Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 10, 2010

Công thần họ Phạm trong Thế Miếu triều Nguyễn

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 10 10, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thế Miếu triều Nguyễn

 Hiển Lâm Các

Công thần họ Phạm trong Thế Miếu triều Nguyễn

Thế Miếu tọa lạc ở góc tây nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố.

Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Hoàng Khảo Miếu ở vị trí của Thế Miếu ngày nay để thờ thân phụ là Nguyễn Phúc Luân. Năm 1821 Minh Mạng lên nối ngôi, ông đã cho dời Hoàng Khảo Miếu lùi về phía sau vài chục mét, đổi tên thành Hưng Khảo Miếu và xây Thế Miếu lên vị trí ấy để thờ vua Gia Long và Hoàng hậu. Miếu thờ được xây dựng trong hai năm (1821-1822), ban đầu chỉ dành để thờ Thế Tổ Cao Hoàng đế (vì thế mới có tên gọi Thế Tổ Miếu), về sau trở thành nơi thờ tất cả các vị vua của triều Nguyễn.

Thế Miếu được xây dựng trên mặt bằng rộng 1.500m2, là một tòa nhà kép theo kiểu “trùng thiềm trùng lương”. Tiền doanh Thế Miếu (nhà trước) có 11 gian, chính doanh (nhà sau) có chín gian. Mỗi gian thiết trí một án thờ dành cho một vị vua. Nền Thế Miếu cao, xưa lát gạch men Bát Tràng màu vàng và lục. Qua các lần tu sửa trước năm 1975, nền tiền doanh được lát lại bằng gạch hoa tráng men vàng. Hệ thống cột kèo, đòn tay, liên ba, đố bản, khám thờ, án thờ đều sơn thếp vàng. Nội thất Thế Miếu cho đến năm 1954 chỉ có bảy án thờ, mỗi án một gian, các gian thừa để trống. Ngoài án thờ vua Gia Long và hai Hoàng hậu đặt ở gian giữa, các án thờ của các vị vua còn lại đều được sắp đặt theo nguyên tắc "tả chiêu, hữu mục". Cụ thể: Án tả nhất thờ vua Minh Mạng (1820 - 1840), án hữu nhất thờ vua Thiệu Trị (1841 - 1847), án tả nhị thờ vua Tự Đức (1848 - 1883), án hữu nhị thờ vua Kiến Phúc (1883 - 1884), án tả tam thờ vua Đồng khánh (1886 - 1888), án hữu tam thờ vua Khải Định (1916 - 1925).

Các vua Hàm nghi (1884 - 1885), Thành Thái (1889 - 1907) và Duy Tân (1907 - 1916) bị liệt vào hạng “xuất đế”, vì có tinh thần chống Pháp, nên theo gia pháp không được thờ trong Thế Miếu. Đến tháng 10-1958 ba vị vua ấy mới được Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đưa vào thờ chung ở đây. Án thờ vua Hàm Nghi được đặt ở gian tả tứ (gian thứ tư bên trái). Án thờ vua Thành Thái đặt ở gian tả ngũ (gian thứ năm bên trái), còn án thờ vua Duy Tân đặt ở gian hữu tứ (gian thứ tư bên phải). Các án thờ vua Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại đến nay vẫn chưa có mặt trong Thế Tổ Miếu.

Sân Thế Miếu lát gạch Bát Tràng, riêng Thần đạo chạy chính giữa lát đá thanh. Trong sân đặt hai hàng đế bằng đá thanh dùng để cắm tàn mỗi khi tế lễ. Cuối sân là Cửu Đỉnh (chín chiếc đỉnh đồng lớn) đặt thẳng hàng với chín án thờ trong miếu. Tiếp theo Cửu Đỉnh là Hiển Lâm Các, toà nhà ba tầng, hai bên có lầu chuông, lầu trống nối liền với gác bằng một bờ tường gạch. Bên ngoài bờ tường này có hai nhà Tả Vu và Hữu Vu, là nơi phối thờ 13 vị công thần thời Nguyễn. Đó là: Thái sư Hoài quốc công Võ Tánh (?-1801), Thái tử Thái sư Ninh Hòa quận công Ngô Tòng Chu (? - 1801), Thái bảo Lâm Thao quận công Châu Văn Tiếp (? - 1784), Thái bảo Bình Giang quận công Võ Di Nguy (? - 1801), Thái phó Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương (? - 1810), Thái phó Tiên Hưng quận công Phạm Văn Nhân (?-1815), Thái phó Kiến Xương quận công Nguyễn Hoàng Đức (? - 1819), Thái tử Thái sư Tuân Nghĩa hầu Tống Phước Đạm (? - 1794), Thiếu bảo Duy Tiên hầu Nguyễn Văn Mẫn (?-1789), Thiếu phó Phụ Dực hầu Đỗ Văn Hựu (?-1789), Thái bảo Kinh Môn quận công Nguyễn Văn Nhân (? - 1822), Thái phó Khoái Châu quận công Nguyễn Đức Xuyên (? - 1824), Thái sư Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865).

Phạm Văn Nhân quê gốc ở Quý huyện (tức huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá), tiên tổ của ông theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá, nhập hộ tịch ở Thừa Thiên. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát Phạm Văn Nhân đầu quân, sau được thăng cai đội. Khi Nguyễn Phúc Ánh xưng vương ông vào Gia Định phò giá, theo Nguyễn Vương bôn ba khắp lục tỉnh, Phú Quốc, Xiêm La; chinh chiến ra tận Bình Thuận, Thi Nại, Quảng Nam. Ông có công lớn trong tổ chức xây dựng binh thuyền, vận tải quân lương, đánh chiếm Phú Xuân theo đường thuỷ.

Những lúc Nguyễn Vương thân chinh cầm quân chinh chiến Phạm Văn Nhân được giao ở lại giúp Đông cung trấn thủ Gia Định. Khi Hoàng tử Cảnh cầm quân ra trận cũng chính Phạm Văn Nhân đi hộ giá.

Năm Gia Long thứ nhất (1802) Phạm Văn Nhân đem quân vào phối hợp đánh thành Qui Nhơn. Tháng 3 hạ được thành, vua triệu Phạm Văn Nhân về kinh ban áo mũ, thăng Khâm sai chưởng thần, vũ quân, kiêm giám thần sách quân, quận công. Tháng 5 ông lại phò vua Gia Long ra đánh Bắc Hà. Bình định xong Bắc Hà ông theo hầu vua về kinh. Năm Gia Long thứ hai vua đi tuần thú Bắc Hà ông được giao cùng Quốc thúc công Tôn Thất Thăng ở nhà giữ kinh thành. Sau vua lại triệu ông ra trông coi Bắc Thành. Năm Gia Long thứ ba, đại lễ bang giao với Thanh triều, Phạm Văn Nhân được sung làm sứ nhận ấn, rồi theo hầu vua về kinh.

Năm Gia Long thứ năm (1806) Phạm Văn Nhân được vua giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng đàn Nam Giao, năm tiếp theo được giao chỉ huy xây đàn Xã Tắc. Năm 1809 vua đi kinh lý Quảng Nam ông được khâm mạng đi trước nhận đơn, xem xét và tấu trình để vua biết được nỗi lòng của dân. Năm 1811 Phạm Văn Nhân được trao chức Khâm sai chưởng hữu quân, coi cả quân thần sách.

Phạm Văn Nhân mất năm 1815, thọ 71 tuổi, vua thương tiếc, sai đại thần Nguyễn Văn Thành lo việc tang lễ. Theo tấu trình của Bộ Lễ vua cho nghỉ triều ba ngày, ban cho 1.000 quan tiền, đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ Thái phó quận công, ban tên thuỵ là Trung Hiếu. Ngày an táng vua lại cho nghỉ triều một ngày, cho hoàng tử, hoàng tôn đưa tiễn, cấp phu trông coi, chăm sóc mộ phần.

Năm Minh Mạng thứ 5 (1824) Phạm Văn Nhân được vua cho thờ phụ trong Thế Tổ Miếu và được thờ ở Trung Hưng công thần miếu, được cấp tự điền.
Trong Đại Nam liệt truyện Phạm Văn Nhân được đánh giá: “Dòng dõi thế gia huân vọng, theo vua cầm cương ngựa, nếm đủ gian khổ, trung thành hết lòng với nước, tuổi già càng gắng sức chăm chỉ việc quân, giúp nên nghiệp lớn, có công rất to”.

Phạm Hữu Thanh Tùng
Có 0 nhận xét cho bài này "Công thần họ Phạm trong Thế Miếu triều Nguyễn"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi