Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

30 tháng 7, 2010

Thông báo số 10 của TTBLL họ Phạm khóa V

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 7 30, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

THÔNG BÁO SỐ 10 CỦA TTBLL
HỌ PHẠM KHÓA V

      Chỉ còn đúng một tháng là đến ngày “Họp mặt Đại biểu họ Phạm toàn quốc lần thứ 13 tại Ninh Bình” , vì vậy chúng tôi xin thông báo một số việc cần thực hiên ngay:

      1. Xin gửi ngay(trước ngày 10/8/2010) về TTBLL danh sách tiến cử nhân sự cho Khóa VI. (Xin giải thích thêm về tiêu chí thứ 3: Nhũng vị được tiến cử vào BLL toàn quốc phải cố phương tiện liên lạc : Điện thoại để bàn hoặc di động. Có Email càng tốt - chỉ cần gia đình có người biết sử dụng máy tính còn bản thân có thể không biết cũng được chủ yếu là để check Mail. Còn các vị trong thường trực thì bắt buộc phải có Email và biết sử dụng máy tính) . Xin gửi Mail về cho các ông:
          - Ô. Phạm Đạo, Trưởng BLL: ĐT 0904298388, Email:phamdao1940@gmail.com
          - Ông Phạm Cầu PTBTT: ĐT 04.37843221, Email phamcau@gmail.com

      2. Các BLL các địa phương cần gửi báo cáo tham luận về cho TTBLL trước ngày 10/8/2010. Mỗi bài tham luận không quá 3 trang khổ A4 và thời gian phát biểu trên hội trường chỉ giới hạn trong 5 phút. Các báo cáo chủ yếu là các kinh nghiệm hoạt động dòng họ ( những mặt đã làm được và chưa làm được chú trọng công tác khuyến học khuyến tài và giúp nhau xóa đói giảm nghèo). Xin gửi Mail về cho các ông:
          - Phạm Cầu, PTB TT BLL: phamcau@gmail.com
          - Phạm Đình Điểu, TTK BLL: pdinhdieu@gmail.com

      3. Các vị trong Thường trực BLL bổ sung ngay những phần có liên quan trong Dự thảo Báo cáo tại cuộc họp mặt lần thư 13 mà ông Phạm Đạo đã Mail cho các vị. Hạn cuối cùng là ngày 5/8/2010 (Địa chỉ Mail của ông Đạo: phamdao1940@gmail.com

      4. Các vị trong Ban Tổ chức tích cực hoàn tất các công việc đã được phân công

      5. Ngày 12/8/2010 sẽ có cuộc họp Thường trực mở rông. (bao gồm các vị trong Thường trực và Ban tổ chức để rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị cho cuộc họp tại Ninh Bình tại nhà ông Phạm Đạo số 44, ngõ 84 phố Ngọc Khánh vào hồi 16h00 chiều. Mong các vị trong thành phần mời họp đến dự đông đủ và đúng giờ.

Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam
PGS.TS.  Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

26 tháng 7, 2010

Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 26, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2010

BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG TRÊN ĐẢO LÝ SƠN

      “Ở huỵện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) chỉ duy nhất có một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là Mẹ Trần Thị Phẩm, người con dâu của tộc Phạm Văn. Dù tuổi cao (85 tuổi) Mẹ vẫn tham gia tích cực các họat động xã hội của địa phương và dòng họ, nhất là hoạt động khuyến học. Mẹ được mọi người quý trọng”. Đó là những thông tin cơ bản mà tôi có được về Mẹ trước khi tôi cùng đoàn đại biểu của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam từ Hà Nội về đảo Lý Sơn để thăm bà con đồng tộc và dự Lễ Khao lề và tế lính Hoàng Sa – một Lễ hội quan trong nhất trong năm của Đảo tổ chức vào ngày 19-20 tháng 2 âm lịch hàng năm, năm nay ngày này vào mồng 3-4 tháng 4 năm 2010.
      Chúng tôi vào Nhà thờ tộc Phạm Văn tại thôn Đông, xã An Vĩnh khi buổi lễ sắp bắt đầu. Đã biết trước là có chúng tôi, đại diện Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam từ Hà Nội về, bà con trong dòng tộc vui lắm, Nhà thờ như rộn ràng hẳn lên. Ở đây có tục lệ là chỉ có con dâu mới được vào dự lễ, còn con gái thì không, do đó chỉ có 3 người phụ nữ. Tôi là khách cho nên dù là con gái của dòng tộc cũng được “châm chước” cho vào Nhà thờ. Tôi dễ dàng nhận ra Mẹ, bởi tôi đã biết Mẹ qua ảnh. Tôi vừa chào hỏi mọi người vừa chen vào chỗ Mẹ đang đứng, tôi xô tới ôm chầm lấy Me như con gái lâu ngày về nhà gặp Me! Mẹ nhìn tôi vẻ mặt rạng rỡ, tôi nhìn Mẹ: khuôn mặt với bao nếp nhăn của thời gian cùng những nỗi nhọc nhằn và nỗi đau mất mát, nhưng vẫn còn lại nét thanh tú của một thời xuân săc, cặp mắt vẫn sáng và tươi rói. Mẹ cười và hỏi : “Đi xa có mệt không?”, tiếng Mẹ nhỏ nhẹ, tôi cảm thấy thân thiết như đã gặp Mẹ từ lâu lắm rồi! “Đúng là lòng Mẹ!”, tôi nghĩ và xúc động muốn khóc nhưng cố kìm nén! Tôi hỏi : “Mẹ có khỏe không ạ?”, Mẹ khẽ gật đầu, mắt vẫn nhìn tôi, tôi sẽ khắc sâu mãi trong lòng cái nhìn sâu thẳm đó của Mẹ!
     Mẹ vẫn để bàn tay gầy và khô ráp trong tay tôi. Trong không khí trang nghiêm của Nhà thờ, tôi đứng cạnh Me, nhìn Mẹ và suy nghĩ miên man về những điều tôi đã biết về Mẹ. Người phụ nữ già nhỏ bé này là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ư? Những hy sinh mất mát kinh khủng kia đổ xuống đôi vai gầy này của Mẹ ư? Đây là lần đầu tiên tôi gặp một Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của miền Nam và đặc biệt là của vùng Khu V, nơi chiến sự ác liệt nhất nước trong hơn hai chục năm ròng! Tôi cứ cố hình dung: không biết Mẹ thế nào khi nhận được những cái tin sét đánh về chồng con mình :
     Chồng Mẹ, ông Phạm Chánh, hậu duệ của Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật thuở xưa mà báo chí gần đây nói đến rất nhiều, là cán bộ công an từ thời đầu cách mang (1945), năm 1950 bị giặc bắt, vượt ngục ra tiếp tục hoạt động, rồi đi tập kết, lại trở về miền Nam hoạt động (chỉ về gặp vợ con được vài ngày vào năm 1960) và hy sinh trong một trận đánh không cân sức ở chiến trường Gò Đá, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tháng 5 năm 1962! Mẹ dấu con trai lúc ấy mới hơn mười tuổi đang được gửi đi học ở Đà Nẵng và gồng mình chịu đựng nỗi đau tưởng như quá sức! Năm đó Mẹ mới 38 tuổi, Mẹ vẫn làm công tác ở địa phương. Nguồn động viên của Mẹ là công việc, xóm làng và nhất là đứa con trai chịu khó học và ngoan ngoãn. Nhưng con trai Mẹ sau khi học xong phổ thông, mùa xuân năm 1968 tròn 17 tuổi lại xin đi bộ đội, vào pháo binh để “đền nợ nước trả thù nhà”. Thế rồi, bốn năm sau, tháng 10 năm 1972, tròn 10 năm sau khi bố hy sinh, trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ném bom hủy diệt làng Sơn Quang, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, con trai của Me, Phạm Hồng Thiên 21 tuổi đã bị thương nặng và ngày hôm sau thì hy sinh! Mất chồng và con, nỗi mất mát tột cùng lớn lao của người phụ nữ! Một nỗi đau vô tận tưởng như không thể gượng dậy nổi! Thế là chồng và con trai độc nhất của Mẹ, hai người “trai tráng” họ Phạm, hậu duệ của những người anh hùng đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa những thế kỷ trước đều đã ngã xuống ngay tại mảnh đất tỉnh nhà, huỵện Bình Sơn vì nên độc lập tự do của đất nước! Họ để một mình Mẹ ở lại trần gian, nhất là bây giờ khi đã già yếu thế này!
     Mắt tôi cay xè nghĩ tới những tổn thất lớn nhất của một người phụ nữ mà Mẹ đã phải trải qua... Những nghi thức của buổi Lễ khao lề và tế lính Hoàng Sa vẫn đang tiếp diễn ở Nhà thờ tộc Phạm Văn, nơi đây cũng phối thờ các liệt sĩ của dòng họ! Tiếng đọc Chúc Văn của người chủ tế vẫn réo rắt :
Hỡi ơi, đất Việt, trời Nam/ Nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ/ Cho hay sinh ký tử quy, đi có về không/? Thân đã mất mà danh ấy thọ!
..... Đã liều thân vì Tổ quốc son sắt một lòng / ngang dọc chí nam nhi/ phong ba dồi dập/ tuyết sương chẳng quản / mưa gió chẳng sờn/ thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi....
Đúng là, người chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc thì thời nào cũng như nhau; trên đất, trên biển hay trên trời cũng thế, cho nên Chúc văn tế các chiến sĩ Hoàng Sa hy sinh trên biển cả năm xưa tôi thấy vẫn phù hợp với các anh hùng liệt sĩ ngày nay trong đó có chồng và con Mẹ Trần Thị Phẩm đang đứng canh tôi đây...,Nỗi xot xa trào dâng trong lòng tôi!....
     Sau khi tế lễ và ngày hôm sau tôi mới có dịp thăm và chuyện trò cùng Mẹ và bà con đồng tộc trên Đảo. Mẹ ít nói, tiếng nói nhỏ nhẹ nhưng nói năng khúc chiết (mấy chục năm Me là cán bộ Hội Phụ nữ mà!). Qua chuyện trò với Mẹ và mọi người rồi đến thăm nhà Mẹ, tôi mới biết thêm được rằng:
Mẹ đang ở trong một ngôi nhà nhỏ nhắn, gọn gàng, ấm áp – đó là một căn nhà tình nghĩa mà chính quyền địa phương xây dựng cho Mẹ từ năm 1998 sau khi Mẹ được phong Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nổi bật trong nhà Mẹ là bàn thờ trang trọng trên đó có bộ đỉnh bằng đồng màu vàng au được Mẹ chăm chút sáng loáng, Mẹ mừng lắm vì từ khi có ngôi nhà này Mẹ mới có chỗ thờ tự tổ tiên và chồng, con. Trên bàn thờ là hai tấm Bằng Tổ Quốc Ghi Công và trên tường là các Huân Huy chương của cả nhà cùng với Huy hiêu 40 năm tuổi Đảng của Mẹ. Nhà Mẹ lúc nào cũng có người đến thăm, lúc thì bà con trong họ, lúc thì xóm giềng, chính quyền và các đoàn thể của địa phương luôn quan tâm chăm sóc.... Đặc biệt là Lãnh đạo và các chiến sĩ ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Lý Sơn luôn luôn có mặt bên Mẹ - các anh đã nhận chăm nuôi phụng dưỡng Mẹ suốt đời.
     Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn cùng Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân xã An Vĩnh, nhân dân thôn Đông và bà con trong họ tộc đã đưa hài cốt của Liệt sĩ Phạm Chánh và Phạm Hồng Thiên từ đất liền về an táng tại nghĩa trang của huyện tại Hòn Dung xã An Vĩnh cách nhà Mẹ không xa, Mẹ cũng thấy yên lòng và cảm thấy chồng cùng đứa con trai yêu quý đã trở về bên cạnh mình sau mấy chục năm xa cách!
    Mẹ tham gia hoạt động cách mạng từ sau Cách mạng Tháng Tám, bắt đầu là làm liên lạc, giao liên rồi làm cán bộ Phụ nữ. Cho đến bây giờ mẹ vẫn tham gia tích cực mọi hoạt động của đia phương, đặc biệt là Mẹ luôn quan tâm động viên các cháu học sinh chịu khó học tập vì “muốn quê hương giaù đẹp thì phải có tri thức khoa học”, Mẹ bảo thế. Đến dự hội nghị nào của các đoàn thể địa phương, Mẹ đều nói về truyền thống cách mạng của quê hương và động viên lớp trẻ hãy cố gắng phấn đấu, cố gắng học hành để xây dựng quê hương. Mẹ nói chân tình, giản dị, chậm rãi nên được mọi người rất chú ý lắng nghe. Mẹ luôn dành dụm chắt chiu từ những đồng tiền chính sách ít ỏi của mình để đóng góp cho các phong trào, đặc biệt là quỹ khuyến học : năm 2002 khi Quỹ khuyến học của xã An Vĩnh được thành lập, Me đã ủng hộ ngay 100.000đ, năm nào Mẹ cũng ủng hộ 100.000đ-200.000đ cho Quỹ; năm 2005 Mẹ góp cho Quỹ 1.500.000đ với nét chữ run run ghi trong Sổ vàng khuyến học : “Tôi mong sao mọi người hưởng ứng để đẩy mạnh phong trào xã hội học tập”. Anh Phạm Văn Ngọc, Trưởng Ban Khuyến học của xã An Vĩnh vừa gọi điện thoại cho tôi biết : ”Mấy năm nay Mẹ đã ủng hộ cho quỹ Khuyến học tới gần 3.000.000đ. Mẹ đã gìà như vậy, việc làm đó của Mẹ là rất cao quý, có tác dụng động viên rất tốt cho phong trào, chị ạ!”.
Mẹ đặc biệt chú ý làm những việc hợp với đạo lý xã hôi như đối xử có nghĩa có tình, đóng góp xây dựng đình, chùa, nhà thờ, trường học, xây mồ mả và những công trình xã hội, Mẹ nhắc nhở mọi người và con cháu cùng làm. Mẹ chăm lo việc lễ lạt và rất chú ý đến các ngày húy ki của mọi người. Ông Phạm Hữu Tuyền mà gần đay báo chí tặng cho cái tên “Người giữ sử Hòang Sa” ở Lý Sơn nhắc đi nhắc lại rằng: “Dân dảo Lý Sơn ai cũng quý trọng Mẹ bởi Mẹ luôn sống rất nghĩa tình và đạo lý. Mẹ không bao giờ vắng mắt trong bất cứ một hoạt động xã hội nào”.
    Thời gian chúng tôi lưu lại trên Đảo quá ngắn. Trở về Hà Nội rồi mà hình ảnh Đảo, hình ảnh bà con trên Đảo và đặc biệt là hình ảnh Bà Mẹ mảnh mai đã hy sinh tất cả những gì quý giá nhất của đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nay sống một mình giữa cộng đồng bà con ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Đảo Lý Sơn trong mênh mông biển cả mãi mãi còn trong tâm trí tôi.
     Tôi tự hào và biết ơn những liệt sĩ nói chung và những liệt sĩ của dòng họ Phạm Việt Nam nói riêng đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi kính phục những người vợ, người mẹ đã đảm đang thay chồng con sản xuất và chiến đấu ở hậu phương, nhiều người đã phải chịu nỗi đau lớn nhất của người vợ, người mẹ là mất chồng mất con trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Có mấy chục nghìn Bà Mẹ trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm vạn gia đình trở thành gia đình liêt sĩ! Mẹ Trần Thị Phẩm, con dâu họ Pham là một trong 4.604 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống cho đến thời điểm này. Chúng ta cầu chúc các Mẹ mạnh khỏe, bình an và sống vui vẻ trong tình cảm của toàn dân tộc.
    Nhân ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, với bài viết này, xin dâng những nén hương thơm tới hương hồn các liệt sĩ và xin dâng những bó hoa tươi thắm tới các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ và thương binh, những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình, hoặc những người thân của mình hoặc một phần thân thể của mình cho sự toàn vẹn và phồn vinh của đất nước hôm nay!

  Phạm Thi Thúy Lan
Hà Nội, 23-24/7/2010



  Mẹ Trần Thị Phấn với tác giả tại nhà thờ họ Phạm Văn
ở đảo Lý Sơn Ảnh: Phạm Văn Hồng

 




Tại mộ Chánh đôi Thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật.
Từ trái sang phải: Ô.Mai Duy Quý, Phòng Giáo dục huyện;
Ô. Thành Định, Chỉ huy trưởng Huyện Đội huyện Lý Sơn;
Mẹ VNAH Trần Thị Phẩm; ô. Phạm Thoại Tuyền, hậu dụệ
của Phạm Hữu Nhật, tộc họ Phạm Văn, Lý Sơn.



»»  Đọc tiếp

21 tháng 7, 2010

Bia Chiến tích

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 7 21, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Ban biên tập website họ Phạm xin gửi đến các đồng chí thương binh và gia đình các liệt sĩ cả nước nói chung và họ Phạm nói riêng lời tri ân sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn đối với sự đóng góp xương máu của các thương binh liệt sỹ cho nền độc lập của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của nhà báo Phạm Thúy Lan về một người liệt sĩ họ Phạm

BIA CHIẾN TÍCH đặt tại trụ sở TCTy Xăng dầu
số 1 Khâm Thiên Hà Nội – Ảnh: Phạm Thúy Lan

TƯỞNG NHỚ
“VUA XĂNG DẦU BẮC VIỆT”
PHẠM VĂN ĐẠT
     
      Bước vào cổng Trụ sở Tổng Cổng ty Xăng dầu ở số 1 phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, đang định hỏi thăm, tôi đã nhìn thấy nổi bật ở ngay phía trước ngôi nhà 7 tầng, một tấm bia bằng đá đen trên đó có gắn tấm bảng bằng đồng. Tôi nói với bảo vệ cơ quan là xin phép vào thắp hương Bác Đạt, anh vui vẻ mời vào. Tôi rảo bước đến chỗ tấm bia, kính cẩn dâng lễ, dâng hương, rồi vội vã đọc những dòng chữ khắc trên BIA CHIẾN TÍCH. Đoạn thứ ba trên bia ghi:
      “ Cũng tại địa danh lịch sử này, ngày 26 tháng 12 năm 1972, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam - Phạm Văn Đạt đã anh dũng hy sinh trong lúc chỉ huy đơn vị tiếp nhận, vận tải, cung cấp xăng dầu cho sản xuất, chiến đấu ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và trực tiếp chống trả máy bay Mỹ ném bom khu phố Khâm Thiên".
       Đó là mấy dòng chữ ngắn gọn viết về sự hy sinh của Ông Phạm Văn Đạt. Tôi hết sức súc động khi đọc những dòng này trên tấm bia mà tôi cảm thấy rất thiêng liêng! Sau khi đọc xong văn bia, tôi mới nhìn ngắm công trình nghĩa tình mà theo như tôi được biết thì hơn hai chục năm sau khi Ông hy sinh, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu phối hợp cùng với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và Bộ Quốc phòng đã trình Nhà nước cho dựng bia “Chiến tích” đặt tại Trụ sở của Tổng Công ty và công nhận là di tích lịch sử Cách mạng của Thủ đô để ghi nhận công lao của các liệt sỹ đã hy sinh tại đây trong đó có cố Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu – Phạm Văn Đạt (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản tri -Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu thời ký 1980-2000 là người đề xướng và đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện công trình này). Một khối đá màu đen được chuyển từ Thanh Hóa về rồi xẻ ra, còn những dòng chữ được khắc vào tấm đồng lớn rồi gắn ốp vào khối đá đó! Phía bên phải tấm bia là một cây bồ đề quanh năm xum xuê tỏa mát, xung quanh là những cây cảnh đẹp mà khiêm nhường! Tôi cảm thấy giữa phố phường nhộn nhịp, nơi đây yên tĩnh biết bao! Phải có một tình cảm sâu nặng lắm với người đã khuất, người ta mới có thể làm nơi lưu niệm một cách chu đáo và trân trọng như vậy!
      Ông Phạm Văn Đạt có biệt danh là Ông “Vua Xăng dầu Bắc Việt” - đây là biệt danh mà Mỹ và Chính quyền Sài Gòn gọi Ông với sự căm tức nhưng nể phục; và mọi người trong ngành Xăng dầu trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước cũng dùng biệt danh này để gọi Thủ trưởng của Ngành mình với lòng tôn kính!
      Vâng! Liệt sĩ Phạm Văn Đạt xứng đáng được bạn bè, đồng nghiệp và hậu thế biết ơn và tôn thờ! Tôi không muốn nhắc lại tiểu sử của Ông mà Bản tin Nội tộc số 2/2002 và trang web hopham.org ngày 01/11/2005 đâ đăng tải. Tôi chỉ muốn nói về cảm súc của mình khi biết rằng chính Ông là người đã có công đầu trong việc xây dựng con đường ống đưa dòng xăng dầu chảy vào miền Nam góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ lâu, tôi vẫn cảm phục những chiến công to lớn mà thầm lặng của quân và dân ta trong việc cung cấp vũ khí, xăng dầu và vật lực cho miền Nam trong điều kiện đối phương luôn luôn tìm mọi cách để triệt phá nguồn và con đường cung cấp hậu cần cho tiền tuyến. Những con đường chiến lược trong chiến tranh như đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống xăng dầu nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến, dòng xăng vượt Trường Sơn,....luôn luôn thu hút sự chú ý của bao người trong đó có tôi. Và nhiều người nước ngoài cũng hết sức kinh ngạc thốt lên: "Làm thế nào mà Bắc Việt Nam tiếp tế được đầy đủ xăng dầu cho hàng ngàn xe pháo vào trận đánh thần tốc mùa xuân năm 1975?”
     Khi Mỹ ném bom miền Bắc, thì những mục tiêu chiến lược mà chúng tìm cách bắn phá là cầu đường, kho tàng,... trong đó xăng dầu là một mặt hàng chiến lựợc nên chúng coi là mục tiêu đánh phá quan trọng nhằm hủy diệt các kho xăng dầu lớn kể cả những bãi xăng, phuy xăng được sơ tán tận vùng núi xa xôi như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn và miền Tây khu IV. Trong những năm 1964 đến 1968 và năm 1972 dường như không có một ngày nào là máy bay Mỹ không ném bom xuống các cơ sở xăng dầu. Bởi vậy, thời đó, chúng ta luôn luôn nghe tin máy bay Mỹ ném bom xuống các cơ sở xăng dầu như Đức Giang (Gia Lâm- Hà Nội), Đinh Hương (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Thượng Lý (Hải Phòng), Việt Trì,... Chúng còn dò tìm đường đi của những đoàn xe chuyên chở xăng dầu vào phía Nam để bắn phá. Bởi vây, mỗi lít xăng dầu vào tới chiến trường là vô cùng quý giá, đã phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ ngành Xăng dầu và Vận tải! Là người đứng đầu của ngành Xăng dầu trong thời kỳ ác liệt nhất ấy, Ông đã chỉ đạo và cùng cán bộ công nhân viên của Ngành tìm đủ mọi cách để có nguồn xăng dầu, bảo vệ xăng dầu, cứu xăng dầu khi bị bắn phá để cung cấp nhiên liệu cho mọi hoạt động của miền Bắc và chiến trường miền Nam. Ông có nhiều sáng kiến, sử dụng mọi phương tiện có thể để chuyên chở, nhiều khi phải chỉ đạo làm những kho bãi giả để đánh lừa máy bay địch, vì thế dòng xăng dầu vẫn tuôn chảy không ngừng dưới bom đạn Mỹ. Ngay cả việc tiếp nhận xăng dầu từ các tầu của Liên Xô chở đến cũng đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao mất ăn mất ngủ mới bảo vệ được an toàn.
     Cần phải thoát khỏi sự phong tỏa của máy bay, tàu chiến Mỹ và mở đường để dẫn dầu an toàn vào chi viện cho chiến trường! Đó là sự kiện quan trọng có tầm chiến lược của ngành Xăng dầu thời ký ấy. Với chiếc com-măng-ca, ông có mặt ở khắp nơi để lo lắng tổ chức, kiểm tra việc xây dựng đường ống. Tuyến đường ống chiến lược của ngành Xăng dầu - Đây là công trình có sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Xăng dầu Bộ Quốc phòng với Tổng Công ty Xăng dầu - có tên gọi bí mật là B12 (mà ông thường gọi là “Bê đui” – theo tiếng Pháp) đã được mở bắt đầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) đi qua các tỉnh miền Bắc, xuyên qua dãy Trường Sơn, Khu V, Tây Nguyên vào sâu trong các tỉnh Nam Bộ, thậm chí qua cả nước bạn Lào, có đoạn xuyên qua núi cao, qua lòng biển, lòng sông, qua những tọa độ lửa dày đặc của giặc Mỹ.     Đó là một tuyến đường vĩ đai, đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất dài 3.278 km với sức chứa 81.000 tấn xăng dầu, một mạch máu giao thông ngầm vô cùng lợi hai, là công trình lớn nhất của ngành Xăng dầu. Có tới 70% lượng xăng dầu chuyển vào được miền Nam là nhờ tuyến đường này. Trong những ngày đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Phạm Văn Đạt lúc nào cũng vội vã, gầy rộc đi, râu ria không kịp cạo, mắt dỏ ngàu vì mất ngủ....Có biết bao nhiêu cán bộ ngành Xăng dầu đã đổ mồ hôi và cả sinh mạng của mình trong các cuộc chiến đấu để xây dựng và bảo vệ tuyến đường quan trọng này. Có nhiều chuyện đã thành văn và nhiều hơn là truyền miệng về các chiến sĩ Xăng dầu trong các chiến dịch “mở luồng”, trong những trận xuất quân, trong những trận chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngoan cường! Những người không trong cuộc khó lòng hình dung nổi cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ công nhân ngành Xăng dầu thời kỳ gian khổ mà oanh liệt ấy! Tuyến đường đã góp phần to lớn vào chiến thắng của dân tộc. 
      Chúng ta rất tự hào vì công đầu thuộc về Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Công ty Xăng dầu họ Phạm của chúng ta! Ông là “ông Tổ của ngành Xăng dầu Việt Nam”. Điều đó được chính những người trong ngành Xăng dầu đã xác nhận! Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tỏng Công ty Xăng dầu Việt Nam nói: “Ông không chỉ giỏi trong thời kỳ xây dựng Ngành mà còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ nguòn xăng dầu quý giá khi giặc bắn phá miền Bắc để đưa xăng dầu vào Nam góp phần cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng đất nước”.
      Tháng 12 năm 1972! Hà Nội hứng chịu một chiến dịch hủy diệt tàn khốc của máy bay B52 Mỹ. Những ai đã trải qua thời điểm lịch sử ấy chắc không thể nào quên 12 ngày đêm Hà Nội từ 18/12 đến 30/12/ 1972 trong chiến dịch lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Những An Dương, Bệnh viện Bạch Mai và đặc biệt là Khâm Thiên vẫn là những nỗi đau nhức nhối còn để lại mãi mãi sau này!
Phố Khâm Thiên đã trở thành một trong những mục tiêu hủy diệt của Mỹ. Đầu phố Khâm Thiên, số nhà 1 là Tổng Công ty Xăng dầu, dân Hà Nội thường gọi là “khu Nhà Dầu”, “Sở Dầu” là một muc tiêu của chúng. (Trước Cách mang, chỗ này gọi là “Nhà dầu Shell”. Ngày đầu tiên của cuộc Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ngay từ 8 giờ tối, giặc Pháp đã bất ngờ đánh úp “nhà dầu Shell” và liên tục từ lúc đó đến 28.12.1946 một đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ khu phố đã ba lần tập kích vị trí này gây cho giặc nhiều tổn thất. Trong những lần tập kích ấy đã có nhiều chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh. Năm hài cốt đào được tại chỗ dựng Bia chiến tích là của các chiến sĩ hy sinh trong những trận chiến đấu ấy).
     Trong những ngày này, người đứng đầu ngành Xăng dầu Việt Nam, Ông Phạm Văn Đạt như một vị chỉ huy quân đội thực thụ: mũ sắt trên đầu, đôi ủng đen, bộ quần áo gọn gàng....Ông ra lệnh “sơ tán triệt để” cơ quan Tổng Công ty Xăng dầu và đi kiểm tra những căn hầm trú ẩn tại trụ sở và các công ty mà Ông đã cho đào và trang bị một cách chu đáo từ trước nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên của Ngành. Cứ mỗi lần có tiếng còi báo động, Tổng Giám đốc Đạt lại cầm chiếc loa pin hô anh em tự vệ xuống hầm hết, rồi Ông mới chui vào chiếc hầm cá nhân của mình. Khi có lệnh báo yên, Ông lại đội nắp hầm trèo lên và hỏi rõ to :”Anh em có ai việc gì không? Đủ cả chưa?”.
     Nhưng hôm ấy, ngày 26/12/1972 (nhằm ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tý)... Sau trận bom B52 rải thảm xuống phố Khâm Thiên bắt đầu muộn hơn mọi ngày, từ 22 giờ 45 phút, toàn bộ phần phía nam của phố Khâm Thiên, tức dãy số nhà lẻ, trong đó có số nhà 1, Trụ sở của Tổng Công ty Xăng dầu trở thành một đồng hoang tàn, không còn nhà cửa. bao nhiêu gia đình tan nát.... Dứt tiếng bom, mọi người ra khỏi hầm đã lâu mà vẫn không nghe tiếng gọi quen thuộc của Tổng Giám đốc Phạm Văn Đạt! Ông đã không bao giờ gọi được mọi người nữa! Ông vẫn ngồi trên ghế đẩu trong hầm cá nhân đã bị sức ép của trái bom tấn rơi trúng hầm di chuyển đi khỏi vị trí cũ của hầm hơn chục mét. Ông đã lặng lẽ ra đi trong tư thế phòng chống sức ép của bom với chiếc mũ sắt trên đầu! Bộ Vật tư đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Ông tại Văn phòng Bộ, rồi đưa Ông về mai táng tại quê nhà - xóm Bến, xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Thủ tướng Đỗ Mười và nhiều đoàn của các cơ quan cùng về dự lễ mai táng!
      Ông đã ra đi 38 năm, nhưng trong lòng con cháu, bạn bè, những người thân và cán bộ nhân viên ngành Xăng dầu, Ông còn sống mãi không phải chỉ vì Ông là Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành Xăng dầu đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, mà vì Ông là một con người rất mực CON NGƯỜI, sống “gương mẫu, giỏi giang”, chu đáo và đầy đặn nghĩa tình....
     Anh bạn đi cùng tôi lên dâng hương tại Bia cứ xuýt xoa: “Sao Nhà nước không truy tặng Cụ danh hiệu Anh hùng, bây giờ làm cũng có muộn đâu”.... Tôi nói với anh : “Đúng thế, nhưng chỗ đứng trong lòng người có khi còn cao hơn cả những danh hiệu! Ông bất tử!”.
     Ông Bà đã sinh ra, nuôi dạy và để lai cho đời những người con hiếu thảo, giỏi giang, biết sống, biết làm việc và cống hiến hết mình cho những mục tiêu mà minh đã chọn. PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam của chúng ta là con trai của Ông Bà. Anh là người thành đạt. Anh đã sống theo tấm gương của cha mẹ và đang làm hết sức mình cho sự phát triển của dòng họ Pham Việt Nam. Con gái Ông bà, chị Phạm Minh Hạnh là Tiến sĩ Ngữ văn, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian; chị vừa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “CHA VÀ NHỮNG NGƯỜI CON”, viết về gia đình mình mà chị hết sức tự hào và yêu quý, cuốn tiểu thuyết không những giúp người đọc hiểu về gia đình chị mà còn hiểu thêm về đất nước trong một giai đoạn lịch sử, đặc biệt là ngành Xăng dầu, nơi Liệt sĩ Phạm Văn Đạt, người cha yêu kính của chị đã gắn bó và hy sinh cả cuộc đời !
Bài viết này là lời tri ân đối với Liệt sĩ Phạm Văn Đạt và bày tỏ lòng kính trọng với gia đình PGS.TS Phạm Đao!
    Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, với bài viết này, xin dâng những nén hương thơm tới hương hồn Bác Phạm Văn Đạt và các liệt sĩ họ Phạm cùng các liệt sĩ cả nước!

Phạm Thị Thúy Lan
18-19/7/2010

»»  Đọc tiếp

18 tháng 7, 2010

Một người con hết lòng với dòng họ

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 7 18, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments


MỘT NGƯỜI CON HẾT LÒNG VỚI DÒNG HỌ

Đó là anh Phạm Duy Đỗ quê ở thôn Nham Cáp xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, hiện đang lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Anh đưa vợ con vào Nam từ những năm 1994. Qua nhiều năm bươn trải nay anh đã thành lập được một công ty riêng với tên gọi “Công ty TNHH Đo đạc - Xây dựng – Dịch vụ Đức Hiếu”.
Trăm công ngàn việc với một công ty mới ra đời chưa được bao lâu nhưng anh không lúc nào không nghĩ về quê hương, không nghĩ về trách nhiệm của một trưởng họ – Ngành 3 họ Phạm Duy . Thế là anh đã về quê bàn với bà con dòng họ quyết định xây một từ đường ở quê. Anh đã hiến mảnh đất của gia đình để xây nhà thờ họ. Anh vận động bà con dòng họ đóng góp công sức và tiền của. Đóng góp nhiều ít tùy tâm. Người có của, kẻ có công Nhà thờ họ được khởi công từ ngày 11/02/2009 (âm lịch). Sau bảy tháng khẩn trương xây dựng đến ngày 01/08/2009 (âm lịch) đã xây dựng xong. Anh đã cùng vợ con về dự lễ khánh thành. Trong quá trình thi công anh cũng đã mấy lần về theo dõi tiến độ công trình. Lễ khánh thành được tổ chức hai ngày liền rất hoành tráng có đủ mọi thủ tục của các cụ để lại. Tối hôm trước ngày khánh thành còn mời cả một đoàn chèo về biểu diện cho cả làng xem. Hôm khánh thành có đông đủ đại diện Chính quyền địa phương và bà con dòng họ Phạm Duy Nam Sách Hải Dương ở khắp đất nước về dự.
Nhìn ngôi nhà thờ mới được khánh thành khang trang vừa cổ kính vừa hiện đại trong lòng anh rất phấn khởi vì mình đã làm được một việc tốt cho dòng họ. Từ nay về sau bà con dòng họ có nơi thờ cúng đàng hoàng. Anh tin rằng tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu làm ăn tấn tới. Anh nói nhỏ với tôi anh bỏ ra toàn bộ kinh phí để xây nhà thờ đó (ba trăm triệu đồng) còn trang trí nội thất và các đồ thờ do bà con ở quê đóng góp. (Tổng kinh phí cho công trình này khoảng hơn bốn trăm triệu đồng).
Anh còn không quên quay một băng Video dài hơn một tiếng để ghi lại toàn bộ quá trình xây dựng nhà thờ. ( những tấm hình trong bài này đều được lấy ra từ cuốn băng đó).
Trộm nghĩ nếu các nhà doanh ngiệp họ Phạm ta ai cũng có tâm với dòng họ như thế thì tuyệt vời biết bao!

Sau đây là một số hình ảnh về Lế khánh thành từ đường







TP.HCM, 18/07/2010
Pha Lê
»»  Đọc tiếp

16 tháng 7, 2010

Công văn của TTBLL họ Phạm Việt Nam gửi UBND TP.Hà Nội

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 7 16, 2010 bởi Phạm Đạo · 3 comments

BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM                                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
         VIỆT NAM                                                               Độc lập – Tự do – Hạn phúc
                                                                                         -----------------------------------
Số 9 BLL/HPVN
V/v đặt tên Phạm Tu cho một
đường phố chính ở Hà Nộị                                                             Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2010

                                           Kính gửi : - Ông Phạm Quang Nghị,
                                                           Ủy viên Bộ chính trị TƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam,
                                                           Bí thư Thành Ủy Thành phố Hà Nội.
                                                           - Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội
                                                           - Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND
                                                          Thành phố Hà Nội
                                                           - Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa
                                                          Thể thao và Du lịch Hà Nội

       Ngày 1.10.2008, Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam đã có đơn kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đặt tên Phạm Tu cho một đường phố lớn qua huyện Thanh Trì.
       Ngày 29.10.2008, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn số 2582/UBND-VHKG gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, UBND huyện Thanh Trì và trả lời Ban Liên lạc họ Phạm ViệtNam.     
      Trong văn bản UBND đã có ý kiền đồng ý về chủ trương theo đề nghị của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam về việc đặt tên Phạm Tu (476-545) cho một đượng phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND huyện Thanh Trì, Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất nội dung giải quyết theo đúng quy trình tại Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ngày 27.11.2006 của UBND Thành phố vê việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
      Hiện nay Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đang họp kỳ họp lần thứ 21. Trong chương trình nghị sự có việc quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố. Song, theo thông tin trên báo chí cho biết trong danh sách 45 đường phố trong tờ trình mà UBND Thành phố đệ trình lên kỳ họp lần này ở huyện Thanh Trì không có tên đường phố Phạm Tu.
      Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam một lần nữa làm đơn kiến nghị Thành ủy, HĐND Thành phố và UBND Thành Phố nghiên cứu đặt tên Đô hồ Đại vương Phạm Tu, vị khai quốc công thần thời Tiền Lý, người đứng đầu Ban Võ triều đình Vạn Xuân vào năm nay, năm kỷ niêm lần thứ 1465 ngày hy sinh của danh tướng Phạm Tu ở tòa thành nơi cửa sông Tô Lịch trong trận chiến chống quân Lương (ngày 20 tháng 7 năm Ât Sửu, năm 545)
     Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam xin trân trọng gửi đến quý vị lời cảm ơn chân thành nhất.
          
                                                                                               BAN LIÊN LẠC HỌ PHẠM VIỆT NAM
                                                                                                               KT. TRƯỞNG BAN
                                                                                                      Phó Trưởng ban thường trực
                                                                                                                       PHẠM CẦU
                                                                                                                            (đã ký)
»»  Đọc tiếp

14 tháng 7, 2010

Tản mạn World Cup 2010

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 7 14, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

TẢN MẠN WORLD CUP 2010


Bốn năm “đến hẹn lại lên”, những tín đồ “túc cầu giáo” lại “ăn cùng bóng đá, ngủ cùng bóng đá” như những lần trước. Năm nay “Ngày hội bóng đá” được tổ chức tại “Lục địa đen”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngày Hội bóng đá đã diễn ra trên đất Nam Phi – một vùng đất vừa văn minh vừa hoang dã. Lễ khai mạc diễn ra thật độc đáo: Những miếng da lớn đủ các mầu sắc ghép lại và nhũng bàn chân in dấu trên đó nói lên chính châu Phi mới là nơi xuất xứ của loài người. Rồi con bọ hung khổng lồ dẫn theo đoàn người với những bộ xiêm y sặc sỡ lòe loẹt của các sắc tộc châu Phi đã nói lên sự hoang dã đó. Lễ khai mạc độc đáo đó đã để lại trong lòng tôi những xao động mà dư âm của nó còn kéo dài đến tận hôm nay.

                                                    Ảnh1. Đêm khai mạc đầy màu sắc

Ba mươi hai đội bóng ưu tú từ khắp năm châu hội tụ tại đây để làm nên những bữa tiệc bóng đá hoành tráng cho hàng mấy tỷ người trên hành tinh này. Lượt trận đầu tiên của vòng bảng nói chung là tẻ nhạt và làm cho các fan bóng đá hơi thất vọng trừ trận ra quân của cỗ xe tăng Đức cho ta một khoái cảm thực sự và người ta mới thấy thế nào là bóng đá hay. Nhưng khi mà “chủ nghĩa thực dụng” đang chế ngự thế giới này thì các đội ra quân theo kiểu thăm dò là lẽ đương nhiên. Những giọt nước mắt của một cầu thủ Bắc Triều Tiên - Jong TaeSe là một hình ảnh đẹp vì mầu cờ sắc áo của đất nước để lại trong tôi một cảm súc thật mãnh liệt.

Ảnh2. Giọt nước mắt của Jong Tase Bắc Triều tiên - vì màu cờ sắc áo

Đến lượt trận thứ hai đã xuất hiện những kịch tính. Đội đương kim vô địch châu Âu – Tây Ban Nha đã phô diễn một trận đấu thất vọng. Đâu rồi những chân sút lừng danh?! Như Torres, Villa, …Đúng là thừa cơ hội mà thiếu bàn thắng. Kết cục còn bị thua đối phương thế có nhục nhã không? Những đại gia châu Âu như Anh, Pháp, Ý đều làm cho người ta thất vọng. Đội Đức đã không vượt nổi các “dớp” của các lần World Cup trước đã bị phơi áo trước Thụy Sỹ một cách đau đớn.




Ảnh3. Hình ảnh Fairplay giữa cầu thủ 2 đội   Nhật và Cameroon

Đến lượt trận thứ ba mới thực sự gay cấn nhiều trận cầu nảy lửa đáng xem. Nụ cười và nước mắt của cầu thủ của các fan hâm mộ đúng là những bi hài kịch trên sân cỏ. Đội Pháp xách va ly về nước như những chú gà mắc mưa. Đương kim vô địch Italia tự đánh mất hào quang của năm 2006. Bóng đá châu Á đại diện là đội Hàn Quốc và đội Nhật Bản đã làm nức lòng cả châu lục đông dân nhất thế giới. Nhìn chung trình độ bóng đá của các Châu lục đã xích lại gần nhau hơn. Không còn khái niệm “những đội lót đường nữa” và những chân lý bất di bất dịch của bóng đá không hề thay đổi – “Tấn công lắm mà không ghi được bàn là sẽ bị thủng lưới”. Vai trò các ngôi sao hình như đã giảm thay vì tính kỷ luật và tinh thần đồng đội v.v. …Kịch tính ở lượt trận thứ ba của vòng Bảng đã xuất hiện. Đó là những trân chiến đấu một mất một còn của các đội: hoặc là đi tiếp hoặc là về nước. Một số trận hay đã làm vừa lòng khán giả. Và sự hấp dẫn cứ tăng dần theo từng trận đấu. Nhìn chung số bàn thắng của vòng Bảng quá ít ỏi gây mất hứng cho người xem.
Đến vòng knock - out thì đã có một diện mạo hoàn toàn khác. Những trận đấu không khoan nhượng và số bàng thắng tăng vọt. Những đội hay hơn đã đi tiếp còn những đội bị loại cũng có thể ngửng cao đầu. Trận Đức – Anh thật sự là một bữa tiệc đầy hương vị! Và hình như lịch sử cứ lặp lại : cho hai đội kỳ phùng địch thủ gặp nhau và để cho người Đức trả món nợ với người Anh.

                                              Ảnh4. Trận đấu giữa đội tuyển Đức và Anh

Một vấn đề gay cấn mà lân World Cup nào cũng lặp đi lặp lại đó là trọng tài, các ông “vua sân cỏ” làm hỏng cả bữa tiệc. Có ông thì rất hào phóng trong việc phân phối thẻ vàng, thẻ đỏ (có đến quá nửa số trận đấu dính thẻ đỏ), có ông lại có những phán quyết rất kỳ cục gây những oan trái cho các đội bóng. Tất nhiên khán giả cũng rất thông cảm với các vị ấy, vì họ cũng là người trần mắt thịt mà, làm sao mà không có những xử lý sai sót, vấn đề là do Ban tổ chức! Các nước thiếu gì trọng tài giỏi mà lại chọn các ông ấy?
Ảnh5. Biến họa về những ông vua sân cỏ

Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì nhận được tin: Đội 6x6 của Việt Nam đã bảo về thành công ngôi Á Quân năm ngoái chỉ để thua sát nút đội tuyển Brazil với tỷ số sít sao: 1-0. Điều đáng nói hơn là chúng ta đã chiến thắng trong một hoàn cảnh hết sức éo le. Thủ môn Hải Ly bị chấn thương, một mắt xưng vù vẫn hóa giải được 3 quả 11m của đội Mỹ (trong trận Tứ kết), và ông Nguyễn Hữu Đang, huấn luyện viên phải vào thay thủ môn! Tuy là một sân chơi nhỏ hơn (diễn ra cùng thời điểm với World Cụp tại Nam Phi ) nhưng cũng làm cho chúng ta tự hào và hoàn toàn có một giấc mơ về tương lai nền bóng đá nước nhà.


                                   Ảnh6. Đội tuyển Bóng đá 6x6 Việt Nam đoạt ngôi Á quân

Khi kết thúc vòng 1/8 người ta cứ tưởng World Cup lần này là của các đội bóng Nam Mỹ. Ai dè qua bốn trận tứ kết đã loại ba đội Brazil, Arhentia và Paraguay, chỉ còn sót lại Uruguay đi tiếp. Như vậy tình thế đã đảo ngược - World Cup lần này lại là của người châu Âu. Nhìn cảnh đội Brazil thua tức tưởi trước Hà Lan và Đội quân của “Cậu bé vàng” thua tâm phục khẩu phục trước người Đức mới thấy hết cái ngặt nghèo của bóng đá! Đội Đức mà tôi vẫn yêu mến và cảm phục sau cú “sảy chân” định mệnh đã chơi ngày một khởi sắc chính vì họ đã dám thay đổi cách nghĩ và lối chơi, đặc biệt là biết tin vào lớp cầu thủ trẻ. Cánh cửa đã mở vào trận “Chung kết” với “Cỗ xe tăng” và biết đâu đội tuyên Đức lại làm được điều kỳ diệu là lần thứ tư đứng trên bục vinh quang! Những trận cầu ở vòng “Tứ kết” thật gay cấn, hào hứng và sôi nổi. Nhưng biến đổi khôn lường của từng trận càng tăng thêm sức hút của môn thể thao vua.
Cháu ngoại tôi năm nay mới 10 tuổi, tuy là con gái mà cũng mê xem đá bóng cháu còn cá cược với bà ngoại. Trận Brazil gặp Hà Lan cháu cá Brazil thắng nếu cháu thua sẽ ăn rau suốt một tuần(thường cháu chỉ thích ăn thịt nhất là thịt quay chứ rất ghét ăn rau) Ai dè Brazil thua thế là cháu khóc tức tưởi không chỉ vì đội cháu yêu thích thua mà quan trọng hơn là phải ăn rau một tuần! Thế mới biết sức hút của trái bóng lớn đến nhường nào!
Ảnh7. Cầu thủ Ghana ôm mặt khóc

Những kẻ tội đồ (đá phản lưới nhà hay sút 11m không thành công) đều có những số phận rất bi thảm. Có cầu thủ đã từng bị bắn chết hoặc ít ra cũng bị chỉ trích thậm tệ. Đằng này người Nhật lại không làm thế mà còn khen ngợi cầu thủ sút 11m ra ngòai dẫn đến đội quân “Samura” thất trận phải dừng bước. Thế mới biết có những nền văn hóa khác nhau đối xử với các cầu thủ cũng khác nhau. Cách xử sự của người Nhật văn minh biết bao!
Trận bán kết đầu tiên đã cống hiến cho khán giả những giây phút hồi hộp đến phút cuối. Và cũng ở những phút bù giờ đã có những phút tỏa sáng của các cây săn bàn. Phút bù giờ của hiệp 1, Forlan đã có một cú sút đẳng cấp mang về tỷ số 1-1 cho Uruguay đem lại hy vọng cho đội bóng Nam Mỹ. Nhưng một cánh én không làm nên mùa xuân. Đội của anh đã thất bại với tỷ số 2-3 xít xao! Uruguay có thể ngửng cao đầu về những gì họ đã thể hiện suốt thời gia qua.


Ảnh 8. Nhà tiên tri “Bạch tuộc Paul”

Cả thế giới đang sửng sốt về "nhà tiên tri" (chú bạch tuộc Paul) tài ba về những dự đoán thắng thua của đội tuyển Đức. Người ta chưa thể hiểu nổi tại sao chú bạch tuộc bé bỏng ấy lại có một khả năng như vậy? Theo dự đoán của chú thì đội tuyển Đức sẽ thua trong trận bán kết thứ 2. Tôi mong rằng có lẽ lần này chú sẽ dự đoán sai, bởi một lẽ thật đơn giản đó là tôi yêu Đội bóng Đức. Yêu cái cách họ chuẩn bị cho mỗi trận đấu: họ có cả một đội quân kỹ sư tin học 62 người để thu thập thông tin về các đối thủ của họ. Chính những thông tin quí báu ấy đã giúp đội tuyển Đức khắc chế được đối phương. Yêu cái cách họ mạnh dạn dùng lực lượng trẻ và sự tôn vinh thứ bóng đá đẹp - tấn công và tấn công để cống hiến cho khán giả những bữa tiệc hoành tráng do môn thể thao vua đem lại.
Lần đầu tiên tôi thức dậy xem hết cả trận bán kết giữa Đức và Tây Ban Nha. Thật buồn vì đội bóng mà tôi yêu thích đã phải dừng bước. Chẳng lẽ nhà tiên tri "Bạch tuộc" đã gây cho các cầu thử Đức nỗi ám ảnh về một trận thua định mệnh. Tôi cho rằng huấn luyện viên người Đức đã sai lầm co về phòng thủ mà không tấn công như những trận trước. Tấn công là cách tốt nhất để làm giảm áp lực cho khung thành đội nhà! Người Đức đã không tận dụng thế mạnh của mình, họ tự thua người Tân Ban Nha một cách oan uổng


Ảnh9. Những người gác thành xuất sắc

Đến lúc này có thể biểu dương các thủ môn tài ba của nhiều đội tuyển, chính họ đã đem lại chiến thắng cho nhiều đội tuyển. Có thể nói không ngoa rằng World Cup 2010 là của các thủ môn. Ví như trận đêm qua nếu Casillas không xuất sắc thì đã phải vào lưới nhặt bóng rồi và thế trận chắc sẽ khác
Một trận đấu lớn như đêm qua mà thẻ vàng không có một chiếc nào, thế mới biết họ chơi fair-play biết nhường nào, có lẽ đây là trận ít thẻ nhất tính đến trận đấu này!
Trận tranh giải Ba đêm qua vì không đội nào muốn về tay trắng nên cả hai đã chơi hết mình. Một trận đấu không buồn tẻ như các kỳ World Cúp trước mà khá sôi nổi và kịch tính, tỷ số luôn bị rượt đuổi. Kết quả chung cuộc 3-2 nghiêng về đội tuyển Đức tuy trận này họ thay khá nhiều cầu thủ vẫn ngồi trên ghế dự bị lâu nay. Thế là lời dự đoán của nhà "Tiên tri Bạch tuộc Pual" lại chính xác thêm một lần nữa! Đội Đức xúng đáng nhận Huy chương Đồng bởi những màn trình diễn đầy thuyết phục của họ trong suốt thời gia qua. "Cỗ xe tăng Đức" không còn lì lợm như trước mà đã lãng mạn hơn bởi dàn cầu thủ trẻ đầy triển vọng biểu diễn trên sân như những vũ công Samba hay Tango.thực thụ.

                                                 Ảnh 10. Khán giả trận Chung kết

Lại nói đến các ngôi sao gần như đã lặn hết trong giải đấu lớn này duy chỉ còn Forlan vẫn tỏa sáng trên bầu trời Nam Phi những ngày qua. Anh đã có được 5 bàn thắng- những bàn thắng cực kỳ quan trọng cho đội Uruguay - từ một đội tranh vé vớt mà đi sâu vào giảỉ đến trận tranh giải Ba đêm qua. Tôi cũng rất thông cảm với những siêu sao khác như Ch. Ronaldo, Rooney, Kaka, Messi, v.v... Bởi khi họ đến đây đã bị vắt kiệt sức bởi những cuộc tranh tài cấp CLB của họ ở các giải nổi tiếng như Anh, Tây Ban Nha, ... Đối với tôi họ vẫn là siêu sao bởi kỹ thuật điêu luyện của họ. Họ đúng là những nghệ sỹ tài năng trên san cỏ, nhìn họ đi bóng, lừa bóng hay sút bóng làm cho ta ngây ngất thán phục khi họ còn chơi ở Câu lạc bộ. Còn những trận đấu vừa qua thấy họ vật vờ lẻ loi mà thấy thương chứ không nên trách họ. "Một cánh én không làm nên mùa xuân" chân lý ấy không thay đổi vì bóng đã là một sân chơi mang tính đồng đội rất cao.

Ảnh 15. Đội Vô địch Tây Ban Nha nhận Cúp

Trận chung kết đêm qua diễn ra thật tuyệt vời. Căng thăng, sôi nổi và hào hứng suốt từ đầu chí cuối. Tinh căng thẳng thể hiện ở số thẻ vàng và thẻ đỏ lên tới hơn một chục (14 thẻ trong đó 2 thẻ vàng biến thành 1 thẻ đỏ), trong đó đội Hà Lan chiếm phần đa số. Hai đội thi nhau vây hãm khung thành của nhau. Những cơ hội làm bàn quá thừa mà số bàn thắng lại quá ít. Nhìn những đợt lên bóng tuyệt vời của đội Tây Ban Nha tạo nên không biết bao nhiêu cơ hội ăn bàn rồi lại phí uổng những cơ hội ấy do sự kém duyên cảu các chân sút. Đội Hà Lan phản công cũng rất hay và số cơ hội ăn bàn cũng không kém đối thủ. Nhưng, lại nhưng cũng chẳng có cơ hội nào biến thành bàn! Trận chung kết tuyệt vời đêm qua thật xứng danh là một trận bóng đá đỉnh cao gây nên biết bao cảm xúc cho người hâm mộ trên toàn cầu. Kết quả cuối cùng dành cho đội chơi cống hiến hơn – Đội Tây Ban Nha. Thế là “Thầy bạch tuộc Paul” lại đoán đúng lần nữa, độ chính xác lên tới 100% thật không tài nào hiểu nổi.
Cuộc chơi nào cũng đến giờ kết thúc, World Cup 2010 đã thành công rực rỡ. Những danh hiệu quan trọng nhất cũng đã có chủ: Cầu thủ xuất sắc nhất giải (Quả bóng vàng) thuộc về Diego Forlan – một ngôi sao duy nhất của đội tuyển Uruguay tỏa sáng trên bầu trời Nam Phi.. “Chiếc giầy vàng” và “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất” thuộc về Thomas Muller đội tuyển Đức. Thủ môn xuất sắc nhất giải thuộc về Casillas đội Tây Ban Nha.

                             Ảnh 16. Những cầu thủ̉ xuất sắc nhất giải: Forlan, Muller, Casillas

Nhìn người lại ngẫm đến ta! Bao giờ, bao giờ? Bóng đá Việt Nam mới vươn ra khỏi vùng trũng này? Bao giờ lá cờ tổ quốc mới được tung bay trên sân chơi world Cup? Tất cả những đội tiến sâu vào giải như Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đều có các lò đào tạo cầu thủ trẻ bài bản và các đội tuyển U17, U19, U21 của họ đều giành những giải cao của các sân chơi ấy và giờ đây trong đội hình của họ được bổ sung những cầu thủ trẻ đầy tài năng trưởng thành từ các giải đó. Còn Việt Nam ta thì sao? Liên đoàn bóng đá nghĩ gì và quan trọng hơn là đã làm gì?
Rồi những trận cầu đẹp mắt đầy tinh thần “fair-play” như trận tranh giải 3, 4 giữa Đức và Uruguay không có một thẻ vàng nào. Thế mà tại sân chơi V-League nạn bạo lực sân cỏ ngày càng trầm trọng mất hết vẻ đẹp của môn thể thao vua làm sao có thể kéo được khán giả đén sân và bao giờ bóng đá Việt Nam mới thật sự chuyên nghiệp?

                         Ảnh17. Đêm bế mạc huyền ảo - hẹn gặp lại World Cup 2014

Rất may là vẫn còn đó thứ bóng đá đẹp - thiên về tấn công để tạo nên những bàn thẳng, những khoảnh khắc thăng hoa của cầu thủ làm vỡ òa cầu trường và rung động hàng triệu trái tim người hâm mộ.

Tp.HCM, 11/6 – 12/7/2010
Pha Lê
»»  Đọc tiếp

12 tháng 7, 2010

Phạm Việt Cường đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olimpia quốc tế lần thứ 51

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 12, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Phạm Việt Cường đoạt huy chương Bạc tại kỳ thi Olimpia quốc tế lần thứ 51

NDĐT - Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 51 (IMO 2010), tổ chức tại Astana, Kazakhstan từ ngày 2 đến ngày 14 tháng 7, cả sáu học sinh của đoàn Việt Nam đều đoạt huy chương, trong đó có một huy chương vàng, bốn huy chương bạc và một huy chương đồng.

Với thành tích trên, đoàn Việt Nam đứng thứ 11 trên bảng xếp hạng; đoàn Trung Quốc đứng đầu với cả 6 thí sinh đoạt huy chương vàng, tiếp theo là Nga với 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Trung, lớp 12 trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đã xuất sắc đạt 28 điểm, giành huy chương vàng duy nhất của đoàn Việt Nam, đứng thứ 27 trên bảng xếp hạng cá nhân.

Các thí sinh đoạt huy chương bạc gồm Nguyễn Kiều Hiếu, lớp 12 trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), đạt 22 điểm; Phạm Việt Cường, lớp 12 trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), đạt 21 điểm; Trần Thái Hùng, lớp 11 trường trung học thực hành – trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đạt 21 điểm; Vũ Đình Long, lớp 11 Khối trung học phổ thông chuyên Toán-Tin học – trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội đạt 21 điểm.

Thí sinh Nguyễn Minh Hiếu, lớp 12 Khối trung học phổ thông chuyên Toán-Tin học – trường đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia Hà Nội đoạt huy chương đồng với 20 điểm.

Ngọc Trác
»»  Đọc tiếp

Một cuộc thi đầy ý nghĩa

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 12, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Cuộc thi "Ảnh đẹp nhà thờ họ Phạm"

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, người Việt Nam đã lần lượt hình thành ba trung tâm văn hoá lớn trong từng thời kỳ đặc biệt của đất nước: Thăng Long là nơi hội tụ và lan toả của nền văn hoá Đại Việt thời kỳ độc lập. Huế là trung tâm văn hoá của vùng đất mới Đàng Trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh và dần dần phát triển trở thành trung tâm văn hoá của Việt Nam. Sài Gòn - Gia Định là trung tâm văn hoá của vùng đất mới phía Nam kể từ khi Việt Nam tiếp nhận nền văn minh hiện đại phương tây.

Từ đầu thế kỷ XIV, sau đám cưới Huyền Trân Công Chúa, lớp người Việt đầu tiên di dân vào Thuận Hoá đều xuất phát từ Nghệ Tĩnh. Từ cuối thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá và xây dựng xứ Đàng Trong lại tiếp tục những đợt di cư lớn về phía Nam. Đợt di dân thứ hai cùng chúa Nguyễn Hoàng đại bộ phận là dân gốc Thanh Hoá. Một bộ phận là dân các tỉnh miền Bắc, có cả dân Nghệ Tĩnh. Kể từ đây Đàng Trong dần dần hình thành các vùng dân cư và vùng văn hoá mới. Trong quá trình khai phá, mở mang bờ cõi về phương nam của dân tộc Việt có công lao của các tộc họ Phạm. Ở tất cả các tỉnh thành miền Nam đều có con dân họ Phạm định cư từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, ở các vùng đất mới con dân họ Phạm không có điều kiện sinh sống tập trung và đông đúc như ở miền Bắc. Nhiều nơi có con dân họ Phạm nhưng không có nhà thờ tộc họ nên sự liên kết trong dòng tộc cũng không được chặt chẽ, gắn bó như ở miền Bắc, miền Trung.
Một trong những mục tiêu, chương trình hoạt động của Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam là đi tìm nguồn gốc và kết nối các dòng họ Phạm trên toàn quốc “như cây một gốc như con một nhà”. Công việc này ở các tỉnh miền Nam không được thuận lợi như ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Để gắn kết hoạt động kết nối dòng họ Phạm các tỉnh phía nam, nhằm giới thiệu hình ảnh các nhà thờ, đền thờ, di tích lịch sử văn hoá liên quan đến danh nhân họ Phạm, Ban liên lạc Họ Phạm TP Hồ Chí Minh khởi xướng cuộc thi Ảnh đẹp nhà thờ họ Phạm.
Cuộc thi giới hạn không gian địa lý vào các tỉnh miền Nam nhưng Ban tổ chức rất hoan nghênh sự hưởng ứng của các dòng họ Phạm ở miền Bắc và miền Trung. Tác phẩm dự thi sẽ được giới thiệu trên Trang thông tin điện tử và Bản tin nội tộc – Thông tin Họ Phạm Việt Nam. Các tác phẩm có chất lượng nội dung - nghệ thuật được tổ chức trưng bày trong Tuần lễ Văn hoá họ Phạm - dự kiến tổ chức vào quý III năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh. Ban tổ chức sẽ trao 10 phần quà cho 10 tác giả có tác phẩm chất lượng cao. Trong đó có giải đặc biệt dành cho tác giả có nhiều ảnh đẹp và kèm theo đó là những thông tin, tư liệu về nhà thờ họ Phạm ở vùng sâu, vùng xa; ảnh các nhà thờ họ còn đơn sơ, còn mang dáng dấp một căn nhà mộc mạc của hộ nghèo, hoặc cận nghèo, nhưng ấm áp nghĩa tình dòng tộc, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ông bà rất thành kính, trang nghiêm.

Tác phẩm dự thi gửi về BLL Họ Phạm TPHCH: số 6 Phan Bội Châu, Phường Bến Thành, Quận 1, TP Hồ Chí Minh; hoặc gửi đồng thời vào hai địa chỉ Email: canphamvan@yahoo.com, thanhtungbtp@gmail.com - dung lượng ảnh từ 3 - 4 MB.

BTC cuộc thi Ảnh đẹp nhà thờ họ Phạm

Một ví dụ ảnh nhà thờ họ Phạm làng La Qua - huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ảnh: Phạm Minh Thông
»»  Đọc tiếp

4 tháng 7, 2010

Tin vắn

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 7 04, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

BLL HỌ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH HỌP PHIÊN GIỮA NĂM



14h45, tại trụ sở của BLL họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh số 6 phan Bội Châu, Q1 đã có cuộc họp Thường trực mở rông BLL họ Phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tới dự có PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng BLL họ Phạm Việt Nam, Cố vấn BLL – Phạm Đức Thưởng, Phó TBT bản tin nội tộc “Họ Phạm Việt Nam – Phạm Thanh Tùng và các các UV BLL cũng như một số BLL họ Phạm quận huyện.
Trưởng BLL Phạm Văn Căn đã chủ trì hội nghị, báo cáo một số việc cần thực hiện từ nay đến cuối năm, trọng tâm là cuộc gặp mặt họ Phạm TP. Hồ Chí Minh lần thú 2. Hội nghị đã quyết định cuộc họp mặt họ phạm Tp. Hồ chí Minh lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2010. học. Tại buổi gặp mặt cuối năm sẽ có chương trình tài trợ học bổng cho con em họ Phạm thành số có thành tích học tập xuất sắc ưu tiên các học sinh nghèo vượt khó. Địa điểm và thời gian sẽ thông báo sau.
Sau đó Hội nghị đã bổ sung kiện toàn BLL thành phố và Thường trực BLL để triển khai các công việc từ nay đến cuối năm.



Nhân ngày giỗ Thượng Thủy tổ Phạm Tu các BLL quận huyện chủ động họp măt và dâng hương tại một từ đường họ Phạm trên địa bàn.
Hội nghị nhất trí cử đoàn đại biểu của BLL thạm gia cuộc họp mặt đại biểu họ Phạm toàn quốc lần thứ 13 tại Ninh Bình.
Hội nghị cũng đã quyết định cung tiến cho “Công trình Tu bổ, tôn tạo Đình thờ Đô hồ Đại vương Phạm Tu” 3.000.000d (ba triệu đồng)
Hội nghị cũng đã tiến cử Ban tổ chức cuộc gặp mặt cuối năm và giao cho Ban tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện.
Các công việc khác sẽ cố gắng thực hiện như kế hoạch đầu năm đã được BLL thông qua. Trong đó vẫn chú trọng việc vận động củng cố và thành lập các BLL quận, huyện và đẩy mạnh công tác khuyến học và tương trợ những bà con họ Phạm nghèo gặp biến cố đột xuất.


Bác Phạm Đức Thưởng, Cố vấn BLL đã báo cáo thêm ngày 18/6/2010 đã cùng bác Phạm Thế về viếng thăm quê hương cố Thủ tướng Phạm Hùng.

Pha Lê
»»  Đọc tiếp

NSND Phạm Quí Dương

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 7 04, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

NSND Phạm Quý Dương: Tài hoa và nghị lực


NSND Phạm Quý Dương - Quê gốc ở làng Thượng Cát, huyện Gia Lâm - Hà Nội. Năm 1936 ông sinh ra ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.
Ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, cũng là lúc chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi xanh đi hát phục vụ đồng bào. Từ đó, người yêu nhạc biết tới giọng hát trầm ấm, sang trọng của nghệ sĩ Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước.
Trong ấn tượng của nhiều người, ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”.... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng vời vợi cảm xúc.
Trong ký ức của người Hà Nội hẳn không thể quên những vở ôpêra trong lộng lẫy ánh đèn sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng hay “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chính các chuyên gia Triều Tiên đạo diễn. Tiếp đó là nhiều vở nước ngoài khác như “Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”, “ La vie Parisiene” (Đời sống người Pari ) …
Lớp nghệ sĩ ôpêra Việt Nam đầu tiên trong các vở diễn trên như Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu … đều là những người chưa được học tập, đào tạo về ôpêra một cách bài bản mà chỉ được truyền thụ trực tiếp qua các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc lúc đó. Vậy mà, các chuyên gia nghệ thuật nước ngoài đã phải thốt lên kinh ngạc trước sự thông minh, tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam khi Quý Dương và các đồng nghiệp của ông thể hiện thành công những vở ôpêra kinh điển của thế giới trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Bầu không khí nghệ thuật ấy đã thúc đẩy các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác những vở ôpêra nói về đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết hai vở “Cô Sao” và “Người tạc tượng”, nhạc sĩ Nhật Lai viết vở “Bên bờ Krông pa”...
Với những vở ôpêra nước ngoài hay trong nước nói trên, nghệ sĩ Quý Dương luôn được chọn vào những vai “nặng”, những vai chính có nội tâm phức tạp như vai Ônhêghin - một trí thức quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX chán ghét cuộc sống nhàm chán của tầng lớp quý tộc, có hoài bão lớn lao, có khát vọng tự do, song bế tắc và bất lực trước cuộc sống; vai ông già yêu nước Triều Tiên (Núi rừng hãy lên tiếng), đặc biệt là vai Hồng y giáo chủ Môngtaneli (Ruồi Trâu) là một nhân vật có sự giằng xé nội tâm vô cùng phức tạp v.v…
Những năm 1979 - 1983 Quý Dương được Nhà nước cho đi học Thanh nhạc ở Bungari. Đây là thời gian giúp ông được trang bị phương pháp Bel Canto, tức phương pháp Thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Song không dừng lại ở đó, cái quý giá là ở chỗ ông đã dùng phương pháp Bel canto kết hợp với cách xử lý của Nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc của người Việt. Trong nghệ thuật Thanh nhạc, ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam bằng trí tuệ và trái tim của một nghệ sĩ mà cuộc sống luôn gắn bó với nhân dân và dân tộc.
Ông luôn tâm niệm rằng, một nghệ sĩ chân chính, một tài năng nghệ thuật đích thực trên lĩnh vực ca hát đòi hỏi phải có bốn yếu tố: Kỹ thuật thanh nhạc tốt, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.
Một đạo diễn ôpêra đã đánh giá Quý Dương là một Nghệ sĩ thuộc loại hiếm có bởi ông là người hát ca khúc nghệ thuật và hát cổ điển, cả hai phương diện ấy ông đều có những dấu ấn vượt thời gian. Quý Dương cũng là người “mở đường”, nói về ông người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một “điệp khúc” đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát ôpêra đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở ôpêra kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất mang ôpêra đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà ngoài các thày thuốc ra, ai cũng ngại ngần khi gặp họ. Vậy mà Quý Dương đã đến, đến một cách lặng lẽ, mang tấm lòng và tiếng hát của mình sẻ chia với các số phận kém may mắn, giúp họ có thêm tình yêu cuộc sống để chiến thắng bệnh tật …
Vào giữa những năm 80, trong cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Quý Dương cùng với nghệ sĩ Pianô Hoàng My và nhiều người bạn khác nữa đã đề xướng tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”, giới thiệu những ca khúc cách mạng và trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao với đông đảo công chúng Hà Nội và cả nước. Trong hai năm 1986 - 1987, hơn 60 “Đêm nhạc Văn Cao” đã được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố khác. Thành công vang dội này đã góp phần quan trọng khẳng định lại giá trị của Văn Cao, của Âm nhạc Văn Cao với những tác phẩm sống mãi với thời gian như Tiến Quân ca, Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi v.v… Đó không chỉ là tấm lòng tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ mà còn là lương tâm và trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước mà Quý Dương và những người bạn của ông đã nêu một tấm gương đẹp.
Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho ông vào đầu những năm 1993, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng của ông. Phục hồi Nhà hát ôpêra, đào tạo lớp nghệ sĩ ôpêra trẻ tuổi, sáng tác những vở ôpêra phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam hiện nay là ước mong lớn nhất của NSND Quý Dương và nhiều Nghệ sĩ cùng thế hệ với ông hiện nay. Mong sao mong ước của ông sẽ trở thành hiện thực...
Trong những ngày giặc Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam (ông là người hát đầu tiên trên Đài TNVN), thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Mỗi khi tiếng bom vừa ngớt, tiếng hát lại vang lên như minh chứng sinh động nhất về sức sống của người Hà Nội.
Cùng với nhiều nghệ sĩ khác, NSND Quý Dương đã mang tiếng hát của mình đến với các chiến trường. Giọng hát ấy đã làm ấm lòng bao chiến sĩ, nung nấu tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm và kêu gọi nguỵ quân buông súng, trở về với đất nước.
Có lần các chiến sĩ nhờ ông dạy hát, dạy được nửa bài thì đêm đã khuya, hẹn ngày mai học tiếp nhưng rồi ngay hôm sau, đồng đội đã khiêng xác các anh về mà chưa kịp học nốt bài hát còn dang dở. Những sự hy sinh như thế, khiến người nghệ sĩ trong ông luôn cảm thấy mình mắc nợ nhân dân và được hát phục vụ nhân dân là hạnh phúc vô bờ.
Chính tâm trạng day dứt ấy đã khiến ông khi là giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vẫn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.
NSND Quý Dương còn là người thầy của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi như: Trung Đức, Thuỳ Mỵ, Bích Việt... Đến nay, căn nhà của ông vẫn là điểm đến của rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Điều mà ông thường nhắn nhủ các học trò của mình là làm nghệ thuật phải hết mình và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ được tư cách của người nghệ sĩ.
Nghệ thuật chân chính là biết truyền cho người thưởng thức thông điệp về tình yêu, lòng nhân ái, sự cao thượng... Và ông đã truyền được lòng đam mê, thái độ nghiêm túc với nghệ thuật tới bốn người con của mình.
Danh hiệu NSND ông được tặng năm 1993 là sự ghi nhận những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Nhưng có lẽ, điều hạnh phúc hơn cả là ông có một đại gia đình nghệ sĩ luôn đầy ắp tiếng cười. Và với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò, ông luôn là một tấm gương sáng về tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ.
Năm nay ông đã 74 tuổi, mặc dù sức khoẻ đã yếu nhưng ông vẫn tham gia làm cố vấn cho các hội diễn văn nghệ, là thành viên giám khảo các cuộc thi ca nhạc... ông vẫn tiếp tục dạy Thanh nhạc cho những người yêu thích nghệ thuật ca hát: Sinh viên thanh nhạc, giảng viên đại học, cô giáo…
NSND Quý Dương có con gái đầu là Phạm Thu Hương đã học Piano 7 năm, hiện đang là giảng viên dạy đàn piano. Người con thứ hai là Phạm Chí Trung (NSUT Chí Trung có vợ là NSUT Ngọc Huyền). NSUT Chí Trung khi nhỏ học Violon 3 năm, sau đó được NSND Doãn Hoàng Giang giúp đỡ trở thành Nghệ sĩ Kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Hiện là Giám đốc Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ. Thứ ba là Phạm Quỳnh Trang, thạc sỹ piano, đang giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, cô đang mơ ước mở trường đào tạo nghệ sỹ. Còn người con trai út, đã tốt nghiệp Đại học ở Mỹ và vừa mới nhận bằng thạc sỹ piano jazz ở Mỹ.

Phạm Đình Điểu - Tổng hợp
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi