Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

29 tháng 11, 2009

BLL họ Phạm Tp. HCM họp phiên cuối năm

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 29, 2009 bởi Phạm Đạo · 4 comments




Sáng 29-11-2009, BLL họ Phạm TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp cuối năm tại nhà riêng ông Phạm Văn Căn. Tới dự có ông Phạm Đạo-Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam; Ông Mai Phạm-Việt kiều tại Australia đang về thăm quê hương.

Cuộc họp lần này nhằm mục đích đánh giá lại kết quả hoạt động năm 2009, đồng thời bàn phương hướng, kế hoạch hoạt động của BLL năm 2010. Ông Phạm Văn Căn thay mặt cho BLL đã đánh giá lại những kết quả hoạt động trong năm qua, đồng thời cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn còn gặp phải trong vận động thành lập các BLL cấp quận, huyện hoặc chưa củng cố được tổ chức của các Ban chuyên môn...Vì vậy, việc duy trì và tổ chức các hoạt động của BLL năm qua không thực sự thuận lợi.

Cũng tại cuộc họp này, Ông Phạm Văn Căn đã trình bày dự kiến kế hoạch hoạt động của BLL họ Phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2010 để xin ý kiến tham gia của các thành viên… Sau khi bàn bạc thảo luận với nhiều ý kiến đóng góp, cuộc họp đã thống nhất những việc làm trọng tâm năm 2010, đó là:

1- Tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động của BLL các quận, huyện đã thành lập. Vận động để thành lập thêm 4 hoặc 5 BLL quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

2- Tiếp tục tổ chức vận động gây Quĩ khuyến học. Trong năm 2010 dự kiến trao 3 đến 5 suất học bổng cho học sinh là con em họ Phạm, gia đình nghèo, tự vươn lên có thành tích xuất sắc trong học tập.

3- Vận động để tiến tới cuối năm 2010, thành lập CLB doanh nhân họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh.

4- Tổ chức một buổi hòa nhạc quy mô nhỏ, biểu diễn các tác phẩm âm nhạc về họ Phạm.

5- Tổ chức gửi biếu quà và Thiếp chúc Tết các bậc cao niên họ Phạm trên 80 tuổi.

Tp.HCM, ngày 30/11/2009
Pha Lê 
»»  Đọc tiếp

22 tháng 11, 2009

Họ Phạm (ca khúc)

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 22, 2009 bởi Phạm Đạo · 7 comments

“Họ Phạm” ca khúc mới của Mai Phạm
 



Anh Mai Phạm, một Việt kiều tại Australia là một doanh nhân đồng thời cũng là một nhạc sỹ có tâm huyết với dòng họ. Trước đây chúng tôi đã giới thiệu một bài hát của anh viết về dòng họ. Nay anh lại mới sáng tác một ca khúc mới: “Họ Phạm”, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bà con đồng tộc trong và ngoài nước cũng như bạn đọc xa gần sáng tác mới này của anh. Phần phối âm sẽ giới thiệu sau qua một video clip.
»»  Đọc tiếp

18 tháng 11, 2009

Thư của nhạc sỹ Phạm Hanh

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 18, 2009 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2009

Kính gửi: Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam

Vừa qua, nhân xem tập “Quy chế Việc họ”, tôi có được thông tin là bài hát “Họ Phạm trong lòng mẹ Việt Nam” của tôi đã được phổ biến rộng rãi trong các dòng họ Phạm trên toàn quốc, và nhiều dòng họ Phạm đã tỏ ra yêu thích bài hát này. Tôi rất phấn khởi vì tấm lòng của mình đã được bà con đồng tộc tiếp nhận.

Để bài hát trở thành tài sản chung cho cả dòng họ, phục vụ dòng họ được lâu dài mãi cho đến các đời sau, tôi xin tự nguyện bàn giao “Bản quyền tác giả” và “đĩa gốc” cho Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam. Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam có toàn quyền sử dụng bài hát này.

Kính mong Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam tiếp nhận.

Tôi chân thành cám ơn

Kính thư
Phạm Hanh


»»  Đọc tiếp

17 tháng 11, 2009

Ho Phạm Nhàn Ngu làm khuyến học

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 11 17, 2009 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Họ Phạm Nhàn Ngu và Phạm Thận Duật với truyền thống hiếu học của quê nhà

(LBT) Nhân kỷ niệm lần thứ 124 Ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, ông Phạm Đình Nhân đã có một bài viết về truyền thống hiếu học của quê hương. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Hiền tài là nguyên khí của Nhà nước”(1). Việc khơi dậy truyền thống hiếu học và sự dạy dỗ của gia đình, của dòng họ là một nhân tố quan trọng, nếu không nói là quyết định đối với sự nghiệp chăm lo đào tạo nhân tài.

Làng Yên Mô (nay là xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) nơi mà ông tổ Nhàn Ngu của dòng họ Phạm đến cư trú từ thế kỷ 15 là một vùng đất giàu văn hiến. Xưa kia vùng đất này nằm trên vùng biển Thần Phù nổi tiếng dữ dội và đã từng đi vào lịch sử với hai câu:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm

Làng Yên Mô có hòn núi đá Vọng Sơn, tục gọi là núi Bảng hay núi Dắng, một ngọn núi đá vôi ở phía cuối dãy Tam Điệp của dãy Trường Sơn và hai dòng sông Trinh, sông Càn bao bọc. Về mặt lịch sử, đây là mảnh đất đau thương đã từng bị quân Mạc, quân Trịnh bừa đi bừa lại suốt nửa sau thế kỷ XVI. Đất Yên Mô này, trước có tên là Mô Độ, là nơi cư trú đầu tiên của những người định cư từ nhiều nơi đến gồm có nhiều họ như họ Phạm, họ Phan, họ Nguyễn, họ Ngô, họ Vũ, họ Mai, họ Lê, họ Đỗ, có lẽ trước cả khi Giản Định Đế nhà Hậu Trần năm 1407 lên ngôi ở đây chiêu mộ quân tướng chống đánh giặc Minh. Thời Minh thống trị đổi tên là Yên Mô và đất này ắt phải là mảnh đất văn hiến và trù phú hàng đầu mới có tên làng cũng trùng với tên tổng và tên huyện Yên Mô của tỉnh Ninh Bình.

Trên mảnh đất này, dòng họ Phạm Nhàn Ngu từ bao thế kỷ nay có số nhân khẩu trong họ thường chiếm trên nửa số cư dân trong làng nên được suy tôn là họ Đại Phạm. Các đời nối tiếp đều có các bậc khoa cử và đến đời thứ 10 thì xuất hiện một danh nhân. Đó là Phạm Thận Duật một nhân vật lịch sử đã sinh ra cách đây 184 năm và mất cách đây 124 năm. Năm 1995, nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cùng với Viện Sử học Việt Nam và Hội khoa hoc Lịch sử Việt Nam đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm dưới tiêu đề: “Phạm Thận Duật, nhà yêu nước, nhà văn hóa, người góp phần khởi động phong trào Cần vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX”.
Ông là biểu tượng cho truyền thống hiếu học ở quê tôi và là kết quả của một sự giáo dục nghiêm khắc trong gia đình và dòng họ Phạm.

Một vùng quê giầu truyền thống hiếu học:

Xét về mặt lịch sử thì phải sau khi có con đê Hồng Đức (đắp năm 1475) thì đời sống cư dân nơi đây mới trù phú, phát triển cả về kinh tế và văn hóa. Chỉ riêng một làng Yên Mô vào thời Lê, khi đó còn bao gồm cả thôn Côi Trì (nay thuộc về xã Yên Mỹ) cũng đã có những nhà khoa bảng lớn như Hoàng giáp Ninh Địch (khoa Mậu Tuất 1718), Tiến sĩ Hội nguyên Thượng thư Ninh Tốn (khoa Mậu Tuất 1778). Sau này Côi Trì tách ra khỏi làng Yên Mô nhưng vẫn ở trong tổng Yên Mô, thời Nguyễn, có Phó bảng Nguyễn Tuyên, Cử nhân Nguyên Khôi. ở Phượng Trì làng dưới cùng thuộc tổng Yên Mô (nay cũng thuộc xã Yên Mạc) cũng có hương cống tức Cử nhân Phạm Bao thời Lê, thời Nguyễn có Cử nhân Vũ Phạm Khải và dòng họ Đại Phạm đất Yên Mô có Thượng thư Phạm Thận Duật, Hiệp biện Đại học sĩ, Cơ mật viện Đại thần.

Tấm bia Yên Mô sơn xuyên nhân vật bi ký do Phạm Thận Duật viết, đặt ở miếu thờ Thành hoàng làng năm 1870 nay không còn nữa, nhưng bài văn bia còn lưu lại được trong Quan Thành văn tập, một trong những tác phẩm của Phạm Thận Duật(1) là bài văn bia nói về sông núi và nhân vật đất Yên Mô, về những văn quan, võ quan đầu tiên của làng trong thời chúa Trịnh đánh nhà Mạc ở vùng này giữa thế kỷ 16, như Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc đồng tri Lê Các lão, như Hàn lâm triều liệt Đại phu Phạm Nguyên Lãng, Thập lý hầu Phạm Phúc Kỳ và Hậu Trai tiên sinh Vũ Bá Hoàn người đã từng thụ giáo trường Quốc Tử Giám năm Ất Dậu 1765 thời Lê Cảnh Hưng là người có học vấn uyên thâm, nổi tiếng một thời ở đất này.

Ngoài ra còn có tấm bia Yên Mô lịch khoa hương tiên sinh ghi rõ tên họ, khoa thi của 56 vị trong làng đã trải qua các kỳ khoa bảng cho đến cuối đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786). Tấm bia này mới tìm thấy được năm 1989, hiện đang dựng tại sân trường tiểu học Phạm Thận Duật xã Yên Mạc (tên của Yên Mô từ 1946). Ngôi trường này xây trên nền khu Văn Từ cũ, nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên nho hàng huyện. Tấm bia đó do chính Phạm Thận Duật viết, là bằng chứng, là di tích lịch sử văn hóa còn lại của đất Yên Mô nói đến nền văn hiến đất này.

Trong Quan Thành văn tập còn ghi lại toàn văn một số tấm bia đặt trong những đền, chùa, miếu mạo, đình làng của đất này. Những tấm bia “thần đàn”, “thần tích” đó phản ánh đời sống văn hóa tâm linh, không khí văn hiến, lòng hiếu học của nhân dân địa phương. Trong các nội dung văn bia còn để lại (tuy hầu hết các bia đá không còn nữa do chiến tranh tàn phá) cho biết : để khuyến khích sự học tập của con em, làng Yên Mô thuở ấy có định ra một tục lệ khuyến học là giành sáu mẫu ruộng học điền hàng năm lấy hoa lợi làm phần thưởng cho nho sinh nào học giỏi trong làng. Hàng năm làng tổ chức thi khảo, chọn ra những người học giỏi, xếp theo thứ bậc.

Yên Mô là một vùng quê trù mật, đồng xanh lúa tốt hai vụ chiêm mùa, trên dòng sông thuyền bè đi lại ngược xuôi, phố quê tấp nập. Và có biết bao đền chùa, miếu mạo, những ngôi đền khang trang, rộng rãi có thể chứa cả hai, ba lớp học mà thời đầu kháng chiến chống Pháp, trường Thành Chung Nam Định tức là trường trung học Nguyễn Khuyến đã tản cư về đây sử dụng. Ẩn dưới những cây cổ thụ xum xuê rợp bóng, những ngôi đền tĩnh lặng, sáng loáng những bức hoành phi, câu đối cùng những tấm bia đá dày đặc chữ Hán đứng trầm mặc, chứng kiến sự đổi thế xoay vần của lịch sử, chứng kiến truyền thống hiếu học của cư dân. Tất cả những công trình văn hóa ấy đã bị chiến tranh tàn phá, san phẳng cùng với tâm linh khát vọng học hành của dân làng. Nhưng tận cho đến ngày nay vẫn có người còn thuộc một số câu đối đặt ở Văn Từ nơi thâm nghiêm thờ phụng các bậc tiên nho mà bất cứ kẻ sĩ nào bước vào cũng phải lặng nhìn, lặng đọc.

Trong Quan Thành văn tập còn lưu lại được bài văn bia do Phạm Thận Duật viết và được khắc đá đặt ở Văn Từ khi hàng huyện trùng tu lần cuối vào năm 1867. Bài văn bia đó có tên là Bản huyện từ chí nêu rõ: Nơi đây trước kia chỉ là Văn chỉ hàng tổng mà sau này vì Yên Mô là đất đầu huyện nên chuyển thành Văn Từ của hàng huyện. Qua bài văn bia, người ta thấy người xưa làm Văn Từ không phải là chỉ để thờ phụng các bậc tiên nho mà chính còn là chốn tâm linh, là một công trình văn hóa để bảo tồn, duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của cư dân với khát vọng học để hành, tu rèn để nhập thế. Vì vậy, ta thấy ông có câu: “Việc thờ cúng thánh hiền quý ở việc làm. Cái học của thánh hiền, văn là ngũ kinh, hành là ngũ luân, điều này đã được ghi tường tận ở bia Văn Từ hàng phủ. Các vị trong hội ta nên tham khảo mà cố gắng làm theo”.

Tất cả những điều nói ở trên chỉ để khẳng định mảnh đất này, một vùng sơn thanh thủy tú đã từng có một không khí văn hiến, có cái truyền thống nối đời học đạo, góp phần hun đúc nên những phẩm chất, những nhân cách tốt đẹp của nhân tài.

Ngay trong dòng họ Phạm sinh ra Phạm Thận Duật thì bao đời trước đã có nhiều người đạt học vị sinh đồ (tức tú tài). Trong “Phạm tộc phổ ký” còn giữ lại được, có nêu nhiều tên tuổi các đời đỗ tường sinh hay sinh đồ đời Lê, tú tài đời Nguyễn. Các cụ tiên tổ họ Phạm bốn đời liền trước đời Phạm Thận Duật, từ người cha là cụ Kép Tuyển đỗ hai khoa tú tài tính trở lên đều là những bậc khoa cử, nhưng học vị đó dù là hai khoa tú tài cũng không đủ để bổ một chức quan trong ngạch bậc quan trường nên thường chỉ ở nhà làm thầy đồ dạy học cho con cháu được nhiều chữ, nuôi dưỡng lòng hiếu học cho con cháu vươn lên sau này.

Mãi đến thế kỷ thứ XIX, Phạm Thận Duật, người cháu đời thứ mười của dòng họ đại Phạm mới thừa hưởng được kết quả hun đúc từ bao đời. Ông sinh ra trong hoàn cảnh nghèo vì cha mất sớm khi mới lên chín, nhờ bà mẹ tần tảo quan năm với gánh hàng xén đi khắp các chợ ở vùng quê quanh đó để nuôi con ăn học.

Trong Vọng Sơn niên phổ, một trong những cuốn phả của dòng họ Phạm nói về cụ Tổ Vọng Sơn(1) có đoạn nói về ông: “Cơm mỗi ngày một bữa, mỗi bữa một bát, mỗi năm chỉ có một cái quần và một cái áo. Thế mà trong cảnh đói rét vẫn phấn khởi. Lúc lớn lên càng ham học quá. Muốn học mà không có tiền mua sách, phải đi mượn để chép mà học. Câu văn đoạn chữ coi quý như vàng, như ngọc. Học rất chăm chỉ: tối không có tiền mua dầu, phải đốt nén hương để soi mà học. Mỗi khi có việc đi đâu, vừa đi vừa học ôn các bài học trước, đi mỗi dặm đường học tới bốn, năm chục trang, thường khi đụng phải người ta mà cũng không biết”.

Trong các thầy học của ông, từ người thày khai tâm Vũ Phạm Khải dạy được bảy ngày thì lên đường vào Kinh nhậm chức, đến người cậu là thầy đồ Hòa Lạc Nguyễn Hữu Văn dạy ở trường làng, thầy đồ người làng là Phạm Tư Tề ngồi dạy học ở phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định và thày Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu ở Nộn Khê mà sau này trở thành nhạc phụ của ông, thì phải nói rằng Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng (Nam Định) một sĩ phu yêu nước nổi tiếng đất Sơn Nam là người thầy đã có nhiều công nhất dìu dắt dạy dỗ và hun đúc cho thư sinh Phạm Thận Duật trở nên người sau này đạt đến Nhất phẩm triều đình. Bởi lẽ ngay từ đầu, khi Lục Khê cư sĩ dẫn Phạm Thận Duật đến xin học, ông đã phát hiện ngay lòng hiếu học, tính nghiêm túc mẫn tiệp, cần cù khổ học của nho sinh họ Phạm nên không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà. Cái khí chất của người học trò ấy, năm năm sau đã biến thành cụ thể: Ông đỗ cử nhân trường Nam khoa Canh Tuất năm 1850, thứ 27, cuối bảng Giáp. Dù cuối bảng, nhưng cái ý chí quyết học hành nhập thế đã biểu lộ trong hai câu đối ứng tác của ông:

Điên chi, đảo chi, quán quần anh chi thủ,
Chí hĩ, tận hĩ, cận thiên tử chi quang”.

Tạm dịch:
Đưa lên, đảo xuống, sẽ đứng trên các bậc anh tài,
Cuối bảng, chí bền, sẽ kề bên ánh sáng Đức Vua”.

Cái khẩu khí ấy đã nghiệm đúng sau hơn 30 năm sĩ hoạn của một con người luôn luôn học hỏi để từ một cử nhân cuối bảng trở thành một ông quan “Đình thi độc quyển” chấm thi Hội, thi Đình để chọn lấy các bậc tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn.

Công lao d­ưỡng dục vun đắp nhân tài :
Cũng phải nói rằng nếu chỉ có truyền thống hiếu học của quê hương đã tạo nên nhân tài thì không đủ. Sự dạy dỗ trong gia đình, dòng họ là hết sức quan trọng. Bởi lẽ trước tiên, không có một nhân tài nào mà không do công sinh đẻ và dạy dỗ của người mẹ từ khi mới lọt lòng.

Dưới những chuẩn mực giáo dục theo đạo ký làm người của người xưa, trên nền tảng Nho học thì sự giáo dục của gia đình lại càng là một nhân tố vô cùng quan trọng. Nhân tài xưa kia là kết quả của sự dạy dỗ trong gia đình của một người cha nghiêm nghị có khi còn khắc nghiệt đối với từng bước đi của con mình, là sự kết trái của tấm lòng bao dung thắm đượm tình mẫu tử của người mẹ dạy dỗ, vun đắp từ khi đứa con mình còn đang ẵm ngửa đến khi bước vào đời, vào con đường danh vọng và ngay cả lúc đã xênh xang áo mũ.

Nhân tài Phạm Thận Duật cũng vậy, ông cũng được hưởng một nền giáo dục gia phong, tôn tộc mà công lao dạy dỗ lại chính là người mẹ quanh năm đòn gánh trên vai đi khắp các chợ miền quê.
Trong Vọng Sơn niên phổ như đã nói ở trên có đoạn: “… Ông làm quan đến đây đã hơn 14 năm mà sự ăn ở của bản thân không khác lúc còn đi học. Cụ bà ở nhà vẫn buôn gánh hàng xén, đến sau mới có chút lương gửi về phụng dưỡng”. Cụ bà bảo ông: “Làm con mà có ăn ngon mặc tốt để phụng dưỡng cha mẹ thì thực là đáng quý. Nhưng làm cho dân nghèo đi để nhà mình giàu thì ta ghét lắm”. Có lần về quê thăm mẹ, sau những ngày mệt mỏi và đau yếu vì việc công, ông ở lại lâu như muốn lưu lại với mẹ già, không nỡ lòng xa mẹ, thì bà mẹ bảo: “Những điều dạy bảo của cha ngày trước là chữ trung và chữ hiếu. Trung với nước, tức là hiếu với nhà. Cứ quyến luyến với gia đình cũng không phải là hiếu đâu”. Ông nghiêm chỉnh nghe lời mẹ dạy, ra đi việc nước.

Sự dạy dỗ của bà mẹ về lòng liêm khiết, bằng chính gương lao động cần cù của bà ngay cả khi ông đã làm quan, đã giúp cho Phạm Thận Duật tăng thêm nhân cách cao đẹp của một vị quan thanh liêm. Cả cuộc đời ông vì nước vì dân, đến nỗi thường băn khoăn chưa nuôi nổi mẹ già. Và điều đó hình như ông đã có lần tâm sự với người học trò yêu của mình là chí sĩ Nguyễn Cao. Đến khi bà cụ mất, Nguyễn Cao có đôi câu đối viếng thân mẫu của thày mình, tạm dịch:

Thầy tôi vẫn than phiền: Vất vả suốt đời chưa nuôi nổi mẹ.
Cụ cố nay lại mất: Nhìn dặm xa cách, nói sao hết tình”.

Xét về một khía cạnh nào đó, người mẹ, người cha trong nền giáo dục của ông cha ta chính lại là người thầy lớn trong suốt cuộc đời của người con, dù người con đó là một bậc hiền tài của đất nước. Sự dạy dỗ nghiêm khắc trong gia đình, trong dòng họ dựa vào truyền thống gia tộc để hiểu đạo lý làm người, đạo lý làm con, làm anh em, vợ chồng, làm trò, làm cha, làm quan phụ mẫu là cái cốt yếu, là nền tảng dựng nên nhân cách cao đẹp của con người, đưa con người lên tầm cao trong mối quan hệ sống và làm việc ở đời.

Khí thiêng sông núi hun đúc nhân tài

Trở lại vấn đề truyền thống hiếu học, có thể nói rằng mảnh đất quê hương nhiều đền chùa, miếu mạo, thờ cúng các bậc tiên nho, nhiều bia đá đầy chữ nghĩa thánh hiền và cũng nhiều sự chăm sóc đến dòng giống gia tộc nối chí cha ông đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, nhắc nhở những người con đi theo sự nghiệp học hành, tu thân hành đạo mà Phạm Thận Duật là một tấm gương tiêu biểu ở quê tôi trong thế kỷ thứ XIX.

Ngày nay, dòng họ Đại Phạm cũng như các dòng họ khác ở quê tôi trải qua biết bao đổi thay của lịch sử đã ra đi sinh sống khắp nơi trong nước và ở cả nước ngoài. Song truyền thống hiếu học, khí thiêng sông núi của đất này cũng đã ban cho biết bao nhiêu nhà khoa bảng hiện đại. Các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ quê tôi ở khắp trong nước và ngoài nước. Còn các vị cử nhân, kỹ sư, các nhà giáo, những người có bằng đại học ở quê tôi có rất nhiều mà đến nay chưa thống kê hết được. Họ đang đem hết sức mình đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa nước nhà. Nhà giáo, nhà thơ Phạm Cúc chuyên viết về thiếu nhi cũng là một con cháu họ Phạm. Ông đã có nhiều tập thơ được in trong thời gian gần đây, cũng là một con người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của quê hương.

Ở nước ngoài, con cháu họ Phạm đất Yên Mô không quên nghĩ về quê hương, về cội nguồn mà người tiêu biểu là họa sĩ nổi tiếng Phạm Tăng, người cháu năm đời của Phạm Thận Duật. Ông được giải nhất hội họa của tổ chức UNESCO (tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp quốc) ngay tại đất thánh của hội họa là La Mã với bức tranh “Vũ trụ”. Ông còn là một nhà thơ tài danh mà Nhà xuất bản Văn học vừa cho in tập thơ mang tên ông, một tập thơ có thể nói là tập thơ “Hướng về quê hương, hướng về cội nguồn” với những câu nghe da diết:

Có ai còn nhớ Yên Mô
Sông Càn, núi Bảng đến giờ còn không?

Khí thiêng sông núi quê tôi đã hun đúc nên truyền thống hiếu học và truyền thống hiếu học đã góp phần hun đúc rèn luyện nhân tài.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta đã qua biết bao triều đại của hơn bốn mươi thế kỷ. Nhưng bất kỳ ở thời đại nào đất nước ta cũng sản sinh những vị anh hùng, những bậc hiền tài. Những bậc hiền tài ấy là do từ những bà mẹ anh hùng sinh ra ở những mảnh đất có khí thiêng, có truyền thống.

Những danh nhân của đất nước ta bao giờ cũng được sự hun đúc bởi truyền thống quê hương, truyền thống hiếu học, bởi sự chăm lo dạy dỗ của những người làm cha mẹ trong gia đình, của những bậc ông bà chú bác trong dòng họ. Phạm Thận Duật, một người con lỗi lạc của dòng họ Phạm đất Yên Mô cũng không thoát ra khỏi nguyên lý ấy. Ông đã trở thành một nhà văn hóa với nhiều tác phẩm để lại cho đời sau, trở thành một Cố mệnh đại thần, một sĩ phu yêu nước. Cuối cùng ông còn là một nghĩa sĩ, người đã cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Quảng Trị, hạ chiếu Cần vương, khởi dậy phong trào Cần vương khắp Trung Nam Bắc để rồi gửi tấm thân mình nơi biển cả trên đường bị thực dân Pháp đưa đi đày từ Côn Đảo tới đảo Tahiti.

Đã đến lúc cần phải dóng lên hồi chuông kêu gọi những con cháu lớp trẻ hãy nhìn lại cội nguồn, nhìn lại lịch sử, học những cái hay, cái đẹp của người xưa, giữ lấy những cốt cách, những truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước ông cha ta, của dòng họ để làm nên sự nghiệp. Bởi vì sự nghiệp của đất nước cũng là tập hợp sự nghiệp của con người, của nhân dân, của những dòng họ.

PHẠM ĐÌNH NHÂN


»»  Đọc tiếp

8 tháng 11, 2009

Họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình làm khuyến học

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 08, 2009 bởi Phạm Đạo · 1 comments


Lời BBT: Họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình là một dòng họ lâu đời cách đây hàng 600 năm. Dòng họ có truyền thống gia phong và hiếu học, có nhiều vị đỗ đạt cao. Đến nay vẫn duy trì được tinh thần hiếu học đó. Hội đồng gia tộc đã làm tốt việc khuyến học. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Trưởng Tộc Phạm Ngọc Phô về chủ đề này.

Dòng họ Có truyền thống
gia phong và hiếu học


Họ Phạm Tiên Hưng là một trong 20 dòng họ chung sống trong cộng đồng dân cư làng Phú Lễ xã Tự Tân huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, chiếm 40% dân số của 3 thôn thuộc làng Phú Lễ.
Gia phả cổ chữ hán của dòng họ ghi thuỷ tổ họ Phạm Tiên Hưng từ đất Lỗ Hương (Là một vùng đất mặn ven biển) đến đây khoảng năm Canh Thìn (1400) đời vua Trần Thiếu Đế, niên hiệu Kiến Tân năm thứ nhất, cách đây đã hơn 600 năm. Sổ vàng truyền thống gia phong dòng họ cho thấy Tiên Hưng là tên hiệu riêng của dòng họ xuất xứ từ mộ tổ để trên gò Tiên Hưng có nghĩa "dậy lên trước" kể từ đấy "sinh sinh sáng nghiệp, thế thế quang vinh". Họ hàng sinh sôi con cháu có phần lỗi lạc lúc đầu còn là vùng bãi sình lầy ven sông biển, lấy gò Tiên Hưng là nơi sinh cơ lập nghiệp. Mãi sau 300 năm: đến thời Lê Trung Hưng thời thịnh nho lúc đó mới có đủ cư dân cùng ông tổ 4 họ khác là Đỗ, Lại, Trịnh, Đặng lập nên làng Phú Lễ ngày nay (Phú là giầu, Lễ là lễ nghĩa) và chung vai xây dựng đình, làng, rước bài vị nho tướng triều Hùng Vương thứ 6 là Đỗ Phụng Trân có công giúp Phù Đổng Thiên vương đánh giặc Ân được vua phong sắc " Uyên Dung Quảng Bác Đại Vương", ngài mở trường dậy học ở 5 làng khai trí cho dân đem cái chữ đến vùng đất này đầu tiên. Bởi vậy4 xã 5 làng đều thờ nho tướng họ Đỗ. Đấy là nếp tôn sư trọng đạo, duyên nghiệp văn chương, về thờ làm thành hoàng làng cùng với đình, chùa Phúc Lâm đặt phía sau đình và văn từ làng thờ Đức Khổng Tử cũng được xây năm 1859 hợp thành một quần thể di tích văn hoá lâu đời của làng. Điều đó chứng tỏ người dân Phú Lễ người họ Phạm, rất hiếu học, trong chữ nghĩa văn chương.

Sau khi đình xây xong thì các họ tộc cũng xây dựng từ đường họ và rước đức thuỷ tổ của họ mình, được phối hưởng thờ tại đình làng để về thờ tại từ đường của họ. Từ Đường họ Phạm Tiên Hưng từ thế kỷ XVI đơn sơ, bằng tranh tre vách đất. Đến thế kỷ XIX (1820) con cháu trong họ cùng nhau góp sức xây dựng lại từ đường mới kiên cố, hoàn chỉnh và khang trang phía trong tẩm đường 3 gian, phía ngoài bái đường 5 gian để có nơi hát xướng tụ họp. Tuy nhiên trải qua gần hai thế kỷ, mối mọt, bão gió chiến tranh tàn phá nếp từ đường cổ bị huỷ hoại, trải qua 5 lần xây lại mãi đến 1995 với công sức toàn thể con cháu đóng góp mới xây dựng lại từ đường kiên cố, vĩnh cửu bằng vật liệu hiện đại nhưng theo thiết kế cổ điển, phục hồi dáng dấp cổ của tổ tiên để lại. Xuân thu nhị kỳ rằm tháng Giêng tháng Bẩy và ngày Đại Kỵ của họ, con cháu xa gần về tề tựu đông đủ giỗ tổ. Các cụ cao niên trong họ kể cho con cháu nghe rằng họ Phạm Tiên Hưng là dòng họ có nề nếp gia phong và tinh thần hiếu học đặc biệt là lòng yêu nước. Từ những năm xa xưa người họ Phạm đã tụ quân dưới cờ nghĩa của các lãnh tụ nông dân chống phong kiến, khi tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và sau đó là Đảng Cộng sản ra đời, nhiều thanh niên đã giác ngộ trở thành những chiến sỹ tiên phong của Đảng: Ông Phạm Huề Chuỷ đang học trường Minh Thành - Thái Bình, Ông Phạm ích Doanh đang học ở Việt Trì đã tham gia các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ Đảng từ khi tuổi mới 14-15. Ông Doanh hoạt động cách mạng trong chi bộ Đảng Hoả Xa ở Quy Nhơn, trong một lần tham gia gài mìn trên đường sắt để giết tên toàn quyền Pháp bị lộ ông bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh sau 3 ngày bị tra tấn năm 1941 lúc đó 29 tuổi. Ông Phạm Huề Chuỷ là một Đảng viên tiền bối của chi bộ Thư Vũ tiền thân của Đảng bộ Vũ Thư ngày nay, khi 12 tuổi vẫn đang đi học ông đã viết báo, truyền đơn và in ấn truyền đơn cho cách mạng tham gia “Học sinh hội” ở trường Minh Thành, đây là thời kỳ tập dượt để các “Học sinh hội” trở thành cộng sản, 16 tuổi ông đã trở thành đảng viên, năm 1939 ông là Bí thư chi bộ Thư Vũ và Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ. Sau lần thứ ba bị bắt, trốn ra tù ông chuyển địa bàn hoạt động lên chiến khu Ba Sao, xây dựng phong trào và sáng lập Đảng bộ Hà Nam. Ông hy sinh năm 1941 tại chiến khu Ba Sao - Kim Bảng - Hà Nam.

Những năm kháng chiến ác liệt, trai tráng họ Phạm tòng quân tham gia kháng chiến như: liệt sỹ Phạm Xuân Hảo, Phạm Xuân Bạc, Phạm Văn Tân.. Trong 3 năm kháng chiến trong lòng địch, các trận càn của pháp vào làng Phú Lễ, các con em của họ Phạm là du kích thôn đã chiến đấu ngoan cường và đã ngã xuống ngay trên miền quê đó là: Phạm Xuân Uyên, Phạm Xuân Bôi, Phạm Xuân Tản và mười người con của họ Phạm Tiên Hưng trở thành liệt sỹ chống Pháp . Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có hàng mấy trăm người con trong họ tòng quân và đã có 18 người con của họ Phạm đã anh dũng hy sinh là liệt sĩ trong số 45 liệt sỹ của làng.

Ngay từ khi dựng từ đường thờ tổ tiên các cụ đã có quy ước về việc học hành, ngày nay là khuyến học, con em gia đình nào học tốt được HĐGT kính cáo với tổ tiên và khen thưởng xứng đáng. Cách đây 3 trăm năm nhiều cụ dùi mài kinh sử đỗ đạt cao. Cành giáp có cụ Dụ đức hầu Phạm Bá Huân, cụ Đồng Phủ Tràng Khánh Phạm Bá Đôn, cành ất có cụ Phúc Kiệm Phạm Sỹ Giản hàm tiến công thú lang chức huyện thừa Vĩnh Khang ( Nghệ An); cụ Nguyên Trình hiệu Phúc Lương hàm tiến công thú lang chức Thiên sự viện Điển Bạ, cụ Phạm Đức Dục hiệu Phúc Chính, chăm học, chí cao; làm chức Tiến công thăng thần sách tư bạ được triều đình triệu vào viết sách cho con vua học. Thế hệ thứ 14 phái Mạnh có cụ Phạm Xuân Sưởng luôn theo đuổi việc học, thi đỗ nhất nhị trường, làm chức Trương biên đê chính huyện Thư Trì. Thế hệ 15 có cụ Phạm Xuân Hoành tự Hoằng Nghị hiệu Mặc Tĩnh tiên sinh, có chí kiên tâm về khoa cử, hơn 20 năm đèn sách thi đỗ Nhị trường không ra làm quan, mở trường dạy học, học trò của cụ đông nhất vùng, nhiều người đỗ đạt cao. Đặc biệt, thế hệ thứ 16 (Tầng 13) phái Mạnh có 4 anh em ruột cùng đỗ tú tài một khoa (Năm 1900). Nhà vua phong bảng "Tứ tử đồng khoa", đây là một trường hợp xưa nay hiếm có trong cả nước, sau đó cụ thứ 2 Phạm Tiến Bật thi tiếp đỗ cử nhân năm 1903; văn tài lỗi lạc có tiếng tăm khắp vùng, chỉ lấy giáo dục làm trọng, trải 20 năm dạy học, đào tạo hàng vài trăm người thành đạt, đỗ cử nhân, tú tài kỳ thi hương năm 1915. Cụ thứ 3 Phạm Duy Ninh thi đỗ tiếp cử nhân năm 1909, cụ chỉ lấy nghề dạy học làm trọng, sau thi trường sư phạm và làm Huấn đạo (Một chức thuộc ngành giáo dục), hơn 20 năm giữ chức đem văn tài, đạo đức giáo hoá con cháu và thanh niên trong nước, là bậc mô phạm lão thành đầy đủ đạo đức uy tín, được thưởng hàm Hàn lâm viện trước tác và Học chính danh bạ bội tinh. Còn cụ em út: cụ tú tư Phạm Đình Liêu (1875-1943) cùng với 3 anh, cụ đã thi đỗ tú tài năm 22 tuổi; là tuổi đỗ rất hiếm trong khoa trường thời kỳ đó, cụ còn có biệt tài về văn chương và khoa đối trướng, song cụ chỉ có dậy học và làm thuốc giúp đời. Các cụ đỗ tú, đỗ cử nhưng nhà rất nghèo chỉ có được 2 cái quần tốt để thay nhau khi phải ra ngõ, người ở nhà phải mặc quần rách hoặc đóng khố. Bà cụ chị dâu cả, bà Tú cả Thực làm nghề bán trầu cau, khoai luộc tần tảo nuôi chồng và 3 em chồng thu học thành tài đỗ tú cùng khoa. Đó là sự kiện hiếm có trong khoa trường và gia phong dòng họ ngày xưa. Còn trường hợp đỗ nhất, nhị trường từ thế hệ 12 có rất nhiều, chưa kể số cụ đỗ khoá sinh ở làng thời đó rất hiếm. Từ khi chuyển sang tân học, số người đỗ tiểu học tăng dần, họ có 18 người trong số 20 người ở làng, 5 người học lên trung học trong số 6 người cả làng, nhiều người nhà nghèo, rất nghèo. Ngày nay hàng trăm người đã có trong tay một, hai bằng đại học, cao đẳng. Có rất nhiều người có bằng đại học, cao đẳng và thạc sỹ, nhiều người phấn đấu có bằng thạc sỹ, phó tiến sỹ, tiến sỹ và đạt hàm phó giáo sư; số gia đình có toàn bộ bố mẹ dâu rể con cháu đều có bằng đại học 100% không phải là hiếm, có vài chục gia đình, số gia dình có từ 5 đến 7 bằng đại học, cao học rất nhiều mà cành phái nào cũng có, mà phần nhiều là nhà nghèo dược cấp học bổng hoặc vừa học vừa làm. Danh sách con cháu thành đạt bậc cao học càng nối dài. Truyền thống hiếu học của họ Phạm tiên hưng luôn được phát huy, phát triển kho vàng trí tuệ.

Phát huy truyền thống hiếu học của tổ tiên, cha ông họ Phạm Tiên Hưng ngày nay đã có nhiều hoạt động khuyến học (KH) khuyến tài (KT) ngay từ năm 1995, họ đã xây dựng được quy ước khuyến học và gìn giữ gia phong từ rất sớm; gồm 20 điều trong đó đã có 6 điều quy định về KH. Đây cũng là văn bản ban đầu làm cơ sở để dòng họ hoạt động KH và đến năm 2004 soạn thảo, bàn bạc thống nhất, được UBND huyện ban hành chính thức tại quyết định 2354/QĐ-UB ngày 22/12/2004; bản quy ước đầy đủ toàn diện các mặt gồm 7 chương 35 điều, đây cũng là tiêu chí cho con em dòng họ phấn đấu để đạt dòng họ văn hoá. Ban khuyến học dòng họ có 11 người gồm cả đại diện bà con trong họ ở các khu vực cư trú: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đắc Lắc, Quảng Ninh. Quỹ khuyến học của dòng họ được xây dựng bằng sự tự nguyện tham gia của con cháu và tiền công đức khác, tiền tiết kiệm 10% chi tiêu trong ngày giỗ tổ hàng năm, vì thế mỗi năm tăng từ 2 đến 3 triệu đồng, ngoài việc chi cho hoạt động KH, Khuyến tài hàng năm còn đóng góp xây dựng quỹ KH của thôn, xã từ 50.000 đến 200.000đ có năm đến 2 triệu đồng.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ tổ họ đều tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng con cháu đạt học sinh giỏi các cấp, các cháu trúng tuyển vào THTP, cao đẳng, đại học, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, về báo công với tổ tiên, dòng họ, các cháu rất phấn khởi vinh dự, tự hào được về dự giỗ tổ, nhận phần thưởng và thụ lộc cùng các bậc ông bà cha chú và các thành viên trong dòng họ, mức thưởng từ 30.000 đến 50.000đ, các học sinh nghèo vượt khó đỗ đại học được hỗ trợ từ 200.000đ đến 300.000đ; ban khuyến học và hội đồng gia tộc đến từng gia đình chúc mừng và trao thưởng trước khi các cháu nhập học đại học, cao đẳng. Với số tiền chi cho KH có năm đến trên dưới 3 triệu đồng. Ngoài ra các cháu phấn đấu học lên, đỗ cao học có học vị, học hàm đều được họ mời về tuyên dương, báo công trong ngày giỗ tổ và nhận giấy khen, phần thưởng của họ. Đối với những gia đình cả nhà có bằng Đại học, cao học hoặc gia đình có từ 5 bằng Đại học, cao học trở lên cũng được tuyên dương ở họ. Do làm tốt công tác KH nên hàng năm họ Phạm tiên hưng có từ 20 đến 30 cháu học sinh giỏi các cấp và đỗ vào Đại học, cao đẳng. Riêng năm học 2006- 2007 100% h/s tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào Cao đẳng, Đại học (11 cháu).

Đây cũng là một dòng họ có tổ chức và hoạt động KH sớm nhất của huyện Vũ Thư tính đến nay đã được 15 năm chính vì những thành tích trên mà họ Phạm tiên hưng làng Phú Lễ được huyện và tỉnh khen thưởng là một trong 8 dòng họ có thành tích xuất sắc tiêu biểu cho "dòng họ khuyến học" trong suốt 5 năm liền. Ngược lại dòng lịch sử lễ vinh quy bái tổ "Tứ tử đồng khoa". Năm 1901 quan Nghè Giao cù Nam Định đã viết đôi câu đối tặng để ở từ đường.

"Tổ tiên tích đức nghi thực đức
Tư tử đồng khoa hựu phát khoa" 

Có nghĩa tổ tiên đã có đức. con cháu phải biết trồng cây đức. Trong họ có 4 anh em ruộc đỗ cùng một khoa con cháu sẽ phát huy truyền thống đó mà phấn đấu đỗ đạt nhiều hơn, cao hơn. Truyền thống yêu nước và hiếu học của họ Phạm Tiên Hưng làng Phú Lễ không ngừng phấn đấu, phát huy và phát triển với kho vàng trí tuệ ngàn đời của dòng họ đã đóng góp cùng làng xã và đất nước làm rạng danh con cháu Lạc Hồng.

Phạm Ngọc Phô
Trưởng tộc họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình
»»  Đọc tiếp

3 tháng 11, 2009

Logo Họ Phạm Việt Nam

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 11 03, 2009 bởi Phạm Đạo · 11 comments

Ý NGHĨA CỦA LOGO HỌ PHẠM VIỆT NAM

Logo họ Phạm hình chữ nhật có kích có 4/3. Viền màu nâu thiên về đỏ. Nền màu vàng. Cây cổ thụ màu xanh lục tượng trưng cho dòng họ ta phát triển không ngừng như một cây đại thụ cành lá xum xuê xanh tốt, gợi cho mỗi người chúng ta nhớ đến cội nguồn, đến gốc rễ của dòng họ. Chữ “Phạm” tượng hình lấy tù chữ Nho (范(*),chữ Hán) ở giữa màu đỏ cờ (màu vàng của nền và màu đỏ của chữ Phạm chính là 2 màu của Quốc kỳ). Việc lấy chữ Phạm thể hiện bằng chữ Nho này biểu thị sự tôn trọng văn tự của cha ông ta ngày xưa. Điều này không có nghĩa là dòng họ Phạm ta từ Trung Quốc chuyển sang và cũng không phải Thủy tổ của họ Phạm Việt Nam là người Trung Quốc. Bên dưới có dòng chữ quốc ngữ HỌ PHẠM VIỆT NAM.


--------------------

(*) Việc thiết kế Logo các nhà đồ họa có thể lấy một hình vẽ, một hàng chữ, một biểu tượng nào đấy. Ở đây chúng ta lấy biểu tượng ấy là một chữ Phạm có nguồn gốc chữ Nho(chữ Hán) là một sự thường tình. Để những người không biết chữ nho dễ nắm được biểu tượng chữ Phạm ( 范 ) ông Phạm Đạo đã căn cứ vào một truyền thuyết bên Trung Quốc diễn tả bằng một bài thơ như sau:


CHỮ PHẠM

Một tộc người di trú tới ven sông

Nước đã cạn khô cỏ cháy trên đồng

Chẳng quản nắng mưa đồng lòng hiệp sức

Sông Dĩ hiền hòa đã được khai thông

Cơm chan mồ hôi, nhường nhau tấm áo

Để lúa ngô khoai xanh tốt trên đồng

Tộc người ấy lấy họ mình là Phạm

Bộ Thảo đầu (1) sông Dĩ (2) nước (3) mênh mông

-----------------

(1) bộ Thảo (艹), (2) chữ Dĩ (已), (3) bộ Thủy (水, 氵).

Chữ Phạm 范 gồm bộ “Thảo” ở trên đầu; bộ “Thủy” ở bên trái và chữ “Dĩ” ở bên phải
»»  Đọc tiếp

2 tháng 11, 2009

Họ Phạm (ca khúc)

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 11 02, 2009 bởi Phạm Đạo · 5 comments

Nhạc sỹ Phạm Hanh sau khi đọc bài thơ giải thích chữ Phạm của nhà thơ Phạm Đạo đã rất xúc động liền phổ nhạc bài thơ ấy thành một ca khúc họ Phạm mới. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm mới này đến bạn đọc xa gần.


»»  Đọc tiếp

1 tháng 11, 2009

Thông báo số 5(01.11.2009) của Thường trực BLL họ Phạm VN

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 01, 2009 bởi Phạm Đạo · 0 comments

 

THÔNG BÁO SỐ 5(1.11.2009)
của Thường trực Ban liên lạc họ Pham Khóa V.

Sáng ngày 01/11/2009, tại Hà Nội đã có cuộc họp giữa Thường trực Ban liên lạc(TTBLL) họ Phạm Việt Nam và TT BLL họ Phạm Hà Nội. Mục đích chính là củng cố  BLL họ Phạm Hà Nội.

Ông Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam đã trình bày một số việc đã làm được và chưa làm được trong mấy tháng qua của BLL họ Phạm Việt Nam. Sau đó dự kiến bổ sung nhân sự cho BLL họ Phạm Hà Nội.  Sau đây là một số kết luận của cuộc họp:

- Ông Phạm Vũ Quất, Phó Trưởng ban TTBLL họ Phạm Việt Nam sẽ kiêm nhiệm làm Trưởng BLL họ Phạm Hà Nôi. Ông Quất sẽ rút khỏi Ban biên tập bản tin nội tộc “Thông tin họ Phạm VN”. Nhiệm vụ của ông Quất ngoài việc thực hiện trách nhiệm Phó Trưởng ban TTBLL họ Phạm Việt Nam (đã qui định trong Qui chế Tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm Việt  Nam) ra còn trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Kế hoạch công tác mà Thường trực BLL họ Phạm Hà Nội đã thông qua

- Ông Phạm Hoan vì điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình khó khăn xin thôi giữ chức Trưởng BLL họ Phạm Hà Nôi. Ông  giữ chức Phó BLL họ Phạm Hà Nội, nhiệm vụ cụ thể do Thường trực BLL họ Phạm Hà Nôị phân công.

- Ông Phạm Đình Điểu thôi giữ chức Phó Trưởng ban kiêm  Tổng Thư ký BLL họ Phạm Hà Nội, để thực hiên tốt chức danh Tổng thư ký BLL họ Phạm Việt Nam và Tổng thư ký Câu lạc bộ doanh nhân họ Phạm Việt Nam.

- Bổ sung ông Phạm Vũ Câu, Phó Trưởng ban TTBLL họ Phạm quận Đống Đa làm Ủy viên BLL họ Phạm Việt Nam giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Tổng thư ký BLL họ Phạm Hà Nội, nhiệm vụ cụ thể của ông Câu do TTBLL họ Phạm Hà Nội phân công.

Trụ sở của BLL họ Phạm Hà Nội thay đổi lại như sau:
Số 11, ngõ 472 Đường Láng, P.Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 04.35621384; 04.38530070; 090326493.
Email: phamvuquat@yahoo.com



TTBLL họ Phạm Việt Nam

»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi