Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

23 tháng 10, 2010

Người họ Phạm làm trống hội Thăng Long

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 10 23, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

NGƯỜI HỌ PHẠM LÀM TRỐNG HỘI THĂNG LONG

Làng Đọi Tam thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam nổi tiếng với nghề làm trống. Đọi Tam nay lại có thêm một sự nổi tiếng nữa, đó là đội trống toàn con gái. Trai làng Đọi Tam làm trống khéo, giỏi; gái làng đánh trống, múa trống đẹp mê li… Hiện cả làng có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu, trên 10 cơ sở làm hoàn chỉnh trống. Các chủ cơ sở phần lớn là người họ Phạm như các Nghệ nhân: Phạm Chí Khang, Phạm Chí Tịnh, Phạm Trí Trung, Phạm Chí Thảo, Phạm Thanh Hùng….

Phạm Chí Khang hai lần làm trống hội Thăng Long
(ảnh bên trái)

Ông Phạm Chí Khang, dáng hình nhỏ nhắn, đôi mắt đăm chiêu, mỗi khi nhắc đến chuyện làm trống, ông lại trở nên nhiệt tình, sôi nổi lạ thường. Cả đời làm trống, hàng ngàn chiếc trống lớn nhỏ đã hoàn thành, trong đó có hai chiếc trống lớn nhất dành để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 14 tuổi ông Khang đã theo cha đạp xe khắp miền Bắc để làm trống. Những nét tinh xảo nhất trong kỹ thuật làm trống như ghép tang, vào đai, bưng mặt hay các công đoạn khó, đòi hỏi sự khéo léo như vẽ rồng, trang trí... ông đều thành thạo.

Năm 1975, gác lại việc làm trống, ông xung phong đi bộ đội. Năm 1981, sau khi phục viên trở về quê hương, ông lại cùng đồ nghề làm trống tiếp tục nghiệp gia truyền. Ông bảo: “Làm trống là nghiệp của làng, không thể bỏ được, dù có khó khăn đến mấy cũng phải làm bằng được để phát triển nghề cha ông”. Suốt mấy đời nay mọi người trong gia đình ông đều nối nghiệp làm trống. Hiện nay, ở làng nghề truyền thống Đọi Tam, họ Phạm của ông là một trong những dòng họ làm trống lớn nhất làng. Người họ Phạm không chỉ phát triển nghề ở quê hương mà còn đem nghề đi khắp nơi trên đất nước. Trong cuộc đời mình ông Khang đã làm rất nhiều loại trống lớn, trong đó có trống Sấm, chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện chiếc trống có đường kính 2.001 này vẫn được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những ngày qua, về làng Đọi Tam, đâu đâu cũng thấy không khí náo nhiệt, tưng bừng bởi người dân đang gấp rút làm trống mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn 2.000 chiếc trống lớn nhỏ sẽ được làng hoàn thành để góp thanh âm oai hùng trong dịp Đại lễ.
Trống được làm tại xưởng của gia đình ông Khang; ông là người chịu trách nhiệm chính. Suốt mấy tháng nay, toàn bộ con cháu, dâu rể, anh em và những người thợ giỏi nhất từ khắp nơi về nhà ông tham gia làm trống. Trống có chiều cao 3m, đường kính 2,35m, nặng 1,2 tấn. Để làm chiếc trống này, những nghệ nhân Đọi Tam đã dùng tới 25m3 gỗ mít và 2 con trâu mộng.

Đưa chúng tôi đi thăm chiếc trống đang được khẩn trương hoàn thành, ông Khang cho biết: “Công đoạn khó khăn nhất trong việc làm trống là khâu tìm gỗ làm tang và da trâu làm mặt trống. Gỗ làm tang phải là gỗ mít đặc lõi, nghĩa là phải tìm những cây mít cổ thụ. Để làm được việc này, người làng Đọi Tam đã đi khắp nơi tìm nguyên liệu như Đắk Lắk, Bình Dương, Kon Tum,...”. Da trâu được tuyển chọn từ hai con trâu to, có bộ da dày, đen nhánh, đảm bảo đủ rộng để căng mặt trống. Để dựng thành công chiếc trống này, hơn 20 nghệ nhân và thợ giỏi của làng Đọi Tam phải làm cật lực trong hơn 6 tháng trời mới hoàn thành.

“Đây sẽ là chiếc trống lớn nhất Việt Nam, thậm chí lớn nhất khu vực”, ông Khang khẳng định. Chỉ tay về chiếc trống, ông nói tiếp: “Ban đầu mới nhận tôi cũng lo lắm, công việc khó nhất là tìm được hai con trâu to để có đủ da bưng mặt trống. Đến nay chiếc trống đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và sẽ sớm hoàn thiện để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Từ ngày 16/9/2010, chiếc trống được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Trong dịp Đại lễ sẽ tổ chức lễ khai thanh hoành tráng, góp tiếng trống oai hùng mừng hùng thiêng sông núi. Bên cạnh đó là màn biểu diễn những tiết mục múa trống độc đáo của đội trống nữ truyền thống làng Đọi Tam. Với nụ cười trên môi, ông Khang tâm sự: “Cách đây 10 năm, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã vinh dự được góp công làm chiếc trống lớn nhất Việt Nam. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong ước làm được một chiếc trống to hơn nữa. Đây là tâm huyết, vinh dự không chỉ của riêng tôi mà của cả dòng họ Phạm, cả làng Đọi Tam”.

Hiện cơ sở sản xuất của ông cũng làm 700 chiếc trống các loại trong tổng số hơn 2.000 chiếc trống mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Trong gia đình ông, chỗ nào cũng thấy các loại trống, tất cả chỉ chờ ngày ra mắt chào mừng Đại lễ...

Tiếp nối các nghệ nhân Đọi Tam khi xưa, dù ở làng hay đi lập nghiệp phương xa đều giữ lấy nghề tổ nên nhiều người dân Thủ đô có thể đều biết tiếng cơ sở làm trống của nghệ nhân Phạm Chí Tịnh tại phố Hàng Nón (số Nhà 11B) - một người con của làng trống Đọi Tam - là người trong nhóm nghệ nhân làm ra 100 chiếc trống để dóng lên trong dịp lễ hội kỷ niệm 995 Thăng Long - Hà Nội.

Phạm Đình Điểu Tổng hợp (Báo Quân đội Nhân dân, An ninh Thủ đô)
Có 0 nhận xét cho bài này "Người họ Phạm làm trống hội Thăng Long"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi