Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

8 tháng 11, 2009

Họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình làm khuyến học

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 08, 2009 bởi Phạm Đạo · 1 comments


Lời BBT: Họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình là một dòng họ lâu đời cách đây hàng 600 năm. Dòng họ có truyền thống gia phong và hiếu học, có nhiều vị đỗ đạt cao. Đến nay vẫn duy trì được tinh thần hiếu học đó. Hội đồng gia tộc đã làm tốt việc khuyến học. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Trưởng Tộc Phạm Ngọc Phô về chủ đề này.

Dòng họ Có truyền thống
gia phong và hiếu học


Họ Phạm Tiên Hưng là một trong 20 dòng họ chung sống trong cộng đồng dân cư làng Phú Lễ xã Tự Tân huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, chiếm 40% dân số của 3 thôn thuộc làng Phú Lễ.
Gia phả cổ chữ hán của dòng họ ghi thuỷ tổ họ Phạm Tiên Hưng từ đất Lỗ Hương (Là một vùng đất mặn ven biển) đến đây khoảng năm Canh Thìn (1400) đời vua Trần Thiếu Đế, niên hiệu Kiến Tân năm thứ nhất, cách đây đã hơn 600 năm. Sổ vàng truyền thống gia phong dòng họ cho thấy Tiên Hưng là tên hiệu riêng của dòng họ xuất xứ từ mộ tổ để trên gò Tiên Hưng có nghĩa "dậy lên trước" kể từ đấy "sinh sinh sáng nghiệp, thế thế quang vinh". Họ hàng sinh sôi con cháu có phần lỗi lạc lúc đầu còn là vùng bãi sình lầy ven sông biển, lấy gò Tiên Hưng là nơi sinh cơ lập nghiệp. Mãi sau 300 năm: đến thời Lê Trung Hưng thời thịnh nho lúc đó mới có đủ cư dân cùng ông tổ 4 họ khác là Đỗ, Lại, Trịnh, Đặng lập nên làng Phú Lễ ngày nay (Phú là giầu, Lễ là lễ nghĩa) và chung vai xây dựng đình, làng, rước bài vị nho tướng triều Hùng Vương thứ 6 là Đỗ Phụng Trân có công giúp Phù Đổng Thiên vương đánh giặc Ân được vua phong sắc " Uyên Dung Quảng Bác Đại Vương", ngài mở trường dậy học ở 5 làng khai trí cho dân đem cái chữ đến vùng đất này đầu tiên. Bởi vậy4 xã 5 làng đều thờ nho tướng họ Đỗ. Đấy là nếp tôn sư trọng đạo, duyên nghiệp văn chương, về thờ làm thành hoàng làng cùng với đình, chùa Phúc Lâm đặt phía sau đình và văn từ làng thờ Đức Khổng Tử cũng được xây năm 1859 hợp thành một quần thể di tích văn hoá lâu đời của làng. Điều đó chứng tỏ người dân Phú Lễ người họ Phạm, rất hiếu học, trong chữ nghĩa văn chương.

Sau khi đình xây xong thì các họ tộc cũng xây dựng từ đường họ và rước đức thuỷ tổ của họ mình, được phối hưởng thờ tại đình làng để về thờ tại từ đường của họ. Từ Đường họ Phạm Tiên Hưng từ thế kỷ XVI đơn sơ, bằng tranh tre vách đất. Đến thế kỷ XIX (1820) con cháu trong họ cùng nhau góp sức xây dựng lại từ đường mới kiên cố, hoàn chỉnh và khang trang phía trong tẩm đường 3 gian, phía ngoài bái đường 5 gian để có nơi hát xướng tụ họp. Tuy nhiên trải qua gần hai thế kỷ, mối mọt, bão gió chiến tranh tàn phá nếp từ đường cổ bị huỷ hoại, trải qua 5 lần xây lại mãi đến 1995 với công sức toàn thể con cháu đóng góp mới xây dựng lại từ đường kiên cố, vĩnh cửu bằng vật liệu hiện đại nhưng theo thiết kế cổ điển, phục hồi dáng dấp cổ của tổ tiên để lại. Xuân thu nhị kỳ rằm tháng Giêng tháng Bẩy và ngày Đại Kỵ của họ, con cháu xa gần về tề tựu đông đủ giỗ tổ. Các cụ cao niên trong họ kể cho con cháu nghe rằng họ Phạm Tiên Hưng là dòng họ có nề nếp gia phong và tinh thần hiếu học đặc biệt là lòng yêu nước. Từ những năm xa xưa người họ Phạm đã tụ quân dưới cờ nghĩa của các lãnh tụ nông dân chống phong kiến, khi tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và sau đó là Đảng Cộng sản ra đời, nhiều thanh niên đã giác ngộ trở thành những chiến sỹ tiên phong của Đảng: Ông Phạm Huề Chuỷ đang học trường Minh Thành - Thái Bình, Ông Phạm ích Doanh đang học ở Việt Trì đã tham gia các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ Đảng từ khi tuổi mới 14-15. Ông Doanh hoạt động cách mạng trong chi bộ Đảng Hoả Xa ở Quy Nhơn, trong một lần tham gia gài mìn trên đường sắt để giết tên toàn quyền Pháp bị lộ ông bị địch bắt và đã anh dũng hy sinh sau 3 ngày bị tra tấn năm 1941 lúc đó 29 tuổi. Ông Phạm Huề Chuỷ là một Đảng viên tiền bối của chi bộ Thư Vũ tiền thân của Đảng bộ Vũ Thư ngày nay, khi 12 tuổi vẫn đang đi học ông đã viết báo, truyền đơn và in ấn truyền đơn cho cách mạng tham gia “Học sinh hội” ở trường Minh Thành, đây là thời kỳ tập dượt để các “Học sinh hội” trở thành cộng sản, 16 tuổi ông đã trở thành đảng viên, năm 1939 ông là Bí thư chi bộ Thư Vũ và Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ. Sau lần thứ ba bị bắt, trốn ra tù ông chuyển địa bàn hoạt động lên chiến khu Ba Sao, xây dựng phong trào và sáng lập Đảng bộ Hà Nam. Ông hy sinh năm 1941 tại chiến khu Ba Sao - Kim Bảng - Hà Nam.

Những năm kháng chiến ác liệt, trai tráng họ Phạm tòng quân tham gia kháng chiến như: liệt sỹ Phạm Xuân Hảo, Phạm Xuân Bạc, Phạm Văn Tân.. Trong 3 năm kháng chiến trong lòng địch, các trận càn của pháp vào làng Phú Lễ, các con em của họ Phạm là du kích thôn đã chiến đấu ngoan cường và đã ngã xuống ngay trên miền quê đó là: Phạm Xuân Uyên, Phạm Xuân Bôi, Phạm Xuân Tản và mười người con của họ Phạm Tiên Hưng trở thành liệt sỹ chống Pháp . Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có hàng mấy trăm người con trong họ tòng quân và đã có 18 người con của họ Phạm đã anh dũng hy sinh là liệt sĩ trong số 45 liệt sỹ của làng.

Ngay từ khi dựng từ đường thờ tổ tiên các cụ đã có quy ước về việc học hành, ngày nay là khuyến học, con em gia đình nào học tốt được HĐGT kính cáo với tổ tiên và khen thưởng xứng đáng. Cách đây 3 trăm năm nhiều cụ dùi mài kinh sử đỗ đạt cao. Cành giáp có cụ Dụ đức hầu Phạm Bá Huân, cụ Đồng Phủ Tràng Khánh Phạm Bá Đôn, cành ất có cụ Phúc Kiệm Phạm Sỹ Giản hàm tiến công thú lang chức huyện thừa Vĩnh Khang ( Nghệ An); cụ Nguyên Trình hiệu Phúc Lương hàm tiến công thú lang chức Thiên sự viện Điển Bạ, cụ Phạm Đức Dục hiệu Phúc Chính, chăm học, chí cao; làm chức Tiến công thăng thần sách tư bạ được triều đình triệu vào viết sách cho con vua học. Thế hệ thứ 14 phái Mạnh có cụ Phạm Xuân Sưởng luôn theo đuổi việc học, thi đỗ nhất nhị trường, làm chức Trương biên đê chính huyện Thư Trì. Thế hệ 15 có cụ Phạm Xuân Hoành tự Hoằng Nghị hiệu Mặc Tĩnh tiên sinh, có chí kiên tâm về khoa cử, hơn 20 năm đèn sách thi đỗ Nhị trường không ra làm quan, mở trường dạy học, học trò của cụ đông nhất vùng, nhiều người đỗ đạt cao. Đặc biệt, thế hệ thứ 16 (Tầng 13) phái Mạnh có 4 anh em ruột cùng đỗ tú tài một khoa (Năm 1900). Nhà vua phong bảng "Tứ tử đồng khoa", đây là một trường hợp xưa nay hiếm có trong cả nước, sau đó cụ thứ 2 Phạm Tiến Bật thi tiếp đỗ cử nhân năm 1903; văn tài lỗi lạc có tiếng tăm khắp vùng, chỉ lấy giáo dục làm trọng, trải 20 năm dạy học, đào tạo hàng vài trăm người thành đạt, đỗ cử nhân, tú tài kỳ thi hương năm 1915. Cụ thứ 3 Phạm Duy Ninh thi đỗ tiếp cử nhân năm 1909, cụ chỉ lấy nghề dạy học làm trọng, sau thi trường sư phạm và làm Huấn đạo (Một chức thuộc ngành giáo dục), hơn 20 năm giữ chức đem văn tài, đạo đức giáo hoá con cháu và thanh niên trong nước, là bậc mô phạm lão thành đầy đủ đạo đức uy tín, được thưởng hàm Hàn lâm viện trước tác và Học chính danh bạ bội tinh. Còn cụ em út: cụ tú tư Phạm Đình Liêu (1875-1943) cùng với 3 anh, cụ đã thi đỗ tú tài năm 22 tuổi; là tuổi đỗ rất hiếm trong khoa trường thời kỳ đó, cụ còn có biệt tài về văn chương và khoa đối trướng, song cụ chỉ có dậy học và làm thuốc giúp đời. Các cụ đỗ tú, đỗ cử nhưng nhà rất nghèo chỉ có được 2 cái quần tốt để thay nhau khi phải ra ngõ, người ở nhà phải mặc quần rách hoặc đóng khố. Bà cụ chị dâu cả, bà Tú cả Thực làm nghề bán trầu cau, khoai luộc tần tảo nuôi chồng và 3 em chồng thu học thành tài đỗ tú cùng khoa. Đó là sự kiện hiếm có trong khoa trường và gia phong dòng họ ngày xưa. Còn trường hợp đỗ nhất, nhị trường từ thế hệ 12 có rất nhiều, chưa kể số cụ đỗ khoá sinh ở làng thời đó rất hiếm. Từ khi chuyển sang tân học, số người đỗ tiểu học tăng dần, họ có 18 người trong số 20 người ở làng, 5 người học lên trung học trong số 6 người cả làng, nhiều người nhà nghèo, rất nghèo. Ngày nay hàng trăm người đã có trong tay một, hai bằng đại học, cao đẳng. Có rất nhiều người có bằng đại học, cao đẳng và thạc sỹ, nhiều người phấn đấu có bằng thạc sỹ, phó tiến sỹ, tiến sỹ và đạt hàm phó giáo sư; số gia đình có toàn bộ bố mẹ dâu rể con cháu đều có bằng đại học 100% không phải là hiếm, có vài chục gia đình, số gia dình có từ 5 đến 7 bằng đại học, cao học rất nhiều mà cành phái nào cũng có, mà phần nhiều là nhà nghèo dược cấp học bổng hoặc vừa học vừa làm. Danh sách con cháu thành đạt bậc cao học càng nối dài. Truyền thống hiếu học của họ Phạm tiên hưng luôn được phát huy, phát triển kho vàng trí tuệ.

Phát huy truyền thống hiếu học của tổ tiên, cha ông họ Phạm Tiên Hưng ngày nay đã có nhiều hoạt động khuyến học (KH) khuyến tài (KT) ngay từ năm 1995, họ đã xây dựng được quy ước khuyến học và gìn giữ gia phong từ rất sớm; gồm 20 điều trong đó đã có 6 điều quy định về KH. Đây cũng là văn bản ban đầu làm cơ sở để dòng họ hoạt động KH và đến năm 2004 soạn thảo, bàn bạc thống nhất, được UBND huyện ban hành chính thức tại quyết định 2354/QĐ-UB ngày 22/12/2004; bản quy ước đầy đủ toàn diện các mặt gồm 7 chương 35 điều, đây cũng là tiêu chí cho con em dòng họ phấn đấu để đạt dòng họ văn hoá. Ban khuyến học dòng họ có 11 người gồm cả đại diện bà con trong họ ở các khu vực cư trú: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đắc Lắc, Quảng Ninh. Quỹ khuyến học của dòng họ được xây dựng bằng sự tự nguyện tham gia của con cháu và tiền công đức khác, tiền tiết kiệm 10% chi tiêu trong ngày giỗ tổ hàng năm, vì thế mỗi năm tăng từ 2 đến 3 triệu đồng, ngoài việc chi cho hoạt động KH, Khuyến tài hàng năm còn đóng góp xây dựng quỹ KH của thôn, xã từ 50.000 đến 200.000đ có năm đến 2 triệu đồng.

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ tổ họ đều tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng con cháu đạt học sinh giỏi các cấp, các cháu trúng tuyển vào THTP, cao đẳng, đại học, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, về báo công với tổ tiên, dòng họ, các cháu rất phấn khởi vinh dự, tự hào được về dự giỗ tổ, nhận phần thưởng và thụ lộc cùng các bậc ông bà cha chú và các thành viên trong dòng họ, mức thưởng từ 30.000 đến 50.000đ, các học sinh nghèo vượt khó đỗ đại học được hỗ trợ từ 200.000đ đến 300.000đ; ban khuyến học và hội đồng gia tộc đến từng gia đình chúc mừng và trao thưởng trước khi các cháu nhập học đại học, cao đẳng. Với số tiền chi cho KH có năm đến trên dưới 3 triệu đồng. Ngoài ra các cháu phấn đấu học lên, đỗ cao học có học vị, học hàm đều được họ mời về tuyên dương, báo công trong ngày giỗ tổ và nhận giấy khen, phần thưởng của họ. Đối với những gia đình cả nhà có bằng Đại học, cao học hoặc gia đình có từ 5 bằng Đại học, cao học trở lên cũng được tuyên dương ở họ. Do làm tốt công tác KH nên hàng năm họ Phạm tiên hưng có từ 20 đến 30 cháu học sinh giỏi các cấp và đỗ vào Đại học, cao đẳng. Riêng năm học 2006- 2007 100% h/s tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào Cao đẳng, Đại học (11 cháu).

Đây cũng là một dòng họ có tổ chức và hoạt động KH sớm nhất của huyện Vũ Thư tính đến nay đã được 15 năm chính vì những thành tích trên mà họ Phạm tiên hưng làng Phú Lễ được huyện và tỉnh khen thưởng là một trong 8 dòng họ có thành tích xuất sắc tiêu biểu cho "dòng họ khuyến học" trong suốt 5 năm liền. Ngược lại dòng lịch sử lễ vinh quy bái tổ "Tứ tử đồng khoa". Năm 1901 quan Nghè Giao cù Nam Định đã viết đôi câu đối tặng để ở từ đường.

"Tổ tiên tích đức nghi thực đức
Tư tử đồng khoa hựu phát khoa" 

Có nghĩa tổ tiên đã có đức. con cháu phải biết trồng cây đức. Trong họ có 4 anh em ruộc đỗ cùng một khoa con cháu sẽ phát huy truyền thống đó mà phấn đấu đỗ đạt nhiều hơn, cao hơn. Truyền thống yêu nước và hiếu học của họ Phạm Tiên Hưng làng Phú Lễ không ngừng phấn đấu, phát huy và phát triển với kho vàng trí tuệ ngàn đời của dòng họ đã đóng góp cùng làng xã và đất nước làm rạng danh con cháu Lạc Hồng.

Phạm Ngọc Phô
Trưởng tộc họ Phạm Tiên Hưng Thái Bình

1 nhận xét:

  1. toi o dong nai, cha toi ho pham vao nam nam 1933; sinh song va sinh ra toi, cha toi mat nam 1969 luc toi con nho; toi chi biet cha toi ten pham van de sinh nam 1919 tai truc noi - thai binh; ba con dong toc ai biet xin cho toi biet ba con chu bac cua toi./. lien lac so : 0938656902

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi