Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

11 tháng 5, 2008

CÁC DANH TĂNG HỌ PHẠM VIỆT NAM THẾ KỶ XX (tiếp theo)

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 5 11, 2008 bởi Phạm Hoàng Tuấn · 0 comments

7. Hoà thượng Thích Hoằng Thông (1902 – 1988) :

Hoà thượng Thích Hoằng Thông thế danh là Phạm Ngọc Thạch, pháp danh là Quảng Châu, pháp hiệu Hoằng Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 45. Ngài sinh năm Nhâm Dần 1902 tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thân phụ là cụ Phạm Văn Ngàn, thân mẫu là cụ bà Mạch Thị Báu.
Thuở nhỏ Ngài thường hay đau ốm, nên thân mẫu cho xuống chùa Linh Phước thuộc xã Mỹ Phước, Châu Thành, Tiền Giang ở, học đạo dưới sự dạy dỗ của Hoà thượng Quảng Ân. Nhận thấy Ngài có thiện duyên, tuệ căn mãn tiệp nên năm 1914 (năm Ngài 12 tuổi), Hoà thượng đồng ý thế phát xuất gia cho Ngài và đặt pháp danh là Quảng Châu.
Sau khi xuất gia, Ngài dốc tâm tu hành, trau dồi giới đức, chẳng bao lâu kinh luật cơ bản Ngài đều thông suốt. Năm 1919, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Hội Thánh. Năm 1921, chùa Từ Ân mở Đại giới đàn, Hoà thượng Bổn sư đã cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc. Sau đó Ngài được Bổn sư cho đi tham học khắp nơi, hằng năm đều đến an cư kiết hạ tại các chùa lớn ở miền Nam. Năm 1925, Ngài được Hoà thượng Thanh ẩn chùa Từ Ân ban pháp hiệu là Hoằng Thông.
Sau gần mười năm du phương học đạo với các bậc cao tăng thạc đức mẫn tiệp, Ngài đã ngộ được nguồn giáo lý uyên thâm của Phật học và nhanh chóng trở thành một Pháp sư nổi tiếng rất được các tăng ni và Phật tử đương thời ngưỡng mộ.
Năm 1927, Ngài đảm nhiệm ngôi trụ trì chùa Long Hội ở Tân Hoà Thành. Tại nơi đây, Ngài quyết tâm tu sửa chùa trở nên khang trang và dần dần thu hút được Phật tử ngày một đông.
Sau khi trùng tu ngôi Bảo điện và hậu Tổ để cho chùa thêm rộng rãi, năm 1939, Ngài mở trường Kỳ, cung thỉnh chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức khắp nơi về khai đàn truyền giới cho chúng Tăng. Ngài cung thỉnh Hoà thượng Bổn sư làm Hoà thượng Đàn đầu và Ngài được suy tôn lên chức vị Hoà thượng chủ Kỳ.
Năm 1952, Giáo hội Lục Hoà Tăng được thành lập tại Sài Gòn, Ngài đựoc mời đi dự Đại hội và được suy tôn vào Ban Chức sự Trung ương Giáo hội. Năm 1964, Ngài được bầu làm Tăng Giám của Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang).
Đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, Ngài cũng có nhiều đóng góp. Thời kỳ 1972, chùa Long Hội nằm trong vùng giải phóng, Ngài luôn tham gia đóng góp công sức cùng nhiều tài vật cho cách mạng và vận động đồng bào Phật tử tham gia công tác cách mang.
Năm 1974, Hoà thượng Quảng Ân thị tịch, Ngài được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hoà Tăng tỉnh Định Tường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1981, tại Đại hội thống nhất Phật giáo tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I.
Năm 1983, Ngài lâm bệnh nặng, tuy không đi lại được, nhưng Ngài vẫn điều hành Phật sự và luôn luôn nhắc nhở việc tu hành, khuyên bảo tăng ni trẻ phải nỗ lực hành trì giới luật để Phật pháp được trường tồn.
Ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Thìn (26.8.1988) vào 10 giờ đêm, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 86 tuổi, 66 năm tuổi đạo. Hoà thượng Thích Hoằng Thông, vị danh tăng họ Phạm, là một bậc cao tăng có nhiều công lao đóng góp vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, suốt đời phụng sự Phật pháp rất được tăng ni, Phật tử tỉnh Tiền Giang kính ngưỡng.
8. Hoà thượng Thích Tâm Nguyện (1917 – 1990) :
Hoà thượng thế danh là Phạm Văn Quý, pháp danh Tâm Nguyện, sinh ngày 23 tháng 12 năm Bính Thìn (16.1.1917) tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngài là con thứ ba trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ là cụ đồ Phạm Đình Giá, thân mẫu là cụ bà Trần Thị ấm.
Thuở nhỏ Ngài được cha mẹ cho đi chùa lễ Phật, nghe giảng kinh pháp, do đó Ngài có ý xuất gia đầu Phật. Năm 17 tuổi (1934) được song thân chấp thuận, Ngài đến chùa Bảo Khám thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam đảnh lễ cầu Tổ thứ tư là Hoà thượng Thích Doãn Hài, xin được xuất gia học đạo. Ngài được Tổ thu nạp làm đệ tử và cho thế phát quy y.
Năm 1935, mười tám tuổi, Ngài được trao truyền thập giới và được ban pháp danh Tâm Nguyện tại chùa Bảo Khám và được bổn sư cho lên Hà Nội theo học tại Phật học đường của Hội Bắc Kỳ Phật giáo tại chùa Quán Sứ. Ngài luôn luôn là một tăng sinh đạo hạnh, tinh tấn tu hành. Năm 1939, sau ba năm tu học, Ngài được thọ Tỳ kheo giới tại Đại giới đàn chùa Quán Sứ, trụ sở của Hội Bắc Kỳ Phật giáo do Tổ Trung Hậu là Hoà thượng Chân Như làm Đàn đầu Hoà thượng. Hoà thượng Trung Hậu bấy giờ là Giám đốc Phật học đường Bằng Sở ở Hà Nội, còn Hoà thượng Trung Thứ la Đốc giáo. Khi Hoà thượng Trung Thứ viên tịch, Ngài theo Hoà thượng Tuệ Tạng, khi đó đảm nhiệm Giám đốc kiêm Đốc giáo Phật học đường Bằng Sở để tu học và đã trở nên một trong những học trò xuất sắc của Tổ.
Năm 1943 Ngài về chùa Cao Đà và từ 1946 đến 1950, phụng mệnh tổ Cao Đà, Ngài về trụ trì chùa Thượng Nông và Lý Nhân.
Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngài theo Hoà thựong Tuệ Tạng rời chùa Quán Sứ lui về chùa Vọng Cung ở xã Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định. Khi Hoà thượng Tuệ Tạng viên tịch, Hoà thượng đã uỷ thác cho Ngài cùng với Hoà thượng Thích Tâm Thông cùng trụ trì chùa Vọng Cung. Từ đó Ngài cùng các tăng hữu tiếp tục sự nghiệp hoằng hoá lợi sinh mà chư tổ đã dày công xây đắp. Ngài mở trường dạy tăng ni hậu tiến tu học và truyền giảng Phật pháp cho thập phương tín hữu.
Trong thời gian trụ trì chùa Vọng Cung, Ngài vẫn dành thì giờ cùng với tăng ni sơn môn Tế Xuyên trông nom Tổ đình đồng thời giữ chức thủ toạ chùa Bồ Đề ở Gia Lâm.
Năm 1983, Ngài cùng tăng ni tín đồ xây dựng lại chùa Vọng Cung. Ngoài việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn đóng góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội. Từ 1981 đến 1984, Ngài là Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Nam Định khoá IX.
Vào lúc 17 giờ ngày 13.8.1990, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi đời, 51 tuổi đạo. Suốt cuộc đời từ lúc thiếu thời cho đến giờ phút cuối, Ngài luôn luôn tâm nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp” mà chư tổ đã căn dặn. Ngài thường lãnh nhiệm vụ giảng sư trong các khoá hạ và chủ hạ nhiều năm tại trường hạ Chùa Cả ở Nam định. Ngài được mời làm Đàn đầu Hoà thượng, Yết Ma, Giáo Thọ tại nhiều giới đàn tại địa phương. Tầng lớp tăng ni trung, hạ, tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam ngày nay hầu hết là học đồ, giới tử do chính Ngài dạy bảo.
Cuộc đời Hoà thượng Thích Tâm Nguyên Phạm Văn Quý, một danh tăng họ Phạm, thực là một tấm gương sáng cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia noi theo trên bước đường tu học Phật vậy.

9. Hoà thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993).

Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993), tên huý là Phạm Đức Hạp, Pháp hiệu Thanh Thiệu, Pháp danh Đức Huy, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại thôn Quần Phương, xã Hải Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Phạm Công Toản hiệu Thành Phủ, thân mẫu là cụ Lê Thị Vụ. Ngài là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em
(Xin xem bài viết về Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận đã đăng trên tờ Thông tin họ Phạm Việt Nam số 22 (thán 11.2007) và trên trang web www.hopham.org)

10. Hoà thượng Thích Hoàn Không (1900 – 1997) :
Hoà thượng Thích Hoàn Không thế danh là Phạm Tùng Minh, sinh năm Canh Tý (1900) tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình trung nông. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Lê, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nga. Ngài là con út trong gia đình có 8 anh em, người anh thứ 3 của Ngài cũng xuất gia đầu Phật từ nhỏ.
Thuở nhỏ, Ngài thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, thăm anh. Câu kinh, tiếng kệ đượm thắm tâm thiền là nhân duyên giác ngộ Ngài đến với đạo Phật. Năm 20 tuổi (1919), Ngài xin xuất gia vào chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Mỹ Tho.
Năm 1929, Hoà thượng Khánh Hoà phát động phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Năm 1930, Hoà thượng kiêm trụ trì cả hai chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre) và chùa Sắc Tứ Linh Thứu, đặt trụ sở cho tạp chí Pháp Âm tại chùa Sắc Tứ và nơi đây cũng là trụ sở báo Dân Cày của Tỉnh uỷ Mỹ Tho. Không khí cách mạng đấu tranh giành độc lập hoà quyện với cao trào chấn hưng Phật giáo bừng bừng khí thế, lôi cuốn tầng lớp thanh niên nhiệt huyết nhập cuộc và Ngài cũng tham gia cách mạng, cơ sở hoạt động đạt ngay tại chùa. Tháng 2 năm 1930, cơ sở bị mật thám Pháp phát hiện bao vây chùa. Ngài phải bỏ trốn sang Bến Tre.
Năm 1934, Hoà thượng Khánh Hoà cùng chư vị tôn túc thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, Ngài về đây nương chư Tổ để tu học.
Sau đó một thời gian, Ngài được cử về trụ trì chùa Long Hội (ấp Long Thạnh, xã Huyền Hội, huyện Càng Long). Trong thời gian trụ trì tại đây, Ngài luôn bí mật giúp đỡ cách mạng, tiếp tế lương thực thuốc men. Lại bị địch phát hiện, Ngài rời chùa ra tham gia kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Liên xã Tân An – Huyền Hội, huyện Càng Long.
Sau hiệp đình Geneve 1954, Ngài trở về xã Tân An làm công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo sau chiến tranh và trở lại cửa thiền như bản nguyện ban đầu
Năm 1963, Ngài được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phật Bửu, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Năm 1967, chùa Phật Bửu bị chiến tranh thiêu trụi, Ngài được Giáo hội mời về chùa Phước Hoà, thị xã Trà Vinh để cùng quý tôn túc điều hành Phật học viện Phước Hoà.
Năm 1972, Ngài được chư sơn thiền đức cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phước Thanh, Sau khoá Hạ này, Ngài được cung thỉnh ở lại nhận chức trụ trì chùa Phước Thanh. Năm 1973, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ khoá An cư kiết Hạ tại chùa Phật Tâm (xã Phước Hảo). Năm 1974, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phổ Quang (xã Long Thới). Năm1975, Ngài được mời về trụ trì chùa Long Khánh, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo tại thị xã Trà Vinh. Và cũng trong năm này, Ngài được Viện Hoá đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy cử làm Chánh đại diên Phật giáo tỉnh.
Năm 1976, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 7, Ngài được mời dự Đại biểu chính thức Trà Vinh.
Năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo ba miền thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại đại hội này Ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I. Sau đó được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh cho đến ngày viên tịch.
Ngày 6 tháng 2 năm Đinh Sửu (14.3.1997), Ngài an nhiên thị tịch lúc 15 giờ 30 phút tại chùa Phước Thanh, trụ thế 98 tuổi đời, hơn 70 năm dành cho đạo pháp.
Một đời đem hết tâm lực vừa phụng sự đạo pháp, vừa cống hiến cho đất nước dân tôc, Hoà thượng Thích Hoàn Không, một danh tăng họ Phạm, thực là một tấm gương để cho tăng ni, Phật tử Việt Nam ngưỡng mộ.

11. Hoà thượng Thích Giác Nhu (1912 – 1997) :
Hoà thượng Thích Giác Nhu thế danh là Phạm Văn Nên, sinh ngày 15.11 năm Nhâm Tý (23.12.1912) tại xã Tân Thạnh Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên nay là xã Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nông dân. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Hớn, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tiễn. Ngài là người con thứ ba trong gia đình có năm anh em.
Năm 18 tuổi, Ngài thường xuyên lui tới cảnh chùa, gặp các bậc hiền sĩ đương thời để hỏi han đạo pháp. Ngài nhiều lần phát tâm bồ đề xin được xuất gia nhưng gia đình nhất quyết ngăn cản, nên Ngài phải vâng lời cha mẹ giữ tròn đạo hiếu làm con và thực hành nếp sống tu tập cư sĩ tại gia.
Năm 40 tuổi Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam đi ngang qua hành đạo thuyết pháp. Điều đó càng thôi thúc nguyện vọng xuất gia từ lâu của Ngài. Năm Nhâm Thìn 1952, được sự chứng minh của Tổ sư trưởng lão tri sự Giác Như làm Thầy tế độ thu nhận, Ngài xuất gia học đạo, thọ ký pháp danh là Giác Nhu. Ngày rằm tháng bảy được thọ y bát Sa di. Hai năm sau, cũng vào ngày này, nhân đại lễ Tự tứ, Ngài được thọ Đại giới Cụ túc, làm Tỳ kheo Khất sĩ du phương hành đạo. Năm ấy Ngài 42 tuổi.
Sau khi đắc giới pháp, biết mình sức học kém cỏi, nên mỗi ngày, buổi sáng Ngài đi khất thực, buổi chiều học đạo nghe kinh, buổi tối hành trì thiền định, quán chiếu tâm linh, gột rửa nghiệp căn nhiều kiếp..
Từ 1954 đến 1960, khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ngài luôn luôn kề cận giúp sức Nhị tổ trưởng lão Giác Chánh và trưởng lão tri sự Giác Như, thừa truyền dẫn dắt hành đạo suốt miền Nam, miền Trung, đến tận vùng cao nguyên hẻo lánh.
Trong những năm này, các Giáo đoàn Du tăng do chư vị tôn túc đại đệ tử của Tổ sư phân công được thành lập, để đền ơn thầy Tổ quảng bá chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của bá tánh cư gia, ở hai miền Nam – Trung và cao nguyên, Ngài được giao trọng trách làm Giáo thọ sư, trụ trì các tịnh xá đạo tràng thuộc Giáo đoàn I ở các vùng Long Xuyên, Thốt Nốt, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Gia Định vv... để hoằng hoá độ sinh.
Năm 1964, Ngài và thượng toạ Giác Tường cùng đứng ra sáng lập Giáo hội Tăng Gia Khất sĩ Việt Nam. Mãi đến năm 1966 mới được công nhận và ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử làm Tổng thư ký suốt ba nhiệm kỳ liền.
Năm 1972, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam thay đổi danh xưng, Ban Trị sự trung ương trở thành Viện Hành đạo, Ngài giao lại cho thế hệ kế thừa và lui về vị trí Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam cho đến ngày đất nước thống nhất.
Trong thời gian từ 1976 đến 1980, Ngài thường lui tới hành đạo ở các tịnh xá Ngọc Hương, Ngọc Quý (Vũng Tàu) và tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa).
Đầu năm 1980, hưởng ứng việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Viện Hành đạo Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam đã cung thỉnh Ngài về làm Chứng minh đạo sư tại tinh xá Trung tâm, trụ sở Giáo hội – Hệ phái.
Đầu tháng 11 năm 1980, Ngài làm Trưởng đoàn hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, tham đự Đại hội Đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam để thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, Ngài được Ban Tổ chức cung thỉnh vào Đoàn chủ toạ và với tư cách Trưởng phái đoàn Đại biểu hệ phái Khất sĩ, Ngài đã ký tên vào Hiến chương, văn bản mang dấu ấn lịch sử thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã để cử Ngài làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sư Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981 – 1987). Qua nhiệm kỳ II (1987 – 1992) và nhiệm kỳ III (1992 – 1997), Ngài đựoc Giáo hội suy tôn vào ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Trong gần mười năm cuối đời, mặc dù sức khoẻ ngày mỗi suy yếu, nhưng tấm lòng tha thiết hộ trì, hiển dương Phật pháp nơi Ngài không hề suy giảm. Tất cả các lễ hội An vị Phật, Khánh thành, Trùng tu hoặc những buổi lễ truyền Bát Quan Trai giới, Tam quy Ngũ giới cho Phật tử tại gia ở các miền tịnh xá dù gần hay xa, khi được cung thỉnh, Ngài đều hoan hỷ quang lâm, trực tiếp chủ trì, truyền dạy hướng dẫn tín đồ Phật tử.
Từ năm 1995, sức khoẻ Ngài thực sự suy yếu cho đến cuối năm 1997, ngày 2.10.1997 (tức ngày 2 tháng 9 năm Đinh Sửu), Ngài an nhiên thị tịch tại tịnh xá Trung Tâm, phường 5, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, trụ thế 85 tuổi, xuất gia tu học 45 năm, hạ lạp 43 năm.
Hoà thượng Thích Giác Nhu, vị danh tăng họ Phạm, là một tầm gương đạo hạnh, một bậc trưởng lão tôn túc, một người thầy khả kính đã trọn cuộc đời hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân sinh.
PHẠM ĐÌNH NHÂN
(Sưu tầm từ Thư viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
»»  Đọc tiếp

8 tháng 5, 2008

CÁC DANH TĂNG HỌ PHẠM VIỆT NAM THẾ KỶ XX

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 5 08, 2008 bởi Phạm Hoàng Tuấn · 0 comments

Nhân dịp Đại lễ Phật Đản Liên hiệp Quốc 2008 tổ chức tại Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua đã có nhiều danh tăng, những bậc cao tăng nổi tiếng đã cống hiến cho Giáo hội Phật giáo những công tích về tu luyện về hoằng dương Phât pháp. Đó là các bậc Hoà thương và Thượng toạ đã đưa Phật giáo Việt Nam vượt qua nhiều bước thăng trầm của các giai đoạn lịch sử để có một Giáo hội Phật giáo vững mạnh như ngày nay.
Nhân Đại lễ Phật Đản Liên hiệp Quốc, sắp khai mạc tại Hà Nội (từ 13 – 17.5.2008), xin cung cấp một số tư liệu về các vi chức sắc giáo phẩm danh tiếng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người họ Phạm, đã tạ thế trong thế kỷ 20. Các vị danh tăng họ Phạm sau đây xếp theo thời gian năm viên tịch :

1. Hoà thượng Thích Nguyên Biểu (1836 – 1906) :
Hoà thượng người họ Phạm, pháp danh Thích Nguyên Biểu, hiệu Nhất Thiết, sinh năm Bính Thân (1836) triều vua Minh Mạng thứ 17 tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Thân phụ là Phạm tướng công, huý Quang Tự, hiệu TrungTín, tự Khoan Bình. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ngọc, hiệu Từ Niệm. Ngài thuộc dòng dõi ba đời khoa bảng.
Ngay từ nhỏ Ngài đã mến mộ đạo Phật, nên sớm được gia đình cho xuất gia đầu Phật, Ngài được thế phát quy y tại Tổ đình (chùa) Phù Lãng ở Võ Giàng, Bắc Ninh.
Khi đó ở xã Đức La, (nay là xã Trí Yên), huyện Yên Dũng, Bắc Giang có Hoà thượng Tâm Viên trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm là một vị cao tăng tinh thâm kinh điển, đạo hạnh cao dày. Chùa Vĩnh Nghiêm khi ấy là trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm tại miền Bắc. Tăng lữ khắp nơi quy về tu học rất đông. Năm 17 tuổi, Ngài được bổn sư chùa Phù Lãng cho sang tham học ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm, thọ sa di giới, rồi năm 20 tuổi được thọ Cụ Túc giới cũng tại chùa Vĩnh Nghiêm với tổ Tâm Viên. Tại đây Ngài lo sớm tối tu học, giới luật nghiêm thân và trong thời gian này, Ngài đã thay mặt sư tổ dìu dắt sư đệ Thích Thanh Hanh từ chùa Hoè Nhai gửi về đây tham học. Hoà thượng Thanh Hanh sau này là Thiền gia Pháp chủ của Hội Bắc Kỳ Phật học.
Năm năm sau (1861), khi học lực đã khá, Ngài được sư tổ cho xuất viện, đi hoằng pháp các nơi. Ngài đi nhiều nơi thuyết pháp độ sinh rồi tới trụ trì chùa Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phúc. Tại đây Ngài đã đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng đương thời như Hoà thượng Trung Hậu, Hoà thượng Thông Toàn là vị trụ trì thứ tư tại chùa Bà Đá (Linh Quang tự) tại Hà Nội.
Năm 1874, khi Ngài 38 tuổi, Ngài đi du hoá truyền giáo tại vùng Gia Lâm, tới bến Bồ Đề bên sông Hồng. Nhận thấy cảnh trí thiên nhiên xứng là một nơi địa linh và cũng là dinh cũ của vua Lê trong những ngày kháng chiến chống quân Minh, Ngài quyết định ở lại, khai phá và dựng lên ngôi chùa đặt tên là Thiên Sơn Cổ Tích tự (tức chùa Bồ Đề) để hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sinh. Chùa Bồ Đề trở nên một đạo tràng sầm uất nơi cố đô Thăng Long, Phật tử và tăng ni lui tới nghe pháp rất đông. Trong số đệ tử của Ngài đào tạo tại đây có nhiều vị đã trở thành những bậc lương đống trong các Tổ đình trên miền Bắc, cả về học thức và đạo hạnh như Tổ Quảng Gia, Tổ Quảng Yên ở chùa Bồ Đề, Tổ Phổ Tụ chùa Tế Xuyên, Tổ Doãn Hài chùa Tế Cát, Tổ Thanh Khải chùa Đa Bảo.
Suốt ba thập kỷ trụ trì chùa Bồ Đề từ ngày sáng lập cho đến ngày thị tịch, Ngài luôn để công xây dưng ngôi chùa trở thành ngôi chùa lớn với đầy đủ chánh điện, giảng đường, trai đường, pháp đường. Cũng trong thời gian này Ngài còn cho khắc ván in bộ kinh Hoâ Nghiêm, kinh Pháp Hoa, luật Tứ Phần, các sách Lược Ký Ni, Thụ Giới Nghi Phạm, Nhật Tụng Bồ Đề.
Ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (17.11.1906), không ốm đau, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi đời, 50 tuổi hạ.
Hoà thượng Thích Nguyên Biểu, người họ Phạm, là một vị cao tăng đã có công khai sơn Tổ đình Bồ Đề (Thiên Sơn), đào tạo nhiều tăng tài làm hạt giống cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc (vào thập kỷ thứ 3 và thứ 4 của thế kỷ trước). Khi phong trào được phát động, tuy Ngài không còn trụ thế, nhưng sư đệ của Ngài như Hoà thượng Thanh Hanh, đệ tử của Ngài như Hoà thượng Trung Hậu, sư điệt của Ngài như Hoà thượng Trí Hải, Hoà thượng Tâm Tịch đều là những cây đại thụ của phong trào. Chùa Bồ Đề của Ngài là một trong hai Phật học đường Trung học Phật giáo đầu tiên của miền Bắc.
Hoà thượng Thích Nguyên Biểu, vị danh tăng họ Phạm, một trưởng lão đã đóng góp nhiều công đức đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo Việt Nam.

2. Hoà thượng Thích Hoằng Khai (1883 – 1945) :
Hoà thượng thế danh là Phạm Văn Tiểng, pháp danh Hồng Khê, huý Kiểu Đạo, tự Thiện Minh, sinh năm Quý Mùi (1883) tại làng Minh Lễ tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Phạm Văn Hữu, thân mẫu là Hồ Thị Thị. Cha mẹ mất sớm, Ngài mồ côi từ nhỏ, sống nương nhờ người chú.
Năm 1897, khi 14 tuổi, Ngài vào Gia Định kiếm sống. Lớn lên, do bản tính hào hiệp lại giỏi võ, Ngài mở trường dạy võ và hay cứu giúp người. Nhưng Ngài sớm ý thức được rằng những bất công xã hội không thể cải tạo bằng vũ lực, cũng như tâm địa xấu xa, độc ác của con người không thể giáo hoá bằng đôi tay, nên Ngài từ bỏ con đường võ nghiệp và dần dần chuyển sang cảm hoá bằng lý lẽ, tình cảm và đạo đức.
Năm 20 tuổi (1902), Ngài đến chùa Bảo An ở Bà Chiểu xin xuất gia, được Hoà thượng Thiện An thu nhận làm đệ tử và đặt pháp tự cho Ngài là Thiện Minh. Về sau Ngài cầu pháp với Tổ Thiên Thai - Huệ Đăng được Tổ đặt pháp hiệu Hoằng Khai.
Năm 1904, Ngài được đăng đàn thọ tam đàn Cụ túc giới ở chùa Khánh Quới, Cai Lậy, Mỹ Tho. Vốn thông minh lại cần mẫn tu học, chẳng bao lâu Ngài thông thuộc kinh luận, giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm dũng mãnh. Khi biết nhân duyên hoá độ của Ngài đã đến, Hoà thượng Bảo An đã cho Ngài đăng đàn giáo chúng tại các trường Hương ở Gia Định, Mỹ Tho, Bến Tre. Từ đó tiếng tăm đạo hạnh của Ngài càng ngày càng lan rộng, Ngài được thỉnh về chùa Hội Phước, xã Tân Thạch, Bến Tre trụ trì và bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của mình. Chùa Hội Phước khi đó chỉ là một am tranh vách đất, Ngài đã cùng bổn đạo địa phương trùng tu dần dần trở thành một ngôi bảo tự khang trang to lớn.
Do có trình độ Phật học uyên thâm, đức hạnh ưu việt, lại thêm võ nghệ cao cường, tiếng tăm của Ngài mỗi lúc một lan xa, tăng ni mọi miền về thọ học rất đông tại tổ đình Hội Phước. Nhiều bậc cao tăng nổi tiềng trong đạo Phật nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, đã được đào tạo tại nơi đây như Hoà thưọng Phú Thuận và Hoà thượng Phật Quang ở Bến Tre, Hoà thượng Thiên An và Hoà thượng Thiện Bình, các Sư bà Như Hương ở Từ Nghiêm, Sư bà Vạn Phước ở Kim Sơn vv.. Có thể nói, tổ đình Hội Phước trong thời kỳ giáo hoá của Ngài là một đạo tràng tu học của các tăng ni rất sùng thịnh. Riêng Ngài còn là Pháp sư giảng dạy kinh Pháp Hoa, luật Trường hàng và bộ Qui Ngươn Trực Chỉ. Chùa Hội Phước do Ngài trụ trì liên tục mở các khoá tu học tăng ni cho đến năm 1938.
Năm 1939, Ngài về trụ trì chùa Thiên Phước. Năm 1940, Ngài lại tiếp tục khai trương trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước đào tạo tăng ni phụng sự Phật pháp.
Năm Tân Tỵ 1941, do sức khoẻ kém, Ngài rời chùa Thiên Phước, trở về tổ đình Hội Phước để chuyên tu và dưỡng bệnh.
Năm ất Dậu 1945, Ngài lâm bệnh nặng, vùng Tân Thạch nơi chùa Hội Phước có chiến tranh lan tới. Ngài chuyển về Bình Đại, Bến Tre để tĩnh dưỡng. Khi tịnh thất cho Ngài làm xong, Ngài vào nhập thất được vài hôm thì viên tịch hưởng thọ 63 tuổi, 41 năm tuổi đạo. Đó là ngày 11 tháng 11 năm Ât Dậu (15.12.1945)
Hoà thượng Thích Hoằng Khai, vị danh tăng họ Phạm, thực sự xứng danh là một vị cao tăng có nhiều công đức đào tạo tăng ni cho Phật pháp, phụng sự sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo Việt Nam.
3. Hoà thượng Thích Chánh Thành (1872 – 1949) :
Hoà thượng thế danh là Phạm Văn Vịnh, pháp danh Đạt Thới, pháp hiệu Chánh Thành, sinh năm Quý Dậu (1872) tại làng Tân Thuận, tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nho học kiêm lương y đương thời.
Từ thuở nhỏ, Ngài nổi tiếng học giỏi, thông minh xuất chúng và được phụ thân hướng dẫn dạy bảo theo đường Nho học.
Năm 11 tuổi (1883), song thân qua đời, Ngài lâm vào cảnh côi cút, tràn ngập đau thương. Cảm thấy thấm thía sự vô thường của tạo vật, cuộc sống ở cõi Ta Bà này chỉ là giả tạm, Ngài đến đảnh lễ Sư tổ Liễu Ngọc – Châu Hoàn Thượng Nhân chùa Hội Phước ở Rạch Nha Mân, thị xã Sa Đéc, xin được thế phát quy y.
Với bản chất thông minh lại thêm ý chí quyết tâm tu học, Ngài dành nhiều thì giờ cho việc nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu những điều cao siêu thâm thuý của Phật pháp. Nhờ vậy việc tu học của Ngài ngày một tiến triển, giới luật càng tinh nghiêm, được các vị tôn túc thương yêu và đại chúng quý mến. Chẳng bao lâu Ngài đã trở thành một vị Pháp sư tài đức vẹn toàn.
Năm 23 tuổi (1895) Ngài được sư tổ Liễu Ngọc truyền trao Chánh pháp Nhãn tạng rồi đến năm 1896 Ngài được sư tổ cử về trụ trì chùa Van An ở xã Tân An Đông, Sa Đéc. Năm 1902 sau khi Bổn sư Liễu Ngọc thị tịch, Ngài đến xin y chỉ với sư tổ Hải Huệ – Minh Thông chùa Linh Thứu ở Mỹ Tho và được ban pháp hiệu Như Vịnh - Diệu Liên.
Năm 1914, hưởng ứng phong trào yêu nước chống thực dân Pháp do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để hô hào ở Nam Bộ, Ngài bị Pháp bắt giam 9 tháng.
Năm 1934, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ phát triển mạnh, các Hoà thượng Khánh Hoà, Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải vv...thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ở Trà Vinh, mở Phật học đường để đào tạo tăng tài, Ngài được mời làm Pháp sư tham gia giảng dạy.
Năm 1937, Phật học đường Lưỡng Xuyên gặp khó khăn về tài chính phải đóng cửa, Ngài quay về bổn tự mở trường gia giáo tại chùa Van An, tiếp tục truyền đạt giáo lý cho tăng sinh. Năm 1940 Ngài lại mở Phật học Ni trường ở Tây đường chùa để đào tạo Ni chúng. Số tăng ni sinh xuất thân từ trường gia giáo Van An rất nhiều, trong số đó có nhiều vi danh tiếng trong hàng các hoà thượng Phật giáo ở Nam Bộ.
Năm 1945, Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ được thành lập, phát triển các chi hội khắp các địa phương, trong đó có huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, mặc dù tuổi già sức yếu, ở tuổi 73 Ngài vẫn hăng hái lãnh nhiệm vụ cố vấn, động viên tinh thần yêu nước cho hàng ngũ tăng tín đồ ở huyện nhà.
Năm 1947, chiến tranh lan khắp nơi. Quân viễn chinh Pháp mở các cuộc càn quét vùng nông thôn, khu vực chùa Van An mất an ninh, Ngài phải cùng các đệ tử lánh cư về chùa Hội Phước. Năm 1949, Ngài lâm bệnh nhẹ và thị tịch vào lúc 3 giờ sáng ngày 25 tháng 6 năm Kỷ Sửu (tức 20.7.1949), trụ thế 77 năm, 54 hạ lạp.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Ngài, ngoài việc tham gia giảng dạy tại các Phật học đường, Ngài còn có công lớn trong việc diễn Nôm một số kinh lưu hành ở miền Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm của Ngài hiện còn lưu giữ tại Tổ đình Vạn An gồm có:
Kinh : - Di Đà Sớ Sao
- Pháp Hoa
- Pháp Bảo Đàn
- Phật tổ Tam kinh
- Quy Nguyên Trực Chỉ
- Long Thơ Tịnh Độ
Luật : - Tứ Phần Như Thích
- Bồ Tát Giới kinh
- Tỳ Kheo Giới kinh
- Sa Di Sớ
- Tỳ Ni Hương Nhũ
Sám : - Quy Mạng
- Khể Thủ

4. Hoà thượng Thích Chánh Quả (1885 – 1956) :
Hoà thượng Thích Chánh Quả, thế danh là Phạm Văn Ngưu, pháp hiệu Giác Ngộ, vị truyền thừa đời thứ 40 dòng Lâm Tế Đạo Mẫn. Ngài sinh năm Canh Thìn 1880 tại xã Tân Hoà, tỉnh Vĩnh Long.
Năm Ât Mão1915, Ngài tìm đến chùa Giác Hải, (Chợ Lớn) xin quy y thế phát với Hoà thượng Thích Từ Phong, được Tổ ban cho pháp danh là Chánh Quả, hiệu Ngộ Giác. Dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của Tổ Từ Phong, Ngài chuyên tâm tu học kinh luật thiền môn, trau dồi giới hạnh. Đến năm Bính Thìn 1916, Ngài được trao truyền Sa di giới, rồi được Tổ cho đăng đàn Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Giác Lâm. Năm Mậu Ngọ 1918, nhờ học lực uyên thâm, giới đức minh tịnh, Ngài được Tổ đề cử giảng bộ Long Thơ Tịnh Độ tại đạo tràng chùa Giác Hải. Từ đó danh tiếng của Ngài được tăng ni, tín đồ khắp lục tỉnh biết đến.
Năm Nhâm Tuất 1922, Ngài được cung thỉnh giảng dạy Luật học cho tăng ni an cư tại trường Hương chùa Long Phước, Vĩnh Long.
Từ năm Kỷ Tỵ 1929 đến năm Canh Dần 1950, Ngài về trụ trì chùa Kim Huê ở Sa Đéc. Tại đây, Ngài mở lớp gia giáo giảng dạy kinh luật cho chư tăng khắp lục tỉnh về tu học rất đông. Đạo tràng đào tạo nhiều bậc cao tăng đã góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo như các Hoà thượng Hành Trụ, Thiên Tường, Thới An, Huệ Hưng, Từ Nhơn...
Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do chư Hoà thượng Khánh Hoà, Huệ Quang, Thiên Trường, Bổn Viên thành lập, Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn), Ngài được mời làm hội viên sáng lập.
Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đến năm 1935. Trong thời gian này, Ngài tham gia giảng dạy tại các trường Hương ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, Ngài cũng cộng tác viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm, tiếng nói của Hội.
Năm Đinh Sửu 1937, khi Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập tại Trà Vinh, Ngài được mời làm Chứng minh và cộng tác viết bài cho báo Duy Tâm, cơ quan ngôn luận của Hội.
Năm Bính Tuất 1946, do ni chúng theo học rất đông mà chùa Kim Huê chỉ đủ chỗ cho tăng chúng, Ngài thành lập Phật học Ni viện tại chùa Phước Huệ (Sa Đéc) để tập trung giảng dạy cho ni chúng.
Năm Mậu Tý 1948, để tiếp tục diệm truyền đăng, Ngài khai Đại giới đàn truyền giới cho tăng chúng tại Phật học viện chùa Kim Huê.
Đương thời Ngài là một bậc cao tăng rất nổi danh khắp sáu tỉnh miền Tây Nam kỳ, nên tăng ni tựu về tu học rất đông. Đệ tử xuất gia cầu pháp với Ngài cũng rất nhiều, đa số trở thành trụ cột của phong trào chấn hưng Phật giáo như chư Hoà thượng Huệ Hưng, Huệ Phát...như chư ni Ni trưởng Như Thanh, Như Ngọc....
Năm Bính Thân 1956, tuổi đã cao, nhận biết duyên sắp mãn, Ngài thu xếp mọi việc, phó chúc Phật sự cho đệ tử rồi niệm Phật chờ ngày vãng sinh. Vào trưa ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân (24.2.1956), Ngài an nhiên thu thần thị tịch tại chùa Kim Huê, trụ thế 76 năm, công hạnh tròn 40 năm tuổi hạ.
Sự nghiệp hoằng hoá Phật pháp suốt đời của Hoà thượng Chánh Quả, vị danh tăng họ Phạm, đã trợ duyên rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Tây Nam Bộ, góp phần phát triển Phật giáo rộng khắp sau này.
5. Hoà thượng Bửu Chơn (1911 – 1979) :
Hoà thượng Bửu Chơn thế danh là Phạm Văn Tông, sinh năm Tân Hợi (1911) tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Thuở nhỏ, Ngài sinh sống tại đất nước Chùa Tháp Campuchia, do đó Ngài thấm nhuần Phật giáo Nam Tông vốn là quốc giáo của Vương quốc này.
Năm 1940, Ngài xuất gia thuộc hệ phái Nam Tông, sau đó Ngài vào rừng chấp trì hạnh đầu đà suốt mười hai năm. Năm 1951, Ngài được Phật tử Việt Nam cung thỉnh về Sài Gòn để truyền bá Giáo pháp Nguyên Thuỷ.
Năm 1952 Ngài sang Tích Lan để nghiên cứu Phật học trong thời gian hai năm. Ngài cũng hành hương sang Ân Độ để chiêm bái các thánh tích và cung thỉnh Ngọc Xá Lợi do Giáo Hội Phật giáo Tích Lan tặng đem về Việt Nam. Năm 1954, Ngài dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Kết tập Tam Tạng Pàli lần thứ 6 tại Rangoon, Miến Điện. Ngài là vị Giáo phẩm Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động Phật sự quốc tế. Năm 1956, Ngài tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 3 tại Miến Điện. Ngài là thành viên vận động thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thuỷ Việt Nam và được cử làm Tăng thống Ban Chưởng Quản vào năm 1957 và cũng trong năm 1957 Ngài dẫn đầu phái đoàn dự lễ kỷ niệm 2500 năm Phật giáo tại Campuchia, dự Hội nghị Phật giáo lần thứ 4 tại Népal và Hội nghị Triết học tại Ân Độ. Năm 1958, Ngài dự Hội nghị Quốc tế về Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 9 tại Tokyo, Nhật Bản. Năm 1960 Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới trong kỳ Đại hội lần thứ 5 tại Thái Lan và tham dự Hội nghị Lịch sử Tôn giáo Thế giới lần thứ 10 tại CHLB Đức. Năm 1961, tại Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 6 tại Phnôm Pênh, Campuchia. Ngài được bầu vào chức vụ Cố vấn tinh thần tối cao và vĩnh viễn cho Hội Phật giáo Thế giới.
Năm 1962, Ngài đắc cử Tăng Thống Giáo hội Tăng Già Nguyên thuỷ Việt Nam, cùng năm ấy Ngài vận động xây dựng thắng tích Thích Ca Phật Đài tại Núi Lớn, Vũng Tàu. Năm 1963, Ngài giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật giáo.
Năm 1964, Ngài dẫn đầu Phái đoàn tham dự Hội nghị Phật giáo lần thứ 7 tại Ân độ. Năm 1965, tại Singapore, Ngài được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo địa phương và tham dự Hội nghị thành lập Hội Tăng già Thế giới tại Tích Lan. Năm 1966, Ngài dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 8 tại Thái Lan. Năm 1968, Ngài đã dành rất nhiều thì giờ nghiên cứu và đã soạn Tự điển Pali. Dù bận rộn Phật sự trong nước cũng như quốc tế, Ngài vẫn dành thì giờ để phiên dịch và trước tác nhiều kinh sách để hoằng dương giáo pháp, có đến trên dưới 20 tác phẩm.
Ngày 17.9.1979, mặc dù sức khoẻ suy kém, Ngài vẫn dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị và tham dự lễ Dôn Ta, một lễ hội lớn nhất của dân tộc Campuchia và tổ chức truyền giới Tỳ kheo cho các nhà sư Campuchia. Ngày 19.9.1979, bệnh cũ tái phát trầm trọng. Ngày 21.9.1979 (1.8.Kỷ Mùi) vào 2 giờ sáng, Ngài an nhiên viên tịch tại Phnôm Pênh hưởng thọ 69 tuổi đời, 30 tuổi đạo.
Hoà thượng Bửu Chơn, một danh tăng họ Phạm, một tấm gương sáng về hoằng pháp lợi sinh. Công hạnh của Ngài toả rộng ra thế giới và còn lưu lại trong tâm khảm của những người con Phật ở Việt Nam.
Các tác phẩm của Ngài để lại trong sự nghiệp sáng tác phiên dịch gồm :
- Cư sĩ thực hành
- Tứ thanh tịnh giới,
- Pháp xa,
- Chuyển Pháp luân
- Bồ Tát khổ hạnh,
- Hàng rào giai cấp
- Niệm thân
- Chánh giác tông,
- Tội ngũ trần,
- Truyện Ngạ quỷ,
- Quả báo Sa môn,
- Nhân quả liên quan,
- Kho tàng pháp bảo
- Pháp Đầu đà,
- Tà kiến, chánh kiến,
- Hội nghị Quốc tế,
- Văn phạm Pàli,
- Định luật thiên nhiên của vũ trụ,
- Tự điển Pàli.

6. Hoà thượng Thích Thế Long (1909 – 1985) :
Hoà thượng người họ Phạm, pháp danh là Thế Long, sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định trong một gia đình Nho phong thanh bạch có truyền thống tin sâu Phật pháp. Ngài là con út nhưng cũng là con trai duy nhất của cụ Phạm Văn Ngoan tức Ngôn và cụ bà Trần Thị Thanh, pháp danh Diệu Thái. Sau khi sinh ra Ngài, cụ bà mới đồng ý để cụ ông xuất gia. Cụ Ngoan xuất gia ở chùa Nội, thị trấn Cổ Lễ với pháp danh là Thích Thanh Cát, và cả hai người con gái của Cụ (tức chị gái của Ngài) cũng xuất gia.
Năm 1915, nhân chuyến về thăm nhà, nhà sư Thanh Cát đã khuyên gia đình cho Ngài xuất gia. Ngài được Sư tổ Quang Tuyên, người bác của Ngài lúc đó đang trụ trì chùa Thuỷ Nhai, xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường, Nam Định thu nhận, sau đó được gửi sang chùa Thượng Phúc tham học.
Năm 1929, Ngài được trao truyền Cụ Túc giới, nối pháp đời thứ 46 dòng Tào Động, sơn môn Phù Ninh, Nam Định, sau đó Ngài được đến tham học tại Tổ đình Liên Phái, Hà Nội. Năm 1934, sư tổ Quang Tuyên chùa Cổ Lễ viên tịch, Ngài trở về chịu tang và tiếp tục công việc kiến tạo chùa Cổ Lễ, đúc Đại hồng chung (chuông đồng) nặng 9 tấn, tạo dựng hội quán và hoàn thành các công trình kiến trúc của chùa. Ngoài ra Ngài còn tái tạo chùa Thuỷ Nhai, chùa Thượng Phúc...Sau khi chùa Cổ Lễ được tôn tạo hoàn chỉnh, Ngài thỉnh các bậc tôn túc, hoà thượng và tăng ni về kết túc an hạ trong 3 tháng và duy trì đều đặn như vậy suốt hơn nửa thế kỷ. Chùa Cổ Lễ từ đó trở thành trường hạ của tăng ni phía nam tỉnh Nam Định. Với cương vị trụ trì rồi đường chủ, chủ giảng trong các khoá hạ, hàng năm Ngài tận tâm chăm lo để chư tăng ni an tâm tu học. Chùa Cổ Lễ cũng là nơi tổ chức nhiều giới đàn của Phật giáo tỉnh Nam Định, Ngài được mời làm Hoà thượng Đàn đầu, không những ở chùa Cổ Lễ mà cả ở giới đàn chùa Thánh Ân (chùa Cả) Nam Định. Ngài trở thành một trong những bậc giáo phẩm cao cấp của Phật giáo Việt Nam và của Phật giáo tỉnh Nam Hà khi ấy.
Trong suốt thời kỳ 1958 – 1981, Ngài được cử giữ chức Phó Hội trưởng rồi Hội trưởng Phật giáo tỉnh Nam Hà. Tháng 10.1964, Đại hội 3 Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Ngài được suy cử vào Ban Trị sự Trung ương. Năm 1971, tại Đại hội 4 Trung ương Phật giáo Thống nhất Việt Nam, Ngài được cử chức Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký Ban Trị sự Trung ương. Năm 1973, Ngài cùng Ban Trị sự Trung ương thành lập trường “Tu học Phật pháp trung ương” tại chùa Quán Sứ, sau đổi tên là “Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I”.
Sau năm 1975, Ngài cùng quý hoà thượng miền Trung, miền Nam thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo. Tháng 11.1981, Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Ngài được thỉnh vào Hội đồng Chứng minh và là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về mặt tham gia công tác xã hội, Ngài đều tích cực tham gia với quan niệm “Phật pháp bất ly thế gian pháp” : Năm 1945, Ngài là Phó Chủ tịch Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định. Năm 1947, là Phó Chủ tịch tỉnh hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định. Năm 1951 là Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Uỷ viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Từ 1976 đến 1980, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Hà Nam Ninh và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Ngài được tín nhiệm bầu làm Đại bỉểu Quốc hội khoá VII và được Quốc hội cử giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngài còn là thành viên tích cực của Hội Phật giáo Châu á vì Hoà bình (ABCP) trong nhiều khoá và là Phó Chủ tịch của Hội. Ngài đã tham gia nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế tại hầu hết các nước châu á, Đông Âu, tham gia các hội nghị Phật giáo thế giới và đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng ba.
Ngày 23.3.1985, Ngài viên tịch tại Tổ đình Cổ Lễ, hưởng thọ 76 tuổi, 56 tuổi hạ. Lễ tang được tổ chức trọng thể với nghi thức lễ tang Nhà nước. Hoà thượng Pháp chủ Thích Đức Nhuận đã ban Tháp hiệu của Ngài là An Lạc tháp và tên hiệu Tế Mỹ.
Hoà thượng Thích Thế Long, vị danh tăng họ Phạm đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, làm rạng danh các vị Nghiệp tổ của Phật giáo Việt Nam.
(còn nữa)
PHẠM ĐÌNH NHÂN

(Sưu tầm từ Thư viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi