Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

28 tháng 10, 2010

Một người họ Phạm được sắc phong

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 28, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

MỘT CÔNG DÂN HỌ PHẠM Ở BÌNH ĐỊNH ĐƯỢC 
VUA BẢO ĐẠI  BAN SẮC PHONG “SỐNG THỌ”.

Ông Phạm Quyền, sinh năm 1846 sinh ờ làng Ngọc Sơn, tổng Dương An, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay là xóm Ngọc Sơn, thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) được vinh dự nhận sắc phong của triều Vua Bảo Đại ban cấp về tuổi thọ. Ông sống thọ đến 96 tuổi và qua đời năm 1942.

Lễ rước sắc được tổ chức long trọng, từ phủ lỵ Tuy Phước, hàng trăm người dân trong làng và con cháu trong làng lũ lượt kiệu, lọng khiêng ông từ nhà về phủ và từ phủ về nhà. Tổ chức cúng tế và hát bộ 3 đêm cho nhàn dân trong làng xem.

                                                                          Sắc phong

LỄ CÔNG BỘ

Vì tuân cấp sự cung chiếu bản niên.
Khôn Nghi Xương Đức Thái Hoàng Thái Hậu thất tuần đại khánh tiết ân chiếu nội nhất khoản thọ dân cửu thập tuế dĩ thượng lượng thưởng hữu sai.
Tư cứ Bình Định tỉnh dị đệ Phạm Quyến quán Tuy Phước phủ, Ngọc Thạnh thôn niên đăng cửu thập tam tức hiệp hành lục cấp gia tương nhứt đạo tu chí tuân cấp giả.
Hữu tuân cấp.
Cửu thập tam tuế thọ dân Phạm Quyền tuân phụng.
Bảo Đại thập nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.
Lễ công bộ đại thần Tôn Thất Quảng lục cấp.

Dịch nghĩa

BỘ LỄ CÔNG

Lễ khánh tiết chúc mừng của Hoàng Thái Hậu được bảy mươi ân chiếu người dân sống thọ 90 tuổi trở lên được lượng thưởng.
Nay cứ theo danh sách tỉnh Bình Định có ông Phạm Quyền quán tại thôn Ngọc Thạnh, phủ Tuy Phước số tuổi là chín mươi ba tuổi nên được lượng cấp.
Nay Tuân cấp:
Chín mươi ba tuổi Thọ dân Phạm Quyền Tuân phụng.
Ngày mười tám tháng ba năm Bảo Đại thứ mười hai (18-3 Bảo Đại thứ 12)
Bộ lễ công Đại thần Tôn Thất Quảng lục cấp.

                                                               ảnh minh họa

Lễ rước sắc thọ được tổ chức long trọng từ phủ đường Tuy Phước về Đình làng Ngọc Thạnh sau đó rước về nơi cư ngụ (xóm Ngọc Sơn, thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Chưa có tài liệu để chứng minh ông có làm quan cho triều đình hoặc cho làng trong thời kỳ phong kiến không, nhưng qua cách gọi dân gian của những người lớn tuổi cứ gọi là "ông Bát", hỏi ra nhiều người cho rằng ông Phạm Quyền hàm "bát phẩm". Trải qua biến cố của lịch sử, chiến tranh ác liệt, nhưng sắc phong của cụ ông được người con trai út là Phạm Hải (sinh năm 1900), sau này cháu nội ông là ông Phạm Văn Đỏ (sinh năm 1923) tiếp tục lưu giữ và thờ phụng, coi đó là kỷ vật thiêng liêng của dòng họ.

Hàng năm đến ngày giỗ, chạp, con cháu tụ tề, những câu chuyện kể về đức độ của ông, về việc rèn luyện thể chất,.. được truyền lại cho con cháu muôn đời sau, đó là những câu chuyện kể sống động, truyền cảm và thiêng liêng nhất của dòng họ được truyền tụng, tôn vinh đến muôn đời sau.


Phạm Đình Đôn
BLL tỉnh Bình Định
»»  Đọc tiếp

BLL họ Phạm Tp. Qui Nhơn đã được thành lập

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 10 28, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

THÀNH LẬP BAN LIÊN LẠC
DÒNG HỌ PHẠM THÀNH PHỐ QUY NHƠN

Ngày 09/10/2010, tại thành phố Quy Nhơn, Ban liên lạc họ Phạm thành phố Quy Nhơn họp bàn việc họ và ra mắt. Ông Phạm Chí Công, Trường ban liên lạc dòng họ Phạm Bình Định dự, phát biểu nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thành lập các Ban liên lạc dòng họ ở cấp huyện và thành phố trực thuộc Ban liên lạc dòng họ Phạm toàn tỉnh, thông qua dự thảo Điều lệ hoạt động dòng họ Phạm Bình Định. Ban Liên lạc dòng họ Phạm thành phố Quy Nhơn gồm các ông (bà) sau đây:

     1. Ông Phạm Hồng Sơn, hiện thường trú tại phường Thị Nại làm Trưởng ban. Điện thoại số 0914550779.
    2. Ông Phạm Thao, hiện thường trú tại phường Nhơn Phú làm Phó Trưởng ban. Điện thoại số 0914004756
    3.Ông Phạm Hoàng Đại, hiện thường trú tại phường Trần Phú làm Phó Trường ban. Điện thoại số 01265783135
    4. Ông Phạm Công Thành, Tổ 4, KV2, phường Trần Quang Diệu thành phố Quy Nhơn, làm thành viên. Điện thoại số 0903591538.
    5. Ông Phạm Đình Thắng, 23 Chương Dương, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn, làm thành viên. Điện thoại số 0905846202.
    6. Ông Phạm Khắc Đức, tổ 12, KV2, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, làm thành viên. Điện thoại số 09761646894
    7. Bà Phạm Thị Ngọc Oanh, 737 Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn, làm thành viên. Điện thoại số 0985013420
    8. Bà Phạm Thị Hồng Vân, 34 Trần An Cư, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, làm thành viên. Điện thoại số 0976936256.
    9. Ông Phạm Văn Bích, tổ 2, KV2, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn làm thành viên. Điện thoại số 0947852767.


    Ban liên lạc thành phố Quy Nhơn tiến hành thảo luận tham gia dự thảo nội dung Đại hội thành lập Ban Liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định (Đại hội tiến hành ngày 14/11/2010 sắp đến). Bàn một nội dung việc họ như: Kết nối dòng họ, xây dựng mối quan hệ liên lạc với bà con dòng họ Phạm trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, động viên một số Doanh nhân họ Phạm tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định.

Ban liên lạc dòng họ Phạm thành phố Quy Nhơn sẽ tích cực hoạt động việc họ và cử 20 đại biểu đi dự Đại hội thành lập Ban Liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định.


Phạm Đình Đôn
BLL Họ Phạm Bình Định
»»  Đọc tiếp

27 tháng 10, 2010

Lễ giỗ lần thứ 1026 Thái úy Phạm Cự Lạng

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 10 27, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Lễ giỗ lần thứ 1026 Thái úy Phạm Cự Lạng tại Đình Lương Sử

Trong không khí mừng thành công của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm Canh Dần (tức là ngày 19/10/2010), tại Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lạng ở ngõ Lương Sử A, thuộc phường Văn hương, quận Đống Đa, Phanh phố Hà Nội, Ban quản lý Đình Lương Sử đã long trọng tổ chức Lễ giỗ Thái úy Phạm Cự Lạng (còn gọi là Phạm Cự Lượng) kỷ niệm 1026 năm ngày mất của Người. Hai ngày trước đó, vào ngày chủ nhật 10/9 Canh Dần, Ban tổ chức đã làm Lễ khai mạc, tổ chức rước kiệu, lễ an vị và chương trình văn nghệ đặc sắc tôn vinh công đức của Thái úy Phạm Cự Lạng đối với đất nước.
Đến dự lế khai mạc có đông đủ các vị lãnh đạo quận Đống Đa, phường Văn Chương, Ban Mặt trận cùng các đoàn thể của quận, phường, các tổ dân phố. Lễ rước tưng bừng và trang nghiêm có tới hàng nghìn người là nhân dân các ngõ Lương Sử, phố Quốc Tử Giám, dân phường Văn Chương, thuộc thôn Lương Sử và thôn Ngự Sử xưa, cùng con cháu họ Phạm khắp nơi về tham dự. Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam cũng về dâng hương và dự lễ.
Thái úy Phạm Cự Lạng là người làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương. Ông nội, cha và anh trai của Thái úy đều là những người có công và là đại thần của các triều Ngô, Đinh. Ông là Đại tướng đời Đinh Tiên Hoàng và được Lê Đại Hành phong đến chức Thái úy là chức quan cao nhất của triều đình. Ông có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, sau đó lại phò Lê Hoàn lên ngôi vua và cùng Lê Hoàn đánh Tống giữ yên đất nước rồi lại bình Chiêm. Những trận thắng lừng lẫy như Bạch Đằng, Tây Kết, Ải Chi Lăng trong thời Lê Đại Hành đều có công lớn của ông. Phá xong giặc, ông lại vâng mệnh vua đi khai sông trị thủy ở Thanh Hóa, Nghệ An. Theo thần phả và sắc phong ở các nơi thờ tự Thái úy Phạm Cự Lạng thì ông mất ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân-984 tại Đồng Cổ nơi ông đang làm nhiệm vụ khai sông mở cảng. Nhà vua đã sai người đem tướng cữu hồi kinh an táng tại phía nam Bồ Sơn (Ninh Binh). Nhân dân kính trọng đã lập đền thờ ông ở những nơi ông đã từng làm việc như ở Đông Cổ (Thanh Hóa), Đa Cái (Nghệ An), Hưng Lộc và vùng ven biển Nam Định, Thái Nguyên,..., các đền thờ đó còn tới bây giờ. Đây chỉ là những nét sơ lược nhất về Thái úy Phạm Cự Lượng, Bản tin Nội tộc THÔNG TIN HỌ PHẠM VIÊT NAM số 33 đã có Phụ trưong dài 20 trang để nói về ông.
Riêng đền thờ Thái úy Phạm Cự Lạng ở Lương Sử (cũng gọi là Đình Lương Sử) thì đã được chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện U linh, Đại Nam nhất thống chí ... ghi lại rất rõ. 
“ Đinh Sửu/ Thông Thụy/ năm thứ tư [1037] ....Mùa đông, tháng 12 ....
“Dựng đền thờ Hoằng Thánh Đại vương. Trước đây vua (Lý Thánh Tông- PTL) thấy Phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xét đoán được. Muốn tỏ rõ sự linh thiêng sáng suốt để tiệt hết kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên đế. Đêm ấy, vua chiêm bao thấy sứ giả mặc áo đỏ bưng sắc chỉ của Thượng đế ban cho Phạm Cự Lạng làm chức Đô hộ phủ ngục tụng minh chủ. Vua hỏi sứ trời rằng: “Người ấy là ai? Hiện đang giữ chức gì của ta?”. Sứ giả nói: “Người ấy làm Thái uý triều Lê Đại Hành”, nói xong thì biến mất. Vua tỉnh dậy, gọi các quan vào hỏi việc ấy; phong cho Cự Lạng tước vương, sai hữu ty dựng đền ở phía tây cửa nam thành, tuế thời cúng tế Hoằng Thánh (đến đời Chúa Trịnh Tạc đổi là Hồng Thánh)” (chữ “Hồng” với nghĩa là “lớn”-  PTL).  
Như vậy, đền thờ Hoằng Thánh Đại vương được dựng từ mùa đông năm 1037 thờ Thái úy Phạm Cự Lạng. Đại Nam nhất thống chí khẳng định rằng “Đền thờ Phạm Thái úy ở thôn Ngự Sử, huyện Thọ Xương”. “Ngôi đền đó - đền Hồng Thánh / Hoằng Thánh, đền Phạm Cự Lạng, hay đình Lương Sử - hiện nay nằm trong ngõ Lương Sử A, quận Đống Đa, Hà Nội, tức phía tây   cửa nam thành Thăng Long xưa như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư. Những người dân quanh đó cũng cho biết đình có chôn một tấm bia đá to, nội dung có đề cập đến vị trí của đình so với cửa nam thành” (theo Báo cáo kết quả điều tra khu vực phía nam thành Thăng Long- Hà Nôi trong “Những nghiên cứu mới về Thăng Long-Hà Nội”- Đề tài KHĐL cấp nhà nước LSHN, năm 2004). Tuy ngôi đền đã nhiều lần tu sửa, thậm chí xây mới lại hoàn toàn, nhưng vị trí và hướng của đền (hướng Bắc) vẫn được giữ nguyên. Trong đền, hiện nay vẫn còn giữ được những viên gạch vồ được xác định là từ thời Lê; còn một đoạn chân móng vốn có của đền gốc. Tiếc rằng,   Đền Lương Sử thờ Thái úy Phạm Cự Lượng đã có lịch sử gần nghìn năm tuổi (973 năm) đến nay vẫn chưa được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa.! Mong rằng UBND quận Đống Đa, Sở Văn hóa -Thông tin - Du lịch TP. Hà Nội quan tâm để một di tích lâu năm vào loại nhất của Thủ đô thờ một danh nhân có công lớn với đất nước được công nhận di tích Lịch sử - Văn hóa xứng với vị trí của nó.
 Thúy Lan
Dưới đây là ảnh Đình Lương Sử và một vài hình ảnh buổi lễ

  
Đền thờ Thái úy Phạm Cự Lạng tại ngõ Lương Sử,  quận Đống Đa, Hà Nội

Đại diện Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam dâng hương tại Đên thờ Thái úy Phạm Cự Lạng

Lễ rước linh vị Thái úy Phạm Cự Lạng trong ngày giỗ Ngài lần thứ 1026.
»»  Đọc tiếp

23 tháng 10, 2010

Người họ Phạm làm trống hội Thăng Long

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 10 23, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

NGƯỜI HỌ PHẠM LÀM TRỐNG HỘI THĂNG LONG

Làng Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam nổi tiếng với nghề làm trống. Đọi Tam nay lại có thêm một sự nổi tiếng nữa, đó là đội trống toàn con gái. Trai làng Đọi Tam làm trống khéo, giỏi; gái làng đánh trống, múa trống đẹp mê li… Hiện cả làng có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu, trên 10 cơ sở làm hoàn chỉnh trống. Các chủ cơ sở phần lớn là người họ Phạm như các Nghệ nhân: Phạm Chí Khang, Phạm Chí Tịnh, Phạm Trí Trung, Phạm Chí Thảo, Phạm Thanh Hùng….

Phạm Chí Khang hai lần làm trống hội Thăng Long
(ảnh bên trái)

Ông Phạm Chí Khang, dáng hình nhỏ nhắn, đôi mắt đăm chiêu, mỗi khi nhắc đến chuyện làm trống, ông lại trở nên nhiệt tình, sôi nổi lạ thường. Cả đời làm trống, hàng ngàn chiếc trống lớn nhỏ đã hoàn thành, trong đó có hai chiếc trống lớn nhất dành để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 14 tuổi ông Khang đã theo cha đạp xe khắp miền Bắc để làm trống. Những nét tinh xảo nhất trong kỹ thuật làm trống như ghép tang, vào đai, bưng mặt hay các công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo như vẽ rồng, trang trí... ông đều thành thạo.

Năm 1975, gác lại việc làm trống, ông xung phong đi bộ đội. Năm 1981, sau khi phục viên trở về quê hương, ông lại cùng đồ nghề làm trống tiếp tục nghiệp gia truyền. Ông bảo: “Làm trống là nghiệp của làng, không thể bỏ được, dù có khó khăn đến mấy cũng phải làm bằng được để phát triển nghề cha ông”. Suốt mấy đời nay mọi người trong gia đình ông đều nối nghiệp làm trống. Hiện nay, ở làng nghề truyền thống Đọi Tam, họ Phạm của ông là một trong những dòng họ làm trống lớn nhất làng. Người họ Phạm không chỉ phát triển nghề ở quê hương mà còn đem nghề đi khắp nơi trên đất nước. Trong cuộc đời mình ông Khang đã làm rất nhiều loại trống lớn, trong đó có trống Sấm, chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện chiếc trống có đường kính 2.001 này vẫn được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những ngày qua, về làng Đọi Tam, đâu đâu cũng thấy không khí náo nhiệt, tưng bừng bởi người dân đang gấp rút làm trống mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn 2.000 chiếc trống lớn nhỏ sẽ được làng hoàn thành để góp thanh âm oai hùng trong dịp Đại lễ.
Trống được làm tại xưởng của gia đình ông Khang; ông là người chịu trách nhiệm chính. Suốt mấy tháng nay, toàn bộ con cháu, dâu rể, anh em và những người thợ giỏi nhất từ khắp nơi về nhà ông tham gia làm trống. Trống có chiều cao 3m, đường kính 2,35m, nặng 1,2 tấn. Để làm chiếc trống này, những nghệ nhân Đọi Tam đã dùng tới 25m3 gỗ mít và 2 con trâu mộng.

Đưa chúng tôi đi thăm chiếc trống đang được khẩn trương hoàn thành, ông Khang cho biết: “Công đoạn khó khăn nhất trong việc làm trống là khâu tìm gỗ làm tang và da trâu làm mặt trống. Gỗ làm tang phải là gỗ mít đặc lõi, nghĩa là phải tìm những cây mít cổ thụ. Để làm được việc này, người làng Đọi Tam đã đi khắp nơi tìm nguyên liệu như Đắk Lắk, Bình Dương, Kon Tum,...”. Da trâu được tuyển chọn từ hai con trâu to, có bộ da dày, đen nhánh, đảm bảo đủ rộng để căng mặt trống. Để dựng thành công chiếc trống này, hơn 20 nghệ nhân và thợ giỏi của làng Đọi Tam phải làm cật lực trong hơn 6 tháng trời mới hoàn thành.

“Đây sẽ là chiếc trống lớn nhất Việt Nam, thậm chí lớn nhất khu vực”, ông Khang khẳng định. Chỉ tay về chiếc trống, ông nói tiếp: “Ban đầu mới nhận tôi cũng lo lắm, công việc khó nhất là tìm được hai con trâu to để có đủ da bưng mặt trống. Đến nay chiếc trống đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và sẽ sớm hoàn thiện để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Từ ngày 16/9/2010, chiếc trống được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Trong dịp Đại lễ sẽ tổ chức lễ khai thanh hoành tráng, góp tiếng trống oai hùng mừng hùng thiêng sông núi. Bên cạnh đó là màn biểu diễn những tiết mục múa trống độc đáo của đội trống nữ truyền thống làng Đọi Tam. Với nụ cười trên môi, ông Khang tâm sự: “Cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã vinh dự được góp công làm chiếc trống lớn nhất Việt Nam. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong ước làm được một chiếc trống to hơn nữa. Đây là tâm huyết, vinh dự không chỉ của riêng tôi mà của cả dòng họ Phạm, cả làng Đọi Tam”.

Hiện cơ sở sản xuất của ông cũng làm 700 chiếc trống các loại trong tổng số hơn 2.000 chiếc trống mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong gia đình ông, chỗ nào cũng thấy các loại trống, tất cả chỉ chờ ngày ra mắt chào mừng Đại lễ...

Tiếp nối các nghệ nhân Đọi Tam khi xưa, dù ở làng hay đi lập nghiệp phương xa đều giữ lấy nghề tổ nên nhiều người dân Thủ đô có thể đều biết tiếng cơ sở làm trống của nghệ nhân Phạm Chí Tịnh tại phố Hàng Nón (số Nhà 11B) - một người con của làng trống Đọi Tam - là người trong nhóm nghệ nhân làm ra 100 chiếc trống để dóng lên trong dịp lễ hội kỷ niệm 995 Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Đình Điểu Tổng hợp (Báo Quân đội Nhân dân, An ninh Thủ đô)
»»  Đọc tiếp

22 tháng 10, 2010

Một tấm lòng thơm thảo

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 10 22, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

MỘT TẤM LÒNG THƠM THẢO


Ngày 26 /09/2010 tức ngày 19 tháng 8 năm Canh Dần, nhân dịp Lễ giỗ lần thứ 710
Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tại khuôn viên gia đình
ông Phạm Quốc Việt, thôn Vụ Ngoại, xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã
diễn ra buổi lễ long trọng trao học bổng Trần Hưng Đạo cho các em học sinh, sinh viên
nhà nghèo, vượt khó học giỏi tiêu biểu thuộc 10 xã phía Nam huyện Ý Yên, đồng thời
trao phần thưởng cho tất cả các cháu của xã Yên Lộc đạt danh hiệu học sinh giỏi từ
cấp huyện trở lên

Về dự lễ có đông đủ các em học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các vị lãnh
đạo, cán bộ văn hóa, cán bộ khuyến học các xã của huyện Ý Yên và nhân dân trong
xã Yên Lộc cùng các xã lân cận. Về dự Lễ còn có đoàn đại biểu của Ban Khuyến học
huyên Ý Yên do Ông Ngô Xuân Điệp, Ủy viên Hội Khuyến học tỉnh Nam Định, Chủ
tich Hội Khuyến học huyện Ý Yên dẫn đầu và đoàn đại biểu Ban Liên Lạc họ Phạm
Việt Nam, BLL dòng họ Phạm - Phạm Xá do bà Phạm Thị Thúy Lan, Ủy viên Thường
trực BLL họ Phạm Việt Nam kiêm Tổng biên tập Thông tin họ Phạm Vi ệt Nam,
Trưởng ban khuyến học dòng họ Phạm -Phạm Xá dẫn đầu

Trung tâm của buổi lễ hôm nay là nhà tài trơ Phạm Quốc Viêt. Ông được mọi
người, từ già đến trẻ đều yêu mến cảm phục. Vậy, ông Phạm Quốc Việt là ai?
Ông Phạm Quốc Viêt sinh năm 1962, người thôn Vụ Ngoại, xã Yên Lộc, huyện
Ý Yên, tỉnh Nam Định là một nông dân bình thường không phải cán bộ cấp cao, không
có chức sắc trong làng xã, cũng không phải là đại gia, nhưng ông có một tấm lòng vô
cùng cao cả: đó là tất cả cho sự nghiệp trồng người. Từ khi xã Yên Lộc có phong trào
khuyến học, năm nào ông cũng có phần thưởng cho học sinh con nhà nghèo, các cháu
học sinh có mảnh đời bất hạnh ; ông ủng hộ quỹ khuyến học của các dòng họ của thôn,
của xã và đầu tư kinh phí cho sự nghiệp giáo dục hơn 10 năm qua với số tiền lên tới vài
trăm triệu đồng.

Vào ngày khai giảng năm học mới và ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm, ngày kỷ
niêm thành lập các trường của xã ông đều có hoa và tặng phẩm chúc mừng các thầy
cô giáo Trường THCS, Trường tiểu học A và Trường Mầm Non của xã Yên Lộc.
Ông không quên có quà tặng các thầy cô giáo đã từng dạy mình. Ông còn đầu tư cho
Trường Tiểu học 1 tivi 24 inch, 1 đầu quay. Khai giảng năm học 2010-2011 ông đã
tặng Trường Mầm non của xã 50 bộ bàn ghế.

Ông nói khi cấp học bổng cho các cháu: “ Nhà tôi trước đây nghèo lắm, nay nhờ có
Đảng, ơn Bác Hồ gia dình tôi đã khác xưa, giờ đây đã có bát ăn bát để. Thấy các cháu
học sinh có hoàn cảnh khó khăn tôi thương các cháu lắm, lá lành đùm lá rách, mong
các cháu cố gắng học và học cho giỏi” . Ông nói với ông Phạm Mạnh Tuấn, người hết
lòng với việc họ nhất là công tác khuyến học, Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Yên
Lộc: “ Tôi chỉ muốn các cháu học sinh quê nhà nhất là các cháu học sinh con nhà nghèo,
các cháu có mảnh đời bất hạnh không cháu nào phải bỏ học và học giỏi, chứ thiếu học
vấn như tôi đây cực lắm” . Không những thưởng, cấp học bổng, ông còn tài trơ cho các
cháu học sinh giỏi đi tham quan Hà Nội, vào Lăng Bác, thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám
để động viên các cháu học tốt hơn; chẳng những thế ông còn tài trợ cho cả Hội Khuyến
học đi tham quan (Yên Tử, Kiếp Bạc – Trần Hưng Đao), ông nói: “ Mong các ông bà cố
gắng hơn nữa để phong trào khuyến học của xã nhà ngày một tốt hơn” . Ông nhận nuôi
nhiều cháu có những hoàn cảnh đặc biệt, ông cho các cháu đi học rất chu đáo, đội ngũ
con nuôi của ông khá đông và đều là các cháu học giỏi, một số cháu đã tốt nghiệp đại
học loại giỏi và đã dược nhận vào cơ quan nhà nước hoặc các công ty. Tại buổi lễ hôm
nay cháu Trần Chí Dũng, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Cảnh sát nhân dân,
đã thay mặt các con nuôi của ông Việt xúc động nói lên lòng biết ơn của các cháu đối
với “ bố Việt” đã nuôi dạy các cháu nên người.

Năm nay, ông chấp thuận đề nghị của ông Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ý Yên,
Hội Khuyến học xã Yên Lộc là cấp học bổng Trần Hưng Đạo cho các cháu học sinh
con nhà nghèo vươn lên học giỏi của 10 xã miền nam huyện Ý Yên mỗi xã 2 cháu,
riêng xã Yên Lộc 11 cháu, tổng số là 31 cháu; thưởng cho tất cả 30 cháu trong toàn xã
Yên Lộc đạt danh hiệu học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên nhân kỷ niệm 710 năm ngày
mất của Hưng Đạo Đại Vương. Chính vì thế có buổi trao học bổng và phần thưởng
ngày 26/9/2010 vừa qua.

Hơn 200 đại biểu đã về dự Lễ trao học bổng Trần Hưng Đạo hôm đó. Chúng tôi
thấy rõ niềm hân hoan cùng với sự xúc động, cảm phục của mọi người, từ các cháu học
sinh tới các đại biểu nhiều tuổi đối với ông Việt. Ông Ngô Xuân Điệp, Ủy viên Ban
Khuyến học tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ý Yên cùng các vị Chủ
tịch Hội Khuyến học các xã đều phát biều ý kiến, ca ngợi tấm lòng của ông Việt đối
với sự nghiệp giáo dục của địa phưong. Sự đóng góp đầy nghĩa tình và hiệu quả của
ông đã để lại những dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong lòng các cháu học sinh và
mỗi người dân xã Yên Lộc cùng các xã miền nam huyện Ý Yên. Tiếng thơm ấy còn có
sức lan tỏa không những trong huyện Ý Yên mà còn cả tỉnh Nam Định và toàn quốc về
một con người hết lòng với dòng họ, với quê hương, với sự nghiệp trồng người. Thay
mặt Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam và Ban Liên lạc họ Phạm-Phạm Xá, bà Phạm Thị
Thúy Lan, đã phát biểu ý kiến ghi nhận tấm chân tình và tấm lòng thơm thảo của ông
Phạm Quốc Việt – một con cháu của họ Phạm, một người nông dân bình thường từ
nghèo khó vươn lên mà đã dùng một khoản tiền đáng kể trong nguồn tài chính không
nhiều của mình để lập quỹ học bổng mang tên Đức Thánh Trần dành cho các cháu học
sinh nghèo có thành tích học tập tốt của một vùng quê nghèo mong giảm bớt một phần
khó khăn cho các cháu và gia đình các cháu và tạo điều kiện cho các cháu học tập tốt
hơn ; bà nhấn mạnh: “ Đây là một nghĩa cử cao đẹp rất đáng được hoan nghênh, khích
lệ và ghi vào sổ vàng của dòng họ không chỉ ở xã nhà mà còn ở các cấp cao hơn, tôi sẽ
đề nghị ghi vào sổ vàng của Họ Phạm toàn quốc” .

Chúng tôi đặc biệt quý mến ông Phạm Quốc Việt còn bởi vẻ mặt thanh khiết, hiền
hậu. Niềm vui như tỏa ra từ ánh mắt ông khi thấy các cháu ở vùng còn nhiều khó khăn
này đang mỗi ngày học hành một tốt hơn mà ông đã đóng góp được một phần nhất định
trong thành công bước đầu ấy. Ông thật là một con người đặc biệt trong những nhà tài
trợ mà chúng tôi đã biết! Một con người nhân hâu, “ một tấm chân tình, một tấm lòng
thơm thảo” đáng quý biết bao! Trên đất nước ta, trong dòng họ Phạm ta có biết bao
nhiêu tấm lòng cao cả như thế, đó là cơ sở cho chúng ta tin rằng sự nghiệp khuyến học
của chúng ta sẽ ngày càng đạt được những thành tựu lớn hơn, nhiều con cháu chúng ta

trở nên hiền tài, làm mạnh thêm cho “ nguyên khí quốc gia” !
Bài và ảnh:

Phạm Văn Hồng
0912305918

Dưới đây là những hình ảnh về ông Phạm Quốc Việt và buổi lễ

 Quang cảnh buổi lễ

Ông Phạm Quốc Việt trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo học giỏi và trao giải thưởng cho các cháu học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên.


















































           Ông Ngô Xuân Điệp, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ý Yên phát biểu trước buổi Lễ

Cháu Trần Chí Dũng, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Cảnh sát, 
đại diện các con nuôi của ông Việt phát biểu trong buổi lễ.


Đại biểu Ban Liên lạc Họ Phạm VN, họ Phạm-Phạm Xá cùng Ban tổ chức buổi lễ
»»  Đọc tiếp

20 tháng 10, 2010

Thư chúc mừng

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 10 20, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 Ban biên tập trang web hophamvietnam.org xin gửi đến các cụ, các bà, các mẹ, các chị, các em và các cháu họ Phạm trong và ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các cụ "bách niên giai lão"; chúc các bà, các mẹ dồi dào sức khỏe dạy dỗ con cái nên người. Chúc các chị, các em thành đạt trong cuộc sống . Chúc các cháu chăm ngoan học giỏi.

Nhân đây chúng tôi xin tặng các bạn một bài thơ về Mẹ của tác giả Phạm Đình Ân:


TÓC MẸ
Tóc sâu nhổ giúp mẹ xưa
Chỉ mươi sợi đục đặt vừa lòng tay
Năm năm . . .Tháng tháng . . .Ngày ngày . . .
Tóc con xanh, tóc mẹ phai nhạt dần.

Mỗi lần trông mẹ vấn khăn
Giật mình: Sợi bạc còn ngần ấy sao?
Một đời sung sướng - khổ đau
Sương sa bạc xoá tóc đầu rụng vơi.


Vo vo sợi giắt đầu hồi
Lang thang sợi rải khắp nơi trong vườn
Sợi vương vào bát canh cần
Bữa ăn con nghẹn mấy lần, mẹ ơi !


Rụng rồi, còn bạc chưa thôi
Mòn thêm cùng với dáng người lom khom.
Xuôi tay, lạnh buốt tay không
Trong veo dúm tóc mọc trong đất cằn.


Như cây đông cỗi, hao dần
Quả nuôi con, lá ươm mầm xuân sau.
Trải ghềnh thác tự nguồn cao
Tóc xanh mẹ chảy cạn vào đời con.
Trẻ trung, tóc lá xanh rờn
Già nua, tóc trắng nõn làn mây trôi.
Sợi như nắng óng mặt trời
Góp thêm ánh sáng soi đời mai sau

Phạm Đình Ân












Tổng biên tập trang web
PGS.TS Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

18 tháng 10, 2010

Tin vui từ cuộc thi Siêu mẫu 2010

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 10 18, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời Ban biên tập: Họ Phạm Ta thật lắm tài năng, chúng ta có nhiều chính khách nổi tiếng, có nhiều nhà văn nhà thơ tài hoa, có nhiều nhạc sỹ tài giỏi và không ít các vận động viên xuất sắc đem lại vinh quang cho đất nước, .. và giờ đây trên lĩnh vực người mẫu chúng ta lại có người đạt vương miễn siêu mẫu năm 2100. Điều đó không đáng để chúng ta tự hào sao!

Ngọc Thạch và Ngọc Tình đoạt cúp vàng Siêu mẫu 2010


17/10/2010 16:23

(TNO) Tối 16.10, chung kết cuộc thi Siêu mẫu 2010 đã đi đến chặng đường cuối cùng và xác định hai gương mặt đạt cúp vàng Siêu mẫu, đó là Phạm Ngọc Thạch và Trương Ngọc Tình.

Trải qua chặng đường gần hai tháng kể từ khi cuộc thi Siêu mẫu chính thức khởi động, Phạm Ngọc Thạch đã luôn là một trong những ứng cử viên sáng giá.

Cô gái 19 tuổi này đã thể hiện bản lĩnh sân khấu và kinh nghiệm biểu diễn của một người mẫu chuyên nghiệp, và giành được chiến thắng thuyết phục ở danh hiệu Siêu mẫu dành cho nữ.

Trong khi đó, về phía nam, cúp vàng Siêu mẫu được trao cho Trương Ngọc Tình. Đây là một kết quả nằm ngoài dự đoán trước khi bước vào đêm chung kết. Tuy nhiên, Ngọc Tình đã gây được ấn tượng tốt trong đêm thi quyết định và xứng đáng với danh hiệu Siêu mẫu dành cho nam.

Giải bạc Siêu mẫu 2010 thuộc về cặp đôi Phạm Thị Thùy Linh và Hoàng Gia Ngọc, giải đồng thuộc về Lê Khôi Nguyên và Phạm Anh Thư.

Phạm Ngọc Thạch và Trương Ngọc Tình cũng nhận được giải thưởng Khán giả yêu thích nhất.

Tiền thân là cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam, sau 6 lần tổ chức, năm nay cuộc thi dành cho giới người mẫu trong cả nước do Đài Truyền hình TP.HCM, tạp chí Thời Trang Trẻ và Công ty Cát Tiên Sa tổ chức, được đổi tên là Siêu mẫu.

Siêu mẫu 2010 với nhiều thay đổi trong khâu tổ chức, nội dung chương trình, đã tạo được sự mới mẻ cho khán giả cũng như chính những thí sinh tham dự.


»»  Đọc tiếp

17 tháng 10, 2010

Hai anh em sinh đôi

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 10 17, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Hai anh em sinh đôi vượt khó vào đại học


Vượt qua hoàn cảnh khó khăn cùng dắt tay nhau vào đại học, hai anh em sinh đôi Phạm Xuân Phước và Phạm Xuân Phương (sinh năm 1992) ở làng Tân Đức, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị nêu lên tấm gương về ý chí và nghị lực cho nhiều bạn trẻ.

Phước và Phương sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn với ba thế hệ cùng sống trong mái nhà lụp xụp bên bờ sông Thạch Hãn. Cả gia đình có 8 miệng ăn, chỉ biết trông chờ vào công việc chạy xe ôm của bố và những gánh hàng bột lọc rong của mẹ. Thu nhập của cả hai người chỉ đủ sống tạm qua ngày nhưng những cơn bạo bệnh của ông bà nội làm gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn. Từ năm 2007 đến năm 2008 ông nội của hai em phải vào viện mổ sỏi thận 3 lần. Không lâu sau phẫu thuật, ông phải gánh thêm bệnh nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, còn bà nội thì bị gai cột sống. Số tiền dành dụm bao năm để xây một ngôi nhà ngói đàng hoàng hơn, giờ cũng đã đổ theo tiền thuốc của ông bà.

Dù hoàn cảnh chật vật và bộn bề khó khăn, nhưng mấy anh em Phước luôn động viên nhau cùng học thật giỏi để bố mẹ yên tâm lao động, kiếm tiền lo cho cuộc sống. Hai anh em Phước và Phương không chỉ giống nhau về ngoại hình mà còn giỏi như nhau trong học tập với bảng thành tích khiến bố mẹ, thầy cô và bạn bè tự hào. Cả Phước và Phương đều là thành viên lớp chọn của Trường THPT Thị Xã Quảng Trị. 12 năm đến trường, hai anh em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và luôn có tên trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2008 - 2009 Phước đem về cho trường giải ba môn Lý, còn Phương thì “ẵm” về giải nhất môn Toán. Ba năm học cấp ba, hai anh em đèo nhau đến trường trên chiếc xe đạp cà tàng, hư lên hư xuống được bố mua từ năm lớp 8, áo quần đi học một năm mỗi người một bộ, sách học được mấy anh chị hàng xóm mỗi người cho một ít.

Biết gia cảnh khó khăn, hai anh em luôn tâm niệm rằng không học đồng nghĩa với không có tương lai nên lúc nào cũng động viên nhau học tốt. Những lúc học trên lớp Phước và Phương luôn lắng nghe lời giảng của thầy cô, cố gắng hiểu bài ngay tại lớp, về nhà không bao giờ quên làm bài tập và soạn bài đầy đủ. Không có tiền mua sách tham khảo, hai anh em chỉ biết tìm mua sách cũ và mượn bạn phô tô để bổ sung kiến thức.

Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Phước thi đỗ vào ngành Cơ - Điện tử với số điểm là 25, còn Phương thì đạt 24,5 điểm cho ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Hai con trai cùng đậu đại học, anh Phú và chị Hòa mừng thì ít mà lo thì nhiều, vì không biết lấy đâu ra tiền cho hai con ăn học trong khi ông bà nội thì đang lâm bệnh. Tuy nhiên, nỗi lo của anh Phú, chị Hòa cũng vơi bớt phần nào khi chương trình “Tiếp sức đến trường” của Tỉnh ủy Quảng Trị trao học bổng 4 triệu đồng cho hai anh em Phước và Phương. Có tiền đóng học phí, Phước và Phương hứa với bố mẹ là sẽ cố gắng học tốt và kiếm việc làm thêm để đỡ đần cho gia đình phần nào.

“Vì thương bố mẹ làm lụng vất vả nên chúng em cũng chỉ biết bảo ban nhau học thật giỏi, để sau này kiếm thật nhiều tiền giúp bố mẹ đỡ khổ hơn” - Phước và Phương chia sẻ trong nghẹn ngào.

Phạm Đình Điểu sưu tầm (Báo điện tử Dân trí)
»»  Đọc tiếp

13 tháng 10, 2010

Lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 10 13, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG SỬ HỌC PHẠM THẬN DUẬT
CHO THẠC SĨ VÀ CỬ NHÂN LẦN THỨ NHẤT
TẠI TRƯỜNG ĐAI HOC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Như chúng ta đã biết, năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã cùng với Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật do hậu duệ danh nhân lập, đặt Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật trao cho các Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất. Hàng năm, Hội KHLSVN và Quỹ Giải thưởng Sử hoc Phạm Thận Duật thành lập Hội đồng xét Giải thưởng Phạm Thận Duật gồm GS NGND Đinh Xuân Lâm, Phó chủ tịch Hội KHLSVN làm Chủ tịch HĐ, Kỹ sư Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Quỹ GTSH và một số ủy viên là các chuyên gia về sử học, để đánh giá và xếp hạng các luận án Tiến sĩ đã bảo vệ đạt loại xuất sắc tại các Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước. Qua 10 năm với 10 lần trao giải được tổ chức trọng thể tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào đúng ngày mất của danh nhân, ngày 29 tháng 11 hàng năm, đã có 49 Tiến sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, trong đó có 2 giải Nhất, 22 giải Nhì và 25 giải Ba

Hội đồng Điều hành Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật quyết định bắt đầu từ năm nay (2010) sẽ trao tặng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật dành cho các thạc sĩ sử học có luận văn xuất sắc và cho các cử nhân sử học có khóa luận tốt nghệp xuất sắc của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cho nên, khác với những lần trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho các Tiến sĩ sử học xuất sắc nhất trước đây, ngày 28 tháng 9 năm 2010, tại Trường Đại học KHXH&NV, Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật và Trường Đại học KHXH&NV đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật cho Thạc sĩ và Cử nhân lần thứ nhất. Năm thạc sĩ và bốn cử nhân của Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV đã được nhận giải thưởng lần này. Đây là lần đầu tiên các Luận văn Thạc sĩ và Khóa luận Đại học về Lịch sử được xét và nhận giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.

Trong 10 năm qua, Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV đã có 11 tiến sĩ được nhận Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, nhiều tiến sĩ vẫn tiếp tục con đường lao động khoa học, đạt nhiều thành tựu về học thuật, có những công trình nghiên cứu mới được công bố trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, trong các ấn phẩm trong và ngoài nước. Ts. Nguyễn Văn Kim được nhận giải nhì năm 2000 nay đã được phong Phó Giáo sư, Hiệu phó Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQGHN; Tiến sĩ Vũ Quang Hiển được nhận giải ba năm 2000 nay đã được phong Phó Giáo sư.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, các vị lãnh đạo của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, các vị trong Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử; đại diện Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã đến dự và chứng kiến lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Đông đủ các giản viên và sinh viên Khoa Lịch sử đã đến dự Lễ trao giải nhân dịp Khai giảng năm học 2010-2011.

       GS.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội KH Lịch sử; KS. Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật và 5 thạc sĩ của Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV được nhận Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật.

PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế , Chủ nhiệm Khoa Lịch sử đã phát biểu khai mạc cuộc gặp mặt sinh viên và mở đầu Chương trình trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho Thạc sĩ và Cử nhân. KS Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật đã phát biểu giới thiệu về những hoạt động của Quỹ trong hơn 10 năm vừa qua về cả ba mặt hoạt động của Quỹ là Chương trình Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, Chương trình Giải thưởng khuyến học cho học sinh trung học và tiểu học và Chương trình từ thiện-xã hội.

Không khí buổi lễ rất vui vẻ, xúc động, có tác dụng rất tốt trong việc động viên cổ vũ các nhà sử học nói chung, nhất là giảng viên và sinh viên khoa Sử trong việc học tập và nghiên cứu lịch sử để góp phần vào sự nghiệp phát triển của nền sử học nước nhà. Đại diện các Thạc sĩ và cử nhân được giải đã phát biểu ý kiến nói lên lòng biết ơn đối với Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và nhà trường, hứa sẽ tiếp tục cố gắng hơn trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt các Thạc sĩ được nhận giải thưởng đã trích ra 5 triệu đồng trong phần giải thưởng của mình để tặng cho Quỹ giải thưởng sử học Lê Văn Hưu của Khoa Lịch sử Trường Đại học KHXH&NV, nghĩa cử cao quý đó được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh .

    PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, Nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó Chủ tịch Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật (người đứng giữa) và 4 cử nhân của Trường Đại học KHXH&NV được nhận giải thưởng lịch sử học Phạm Thận Duật.


      PGS, TSKH Nguyễn Hải Kế , Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV cám ơn và tặng hoa KS Phạm Đình Nhân, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật.

Phạm Thị Thúy Lan
»»  Đọc tiếp

10 tháng 10, 2010

Công thần họ Phạm trong Thế Miếu triều Nguyễn

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 10 10, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thế Miếu triều Nguyễn

 Hiển Lâm Các

Công thần họ Phạm trong Thế Miếu triều Nguyễn

Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố.

Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Hoàng Khảo Miếu ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ thân phụ là Nguyễn Phúc Luân. Năm 1821 Minh Mạng lên nối ngôi, ông đã cho dời Hoàng Khảo Miếu lùi về phía sau vài chục mét, đổi tên thành Hưng Khảo Miếu và xây Thế Miếu lên vị trí ấy để thờ vua Gia Long và Hoàng hậu. Miếu thờ được xây dựng trong hai năm (1821-1822), ban đầu chỉ dành để thờ Thế Tổ Cao Hoàng đế (vì thế mới có tên gọi Thế Tổ Miếu), về sau trở thành nơi thờ tất cả các vị vua của triều Nguyễn.

Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng rộng 1.500m2, là một tòa nhà kép theo kiểu “trùng thiềm trùng lương”. Tiền doanh Thế Miếu (nhà trước) có 11 gian, chính doanh (nhà sau) có chín gian. Mỗi gian thiết trí một án thờ dành cho một vị vua. Nền Thế Miếu cao, xưa lát gạch men Bát Tràng màu vàng và lục. Qua các lần tu sửa trước năm 1975, nền tiền doanh được lát lại bằng gạch hoa tráng men vàng. Hệ thống cột kèo, đòn tay, liên ba, đố bản, khám thờ, án thờ đều sơn thếp vàng. Nội thất Thế Miếu cho đến năm 1954 chỉ có bảy án thờ, mỗi án một gian, các gian thừa để trống. Ngoài án thờ vua Gia Long và hai Hoàng hậu đặt ở gian giữa, các án thờ của các vị vua còn lại đều được sắp đặt theo nguyên tắc "tả chiêu, hữu mục". Cụ thể: Án tả nhất thờ vua Minh Mạng (1820 - 1840), án hữu nhất thờ vua Thiệu Trị (1841 - 1847), án tả nhị thờ vua Tự Đức (1848 - 1883), án hữu nhị thờ vua Kiến Phúc (1883 - 1884), án tả tam thờ vua Đồng khánh (1886 - 1888), án hữu tam thờ vua Khải Định (1916 - 1925).

Các vua Hàm nghi (1884 - 1885), Thành Thái (1889 - 1907) và Duy Tân (1907 - 1916) bị liệt vào hạng “xuất đế”, vì có tinh thần chống Pháp, nên theo gia pháp không được thờ trong Thế Miếu. Đến tháng 10-1958 ba vị vua ấy mới được Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đưa vào thờ chung ở đây. Án thờ vua Hàm Nghi được đặt ở gian tả tứ (gian thứ tư bên trái). Án thờ vua Thành Thái đặt ở gian tả ngũ (gian thứ năm bên trái), còn án thờ vua Duy Tân đặt ở gian hữu tứ (gian thứ tư bên phải). Các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Tổ Miếu.

Sân Thế Miếu lát gạch Bát Tràng, riêng Thần đạo chạy chính giữa lát đá thanh. Trong sân đặt hai hàng đế bằng đá thanh dùng để cắm tàn mỗi khi tế lễ. Cuối sân là Cửu Đỉnh (chín chiếc đỉnh đồng lớn) đặt thẳng hàng với chín án thờ trong miếu. Tiếp theo Cửu Đỉnh là Hiển Lâm Các, toà nhà ba tầng, hai bên có lầu chuông, lầu trống nối liền với gác bằng một bờ tường gạch. Bên ngoài bờ tường này có hai nhà Tả Vu và Hữu Vu, là nơi phối thờ 13 vị công thần thời Nguyễn. Đó là: Thái sư Hoài quốc công Võ Tánh (?-1801), Thái tử Thái sư Ninh Hòa quận công Ngô Tòng Chu (? - 1801), Thái bảo Lâm Thao quận công Châu Văn Tiếp (? - 1784), Thái bảo Bình Giang quận công Võ Di Nguy (? - 1801), Thái phó Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương (? - 1810), Thái phó Tiên Hưng quận công Phạm Văn Nhân (?-1815), Thái phó Kiến Xương quận công Nguyễn Hoàng Đức (? - 1819), Thái tử Thái sư Tuân Nghĩa hầu Tống Phước Đạm (? - 1794), Thiếu bảo Duy Tiên hầu Nguyễn Văn Mẫn (?-1789), Thiếu phó Phụ Dực hầu Đỗ Văn Hựu (?-1789), Thái bảo Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân (? - 1822), Thái phó Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên (? - 1824), Thái sư Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865).

Phạm Văn Nhân quê gốc ở Quý huyện (tức huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá), tiên tổ của ông theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, nhập hộ tịch ở Thừa Thiên. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát Phạm Văn Nhân đầu quân, sau được thăng cai đội. Khi Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ông vào Gia Định phò giá, theo Nguyễn Vương bôn ba khắp lục tỉnh, Phú Quốc, Xiêm La; chinh chiến ra tận Bình Thuận, Thi Nại, Quảng Nam. Ông có công lớn trong tổ chức xây dựng binh thuyền, vận tải quân lương, đánh chiếm Phú Xuân theo đường thuỷ.

Những lúc Nguyễn Vương thân chinh cầm quân chinh chiến Phạm Văn Nhân được giao ở lại giúp Đông cung trấn thủ Gia Định. Khi Hoàng tử Cảnh cầm quân ra trận cũng chính Phạm Văn Nhân đi hộ giá.

Năm Gia Long thứ nhất (1802) Phạm Văn Nhân đem quân vào phối hợp đánh thành Qui Nhơn. Tháng 3 hạ được thành, vua triệu Phạm Văn Nhân về kinh ban áo mũ, thăng Khâm sai chưởng thần, vũ quân, kiêm giám thần sách quân, quận công. Tháng 5 ông lại phò vua Gia Long ra đánh Bắc Hà. Bình định xong Bắc Hà ông theo hầu vua về kinh. Năm Gia Long thứ hai vua đi tuần thú Bắc Hà ông được giao cùng Quốc thúc công Tôn Thất Thăng ở nhà giữ kinh thành. Sau vua lại triệu ông ra trông coi Bắc Thành. Năm Gia Long thứ ba, đại lễ bang giao với Thanh triều, Phạm Văn Nhân được sung làm sứ nhận ấn, rồi theo hầu vua về kinh.

Năm Gia Long thứ năm (1806) Phạm Văn Nhân được vua giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng đàn Nam Giao, năm tiếp theo được giao chỉ huy xây đàn Xã Tắc. Năm 1809 vua đi kinh lý Quảng Nam ông được khâm mạng đi trước nhận đơn, xem xét và tấu trình để vua biết được nỗi lòng của dân. Năm 1811 Phạm Văn Nhân được trao chức Khâm sai chưởng hữu quân, coi cả quân thần sách.

Phạm Văn Nhân mất năm 1815, thọ 71 tuổi, vua thương tiếc, sai đại thần Nguyễn Văn Thành lo việc tang lễ. Theo tấu trình của Bộ Lễ vua cho nghỉ triều ba ngày, ban cho 1.000 quan tiền, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ Thái phó quận công, ban tên thuỵ là Trung Hiếu. Ngày an táng vua lại cho nghỉ triều một ngày, cho hoàng tử, hoàng tôn đưa tiễn, cấp phu trông coi, chăm sóc mộ phần.

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) Phạm Văn Nhân được vua cho thờ phụ trong Thế Tổ Miếu và được thờ ở Trung Hưng công thần miếu, được cấp tự điền.
Trong Đại Nam liệt truyện Phạm Văn Nhân được đánh giá: “Dòng dõi thế gia huân vọng, theo vua cầm cương ngựa, nếm đủ gian khổ, trung thành hết lòng với nước, tuổi già càng gắng sức chăm chỉ việc quân, giúp nên nghiệp lớn, có công rất to”.

Phạm Hữu Thanh Tùng
»»  Đọc tiếp

5 tháng 10, 2010

Chương trình hoạt động của BLL ho Phạm TT-Huế

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 10 05, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Chương trình hoạt động năm 2010-2011
của BLL Họ Phạm Thừa Thiên Huế


Ngày 28/8/2010 (nhằm ngày 19/7 Canh Dần), BLL họ Phạm Thừa Thiên Huế với sự phối hợp và phát tâm của họ Phạm Làng An Ninh Hạ (phường Hương Long, TP Huế) đã tổ chức Lễ cung thỉnh và an vị Thượng Thủy Tổ Họ Phạm Việt Nam. Ngày 29/8/2010 (nhằm ngày 20/7 Canh Dần), gần 100 đại biểu đại diện cho họ Phạm ở các địa phương và các cá nhân họ Phạm trong tỉnh đã tề tựu về nhà thờ họ Phạm làng An Ninh Hạ làm Lễ dâng hương nhân ngày kỵ thứ 1465 của Ngài Thượng thủy tổ và họp mặt họ Phạm toàn tỉnh. Cuộc họp đã thống nhất một số vấn đề quan trọng sau đây:

1. Từ nay, lễ húy kỵ Ngài Thượng Thủy Tổ và họp mặt họ Phạm toàn tỉnh hàng năm (20/7 âm lịch) sẽ diến ra tại Nhà thờ họ Phạm Làng An Ninh Hạ, nơi thờ vọng bài vị Ngài.

2. Cử ra một Ban liên lạc cấp tỉnh mới gồm có 15 vị:
Ông Phạm Như Thế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trưởng ban
Ông Phạm Hữu Thanh Tùng, Đại diện Báo Tiền Phong, Phó trưởng ban
Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, Phó trưởng ban
Ông Phạm Bá Vương, Phó Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, Phó trưởng ban
Ông Phạm Quyền, Trưởng ban Quản lý Dự án Sở NN&PTNT, Phó trưởng ban
Ông Phạm Khắc Liệu, giảng viên Đại học Huế, Thư ký
Bà Phạm Thị Ngọc Lan, giảng viên Đại học Huế, Ủy viên, Thủ quỹ
Bà Phạm Thị Bích Thủy, Phó trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh, Ủy viên
Bà Phạm Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ tỉnh, Ủy viên
Ông Phạm Văn Huệ, Đại diện họ Phạm Làng An Ninh Hạ, Ủy viên
Ông Phạm Lượng, Đại diện Ban Liên lạc họ Phạm huyện Quảng Điền, Ủy viên
Ông Phạm Văn Lâm, giảng viên Trường Đại học Phú Xuân, Ủy viên
Ông Phạm Văn Sinh, chủ doanh nghiệp xe Du lịch An Thịnh, Ủy viên
Ông Phạm Đức Thành Dũng, CV Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy viên
Ông Phạm Văn Thị, doanh nhân, Ủy viên.

Ban liên lạc đã họp phiên thứ nhất để phân công công việc, trên cở sở nhân sự BLL hình thành 04 ban chuyên trách các hoạt động:

2.1. Ban Tổ chức hoạt động và kết nối dòng họ.
2.2. Ban Khuyến học - khuyến tài.
2.3. Ban Tài chính - hậu cần.
2.4. Ban Thông tin tư liệu và đối ngoại

3. Mọi liên lạc qua thư từ hay trực tiếp với Ban liên lạc tạm thời thông qua địa chỉ:
- Nhà báo Phạm Hữu Thanh Tùng – nhà số 51A Phan Đình Phùng, TP Huế, Điện thoại 0903 507 570 Email thanhtungbtp@gmail.com (trong giờ hành chính liên lạc tại Ban Đại diện báo Tiền phong - 22B Lê Lợi, Huế - Điện thoại/Fax: 054.3819374).
- Tiến sĩ Phạm Khắc Liệu – Chủ nhiệm khoa Môi trường Đại học Khoa học Huế - Điện thoại 0906 567839 Email pklieu@yahoo.com

4. Năm 2011 xúc tiến vận động quyên góp đúc tượng Ngài Thượng Thủy Tổ để dựng tại khuôn viên nhà thờ họ Phạm Làng An Ninh Hạ - Có thư vận động gửi đến các họ, các cá nhân. Phân công ông Phạm Hữu Thanh Tùng phụ trách Ban dựng tượng Ngài Thượng Thuỷ Tổ, với sự phối hợp thực hiện của ông Phạm Do và họ Phạm làng An Ninh Hạ.

5. Tiếp tục xúc tiến việc thành lập các Ban liên lạc họ Phạm ở các huyện.

6. Mở rộng và nâng cấp hoạt động khuyến học theo hướng thành lập Quỹ Học bổng khuyến học - khuyến tài họ Phạm Thừa Thiên Huế để có nguồn học bổng ổn định. Phân công TS Phạm Văn Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT làm Trưởng ban khuyến học.


BLL HỌ PHẠM THỪA THIÊN HUẾ

                             Một số hình ảnh về hoạt động của BLL Họ Phạm Thừa Thiên Huế

Họ Phạm Hữu làng Qui Lai trao đổi việc họ với BLL

Dâng hương Thượng Thuỷ Tổ sau lễ an vị Ngài tại nhà thờ
Họ Phạm làng An Ninh Hạ.
                       

BLL tặng Họ Phạm làng An Ninh Hạ lá cờ họ Phạm
và đĩa gốm biểu trưng họ Phạm nhân lễ khánh thành nhà thờ họ.

Tặng quà lưu niệm họ Phạm An Ninh Hạ

Trao học bổng khuyến học cho con em họ Phạm nhà nghèo học giỏi.
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi