Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

26 tháng 4, 2010

Hoạt động của dòng họ Phạm Xá

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 4 26, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thông tin nhanh hoạt động của dòng họ Phạm “Phạm Xá”


Từ đầu Xuân Canh Dần 2010 Ban Liên Lạc dòng họ Phạm “ Phạm Xã “ đã có một số hoạt động chúc tết, giao lưu, tham dự một số hoạt động của các chi họ :

• Ngày 14 tháng giêng ( tức ngày 27/2/2010) Ông Phạm Ngọc Bổn ,Trưởng BLL dẫn đầu đoàn dòng họ Phạm “Phạm Xá” về dâng hương lễ cụ Tổ Phạm Cự Lượng tại Ninh Khánh – Ninh Bình do BLL họ Phạm tỉnh Ninh Bình tổ chức.

• Ngày 23 tháng giêng (tức ngày 8/3/2010) Ông Phạm Văn Hồng Phó BLL,tổng thư ký BLL , trưởng đoàn, đã về Khả Cửu –Hồng Tiến- Kiến Xương –Thái Bình dự lễ giỗ cụ tổ Phạm Như Hỗ.

• Ngày 19 và 20 tháng Hai (tức ngày 3 và 4 /4/2010) Bà Phạm Thúy Lan và Ông Phạm Văn Hồng tham gia đoàn BLL họ Phạm Việt Nam (5 người) cùng Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi dự Lễ Thượng “ Cờ họ Phạm VN ” và dự Lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

• Ngày 2 tháng ba (tức ngày 15/04/2010) CLB “ Gái Đảm – Dâu Hiền” đã về Phủ Nấp ( Vỉ Nhuế) tại Yên Đồng – Y Yên – Nam Định dâng hương và dự Lễ giỗ Tổ Cô Phạm Tiên Nga ,Đức Chúa Liễu Hạnh giáng trần lần thứ nhất.
• Ngày 3 tháng ba (tức ngày 16/04/2010) Ông Phạm Ngọc Bổn, Trưởng BLL đẫn đầu đã về dự Lễ giỗ tổ trao bằng “ Ghi công” của BLL Họ Phạm Việt Nam và bằng “Biểu Dương” khuyến học của BLL dòng họ Phạm “ Pham Xá “ tại Côi Trì – Yên Mô- Ninh Bình.

• Ngày 25 /04 /2010 tại Hà nội Ban liên lạc dòng họ Pham “ Phạm Xá” đã tổ chức cuộc họp triển khai công viêc họ năm 2010 – 2011. Về dự có mặt đông đủ bà con tại Hà nội và đại diện cac chi ngành ở Hải Phòng, Thái Bình ,Ninh Bình , các huyện Hải Hậu,Xuân Trường, Giao thủy, Y Yên . . .tỉnh Nam Định . . .Đại diện BLL Họ Phạm Việt Nam có Ông Phạm Nghị.
Cuộc họp đã diễn ra sôi nổi triển khai các mặt công tác: chú trọng công tác khuyến học, động viên con ngoan trò giỏi, động viên các danh nhân . đẩy mạnh công tác tù thiện,công đức đóng góp hoàn thiên Từ đường Khởi Thủy Tổ Phạm Đạo Soạn tại Phạm Xá đồng thời tích cực đóng góp với Ban Liên Lạc Họ Phạm Việt Nam đẻ xây dựng Đền thờ Thượng Khởi Thủy Tổ Phạm Tu .


Phạm Văn Hồng
0912305918

Sau đây là một số hình ảnh tham gia hoạt động với họ Phạm tại Đảo Lý Sơn Tỉnh Quảng Ngãi và cuộc họp tại Hà nội ngày 25/04/2010.

»»  Đọc tiếp

23 tháng 4, 2010

Phạm Văn Nam -"Chàng hiệp sĩ" không ngừng học

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 4 23, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Phạm Văn Nam - "Chàng hiệp sĩ" không ngừng học

Phạm Văn Nam – cái tên quen thuộc với nhiều người sau cuộc thi Sáng tạo Robocon Việt Nam 2009. Chàng hiệp sĩ “đầu tàu” của đội SPK – Knight đã cùng các đồng đội mang lại vinh quang cho trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM khi dành chức vô địch, và sau đó là giải 3 Vòng chung kết Robocon Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản.

Thuở nhỏ, Nam là cậu bé mồ côi cha và người mẹ thân yêu cũng qua đời sau khi Nam đậu Đại học. Vượt qua những nỗi đau, Nam vừa học vừa làm để tự lo cho tương lai phía trước.

Học cấp III, khi nhìn thấy nhiều bạn sinh viên có thể chế tạo được những Robot tự động, Nam đã rất ấn tượng. Cộng với niềm đam mê kĩ thuật, Nam đã quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật và sẽ tham gia Robocon. Lần đầu thi đấu thất bại, Nam cho biết: “Do ban đầu thiếu kinh phí, thiếu kinh nghiệm, tổ chức chưa tốt, không thể hiện được ý tưởng… các Robot của đội cũng chạy được nhưng không vào được sâu”

                    Đội robocon SPK – KNIGHT (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
                           – đội trưởng Phạm Văn Nam đứng thứ hai từ phải qua

Những điểm yếu đó chỉ có thể được khắc phục bằng cách học hỏi và nỗ lực không ngừng. Để hoàn thiện các Robot hơn nữa, Nam chịu khó tìm tòi và quan sát các đàn anh đi trước. “Mình dùng rất nhiều thời gian để học các môn chuyên sâu và tìm cách ứng dụng chúng vào Robocon. Ngoài ra, mình còn tìm hiểu công nghệ của các anh đi trước và thử nghiệm xem có sử dụng được không”

Thành tích tại cuộc thi sáng tạo Robocon 2009 chính là sự đền đáp xứng đáng cho chàng trai trẻ này. Vượt qua vòng bảng, SPK-Knight đã thi đấu ngày càng tiến bộ và chiến thắng những đối thủ sừng sỏ trước khi bước lên ngôi vô địch. “Kỉ niệm đẹp nhất là khi thi đấu ở Huế” – Nam nhớ lại “Khi tụi mình thử sân ở dưới, các cổ động viên đã cổ vũ rất nhiệt tình. Các bạn viết những lời chúc SPK-Knight chiến thắng rồi gấp thành máy bay ném xuống. Khi vô địch rồi nhìn những chiếc máy bay ấy cảm động biết bao”. Tình cảm của các CĐV chính là nguồn động viên lớn nhất giúp Nam và các bạn vượt qua khó khăn để thành công.

Hiện tại, Nam đang làm giảng viên tại trường Cao Đẳng nghề số 8 (Biên Hòa – Đồng Nai), đó là công việc Nam yêu thích và xác định từ đầu. Công việc này giúp Nam có thể truyền đạt lại kinh nghiệm cho học trò, và tạo điều kiện tìm hiểu học tiếp những gì chưa biết. Tinh thần học tập không ngừng chính là thứ “vũ khí” lợi hại nhất của chàng hiệp sĩ này trên sàn đấu và cả trong đời thường. Chúc cho chàng hiệp sẽ của SPK-Knight sẽ sớm có được những chiến công lừng lẫy mới.

- Họ và tên: PHẠM VĂN NAM
- Ngày sinh: 04/12/1983
- Địa chỉ: Ấp Bến Cam – xã Phước Thiền – Nhơn Trạch – Đồng Nai.
- ĐT: 0985167260
- Email: phamvannam1983@yahoo.com
- Nguyên là sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP. HCM (Khoa cơ khí chế tạo máy – cơ điện tử)
Nguồn: website Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh
»»  Đọc tiếp

22 tháng 4, 2010

Tuổi trẻ họ Phạm với cuộc thi Robocon tại Ấn Độ

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 4 22, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Cúng tôi xin giới thiệu bài viết về đội Robocon Việt Nam đoạt giải nhất trong cuộc thi Robocon thế giới tại Ấn Độ năm 2008. Trong đó Phạm Văn Chiến là đội trưởng. Nay anh đã là giảng viên trường Đại  học Công nghiệp Hà Nội

Chiến thuật Pressing

Chỉ được coi là đội “lót đường”, “chiếu dưới”, nhưng các chàng trai đến từ ĐH Công nghiệp Hà Nội (bao gồm: Phạm Văn Chiến, Lê Xuân Thái, Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Tùng) vẫn âm thầm, lùi lũi như một cỗ xe tăng và đã tiến từng bậc tới nấc thang thiên đường.

                           FEE 02 của ĐH Công nghiệp HN - một tên tuổi mới đăng quang -
                                       khiến không ít người ngỡ ngàng (Ảnh: VTC)

Các đối thủ đến từ các trường Bách khoa đột ngột suy yếu, vô tình phạm phải những sai lầm hoặc bộc lộ chiến thuật non kém nên đã lần lượt bị loại. Trong khi đó, sự thăng hoa của FEE 02 đã giúp họ có những chiến thắng cách biệt để rồi băng băng về đích trước sự ngỡ ngàng của đối thủ.
Bật mí cho những thành công trên, đội trưởng của FEE 02 - Phạm Văn Chiến - phân tích: “FEE 02 đã biết mình biết người, tỉ mỉ phân tích điểm yếu, điểm mạnh của từng đối thủ để đề ra chiến thuật cho phù hợp. Chúng tôi đã phần nào áp dụng kiểu đánh Pressing trong bóng đá vào sân chơi trí tuệ này”.
Pressing là chiến thuật bao phủ, tấn công tổng lực toàn diện phổ biến trong bóng đá và nay nó được bộc lộ rõ nét trong chiến thuật của FEE 02 tại vòng chung kết Robocon 2008.

Những nhà tân vô địch (từ trái qua): Nguyễn Văn Tùng, Lê Xuân Thái, Phạm Văn Chiến, Nguyễn Văn Phương(Ảnh: Đức Chính)

Ở sân chơi mà con người kết hợp với những tính năng của điện tử như robocon thì đó là tổng hợp của khả năng thông minh, nhanh nhạy của robot tự động và lối ứng biến theo nhịp điều khiển của robot bằng tay tạo nên những trận đấu Pressing toàn cục.
Tại trận chung kết, sau khi robot tự động của FEE 02 định vị, nó đã khoá chặt robot tự động của Ngũ Hành Sơn, để đối thủ này không thể nối ghép được với robot điều khiển bằng tay tiến tới cô bé (Gopies) trung tâm gắp khối bơ vàng.
Tử huyệt của đội Ngũ Hành Sơn đã bị điểm trúng, robot điều khiển bằng tay của FEE 02 rảnh rang tiến đến nối ghép với robot tự động của đội mình để ăn khối bơ vàng. Trong khi con robot tự động còn lại của FEE 02 vẫn ngậm khối bơ trắng, 18 điểm trong tay chỉ bằng một nét chấm phá của chiến thuật phủ đầu đối thủ.

ROBOCON, viết ghép của tiếng Anh ROBOt CONtest (Cuộc thi Robot), là tên cuộc thi chế tạo robot dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng khối kĩ thuật của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á -Thái Bình Dương (Asia-Pacific Broadcasting Union, viết tắt là ABU) tổ chức hằng năm.
Robocon là cuộc thi được khởi xướng tại Nhật Bản. Thành viên tại mỗi nước được cử một đội là sinh viên của một trường đại học hay cao đẳng tham dự (ngoại trừ nước đăng cai tổ chức được cử hai đội).
Trong đa số trường hợp, đội tham dự ABU Robocon được tuyển ra từ vòng thi trong nước do đài truyền hình thành viên tổ chức với cùng chủ đề.
Là cuộc thi truyền hình có yếu tố kỹ thuật và tính đối kháng cao, Robocon có được sự quan tâm rất lớn của mọi thành phần trong xã hội.
Robot điều khiển bằng tay vẫn miệt mài làm việc bổ trợ cho robot tự động nhưng yếu tố dẫn đến chiến thắng là sự kết hợp hài hoà giữa robot tự động và điều khiển bằng tay.
Nhiều đối thủ của FEE 02 không làm được điều này. Họ chỉ ăn điểm được từ một khối bơ trắng và chậu đất (Matka) cõng pho mát (Paneer). Trong khi xác xuất rủi ro rất cao vì khối bơ trắng và chậu đất cõng nho có thể bị cướp bất cứ lúc nào. Đây là điểm mới trong luật lệ robocon năm nay.
Ăn bơ vàng được 12 điểm, bơ trắng được 6 điểm, Đội nào nhấc được tất cả 3 khối bơ trực tiếp từ các chậu và giữ chúng trên không sẽ được tuyên bố thắng trận (Govinda) và trận đấu kết thúc. Chính “điểm huyệt” này mà FEE 02 đã có 2 chiến thắng Govinda từ vòng ngoài. Những trận thắng như chẻ tre tại tứ kết, bán kết, đặc biệt là trong trận chung kết, đã chứng minh cho chiến thuật Pressing của FEE 02 hoàn toàn đúng đắn.
Lo lắng trước cuộc thi tầm châu lục sắp tới, Tùng - cựu binh chinh chiến mùa giải trước, tâm sự: “
Ngoài việc mổ băng ghi hình các trận đấu cuộc thi năm nay thì chúng tôi không có tư liệu gì cho đấu trường sắp tới. Biết đâu đấy trong những khán giả ngồi trên khán đài tối hôm chung kết có tai mắt của các đối thủ đang chờ đón chúng tôi ở Ấn Độ. Còn ta thì chỉ biết nhìn mình mà lo cho mình”.
Lúc ấy dù muốn hay không thì không có gì có thể ngăn cản họ đọc hết miếng đánh của ta. Để trở thành một nhà vô địch thì cần hội đủ các yếu tố quan trọng sau: Kỹ thuật - Chiến thuật - Bản lĩnh thi đấu - May mắn. Khi chiến thuật bị bắt chẹt thì khối liên hoàn của tứ trụ bị lung lay.
“Chúng tôi hy vọng các mùa giải sau sẽ có những chuyên gia thực thụ đi khảo sát các đối thủ để có cái nhìn đúng đắn nhất trước khi “đem chuông đi đánh xứ người” bởi trong thi đấu Robocon không có khoảng thời gian chết để thăm dò đối thủ như trong bóng đá”, Tùng nói.
Trở thành nhà vô địch đâu có sướnĐó là tâm sự rất thật của một thành viên trong đội FEE 02. Nghĩ lại chặng đường đã qua, họ đã phải hy sinh nhiều thứ để có được vinh quang như ngày hôm nay.
Hiện tại, bốn chàng trai đội FEE 02 đang có những ngày nghỉ dưỡng sức trước khi bước vào chặng đường chinh phục Robocon 2008 tại Ấn Độ.Ai ai trong tuổi sinh viên cũng muốn điểm số của mình cao và ổn định nhưng với tứ hùng FEE 02 đó là chuyện đau đầu.

                                 Phạm Văn Chiến kiểm tra robot trong kho (Ảnh: Đức Chính)

Trước khi thi toàn quốc, kỳ thi học phần ập đến, gác lại tất cả để tập trung cho robocon, thế là điểm học phần kỳ này của họ lại chỉ ở mức trung bình.
Chưa kể đến việc có những người của các đội khác theo Robocon đến năm thứ 3, năm thứ 4, chấp nhận chậm việc học lại vài năm vì Robocon.
Để duy trì một đội Robocon trung bình mất khoảng từ 3 đến 6 tháng, đó là thời gian SV “hành xác” trong những xưởng cơ khí, bỏ bê học hành và tất cả những mối quan tâm khác. Nhưng cái nghiệp nó ngấm vào thân, mê tít ốc vít với lò xo... bốn chàng trai đã gạt mọi mối ưu tư để ngày đêm mày mò chế tác cơ khí cho những con robot thân yêu.
Có được những ngày tháng ngọt ngào này, các chiến binh của FEE 02 đã là “thợ cơ khí nhí” từ những năm học trường làng. Cả bốn sinh viên đều có bố mẹ hoặc anh em họ hàng làm đồ cơ khí và điện tử.
Chính những năm tháng nghịch ngợm ấy đã nuôi mộng giấc mơ Robocon để rồi cùng nhau bắt những con ốc đầu tiên vào tháng 11/2007, sau 4 tháng mày mò bản vẽ, lập trình, những con robot lần lượt ra đời.
»»  Đọc tiếp

21 tháng 4, 2010

Hoạt động từ thiện của "Quĩ Giải thưởng Phạm Thận Duật"

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 4 21, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

GIỚI THIỆU CÁC HOẠT ĐỘNG
CỦA QUỸ GIẢI THƯỞNG PHẠM THẬN DUẬT
Website : www.giaithuongphamthanduat.vn

Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật của hậu duệ dòng họ Phạm Nhàn Ngu (Yên Mô thwng, Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình, được thành lập từ năm 2000, hoạt động trên ba lĩnh vực :
1. Phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hằng năm tổ chức xét và trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật do Quỹ Phạm Thận Duật tài trợ giành cho các tiến sĩ sử học có luận án xuất sắc nhất đã qua chọn lựa từ các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước trong toàn quốc.
2. Cung cấp học bổng và giải thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó, các học sinh được giải học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện.
3. Hoạt động trong lĩnh vực từ thiện xã hội như cứu trợ bão lũ thiên tai, xây nhà tình nghĩa, nuôi dưỡng người già cô đơn, tàn tật, tổ chức các chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho đồng bào nghèo và gia đình chính sách…
Xin giới thiệu một số chương trình của Quỹ đã thực hiện :
1. Mười năm liền, bắt đầu từ năm 2000, Qũy Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã phối hợp cùng với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức xét thưởng và trao 49 Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho các tiến sĩ sử học đã bảo vệ xuất sắc tại các Hôi đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước (từ 2000 đến nay).
2. Thông qua Hội Phụ nữ Phường Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Quỹ đã tài trợ nuôi dưỡng cho 2 học sinh nghèo tàn tật trong nhiều năm liền (từ năm 2002)

3. Kết hợp với Hội đồng Thi đua và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình tổ chức trao Giải thưởng và học bổng cho các em học sinh đoạt Giải Nhất các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Giải Nhất, Nhì, Ba các môn học trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia và các kỳ thi Olympic Quốc tế của các trường THPT và THCS trong huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, quê hương của danh nhân Phạm Thận Duật (năm 2003)
4. Thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Báo Lao động, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật gửi tặng quà gồm sách cho các thư viện tỉnh và vở học sinh cho các em học sinh nghèo ở các tỉnh bị bão lụt. (năm 2003) trị giá trên 100 triệu đồng.
5. Trao giải thưởng và học bổng cho các em học sinh giỏi đạt Huy chương vàng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và các học sinh xuất sắc của từng khối lớp của Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình (từ năm 2007)

6. Trao tặng sách thiếu nhi cho Thư viện và trao thưởng cho học sinh giỏi Trường Tiểu học Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Hà Nội (2009)
7. Góp phần tài trợ cùng với Hội Sự nghiệp Từ Thiện Minh Đức xây dựng một ngôi nhà Hiền đức (nhà tình nghĩa) cho người nghèo và một cây cầu bê tông cho một xã thuôc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng (2008-2009)
8. Phối hợp với các bác sĩ, điều dưỡng viên của Hội Tấm lòng Nhân ái, Quỹ đã tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho 274 đồng bào nghèo và gia đình liệt sĩ ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ngày 6.9.2009.

9. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình phát quà Trung thu cho các bệnh nhân ung thư ở Cơ sở 2 Bệnh viện K Hà Nội ngày 1.10.2010.
10. Tổ chức Chương trình và góp phần tài trợ cho Chương trình cứu trợ đồng bào bị bão lụt ở hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị hơn 100 triệu đồng do cơn bão số 9 gây ra ở các tỉnh miền Trung ngày 8 và 9 tháng 10 năm 2009
11. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 300 đồng bào nghèo và các gia đình chính sách ở xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương ngày 25.10.2009
12. Tổ chức và tài trợ cho Chương trình Khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho 406 đồng bào nghèo ở xã Liên Hoa, huyện Kim Thành, Hải Dương ngày 15. 11.2009 và góp phần tham gia tài trợ cho các ở một số xã của các địa phương khác trong đó có Hải Phòng, Hưng Yên v.v...

13. Chương trình xây nhà tình nghĩa cho bà Phạm Thị Đam ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình với một căn nhà rộng 30m2 trong tháng 11 năm 2009.
14. Chương trình khám mắt và tặng quà cho 348 đồng bào nghèo ở hai xã Yên Mạc và Yên Thái thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ngày 11.12.2009 để lựa chọn những trường hợp phải mổ mắt thay thủy tinh thể Phạm Thị Đam ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

15. Tổ chức và phối hợp với tổ chức Từ thiện Hope Today, tài trợ cho Chương trình mổ mắt thay thủy tinh thể cho 81 đồng bào nghèo ở 2 huyện Yên Mô và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngày 19 và 20.12.2010.
16.Chương trình tài trợ mổ mắt em Lê Huỳnh Đức, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái bình bị tai nạn thủng mắt vào tháng 01 năm 2010.

       Chương trình mổ mắt thay thủy tinh thể cho  đồng bào                        Tài trợ cho em Lê Huỳnh Đức mổ mắt do tai nạn và tặng
     đồng bào nghèo 2 huyện Yên Mô và Nho Quan Ninh Bình                           quà Tết ở xã Minh Hòa, Hưng Hòa Thái Bình     

17. Chương trình tặng quà tết Canh Dần cho 36 đồng bào nghèo ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày 10.01.2010.
18. Chương trình tặng quà tết Canh Dần cho các cháu tàn tật ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Nam Định ngày 15.01.2010.
19. Chương trình tặng quà tết cho 200 cụ già mù ở Hội Người Mù huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định ngày 22.01.2010.
20. Chương trình tặng quà xuân Canh Dần cho đồng bào nghèo thôn Thuận An, xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (gửi qua Hội Từ Thiện Minh Đức) ngày 03.02.2010.

21. Chương trình tặng quà tết cho nạn nhân chất độc da cam ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang ngày 07.02.2010.
22. Chương trình tặng 100 bộ kính mắt cho đồng bào nghèo thành phố Yên Bái (nằm trong chương trình Khám bệnh phát thuốc tặng quà của Hội Từ thiện Minh Đức tại thành phố Yên Bái) ngày 6 và 7.03.2010.
23. Chương trình tặng 100 chăn nỉ xuất khẩu cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số ở 2 trường Tiểu học bán trú của 2 xã Lao Xả Phình và Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ngày 8.03.2010.

»»  Đọc tiếp

19 tháng 4, 2010

Thư ngỏ của Ban quản lý dự án Phục hòi và tôn tạo lăng mộ Danh tướng Phạm Bạch Hổ

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 4 19, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

THƯ NGỎ
của Ban quản lý Dự án Phục hồi và tôn tạo Lăng mộ
Danh tướng Phạm Bạch Hổ
t/p Hưng Yên

Hưng yên, ngày 15 tháng 4 năm 2010

Kính gửi : các Ban Liên lạc & Hội đồng Gia tộc họ Phạm các địa phương,
và toàn thể bà con cô bác các dòng họ Phạm Việt Nam.

Tướng quân Phạm Bạch Hổ (910 - 972) là một thuỷ tổ của họ Phạm Việt Nam thuộc thế kỷ thứ X, phát tích tại Đằng Châu, Hưng Yên. Ngài là một trong những vị khai quốc công thần của hai triều đại Ngô – Đinh., đã được nhiều triều đại sắc phong ghi nhận công đức.
Đến Mây là Đền thờ nổi tiếng nhất về Ngài có từ thế kỷ thứ X tại Đằng Châu, nay thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử -văn hoá quốc gia. Năm 2008 HĐND và UBND tỉnh Hưng Yên đã đầu tư tu bổ và tôn tạo khu Di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng này.
Tuy nhiên Khu lăng mộ của Ngài ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, do những biến cố lịch sử và thời tiết khắc nghiệt, đến nay không còn nữa . Di tích về Mộ của Ngài hiện nay chỉ còn là một nấm đất lớn bên đê mà bao thế hệ con cháu của Người cũng như người dân địa phương thường đến đây bái vọng.
Năm 2008, nhân có cuộc họp mặt họ Phạm toàn tỉnh Hưng Yên tại Đền Mây, các đại biểu bà con cô bác họ Phạm trong toàn tỉnh đã có kiến nghị với HĐND & UBND tỉnh Hưng Yên, với UBND thành phố Hưng Yên, cho phép được khôi phục khu Lăng mộ của Tướng quân Phạm Bạch Hổ tại Ngọc Đồng , Kim Động, Hưng Yên.
Ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Hưng Yên, UBND phường Lam Sơn và Ban quản lý di tích Đền Mây đã họp và thống nhất ý kiến là thành lập Ban quản lý Dự án Khôi phục và tôn tạo khu Lăng mộ Tướng quân Phạm Bạch Hổ để sẽ từng bước thực hiện nguyện vọng lâu nay của nhân dân trong tỉnh là sớm xây dựng lại Khu lăng mộ Tướng quân Phạm Bạch Hổ tại Ngọc Đồng. Hội nghị cũng đã thống nhất ý kiến là sẽ kêu gọi bách gia trăm họ cùng các hậu duệ của Tướng quân Phạm Bạch Hổ phát tâm công đức, đóng tịnh tài , tịnh vật để cùng nhau xây dựng lại Khu lăng mộ này làm nơi tưởng niệm cho con cháu muôn đời sau, tương xứng với công lao to lớn của Ngài với nước, với dân.
Hôm nay, Ban quản lý Dự án Khôi phục và tôn tạo Lămg mộ Danh tướng Phạm Bạch Hổ t/p Hưng Yên trân trong báo cáo Quý vị biết và kêu gọi tấm lòng vàng phát tâm công đức của Quý vị.
Mọi đóng góp tịnh tài, tịnh vật của Quý vị, xin gửi về Ban quản lý Dự án Khôi phục và tôn tạo Lămg mộ Danh tướng Phạm Bạch Hổ t/p Hưng Yên theo địa chỉ và tài khoản sau đây:
Ông Phạm Quang Quýnh – Trường BLL họ Phạm thành phố Hưng Yên . Thôn Kim Đằng , f. Lam Sơn, t/p Hưng Yên. Điện thoại : 84. 0321 3540042, Di Động: 01685104806. Số tài khoản : 465-10-00-00-5360_4 tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (Chi nhánh Hưng Yên, Phòng giao dịch Phố Hiến , số 80 Bãi Sậy, t/p Hưng Yên).
Xin trân trọng cám ơn

UBND F. Lam Sơn         TM. Ban quản lý Đền Mây         TM. BLL họ Phạm
thành phố Hưng Yên            tỉnh Hưng Yên tỉnh                     tỉnh Hưng Yên
      Chủ tịch                                                              Phó trưởng ban thường trực, kiêm
                                                                                Trưởng BLL họ Phạm t/p Hưng Yên
   Bùi Văn Bình                      Lê Văn Duyên                        Phạm Quang Quýnh
84.0321 3540030                84. 0321 3545050                   84. 0321 3540042
»»  Đọc tiếp

14 tháng 4, 2010

Thư Bạn đọc

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 4 14, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời Ban biên tập
Hiện nay có rất nhiều bạn đọc gửi thư đến trang web muốn tìm tông tích dòng họ mình hoặc phát biểu cảm tưởng khi truy cập vào trang web của dòng họ. Từ nay chúng tôi sẽ chọn đưa lên một số thư đó để mong sự giúp đỡ của bà con khi biết những thông tin liên quan để những điều mà người gửi yêu cầu. Đồng thời thấy được ảnh hưởng của trang web tới cộng đồng những người họ Phạm

Lần này chúng tôi xin đăng thư của bạn Phạm Hồng Binh ở Hưng Yên. Nội dung cụ thể như sau:

Cháu là Phạm Hồng Binh là con cháu dòng họ Phạm Đỗ. đời bố cháu và ông cháu đều là họ Phạm Đỗ. hôm nay cháu vào trang web này cháu thấy vô cùng tự hào về dòng họ của mình. Cháu biết Họ Phạm là dòng họ lâu đời và giàu truyền thống nhất Viêt Nam.

Địa chỉ của bạn Phạm Hồng Binh: Hưng đạo, Tiên Lữ, Hưng yên.
Điện thoại: 01656078396 Email: prophb@gmail.com
»»  Đọc tiếp

7 tháng 4, 2010

Màu cờ họ Phạm trên đảo Lý Sơn

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 4 07, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Màu cờ họ Phạm trên đảo Lý Sơn
Phạm Hữu Thanh Tùng

Vừa vào đến Quảng Ngãi người đầu tiên chúng tôi dự định diện kiến là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch, người có 20 năm gắn bó với đảo Lý Sơn. Duyên kỳ ngộ, Nguyễn Đăng Vũ đang đi cơ sở nhưng sáng mai cũng sẽ ra Lý Sơn. Vậy là cùng chuyến tàu ra đảo, anh cho xe đón đoàn đại biểu Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam cùng về cửa Sa Kỳ.

Trên bản đồ địa lý Việt Nam Sa Kỳ nhô ra biển Đông khá xa, nằm ở kinh độ gần Hoàng Sa nhất. Cũng rất gần thương cảng Hội An cho nên ngày trước hải sản quý hiếm như đồi mồi, hải sâm, ốc tai tượng... khai thác được ở Cù Lao Ré rất dễ tiêu thụ. Ngư dân ở đây giỏi nghề đi biển, thông thạo luồng tuyến. Tài nguyên vô tận ở quần đảo Hoàng Sa đã có sức hấp dẫn, thu hút họ từ thuở mới vào đây lập nghiệp. Vì thế biên chế của đội Hoàng Sa chủ yếu được tuyển chọn ở đây, và Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) được các chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn chọn làm điểm xuất phát của đội Hoàng Sa là hợp lý nhất.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Đại Việt kể từ khi người Việt định cư ở phủ Tư Nghĩa, nay là tỉnh Quảng Ngãi. Dưới thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa trực thuộc quản lý hành chính của Thừa tuyên Quảng Nam - dưới danh nghĩa nhà Lê; về sau thuộc phủ Quảng Nghĩa. Đầu thế kỷ XVII các bậc tiền hiền hai xã An Vĩnh và An Hải, ở phía bắc cửa Sa Kỳ, đưa dân di cư ra Cù Lao Ré khai canh hai phường An Vĩnh và An Hải. Đến đầu triều Nguyễn, năm Gia Long thứ 3 (1804), khi dân số phát triển hai phường trên Cù Lao Ré được trở thành hai đơn vị hành chính độc lập. Trong gần ba thế kỷ, hòn đảo nhỏ giữa đại dương đã liên tục dâng hiến trai tráng của mình cho các suất đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lớp lớp người đi không về, trong đó có rất nhiều dân binh họ Phạm.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi vừa lên bờ là đình làng An Vĩnh, nơi thờ tiền hiền lục tộc khai phá xây dựng làng xã, trong đó có họ Phạm Văn và họ Phạm Quang. Đình An Vĩnh cũng là nơi từng diễn ra nhiều lễ tế sống tiễn đưa thuỷ binh hải đội Hoàng Sa ra biển làm nhiệm vụ. Đình làng trở thành phế tích trong chiến tranh vừa mới được cơ quan bảo tảng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi tái thiết đồng thời với đình làng An Hải. Trước buổi làm việc giữa đoàn công tác của Sở VHTT-DL Quảng Ngãi với chính quyền huyện Lý Sơn chuẩn bị cho lễ khánh thành các công trình: Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải; nhà bảo tàng đội Hoàng Sa; đình làng An Vĩnh và An Hải, BLL Họ Phạm Việt Nam đã dâng lễ các bậc tiền hiền và tặng quà cho Ban quản lý đình làng, tặng quà cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ. Món quà là một kỷ vật, biểu tượng của họ Phạm Việt Nam được in trên đĩa gốm, do chính con cháu các chi họ Phạm làng nghề gốm cổ Bát Tràng thực hiện.
Được biết, lễ khánh thành các công trình nói trên sẽ tổ chức vào ngày 16-3 âm lịch sắp tới, gắn với lễ khao lề thế lính Hoàng Sa qui mô lớn do ngành VHTT-DL phối hợp với chính quyền địa phương và các tộc họ trên đảo tổ chức. Đây cũng là một bước chuẩn bị các điều kiện để tiến tới tổ chức festival biển qui mô cấp quốc gia vào năm 2012. Dự kiến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ là điểm nhấn để xâu chuỗi các lễ hội văn hoá - thể thao truyền thống của cư dân biển đảo.

Sau khi dâng lễ ở đình làng An Vĩnh đoàn đại biểu BLL Họ Phạm Việt Nam đã đến dâng lễ và thượng cờ ở nhà thờ Phạm Văn. Lần đầu tiên lá cờ Họ Phạm Việt Nam cỡ 2.5 x 2.2 mét tung bay trên đỉnh cột cờ cao 10 mét ở trước một nhà thờ họ Phạm có chiều dày lịch sử gần 4 thế kỷ.

Dự lễ khao lề tế lính Hoàng Sa 

Đó là một di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích Âm Linh tự, nơi thờ vong hồn những liệt sĩ Hoàng Sa, nơi lập đài chiến sĩ trận vong.
Sự gian khổ, hiểm nguy và nhiều rủi ro trong các chuyến đi của hải đội Hoàng Sa ngày trước hiện nay vẫn còn lưu truyền trong những câu ca vừa hãi hùng vừa hào hùng:  

Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về;

hay như:

Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn 
Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây. 

Gian khổ, hiểm nguy nhưng họ không hề từ nan. “Từ độ mang gươm đi mở nước” người dân Cù Lao Ré đã rất có ý thức về nghĩa vụ của mình đối với sứ mạng thiêng liêng: Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi. Vì thế ký ức đối với những người trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã phải bỏ xác ở vùng lãnh hải xa xôi nhất của Tổ quốc giờ đây trở thành một niềm tự hào được nhiều thế hệ, nhiều dòng họ tôn vinh.

Ngày trước tại Âm linh tự biết bao lần đã diễn ra lễ tế sống thuỷ binh hải đội Hoàng Sa trước mỗi chuyến đi, nghi lễ dành cho những cảm tử quân trên biển trước ngày họ nhổ neo ra khơi. Nghi lễ ấy đời đời tiếp nối. Về sau, Âm linh tự còn được phối thờ tiền hiền các tộc họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Võ Xuân, Lê, Nguyễn - những tộc họ có công khai phá, xây dựng đảo Lý Sơn và vong hồn những ngư dân đã bỏ mình trên biển. Trên đảo Lý Sơn còn có rất nhiều di tích khác liên quan đến những chiến tích của đội Hoàng Sa như miếu thờ và mộ chiêu hồn cai đội Phạm Quang Ảnh, người chỉ huy Đội Hoàng Sa từng được sắc phong Thượng đẳng thần; mộ chiêu hồn Chánh đội Phạm Hữu Nhật. Tên của hai ông đã được đặt tên cho hai hòn đảo ở Hoàng Sa, nơi họ đã phụng chỉ triều đình ra dựng bia chủ quyền của Việt Nam.

Đoàn đại biểu BLL Họ Phạm Việt Nam dâng hương mộ chiêu hồn cai đội Phạm Quang Ảnh và đồng đội
Lễ khao lề thế lính hết sức trang nghiêm, con cháu các tộc họ trên đảo đều tham dự, vì tộc họ nào cũng có những người con ưu tú đầu quân vào hải đội Hoàng Sa. Họ đã hi sinh vì Hoàng Sa, hi sinh để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày nay vẫn giữ nghi thức kính cẩn như xưa. Có những linh vị ghi tên tuổi những người lính trong tộc họ đã hi sinh. Lễ tất, các linh vị này đều được đốt hết và thả tro tàn xuống biển như người lính năm xưa đã bỏ xác thân giữa đại dương. Có những con thuyền giấy được thả xuống biển. Trên thuyền có các hình nhân tượng trưng cho người lính; có gạo, muối, thực phẩm, rượu, nước, củi lửa, quân trang, quân dụng của thuỷ binh Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ nhiều tháng trời trên biển đảo.

Chiếc thuyền giấy được thả xuống biển để tưởng nhớ những người ra đi mãi mãi không về..

Những nấm mộ gió dài hơn 10 mét ở bên cạnh nhà thờ Phạm Quang là nơi cư ngụ của 10 vong hồn thuỷ binh Hoàng Sa hi sinh trên biển cả. Người chỉ huy của họ là Phạm Quang Ảnh. Năm 1815, tháng giêng, vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa xem xét, đo đạc thủy trình. Chuyến đi này cả hải đội của họ không một ai trở về. Con cháu họ Phạm Quang đã đắp nấm mộ chiêu hồn cho cai đội Phạm Quang Ảnh cùng những người lính dưới quyền. Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần để hộ vệ cho những người làm nhiệm vụ và mưu sinh trên biển. Một hòn đảo lớn thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm ở Hoàng Sa được đặt tên Quang Ảnh để ghi nhớ người phụng chỉ đến đây khẳng định chủ quyền.

Ngoài cai đội Phạm Quang Ảnh, các tộc họ Phạm ở Lý Sơn còn có nhiều người lần lượt tham gia các hải đội Hoàng Sa. Nhiều tư liệu lịch sử, tộc phả có ghi danh những người con ưu tú khác mang họ Phạm như: Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Nguyên... Phạm Văn Nguyên theo lệnh vua Minh Mạng, vào năm thứ 16 (1835) chở vật liệu ra xây dựng một ngôi miếu chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. Quanh miếu, họ còn gieo hạt cây mang theo từ đất liền để đem lại sinh khí cho đảo và làm dấu hiệu cho tàu thuyền bị nạn biết chỗ vào tránh.

Mộ (chiêu hồn) chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật đã được cải táng lần thứ ba để về nằm bên cạnh ngôi tổ họ Phạm Văn ở trên một ngọn đồi hướng ra biển Đông. Trong ký ức truyền đời Phạm Hữu Nhật mãi mãi là một anh hùng. Phạm Hữu Nhật vinh dự được phụng chỉ vua Minh Mạng ra khẳng định chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa. Đại Nam thực lục chính biên chép: Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo mười bài gỗ làm dấu mốc. Mặt bài khắc chữ: Năm Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh ra Hoàng Sa, xem xét, đo đạc, đến đây lưu dấu để ghi nhớ...

Phạm Hữu Nhật đã chỉ huy 5-6 chiếc thuyền ra biển Đông. Mỗi thuyền chở khoảng mười người với mười tấm bài gỗ và mang theo lương thực đủ ăn sáu tháng, đi suốt ba ngày ba đêm thì tới Hoàng Sa. Họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên đảo và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật, rồi mới về tấu trình hoàn thành nhiệm vụ. Chuyến đi cuối cùng của ông vào năm 1854. Ônn đã mãi mãi không trở về, người xưa đã chiêu hồn luyện cốt, an táng ông. Tên ông được đặt cho một hòn đảo lớn nằm ở phía nam quần đảo Hoàng Sa - đảo Hữu Nhật.

Ông Phạm Thoại Tuyền, một hậu duệ của Phạm Hữu Nhật cho biết: Tình cờ ông phát hiện tông tích Phạm Hữu Nhật trong chuyến sưu tầm tài liệu để viết hồ sơ di tích đình Bà Roi, phúc thần của cù lao Ré. Các phổ hệ, sắc phong, linh vị... trong nhà thờ của hậu duệ Phạm Văn Đoàn đã nói đến một số người trong tộc họ sung hải đội Hoàng Sa không về như Phạm Văn Sanh, Phạm Văn Nhiên, Phạm Văn Triều... Phạm Văn Triều là thế hệ thứ tư của họ Phạm Văn Lý Sơn. Phạm Văn Triều là tên húy của Phạm Hữu Nhật. Mộ của anh hùng Phạm Hữu Nhật được Tiến sĩ Nguyễn Nhã và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ dựng bia

Ra Lý Sơn, được lãnh đạo huyện bố trí ở nhà khách nhưng đoàn chúng tôi đi việc họ, theo lời mời của họ Phạm Văn, nên đã về nghỉ lại trong nhà ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của Phạm Hữu Nhật. Ông Tuyền dẫn chúng tôi đi dâng lễ các nhà thờ họ Phạm, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Phạm Hữu Nhật, thăm mộ tiền nhân, mộ chiêu hồn những thuỷ binh Hoàng Sa. Ông Phạm Thoại Tuyền như một hướng dẫn viên xuất sắc nhất của huyện đảo Lý Sơn trên nhiều phương diện. Bộ sưu tập tư liệu về địa chí Lý Sơn, lịch sử Hoàng Sa và đội Hoàng Sa của ông mỗi ngày mỗi dày thêm. Ông được người đương thời phong tặng danh hiệu Người giữ sử giữa biển xanh.

Lý Sơn 3-4-2010
Huế 6-4-2010

Sau đây là một số ảnh về hoạt động của Đoàn


>> Mời các bạn xem thêm bài:
Họ Phạm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa
»»  Đọc tiếp

3 tháng 4, 2010

Thông báo kết quả cuộc họp đầu xuân của BLL họ Phạm Hà Nội

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 4 03, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments


THÔNG BÁO NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ
CUỘC HỌP BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM THÀNH PHỐ HÀ NỘI
NHÂN DỊP ĐẦU XUÂN CANH DẦN 2010

Ngày 27/3/2010 (tức ngày 12 tháng 2 năm âm lịch) Cuộc họp toàn thể Ban liên lạc Họ Phạm Hà Nội đã được tiến hành tại địa điểm: Nhà văn hóa cụm số 8 Phường Trung Liệt (ngách 50, Ngõ 178 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội). Cùng dự có Đại biểu Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam: Ông Phạm Vũ Quất, P.Trưởng ban Thường trực; ông Phạm Cầu, P.Trưởng ban; ông Phạm Đình Điểu, Tổng thư ký Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam. Cuộc họp đã thống nhất các nội dung sau đây:
I. Về việc củng cố Bàn kiện toàn Ban liên lạc:
1. Kiểm tra danh sách các thành viên Ban liên lạc không có điều kiện tham gia (nghỉ quá 3 lần không có lý do, hoặc có ý kiến xin thôi không tham gia). Có thể cho rút khỏi danh sách Ban liên lạc.
Ban liên lạc kỳ họp này chủ trương điều chỉnh bổ sung các thành viên vào Ban liên lạc, sao cho có tỷ lệ các thành viên có ở đầy đủ đại diện ở các Quận, huyện, một số thành viên Ban liên lạc đương chức tại 1 số cơ quan quản lý nhà nước; lãnh đạo 1 số doanh nghiệp có tâm huyết và có điều kiện hoạt động, để phát huy mọi thế mạnh của các dòng họ Phạm tại các Quận, huyện; nhất là tại các Quận trung tâm nội thành Hà Nội, tăng cường lực lượng trẻ.
Ban liên lạc giao cho thường trực Ban liên lạc xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể, báo cáo kết quả tại cuộc họp toàn thể Ban liên lạc gần nhất.
2. Bổ sung thêm một số thành viên mới kể từ ngày 27/3/2010, tham gia là ủy viên Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội.
- Ông Phạm Duy Tuấn Trưởng Ban liên lạc họ Phạm Quận Đống Đa
- Ông Phạm Vũ Tân Phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
- Ông Phạm Hồng Anh PGS.TS Nguyên Giảng viên Trường ĐHNN Hà Nội
Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội
- Ông Phạm Đức Hòa Phố Minh Khai, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
- Ông Phạm Ngọc Liệu Họa sĩ quân đội
- Cháu Phạm Văn Chiến Trung tâm thông tin, Viện y học và VSLĐ Bộ Y tế
- Bổ sung thêm 2 ủy viên thường trực mới là:
+ Ông Phạm Duy Tuấn
+ Ông Phạm Vũ Tân
3. Kiện toàn, bổ sung thành viên cho các Ban chuyên trách
- Thành lập thêm 01 Ban chuyên trách là: Ban kiểm soát, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các hoạt động (trong đó có hoạt động thu chi tài chính); tư vấn đề xuất ý kiến với thường trực Ban liên lạc để chỉ đạo bổ khuyết kịp thời.
- Giao cho Thường trực Ban liê lạc quyết định lựa chọn nhân sự bổ sung kiện toàn danh sách các Ban chuyên trách (có tiếp thu ý kiến góp ý tham gia của các ủy viên Ban liên lạc).
4. Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội sẽ có “tâm thư” gửi các ông bà họ Phạm, đang làm việc công tác tại các cơ quan và các doanh nghiệp ở Hà Nội, để vận động tham gia vào Ban liên lạc hoặc tham gia các hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội. Chú ý đến các Quận, huyện chưa có thành viên trong Ban liên lạc.
II. Đánh giá hoạt động của Ban liên lạc trong năm 2009
1. Sơ bộ đánh giá nhận xét hoạt động năm 2009 như sau:
a. Làm được :
- Đã thông qua và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban LL họ Phạm Hà Nội (ngày 18/6/2009).
- Đã thành lập Ban liên lạc họ Phạm Quận Đống Đa và tại 1 số Phường, đang xúc tiến tại 1 số Quận khác.
- Đã thông qua các hoạt đông kết nối dòng họ để mở rộng quan hệ với các dòng họ Phạm trên địa bàn Hà Nội và ở một số tỉnh Thành phố khác.
- Đã vận động nhiều bà con dòng họ Phạm tham dự ngày giỗ Thượng Thủy Tổ Phạm Tu (ngày 20/7/2009 âm lịch) và tham dự ngày động thổ công trình tôn tạo nâng cấp Đền thờ cụ Phạm Tu.
- Thường trực Ban liên lạc đã họp định kỳ và bất thường 1 số cuộc họp để chỉ đạo giải quyết kịp thời những yêu cầu phát sinh cho phù hợp với thực tế yêu cầu.
* Chưa đáp ứng yêu cầu:
- Việc triển khai thành lâp Ban liên lạc tại các Quận, huyện thực hiện chậm, do có nhiều khó khăn, không đơn giản (cần thảo luận rút kinh nghiệm để khắc phục, làm tốt hơn trong 2010).
- Năng lực hoạt động các Ban chuyên trách của Ban liên lạc cần được bổ sung điều chỉnh, tăng cường năng lực và thành phần đa dạng hơn.
- Kết quả hoạt động vận động tài trợ bị hạn chế, không dễ dàng, không đơn giản; có nguyên do về tâm lý là nhà tài trợ muốn đóng góp tài trợ công đức có mục tiêu cụ thể. Nếu tài trợ để gây quỹ cho Ban liên lạc thì không được nhiều; có lẽ nên vận động tài trợ có mục tiêu, dự án cụ thể.
- Hoạt động hành hương khánh tiết cần tích cực, chủ động hơn và cần có thêm các thành viên Ban Liên lạc tham gia để chia sẻ gánh vác công việc này.
- Năm 2009 chưa có điều kiện tổ chức các hoạt động khuyến học khuyến tài. Tuy nhiên đây là một nội dung có thể vận động tài trợ được.
c. Ban tài chính báo cáo thu chi năm 2009. Giao cho Thường trực Ban liên lạc ký xác nhận kết quả thu chi 2009
III. Định hướng kế hoạch hoạt động trong năm 2010
1. Các Đại biểu đã thảo luận về kế hoạch phương hướng 2010 và yêu cầu từng Ban chuyên trách có báo cáo bằng văn bản gửi tới Thường trực Ban liện lạc trước ngày 30/4/2010.
Riêng năm 2010 quy định mỗi thành viên Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội đóng góp cho quỹ hoạt động tối thiểu 100.000đ (Một trăm nghìn đồng)/năm. Khuyến khích vinh danh những người đóng góp nhiều hơn.
2. Ban liên lạc thống nhất chủ trương chuẩn bị về nội dung, điều kiện để chính thức thành lập ra mắt trang thông tin Điện tử của Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội vào đầu tháng 5/2010.
Ông Phạm Quang Nhuệ, Phó Ban Liên lạc Họ Phạm Hà Nội, trực tiếp kiêm Tổng biên tập trang thông tin điện tử họ Phạm Thành phố Hà Nội.
Trước mắt bổ sung ông Phạm Vũ Tân và cháu Phạm Văn Chiếm tham gia Ban biên tập trang tin điện tử họ Phạm Thành phố Hà Nội. Ông Phạm Quang Nhuệ sẽ huy động thêm nhân lực cần thiết để duy trì hoạt động trang web.
Đồng ý để Ban Tài chính và vận động tài trợ chi 50% tiền thuê thiết kế, tên miền trang chủ, máy chủ. Số còn lại được hỗ trợ miễn phí.
Trách nhiệm các Ban chuyên môn và các thành viên trong Thường trực Ban liên lạc thường xuyên cung cấp thông tin tư liệu, hình ảnh, bài viết về các hoạt động của các dòng họ Phạm trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
3. Về việc tham gia phục chế và làm mới các hoành phi câu đối tại Đền thờ cụ Phạm Tu.
Tại kỳ họp Thường trực Ban liên lạc ngày 2/1/2010, Ban Liên lạc họ Phạm Hà Nội thống nhất chủ trương xúc tiến quan hệ để quyết định việc huy động các chi phái dòng họ Phạm và cá nhân con em họ Phạm tại Hà Nội nhận việc phục chế, nâng cấp các hoành phi câu đối của Đền thờ cụ Phạm Tu. Vì khi đó Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam dự định nhận đúc tượng đồng cụ Phạm Tu rồi. Sau đó Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam lại nhận việc cung tiến toàn bộ các hoành phi câu đối trong Đền thờ Ngài và đang kêu gọi bà con họ Phạm trên toàn quốc và ở nước ngoài phát tâm công đức để thực hiện việc này. Vì vậy tại cuộc họp này, Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội thống nhất chủ trương.
3.1. Giao cho Thường trực Ban liên lạc họ Phạm Hà Nội khẩn trương xúc tiến gặp gỡ Ban quản lý dự án và UBND xã Thanh Liệt để xem xét 1 số danh mục, hạng mục ở bên ngoài Đền thờ Ngài; nếu xét thấy phù hợp với khả năng huy động công đức và điều kiện kỹ mỹ thuật công nghệ có thể đảm đương xây dựng được các hạng mục công trình đó thì xin đảm nhận việc cúng tiến
3.2. Trong trường hợp Ban Liên lạc họ Phạm Hà Nội không nhận công đức 1 số hạng mục công trình nào bên ngoài Đền thờ Ngài, thì vận động bà con họ Phạm Hà Nội tích cực thực hiện “tâm thư” của Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam.
Hiện nay Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam chưa có phương án chi tiết và dự toán chi phí cụ thể; nên chưa tham gia ý kiến bàn bạc cụ thể được.
4. Trong tháng 4, 5/2010 Thường trực Ban liên lạc cùng với Ban vận động tài trợ, Ban kết nối dòng họ chuẩn bị tổ chức cuộc họp mặt với một số doanh nhân và một số cán bộ đương chức tại Hà Nội là con em họ Phạm tại Hà Nội để vận động tham gia các hoạt động của họ Phạm Hà Nội
5. Ban khuyến học khuyến tài có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức vinh danh biểu dương con cháu họ Phạm tại Hà Nội vào dịp đầu niên học 2010 – 2011 (nội dung như mục II.6 thông báo của Thường trực Ban liên lạc ngày 2/1/2010). Tổ chức trong tháng 9/2010 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội
6. Quyết tâm và cố gắng chuẩn bị cho việc thành lập 1 số Ban liên lạc họ Phạm tại các Quận, huyện (xem mục II.7 thông báo của Thường trực Ban liên lạc ngày 2/1/2010). Thường trực Ban liên lạc phân công cụ thể các thành viên Ban liên lạc chuẩn bị.
7. Thông báo vận động các thành viên Ban liên lạc và bà con các dòng họ Phạm tại Hà Nội trong năm 2010 tham dự
+ Khánh thành Dự án tôn tạo trùng tu Đền thờ cụ Phạm Tu
+ Dự ngày giỗ Thượng Thủy Tổ Phạm Tu vào ngày 20/7/2010 âm lịch.
+ Cuộc gặp mặt toàn quốc lần thứ 12 của các dòng họ Phạm Việt Nam sẽ tổ chức tại Ninh Bình (có thông báo chi tiết sau).

TM. BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM HÀ NỘI
Phó Trưởng ban Liên lạc Tổng thư ký

TS. Phạm Vũ Câu
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi