Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

11 tháng 5, 2008

CÁC DANH TĂNG HỌ PHẠM VIỆT NAM THẾ KỶ XX (tiếp theo)

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 5 11, 2008 bởi Phạm Hoàng Tuấn · 0 comments

7. Hoà thượng Thích Hoằng Thông (1902 – 1988) :

Hoà thượng Thích Hoằng Thông thế danh là Phạm Ngọc Thạch, pháp danh là Quảng Châu, pháp hiệu Hoằng Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 45. Ngài sinh năm Nhâm Dần 1902 tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thân phụ là cụ Phạm Văn Ngàn, thân mẫu là cụ bà Mạch Thị Báu.
Thuở nhỏ Ngài thường hay đau ốm, nên thân mẫu cho xuống chùa Linh Phước thuộc xã Mỹ Phước, Châu Thành, Tiền Giang ở, học đạo dưới sự dạy dỗ của Hoà thượng Quảng Ân. Nhận thấy Ngài có thiện duyên, tuệ căn mãn tiệp nên năm 1914 (năm Ngài 12 tuổi), Hoà thượng đồng ý thế phát xuất gia cho Ngài và đặt pháp danh là Quảng Châu.
Sau khi xuất gia, Ngài dốc tâm tu hành, trau dồi giới đức, chẳng bao lâu kinh luật cơ bản Ngài đều thông suốt. Năm 1919, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Hội Thánh. Năm 1921, chùa Từ Ân mở Đại giới đàn, Hoà thượng Bổn sư đã cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc. Sau đó Ngài được Bổn sư cho đi tham học khắp nơi, hằng năm đều đến an cư kiết hạ tại các chùa lớn ở miền Nam. Năm 1925, Ngài được Hoà thượng Thanh ẩn chùa Từ Ân ban pháp hiệu là Hoằng Thông.
Sau gần mười năm du phương học đạo với các bậc cao tăng thạc đức mẫn tiệp, Ngài đã ngộ được nguồn giáo lý uyên thâm của Phật học và nhanh chóng trở thành một Pháp sư nổi tiếng rất được các tăng ni và Phật tử đương thời ngưỡng mộ.
Năm 1927, Ngài đảm nhiệm ngôi trụ trì chùa Long Hội ở Tân Hoà Thành. Tại nơi đây, Ngài quyết tâm tu sửa chùa trở nên khang trang và dần dần thu hút được Phật tử ngày một đông.
Sau khi trùng tu ngôi Bảo điện và hậu Tổ để cho chùa thêm rộng rãi, năm 1939, Ngài mở trường Kỳ, cung thỉnh chư tôn Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức khắp nơi về khai đàn truyền giới cho chúng Tăng. Ngài cung thỉnh Hoà thượng Bổn sư làm Hoà thượng Đàn đầu và Ngài được suy tôn lên chức vị Hoà thượng chủ Kỳ.
Năm 1952, Giáo hội Lục Hoà Tăng được thành lập tại Sài Gòn, Ngài đựoc mời đi dự Đại hội và được suy tôn vào Ban Chức sự Trung ương Giáo hội. Năm 1964, Ngài được bầu làm Tăng Giám của Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang).
Đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, Ngài cũng có nhiều đóng góp. Thời kỳ 1972, chùa Long Hội nằm trong vùng giải phóng, Ngài luôn tham gia đóng góp công sức cùng nhiều tài vật cho cách mạng và vận động đồng bào Phật tử tham gia công tác cách mang.
Năm 1974, Hoà thượng Quảng Ân thị tịch, Ngài được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hoà Tăng tỉnh Định Tường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1981, tại Đại hội thống nhất Phật giáo tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I.
Năm 1983, Ngài lâm bệnh nặng, tuy không đi lại được, nhưng Ngài vẫn điều hành Phật sự và luôn luôn nhắc nhở việc tu hành, khuyên bảo tăng ni trẻ phải nỗ lực hành trì giới luật để Phật pháp được trường tồn.
Ngày rằm tháng Bảy năm Mậu Thìn (26.8.1988) vào 10 giờ đêm, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 86 tuổi, 66 năm tuổi đạo. Hoà thượng Thích Hoằng Thông, vị danh tăng họ Phạm, là một bậc cao tăng có nhiều công lao đóng góp vào công cuộc chấn hưng Phật giáo, suốt đời phụng sự Phật pháp rất được tăng ni, Phật tử tỉnh Tiền Giang kính ngưỡng.
8. Hoà thượng Thích Tâm Nguyện (1917 – 1990) :
Hoà thượng thế danh là Phạm Văn Quý, pháp danh Tâm Nguyện, sinh ngày 23 tháng 12 năm Bính Thìn (16.1.1917) tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngài là con thứ ba trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ là cụ đồ Phạm Đình Giá, thân mẫu là cụ bà Trần Thị ấm.
Thuở nhỏ Ngài được cha mẹ cho đi chùa lễ Phật, nghe giảng kinh pháp, do đó Ngài có ý xuất gia đầu Phật. Năm 17 tuổi (1934) được song thân chấp thuận, Ngài đến chùa Bảo Khám thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam đảnh lễ cầu Tổ thứ tư là Hoà thượng Thích Doãn Hài, xin được xuất gia học đạo. Ngài được Tổ thu nạp làm đệ tử và cho thế phát quy y.
Năm 1935, mười tám tuổi, Ngài được trao truyền thập giới và được ban pháp danh Tâm Nguyện tại chùa Bảo Khám và được bổn sư cho lên Hà Nội theo học tại Phật học đường của Hội Bắc Kỳ Phật giáo tại chùa Quán Sứ. Ngài luôn luôn là một tăng sinh đạo hạnh, tinh tấn tu hành. Năm 1939, sau ba năm tu học, Ngài được thọ Tỳ kheo giới tại Đại giới đàn chùa Quán Sứ, trụ sở của Hội Bắc Kỳ Phật giáo do Tổ Trung Hậu là Hoà thượng Chân Như làm Đàn đầu Hoà thượng. Hoà thượng Trung Hậu bấy giờ là Giám đốc Phật học đường Bằng Sở ở Hà Nội, còn Hoà thượng Trung Thứ la Đốc giáo. Khi Hoà thượng Trung Thứ viên tịch, Ngài theo Hoà thượng Tuệ Tạng, khi đó đảm nhiệm Giám đốc kiêm Đốc giáo Phật học đường Bằng Sở để tu học và đã trở nên một trong những học trò xuất sắc của Tổ.
Năm 1943 Ngài về chùa Cao Đà và từ 1946 đến 1950, phụng mệnh tổ Cao Đà, Ngài về trụ trì chùa Thượng Nông và Lý Nhân.
Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngài theo Hoà thựong Tuệ Tạng rời chùa Quán Sứ lui về chùa Vọng Cung ở xã Quần Phương, Hải Hậu, Nam Định. Khi Hoà thượng Tuệ Tạng viên tịch, Hoà thượng đã uỷ thác cho Ngài cùng với Hoà thượng Thích Tâm Thông cùng trụ trì chùa Vọng Cung. Từ đó Ngài cùng các tăng hữu tiếp tục sự nghiệp hoằng hoá lợi sinh mà chư tổ đã dày công xây đắp. Ngài mở trường dạy tăng ni hậu tiến tu học và truyền giảng Phật pháp cho thập phương tín hữu.
Trong thời gian trụ trì chùa Vọng Cung, Ngài vẫn dành thì giờ cùng với tăng ni sơn môn Tế Xuyên trông nom Tổ đình đồng thời giữ chức thủ toạ chùa Bồ Đề ở Gia Lâm.
Năm 1983, Ngài cùng tăng ni tín đồ xây dựng lại chùa Vọng Cung. Ngoài việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn đóng góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội. Từ 1981 đến 1984, Ngài là Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc và là Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Nam Định khoá IX.
Vào lúc 17 giờ ngày 13.8.1990, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi đời, 51 tuổi đạo. Suốt cuộc đời từ lúc thiếu thời cho đến giờ phút cuối, Ngài luôn luôn tâm nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp” mà chư tổ đã căn dặn. Ngài thường lãnh nhiệm vụ giảng sư trong các khoá hạ và chủ hạ nhiều năm tại trường hạ Chùa Cả ở Nam định. Ngài được mời làm Đàn đầu Hoà thượng, Yết Ma, Giáo Thọ tại nhiều giới đàn tại địa phương. Tầng lớp tăng ni trung, hạ, tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam ngày nay hầu hết là học đồ, giới tử do chính Ngài dạy bảo.
Cuộc đời Hoà thượng Thích Tâm Nguyên Phạm Văn Quý, một danh tăng họ Phạm, thực là một tấm gương sáng cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia noi theo trên bước đường tu học Phật vậy.

9. Hoà thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993).

Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận (1897 – 1993), tên huý là Phạm Đức Hạp, Pháp hiệu Thanh Thiệu, Pháp danh Đức Huy, sinh năm Đinh Dậu (1897) tại thôn Quần Phương, xã Hải Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Phạm Công Toản hiệu Thành Phủ, thân mẫu là cụ Lê Thị Vụ. Ngài là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em
(Xin xem bài viết về Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận đã đăng trên tờ Thông tin họ Phạm Việt Nam số 22 (thán 11.2007) và trên trang web www.hopham.org)

10. Hoà thượng Thích Hoàn Không (1900 – 1997) :
Hoà thượng Thích Hoàn Không thế danh là Phạm Tùng Minh, sinh năm Canh Tý (1900) tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình trung nông. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Lê, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nga. Ngài là con út trong gia đình có 8 anh em, người anh thứ 3 của Ngài cũng xuất gia đầu Phật từ nhỏ.
Thuở nhỏ, Ngài thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, thăm anh. Câu kinh, tiếng kệ đượm thắm tâm thiền là nhân duyên giác ngộ Ngài đến với đạo Phật. Năm 20 tuổi (1919), Ngài xin xuất gia vào chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Mỹ Tho.
Năm 1929, Hoà thượng Khánh Hoà phát động phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Năm 1930, Hoà thượng kiêm trụ trì cả hai chùa Tuyên Linh (Mỏ Cày, Bến Tre) và chùa Sắc Tứ Linh Thứu, đặt trụ sở cho tạp chí Pháp Âm tại chùa Sắc Tứ và nơi đây cũng là trụ sở báo Dân Cày của Tỉnh uỷ Mỹ Tho. Không khí cách mạng đấu tranh giành độc lập hoà quyện với cao trào chấn hưng Phật giáo bừng bừng khí thế, lôi cuốn tầng lớp thanh niên nhiệt huyết nhập cuộc và Ngài cũng tham gia cách mạng, cơ sở hoạt động đạt ngay tại chùa. Tháng 2 năm 1930, cơ sở bị mật thám Pháp phát hiện bao vây chùa. Ngài phải bỏ trốn sang Bến Tre.
Năm 1934, Hoà thượng Khánh Hoà cùng chư vị tôn túc thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, Ngài về đây nương chư Tổ để tu học.
Sau đó một thời gian, Ngài được cử về trụ trì chùa Long Hội (ấp Long Thạnh, xã Huyền Hội, huyện Càng Long). Trong thời gian trụ trì tại đây, Ngài luôn bí mật giúp đỡ cách mạng, tiếp tế lương thực thuốc men. Lại bị địch phát hiện, Ngài rời chùa ra tham gia kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Liên xã Tân An – Huyền Hội, huyện Càng Long.
Sau hiệp đình Geneve 1954, Ngài trở về xã Tân An làm công tác từ thiện, giúp đỡ đồng bào nghèo sau chiến tranh và trở lại cửa thiền như bản nguyện ban đầu
Năm 1963, Ngài được Phật tử thỉnh về trụ trì chùa Phật Bửu, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Năm 1967, chùa Phật Bửu bị chiến tranh thiêu trụi, Ngài được Giáo hội mời về chùa Phước Hoà, thị xã Trà Vinh để cùng quý tôn túc điều hành Phật học viện Phước Hoà.
Năm 1972, Ngài được chư sơn thiền đức cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phước Thanh, Sau khoá Hạ này, Ngài được cung thỉnh ở lại nhận chức trụ trì chùa Phước Thanh. Năm 1973, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ khoá An cư kiết Hạ tại chùa Phật Tâm (xã Phước Hảo). Năm 1974, Ngài được cung thỉnh làm Thiền chủ trường Hạ chùa Phổ Quang (xã Long Thới). Năm1975, Ngài được mời về trụ trì chùa Long Khánh, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo tại thị xã Trà Vinh. Và cũng trong năm này, Ngài được Viện Hoá đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy cử làm Chánh đại diên Phật giáo tỉnh.
Năm 1976, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 7, Ngài được mời dự Đại biểu chính thức Trà Vinh.
Năm 1981, Đại hội thống nhất Phật giáo ba miền thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại đại hội này Ngài được suy cử làm thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I. Sau đó được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh cho đến ngày viên tịch.
Ngày 6 tháng 2 năm Đinh Sửu (14.3.1997), Ngài an nhiên thị tịch lúc 15 giờ 30 phút tại chùa Phước Thanh, trụ thế 98 tuổi đời, hơn 70 năm dành cho đạo pháp.
Một đời đem hết tâm lực vừa phụng sự đạo pháp, vừa cống hiến cho đất nước dân tôc, Hoà thượng Thích Hoàn Không, một danh tăng họ Phạm, thực là một tấm gương để cho tăng ni, Phật tử Việt Nam ngưỡng mộ.

11. Hoà thượng Thích Giác Nhu (1912 – 1997) :
Hoà thượng Thích Giác Nhu thế danh là Phạm Văn Nên, sinh ngày 15.11 năm Nhâm Tý (23.12.1912) tại xã Tân Thạnh Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên nay là xã Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nông dân. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Hớn, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tiễn. Ngài là người con thứ ba trong gia đình có năm anh em.
Năm 18 tuổi, Ngài thường xuyên lui tới cảnh chùa, gặp các bậc hiền sĩ đương thời để hỏi han đạo pháp. Ngài nhiều lần phát tâm bồ đề xin được xuất gia nhưng gia đình nhất quyết ngăn cản, nên Ngài phải vâng lời cha mẹ giữ tròn đạo hiếu làm con và thực hành nếp sống tu tập cư sĩ tại gia.
Năm 40 tuổi Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ khai sơn hệ phái Khất sĩ Việt Nam đi ngang qua hành đạo thuyết pháp. Điều đó càng thôi thúc nguyện vọng xuất gia từ lâu của Ngài. Năm Nhâm Thìn 1952, được sự chứng minh của Tổ sư trưởng lão tri sự Giác Như làm Thầy tế độ thu nhận, Ngài xuất gia học đạo, thọ ký pháp danh là Giác Nhu. Ngày rằm tháng bảy được thọ y bát Sa di. Hai năm sau, cũng vào ngày này, nhân đại lễ Tự tứ, Ngài được thọ Đại giới Cụ túc, làm Tỳ kheo Khất sĩ du phương hành đạo. Năm ấy Ngài 42 tuổi.
Sau khi đắc giới pháp, biết mình sức học kém cỏi, nên mỗi ngày, buổi sáng Ngài đi khất thực, buổi chiều học đạo nghe kinh, buổi tối hành trì thiền định, quán chiếu tâm linh, gột rửa nghiệp căn nhiều kiếp..
Từ 1954 đến 1960, khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ngài luôn luôn kề cận giúp sức Nhị tổ trưởng lão Giác Chánh và trưởng lão tri sự Giác Như, thừa truyền dẫn dắt hành đạo suốt miền Nam, miền Trung, đến tận vùng cao nguyên hẻo lánh.
Trong những năm này, các Giáo đoàn Du tăng do chư vị tôn túc đại đệ tử của Tổ sư phân công được thành lập, để đền ơn thầy Tổ quảng bá chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của bá tánh cư gia, ở hai miền Nam – Trung và cao nguyên, Ngài được giao trọng trách làm Giáo thọ sư, trụ trì các tịnh xá đạo tràng thuộc Giáo đoàn I ở các vùng Long Xuyên, Thốt Nốt, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Gia Định vv... để hoằng hoá độ sinh.
Năm 1964, Ngài và thượng toạ Giác Tường cùng đứng ra sáng lập Giáo hội Tăng Gia Khất sĩ Việt Nam. Mãi đến năm 1966 mới được công nhận và ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử làm Tổng thư ký suốt ba nhiệm kỳ liền.
Năm 1972, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam thay đổi danh xưng, Ban Trị sự trung ương trở thành Viện Hành đạo, Ngài giao lại cho thế hệ kế thừa và lui về vị trí Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam cho đến ngày đất nước thống nhất.
Trong thời gian từ 1976 đến 1980, Ngài thường lui tới hành đạo ở các tịnh xá Ngọc Hương, Ngọc Quý (Vũng Tàu) và tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa).
Đầu năm 1980, hưởng ứng việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Viện Hành đạo Giáo hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam đã cung thỉnh Ngài về làm Chứng minh đạo sư tại tinh xá Trung tâm, trụ sở Giáo hội – Hệ phái.
Đầu tháng 11 năm 1980, Ngài làm Trưởng đoàn hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, tham đự Đại hội Đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam để thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, Ngài được Ban Tổ chức cung thỉnh vào Đoàn chủ toạ và với tư cách Trưởng phái đoàn Đại biểu hệ phái Khất sĩ, Ngài đã ký tên vào Hiến chương, văn bản mang dấu ấn lịch sử thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã để cử Ngài làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sư Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981 – 1987). Qua nhiệm kỳ II (1987 – 1992) và nhiệm kỳ III (1992 – 1997), Ngài đựoc Giáo hội suy tôn vào ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Trong gần mười năm cuối đời, mặc dù sức khoẻ ngày mỗi suy yếu, nhưng tấm lòng tha thiết hộ trì, hiển dương Phật pháp nơi Ngài không hề suy giảm. Tất cả các lễ hội An vị Phật, Khánh thành, Trùng tu hoặc những buổi lễ truyền Bát Quan Trai giới, Tam quy Ngũ giới cho Phật tử tại gia ở các miền tịnh xá dù gần hay xa, khi được cung thỉnh, Ngài đều hoan hỷ quang lâm, trực tiếp chủ trì, truyền dạy hướng dẫn tín đồ Phật tử.
Từ năm 1995, sức khoẻ Ngài thực sự suy yếu cho đến cuối năm 1997, ngày 2.10.1997 (tức ngày 2 tháng 9 năm Đinh Sửu), Ngài an nhiên thị tịch tại tịnh xá Trung Tâm, phường 5, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, trụ thế 85 tuổi, xuất gia tu học 45 năm, hạ lạp 43 năm.
Hoà thượng Thích Giác Nhu, vị danh tăng họ Phạm, là một tầm gương đạo hạnh, một bậc trưởng lão tôn túc, một người thầy khả kính đã trọn cuộc đời hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân sinh.
PHẠM ĐÌNH NHÂN
(Sưu tầm từ Thư viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Có 0 nhận xét cho bài này "CÁC DANH TĂNG HỌ PHẠM VIỆT NAM THẾ KỶ XX (tiếp theo)"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi