Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

21 tháng 7, 2010

Bia Chiến tích

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 7 21, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Ban biên tập website họ Phạm xin gửi đến các đồng chí thương binh và gia đình các liệt sĩ cả nước nói chung và họ Phạm nói riêng lời tri ân sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn đối với sự đóng góp xương máu của các thương binh liệt sỹ cho nền độc lập của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của nhà báo Phạm Thúy Lan về một người liệt sĩ họ Phạm

BIA CHIẾN TÍCH đặt tại trụ sở TCTy Xăng dầu
số 1 Khâm Thiên Hà Nội – Ảnh: Phạm Thúy Lan

TƯỞNG NHỚ
“VUA XĂNG DẦU BẮC VIỆT”
PHẠM VĂN ĐẠT
     
      Bước vào cổng Trụ sở Tổng Cổng ty Xăng dầu ở số 1 phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, đang định hỏi thăm, tôi đã nhìn thấy nổi bật ở ngay phía trước ngôi nhà 7 tầng, một tấm bia bằng đá đen trên đó có gắn tấm bảng bằng đồng. Tôi nói với bảo vệ cơ quan là xin phép vào thắp hương Bác Đạt, anh vui vẻ mời vào. Tôi rảo bước đến chỗ tấm bia, kính cẩn dâng lễ, dâng hương, rồi vội vã đọc những dòng chữ khắc trên BIA CHIẾN TÍCH. Đoạn thứ ba trên bia ghi:
      “ Cũng tại địa danh lịch sử này, ngày 26 tháng 12 năm 1972, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam - Phạm Văn Đạt đã anh dũng hy sinh trong lúc chỉ huy đơn vị tiếp nhận, vận tải, cung cấp xăng dầu cho sản xuất, chiến đấu ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và trực tiếp chống trả máy bay Mỹ ném bom khu phố Khâm Thiên".
       Đó là mấy dòng chữ ngắn gọn viết về sự hy sinh của Ông Phạm Văn Đạt. Tôi hết sức súc động khi đọc những dòng này trên tấm bia mà tôi cảm thấy rất thiêng liêng! Sau khi đọc xong văn bia, tôi mới nhìn ngắm công trình nghĩa tình mà theo như tôi được biết thì hơn hai chục năm sau khi Ông hy sinh, Ban lãnh đạo Tổng Công ty Xăng dầu phối hợp cùng với Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và Bộ Quốc phòng đã trình Nhà nước cho dựng bia “Chiến tích” đặt tại Trụ sở của Tổng Công ty và công nhận là di tích lịch sử Cách mạng của Thủ đô để ghi nhận công lao của các liệt sỹ đã hy sinh tại đây trong đó có cố Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu – Phạm Văn Đạt (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản tri -Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu thời ký 1980-2000 là người đề xướng và đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện công trình này). Một khối đá màu đen được chuyển từ Thanh Hóa về rồi xẻ ra, còn những dòng chữ được khắc vào tấm đồng lớn rồi gắn ốp vào khối đá đó! Phía bên phải tấm bia là một cây bồ đề quanh năm xum xuê tỏa mát, xung quanh là những cây cảnh đẹp mà khiêm nhường! Tôi cảm thấy giữa phố phường nhộn nhịp, nơi đây yên tĩnh biết bao! Phải có một tình cảm sâu nặng lắm với người đã khuất, người ta mới có thể làm nơi lưu niệm một cách chu đáo và trân trọng như vậy!
      Ông Phạm Văn Đạt có biệt danh là Ông “Vua Xăng dầu Bắc Việt” - đây là biệt danh mà Mỹ và Chính quyền Sài Gòn gọi Ông với sự căm tức nhưng nể phục; và mọi người trong ngành Xăng dầu trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước cũng dùng biệt danh này để gọi Thủ trưởng của Ngành mình với lòng tôn kính!
      Vâng! Liệt sĩ Phạm Văn Đạt xứng đáng được bạn bè, đồng nghiệp và hậu thế biết ơn và tôn thờ! Tôi không muốn nhắc lại tiểu sử của Ông mà Bản tin Nội tộc số 2/2002 và trang web hopham.org ngày 01/11/2005 đâ đăng tải. Tôi chỉ muốn nói về cảm súc của mình khi biết rằng chính Ông là người đã có công đầu trong việc xây dựng con đường ống đưa dòng xăng dầu chảy vào miền Nam góp phần quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ lâu, tôi vẫn cảm phục những chiến công to lớn mà thầm lặng của quân và dân ta trong việc cung cấp vũ khí, xăng dầu và vật lực cho miền Nam trong điều kiện đối phương luôn luôn tìm mọi cách để triệt phá nguồn và con đường cung cấp hậu cần cho tiền tuyến. Những con đường chiến lược trong chiến tranh như đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống xăng dầu nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến, dòng xăng vượt Trường Sơn,....luôn luôn thu hút sự chú ý của bao người trong đó có tôi. Và nhiều người nước ngoài cũng hết sức kinh ngạc thốt lên: "Làm thế nào mà Bắc Việt Nam tiếp tế được đầy đủ xăng dầu cho hàng ngàn xe pháo vào trận đánh thần tốc mùa xuân năm 1975?”
     Khi Mỹ ném bom miền Bắc, thì những mục tiêu chiến lược mà chúng tìm cách bắn phá là cầu đường, kho tàng,... trong đó xăng dầu là một mặt hàng chiến lựợc nên chúng coi là mục tiêu đánh phá quan trọng nhằm hủy diệt các kho xăng dầu lớn kể cả những bãi xăng, phuy xăng được sơ tán tận vùng núi xa xôi như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn và miền Tây khu IV. Trong những năm 1964 đến 1968 và năm 1972 dường như không có một ngày nào là máy bay Mỹ không ném bom xuống các cơ sở xăng dầu. Bởi vậy, thời đó, chúng ta luôn luôn nghe tin máy bay Mỹ ném bom xuống các cơ sở xăng dầu như Đức Giang (Gia Lâm- Hà Nội), Đinh Hương (Thanh Hóa), Bến Thủy (Nghệ An), Thượng Lý (Hải Phòng), Việt Trì,... Chúng còn dò tìm đường đi của những đoàn xe chuyên chở xăng dầu vào phía Nam để bắn phá. Bởi vây, mỗi lít xăng dầu vào tới chiến trường là vô cùng quý giá, đã phải đổi bằng bao mồ hôi, xương máu của các chiến sĩ ngành Xăng dầu và Vận tải! Là người đứng đầu của ngành Xăng dầu trong thời kỳ ác liệt nhất ấy, Ông đã chỉ đạo và cùng cán bộ công nhân viên của Ngành tìm đủ mọi cách để có nguồn xăng dầu, bảo vệ xăng dầu, cứu xăng dầu khi bị bắn phá để cung cấp nhiên liệu cho mọi hoạt động của miền Bắc và chiến trường miền Nam. Ông có nhiều sáng kiến, sử dụng mọi phương tiện có thể để chuyên chở, nhiều khi phải chỉ đạo làm những kho bãi giả để đánh lừa máy bay địch, vì thế dòng xăng dầu vẫn tuôn chảy không ngừng dưới bom đạn Mỹ. Ngay cả việc tiếp nhận xăng dầu từ các tầu của Liên Xô chở đến cũng đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao mất ăn mất ngủ mới bảo vệ được an toàn.
     Cần phải thoát khỏi sự phong tỏa của máy bay, tàu chiến Mỹ và mở đường để dẫn dầu an toàn vào chi viện cho chiến trường! Đó là sự kiện quan trọng có tầm chiến lược của ngành Xăng dầu thời ký ấy. Với chiếc com-măng-ca, ông có mặt ở khắp nơi để lo lắng tổ chức, kiểm tra việc xây dựng đường ống. Tuyến đường ống chiến lược của ngành Xăng dầu - Đây là công trình có sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Xăng dầu Bộ Quốc phòng với Tổng Công ty Xăng dầu - có tên gọi bí mật là B12 (mà ông thường gọi là “Bê đui” – theo tiếng Pháp) đã được mở bắt đầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) đi qua các tỉnh miền Bắc, xuyên qua dãy Trường Sơn, Khu V, Tây Nguyên vào sâu trong các tỉnh Nam Bộ, thậm chí qua cả nước bạn Lào, có đoạn xuyên qua núi cao, qua lòng biển, lòng sông, qua những tọa độ lửa dày đặc của giặc Mỹ.     Đó là một tuyến đường vĩ đai, đường Hồ Chí Minh xuyên lòng đất dài 3.278 km với sức chứa 81.000 tấn xăng dầu, một mạch máu giao thông ngầm vô cùng lợi hai, là công trình lớn nhất của ngành Xăng dầu. Có tới 70% lượng xăng dầu chuyển vào được miền Nam là nhờ tuyến đường này. Trong những ngày đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Phạm Văn Đạt lúc nào cũng vội vã, gầy rộc đi, râu ria không kịp cạo, mắt dỏ ngàu vì mất ngủ....Có biết bao nhiêu cán bộ ngành Xăng dầu đã đổ mồ hôi và cả sinh mạng của mình trong các cuộc chiến đấu để xây dựng và bảo vệ tuyến đường quan trọng này. Có nhiều chuyện đã thành văn và nhiều hơn là truyền miệng về các chiến sĩ Xăng dầu trong các chiến dịch “mở luồng”, trong những trận xuất quân, trong những trận chiến đấu dũng cảm, mưu trí, ngoan cường! Những người không trong cuộc khó lòng hình dung nổi cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ công nhân ngành Xăng dầu thời kỳ gian khổ mà oanh liệt ấy! Tuyến đường đã góp phần to lớn vào chiến thắng của dân tộc. 
      Chúng ta rất tự hào vì công đầu thuộc về Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Công ty Xăng dầu họ Phạm của chúng ta! Ông là “ông Tổ của ngành Xăng dầu Việt Nam”. Điều đó được chính những người trong ngành Xăng dầu đã xác nhận! Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tỏng Công ty Xăng dầu Việt Nam nói: “Ông không chỉ giỏi trong thời kỳ xây dựng Ngành mà còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ nguòn xăng dầu quý giá khi giặc bắn phá miền Bắc để đưa xăng dầu vào Nam góp phần cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng đất nước”.
      Tháng 12 năm 1972! Hà Nội hứng chịu một chiến dịch hủy diệt tàn khốc của máy bay B52 Mỹ. Những ai đã trải qua thời điểm lịch sử ấy chắc không thể nào quên 12 ngày đêm Hà Nội từ 18/12 đến 30/12/ 1972 trong chiến dịch lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”. Những An Dương, Bệnh viện Bạch Mai và đặc biệt là Khâm Thiên vẫn là những nỗi đau nhức nhối còn để lại mãi mãi sau này!
Phố Khâm Thiên đã trở thành một trong những mục tiêu hủy diệt của Mỹ. Đầu phố Khâm Thiên, số nhà 1 là Tổng Công ty Xăng dầu, dân Hà Nội thường gọi là “khu Nhà Dầu”, “Sở Dầu” là một muc tiêu của chúng. (Trước Cách mang, chỗ này gọi là “Nhà dầu Shell”. Ngày đầu tiên của cuộc Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ngay từ 8 giờ tối, giặc Pháp đã bất ngờ đánh úp “nhà dầu Shell” và liên tục từ lúc đó đến 28.12.1946 một đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ khu phố đã ba lần tập kích vị trí này gây cho giặc nhiều tổn thất. Trong những lần tập kích ấy đã có nhiều chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh. Năm hài cốt đào được tại chỗ dựng Bia chiến tích là của các chiến sĩ hy sinh trong những trận chiến đấu ấy).
     Trong những ngày này, người đứng đầu ngành Xăng dầu Việt Nam, Ông Phạm Văn Đạt như một vị chỉ huy quân đội thực thụ: mũ sắt trên đầu, đôi ủng đen, bộ quần áo gọn gàng....Ông ra lệnh “sơ tán triệt để” cơ quan Tổng Công ty Xăng dầu và đi kiểm tra những căn hầm trú ẩn tại trụ sở và các công ty mà Ông đã cho đào và trang bị một cách chu đáo từ trước nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên của Ngành. Cứ mỗi lần có tiếng còi báo động, Tổng Giám đốc Đạt lại cầm chiếc loa pin hô anh em tự vệ xuống hầm hết, rồi Ông mới chui vào chiếc hầm cá nhân của mình. Khi có lệnh báo yên, Ông lại đội nắp hầm trèo lên và hỏi rõ to :”Anh em có ai việc gì không? Đủ cả chưa?”.
     Nhưng hôm ấy, ngày 26/12/1972 (nhằm ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tý)... Sau trận bom B52 rải thảm xuống phố Khâm Thiên bắt đầu muộn hơn mọi ngày, từ 22 giờ 45 phút, toàn bộ phần phía nam của phố Khâm Thiên, tức dãy số nhà lẻ, trong đó có số nhà 1, Trụ sở của Tổng Công ty Xăng dầu trở thành một đồng hoang tàn, không còn nhà cửa. bao nhiêu gia đình tan nát.... Dứt tiếng bom, mọi người ra khỏi hầm đã lâu mà vẫn không nghe tiếng gọi quen thuộc của Tổng Giám đốc Phạm Văn Đạt! Ông đã không bao giờ gọi được mọi người nữa! Ông vẫn ngồi trên ghế đẩu trong hầm cá nhân đã bị sức ép của trái bom tấn rơi trúng hầm di chuyển đi khỏi vị trí cũ của hầm hơn chục mét. Ông đã lặng lẽ ra đi trong tư thế phòng chống sức ép của bom với chiếc mũ sắt trên đầu! Bộ Vật tư đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Ông tại Văn phòng Bộ, rồi đưa Ông về mai táng tại quê nhà - xóm Bến, xã Phúc Thắng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; Phó Thủ tướng Đỗ Mười và nhiều đoàn của các cơ quan cùng về dự lễ mai táng!
      Ông đã ra đi 38 năm, nhưng trong lòng con cháu, bạn bè, những người thân và cán bộ nhân viên ngành Xăng dầu, Ông còn sống mãi không phải chỉ vì Ông là Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành Xăng dầu đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, mà vì Ông là một con người rất mực CON NGƯỜI, sống “gương mẫu, giỏi giang”, chu đáo và đầy đặn nghĩa tình....
     Anh bạn đi cùng tôi lên dâng hương tại Bia cứ xuýt xoa: “Sao Nhà nước không truy tặng Cụ danh hiệu Anh hùng, bây giờ làm cũng có muộn đâu”.... Tôi nói với anh : “Đúng thế, nhưng chỗ đứng trong lòng người có khi còn cao hơn cả những danh hiệu! Ông bất tử!”.
     Ông Bà đã sinh ra, nuôi dạy và để lai cho đời những người con hiếu thảo, giỏi giang, biết sống, biết làm việc và cống hiến hết mình cho những mục tiêu mà minh đã chọn. PGS.TS Phạm Đạo, Trưởng Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam của chúng ta là con trai của Ông Bà. Anh là người thành đạt. Anh đã sống theo tấm gương của cha mẹ và đang làm hết sức mình cho sự phát triển của dòng họ Pham Việt Nam. Con gái Ông bà, chị Phạm Minh Hạnh là Tiến sĩ Ngữ văn, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian; chị vừa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “CHA VÀ NHỮNG NGƯỜI CON”, viết về gia đình mình mà chị hết sức tự hào và yêu quý, cuốn tiểu thuyết không những giúp người đọc hiểu về gia đình chị mà còn hiểu thêm về đất nước trong một giai đoạn lịch sử, đặc biệt là ngành Xăng dầu, nơi Liệt sĩ Phạm Văn Đạt, người cha yêu kính của chị đã gắn bó và hy sinh cả cuộc đời !
Bài viết này là lời tri ân đối với Liệt sĩ Phạm Văn Đạt và bày tỏ lòng kính trọng với gia đình PGS.TS Phạm Đao!
    Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, với bài viết này, xin dâng những nén hương thơm tới hương hồn Bác Phạm Văn Đạt và các liệt sĩ họ Phạm cùng các liệt sĩ cả nước!

Phạm Thị Thúy Lan
18-19/7/2010

Có 0 nhận xét cho bài này "Bia Chiến tích"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi