Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

21 tháng 7, 2008

Họ Phạm thủy tổ Phạm Tô Giang

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 21, 2008 bởi PK.Dương · 4 comments

Nước Việt Nam ta có nhiều dòng họ Phạm là hậu duệ của các danh nhân: Phạm Tu, Phạm Bạch Hổ, Phạm Tử Hư, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh,... Trong một thôn Phương La xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương có tới sáu dòng họ Phạm khác nhau. Bài viết này chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt về truyền thống dòng họ Phạm có Thủy tổ là cụ Phạm Tô Giang.

Cụ Phạm Tô Giang xuất thân từ gia đình dòng dõi, thi lễ tôn phái vẻ vang. Sau khi đất nước bị giặc ngoại xâm (khởi nghĩa Lam Sơn (1414-1428) chống quân Minh), cụ Tô Giang từ xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Bình Giang di cư về thôn Phương La xã Cẩm Chế, Thanh Hà. Cụ mở trường dạy học để mở mang hiểu biết cho nhân dân trong vùng.

Cụ Tô Giang lấy vợ và sinh được 3 con trai, 2 con gái:

   1. Ông Phạm Phúc Sinh (con thứ nhất)
   2. Ông Phạm Phúc Tâm (phong Đại tôn)
   3. Ông Phạm Phúc Thiện (di cư sang thôn Bát Nạo, Kim Thành)

Con thứ là Phạm Phúc Tâm học hành thông minh, tố chất nổi bật hơn ông Phúc Sinh và Phúc Thiện. Do đó cụ Tô Giang với tầm nhìn xa trông rộng đã lập con thứ Phúc Tâm làm đại tôn.

Trong dòng họ còn có nhiều người học hành thông minh, lao động cần cù. Điển hình có một số vị:

    * - ông Phạm Xuân Dương con ông Phúc Thiện (đời 3, cháu nội cụ Tô Giang). Ông Xuân Dương là người học hành thông minh, dưới triều Lê ông đi thi Hương, thi Hội nhiều lần không đậu. Ông về kinh xin yết kiến nhà vua, tướng sĩ không cho vào. Ông nói "Nếu các ông không cho tôi vào, tôi xin đập đầu chết tại đây!". Tướng sĩ thấy vậy đành tâu với vua cho ông Xuân Dương vào. Vua sai đem ra một chồng sách và truyền: "Nhà ngươi hãy đọc chồng sách này, nếu không đọc được ta sẽ chém đầu và chu di tam tộc!". Ông Xuân Dương thản nhiên cầm từng quyển sách đọc, không phải đọc xuôi mà ông đã đọc ngược hết cả chồng sách. Thấy vậy, vua thán phục và ban tên cho là "ông Bồ sách".
    * - ông Phạm Đức Trạch (đời 6), đứng đầu chi thứ nhất. Ông thi đỗ cử nhân. Là người biết địa lý nên ông tìm nơi đất tốt để cải táng cho cha mẹ và người trong Họ. Nhờ đó con cháu sau này sinh sôi phát triển, nhiều nhà thành đạt. Như ông Phạm Đăng Phong sống thời Tự Đức sinh được 5 con trai, ba con gái. Năm con trai đều thành tài, đức cả do vậy có câu "Giáo ngũ tử, danh cầu dương". Các ông cùng thi Hương, thi Hội đỗ ba khoa nhất nhì trường. Cũng thời Tự Đức con ông Lịch Ly Châu phủ nên được được Triều đình chuẩn trước ngạch quan triều Viện Phụ.
    * - ông Phạm Danh Đô[1] (đời 6), đứng đầu chi thứ hai.
    * - ông Phạm Danh Đô (đời 6), đứng đầu chi thứ ba. Là người mắt sáng, khôi ngô tuấn tú, da dẻ hồng hào, người cao lớn phương phi. Con cháu thời nào cũng làm quan chức, nhất là thế kỷ XX các vị tham gia kháng chiến và xây dựng đất nước. Tiêu biểu có:

+ ông Phạm Văn Đậu, cán bộ lão thành trước Cách mạng Tháng Tám, là chủ tịch đầu tiên của huyện Thanh Hà. Khi công tác ở Bộ Ngoại giao làm Đại sứ ở I-rắc. Ông đã trên 90 tuổi đời, trên 60 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng nhiều huân chương, đang nghỉ hưu tại Hà Nội.

+ ông Phạm Văn Mão, tham gia cách mạng trước khởi nghĩa tháng Tám. Năm 1950 khi địch đuổi bắt, ông nhanh trí nhảy xuống ao bèo tây trốn. Khi địch rút đi, ông lên bờ và bị ngất đi do trời rét tháng Chạp. Được bà con đưa vào đốt lửa sưởi nên ông tỉnh lại. Sau đó ông công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu. Hiện ông đã 83 tuổi với 60 năm tuổi Đảng, ông sống vui tươi mạnh khỏe cùng con cháu ở Tp Hải Dương. Ông có 5 con trai, ba con gái, con trai Phạm Văn Bình là liệt sĩ chống Mỹ. Những người còn lại đều làm việc ở cơ quan nhà nước, người làm bác sỹ, người làm giáo viên.

+ ông Phạm Văn Ban, cán bộ tiền khởi nghĩa. Năm 1945 là bộ đội tình nguyện chống Pháp. Đến 1964 vào chiến trường miền Nam sau là Đại tá, Trưởng phòng Quân huấn Quân khu 7 ở Tp Hồ Chí Minh. Hiện ông đã nghỉ hưu ở Tp Hải Dương. Ông có bốn con trai đều là những người thành đạt là kỹ sư, bác sỹ. Trong đó ông Phạm Văn Hoàn hiện là Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương.

Nội dung bài viết mới chỉ nêu được tóm tắt một số gia đình và cá nhân tiêu biểu của dòng họ. Song sự phát triển của dòng họ Phạm Thủy tổ Phạm Tô Giang rất lớn mạnh. Ở quê gốc Phương La có trên 200 gia đình, ngoài ra còn phát triển xuống thôn Kim Can, xã Thanh Lang, Thanh Hà khoảng 50 gia đình. Ở tận xã Lê Lợi, huyện Chí Linh có 70 gia đình, còn ở Bát Nạo Kim Thành có gần 100 gia đình. Ở Lục Ngạn, Lục Nam tỉnh Bắc Giang có hơn 30 gia đình. Con cháu cụ Phạm Tô Giang hiện có khoảng 3500 người chủ yếu là nhánh đại tôn ông Phạm Phúc Tâm.

Để viết chi tiết truyền thống dòng họ, kính mong các bậc cao niên cùng toàn thể bà con trong họ tham gia và góp ý kiến xây dựng. Bản truyền thống phả ký họ Phạm - Thủy tổ Phạm Tô Giang[2] sẽ giúp cho mọi người hiểu sâu sắc về dòng họ và phát huy truyền thống của một dòng họ gần 600 năm phát triển.

Hải Dương, ngày 21/7 Mậu Tý (2008)

Phạm Xuân Thà - đời 14

-----------------------------------------------------------
[1] Có lỗi văn bản: hai ông đều là Phạm Danh Đô

[2] Hiện nay chúng tôi đang tiến hành tìm nguồn gốc cụ Thủy tổ ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Bình Giang. Đề nghị quý vị có thông tin liên quan báo giúp cho chúng tôi. Xin chân thành cám ơn! Địa chỉ liên hệ: ông Phạm Xuân Thà, số 78 Vũ Trọng Phụng, phường Quang Trung, Tp Hải Dương. ĐT: 0320.3851763

xã Hoa Đường chính là quê Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825).


4 nhận xét:

  1. cam on qui vi co bai viet nay giup ba con tim hieu dong ho pham

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói có 6 nhánh họ phạm tại Cẩm Chế Thanh Hà, ngoài nhánh cụ Phạm phúc Tâm thì các nhánh còn lại hiện nay ra sao, tài liệu nào lập con thứ 2 làm đại tôn !.
    Tôi cũng xuất thân dòng họ Phạm Thanh Hà - Cẩm Chế, tuy nhiên đến thế hệ chúng tôi chỉ còn ghi chép được 8 đời, rất mong bạn dành thời gian cho chúng tôi có thể liên lạc.
    Phạm Minh Tân. ( chautien60@yahoo.com.vn)

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng họ Phạm nhưng ở nhánh Dương Nội, Hưng Yên, ko biết có liên quan gì tới nhánh ở Hải Dương ko, hiện dòng họ phạm ở quê tôi có gia phả 6,7 đời trước

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cũng họ Phạm ở Nam Định. Cụ Thủy tổ Phạm Phúc Hiền ở Trực Đạo - Nam Ninh - Nam Định (xã Trực Đạo Trực Ninh Nam Định) ko biết có liên quan đến họ bên Hải Dương hay ko

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi