Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

19 tháng 6, 2011

Nữ thi sĩ trẻ Phạm Vân Anh

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 6 19, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Có một "Góc" thơ như thế !
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên

Có lẽ Phạm Vân Anh cũng như không ít người, thơ chỉ là một "góc" nào đấy trong đời sống tinh thần cá nhân ở mỗi khắc giao của thời gian và không gian lịch sử, đất trời. Nhưng đấy lại là một "góc" không thể thiếu và cũng không hề trộn lẫn vào đâu được của một cô gái đất cảng với phơi phới đam mê, bộn bề công việc, đau đáu nghĩ suy.

Phạm Vân Anh còn rất trẻ (1980). Trẻ với nhiều tư cách khác nhau như: hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam (2009), người thơ trẻ, công chức trẻ,... Còn với tư cách đạo diễn điện ảnh Bộ đội Biên phòng lại càng trẻ. Lợi thế so sánh ấy của cô đã nói lên được khá nhiều điều, nhưng ở đây tôi chỉ quan tâm đến thơ và người thơ.

Nhà văn Phạm Vân Anh, sinh năm 1980, tại Hải Phòng.
Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
Hiện công tác tại: Điện ảnh Bộ đội Biên phòng
Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng dành cho Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 2005 cho tập thơ Tôi chào Tôi..
- Giải Ba cuộc thi thơ về đề tài giáo dục do Sở Giáo dục, Đào tạo và Hội LHVHNT Hải Phòng phối hợp tổ chức năm 2005..
- Giải Tư về thơ trong cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 2006 của Tạp chí Cửa Biển- Hội LHVHNT Hải Phòng.
- Giải Ba về thơ (không có giải Nhất, Nhì) trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức năm 2007.
- Giải Ba ( không có giải Nhất ) về Ký trong Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp tổ chức năm 2008.

Chỉ cần lướt qua "tóm tắt lý lịch" văn chương của Phạm Vân Anh, chắc hẳn không ít người phát thèm, nhưng cũng sẽ có kẻ cảm thấy choáng ngợp, vì không biết cô bé đất cảng Hải Phòng này bằng cách nào mà có thể trong cùng một quãng thời gian chưa phải là dài lại có thể làm được nhiều việc cho văn chương đến thế, mà việc nào cũng đáng để nhiều người ngẫm ngợi; lại còn học tiếng Anh trình độ cử nhân, đạo diễn điện ảnh và lại còn... yêu nữa chứ. Có người nghĩ rằng Phạm Vân Anh phải là người có tới ba đầu sáu tay mới làm được.
Riêng về thơ Phạm Vân Anh đã có ba tập: "Tôi chào tôi" (2004), "Mùa tình" (2006), "Góc" (2009). Chị cũng chuẩn bị cho trình làng hai tiểu thuyết "Tỏ bóng" và "Huyền sử đá" và hiện đang thực hiện một bộ phim truyền hình dài tập về công tác phòng chống ma túy khu vực biên giới của các chiến sĩ Biên phòng. Chỉ với ba tập thơ trên, chị đã gặt gái được ít nhiều thành công qua sự ghi nhận từ các cuộc thi, các đoàn, hội nghề nghiệp như: Giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban Toàn quốc các Hội LHVNNT Việt Nam, năm 2005 cho tập "Tôi chào tôi"; Giải ba về thơ trong cuộc sáng tác về đề tài giáo dục của Sở GDĐT và Hội LHVHNT Hải Phòng tổ chức, năm 2005; Giải tư về thơ trong cuộc thi thơ và truyện ngắn của tạp chí Cửa Biển thuộc Hội LHVHNT Hải Phòng; Giải ba về thơ (không có giải nhất và nhì) trong cuộc thi sáng tác Văn học do Hội NVVN và Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN tổ chức, năm 2007,...

Thơ Phạm Vân Anh mới, nhưng không "lạ hoắc". Mới về ý tưởng, hình tượng, cấu tứ, ngôn ngữ, giọng điệu,... Hay nói một cách khác, thơ Phạm Vân Anh mới, nhưng vẫn nằm trong mạch nguồn truyền thống, chứ không rơi vào tình trạng lai căng, chắp vá, bê nguyên xi cái của người vào nhà mình rồi tự nhận là cái của mình hoặc rơi vào tình trạng tắc tị trong cảm xúc và tư duy thơ, để tạo ra những cái mà một số người vẫn tự huyễn hoặc mình bằng mỹ từ "thơ mới". Cái mới của thơ Phạm Vân Anh là ở tâm thế thời đại rộng mở, đa chiều của thời hội nhập; mới ở sức trẻ của cảm xúc và đột phá trong tư duy và mới ở bản lĩnh của một người cầm bút chân chính dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước thơ và trước công chúng.

Nếu một ai đó, ít tiếp cận với thơ của các cây bút thuộc thế hệ 8X, 9X thì sẽ có thể cảm thấy lúng túng khi cảm nhận và đưa ra những nhận xét, đánh giá về thơ của những người như Phạm Vân Anh. Chỉ đơn giản là thơ của họ có khá nhiều hình tượng thơ rất mới lạ, nhiều cách viết "không giống ai", không câu nệ vào câu chữ, trang dòng, vần điệu,...Nhiều khi người đọc có cảm tưởng hình như người thơ nghĩ thế nào, viết thế ấy, không tuân thủ những qui tắc, lề lối truyền thống mà thơ ca Việt Nam đã có không ít thành công trong các giai đoạn, trường phái, trào lưu thơ trước đây như: Thơ mới, Thơ kháng chiến chống Pháp, Thơ chống Mỹ, Thơ hậu đánh Mỹ,...

Có lẽ hơn ai hết và hơn lúc nào hết, thế hệ các người làm thơ 8X, 9X đang tự đặt ra cho mình một trách nhiệm là phải đổi mới thơ. Và qua quá trình thực thi trách nhiệm đó, họ hoàn toàn có khả năng tự khẳng định bản lĩnh, tư cách một thế hệ, một giai đoạn thơ của riêng mình, mà Phạm Vân Anh chỉ là một ví dụ: Và.../ Còi tàu hụ dài theo bóng thời gian/ Gom hoàng hôn đổ hắt chiều nắng ảo/ Đất thinh lặng ngẫm lời cày ải/ Bước trâu đi/ Mê mải khói lên trời... (Mở ra quầng sáng).

Cái mới của thơ trẻ hôm nay chính là đã vượt qua được sự ru ngủ của vần điệu, những từ ngữ sáo rỗng, vô hồn mà không ít người thơ trước đây thường lấy nó làm cứu cánh mỗi khi cạn kiệt cảm xúc, tắc tịt tư duy. Thơ trẻ hôm nay tiến sâu hơn vào các tầng bậc khác nhau của đời sống tâm hồn con người hôm nay. Trong quá trình đó, Phạm Vân Anh và những người đồng hành đã khiến bạn đọc buộc phải dừng lại, dù chỉ trong giây lát để nghĩ suy theo một cách khác, chứ không dễ gì hài lòng với những gì mình đã biết về thơ ca trước đây:... Những hạt lời tãi trên luống cải Mèo/ Hoa vàng không trả lời/ Đá lạnh không trả lời/ Người nằm lại miền Trời thành sương khói/ Để đá cứ gằn lên thành biển/ Biển đá mang mặt người nhễu nại ẩn sau ngói âm dương uốn lượn nhịp rừng, ngựa thồ nhịp lên dốc, nhịp trống thúc quân âm âm hồn đất mẹ vía trời cha .../Người nằm lại... (Hạt đèn cực Bắc).

Có thể nói đoạn thơ viết về một chốt biên phòng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc như vậy là khá mới từ cách nghĩ đến cách cảm, từ giọng điệu đến lời thơ. Cứ như thể những con chữ này có một ma lực nào đó thật sự ghê gớm kéo người thơ theo nó, chứ không phải là người thơ ghi lại sự sắp đặt về những điều mà mình mắt thấy, tai nghe. Sẽ không phải là nói quá, đây chính là sự khác biệt rõ nét nhất giữa hai phương cách khai triển thủ pháp thi ca truyền thống và hiện đại. Nếu thơ ca truyền thống ưu tiên cho thủ pháp chủ thể hóa khách thể, thì thơ ca hiện đại lại ưu tiên xu hướng khách thể hóa cảm xúc thẩm mỹ, phương thức tư duy của chủ thể, tôn trọng cao nhất có thể chất liệu hiện thực đời sống khách quan bằng cách dồn nén cảm xúc, tiến sâu vào bản chất chất thẩm mỹ của sự vật, hiện tượng, khám phá, lý giải nó, chứ không chỉ dừng lại ở việc mô tả hiện thực.... Đất nước bám rễ vào dân/ Vững bền qua bão lửa/ Tương lai sinh sôi từ muôn triệu tim người/ Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài, những đớn hèn mục ruỗng, tái tạo sinh lực cho đất mẹ, sung mãn tràn trề/ Tre già cho măng ấm bụi/ Rừng lại lên xanh. Hãy để giông tố đến...(Bài ca mặt trời).

Khát vọng đổi mới đất nước nói chung và thi ca nói riêng không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với những người thuộc thế hệ Phạm Vân Anh hôm nay, mà đã trở thành xúc cảm thường trực trong nghĩ suy và hành động của họ. Rõ ràng là chưa bao giờ nhu cầu đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn học nghệ thuật lại được đặt ra gắt gáo như hiện nay. Và thế hệ trẻ đã mau chóng nhận ra trọng trách mà lịch sử dân tộc đang đặt lên trên vai mình. Họ không thích và không thể ngồi để nhâm nhi, thưởng ngoạn sự bình yên nhem nhuốc với những rác rưởi bất tài, những đớn hèn mục ruỗng, trái lại họ khao khát bão giông để có thể cuốn trôi mau những thứ rác rưởi đó cho cuộc sống bình yên đích thực, sáng trong đến gần mỗi chúng ta hơn. Nhưng họ không và không bao giờ quay lưng lại với quá khứ đau thương, bi hùng của các thế hệ cha anh, trái lại họ rất trân trọng quá khứ đó như một báu vật của tiền nhân để lại theo qui luật của đất trời, tự nhiên Tre già cho măng ấm bụi.

Cái mới của những con người chân chính không bao giờ là sự phá phách hay đạp đổ những gì đã thuộc về truyền thống. Cũng vậy cái mới của những người thơ hẳn hoi thường là biết thổi vào tác phẩm của mình những xúc cảm thẩm mỹ và phương cách tư duy của thời đại mới dẫn công chúng thơ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác... Hương nếp đang nồng tay ai ủ/ Liềm hái dãi dầu ngang mặt người/ Dẫu Tả Khó Cừ nghe đã mỏi/ Văn vắt giọng cười trong mưa rơi/ Ngút ngàn Tây Bắc chiều loang tím/ Một góc biên thùy mây ngậm mây/ Đường rừng lúng liếng môi kèn lá/ Khẽ khàng sương muối trắng bàn tay.(Thì thầm cùng Apachải).

Giọng thơ phảng phất "Tây Tiến" của cố thi sĩ Quang Dũng cách đây hơn một nửa thế kỷ. Quang Dũng ngược lên Tây Bắc theo đoàn quân ra trận đánh giặc cứu nước, còn Phạm Vân Anh lên Tây Bắc để được "mục sở thị" những gì mà các chiến sĩ Biên phòng và người dân nơi đây đang nếm trải hôm nay. Tuy khác nhau về thời gian lịch sử, nhưng hai người thơ hẳn hoi cách nhau gần một vòng đời đã gặp nhau ở cách cảm và cách nghĩ về miền phên dậu phía Tây Bắc của Tổ của quốc. Thời gian có thể qua xa, nhưng mảnh đất và con người Tây Bắc hiện lên trong hai bài thơ của Quang Dũng và Phạm Vân Anh mãi vẫn là điều đáng nghĩ suy đối với mỗi chúng ta./.

--------------
* Góc - Thơ Phạm Vân Anh, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009

Bài này lấy từ trang Web họ Phạm Tp. HCM "tphcm.hopham.org"

1 nhận xét:

  1. Phạm Minh Giắnglúc 15:39 4 tháng 1, 2012

    Đã đọc Phạm Vân Anh trên nhiều diễn đàn. Chúc nhiều thành công mới

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi