Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

23 tháng 9, 2009

PHẠM THỊ LAN - Cây bút Việt đầy tiềm năng

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 9 23, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments



Phạm Thị Lan là con một gia đình Việt Nam sang lập nghiệp tại CH Czech từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Cô nữ sinh 19 tuổi này vừa mới nhận được giải thưởng văn học của Câu lạc bộ sách lần thứ 14 dành cho các tác phẩm chưa xuất bản. Tác phẩm của cô "Ngựa trắng rồng vàng" viết về sự phân biệt chủng tộc và cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Czech. Giải năm nay có 77 tác phẩm tham gia. Cô là người trẻ nhất và là người Việt đầu tiên được nhận giải này.

Một thành viên trong Ban giám khảo đánh giá: mặc dù bản thảo rất ngắn nhưng chứa đựng nhiều yếu tố đối lập đến ngạc nhiên. Một thể loại truyện ngắn hiện đại kết hợp với truyền thống cổ xưa, ...Còn vị giám khảo nói: Chất lượng lời văn hay đến nỗi nhiều tác giả người Czech phải ghen tỵ.

Nguồn tin:
Báo "Tuổi trẻ" số ra ngày 18/09/2009 trang 18, mục "Tài trí Việt"
Tp. HCM, 23/09/2009

Pha Lê

»»  Đọc tiếp

17 tháng 9, 2009

Hài hước về rượu

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 9 17, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

1. Rượu và người

- Người chết đuối trong ly rượu đông hơn người chết đuối dưới sông
- Người cầm chiếc li lắc lư trong tay run vì say rượu, bạn biết họ uống cái gì không ? Họ uống nước mắt, máu huyết, đời sống của vợ con họ đấy.
- Sóng nước mắt người đàn bà đẹp bao giờ cũng có tác dụng như một ly rượu ngon mà người đàn ông là kẻ bợm rượu
- Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi

2. Thơ về rượu

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quậy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà

Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò
Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa

Tay tiên rót chén rượu đào
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say

3. Tục ngữ về rượu

Nam vô tửu như kỳ vô phong (Đàn ông không rượu như cờ không gió)

Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm (Rượu vào lòng như cọp vào rừng)

Tửu nhập ngôn xuất (Rượu vào lời ra)

5. Ngạn ngữ về rượu

Rượu là kẻ phản bội: trước là bạn sau là thù - Ngạn ngữ Anh

Trong rượu có sự thật - Ngạn ngữ Hy Lạp

Điên, nghèo và say rượu, ba thứ này chẳng có thứ khăn nào che được
Ngạn ngữ Hungari

Hãy đứng xa con voi bảy bước, cách con trâu mười bước và cách thằng say ba mươi bước
Ngạn ngữ Ấn Độ

Thêm nước vào rượu ta làm hư rượu, không thêm nước vào rượu ta làm hư ta

Ngạn ngữ Tây Ban Nha

Chén rượu thứ nhất: Người uống rượu
Chén rượu thứ hai: Rượu uống rượu
Chén rượu thứ ba: Rượu uống người

Kẻ uống, không biết tác hại của rượu, người không uống, chẳng biết cái lợi của rượu

Ngạn ngữ Nhật Bản

Đối với người say rượu, nước biển chỉ cao tới đầu gối
Ngạn ngữ Nga

Rượu ngon và gái đẹp là hai thứ thuốc độc hoà hợp với nhau
Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ

4. Rựợu bất tử

Vua Ngũ Đế ở thời nhà Hán có lần được biếu một bình rượu bất tử. Một quan đại thần đã uống trộm một ít. Nhà vua bắt được và nổi giận sai lính đem đại thần đi chém đầu. Nhưng viên quan đại thần liền nói:
- Muôn tâu bệ hạ, thứ rượu mà kẻ hạ thần uống là thứ rượu bất tử. Bởi vậy không thể giết được kẻ đại thần. Còn nếu như thần bị giết chết thì đó sẽ là bằng chứng nói lên rằng thứ rượu bất tử này là rượu rởm.


5. Rượu vang dở (kém chất lượng)

Hai anh bạn ngồi tâm sự, anh này hỏi anh kia:
- Này cậu, cậu có thấy một số nhà văn bình thường đó trở thành nhà phê bình nổi tiếng không ?
Anh kia đáp:
- Đúng đấy! Tớ có biết chuyện đó. Theo tớ điều đó là bình thường vì đôi khi rượu vang dở, kém chất lượng lại làm được thành dấm rất ngon.

6. Rượu làm bay hơi nhân cách

Trong lớp học môn hoá học, thầy giáo hỏi một học trò:
- Em hãy cho thầy biết tính chất hoá học của rượu êtylic?
Học trò đáp:
- Thưa thầy! Rượu là một chất không màu, nhưng làm đỏ mặt người. Nó không tự cháy nhưng làm cháy túi tiền, khi tác dụng với món "mộc tồn" (thịt chó) tạo chất hung hăng và làm bay hơi nhân cách ạ.

Phạm Đình Điểu (Sưu tầm và biên soạn)
»»  Đọc tiếp

15 tháng 9, 2009

Giỗ Tổ Phạm Tu tại Huế

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 9 15, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments



Từ sau khi thành lập (20/2/2009), Ban Liên lạc họ Phạm Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động kết nối dòng họ, mở rộng liên lạc với các cộng đồng và cá nhân họ Phạm trên địa bàn tỉnh, hoạt động khuyến học,... Tuy nhiên, quy mô kết nối vẫn còn hạn chế, sự hậu thuẩn và tham gia của các chi họ trên địa bàn chưa thật rộng lớn, đầy đủ.

Do đó, nhân dịp kỷ niệm ngày mất của Đức Thượng Thủy tổ Phạm Tu (20 tháng 7 âm lịch), Ban Liên lạc họ Phạm Thừa Thiên Huế đã quyết định tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Ngài kết hợp họp mặt đại diện các chi họ và cá nhân họ Phạm ở Thừa Thiên Huế vào sáng chủ nhật 6/9/2009 (nhằm ngày 18 tháng 7 âm lịch).
Gần một trăm thư mời và lời mời đã được chuyển đi, các khâu chuẩn bị đã dần hoàn tất, song Ban Liên lạc vẫn luôn canh cánh bên long nỗi lo về khả năng có mặt của các đại biểu, của bà con, vì Thừa Thiên Huế vừa trải qua một cơn lụt kha khá đầu năm, trời Huế vẫn mưa dai dẳng cho đến tận thứ bảy. Những lời chúc mừng, thăm hỏi, động viên của bác Phạm Đạo (Tổng thư ký BLL Họ Phạm toàn quốc), bác Phạm Văn Căn (Trưởng BLL Họ Phạm Tp.Hồ Chí Minh)... làm ấm lòng phần nào ban tổ chức.

Thế rồi như một duyên may, sáng chủ nhật, trời bỗng dưng tạnh mưa, khô ráo. Từ chỗ lo không có người tham dự, Ban tổ chức lại chuyển sang lo....không đủ chỗ cho người tham dự vì bà con lần lượt đến khá đông, ngoài dự kiến theo đăng ký. Nhiều bác áo the khăn đóng, đi từ các huyện từ sớm để kịp về Huế dự. Có họ nhận thư mời, họp và cử hẳn đoàn đại biểu 3-4 người, có họ nghe tin từ họ Phạm khác cùng làng và chỉ kịp cho bác trưởng họ đi. Một số anh dù chỉ mới chọn Huế để lập nghiệp, họ hàng vẫn đang ở quê thuộc tỉnh khác, vẫn nhiệt tình đến tham dự. Tổng cộng có non 60 người tham gia, đại diện cho hơn 15 chi họ Phạm trên toàn tỉnh, già có trẻ có, tất cả đầy vẻ tự hào về dòng họ và đầy nhiệt huyết với việc họ.
Sau phần tuyên đọc thân thế và công đức Ngài Thượng Thủy tổ của ông Phạm Bá Vương - Phó trưởng Ban Liên lạc, Lễ dâng hương đã diễn ra hết sức uy nghiêm và trang trọng. Trong mờ khói trầm hương, hình ảnh đoàn dài con cháu, dẫn đầu là các bác áo the khăn đóng lần lượt dâng hương trước hương án Ngài đã nói lên tất cả không khí này.

Tiếp theo, bác Phạm Như Thế - Phó Tổng thư ký BLL toàn quốc, Trưởng BLL tỉnh Thừa Thiên Huế, đã lên giới thiệu sơ lược về hoạt động của BLL toàn quốc, nhất là kết quả phiên họp toàn thể mới đây ở Hà Đông, Hà Nội.

Bác Phạm Xuân Phụng, Phó trưởng ban, thay mặt BLL, đã trình bày các hoạt động trong 6 tháng qua của BLL họ Phạm Thừa Thiên Huế và một số phương hướng lớn trong hoạt động thời gian tới. Báo cáo đã nêu ra một số vấn đề còn để ngỏ, chờ sự thảo luận và thống nhất trong các đại biểu.
Tiếp đó, bác Phạm Hữu Thanh Tùng, thay mặt cho Báo Tiền Phong và Nhà tài trợ (Công ty Bia Huế) đã trao suất học bổng "Thắp sáng niềm tin" cho cháu Phạm Thị Thanh Thủy - học sinh THCS ở Hương Chữ, Hương Trà; là học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Phần sôi nổi và cảm động nhất trong chương trình chính là phần phát biểu thảo luận. Đọng lại nhiều nhất trong các phát biểu là sự cảm động của các bác, các cô vì được biết có sự hình thành BLL họ Phạm toàn quốc, BLL họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế, có một vị Thủy tố cho tất cả họ Phạm, và cảm động với không khí buổi gặp mặt. Phần giới thiệu một Tiểu ban Vận động tài chính đã diễn ra thuận lợi ngoài dự đoán của BTC, khi các anh đang là doanh nhân đã tự giác đứng ra hay nhanh chóng nhận lời đề cử.

Tất cả ý kiến đều nhất trí với các đề xuất lớn của BLL như sẽ duy trì tổ chức Lễ tưởng niệm Ngài Phạm Tu hàng năm, trước mắt là lễ lớn vào năm 2010; tìm cách để có một vị trí làm khu tưởng niệm Ngài và là nơi sinh hoạt dòng họ; xúc tiến đề nghị HĐND tỉnh đặt tên đường phố Phạm Tu ở Huế; xúc tiến ra mắt cuốn sách cộng đồng họ Phạm ở Thừa Thiên Huế; đẩy mạnh hoạt động khuyến học ở từng họ tộc và ở quy mô BLL tỉnh; tiếp tục kết nối dòng họ;... Một số vấn đề cụ thể về triển khai hoạt động cũng được bà con góp ý như chuyện ghi hình ảnh, tư liệu các cuộc họp như thế này để các đại biểu về giới thiệu lại cho con cháu, chuyện cầu nối giữa các họ tộc với BLL tỉnh,...

Dường như thời gian chính thức không đủ đối với bà con, vậy là phần tiệc rồi phần...."hậu tiệc" sau buổi họp mặt lại tiếp tục với những câu chuyện làm quen, chuyện về họ tộc, những tâm tình, trao đổi, xẻ chia,... Không khí đầm ấm đã làm mọi người quên cả thời gian, mải mê ngồi lại đến tận đầu giờ chiều. Tình cảm bà con đồng tộc cũng đã làm các đại biểu không còn để ý đến thiếu sót của BTC trong việc phải chuyển địa điểm họp mặt vào phút chót do trục trặc khách quan. Vâng, không khí đó, tình cảm đó chính là thứ "lửa tinh thần" cần phải được hun đúc tiếp tục, để sợi dây họ tộc kéo bà con gần nhau lại, làm được những điều gì đó có ích cho xã hội, cho con cháu.

Phạm Khắc Liệu
Thư ký BLL họ Phạm TT Huế

»»  Đọc tiếp

14 tháng 9, 2009

Thông báo Số 4-T9-2009 của TTBLL Khóa V

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 9 14, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Trong cuộc họp Thường trực Ban liên lạc họ Phạm Việt lần thứ nhất tại Hà Nội đã thống nhất chủ trương khen thưởng những người có công đóng góp cho hoạt động trong những năm vừa qua (đây là đợt thứ 2).

Để thực hiện chủ trương đó chúng tôi xin thông báo đến tất cả các BLL họ Phạm các tỉnh, thành (BLL các quận, huyện thông qua các BLL tỉnh, thành ) và các Hội đồng gia tộc hoặc các BLL dòng họ xem xét bầu chọn những người có nhiều đóng góp cho hoạt động dòng họ có một trong hai tiêu chuẩn sau đây:

1. Đã tham gia tích cực các hoạt dòng họ từ 5 năm trở lên.
2. Đã ủng hộ về tài chính từ 5 triệu đồng trở lên.
Danh sách thống nhất theo mẫu:
- Họ và tên:
- Thường trú tại:
- Thuộc dòng họ Phạm ......
- Trong giai đoạn từ năm..... đến năm.....

Gửi về cho Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam theo địa chỉ sau:
Tổng Thư ký Phạm Đình Điểu: 1606 Toà nhà 17T10, phố Nguyễn Thị Định, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 04.62512192 - 0903210030",Hạn cuối cùng hết ngày 31/10/2009. EMail: pđ inhieu@gmail.comĐịa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. .

Thường trực BLL sẽ tổng hợp ghi bằng "Ghi công" và gửi đến các BLL và HĐGT trong tháng 11/2009.

Kính đề nghị các Ban liên lạc và Hội đồng gia tộc tích cực hưởng ứng, gửi danh sách đến Thường trực đúng hạn.

Hà Nội, 14/9/2009
TM Thường trực Ban liên lạc họ Phạm VN khóa V.

Trưởng Ban
PGS.TS Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

Giỗ Tổ Phạm Tu tại Hà Nội

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 9 14, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments



KỶ NIỆM LẦN THỨ 1464 NGÀY HY SINH OANH LIỆT
CHỐNG LẠI QUÂN XÂM LƯỢC NHÀ LƯƠNG ĐỂ BẢO VỆ TỔ QUỐC
CỦA LÃO TƯỚNG PHẠM TU - TIỀN LÝ TRIỀU TẢ TƯỚNG,
TRƯỞNG BAN VÕ CỦA NHÀ NƯỚC VẠN XUÂN
tại Đình Ngoại xã Thanh Liệt, Thanh Trì , Hà Nội

Nhân kỷ niệm lần thứ 1464 (20 tháng 7 năm Ất Sửu - 20 tháng 7 n ăm Kỷ Sửu) ngày Lão tướng Phạm Tu - Trưởng ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân, Đại thành hoàng Thăng Long - Hà Nội, Thượng thuỷ tổ họ Phạm Việt Nam hy sinh oanh liệt trong trận chiến chặn đánh quân xâm lược Nhà Lương, bảo vệ chiến thành Tô lịch xưa (khu vực Chợ Gạo Hà Nội ngày nay). hôm nay, ngày 8 tháng 9 năm 2009 - tức ngày 20 tháng 7 năm Kỷ Sửu, như mọi năm, ngay từ sáng sớm bà con cô bác xã Thanh Liệt và nhiều đoàn hành hương họ Phạm từ nội thành và nhiều địa phương khác đã về dâng hương tại Đình Ngoại xã Thanh Liệt - nơi thờ phụng Danh tướng Phạm Tu..

Mặc dù Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã thông báo trên trang web hophamvietnam.org rằng, năm nay là năm không thuộc chu kỳ năm năm BLL họ Phạm Việt Nam phối hợp với chính quyền và MTTQ địa phương tổ chức Lễ dâng hương, nhưng chúng tôi vẫn thấy nhiều BLL họ Phạm từ các tỉnh xa về dự lễ như: Đoàn đại diện BLL họ Phạm Hải Phòng, BLL họ Phạm Hải Dương, BLL họ Phạm thành phố Nam Định, BLL họ Phạm tỉnh Thái Bình, BLL họ Phạm Quận Hà Đông, BLL họ Phạm quận Đống Đa, BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình. Trong đoàn BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình có ông Phạm Minh Tuyên - Uỷ viên Trung ương Đảng CSVN, Uỷ viên Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quê gốc ở Ninh Bình đã cùng đoàn đại biểu Ninh Bình vào dâng hương. Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Đoàn chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam cũng có mặt trong buổi lễ dâng hương tưởng niệm năm nay.,...

Mở đầu buổi lễ, bà Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt thay mặt cho đảng bộ và chính quyền địa phương đã đọc diễn văn khai mạc nói về công đức của Dang tướng Phạm Tu - người anh hùng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 6, cả cuộc đời vì dân vì nước , đánh Nam dẹp Bắc để bảo vệ nền độc lập của một Nhà nước Vạn Xuân non trẻ, tạo điều kiện cho Lý Nam đế và triều đình rút lui an toàn về vùng chiến khu đông bắc để củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, do vậy Nhà nước Vạn Xuân đã tồn tại them 60 năm nữa,...Trong bài phát biểu của mình, Bà Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cũng nói lên những cố gắng liên tục của đảng bộ và nhân dân địa phương trong việc đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống trong một năm qua; vinh dự và tự hào được đón các đoần đại biểu ở trung ương và địa phương về dự lên tưởng niệm lần thứ 1464 năm ngày hoá của Đô Hồ đại vương.

Tiếp đó , lần lượt các vị lãnh đạo ở địa phương và các đoàn đại biểu ở trung ương và các tỉnh bạn đã vào dâng hương tưởng niệm Danh tướng Phạm Tu.

Buổi lễ càng ngày càng nhộn nhịp hơn bởi nghi thức tế lễ trang nghiêm, uyển chuyển trong tiếng trống chiêng và các nhạc cụ khác của đội tế địa phương. Các tiết mục ca múa của các nghệ nhân nghiệp dư của Đoàn BLL họ Phạm Đống Đa, Đoàn BLL họ Phạm thành phố Hà Nội ca ngợi công đức của Lão tướng Phạm Tu và nguyện noi theo gương sang Trung Hiếu, vì nước vì dân của Người.
Kết thúc buổi lễ tưởng niệm là một cuộc thụ lộc thanh đạm truyền thống, vui vẻ giữa nhân dân địa phương và các đoàn đại biểu về dự lễ.

Hữu Lâm



»»  Đọc tiếp

11 tháng 9, 2009

Họ Phạm Khương Trung

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 9 11, 2009 bởi PK.Dương · 1 comments

Khương Trung là tên một làng cổ, tên chữ Khương là "gừng", Trung là "giữa", làng Khương Trung nằm ở giữa làng Khương Thượng và làng Khương Hạ thuộc xã Khương Đình, Huyện Hoàn Long thuộc thành phố Hà Nội (nay là Phường Khương Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội).

Theo thần tích thành hoàng làng, Làng Khương Trung có từ đời Hùng Vương, cách đây hơn 2000 năm. Tại đình làng còn lưu trữ 3 sắc phong:
- Sắc phong thời Khánh Đức (1649 - 1652) Vua Lê Thần Tông phong cho thành hòng thờ ở đình tên là Minh và Quang (hai danh tướng từ thời Hùng Duệ Vương
- Sắc phong của vua Quang Trung (1792)
- Sắc phong của vua Cảnh Thịnh (1793-1801)
- Sắc phong của vua Gia Long (1802-1819).

Làng Khương Trung có 7 dòng họ (Nguyễn, Phạm, Vũ, Tạ, Bạch, Đỗ, Hoàng) trong đó họ Phạm chiếm hơn 35%. Họ Phạm ở Khương Trung có 2 dòng họ là Phạm Đình và Phạm Công, họ Phạm Đình chiếm 2/3. Họ Phạm Đình có 2 ngành (trước đây các cụ gọi là 2 phe), ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh (phe nhất), gọi tắt là ngành "Phạm Đình 1", ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Bình hiệu là Thuần Bình, Hậu duệ là các ông Phạm Đình Hỷ, Phạm Dụ, Phạm Đình Trường (phe nhì), gọi tắt là ngành "Phạm Đình 2".



Bác Phạm Đình Dụ phát biểu trước Bàn thờ họ

Cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh, sinh năm 1723, mất ngày 01 tháng giêng năm Canh Thìn (1791). Cụ đỗ Tú tài bút thiếp, làm quan Công Bộ Ti Vụ đời Hậu Lê (Vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786), mộ cụ chôn ở mả Tó - làng Khương Trung. Cụ sinh ra Cao tổ Phạm Đình Cẩn (huý Vui) làm Tri Châu, Tri Phủ và Cao tổ Phạm Đình Tùng (huý Dẻo) làm Tri Huyện.

Hiện nay họ Phạm chủ yếu sinh sống tại Phường Khương Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội (hơn 100 hộ). Ngoài ra có hơn 60 hộ sống ở các nơi khác thuộc Hà Nội và hơn 30 hộ sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Làng Khương Trung có Cụ Phạm Công Trí đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 30 (1769), cụ có bia dựng tại Quốc Tử Giám và được phong trấn thủ xứ Đoài (Tỉnh Sơn Tây sau này).

Từ năm 1927 giặc Pháp chiếm đất làng để làm sân bay Bạch Mai, Khương Trung mất làng, mất Đình, mất Chùa, các dòng họ trong đó có họ Phạm Đình mất nhà thờ họ. Năm 1991 ngành "Phạm Đình 1" ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh đã lập lại nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên. Năm 2003 cả họ đã quyên góp và lập nhà thờ mới khang trang hơn. Hôm khánh thành nhà thờ họ, ngày 15 tháng 1 năm Quý Mùi, họ Phạm Đình rất vinh dự được đón tiếp 5 uỷ viên thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam do Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng - Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam dẫn đầu.



Bác Phạm Hồng Đại diện BLL họ Phạm VN phát biểu


Từ khi hồi phục được nhà thờ họ, từ năm 1991 đến nay họ Phạm Đình-Khương Trung đã duy trì được sinh hoạt hàng năm với các nội dung sau:
- Thành lập Hội Đồng Gia Tộc gồm đại diện các Chi họ (HĐGT đã cử ông Phạm Đình Tờ làm Trưởng HĐGT và bác Phạm Đình Điểu là thư ký HĐGT).
- Tháng chạp Âm lịch hàng năm, HĐGT họp và gửi thư chúc tết, giấy mời họp họ cho hơn 200 hộ gia đình trong toàn quốc.
- Ngày 15 tháng giêng Âm lịch hàng năm, cả họ tập trung tại nhà thờ họ để lễ Tổ và họp họ, chương trình như sau:

1) Đại diện dòng họ mang hương hoa, lễ vật ra Đình, Chùa của Làng để Lễ Thánh và Lễ Phật.
2) Cả họ làm Lễ Tổ, ông trưởng Hội đồng gia tộc đọc bài khấn và mọi người cùng khấn tổ tiên
3) Thư ký Hội đồng gia tộc đọc báo cáo hoạt động dòng họ trong năm và phương hướng năm tới.
4) Báo cáo tài chính trong năm
5) Mừng thọ các vị cao niên đến tuổi 70, 75, 80 ...
6) Công bố với họ các cháu sinh ra trong năm qua.
7) Công bố với họ người đã mất năm qua và cả họ mặc niệm để tưởng nhớ hương hồn người ra đi.
8) Mọi người trong họ và khách mời tham gia đóng góp các ý kiến.
9) Liên hoan và thụ lộc.



Bác Phạm Hồng và Bác Phạm Hồng Vũ trao ảnh
Thượng Thuỷ Tổ Phạm Tu cho Đại diện BLL họ Phạm Khương Trung

Họ Phạm Đình - Khương Trung đến nay đã làm được một số việc sau: - Đã xây dựng được Phả đồ của 10 đời (dựa trên bản Gia Phả bằng chữ Hán-Việt, làm bằng giấy gió cách đây hơn 200 năm, Nhà sử học Dương Trung Quốc và Tiến sỹ Nguyễn Văn Trường ở Viện Hán Nôm đã xác định).
- Đã sưu tầm được một số bản sắc phong của một số cụ Tổ có công với nước trong các thế hệ trước kia.
- Đã sưu tầm và đang nghiên cứu bản Gia Phả bằng chữ Hán-Việt của ngành "Phạm Đình 2" trước ngành "Phạm Đình 2" 3 đời.
- Thăm các người trong họ bị ốm nằm bệnh viện hoặc ốm nặng ở nhà.
- Phúng viếng người trong họ hoặc tứ thân phụ mẫu người trong họ tạ thế.
- Vào đầu năm, một số gia đình trong họ có tổ chức đi tảo mộ tại Nghĩa Trang Yên Kỳ (Hà Tây trước đây) để thắp hương các mộ tổ tiên và những người trong họ.
- Đã tìm được một số mộ các cụ tổ bị thất lạc và nâng cấp các mộ, như mộ Cao tổ Phạm Đình Cẩn tại Nghĩa Trang Yên Kỳ.


Đại diện các gia đình Họ Phạm Đình chụp ảnh tại đình Làng

Chương trình của Họ trong những năm sắp tới sẽ thực hiện một số việc sau:

1) Năm 2009 và năm 2010 sẽ quyên góp kinh phí trong họ để xây và nâng cấp 2 mộ tại Nghĩa Trang Yên Kỳ (Bất Bạt) đó là mộ Cao tổ Phạm Đình Vui (Húy Cẩn) và mộ Cao tổ Phạm Đình Tùng (Húy Dẻo).
2) Lập gia phả của họ hiện nay (gia phả cũ gần 200 năm chỉ đến đời thứ 6, nay đã đến đời thứ 10)
3) Xây dựng và thống nhất bản Tộc ước của họ.
4) Kết nối họ "Phạm Đình 1" với các họ Phạm Làng Khương Trung và với họ Phạm ở Hà Nội ....
5) Lập quỹ khuyến học để động viên các cháu có thành tích trong học tập.

Họ Phạm Đình - Khương Trung tự hào có cụ Phạm Đình Thanh đỗ Tú tài và làm quan đời Hậu Lê, một số cụ đã làm quan Tri Châu, Chi Phủ, Chi Huyện. Cụ Phạm Đình Đào là lý trưởng đầu tiên của làng Khương Trung, năm 1917. Năm 1947-1957, Cụ Phạm Đình Dụ là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Quận 5 (Quận Đống Đa hiện nay), sau là Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội, con trai của cụ là ông Phạm Quốc Trường làm Giám đốc sở Giao thông công chính của Hà Nội. Từ những năm 1980 đến 1998, họ có ông Phạm Đình Hoan là Giám đốc Sở Thuỷ Lợi, sau làm Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Sơn Bình, ông Phạm Đình Quyền là Phó Giáo sư, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội, ông Phạm Đình Điểu là Thạc sỹ, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phạm Đình Tùng là Nghệ sỹ ưu tú, là nhân chứng lịch sử, người đã quay những thước phim xe tăng tấn công vào Dinh Độc lập năm 1975.

Hiện nay Họ Phạm Đình - Khương Trung có 9 tiến sỹ, 3 thạc sỹ, 19 kỹ sư, 23 bác sỹ, lương y ...

Họ Phạm Đình - Khương Trung cũng rất tự hào về nghề thuốc Bắc gia truyền. Cách đây gần 150 năm, cụ Phạm Đình Lực đã học được nghề thuốc Bắc từ thầy thuốc người Trung Hoa. Sau đó ông Lang Lực đã truyền nghề cho các con là: ông Hàn Điếm, Hai Sở, Ba Sớ, Tư Tý.

Thương hiệu "Khương Lâm" của cụ Lang Lực rất nổi tiếng ở Hà Nội và các vùng xung quanh. Thế hệ con, cháu, chắt... của cụ Lang Lực đang phát huy nghề thuốc gia truyền, có thầy thuốc còn được mời chữa cho các Việt Kiều ở các nước.

Phạm Đình Điểu
»»  Đọc tiếp

9 tháng 9, 2009

Thông báo Số 3-T9-2009: Thư ngỏ của TTBLL họ Phạm VN khóa V

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 9 09, 2009 bởi PK.Dương · 2 comments

Ngày 12/07/2009 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp mặt các BLL họ Phạm toàn quốc. Tại cuộc họp đó đã kiện toàn bộ máy Tổ chức và hoạt động của BLL trong đó có việc cử ra một BLL khóa mới (Khóa V.)

 - Danh sách các vị trong BLL họ Phạm Việt Nam khóa V. đã được công bố trên trang web. Đồng thời cũng đã thông báo danh sách các vị trong BLL họ Phạm khóa IV do lý do sức khỏe hoặc các lý do chính đáng khác không tiếp tục tham gia BLL họ Phạm khóa mới (22 vị).

Thường tực BLL khóa V. cũng đã họp và quyết định sẽ trao tặng các vị thôi không tham BLL một "Bằng ghi công" vì những đóng góp của quí vị cho các hoạt động của BLL họ Phạm Việt Nam. Chúng tôi sẽ gửi đến quí vị trong thời gian tới.

Nhân dịp này Thường trực BLL họ Phạm khóa V. xin gửi đến quí vị lời cám ơn chân thành nhất vì những sự đóng góp quí báu của các vị trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đặc biệt chúng tôi xin cảm ơn và ghi công các vị có tên sau đây:
     1. Bác Phạm Vũ Thuyên, nguyên Phó trưởng BLL phụ trách tổ chức -người đã tham gia BLL họ Phạm Việt Nam từ khóa I. Đã cùng các vị sáng lập (bác Phạm Huyễn, bác Phạm Sỹ, bác Phạm Kim Chi,...)trong năm 1996 đã thuê hẳn một văn phòng cho BLL trong 2 tháng trời. Hàng ngày có cố Tổng thư ký Phạm Sỹ trực và một cháu làm công việc văn thư.
     2. Bác Phạm Khắc Di, nguyên Trưởng BLL - người đã tham gia BLL từ những khóa đầu. Đã ủng hộ kinh phí rất kịp thời và có hiệu quả cho các cuộc gặp mặt toàn quốc của BLL. Ngoài ra còn làm tặng nhiều đĩa VCD về các hoạt động của dòng họ cũng như chi cho việc giữ tên miền của trang web. Tổng số tiền lên đến 27 triệu đồng.

Nhân dịp này chúng tôi xin trân trọng cám ơn 3 vị dưới đây đã ủng hộ "Quỹ hoạt động dòng họ" ngay trên hội trường:
     1. bà Phạm Thị Loan (Tập đoàn Việt Á): 20.000.000 VNĐ.
     2. Ông Phạm Văn Căn (Tp.HCM): 3.000.000 VNĐ.
     3. Ông Phạm Như Thế (Thừa Thiên Huế): 2.000.000 VNĐ

Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cám ơn quí vị về những đóng góp cả về tinh thần lẫn vật chất quí báu đó. Mong quí vị tiếp tục góp ý tham gia vào các hoạt động của dòng họ trong thời gian tới.

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2009

Thay mặt Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam khóa V.
Trưởng Ban
PGS.TS. Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

6 tháng 9, 2009

Hoạt động dòng họ tại TP.HCM - Tháng 9/2009

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 9 06, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Ngày 6/9/2009, tại Tp. Hồ Chí Minh đã có 2 cuộc họp mặt của bà con họ Phạm. Cuộc họp mặt thứ nhất do BLL họ Phạm Q10 tổ chức lễ dâng hương Thượng Tủy tổ Phạm Tu nhân sắp đến ngày giỗ của Người. Đến dự cuộc họp mặt có khá đông bà con họ Phạm ở Q10, Đại diện chính quyền Phường sở tại và PGS.TS. Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam. Cuộc họp đã tiến hành làm lễ dâng hương, đọc tiểu sử Danh tướng Phạm Tu, củng cố lại BLL cuối buổi là cuộc liên hoan thân mật.

Cùng ngày tại số nhà 664 Huỳnh Tấn Phát Quận 7 bà con cô bác chi phái Phạm Đình Nghị tại TP. Hồ Chí Minh về dự lễ giỗ Tổ Phạm Đình Nghị Ngyà húy kỵ của chi phái này trùng với ngày thánh hóa của Thủy tổ Phạm Tu 20/7 âm lịch). Chi phái này đã di chú vào đây từ những năm 1960 đến năm 1975 thì vào đông hơn. Đến nay có khoảng hơn 200 người. Năm nào vào dịp này cũng tổ chức ngày giỗ tại nhà trưởng tộc. Về dự ngày giỗ hôm nay có khoảng trên 50 người. Buổi lễ được tiến hành rất trang nghiêm. Ông Phạm Duy Phục, thành viên của Ban liên lạc đã thành kính đọc một bài "Văn lễ". Sau đấy là lễ dâng hương và cuối cùng là cùng nhau thụ lộc. PGS.TS. Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam được mời về dự.

Tp.HCM, 6/9/2009
PHA LÊ

»»  Đọc tiếp

4 tháng 9, 2009

Thông báo Số 2-T9-2009 của Ban Lễ Tân

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 9 04, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

Những ngày qua chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về việc Tổ chức ngày giỗ Thượng thủy tổ Phạm Tu như thế nào. Chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo tinh thần của cuộc họp Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm 2009: Năm nay ngày giỗ của Thượng thủy tổ Phạm Tu (20/7 Âm lịch) rơi vào năm lẻ nên BLL không phối hợp với BLL họ Phạm Thanh Liệt tổ chức cuộc họp mặt chung mà chỉ cử Đoàn đại biểu của BLL đến dâng hương. Còn bà con cô bác đồng tộc ở địa bàn thành phố Hà Nội và các vùng lân cận cũng như các BLL họ Phạm Địa phương khác cứ tự động đến dự.

Nhân dịp này Ban Lễ tân đề nghị : Hàng năm cứ vào ngày giỗ Tổ Phạm Tu các Ban liên lạc các địa phương hãy tùy hoàn cảnh của mình tổ chức các cuộc gặp mặt hoặc làm lễ dâng hương ở một nhà thờ họ họ Phạm nào đó trong địa bàn để tưởng nhớ Thượng thủy tổ như BLL thừa Thiên Huế và một số BLL quận huyện ở TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức năm nay.
Chúng tôi xin trân trọng thông báo để bà con cô bác đồng tộc và các BLL họ Phạm các địa phương được biết
Kính báo!

Hà Nội, 4/9/2009
Trưởng Ban Lế tân BLL họ Phạm Việt Nam
Phạm Nghị
»»  Đọc tiếp

3 tháng 9, 2009

Thông báo Số 1-T9-2009 về thay đổi Bản Tin Nội Tộc

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 9 03, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments

THÔNG BÁO của BẢN TIN NỘI TỘC
về chủ trương đổi mới Bản tin nội tộc
"Thông tin họ Phạm Việt Nam"

Căn cứ vào nhu cầu thông tin về hoạt động dòng họ của các Ban Liên lạc và Hội đồng gia tộc họ Phạm;

và theo đề nghị của Ban biên tập Bản tin nội tộc "Thông tin họ Phạm Việt Nam", Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam có một số chủ trương đổi mới một bước về Bản tin nội tộc "Thông tin họ Phạm Việt Nam" như sau:

1. Từ năm 2010 (từ số 31/2010- số Tết), Bản tin nội tộc "Thông tin họ Phạm Việt Nam" sẽ tăng số lượng trang mỗi số lên 68 trang, ( vẫn giữ khổ giấy 14,5 x 20,5 cm). Bìa của Bản tin nội tộc sẽ được trình bày lại và in 4 màu. Những trang ruột của Bản tin nội tộc sẽ được trình bày sang sửa và in rõ nét hơn.. Những bài viết được đăng trong Bản tin nội tộc cần được chọn lựa và biên tập tốt hơn (mạnh dạn lược bỏ những đoạn viết không cần thiết, ít thông tin; tránh các lỗi chính tả ,...). Các chuyên mục của Bản tin nội tộc trong từng số xuất bản vẫn giữ nguyên như trước đây.

2. Về kinh phí : Do có sự đổi mới nêu trên, nên chi phí cho xuất bản sẽ tăng lên. Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam đồng ý cho BBT Bản tin nội tộc thu mỗi số Bản tin nội tộc năm 2010 là 10.000 đ/01 số , cả năm là 40.000 đ /01 bộ (kể cả bưu phí gửi) . Nếu thiếu hụt kinh phí xuất bản thì Ban biên tập tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của bà con cô bác họ Phạm và bạn đọc. Ban Tài chính của BLL họ Phạm Việt Nam sẽ hỗ trợ khi cần thiết.

3. Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam đề nghị các BLL và HĐGT và các Tôn trưởng trong dòng họ thường xuyên cử người viết bài gửi cho BBT Bản tin nội tộc, phản ánh các hoạt động của dòng họ, của BLL và HĐGT họ Phạm, và gửi về

Trụ sở Ban biên tập Thông tin họ Phạm Việt nam:

Số 6, ngõ 85 phố Trung Kính, phường Trung Hoà, quận Cầu Giất , Hà Nội 

Nếu bài viết dùng máy vi tính (Font Time New Romance) - kể cả ảnh (có đuôi JPG) thì chuyển file bài viết đó theo địa chỉ e.mail: phamcau@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. để BBT bớt công cho đánh máy hoặc in chép lại.

Hà Nội, 3 tháng 9 năm 2009
Thường trực
BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM VIỆT NAM

»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi