Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

23 tháng 7, 2008

Từ thung lũng Sillicon, lòng luôn hướng về tổ quốc

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 7 23, 2008 bởi PKDuong · 0 comments

Ở đại bản doanh công nghệ cao của Mỹ, Christopher Hoàng Phạm được biết đến với những công trình nghiên cứu mang lại hàng chục triệu USD mỗi năm, được mời giảng dạy ở nhiều ĐH lớn. Tuy vậy, anh vẫn tự nhận mình “100% là người Việt, bởi lấy vợ Việt, ăn cơm Việt, sống kiểu Việt và... thương người Việt”, dù đã sống ở Mỹ 20 năm.

Ngày 5/6 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã trao tặng cho giáo sư Việt kiều Mỹ Christopher Hoàng Phạm kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Đây được coi là sự ghi nhận và đánh giá xứng đáng dành cho những nỗ lực đóng góp để phát triển giáo dục Việt Nam thời gian qua của nhà trí thức có tấm lòng luôn hướng về quê hương này.

Nỗ lực không ngừng

Giáo sư Hoàng Phạm (tên tiếng Việt là Phạm Hoàng) sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, học xong khoa Toán, Đại học Đà Lạt, anh sang Mỹ đoàn tụ với gia đình vào năm 1986. Tại nước Mỹ, với biết bao lạ lẫm buổi ban đầu từ ngôn ngữ đến văn hoá, nhưng Hoàng đã nung nấu ý định phải học thành tài, trước hết là cho bản thân, sau là để sau này đem những cái mà mình học được về giúp nước.

Cũng như bao nhiêu người Việt khác, khi mới sang Mỹ Hoàng đã phải làm đủ mọi nghề lao động chân tay như bồi bàn, khuân vác, bảo vệ... để kiếm sống và có tiền theo học tại Đại học cộng đồng, rồi sau đó là Đại học California và ngành điện toán tại Đại học San Jose.
Giáo sư Hoàng Phạm và gia đình trong chuyến về thăm Việt Nam.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, khi đi học, Hoàng Phạm luôn là một sinh viên xuất sắc được nhận học bổng của Công ty HP. Sau khi ra trường, anh được nhận vào làm việc tại HP một cách dễ dàng. Song chỉ được khoảng ba tháng, sếp đã trực tiếp khuyên anh nên đi học cao hơn, vì cho rằng anh còn nhiều khả năng tiến xa hơn nữa. Vậy là anh tiếp tục học cao học, và nhận lời làm việc cho một số công ty lớn tại thung lũng Sillicon. Trong đó, có Sun Microsystems - một trong những công ty CNTT hàng đầu của Mỹ lúc đó.

“Ông chủ” của 20 giải thưởng


Năm 1998, anh chọn làm việc cho hãng Cisco System nổi tiếng tại thung lũng Sillicon, đại bản doanh công nghệ cao của Mỹ. Hiện nay, giáo sư Hoàng Phạm là Trưởng phòng Kỹ sư hệ thống cao cấp của Cisco tại Mỹ, và được mời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học San Jose, nơi anh đã từng học và một số trường đại học khác.

Năm 2004, Hoàng Phạm đã đoạt giải thưởng lãnh đạo xuất sắc nhờ sáng lập ra chương trình BOW. Chương trình này được ứng dụng để làm cho hệ thống máy của Cisco có thể chạy liên tục suốt 365 ngày trong năm và mỗi năm chỉ được “chết” không quá 5 phút, và đã giúp Cisco tiết kiệm hàng chục triệu USD mỗi năm do hạn chế được những lỗi ở phần cứng và phần mềm. Đến nay, BOW đã được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2005, Hoàng Phạm đã được trao giải thưởng kỹ sư người Mỹ gốc chấu Á xuất sắc nhất của năm (Asian - American Engineer of the Year) do Viện kỹ sư Trung Quốc trao tặng nhân ngày hội của giới công nghệ thông tin tại Thung lũng Silicon. Ngoài ra, anh đã có tới hơn 20 giải thưởng khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ước vọng gắn kết khối trí thức Việt trên toàn thế giới

Giáo sư Hoàng Phạm là một trong những người có vai trò thúc đẩy chính trong việc tăng cường sự trao đổi và liên lạc giữa các giảng viên và sinh viên Việt Nam với các nước châu Á khác và thế giới thông qua mạng lưới Cisco Asian Affinity Network (CAAN). Anh còn góp sức vào việc thành lập mạng lưới các chuyên gia IT người Việt tại Mỹ.

Theo Hoàng Phạm, cách làm việc theo mạng lưới có nhiều ưu điểm như có thể dễ dàng liên hệ, khi nào cần giải quyết vấn đề thì nhóm lại  nhanh chóng, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau từ xa...

Năm 2005, Hoàng Phạm là một trong những người đứng ra  tổ chức Hội nghị Khoa học quốc tế của người Việt Nam tại Mỹ ở Thung lũng Silicon. Hội nghị được tổ chức  ngay trong đại bản doanh của Cisco, nơi có hàng trăm kỹ sư châu Á làm việc và rất nhiều trong số đó là người Việt Nam. Anh mong muốn sẽ phát triển mạng lưới này vượt ra ngoài nước Mỹ để những trí thức người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới có thể hợp tác với nhau và khẳng định tài trí của người Việt.

Nhận thấy sinh viên trong nước học giỏi, nhưng điều kiện thực hành còn nhiều thiếu thốn, năm 2006, Hoàng Phạm đã đứng ra lập dự án và xin được tài trợ của hãng Cisco Systems trang bị cho trường Đại học Bách khoa Hà Nội một phòng lab công nghệ thông tin trị giá 350.000 USD để giúp sinh viên của trường có điều kiện thực hành về công nghệ thông tin, và có thể có những hợp tác nghiên cứu với Cisco.

Ngoài ra, Giáo sư Hoàng còn tư vấn kỹ thuật và cách tổ chức hạ tầng cơ sở cho các cán bộ văn phòng và cán bộ giảng dạy tại Việt Nam nhằm nâng cấp các lớp học và chương trình theo các hệ đào tạo quốc tế. Anh rất hy vọng sẽ có điều kiện giúp đào tạo ra một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao để những người này sẽ đào tạo lại cho sinh viên.

Với một tấm lòng luôn hướng về Việt Nam, tuy đã sang Mỹ đoàn tụ với gia đình hơn 20 năm, giáo sư Hoàng Phạm còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội để ủng hộ đồng bào trong nước.

Anh là người thường xuyên tham gia vào các phong trào gây quỹ từ thiện tại Mỹ nhằm cứu trợ các nạn nhân bão lụt và thiên tai tại Việt Nam, cũng như tích cực tham gia vào công việc của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Anh cho biết: “Mệt nhưng mà vui vì  điều đó có nghĩa là cộng đồng cần tới mình và mình có thể giúp ích được cho nhiều người hơn”. 

Người Việt 100%

Trong gia đình, anh luôn chú ý và coi trọng việc gìn giữ những truyền thống văn hóa của người Việt. Hoàng Phạm rất mong muốn con cái mình vẫn tiếp tục duy trì được tiếng Việt và văn hoá Việt như anh. Tuy rất bận rộn, nhưng ngày ngày vẫn không quản ngại đường sá xa xôi, Hoàng Phạm vẫn dành thời gian đưa các con đi đến lớp học tiếng Việt rồi mới vội vã tới công sở.

Ở trường học tiếng Việt, anh tham gia vào ban phụ huynh lớp, và thường đảm nhận công việc đứng điều khiển giao thông ngoài cổng trường để bảo đảm cho các em tan lớp ra về an toàn.

Ngày Tết cổ truyền, mặc dù vẫn phải đi làm như thường lệ, nhưng vợ chồng anh vẫn dành thời gian để đưa cậu con trai cùng hai cô con gái sinh đôi của mình đến tham dự ngày Tết của cộng đồng người Việt trong những bộ quần áo dài truyền thống của dân tộc.

“20 năm sống ở Mỹ, nhưng tôi vẫn một trăm phần trăm là người Việt, bởi lấy vợ Việt, ăn cơm Việt, sống kiểu Việt và ... thương người Việt”, giáo sư Hoàng Phạm hóm hỉnh nói.

(Theo Vũ Tuấn Anh/Dân trí)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/cntt/2007/06/707940/
»»  Đọc tiếp

Phạm Công Trứ, nhà chính trị văn hóa lớn thế kỷ XVII

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 7 23, 2008 bởi PKDuong · 0 comments

LTG: Trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, diễn biến chính trị - xã hội khá phức tạp bởi sự tranh giành quyền lực của các thế lực phong kiến Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn. Nhưng, bao giờ cũng vậy, trước những đòi hỏi, thách thức của lịch sử, thường xuất hiện những nhân tài đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Một trong những nhân vật lịch sử xuất hiện đúng yêu cầu đó là Quốc lão, Thái bảo Yên Quận công Phạm Công Trứ (1600 - 1675). Cùng với những “anh tài” như Vũ Duy Chí, Nguyễn Quán Nho, Trần Đăng Tuyển, Đặng Đình Tướng…, Phạm Công Trứ là một trong 39 người “phò tá có công lao tài đức” thời Trung hưng, đã đem hết sức lực, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho đất nước, vì sự nghiệp “quốc thái, dân an”.

1 - Sự nghiệp chính trị của Phạm Công Trứ

Sự nghiệp chính trị của Phạm Công Trứ, về cơ bản, có thể kể đến những cống hiến của Người đối với đất nước, với triều đình và, thời gian có thể tính từ khi Người thi đỗ và tham gia vào bộ máy chính quyền nhà nước. Trải qua gần 50 năm làm quan, phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, từng giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, Phạm Công Trứ đã đạt đến đỉnh cao của công danh và quyền lực; là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Nội trị, văn hoá, sử học, ngoại giao.
Theo chính sử, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), Phạm Công Trứ dự kỳ thi Đình, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ) và được bổ làm Hàn lâm viện Hiệu thảo. Từ đó trở đi, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa (1631), Phụng Thiên Phủ doãn (1639), Tham chính xứ Thanh Hoa (1640), Thái thường Tự khanh (1642), Phó đô Ngự sử tước Khánh Yên bá (1645), Đô ngự sử (1646), Lễ bộ Thượng thư tước Yên Quận công (1657), Thiếu bảo kiêm Đông các Đại học sĩ, Tham tụng (1661), Lại bộ Thượng thư (1664), Thái bảo Quốc lão tham dự triều chính (1668), Chưởng Lục bộ sự - Thượng thư của sáu bộ (1673), ông mất được truy tặng Thái tể, ban tên thụy là Kinh tế (1675).

Như thế, con đường hoạn lộ của Phạm Công Trứ rất hanh thông, trước hết là do tài năng, phẩm hạnh và nhân cách; thêm nữa là sự giúp đỡ, đặc ân của các vua Lê chúa Trịnh. Cả hai vị chúa mà Phạm Công Trứ phò giúp là Trịnh Tráng và Trịnh Tạc đều được đánh giá là các chúa thánh minh: "Về thời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương làm chúa, thì ông nào cũng hết lòng lo việc trị dân, và lại nhờ có những người tôi giỏi như Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng... đều hết sức giúp đỡ, cho nên sửa sang được nhiều việc, nước được yên trị". Là người có tài năng và đức độ nên Phạm Công Trứ được các vua Lê chúa Trịnh rất trọng vọng.
Trong suốt quá trình làm quan, tham gia vào công việc chính sự của triều đình cũng như của phủ chúa, Phạm Công Trứ đã có những sáng kiến đề xuất và cải cách rất táo bạo.

Với cương vị Đô Ngự sử, Phạm Công Trứ cùng với Tham tụng Dương Trí Trạch nhận thấy tầm quan trọng của chức nhiệm các quan đại thần văn võ, cho nên, năm Canh Tý (1660), hai ông đã dâng sớ tấu trình về việc quy định chức trách cũng như phẩm chất của quan văn võ. Những điều răn bảo các quan đương nhiệm này được vua Lê chúa Trịnh rất đồng tình ủng hộ, vì từ đây giữa quyền lợi, trách nhiệm và chức vụ đã gắn bó mật thiết với nhau, tạo thành sự giàng buộc, kiểm soát qua lại khiến các quan thực hiện tốt hơn chức vụ của mình.
Khi đảm đương trọng trách Lại bộ Thượng thư, năm Ất Tỵ (1665), Phạm Công Trứ giao cho Ngự sử đài khảo khoá các nha môn, đã phát hiện sai phạm của nhiều đại thần và tất nhiên, họ đều bị giáng chức. Những việc làm đó đã khiến cho “pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu danh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn, cho nên được gọi là đời thanh bình. Đó là công hiệu của phép làm sáng suốt vậy”.

Trên lĩnh vực kinh tế, Phạm Công Trứ đề xuất thực thi phép Bình lệ (kê khai hộ khẩu tại các địa phương để làm cơ sở cho việc bình bổ thuế ngạch), ban hành phép Ngũ lượng nhằm thống nhất các đơn vị đo lường, đong đếm trong nhân gian.

Một điều dễ nhận thấy là, Phạm Công Trứ từng nắm giữ nhiều chức vụ và cương vị khác nhau, nhưng ở vị trí trọng trách nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để lại những dấu ấn đậm nét, xứng đáng là công thần lương đống của triều đình: "Phạm Công Trứ là nhà chính trị xuất sắc. Khi giữ chức Tham tụng, ông đã nêu rõ phép khảo khóa (cất nhắc quan lại), ban điều lệ giáo hóa, khen thưởng người có đức hiếu đễ tốt nghĩa, xét lại sổ đinh điền, định lại ngạch thuế. Những việc sắp đặt của ông được Trịnh Doanh tín nhiệm, thường theo ý ông để ổn định việc trị an. Người đương thời đều khen ông là một Tể tướng tốt".

2 - Một số đóng góp của Phạm Công Trứ trên lĩnh vực quân sự

Trên lĩnh vực quân sự, Phạm Công Trứ luôn là một mưu sĩ rất đáng tin cậy của vua Lê chúa Trịnh. Điều đặc biệt, cả ba biến cố chính trị lớn, xảy ra ở thế kỷ XVII, thì ông đều tham gia và lập nhiều công lớn.
Về việc đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng: Chúng ta biết rằng, Mạc Đăng Dung "tiếm ngôi" năm Đinh Hợi (1527), truyền được 5 đời, đến Mạc Mậu Hợp thì mất (1592). Sau đó, Mạc Kính Cung chạy lên chiếm cứ Cao Bằng và dư đảng nhà Mạc vẫn thường xuyên hoạt động ở đây. Vì thế, vào các năm Giáp Thân (1644), Đinh Mùi (1667), Kỷ Dậu (1669), Phạm Công Trứ phò tá vua Lê cùng chúa Trịnh chinh phạt nhà Mạc và giành được những thắng lợi quyết định. Quan trọng hơn cả là dưới sự tham vấn của ông, nhà Trịnh đã tránh được một cuộc chiến tranh với nhà Mãn Thanh, vì chúng định mượn cớ Phù Lê để xâm lược nước ta.

Về việc chinh phạt quân Nguyễn ở Đàng Trong: Từ khi cuộc chiến Trịnh - Nguyễn nổ ra, trải qua 7 lần đại chiến thì Phạm Công Trứ có đến 5 lần Nam chinh vào các năm: Quý Mùi (1643), Ất Mùi (1655), Canh Tý (1660), Tân Sửu (1661), Tân Hợi (1671). Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn vẫn không phân định được thắng thua. Hai bên giằng co, lúc Trịnh mạnh, khi Nguyễn suy và ngược lại; cuối cùng năm Nhâm Tý (1672) hai bên lấy sông Gianh làm giới tuyến. Từ đó, Nam - Bắc triều tạm chấm dứt chiến tranh.

Về việc dẹp nội loạn: Do mâu thuẫn trong nội bộ nhà Trịnh, năm Ất Dậu (1645), Trịnh Lịch và Trịnh Sầm đã dấy quân phản loạn. Nhờ mưu lược khôn khéo và quyết đoán, Phạm Công Trứ đã khuyên phủ Tiết chế (tức phủ chúa Trịnh) nên hành sự trước khi chúng tập hợp lực lượng. Kết quả là, nội loạn trong cung đã được dẹp yên, đó là công lớn của Phạm Công Trứ và Đào Quang Nhiêu vậy.
Có thể nói, Phạm Công Trứ luôn là "cánh tay đắc lực" cho Trịnh Tạc và Trịnh Căn lập công. Từ Tán lý, Tham tán quân vụ đến Tham tán việc quân, Phạm Công Trứ đã tham mưu đề xuất những mưu sách đúng đắn, giúp vua Lê chúa Trịnh bình ổn được thù trong, giặc ngoài.

3 - Những đóng góp của Phạm Công Trứ trên lĩnh vực văn hóa - xã hội

Trên lĩnh vực văn hóa Phạm Công Trứ cũng có những đóng góp quan trọng. Đầu tiên là ban bố bản Lê triều giáo hoá điều luật (47 điều giáo hóa) nhằm chấn chỉnh tôn ti trật tự trong triều đình, khiến cho các kinh điển của Nho giáo thấm nhuần trong xã hội, làm cho nhân dân trở về với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc.
Không những quan tâm, chăm sóc đến việc Đạo, việc Đời, Phạm Công Trứ còn tưởng nhớ đến công lao của các vị công thần tử tiết triều Lê. Năm Bính Ngọ (1666), Phạm Công Trứ đã dâng biểu tấu nhằm tuyên dương 13 bầy tôi tử tiết thời Lê sơ, phong làm Phúc thần, cho dựng từ đường và phụng thờ hương khói.

Là người đứng đầu bộ Lễ, Phạm Công Trứ đã kiến nghị vua Lê chúa Trịnh sửa sang lễ nghi, triều phục và định thành quy chế rõ ràng cho các quan văn võ đại thần. Ông cũng quy định phụ nữ và nam giới ăn mặc y phục theo đúng tục lệ truyền thống. Ngoài ra, Phạm Công Trứ cũng nhiều lần tấu xin ra lệnh nghiêm cấm hút thuốc, bởi không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn trở thành một vấn nạn trong xã hội lúc bấy giờ.

Cũng như nhiều nhà khoa bảng khác, ngoài việc làm quan, Phạm Công Trứ còn là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Với quan niệm Thi ngôn chí (làm thơ để tỏ chí hướng), ông đã mượn hình tượng Cây Quế, Cây Tùng để khẳng định bản lĩnh trung trực, cứng rắn và sẵn sàng ghé vai gách vác công việc của sơn hà, xã tắc của mình. Đặc biệt, trong chuyến hộ giá vua Lê Thần Tông đi Nam chinh ở Thuận Hoá năm Tân Sửu (1661), Phạm Công Trứ cùng với Trần Đăng Tuyển và Nguyễn Văn Thiệu làm thơ và xướng hoạ về những thắng tích, những nhân vật nổi tiếng của các địa phương mà đoàn quân đi qua, tất cả bao gồm 18 bài. Đây là những cảm nhận tinh tế, sâu sắc về thiên nhiên đất nước, con người của ông, đồng thời, quan trọng hơn là thể hiện ý chí quyết tâm của đoàn quân trong việc bình ổn và thu phục châu Ô (do nhà Nguyễn ở Đàng Trong chiếm đóng). Ở trong triều hay trong gia đình, Phạm Công Trứ đã lấy thơ văn để thể hiện quan điểm cũng như sự hiếu đễ của mình.

Phạm Công Trứ cũng gắn bó sâu sắc với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Để mở mang nền nếp Nho học, giáo dục kẻ sĩ, tuyển chọn nhân tài cho đất nước, ông phụng mệnh làm Giám thủ Quốc Tử Giám, vừa coi sóc việc trùng tu, tôn tạo Văn miếu Quốc Tử Giám, đồng thời đôn đốc và rèn luyện việc học tập của các học sinh ở Quốc Tử Giám. Không những thế, ông cùng quan Tham tụng Dương Trí Trạch dâng sớ xin cung đốn mọi vật cần thiết cho trường thi, đặt biệt là trường thi hương ở các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học trò học tập. Khi về trí sĩ ở quê hương, ngoài thú vui điền viên, ông còn làm nhiều việc công đức cho làng quê và thúc đẩy nho phong, truyền thống học tập của cả huyện.

Phạm Công Trứ còn là một người thầy năng lực và đầy nhiệt huyết. Nhiều học trò của ông sau này thành đạt, đỗ khoa bảng cao và đảm nhận những chức vụ quan trọng trong triều cũng như ngoài trấn, như: Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Đào Công Chính, Lê Hữu Danh, Lê Nhân Kiệt, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Công Bích, Nguyễn Viết Thứ... Như thế, trong ba điều vui nhất của người quân tử thì Phạm Công Trứ đều đạt được cả, trong đó có điều vui thứ ba, là được nhận các bậc anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ thành tài.

Ngoài những đóng góp trong nhiều lĩnh vực như đã nêu trên, Phạm Công Trứ còn là một nhà sử học tiêu biểu của thế kỷ XVII. Cùng với Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên, Ngô Sĩ Liên, Lê Hy..., Phạm Công Trứ là người có công lớn trong quá trình biên soạn và hoàn thành bộ quốc sử lớn của dân tộc - bộ Đại Việt sử ký tục biên; đồng thời cũng là người đúc kết, nêu ra những quan điểm và phương pháp cơ bản của sử học, như về mục đích và đối tượng của sử học; về thái độ cũng như phương pháp viết sử của sử gia. Về sử gia Phạm Công Trứ, GS. Phan Huy Lê đã tổng kết:

- Hoàn chỉnh cấu trúc của bộ sử bằng cách phân chia phần Bản kỷ thành 3 phần: Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục, Bản kỷ tục biên, và xác định lại ranh giới các phần, các quyển;
- Hiệu đính bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, chỉnh lý và viết tiếp đoạn cuối quyển 10, phần Bản kỷ toàn thư tục biên 3 quyển;
- Bổ sung thêm phần phàm lệ Tục biên và chú giải phàm lệ Toàn thư của Ngô Sĩ Liên;
- Viết thêm bài tựa sách Đại Việt sử ký tục biên.
Với những đóng góp đó, Phạm Công Trứ thực sự là một trong những nhà sử học tiêu biểu của thời kỳ phát triển của sử học Việt Nam dưới thời trung đại.

Nói tóm lại, Phạm Công Trứ là một tấm gương sáng về một vị quan đầu triều hết lòng tận tụy phục vụ đất nước, triều đình. Ông để lại danh tiếng cho muôn đời con cháu mai sau bởi cuộc đời của một con người làm quan cao cấp nhưng thanh liêm, trung thực, ngay thẳng như những lời ngợi ca: "Ông đã sửa mình chính trung tại triều đình, đem tài đức cố gắng hoàn thành trách nhiệm. Trên vì đức, dưới vì dân, ngoài bờ cõi giữ yên lặng, trong đất nước được yên vui no ấm. Ân đức tới mọi người, ai ai không ca tụng".

Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp quốc thái, dân an, Phạm Công Trứ là một vị Tể tướng được vua quý, chúa yêu; bạn bè đồng liêu và học trò kính trọng; là tấm gương ngời sáng cho hậu thế noi theo, xứng danh là TRUNG HƯNG HIỀN TƯỚNG của thời Lê Trung hưng./.

Lê Quang Chắn 
Viện sử học
»»  Đọc tiếp

21 tháng 7, 2008

Họ Phạm thủy tổ Phạm Tô Giang

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 21, 2008 bởi PK.Dương · 4 comments

Nước Việt Nam ta có nhiều dòng họ Phạm là hậu duệ của các danh nhân: Phạm Tu, Phạm Bạch Hổ, Phạm Tử Hư, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh,... Trong một thôn Phương La xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương có tới sáu dòng họ Phạm khác nhau. Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về truyền thống dòng họ Phạm có Thủy tổ là cụ Phạm Tô Giang.

Cụ Phạm Tô Giang xuất thân từ gia đình dòng dõi, thi lễ tôn phái vẻ vang. Sau khi đất nước bị giặc ngoại xâm (khởi nghĩa Lam Sơn (1414-1428) chống quân Minh), cụ Tô Giang từ xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Bình Giang di cư về thôn Phương La xã Cẩm Chế, Thanh Hà. Cụ mở trường dạy học để mở mang hiểu biết cho nhân dân trong vùng.

Cụ Tô Giang lấy vợ và sinh được 3 con trai, 2 con gái:

   1. Ông Phạm Phúc Sinh (con thứ nhất)
   2. Ông Phạm Phúc Tâm (phong Đại tôn)
   3. Ông Phạm Phúc Thiện (di cư sang thôn Bát Nạo, Kim Thành)

Con thứ là Phạm Phúc Tâm học hành thông minh, tố chất nổi bật hơn ông Phúc Sinh và Phúc Thiện. Do đó cụ Tô Giang với tầm nhìn xa trông rộng đã lập con thứ Phúc Tâm làm đại tôn.

Trong dòng họ còn có nhiều người học hành thông minh, lao động cần cù. Điển hình có một số vị:

    * - ông Phạm Xuân Dương con ông Phúc Thiện (đời 3, cháu nội cụ Tô Giang). Ông Xuân Dương là người học hành thông minh, dưới triều Lê ông đi thi Hương, thi Hội nhiều lần không đậu. Ông về kinh xin yết kiến nhà vua, tướng sĩ không cho vào. Ông nói "Nếu các ông không cho tôi vào, tôi xin đập đầu chết tại đây!". Tướng sĩ thấy vậy đành tâu với vua cho ông Xuân Dương vào. Vua sai đem ra một chồng sách và truyền: "Nhà ngươi hãy đọc chồng sách này, nếu không đọc được ta sẽ chém đầu và chu di tam tộc!". Ông Xuân Dương thản nhiên cầm từng quyển sách đọc, không phải đọc xuôi mà ông đã đọc ngược hết cả chồng sách. Thấy vậy, vua thán phục và ban tên cho là "ông Bồ sách".
    * - ông Phạm Đức Trạch (đời 6), đứng đầu chi thứ nhất. Ông thi đỗ cử nhân. Là người biết địa lý nên ông tìm nơi đất tốt để cải táng cho cha mẹ và người trong Họ. Nhờ đó con cháu sau này sinh sôi phát triển, nhiều nhà thành đạt. Như ông Phạm Đăng Phong sống thời Tự Đức sinh được 5 con trai, ba con gái. Năm con trai đều thành tài, đức cả do vậy có câu "Giáo ngũ tử, danh cầu dương". Các ông cùng thi Hương, thi Hội đỗ ba khoa nhất nhì trường. Cũng thời Tự Đức con ông Lịch Ly Châu phủ nên được được Triều đình chuẩn trước ngạch quan triều Viện Phụ.
    * - ông Phạm Danh Đô[1] (đời 6), đứng đầu chi thứ hai.
    * - ông Phạm Danh Đô (đời 6), đứng đầu chi thứ ba. Là người mắt sáng, khôi ngô tuấn tú, da dẻ hồng hào, người cao lớn phương phi. Con cháu thời nào cũng làm quan chức, nhất là thế kỷ XX các vị tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Tiêu biểu có:

+ ông Phạm Văn Đậu, cán bộ lão thành trước Cách mạng Tháng Tám, là chủ tịch đầu tiên của huyện Thanh Hà. Khi công tác ở Bộ Ngoại giao làm Đại sứ ở I-rắc. Ông đã trên 90 tuổi đời, trên 60 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng nhiều huân chương, đang nghỉ hưu tại Hà Nội.

+ ông Phạm Văn Mão, tham gia cách mạng trước khởi nghĩa tháng Tám. Năm 1950 khi địch đuổi bắt, ông nhanh trí nhảy xuống ao bèo tây trốn. Khi địch rút đi, ông lên bờ và bị ngất đi do trời rét tháng Chạp. Được bà con đưa vào đốt lửa sưởi nên ông tỉnh lại. Sau đó ông công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu. Hiện ông đã 83 tuổi với 60 năm tuổi Đảng, ông sống vui tươi mạnh khỏe cùng con cháu ở Tp Hải Dương. Ông có 5 con trai, ba con gái, con trai Phạm Văn Bình là liệt sĩ chống Mỹ. Những người còn lại đều làm việc ở cơ quan nhà nước, người làm bác sỹ, người làm giáo viên.

+ ông Phạm Văn Ban, cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1945 là bộ đội tình nguyện chống Pháp. Đến 1964 vào chiến trường miền Nam sau là Đại tá, Trưởng phòng Quân huấn Quân khu 7 ở Tp Hồ Chí Minh. Hiện ông đã nghỉ hưu ở Tp Hải Dương. Ông có bốn con trai đều là những người thành đạt là kỹ sư, bác sỹ. Trong đó ông Phạm Văn Hoàn hiện là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.

Nội dung bài viết mới chỉ nêu được tóm tắt một số gia đình và cá nhân tiêu biểu của dòng họ. Song sự phát triển của dòng họ Phạm Thủy tổ Phạm Tô Giang rất lớn mạnh. Ở quê gốc Phương La có trên 200 gia đình, ngoài ra còn phát triển xuống thôn Kim Can, xã Thanh Lang, Thanh Hà khoảng 50 gia đình. Ở tận xã Lê Lợi, huyện Chí Linh có 70 gia đình, còn ở Bát Nạo Kim Thành có gần 100 gia đình. Ở Lục Ngạn, Lục Nam tỉnh Bắc Giang có hơn 30 gia đình. Con cháu cụ Phạm Tô Giang hiện có khoảng 3500 người chủ yếu là nhánh đại tôn ông Phạm Phúc Tâm.

Để viết chi tiết truyền thống dòng họ, kính mong các bậc cao niên cùng toàn thể bà con trong họ tham gia và góp ý kiến xây dựng. Bản truyền thống phả ký họ Phạm - Thủy tổ Phạm Tô Giang[2] sẽ giúp cho mọi người hiểu sâu sắc về dòng họ và phát huy truyền thống của một dòng họ gần 600 năm phát triển.

Hải Dương, ngày 21/7 Mậu Tý (2008)

Phạm Xuân Thà - đời 14

-----------------------------------------------------------
[1] Có lỗi văn bản: hai ông đều là Phạm Danh Đô

[2] Hiện nay chúng tôi đang tiến hành tìm nguồn gốc cụ Thủy tổ ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Bình Giang. Đề nghị quý vị có thông tin liên quan báo giúp cho chúng tôi. Xin chân thành cám ơn! Địa chỉ liên hệ: ông Phạm Xuân Thà, số 78 Vũ Trọng Phụng, phường Quang Trung, Tp Hải Dương. ĐT: 0320.3851763

xã Hoa Đường chính là quê Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825).


»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi