sau đây là một số hình ảnh nữa về buổi Lễ

Toàn cảnh buổi Lễ

Các học sinh được khen thưởng
Cháu Phạm Văn Khánh thay mặt các học sinh cám ơn BLL họ Phạm Việt Nam

Ts.Phạm Đình Điểu, Phó Chủ tịch Quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam
tặng hoa ca sỹ Phạm Đăng Dương

Nhạc sĩ Phạm Vinh Quang, người vừa nhận được Bằng Vinh danh Nhân tài họ Phạm Việt Nam
đã trình bày 2 ca khúc “Sống” và “Hiếu thảo” do ông sáng tác.














»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi