Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

31 tháng 8, 2010

Phạm Văn Quyến được gọi trở lại đội tuyển

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 8 31, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Lời BBT: Phạm Văn Quyến một ngôi sao bóng đá, một tài năng trẻ đã trải qua những thăng trầm đáng để thế hệ trẻ Việt Nam nói nó chung, thể hệ trẻ họ Phạm nói riêng rút ra những bài học thích đáng về sự phấn đấu của bản thân.  Chúng tôi xin trích đăng bài báo của Khoa Nguyễn viết về sự kiện Phạm Văn Quyến được trở lại Đội tuyển Quốc gia Việt Nam để mọi người cùng suy ngẫm

Văn Quyến và cơ hội cuộc đời

“Danh vọng, tiền tài, ánh hào quang đến quá sớm khiến những người trẻ dễ lóa mắt rồi lạc đường. Tôi đã ở hoàn cảnh đó. Giờ xin hãy coi Quyến là cầu thủ bình thường đang nắm cơ hội làm lại cuộc đời”, tiền đạo người Nghệ An tâm sự khi trở lại đội tuyển.

Tiền đạo Văn quyến (ảnh bên) của Hoàng Hà

Ít có cầu thủ nào thành danh sớm như Văn Quyến. Khi 16 tuổi anh là cầu thủ hay nhất giải U16 châu Á (tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam vào đến bán kết), và được xem là thần đồng của bóng đá Việt Nam. Chỉ hai năm sau Văn Quyến đã được HLV Calisto lần đầu tiên gọi vào đội tuyển quốc gia cùng với những danh thủ đàn anh Hồng Sơn, Huỳnh Đức. Ở đội Sông Lam Nghệ An, Quyến là trụ cột, từng nhiều lần được bầu là cầu thủ hay nhất tháng V-League. SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, Văn Quyến là niềm hy vọng số một của đội U23 và anh đã thi đấu tốt. Trong trận chung kết hồi đó tại sân Mỹ Đình, U23 Việt Nam giành HC bạc khi để thua Thái Lan 1-2. Cũng trong năm đó, tiền đạo thấp đậm này được xem là người hùng với bàn thắng duy nhất vào lưới tuyển Hàn Quốc giúp U23 Việt Nam thắng 1-0 trong trận đấu tại Oman thuộc vòng loại Asian Cup 2004.

Những bàn thắng và màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ đem theo tiền tài và biến Quyến từ một chàng trai quê thành thần tượng của giới trẻ. Từ một cậu con trai mới lớn chỉ biết ăn và tập đá bóng, Quyến nhanh chóng lột xác thành một tay chơi sành điệu. Từng có lúc Quyến dùng đến vài chiếc điện thoại đời mới nhất mà mỗi con gắn một thẻ sim đẹp. Đã có lúc Quyến giầy da bóng lộn vi vu ở những nơi xa hoa nhất…

Sự nghiệp thăng tiến đến chóng mặt, cứ ngỡ Quyến sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như một người tài năng nhất, thành công nhất. SEA Games 2005 tại Philippines, U23 Việt Nam được đánh giá là ứng viên nặng ký của chức vô địch nhưng đội chỉ về nhì bởi thua Thái Lan 0-3 trong trận chung kết. Thất bại đó là nỗi đau của cả một thế hệ đầy tài năng như Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Quốc Vượng. Nỗi đau không chỉ dừng ở thất bại trong trận chung kết, nó còn loang ra, lớn hơn khi cơ quan điều tra phanh phui vụ bán độ của một nhóm 7 cầu thủ. Quyến nằm trong số ấy. Nhận án tù treo hai năm, bị VFF treo giò 4 năm, bị FIFA cấm thi đấu quốc tế tới khi nào VFF làm đơn xin thôi, Văn Quyến coi như trắng tay.

Quyến của năm 2005 chẳng khác một tên tội phạm. Tiền tài, danh dự, niềm tin mất tất chỉ sau một hành động mà theo Văn Quyến là cú sốc quá sức tưởng tượng. Anh khi ấy mới 21 tuổi. Những ngày ngồi trong trại giam và cả khi mới được tại ngoại, bị cắt mọi chế độ ở Sông Lam Nghệ An, Quyến từng ước giá như anh vẫn chỉ là cậu bé mục đồng và lớn lên trở thành anh lực điền ở đất Hưng Nguyên, thì hẳn đã không phải chịu đựng những ngày tháng cay đắng đến vậy. Thời kiếm bạc triệu Quyến tiêu tiền như nước, nhưng sau SEA Games 2005, anh phải sống nhờ vào đồng đội và cả số tiền ít ỏi bà mẹ Niềm chắt chiu gửi cho. Ngày ấy Quyến từng tuyệt vọng. Đã nhiều lần “Cậu bé vàng” ngày nào của bóng đá Việt Nam dằn vặt, cho rằng phải chăng cuộc đời đã quá khắt khe, và không còn cơ hội nào cho anh làm lại nữa.

Nhưng nhờ tác động từ CLB Sông Lam Nghệ An và cả nỗ lực tự thân, tháng 1/2009, Văn Quyến được VFF giảm án treo giò. Đón nhận tin hồi ấy, Quyến tâm sự anh như được tái sinh. Anh lao vào tập luyện, kiêng cữ mọi thứ để giảm trọng lượng. Bằng nỗ lực ấy, Quyến đã chơi khá tốt trong màu áo Sông Lam Nghệ An ở V-League 2009. Anh thậm chí còn được bầu là cầu thủ hay nhất tháng cuối cùng ở giải này.

Tưởng như Quyến đã tỏa sáng trở lại, nhưng số phận có lẽ còn muốn tiếp tục thử thách chân sút người Nghệ An. Đang trên đà lấy lại phong độ, Văn Quyến bị tai nạn xe máy dịp Tết nguyên đán 2010. Từ chấn thương này anh mất suất chính ở Sông Lam Nghệ An, khi đội ưu tiên sử dụng ngoại binh. Rất hiếm khi được thi đấu ở V-League 2010, Quyến vì thế không ghi được bàn thắng nào trong mùa giải năm nay, không để lại ấn tượng sâu đậm nào với người hâm mộ và giới chuyên môn. Với phong độ ấy, Quyến có lẽ chưa có cửa trở lại đội tuyển thi đấu giải sắp tới nếu ông Calisto không ngồi trên chiếc ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam.

Từng gọi Quyến vào tuyển từ năm 2002, trong mắt Calisto, Văn Quyến vẫn là một cầu thủ đặc biệt với những kỹ năng hiếm có. Ngay từ khi anh trở lại ở V-League 2009 HLV người Bồ Đào Nha đã dành cho anh sự quan tâm đặc biệt với cuốn sổ tay ghi rõ những thông số chuyên môn. Niềm tin của HLV Calisto đối với Quyến lớn đến mức ngay cả khi anh vừa có một mùa giải thất vọng vẫn được điền tên vào danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia.

Ít biểu lộ cảm xúc ra bên ngoải nên dù rất mừng khi biết tin có tên trong danh sách đội tuyển chuẩn bị dự Cup 1000 năm Thăng Long, Quyến chỉ có thể phát biểu vài câu. “Từng nhiều lần khoác áo tuyển Việt Nam nhưng khi có tên trong đợt triệu tập lần này của thầy Calisto, tôi đã bật khóc. Tôi từng có tất cả nhưng lại lóa mắt lầm đường để rồi phải trả cái giá quá đắt. Giờ đây xin hãy coi Văn Quyến là một người bình thường. Con người bình thường ấy đang cố đi tìm lại chính mình và bây giờ là cơ hội tốt để làm điều đó. Tôi xem việc được trở lại đội tuyển là cơ hội của cả cuộc đời. Phải cố gắng tận dụng nó để tìm lại niềm tin, để trả nợ người hâm mộ bởi đó mới là những giá trị lớn nhất của cuộc đời”, Quyến chia sẻ.

(xin lỗi tác giả chúng tôi lược bớt Danh sách Đội tuyển Quốc gia mới được triệu tập - BBT).

Khoa Nguyễn
»»  Đọc tiếp

Họp mặt họ Phạm Thừa Thiên - Huế

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 8 31, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

HỌ PHẠM THỪA THIÊN HUẾ THIẾT THỰC
KỶ NIỆM NGÀY MẤT THƯỢNG THỦY TỔ

Trong hai ngày 28 và 29/8/2010 (tức 19 và 20/7 Canh Dần), Ban Liên lạc họ Phạm Thừa Thiên Huế đã tổ chức các hoạt động đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày mất của Đức Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam.
Sau một quá trình chuẩn bị tích cực, sáng ngày 28/8, tại nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ, Phường Hương Long, thành phố Huế, đã diễn ra Lễ An vị linh vị Thượng thủy tổ. Trong quá trình trùng tu Từ đường, khi được biết Ban Liên lạc tỉnh đang tìm kiếm nơi để lập án thờ vọng Ngài Thượng thủy tổ và làm nơi sinh hoạt chung toàn tỉnh, họ Phạm làng An Ninh Hạ đã bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng dành tầng 2 của Từ đường cho việc chung. Vậy là ngày 28/8, nhân dịp khánh thành Từ đường mới trùng tu, lễ an vị cũng được tiến hành trong niềm hoan hỉ của bà con họ Phạm An Ninh Hạ và cộng đồng họ Phạm tỉnh.

                             Ảnh 1: Đoàn rước cung nghinh Linh vị và di ảnh Thượng thủy tổ

Lễ An vị được bắt đầu lúc 10 giờ, với đầy đủ các thủ tục theo lễ nghi truyền thống. Bắt đầu là phần cung nghinh Linh vị và di ảnh Ngài Thượng thủy tổ từ ngoài cổng nhà thờ vào, bởi một đoàn đông đảo các bậc cao niên và bà con họ Phạm Làng An Ninh Hạ, cùng với các thành viên Ban liên lạc họ Phạm tỉnh. Ba hồi chiêng, ba hồi trống gióng lên, vang vọng khắp vùng như báo tin cho chư vị thần linh thổ địa biết. Dẫn đầu đoàn cung nghinh là đội trống kèn, tấu các bản lễ nhạc uy nghi. Phần lễ chính được chủ trì bởi các vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni; trong sự thành kính của các vị trong Ban Liên lạc họ Phạm Thừa Thiên Huế, Ban Liên lạc họ Phạm Quảng Nam-Đà Nẵng và đông đảo bà con họ Phạm An Ninh Hạ. Khi bản sớ đã được hóa, những hồi chuông mỏ và kinh kệ chầm chậm ngừng lại, có nghĩa là Ngài đã nhập về với Linh vị trên án thờ tại đây. Vậy là kể từ nay, vong linh Thượng thủy tổ đã vào đây cùng với con cháu họ Phạm ở Thừa Thiên Huế.

                                         Ảnh 2: Linh vị và di ảnh Thượng thủy tổ trên bàn thờ

Dường như trong lòng những người có mặt đều cảm thấy có một điều gì đó mới mẻ, một tình cảm thiêng liêng vừa đến. Lễ An vị xong, ai đó mới phát hiện ra một mối cơ duyên thật kỳ lạ: hóa ra nhà thờ họ Phạm An Ninh Hạ tọa lạc trên đường Lý Nam Đế, và Ngài Thượng thủy tổ chúng ta được an vị ở nhà thờ, vậy là vua tôi đã tìm về với nhau ở xứ Thần Kinh này.
Buổi chiểu 28/8, trời Huế đổ mưa, mưa như trút nước đến tận khuya và ai cũng nghĩ rằng sáng ngày mai, Lễ dâng hương sẽ bị ảnh hưởng của thời tiết xấu. Vậy nhưng, điều diệu kỳ lại đã xảy ra, buối sáng ngày 29/8 tức 20/7 âm, trời bổng trở nên tạnh ráo, nắng nhẹ. Vậy là từ sớm, sớm trước 8 giờ là giờ mà Ban tổ chức ghi trong thư mời, bà con họ Phạm từ khắp nơi trong tỉnh đã tề tựu khá đông về Nhà thờ họ Phạm An Ninh Hạ dự Lễ dâng hương tưởng niệm Thượng thủy tổ và họp mặt họ Phạm toàn tỉnh lần thứ hai. Các bậc cao niên xùng xình trong bộ áo dài xanh lễ phục, các bậc trung niên và thanh niên cũng vận đồ Tây nghiêm chỉnh. Danh sách đăng ký đại biểu dài mài, dài mãi… So với năm trước, năm nay có nhiều chi họ đến tham gia hơn, cũng như đã có mặt một số cá nhân họ Phạm đang giữ trọng trách quản lý cấp Sở ở địa phương. Đặc biệt, tiến sĩ Phan Thanh Hải, giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, và nhà nghiên cứu lịch sử Huế Dương Phước Thu cũng đã đến tham dự.

Ảnh: GS.Phạm Như Thế, Trưởng BLL, thành kính dâng hương

Chương trình bắt đầu với bài Diễn văn nêu lên thân thế sự nghiệp và ngợi ca công đức của Thượng thủy tổ, do bác Phạm Bá Vương, Phó trưởng Ban Liên lạc tuyên đọc. Tiếp đó, lần lượt gần 100 con cháu, dẫn đầu là các bậc cao niên, đã tiến đến bàn thờ, dâng nén hương thành kính lên Người. Sau đó, dưới mái tiền đường nhà thờ họ, đã diễn ra cuộc họp bàn việc họ. Ban Liên lạc đã có báo cáo trước bà con các hoạt động dòng họ trong năm qua và những định hướng hoạt động trong năm tới. Phần trao học bổng khuyến học dòng họ tiếp nối chương trình, với 6 xuất học bổng, mỗi xuất trị giá 1 triệu đồng, đã được trao cho 6 em học sinh, sinh viên con cháu trong họ có thành tích học tập tốt nhưng gia đình có khó khăn, do các họ đề xuất lên. Các học bổng là kết quả vận động những tấm lòng hảo tâm trong họ. Mỗi em ngoài số tiền học bổng, đã được nhận một giấy chứng nhận với lời nhắn nhủ “mong muốn rằng các em sẽ vươn lên đạt được thành tích học tập tốt hơn, góp phần làm rạng danh truyền thống họ Phạm”.

                           Ảnh: Đông đảo bà con trong tỉnh về dự Lễ dâng hương và họp mặt
Phần thảo luận đã bất ngờ sôi nổi với nhiều đăng ký phát biểu của các đại diện họ tộc và cá nhân. Các ý kiến đều mong muốn tiếp tục duy trì hoạt động họp mặt, kết nối dòng họ, sưu tập và trao đổi tư liệu dòng họ, đưa công tác khuyến học vào nề nếp,…Một số ý kiến góp ý cho hoạt động của Ban Liên lạc sao cho hiệu quả hơn, tốt hơn và đặc biệt phải làm sao trở thành đầu mối thực sự cho sự liên lạc giữa các chi họ địa phương. Đa số ý kiến đồng tình với việc xúc tiến đề nghị đặt tên đường Phạm Tu ở Huế và việc đúc và dựng tượng Ngài ở khuôn viên nhà thờ họ Phạm An Ninh Hạ.
Sau cùng, toàn thể bà con dự họp đã nhất trí cao với đề án kiện toàn nhân sự Ban Liên lạc, theo hướng bổ sung đại diện các Ban Liên lạc cấp huyện, đại diện họ Phạm làng An Ninh Hạ và bổ sung một số thành viên mới cho các tiểu ban. Như vậy, Ban Liên lạc họ Phạm Thừa Thiên Huế năm 2010-2011 sẽ gồm 15 thành viên với các vị trí chủ chốt là:
1. GS.TS. Phạm Như Thế, Nguyên GĐ Bệnh Viên TƯ Huế (đã nghỉ hưu), Trưởng ban
2. Ông Phạm Bá Vương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó trưởng ban
3. TS.Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, Phó trưởng ban
4. Nhà báo Phạm Hữu Thanh Tùng, Đại diện Báo Tiền Phong tại Huế, Phó trưởng ban
5. KS. Phạm Quyền, Giám đốc BQL Dự án Thủy sản Sở NN-PTNT, Phó trưởng ban
6. TS.Phạm Khắc Liệu, Trưởng khoa Trường ĐH Khoa học Huế, Thư ký
Chương trình đã khép lại với bữa tiệc liên hoan đông đúc, vui vẻ và đầm ấm tình bà con đồng tộc./.

Huế, ngày 29/8/2010
Phạm Khắc Liệu
(Thư ký BLL họ Phạm Thừa Thiên Huế)

»»  Đọc tiếp

Cuộc họp mặt họ Phạm toàn quốc lần thứ XIII

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 8 31, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments


CUỘC HỌP MẶT HỌ PHẠM TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII.

Ngày 29/8/2010 (nhằm 20/7 ÂL), tại Tp. Ninh Bình đã diễn ra cuộc gặp mặt họ Phạm toàn quốc lần thứ XIII. Dù thời tiết không thuận lợi mưa gió liền mấy ngày thế mà đã có tơí gần 1500 bà con cô bác họ Phạm từ khắp miền đất nước về dự. Có những Đoàn đông tơí gần một trăm vị. Đặc biệt lần này có đại diện họ Phạm ở đảo Lý Sơn Quảng Ngãi lần đầu tiên về với đại gia đình họ Phạm. Vì số lượng đại biểu qúa đông nên Hội trường chính của Nhà Văn hóa Ninh Bình không đủ chỗ phải kê thêm hàng trăm ghế nhựa và bố trí một Hội trường phụ bên cạnh cũng được trang hoàng cờ họ Phạm và một màn hình cỡ lớn để bà con theo rõi.
Ngay từ chiều ngày 28/8 đại diện Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam đã về dâng hương tại Đình thờ Thượng thủy tổ Phạm Tu tại Thanh Liệt Hà Nội.
Bắt đầu cuộc họp mặt là một chương trình văn nghệ đặc sắc của Đoàn Chèo Ninh Bình. Tiếp theo là nghi thức lễ Bái vọng Thượng thủy tổ rất trang nghiêm.
Ông Phạm Đình Nhân, Phó Trưởng BLL đã đọc bài diễn văn khai mạc. Tiếp theo ông Phạm Trọng Thi, Trưởng BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình, đơn vị đăng cai hội nghị lên phát biểu. Ông Phạm Đạo, Trưởng BLL đã trình bầy Báo cáo về hoạt động của BLL khoá V. Anh Hùng Phạm Tuân có bài phát biểu ngắn đầy tinh nghĩa.
Phần trao phần thưởng cho các cháu đỗ thủ khoa vào các trường Đại học và đoạt giải cao trong các kỳ thi toán và vật lý quốc tế cũng như trao tiền gúp đỡ của BLL cho bà Nguyễn Thị Nở, một gia đình họ Phạm có 10 người con bị điên đã được cả hôị trường tán thưởng nhiệt liệt.
Ông Phạm Cầu, Phó Trưởng BLL đã trình bày dự kiến nhân sự Khóa VI với tinh thần trẻ hóa đội ngũ và đưa những người thực sự làm việc vào BLL họ Phạm toàn quốc đã được toàn thể Hội nghị thông qua.
Tiếp theo chương trình là các bài tham luận của BLL họ Phạm Hà Nội, BLL họ Phạm Quảng Nam – Đà Nẵng, đặc biệt là bài phát biểu của ông Phạm Thoại Tuyền đến từ Đảo Lý Sơn đã được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt. Ông Phạm Đình Điểu, Phó TTK BLL đã đọc bức thư ngỏ của Hội nghị đến bà con họ Phạm trong và ngoài nước. Ông Phạm Đạo đã lên cám ơn các vị đại biểu không ngại mưa gió đến dự và đặc biệt là BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc gặp mặt mặc dù số lượng đại biêủ đã tăng gấp 3 số dự kiến của Ban tổ chức.
Toàn thể bà con về dự đã dự bữa cơm thân mật chan chứa tình đồng tộc.
Buổi chiều là chương trình tham quan chùa Bái Đính, một công trình Phật giáo quy mô lớn nhất Việt Nam.

Hà Nội, 30/8/2010
Pha Lê

Sau đây là một số hình ảnh về buôỉ họp mặt











»»  Đọc tiếp

27 tháng 8, 2010

Chùm ảnh nhà Thờ An Ninh Hạ

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 27, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Chúng tôi xin giới thiệu chùm ảnh nhà thờ An Ninh Hạ của tác giả Thanh Tùng tham gia cuộc thi "Ảnh đẹp nhà thờ họ Phạm"

»»  Đọc tiếp

20 tháng 8, 2010

Cuộc thi ảnh đẹp nhà thờ họ Phạm

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 20, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

CUỘC THI ẢNH ĐẸP NHÀ THỜ HỌ PHẠM

Cuộc thi này do BLL họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh khởi sướng đã hơn một năm nay.
Đến nay đã bắt đầu được bà con họ Phạm hưởng ứng. Chúng tôi xin giới thiệu Chùm ảnh nhà thờ họ Phạm làng Khuôn Phò, huyện Quảng Điền, thỉnh Thừa Thiên Huế của tác giả Phạm Hữu Thanh Tùng và Phạm Bá Lượng.gửi tới tham gia:

1. Bình phong

2. Tam quan

3. Tiền đường

                                         4. Toàn cảnh nhà thờ họ Phạm làng Khuôn Phò
»»  Đọc tiếp

BLL huyện Quảng Điền đã được thành lập

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 20, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thừa Thiên Huế:
Thành lập BLL Họ Phạm huyện Quảng Điền

Với ước nguyện kết nối dòng họ, tìm về cội nguồn tổ tông, sáng ngày 14-8-2010, tại trụ sở cơ quan UBMTTQVN huyện Quảng Điền, bà con họ Phạm đang công tác, làm việc tại thị trấn Sịa và đại diện một số chi họ Phạm ở các làng xã trong huyện đã có cuộc gặp mặt lần thứ nhất. Với tư cách là triệu tập viên, hướng dẫn các chi họ Phạm ở các địa phương hoạt động theo đúng quy chế của Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam, BLL Họ Phạm Thừa Thiên Huế cử các ông Phạm Xuân Phụng, Phạm Bá Vương, Phó BLL, và ông Phạm Hữu Thanh Tùng, Uỷ viên BLL Họ Phạm Việt Nam, Phó Tổng biên tập Bản tin Nội tộc – Thông tin Họ Phạm Việt Nam, về dự, tham gia ý kiến về công tác tổ chức và định hướng các hoạt động.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, thảo luận của đại diện các chi họ, của đại diện BLL Họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế, tại cuộc gặp mặt này bà con đã đề cử một BLL lâm thời gồm 11 người, giao nhiệm vụ cho BLL lâm thời thông báo nội dung cuộc họp và các chương trình hoạt động đã được bàn thảo đến các chi họ trong địa phương; đến bà con họ Phạm trong huyện đang làm ăn, sinh sống ở các địa phương khác. Cụ thể là sớm hình thành các ban chuyên lo công tác kết nối dòng họ, khuyến học, vận động xây dựng nguồn tài chính, phối hợp tốt với các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong huyện để tham gia công tác xã hội, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong các chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình…
Bà con các chi họ Phạm trong huyện rất xúc động, phấn khởi trước sự kiện này và bày tỏ mong muốn có cuộc gặp mặt lần tiếp theo ở quy mô lớn hơn, số lượng tham dự đông hơn, trước mắt là thành lập đoàn đại biểu của huyện tham dự lễ tưởng niệm Ngài Thượng Thuỷ tổ Phạm Tu tại thành phố Huế, do BLL Họ Phạm của tỉnh tổ chức vào đúng ngày kỵ của Ngài – ngày 20-7 Canh Dần (nhằm ngày 29-8-2010).
Quảng Điền là huyện đầu tiên thành lập BLL Họ Phạm. Việc thành lập BLL ở các huyện nằm trong chương trình hoạt động năm 2010 của BLL Họ Phạm tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các làng xã ở huyện Quảng Điền có họ Phạm khai canh:

1. Làng Phong Lai, xã Quảng Thái, thành lập thế kỷ 16, do 7 ngài khai canh của 7 họ Phạm, Văn…
2. Làng Ô Sa, xã Quảng Vinh, thành lập thế kỷ 15; khai canh là ngài họ Phạm, cùng các họ Nguyễn Đại..
3. Thôn Khuôn Phò Đông, xã Quảng Phước, thành lập vào thế kỷ 16; tiền khai canh ngài họ Lê, hậu khai khẩn các ngài họ Phan, Đoàn, Phạm…
4. Làng Lai Hà, xã Quảng Thái, thành lập khoảng cuối thế kỷ 14, khai canh các ngài họ Nguyễn, Hoàng, Văn, Phạm…
5. Làng Cổ Tháp, xã Quảng Vinh, thành lập thời Hậu Lê cách nay khoảng 500 năm, khai canh là ngài họ Lê cùng các họ Trần, Cao, Văn, Phạm..
6. Làng Phong Lai, xã Quảng Thái, thành lập từ thế kỷ 14, khai canh là các ngài họ Văn, Phạm, Trần…
7. Làng Khuôn Phò Nam, thành lập năm 1558, khai canh là các ngài họ Lê, Phan, Phạm…
8. Làng Hà Công, xã Quảng Lợi, họ Phạm từ làng Thượng Loại về định cư…
9. Làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, thành lập thế kỷ 16, khai canh hai họ Đoàn, họ Phạm…
10. Làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, thành lập cách nay 500 năm, khai canh gồm các họ Phạm, Phan, Trần…
11. Thôn Lai Trung Ba, (Hoài Lai xưa) xã Quảng Vinh, thành lập thế kỷ 15, khai canh các ngài họ Văn, Phạm, Trần, Phạm Bá…
Nguồn: Thông tin Họ Phạm Việt Nam số 31

Ảnh: Các đại biểu về dự họp chụp ảnh lưu niệm ở nhà thờ làng Khuôn Phò.

Thanh Tùng
»»  Đọc tiếp

15 tháng 8, 2010

Tin vắn

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 8 15, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

HỌ PHẠM - PHẠM XÁ LÀM KHUYẾN HỌC

      Sáng nay 15/08/2010 tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Hà Nội, BLL họ Phạm – Phạm Xá đã tổ chức buổi Lễ biểu dương Con ngoan Trò giỏi cho 68 cháu từ Tiểu học đến Đại học là con cháu của dòng họ. Đến dự có các cô bác trong BLL họ Phạm - Phạm Xá, nhiều bà con họ Phạm – Phạm Xá, đặc biệt có rất đông phụ huynh và các cháu học sinh giỏi con em họ Phạm – Phạm Xá. Đến dự còn có PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm và nhiều bác trong Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam.

      Đầu tiên là lễ dâng hương “nhà giáo của muôn đời” Chu Văn An và ba danh nhân tiêu biểu của dòng họ Phạm-Phạm Xá rất trang trọng. Sau đấy bà Phạm Thị Thúy Lan, phụ trách khuyến học của dòng họ đã đọc báo cáo hoạt động của Ban khuyến học và công bố danh sách các cháu được biểu dưong lần này. Theo bản báo cáo, trong năm học 2009-2010 nhiều cháu trong dòng họ đã đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp; tất cả các cháu học sinh lớp 11 năm ngoái được biểu dương Con ngoan Trò giỏi đều trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay với điểm số cao. Năm nay là năm thứ 7 liên tiếp, dòng họ Phạm-Phạm Xá tổ chức tổng kết khuyến học hàng năm tại Văn Miêu-Quốc Tử Giám nhằm động viên con cháu phát huy truyền thống hiếu hoc của dòng họ. Việc làm này đã có tác dụng rất tốt khuyến khích các cháu cố gắng phấn đấu để đạt những kết quả học tập tốt hơn vì ngày mai lập nghiệp.

       Ông Phạm Đạo được mời lên phát biểu. Ông đã đánh giá BLL họ Phạm - Phạm Xá là một trong những BLL làm tốt công tác khuyến học khuyến tài trong cả nước. Và động viên các cháu cố gắng học tập tốt hơn nữa.
    
     Phần trao giải thưởng cho cáca cháu rất vui vẻ và đầm ấm.
     Trộm nghĩ: nếu BLL nào cũng làm tốt công tác Khuyến học khuyến tài như BLL họ Phạm - Phạm Xá thì công tác khuyến học khuyến tài của toàn dòng họ Phạm chúng ta sẽ sôi động và tốt đẹp biết bao!

     Sau đây là mấy hình ảnh về buổi lễ



Hà Nội, 15/08/2010
Pha Lê.
»»  Đọc tiếp

14 tháng 8, 2010

Tin buồn

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 8 14, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Tin buồn

Ông Phạm Bá Vượng, nguyên quán Hà Tĩnh, ngụ tại 474/1 Nguyễn Thái Sơn, P5, Gò Vấp là thành viên ban liên lạc họ Phạm thành phố Hồ Chí Minh đã từ trần 3h30phút ngày 06/08/2010 an táng tại nghĩa trang họ Phạm ở Bến Cát, Bình Dương. Xin thành kính chia buồn cùng gia quyến.

Ban liên lạc Họ Phạm
Thành phố Hồ Chí Minh
»»  Đọc tiếp

13 tháng 8, 2010

Thông báo số 11 của TTBLL họ Phạm khóa V

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 13, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thông báo số 11 của TTBLL họ Phạm Việt Nam khóa V

        Chiều ngày 12/8/2010, tại Hà Nội đã có cuộc họp Thường trực mở rộng của BLL họ Phạm Việt Nam Khóa V. Cuộc họp đã rà soát lại công tác chuẩn bị cho Cuộc họp mặt đại biểu họ Phạm toàn quốc tại thị xã Ninh Bình vào ngày 29/8/2010 (nhằm ngày 20/7 Âm lịch). Các khâu chuẩn bị đang được tích cực xúc tiến, mọi việc sẽ được hoàn tất trước ngày 28/8.
      Vì vậy cuộc họp mặt vẫn được tiến hành đúng thời gian và địa điểm như thông báo trước. Cụ thể như sau:
      Thời gian: 8h30 ngày Chủ nhật, 29/08/2010 ( nhằm 20 tháng 7 Canh Dần)
      Địa điểm: Hội trường Nhà văn hóa tỉnh Ninh Bình: số 43 Lê Đại Hành, phường Thanh Bình, Tp. Ninh Bình.

     Chúng tôi xin công bố chương trình của cuộc họp để bà con cung biết.





»»  Đọc tiếp

7 tháng 8, 2010

Họ Phạm Côi Trì 10 năm

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 8 07, 2010 bởi Phạm Đạo · 2 comments

Họ Phạm Côi Trì tổng kết 10 năm xây dựng từ đường, thực hiện tộc ước, bổ sung tộc phả

      Làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có ba chi là Côi Trì, Thọ Thái và Ngọc Lâm. Ngày nay con cháu của họ Phạm Côi Trì sinh sống khắp nơi: Ninh Bình, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Mê Linh-Vĩnh Phú (nay là Hà Nội), Thanh Hóa. Trước đây, tiền nhân đã xây dựng gia phả, nhưng đã bị giặc Pháp ném bom đốt cháy mất hết, nay không còn văn bản mà chỉ theo truyền ngôn. Nhận thức rõ sự cần thiết phải có gia phả để duy trì tôn ti trật tự trong dòng họ, phải có từ đường để thờ phụng tổ tiên và phải có tộc ước để xây dựng dòng họ và gia đình có gia phong, lễ giáo, ngày 25.6.1999 Tộc họ đã mở Đại hội đại bỉểu toàn tộc dưới sự chủ trì của Trưởng tộc Phạm Hưng. để bàn bạc công khai thẳng thắn và cụ thể rồi ghi thành Nghị quyết về việc triển khai các việc họ kể trên. Đại hội đã bầu Hội đồng gia tộc, có kế hoạch và phân công cụ thể từng khâu công việc, định kỳ từng thời gian có kiểm điểm tiến độ thực hiện công việc và có kế hoạch tiếp theo.
      Từ đó đến nay đã tròn 10 năm. Ngày 3 tháng 3 Canh Dần (tức 16.4.2010), đúng vào ngày giỗ Tổ, dòng họ Côi Trì tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của dòng họ về những việc mà Hội đồng gia tộc đã đề ra ngày 25/6/1999. Tất cả các chi họ đều về dâng hương Tiên tổ và dự Tổng kết, đặc biệt có chi họ ngoại (con gái của họ đã xuất giá) ở Mê Linh- Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội) đã về tới bốn chục người. Đai diện Ban Liên lạc họ Phạm-Phạm Xa gốc Kính Chủ cũng về dự lễ. Bản báo cáo tổng kết của dòng họ đã được làm nghiêm túc, cụ thể, đánh máy rõ ràng. Trưởng tộc đã đánh giá từng phần công việc, những việc đã làm được, trong từng mặt công việc ông biểu dương những người có nhiều đóng góp và nghiêm khắc nhắc nhở những việc chưa được, những người có sai làm. Thật là ít thấy những bản báo cáo về công việc của dòng tộc cẩn thận như thế! Bản báo cáo trình bày rõ :
      Cụ Phạm Thị Mò và hai con trai ở xóm 1, xã Yên Mỹ đã hiến đất thổ cư để xây dựng Từ đường. Rồi cả dòng họ chung sức xây dựng, người thì chăm lo kỹ thuật, người thì lo cung ứng vật tư, người thì lo sắp đặt thứ tự theo đúng tộc phả, rồi mua đồ tự khí, dựng bia ký và bia đóng góp,... (ông kê tên từng người). Cả họ đồng lòng làm trong 3 tháng (từ 11.1 đến 14.4.2000, tức năm Canh Thìn) thì hoàn thành. Đúng ngày giỗ Quôc Tổ 10.3 năm Canh Thìn, họ làm lễ khánh thành chiêu nghinh Tiên tổ, mộ tổ cũng đã được đặt bia, tôn tạo. Bà con trong Họ hết sức vui mừng, Tộc trưởng Phạm Hưng tổng kết công việc, biểu dương những người có nhiều đóng góp đồng thời công khai tài chính, thẳng thắn nêu những việc chưa tốt.
      Việc khôi phục thống nhất tộc phả cũng rất công phu bởi không có tài liệu gốc mà các vị cao niên thì đã qua đời. Ban biên tập có ông Phạm Văn Đô và Phạm Tất Thắng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tộc trưởng. Chính trong quá trình xây dựng tộc phả, đi tìm cội nguồn mà dòng họ Côi Trì đã tìm ra và kết nối dòng họ được với dòng họ Phạm - Phạm Xá gốc Kính Chủ. Cuộc gặp mặt giữa đôi bên, nhận nhau cùng gốc Tổ thật là cảm động! Trong 5 năm 4 lần họp họ thông qua bổ sung ở ngoài Bắc, rồi bổ sung phần 3 chi ở miền Nam cả nội ngoại, bản tộc phả đã được hoàn thành và công bố từ tháng 8 năm 2006. Từ sau khi công bố đến nay không thấy ai phê phán, con cháu trong họ nhất trí, theo dõi âm phần không có vấn đề gì, con cháu ăn nên làm ra ngày càng tiến bộ, phát triển tốt. Việc xây dựng Tôc ước được làm dân chủ, cẩn trọng nhằm mục đích xây dựng họ vững mạnh, là kỷ cương của họ, hợp với phong tục tập quán địa phương, pháp luật của nhà nước. Trong quá trình xây dựng tộc ước đã 2 lần họp HĐGT, 2 lần thông qua, phổ biến cho con cháu trong họ nhất trí hưởng ứng thực hiện. Tộc ước của họ Phạm Côi Trì đã được đăng trong THÔNG TIN HỌ PHẠM số 15 năm 2005 và trong cuốn năm VIỆC HỌ của Ban Liên lạc Họ Phạm VN xuất bản năm 2009.
Trong 10 năm qua, từ khi có Từ đường, có Tộc ước, con cháu khắp nơi nhớ về cội nguồn thường về dâng hương bái tổ, từ đó họ tộc gắn bó với nhau hơn, ý thức tốt hơn, con cháu thành đạt, phong hàm, phong chức, học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, họ có nhiều tin vui, con cháu phát triển tốt, làm ăn tốt hơn, kinh tế ngày một khấm khá, có hộ giàu, không còn hộ nghèo, nhà 100% ngói hóa.... Nhân dịp Tổng kết 10 năm xây dựng từ đường, thực hiện tộc ước, các chi họ đã bình xét và đề nghị lên dòng họ Côi Trì và dòng họ Côi Trì đã đề nghị Ban Liên lạc họ Phạm-Phạm Xá tặng Giấy biểu dương năm học 2008-2009 cho 16 cháu học giỏi (trong đó 4 cháu đã biểu dương ở Văn Miếu) và BLL Họ Phạm Viêt Nam tặng Giấy ghi công cho 35 vị (trong đó 18 là Gái đảm dâu hiền đã biểu dương ở Văn Miếu) có nhiều đóng góp cho việc họ. Ban Liên lạc họ Phạm-Phạm Xá đã về trao các Giấy biểu dương và Giấy Ghi công tại Nhà thờ họ rất trọng thể. Trưởng tộc Phạm Hưng đặc biệt biểu dương ông Phạm Văn Đô có nhiều đóng góp trong việc đi tìm tư liệu làm gia phả, đề xuất xây dựng Từ đường, anh Phạm Đức Hiền (sinh 1954) kế tiếp trưởng tộc đại tôn có ý thức trách nhiệm với vị trí “con đầu cháu trưởng” đã cố gắng chăm lo các mặt công việc trưởng tộc để đảm nhiệm công việc cho Trưởng tộc đã cao tuổi (sinh 1922), Năm 1999 Trưởng tộc chuyển cư vào TP Hồ Chí Minh, HĐGT nhất trí để Trưởng tộc ủy quyền cho ông Phạm Thọ (tức Tim) thay Trưởng tộc điều hành việc họ khi vắng mặt và quản lý từ đường – 10 năm qua ông Thọ đa làm tốt được mọi người trong họ quý mến và tin tưởng.
      Họ Phạm Côi Trì trong 10 năm qua đã làm được nhiều việc tốt, củng cố được dòng họ, tạo được không khí đoàn kết trong dòng tộc, góp phần xây dựng được cuộc sống văn minh, văn hóa, đời sống nâng lên, trong dòng họ không có tiêu cực, tệ nạn xã hội, đó là điều rất đáng mừng và nên nhân rộng. Có kết quả ấy nhờ có tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, trưởng tộc tâm huyết và gương mẫu, có tín nhiệm trong dòng tộc.

Tân Minh

»»  Đọc tiếp

6 tháng 8, 2010

Người đàn bà ăn mày và 10 đứa con điên

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 8 06, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Đứt ruột vì 10 đứa con đẹp đẽ bỗng… hóa điên

Lời BBT: Chúng tôi xin gửi đến bà con họ Phạm và các bạn đọc gần xa hai bài viết về một gia đình họ Phạm quá thương tâm của các anh Phạm Ngọc Dương và Phạm Văn Chức. Mong bà con cô bác đồng tộc giúp đỡ. (xin gửi tiền về Tài khoản của BLL họ Phạm Việt Nam: Chủ tài khoản Ông Phạm Đình Nhân, Phó Trưởng Ban liên lạc, Số Tài khoản: 0021000920452 Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội, Đ/c: 334 Bà Triệu, Hà Nội, Việt Nam (BANK  FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM, HANOI BRANCH, SWIFT CODE: BFTVVNVX002) - ghi chú là giúp bà Nở

       Bà Nguyễn Thị Nở và ông Phạm Văn Phong tuy nghèo, chỉ là công nhân bốc vác ở Nhà máy xi măng Hải Phòng, song lại đẻ tới 10 người con. Đứa nào đẻ ra cũng đẹp như tranh vẽ, mặt mũi sáng láng, gái thì xinh tươi, trai thì vương tượng. Con cái bà cứ lớn nhanh như thổi, đi học hành như bao đứa trẻ khác, nhưng đứa thì đến lớp 5 lớp 6 là tự dưng mặt mũi tối tăm lại, bài vở không tiếp thu được, rồi dở điên dở khùng, đứa thì đến lớp 2 lớp 3 đã phát bệnh.
       Trong tổng số 10 người con của bà Nở, thì có 3 cô con gái đẹp như tranh vẽ, gồm cô con cả là Phạm Thị Thái (SN 1965), Phạm Thị Dung (SN 1971) và Phạm Thị Cúc (SN 1973). Cả ba cô, dù nhà nghèo khó, miếng ăn chẳng mấy khi no, song cứ lớn như thổi, phổng phao, xinh đẹp nhất xóm. Đến tuổi thiếu nữ, đám trai tân dập dìu đưa đón. Nhưng đau buồn thay, chưa kịp lấy chồng, thì đột nhiên phát bệnh và đều bỏ đi biệt tích. Ba cô con gái này giờ ở phương trời nào, còn sống hay đã chết, bà Nở cũng không biết. Bao nhiêu năm rồi, không thấy tin tức gì cả.
       Trong số 7 cô con gái, thì có hai cô lấy được tấm chồng, đó là Phạm Thị Lan (SN 1968) và Phạm Thị Tâm (SN 1969). Chị Lan lấy chồng, sinh được đứa con trai. Tuy nhiên, khi cậu con còn đang bú mẹ, thì chị phát điên, thi thoảng lại cởi trần cởi truồng bế con trốn nhà đi lang thang giữa mùa đông giá rét. Khi sinh đứa con thứ hai được 4 tháng tuổi, thì chị… điên hẳn, không lúc nào tỉnh táo nữa, đập phá tanh bành nhà cửa. Để an toàn cho bản thân chị và hai đứa con, gia đình đã phải đưa chị vào trại tâm thần.
       Chị Phạm Thị Tâm, người con thứ 4 của bà Nở được coi là tỉnh táo hơn cả. Chị cũng kiếm được tấm chồng, nhưng thỉnh thoảng cũng nói lảm nhảm, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Chị cứ đi vài ngày, tự dưng sực tỉnh, lại hỏi đường tìm về.
       Trong số 7 người con gái, thì có lẽ chị Phạm Thị Hoa (SN 1976) là điên nhất. Chị Hoa điên khùng từ khi chập chững biết đi. Da dẻ trắng trẻo, nhưng đôi mắt vô hồn và lúc nào cũng nheo nheo vẻ sợ hãi. Hoa gầy còm, chỉ có da bọc xương, quanh năm suốt tháng nằm ở góc nhà, cơm không chịu ăn, chửi bới cả ngày lẫn đêm.
       Cách đây 3 năm, ông Thanh, nguyên Chủ tịch UBND phường Cầu Tre vào thăm gia đình bà Nở. Ông Thanh thấy bà Nở khổ quá, mỗi mình vật lộn giữa đàn con điên rồ, hát hò, chửi bới suốt ngày đêm, đã làm giúp thủ tục, hồ sơ để đưa Hoa cùng anh trai Phạm Văn Hoàng (SN 1966) và chị gái Phạm Thị Lan (SN 1968) vào trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần. 3 người con vào trại, được Nhà nước nuôi dưỡng, bà Nở đỡ vất vả hơn, mà mấy người con của bà cũng đỡ khổ.
       Đang kể về đàn con, bà Nở ngước nhìn cái bàn thờ lạnh lẽo khói hương. Trên bàn thờ ấy, thờ hai con người, nhưng chỉ có một bát hương và một tấm ảnh. Chồng bà đã mất 6 năm trước vì đột quỵ. Để nuôi đàn con, ông làm đủ mọi việc, từ bốc vác, phu hồ, sửa chữa xe đạp… Lao lực quá, nên bị tai biến, sống thực vật một năm thì ra đi. Thời gian đó, mình bà nuôi đàn con điên và người chồng nằm bẹp một chỗ. Ông Phong chết mà không có nổi tấm ảnh thờ.
       Tấm hình sau bát hương là cậu thanh niên rất đẹp đẽ. Trông hình ngỡ tài tử điện ảnh, chứ ai ngỡ là chàng trai tâm thần. Phạm Văn Đức (SN 1978) mới chết năm ngoái. Nhắc lại cái chết của Đức, bà Nở ôm mặt khóc tu tu.
       Đức nằm bẹp trong trại tâm thần vì bệnh kiết lỵ, rồi tiêu chảy gì đó. Bệnh nặng quá, bác sĩ không cứu được. Khi Đức chết, bệnh viện gọi bà đến nhận xác con về chôn, nhưng bà nuốt nước mắt bảo: “Nhà không có gì bán được để mua quan tài, cũng chẳng có đất mà chôn. Các bác thương tình thì mai táng cho cháu nó, đời này, kiếp sau, tôi mãi đội ơn các bác”.
       Trại nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần mua tấm ván, rồi cho xe bò chở xác Đức ra nghĩa địa chôn. Hôm đó, bà Nở cũng đến xem họ chôn con mình, chẳng có kèn trống, chẳng có làm ma gì cả. “Mới hôm rồi làm giỗ đầu cho em nó, tôi có đến mộ, nhưng cỏ mọc um tùm lắm, tìm mãi mới ra” – bà Nở vừa nói vừa vái lạy trước di ảnh con.
       Mặc dù là công nhân, nhưng đẻ một đàn con điên khùng, không ai chăm sóc, nên bà Nở bỏ dở, về một cục, thành ra chẳng có lương hưu. Để có miếng ăn, bà dậy từ sáng sớm, ra vùng ngoại thành mua rau, gánh vào thành phố bán. Đi từ sáng đến đêm, kiếm được một hai chục ngàn. Đồ ăn của bà và các con là cơm thừa, canh cặn ở các nhà hàng, quán xá. Họ thương cảnh bà, nên dồn thức ăn thừa phần cho mấy mẹ con bà.
       Thời gian gần đây bà Nở yếu quá, chân tay thường xuyên co rút, không thức khuya dậy sớm được. Có lần, quẫn quá, lúc đi qua cầu Bính, bà toan nhảy xuống sông. Nhưng dường như có sức mạnh vô hình ngăn bà lại. Bà chết rồi, không biết ai nuôi đàn con điên dở. Cũng mới đây thôi, quẫn quá, bà uống thuốc chuột. Tuy nhiên, hàng xóm phát hiện, đã kịp thời đưa bà đi bệnh viện rửa ruột. Bà bảo: “Sinh ra vào năm 1945, đói rạc cả tuần không chết, rồi về già, tự tử cũng vẫn không chết, chắc kiếp trước cô nặng nợ nhân gian nhiều quá. Thôi đành sống cho nốt kiếp khổ này để trả nợ!”.
       Cũng may cho bà, năm ngoái, lãnh đạo phường Cầu Tre thương xót, giúp đỡ làm thủ tục trợ cấp cho gia đình. Hiện mỗi tháng bà được trợ cấp 120 ngàn đồng. Hai người con là Phạm Văn Hậu (SN 1982) và Phạm Thị Bích (SN 1983), mỗi người được trợ cấp 180 ngàn đồng một tháng. Mấy người con ở trại thì được Nhà nước nuôi dưỡng miễn phí. Hiện tại, bà Nở chỉ biết trông chờ vào số tiền trợ cấp này. Chẳng bao giờ bà dám tiêu pha đồng nào, mà bà tích cóp lại, để mỗi lần Hậu hoặc Bích lên cơn, còn có tiền đưa con đi điều trị. Mỗi lần hai người con này lên cơn, phải điều trị 5-6 tháng liền mới tạm tỉnh táo.Bà Nở kể: “Cách đây 5 năm, thằng Hậu lên cơn điên phóng hỏa đốt nhà, mấy chị em thì reo hò cổ vũ. Cũng may mà hàng xóm dập tắt kịp, không thì lửa thiêu cả nhà lẫn mấy chị em chúng nó rồi”. Nghe mẹ kể thế, Hậu ngồi góc nhà lẩm bẩm rủa vẻ cáu giận lắm. Hậu là niềm hi vọng duy nhất của bà Nở, vì hiện tại, Hậu tỉnh táo nhất. Hàng ngày, Hậu vẫn đi đánh giày kiếm thêm vài đồng bạc lẻ phụ giúp mẹ.

Bài và ảnh: Phạm Ngọc Dương
Biên tập lại và gửi BBT: Phạm Văn Chức

Để có củi đun, bà Nở thường phải ra sông Cấm khi lũ về để vớt

Những người con bà Nở đẹp đẽ như thế này tự dưng phát bệnh tâm thần

Tài sản quý nhất của mẹ con bà Nở có lẽ là những chiễ xoong méo mó


Người mẹ ăn mày và 10 đứa con điên họ Phạm

       Bà Nở hỏi: “Gầm trời này, cháu có thấy ai khổ như cô không?”. Tôi im lặng. Chẳng biết phải nói thế nào. Không hiểu “bể khổ” có lớn bằng nỗi khổ của bà không nữa.
Vào ngõ 239, đường Đà Nẵng (Quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng), hỏi bà Nguyễn Thị Nở, người dân lại hỏi: “Chú ở bệnh viện tâm thần à?”, “Chú đến cho gạo bà Nở hả?”… Vậy mà phải hỏi rất nhiều lần, vòng qua mấy ngóc ngách, tôi mới tìm thấy ngôi nhà có cổng rả xộc xệch. Căn nhà cấp bốn, tường vữa loang lổ, ám khói đen xì.
       Tôi gọi cổng, người đàn bà tóc muối tiêu, đôi mắt u sầu, quần áo xộc xệch hơn cả cái cổng, chui ra từ căn bếp khói mù mịt. Bà dụi dụi đôi mắt ám khói bảo: “Mời chú vào nhà”.
Nhìn ngó mãi, tôi chẳng thấy trong căn nhà rộng chừng 30 mét vuông có thứ gì đáng giá. Có lẽ, để hoang ngôi nhà này, may ra có mấy bà đồng nát xấu bụng nhặt được mấy cái xoong méo mó. Sống giữa thành phố hoa lệ, song bà Nở vẫn đun bếp bằng củi, khói bay mù mịt, làm nức mũi hàng xóm. Bà Nở giải thích: “Gạo ăn còn chẳng có, cháu bảo lấy tiền đâu mà mua ga, mua than. Cô phải đi dọc hai bờ sông Cấm, xem có miếng củi nào dạt vào bờ thì vớt lên phơi, phơi khô thì chẻ ra, bó lại, vác về chất trong bếp đun dần. Hàng xóm xung quanh cũng tốt bụng, ai có giường tủ, bàn ghế mục nát, cũng để dành cho cô. Giường của người chết họ cũng không đốt, không thả trôi sông, mà cho cô chẻ ra đun. Mấy cái chiếu mới trải tạm xuống nền nhà để mấy mẹ con ngủ cũng là của người chết bố thí cho đấy’.
       Tôi ngồi xuống manh chiếu của gia đình có người mới chết cho mà lòng rưng rưng. Bà Nở ngồi thu lu ở góc nhà, đôi mắt đục buồn nhìn vào bốn bức vách. Cậu con trai Phạm Văn Hậu ngồi góc nhà, cởi trần trùng trục, khoe bộ xương sườn, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Cô con gái Phạm Thị Bích thì ngồi ở góc bên kia, nói luôn mồm, nhưng cũng chẳng rõ cô nói gì.
       Tôi hỏi mấy câu về cuộc đời bà, rằng đời bà lúc nào thấy khổ nhất, bà Nở chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bà bảo: “Suốt đời cô, cô chả thấy lúc nào sướng, lúc nào cũng khổ, cũng không biết lúc nào là khổ nhất cả. 65 tuổi rồi, cô vẫn phải đi ăn mày để nuôi thân, nuôi con, thì cháu bảo đến bao giờ cô mới hết khổ. Không biết, chết đi rồi, ở kiếp khác, cô có khổ nữa không nhỉ?”.
       Bà Nguyễn Thị Nở sinh năm 1945, đúng vào năm cả nước chết đói, chết như ngả rạ. Nhà không có gì ăn, cả làng chết đói, thế mà cô bé Nở vẫn sống. Sau này, bố mẹ bảo Nở là người giời, không có gì ăn suốt một tuần mà không chết, mà cứ khóc oe oe. Bà Nở bảo, đời bà là vậy, sinh ra, đã đói, đã khổ rồi. Nếu bà chết đói luôn khi đó, thì bà và chục con người không phải khổ đến thế này.
       Bà Nở quê ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Năm 19 tuổi, bà gặp ông Phạm Văn Phong, trai Hà Nội, nhà ở Giảng Võ hẳn hoi. Ông là trai Hà Nội, nhưng nghề nghiệp là bốc vác xi măng ở Nhà máy xi măng Hải Phòng. Bà Nở cũng làm bốc vác xi măng. Hai kẻ nghèo hèn gặp nhau, nên vợ nên chồng.
      Tôi hỏi: “Gia đình nhà hai bác, có ai bị tâm thần không?”. Bà Nở ngẫm một lát mới nhớ ra rằng, ông ngoại bà bị tâm thần, còn bên chồng thì có anh trai của chồng bị tâm thần. Chẳng biết có mối liên hệ gì không, nhưng bà Nở không tâm thần, ông Phong lại càng bình thường, thế mà đẻ ra tới 10 đứa con tâm thần. Thật là khó tưởng tượng.
      Tuy nhiên, bà Nở bảo, nguyên nhân đàn con đông đúc của bà bị tâm thần tất thảy không phải vì có mối liên hệ với ông ngoại bà và anh trai chồng, mà có nguyên nhân rất “mê tín dị đoan”, từ cái ngôi nhà “ma ám” này!
       Theo lời bà Nở, xưa kia, ngôi nhà gia đình bà ở là của một anh lái tàu biển rất giàu có. Anh ta mua ngôi nhà này cho vợ ở và thi thoảng về thăm vợ mỗi chuyến cập bến Hải Phòng. Mỗi lần về, anh ta lại mang về một nắm vàng, vợ đựng đầy ống bơ. Hai vợ chồng vàng đeo lủng liểng khắp người.
      Thế nhưng, một ngày, hai vợ chồng anh này nổi điên. Lúc tỉnh táo, anh ta đã gọi vợ chồng bà đến, bán cho với giá bằng nửa tháng công bốc vác xi măng. Hai vợ chồng nghèo, tự dưng vớ được ngôi nhà rẻ như cho, nên vui lắm. Sau đó vợ chồng anh này đi đâu, sống chết thế nào thì chẳng ai rõ.
       Chẳng biết lời đồn có đúng hay không, hay nặng nợ truyền kiếp, nhưng số phận gia đình bà Nở lại cay nghiệt đến vậy. Bà mê tín dị đoan, rước không biết bao nhiêu thầy cúng về. Tuy nhiên, thầy cúng thì cứ cúng, những đứa con đẹp đẽ thì cứ lần lượt điên khùng, không gì kìm hãm được. Mấy ông thầy cúng chả chế ngự được cái sự điền rồ triền miên trong ngôi nhà này, thì đổ cho “đất nghịch”, đổ cho người Trung Quốc xưa kia “yểm bùa”… Họ còn bảo, nếu họ đuổi tà ma trong nhà, thì họ sẽ bị tà ma… ăn thịt!
       Thôi thì đủ cả thứ đồn đại, đủ cả thứ dị đoan trong ngôi nhà này. Kết cục thì hồi đầu năm, túng quá, bà Nở tính bán căn nhà để có tiền nuôi con, chữa bệnh cho con, rồi mẹ con ra gầm cầu Bính, Cầu Niệm, Cầu Rào, hay cái gầm cầu nào ở cũng được, ở với bọn nghiện cũng được. Nhưng khốn nỗi, gọi mãi mới có người đến mua. Anh ta tính giá 200 ngàn một mét vuông, miếng đất của bà tổng cộng 60 mét vuông, vậy vị chi là 12 triệu đồng. Cầm 12 triệu đồng thì làm được gì chứ, đủ cho một đứa nằm viện nửa tháng là cùng. Trong khi, những ngôi nhà bên cạnh, họ bán vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Ấy vậy mà, đã từng có một vị khách nữa đến trả ngôi nhà giữa TP. Hải Phòng của bà 5 triệu đồng. Sao người ta đang tâm thế nhỉ? Thôi thì, mẹ con bà đành chấp nhận sống giữa thành phố hoa lệ, mà sống cảnh chị Dậu, còn hơn cả chị Dậu nữa chứ.

* VTC News, Ban LL họ Phạm toàn quốc: xin gửi lời kêu gọi đến các độc giả có lòng hảo tâm. Cuộc đời, số phận gia đình bà Nở cay cực cùng đường. Một sự giúp đỡ dù nhỏ bé, cũng làm mái nhà của người đàn bà tội nghiệp và những đứa con điên thêm ấm cúng.


Bài và ảnh: Phạm Ngọc Dương
Biên tập lại và gửi BBT: Phạm Văn Chức


CHị Phạm Thị Hoa khi còn ở với mẹ

Sổ chữa bệnh của con bà Nở

Con bà Nở điên và chết



»»  Đọc tiếp

5 tháng 8, 2010

Giao lưu với 3 thủ khoa

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 8 05, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Giao lưu với 3 thủ khoa

Thủ khoa Phạm Văn Khánh và Lê Thị Minh Vượng (ảnh bên)

Cuộc giao lưu sẽ diễn ra vào hồi 14h ngày Thứ Năm (5/8).

Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2010 vừa qua, thí sinh Phạm Văn Khánh đã xuất sắc đạt được 29 điểm và trở thành Thủ khoa trường ĐH Bách Khoa Hà Nội; Lê Thị Minh Vượng đạt 29 điểm, là Thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội và đạt 29 điểm thi vào ĐH Ngoại thương Hà Nội; Bùi Lê Khánh, thủ khoa trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội với 28 điểm.
Cả hai thủ khoa Phạm Văn Khánh và Lê Thị Minh Vượng cùng học lớp 12A3, trường THPT Ứng Hòa B, huyện Ứng Hòa, Hà Nội và đều là con của những người nông dân nghèo vùng quê lam lũ.
Bố của thủ khoa Phạm Văn Khánh mắc bệnh tâm thần phân liệt đã 5 năm nay. Nguồn thu nhập chính của gia đình trông cả vào mấy sào ruộng. Ngoài thời gian học tập, vào vụ cấy, gặt hái, Khánh đều phải ra đồng giúp gia đình. Ngày thường thì ở nhà nấu cơm giúp bố mẹ.
Thủ khoa Lê Thị Minh Vượng có một hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mẹ đều làm ruộng, nhà đông anh em. Cả nhà có đến 7 miệng ăn mà chỉ trông vào mấy sào ruộng mẹ cầy cấy. Thế nên, ngoài giờ học, cô gái phải thường xuyên ra đồng phụ giúp mẹ.
Góc học tập của cô gái thi 58 điểm hai trường (khối A và B) là chiếc bàn uống nước cũ kỹ và xiêu vẹo. Bên cái bàn ấy, Vượng vừa ngồi học, vừa phải bế đứa em trai 3 tuổi. Với nghị lực phi thường, Lê Thị Minh Vượng đã vượt qua mọi khó khăn và đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi ĐH vừa qua.
Thủ khoa trường ĐH Giao thông Vận tải Bùi Lê Khánh, trú tại phố Thụy Khuê, Hà Nội. Là học sinh yêu thích các môn khoa học tự nhiên, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học vừa qua, Bùi Lê Khánh đã đoạt giải Khuyến khích môn Toán học.

Ai muốn tham gia cuộc giao lưu trực tuyến vớ các thủ khoa hãy vào mạng theo đường link sau: http://vovnews.vn/Home/Giao-luu-voi-3-thu-khoa/20108/151034.vov

Báo Điện tử VOVNews sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến với 3 thủ khoa trên vào hồi 14h ngày Thứ Năm (5/8/2010)./.

»»  Đọc tiếp

1 tháng 8, 2010

Tin buồn

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 8 01, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Tin buồn

Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin: Bác Phạm Kim Chi , sinh năm 1933- một thành viên sáng lập Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam, Uỷ viên Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam khoá đầu tiên (1996-1998), bác Phạm Kim Chi là nhà giáo , quê gốc tại Húng An, Kim Động, Hưng Yên. Bác rất nhiệt tình trong hoạt động dòng họ, đã từ trần ngày 20 tháng 6 năm 2010 (tức ngày 9 tháng 5 năm Canh Dần) tại nhà riêng ( Phòng 304A15Khu tập thể Nam Đồng , Đống Đa, Hà Nội.) Lễ viếng Bác Phạm Kim Chi đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng , sô 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội

Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi