Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

11 tháng 9, 2009

Họ Phạm Khương Trung

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 9 11, 2009 bởi PK.Dương · 1 comments

Khương Trung là tên một làng cổ, tên chữ Khương là "gừng", Trung là "giữa", làng Khương Trung nằm ở giữa làng Khương Thượng và làng Khương Hạ thuộc xã Khương Đình, Huyện Hoàn Long thuộc thành phố Hà Nội (nay là Phường Khương Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội).

Theo thần tích thành hoàng làng, Làng Khương Trung có từ đời Hùng Vương, cách đây hơn 2000 năm. Tại đình làng còn lưu trữ 3 sắc phong:
- Sắc phong thời Khánh Đức (1649 - 1652) Vua Lê Thần Tông phong cho thành hòng thờ ở đình tên là Minh và Quang (hai danh tướng từ thời Hùng Duệ Vương
- Sắc phong của vua Quang Trung (1792)
- Sắc phong của vua Cảnh Thịnh (1793-1801)
- Sắc phong của vua Gia Long (1802-1819).

Làng Khương Trung có 7 dòng họ (Nguyễn, Phạm, Vũ, Tạ, Bạch, Đỗ, Hoàng) trong đó họ Phạm chiếm hơn 35%. Họ Phạm ở Khương Trung có 2 dòng họ là Phạm Đình và Phạm Công, họ Phạm Đình chiếm 2/3. Họ Phạm Đình có 2 ngành (trước đây các cụ gọi là 2 phe), ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh (phe nhất), gọi tắt là ngành "Phạm Đình 1", ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Bình hiệu là Thuần Bình, Hậu duệ là các ông Phạm Đình Hỷ, Phạm Dụ, Phạm Đình Trường (phe nhì), gọi tắt là ngành "Phạm Đình 2".



Bác Phạm Đình Dụ phát biểu trước Bàn thờ họ

Cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh, sinh năm 1723, mất ngày 01 tháng giêng năm Canh Thìn (1791). Cụ đỗ Tú tài bút thiếp, làm quan Công Bộ Ti Vụ đời Hậu Lê (Vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786), mộ cụ chôn ở mả Tó - làng Khương Trung. Cụ sinh ra Cao tổ Phạm Đình Cẩn (huý Vui) làm Tri Châu, Tri Phủ và Cao tổ Phạm Đình Tùng (huý Dẻo) làm Tri Huyện.

Hiện nay họ Phạm chủ yếu sinh sống tại Phường Khương Trung - Quận Thanh Xuân - Hà Nội (hơn 100 hộ). Ngoài ra có hơn 60 hộ sống ở các nơi khác thuộc Hà Nội và hơn 30 hộ sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Làng Khương Trung có Cụ Phạm Công Trí đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Lê Cảnh Hưng thứ 30 (1769), cụ có bia dựng tại Quốc Tử Giám và được phong trấn thủ xứ Đoài (Tỉnh Sơn Tây sau này).

Từ năm 1927 giặc Pháp chiếm đất làng để làm sân bay Bạch Mai, Khương Trung mất làng, mất Đình, mất Chùa, các dòng họ trong đó có họ Phạm Đình mất nhà thờ họ. Năm 1991 ngành "Phạm Đình 1" ngành cụ Thủy tổ Phạm Đình Thanh đã lập lại nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên. Năm 2003 cả họ đã quyên góp và lập nhà thờ mới khang trang hơn. Hôm khánh thành nhà thờ họ, ngày 15 tháng 1 năm Quý Mùi, họ Phạm Đình rất vinh dự được đón tiếp 5 uỷ viên thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam do Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Quốc phòng - Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam dẫn đầu.



Bác Phạm Hồng Đại diện BLL họ Phạm VN phát biểu


Từ khi hồi phục được nhà thờ họ, từ năm 1991 đến nay họ Phạm Đình-Khương Trung đã duy trì được sinh hoạt hàng năm với các nội dung sau:
- Thành lập Hội Đồng Gia Tộc gồm đại diện các Chi họ (HĐGT đã cử ông Phạm Đình Tờ làm Trưởng HĐGT và bác Phạm Đình Điểu là thư ký HĐGT).
- Tháng chạp Âm lịch hàng năm, HĐGT họp và gửi thư chúc tết, giấy mời họp họ cho hơn 200 hộ gia đình trong toàn quốc.
- Ngày 15 tháng giêng Âm lịch hàng năm, cả họ tập trung tại nhà thờ họ để lễ Tổ và họp họ, chương trình như sau:

1) Đại diện dòng họ mang hương hoa, lễ vật ra Đình, Chùa của Làng để Lễ Thánh và Lễ Phật.
2) Cả họ làm Lễ Tổ, ông trưởng Hội đồng gia tộc đọc bài khấn và mọi người cùng khấn tổ tiên
3) Thư ký Hội đồng gia tộc đọc báo cáo hoạt động dòng họ trong năm và phương hướng năm tới.
4) Báo cáo tài chính trong năm
5) Mừng thọ các vị cao niên đến tuổi 70, 75, 80 ...
6) Công bố với họ các cháu sinh ra trong năm qua.
7) Công bố với họ người đã mất năm qua và cả họ mặc niệm để tưởng nhớ hương hồn người ra đi.
8) Mọi người trong họ và khách mời tham gia đóng góp các ý kiến.
9) Liên hoan và thụ lộc.



Bác Phạm Hồng và Bác Phạm Hồng Vũ trao ảnh
Thượng Thuỷ Tổ Phạm Tu cho Đại diện BLL họ Phạm Khương Trung

Họ Phạm Đình - Khương Trung đến nay đã làm được một số việc sau: - Đã xây dựng được Phả đồ của 10 đời (dựa trên bản Gia Phả bằng chữ Hán-Việt, làm bằng giấy gió cách đây hơn 200 năm, Nhà sử học Dương Trung Quốc và Tiến sỹ Nguyễn Văn Trường ở Viện Hán Nôm đã xác định).
- Đã sưu tầm được một số bản sắc phong của một số cụ Tổ có công với nước trong các thế hệ trước kia.
- Đã sưu tầm và đang nghiên cứu bản Gia Phả bằng chữ Hán-Việt của ngành "Phạm Đình 2" trước ngành "Phạm Đình 2" 3 đời.
- Thăm các người trong họ bị ốm nằm bệnh viện hoặc ốm nặng ở nhà.
- Phúng viếng người trong họ hoặc tứ thân phụ mẫu người trong họ tạ thế.
- Vào đầu năm, một số gia đình trong họ có tổ chức đi tảo mộ tại Nghĩa Trang Yên Kỳ (Hà Tây trước đây) để thắp hương các mộ tổ tiên và những người trong họ.
- Đã tìm được một số mộ các cụ tổ bị thất lạc và nâng cấp các mộ, như mộ Cao tổ Phạm Đình Cẩn tại Nghĩa Trang Yên Kỳ.


Đại diện các gia đình Họ Phạm Đình chụp ảnh tại đình Làng

Chương trình của Họ trong những năm sắp tới sẽ thực hiện một số việc sau:

1) Năm 2009 và năm 2010 sẽ quyên góp kinh phí trong họ để xây và nâng cấp 2 mộ tại Nghĩa Trang Yên Kỳ (Bất Bạt) đó là mộ Cao tổ Phạm Đình Vui (Húy Cẩn) và mộ Cao tổ Phạm Đình Tùng (Húy Dẻo).
2) Lập gia phả của họ hiện nay (gia phả cũ gần 200 năm chỉ đến đời thứ 6, nay đã đến đời thứ 10)
3) Xây dựng và thống nhất bản Tộc ước của họ.
4) Kết nối họ "Phạm Đình 1" với các họ Phạm Làng Khương Trung và với họ Phạm ở Hà Nội ....
5) Lập quỹ khuyến học để động viên các cháu có thành tích trong học tập.

Họ Phạm Đình - Khương Trung tự hào có cụ Phạm Đình Thanh đỗ Tú tài và làm quan đời Hậu Lê, một số cụ đã làm quan Tri Châu, Chi Phủ, Chi Huyện. Cụ Phạm Đình Đào là lý trưởng đầu tiên của làng Khương Trung, năm 1917. Năm 1947-1957, Cụ Phạm Đình Dụ là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến Quận 5 (Quận Đống Đa hiện nay), sau là Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội, con trai của cụ là ông Phạm Quốc Trường làm Giám đốc sở Giao thông công chính của Hà Nội. Từ những năm 1980 đến 1998, họ có ông Phạm Đình Hoan là Giám đốc Sở Thuỷ Lợi, sau làm Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Sơn Bình, ông Phạm Đình Quyền là Phó Giáo sư, giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội, ông Phạm Đình Điểu là Thạc sỹ, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phạm Đình Tùng là Nghệ sỹ ưu tú, là nhân chứng lịch sử, người đã quay những thước phim xe tăng tấn công vào Dinh Độc lập năm 1975.

Hiện nay Họ Phạm Đình - Khương Trung có 9 tiến sỹ, 3 thạc sỹ, 19 kỹ sư, 23 bác sỹ, lương y ...

Họ Phạm Đình - Khương Trung cũng rất tự hào về nghề thuốc Bắc gia truyền. Cách đây gần 150 năm, cụ Phạm Đình Lực đã học được nghề thuốc Bắc từ thầy thuốc người Trung Hoa. Sau đó ông Lang Lực đã truyền nghề cho các con là: ông Hàn Điếm, Hai Sở, Ba Sớ, Tư Tý.

Thương hiệu "Khương Lâm" của cụ Lang Lực rất nổi tiếng ở Hà Nội và các vùng xung quanh. Thế hệ con, cháu, chắt... của cụ Lang Lực đang phát huy nghề thuốc gia truyền, có thầy thuốc còn được mời chữa cho các Việt Kiều ở các nước.

Phạm Đình Điểu

1 nhận xét:

  1. Tôi cũng là người họ Phạm sống ở phường Bạch Đằng, ở đây có 8 hộ toàn là họ Phạm, quê gốc tôi ở Hưng Yên. Rất mong nhận được liên lạc với những nhánh họ Phạm khác trên Hà Nội

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi