Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

30 tháng 11, 2010

Thư kiến nghị của anh Phạm Văn Điệp về chuông "Thăng Long - Hoàng thành "

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 11 30, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Ngày 25.11.2020, Trang tin điện tử của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam hophamvietnam.org đã đăng lại bài báo của Quang Hưng - Thanh Nam của báo điện tử Cựu chiến binh Việt Nam cuuchienbinh.com.vn ngày 11.11.2010 với tiêu đề : Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” (http://cuuchienbinh.com.vn/index.aspx?Menu=1330&Chitiet=6715&Style=1). Ngay sau khi bài báo được đăng tải, BBT Trang tin điện tử hophamvietnam.org đã nhận được nhiều Thư của bạn đọc khắp nơi gửi về đồng tình với tác giả bài bảo và bày tỏ ý kiến bất bình của mình trước hành vi của ông Hoàng Trọng Tùng mà bài báo đã phản ảnh “Quả chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là công đức của nhiều cá nhân, tập thể, trong đó có ông Hoàng Trọng Tùng. Tuy nhiên, ông Tùng lại coi đó như của riêng mình và lại đem “công đức” chỗ khác dù đã phát tâm công đức tại đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Chúng tôi giới thiệu sau đây một trong những bức thư đó và sẽ tiếp tục đăng những ý kiến của bạn đọc vê vấn đề này.



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Petrozavodsk Liên bang Nga , ngày 25 tháng 11 năm 2010

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi:
- UBND Thành phố Hà Nội
- Ban quản lý dự án công trình tu bổ tôn tạo
đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu
- Đồng kính gửi Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam

Tên tôi là: Phạm Văn Điệp

Quê quán: phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nơi làm việc : Hội Hữu nghị Việt nam- Nga ở thành phố Petrozavodsk Liên bang Nga

Hiện nay tôi đang làm việc tại Liên bang Nga. Luôn luôn theo dõi tình hình đất nước và dòng họ Phạm, cho nên tôi thường xuyên vào Website của dòng họ hophamvietnam.org. Bài báo của Quang Hưng – Thành Nam với tiêu đề Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” đã đăng trên báo điện tử Cựu chiến binh Viêt Nam cuuchienbinh.com.vn ngày 11.11.2010 được đăng lại trên Website hophamvietnam.org ngày 25 .11.2010 đã thu hút sự chú ý của tôi và nhiều bà con không riêng họ Phạm đang sinh sống quanh tôi.

Sau khi đọc bài báo Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” trên trang Web Họ Phạm Việt Nam (http://www.hopham.org/2010/11/mot-ai-gia-that-hua-voi-cua-phat.html), tôi rất bức xúc và xin có một số ý kiến như sau về sự việc mà bài báo đã nêu lên.

Sự việc mà bài báo đã cung cấp tóm tắt như sau : ngày 28/01/2010, UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu (đình thờ Phạm Tu) tại xã Thanh Liệt. Trong ngày lễ khởi công đã nhận được sự phát tâm công đức để tu bổ tôn tạo đình của nhiều tập thể cá nhân. Trong đó có ông Hoàng Trọng Tùng (nguyên quán Vũ Thư - Thái Bình) hiện công tác tại một công ty thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nhận công đức quả chuông trị giá bằng tiền là 2 tỷ đồng. Ông Tùng đã được ban tổ chức cấp giấy chứng nhận công đức quả chuông cho đình thờ Phạm Tu trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và các cấp chính quyền.

Sau lễ khởi công đình thờ Phạm Tu, ông Tùng có chuyển 7 tấn đồng và 1,5 tấn thiếc về UBND xã Thanh Liệt để chuẩn bị đúc chuông. Ngoài số đồng và thiếc do ông Tùng cung tiến để đúc quả chuông, nguồn kinh phí tổ chức đúc chuông cũng do ông Hoàng Trọng Tùng nhận bỏ ra chi phí.
Lễ rót đồng đúc chuông được tổ chức ngày 27/5/2010 (tức ngày 14/4 Canh Dần) trước sự chứng kiến và phát tâm công đức của nhân dân xã Thanh Liệt và đông đảo khách thập phương và phật tử chùa Quang Ân. Theo sư thầy Thích Minh Ngọc ở chùa Quang Ân thì, có tới 627 người dân đến công đức tiền, vàng để đúc chuông. Ngoài ra còn có vài chục người dân cung tiến vàng nén (có người một vài chỉ, có người cung tiến hàng cây vàng) để nấu cùng với số đồng và thiếc mà ông Tùng đem đến
Sư thầy Thích Minh Ngọc cho biết: Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” đúc thành công, nặng 7650kg được đánh giá là chuông đồng thành công nhất hiện nay. Tiếng chuông trong, thanh cao và có độ ngân hơn 3 phút (độ ngân của chuông hiện nay thường là hơn 2 phút). Ý nghĩa tinh thần của việc đúc thành công chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là vô cùng to lớn đối với nhân dân xã Thanh Liệt và nhân dân cả nước để dâng lên đức Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Tiền Lý Triều Tả Tường, Trưởng Ban võ của Nhà nước Vạn Xuân, người có công chiến đấu chống quân xâm lược nhà Lương và hy sinh năm 545 để bảo vệ thành cửa sông Tô Lịch (tức là Hà Nội ngày nay) đúng vào dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng sau khi đúc chuông xong, ông Hoàng Trọng Tùng lại coi quả chuông đó là của riêng ông. Ông đem chuông về Ý Yên - Nam Định chỉnh sửa và cho khắc tên ông và gia đình vào chuông mà không hề nhắc tới người dân xã Thanh Liệt và tăng ni phật tử thập phương đã công đức tiền và vàng trong buổi lễ đúc chuông. Đây là dòng chữ ông đã cho khắc trên chuông (ảnh 3, trong bài báo) :
“Kính nghĩ những năm gần đây Phủ Tây Hồ được tu sửa, đền Kim Ngưu được trùng tu, đền thờ Kim Ngưu Đế Quân tưởng niệm huyền tích Trâu vàng Hồ Tây.

Nay nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tín chủ là Hoàng Trọng Tùng cùng gia đình đã mua đồng trong nước phỏng theo hồng chung của An Nam tứ khí mà đúc chuông lớn cung tiến đền Kim Ngưu thuộc Khu Di tích phủ Tây Hồ phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chuông được đúc ngày 14 tháng 4 năm Canh Dần tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nôi. Chuông nặng 7650kg”
Ngày, tháng, địa điểm đúc chuông, trọng lượng chuông thì đúng là quả chuông được đúc ở chùa Quang Ân, nhưng người tiến cúng không phải chỉ riêng ông Tùng và nơi tiến cúng tại sao lại không phải là nơi làm lễ rót đồng đúc chuông và không phải là nơi ông Tùng đã nhận Giấy chứng nhận công đức cung tiến quả chuông?

Tôi được biết công trình tu bổ tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu (đình thờ Phạm Tu) tại xã Thanh Liệt trong dịp chào đón 1000 năm Thăng Long có chủ đầu tư, chủ dự án là Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội với kinh phí ngân sách 29 tỷ ĐVN và tiền công đức của hàng trăm người để tu bổ tu tạo đình thờ Phạm Tu, mà Chuông “Thăng Long Hoàng Thành" là một vật thiêng trong danh mục tôn tạo đó.

Trong danh mục những người góp công đức để tu tạo đình thờ Phạm Tu có ông Hoàng Trọng Tùng .
Tôi cho rằng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” theo dự án đã được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt phải được đặt đúng ở nơi đã được phê duyệt, đó là tại đình thờ Phạm Tu, không thể vì bất cứ lý do phe nhóm, do nhanh tay, chậm chân hay tốc độ để ai đó xóa Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” trong danh mục tu tạo đình thờ Phạm Tu. Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là một vật thiêng được tạo ra trong một dự án tổng thể do UBND Thành Phố Hà Nội và toàn thể nhân dân góp công, góp của, góp tinh thần lễ hội trong lịch sử chung của cả dân tộc Việt Nam. Việc đem một vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” ra khỏi dự án là một việc làm mờ ám và phạm pháp. Không rõ đến giờ phút này, dự án tu bổ, tôn tạo đình thờ Phạm Tu đã sắp hoàn thiện chưa và quyết định tu tạo đình thờ Phạm tu có bị hủy không. Nhưng dù sao đi nữa thì mọi sản phẩm, mọi vật thiêng trong dự án này, được tạo tác trong dự án này, đã được cung tiến, góp công đức cho dự án này phải là tài sản lịch sử Quốc gia và bất cứ cá nhân nào cũng không có quyền sở hữu, chiếm đoạt các vật đó. Dù có hủy dự án thì cũng không ai có quyền tẩu tán các tài sản đã được tạo ra trong danh mục dự án. Thành ra, tôi cho rằng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội là chủ dự án, chủ đầu tư dự án phải đưa ra biện pháp bảo vệ, quản lý các sản phẩm, vật thiêng của dự án cũng như tiền bạc, vật chất mà mọi người đã góp công đức, cũng như nghiêm cấm mọi sự chuyển giao những thứ đó cho bất kỳ cá nhân nào cho mục đích cá nhân. Việc ai đó giao Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” cho ông Hoàng Trọng Tùng để ông Tùng tự định đoạt, khắc chữ theo ý của riêng mình trên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” phải bị kỷ luật.

Còn về các hành vi của ông Hoàng Trọng Tùng, tôi cho rằng đó là hành vi phạm pháp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quốc gia trước mặt những người đã góp công, của và tinh thần vào Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”. Ông Hoàng Trọng Tùng lợi dụng dự án và tinh thần lễ hội, tu tạo đình thờ Phạm Tu tạo nên vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” để rồi chiếm đoạt chuông. Thông thường, nếu có gom mua đồng, có tiền thuê đúc ra chiếc chuông lớn nhất Việt Nam thì ông Hoàng Trọng Tùng phải ký hợp đồng thuê người thiết kế mẫu chuông, ký hợp đồng thuê nghệ nhân đúc chuông, thuê địa điểm đúc chuông, đăng ký xin phép đúc ở nơi được phép đăng ký sử dụng những mẫu mã được phép tránh việc nhái chuông lịch sử để chứng tỏ của cá nhân bây giờ to hơn của tổ tiên ....Đó là cả một tiến trình trang trải về thời gian, tiền bạc không phải là ít nếu người sở hữu là một cá nhân. Nhưng tôi tin chắc rằng ông Hoàng Trọng Tùng đã không làm theo tiến trình đó mà chỉ góp đồng, thiếc, tiền bạc ngụy trang dưới ý nghĩa góp công đức rồi bất ngờ lừa đảo để chiếm đoạt Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”.

Theo thông lệ, người góp công đức không còn quyền sở hữu tiền, vật đã góp công đức Ban quản lý dự án là chủ sở hữu tiền vật góp công đức. Người góp công đức chỉ có quyền giám sát hoặc tố cáo khi tiền vật góp công đức bị sử dụng sai mục đích chứ không như ông Hoàng Trọng Tùng đã góp công đức, đã nhận giấy chứng nhận góp công đức lại vẫn tiếp tục sử dụng vật góp đó vào mục đích cá nhân của mình.

Căn cứ theo dòng chữ khắc trên chuông thì điều này đã chứng tỏ sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân và của quốc gia. Cướp đoạt trắng trợn tiền bạc, công sức thời gian tinh thần của những người đã góp tạo nên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”. Ban tổ chức dự án đúc chuông tại xã Thanh Liệt không có tiêu chí và hành vi đúc chuông cho ông Hoàng Trọng Tùng để ông này cung hiến cho đền Kim Ngưu - phủ Tây Hồ. Nếu ông Hoàng Trọng Tùng không lừa đảo, nói rõ là ông sẽ đem chuông này cung hiến nơi khác nếu muốn thì tôi tin chắc rằng Ban quản lý dự án sẽ tổ chức đúc Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” to nhỏ gì đó cho đình thờ Phạm Tu mà không phụ thuộc vào bất cứ gì từ ông Hoàng Trọng Tùng. Việc ông Hoàng Trọng Tùng nhận giấy chứng nhận công đức quả chuông cho đình thờ Phạm Tu là một sự công nhận cá nhân của ông Hoàng Trọng Tùng về việc Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” được cam kết thuộc về Ban quản lý dự án. Người cho là ông Hoàng Trọng Tùng đồng ý, người nhận là ban tổ chức chấp thuận. Việc ông Hoàng Trọng Tùng đơn phương đem đi chỗ khác khi bên quản lý dự án chưa cho phép là hành vi bất hợp pháp . Đó là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật (góp công đức đúc chuông trong dự án tu tạo đình thờ Phạm Tu), nhằm đê người khác tin đó là sự thật, góp công của, sức lực và tinh thần vào để đúc chuông, đúc chuông xong thì ông Hoàng Trọng Tùng chiếm đoạt chuông làm tài sản sở hữu riêng để định đoạt nó. Hành vi này có trong cảnh báo của điều 139 Bộ luật hình sự Việt Nam mà khung phạt cao nhất của hành vi này là chung thân.

Theo dự án thì việc ghi khắc chữ trên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” phải được phê duyệt của Chủ dự án là UBND Thành phố Hà Nội. Việc tự ý khắc chữ lên vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” cũng phải được xử lý.

Vì các lý do trên, tôi đề nghị :

1. Tổ chức kiểm tra, tiến hành xóa các dòng ghi không đúng sự thật trên Chuông và ghi khắc những gì đúng với nội dung đã soạn thảo để đặt Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” đúng chỗ của nó là đình thờ Phạm Tu
2. Tiến hành điều tra hành vi và truy cứu ông Hoàng Trọng Tùng theo điều 139 Bộ luật Hình sự Việt Nam
3. Kiểm trả lại dự án để xử lý các hành vi chuyển giao, quản lý các sản vật của dự án nhằm tránh tình trạng lừa đảo khác .

Kính mong Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quan tâm, xem xét và có các quyết định hợp lý.

Người viết đơn
Phạm văn Điệp
»»  Đọc tiếp

25 tháng 11, 2010

Một đại gia "thất hứa nơi cửa phật"

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 11 25, 2010 bởi Phạm Đạo · 3 comments

Một đại gia “thất hứa nơi cửa phật”

11/11/2010
Hành trình của chuông “Thăng Long Hoàng Thành”…

Chào đón 1000 năm Thăng long – Hà Nội, ngày 28/01/2010, UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu(đình thờ Phạm Tu) tại xã Thanh Liệt. Ngày lễ khởi công đã nhận được sự phát tâm công đức để tu bổ tôn tạo đình của nhiều tập thể cá nhân. Trong đó có ông Hoàng Trọng Tùng (nguyên quán Vũ Thư – Thái Bình) hiện công tác tại một công ty thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nhận công đức quả chuông trị giá bằng tiền là 2 tỷ đồng. Ông Tùng đã được ban tổ chức cấp giấy chứng nhận công đức quả chuông cho đình thờ Phạm Tu trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và các cấp chính quyền.
Sau lễ khởi công đình thờ Phạm Tu, ông Tùng có chuyển 7 tấn đồng và 1,5 tấn thiếc về UBND xã Thanh Liệt để chuẩn bị đúc chuông. Ngoài số đồng và thiếc do ông Tùng cung tiến để đúc quả chuông, nguồn kinh phí tổ chức đúc chuông cũng do ông Hoàng Trọng Tùng nhận bỏ ra chi phí.


                                      Lễ khởi công đúc chuông tại sân thể thao xã Thanh Liệt

Ngày 06-5-2010, UBND xã Thanh Liệt có công văn số 20/UB-VH báo cáo việc đúc chuông công đức gửi UBND huyện Thanh Trì. Giữa các bên họp bàn, UBND xã Thanh Liệt được giao việc chuẩn bị bài văn khắc trên chuông về lịch sử địa phương, Kinh bát Nhã, bài chú Đại Bi, bảo đảm an ninh…
Theo sư thầy Thích Minh Ngọc, chùa Quang Ân ngoài số tiền ông Tùng nhận công đức đúc quả chuông trị giá 2 tỷ đồng thì nhiều người dân còn đến công đức tiền, vàng để đúc chuông. Số người tham gia công đức lên tới 627 người. Ngoài ra còn có vài chục người dân cung tiến vàng nén (có người một vài chỉ, có người cung tiến hàng cây vàng) để nấu cùng với 7 tấn đồng và 1,5 tấn thiếc của ông Tùng.

                             Sư thầy Thích Minh Trí cho vàng vào nấu cùng với đồng và thiếc

Ngày 27/5/2010 (tức ngày 14/4 Canh Dần) Đại Đức Thích Minh Trí- trụ trì chùa Quang Ân đã phối hợp chính quyền địa phương, ông Hoàng Trọng Tùng và đông đảo nhân dân tổ chức Lễ rót đồng đúc chuông trước sự chứng kiến và phát tâm công đức của nhân dân xã Thanh Liệt và đông đảo khách thập phương và phật tử chùa Quang Ân. Trước khi buổi lễ đúc chuông diễn ra Đài truyền thanh xã đã có thông báo về việc đúc chuông, nhiều người dân và tăng ni phật tử biết việc đúc chuông đã tới dự và cùng phát tâm công đức góp tiền, vàng để đúc quả chuông lớn chưa từng có ở Thanh Liệt.
Sư thầy Thích Minh Ngọc cho biết: Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” đúc thành công nặng 7650kg được đánh giá là chuông đồng thành công nhất hiện nay. Tiếng chuông trong, thanh cao và có độ ngân hơn 3 phút (độ ngân của chuông hiện nay ngân hơn 2 phút). Ý nghĩa tinh thần của việc đúc thành công chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là vô cùng to lớn đối với nhân dân xã Thanh Liệt và nhân dân cả nước để dâng lên đức Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu đúng vào dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Chuông không được đặt đúng vị trí?

Tuy nhiên, chuyện buồn đã xảy ra. Sau khi đúc chuông xong ông Hoàng Trọng Tùng lại coi quả chuông đó là của riêng ông. Ông đem chuông về Ý Yên - Nam Định chỉnh sửa và cho khắc tên ông và gia đình vào chuông mà không hề nhắc tới người dân xã Thanh Liệt và tăng ni phật tử đã công đức tiền và vàng trong buổi lễ đúc chuông?!. Việc làm của ông Tùng đã gây bức xúc cho nhân dân xã Thanh Liệt và hàng nghìn những tấm lòng thành tâm đã đóng góp công sức, tiền, vàng nén mong có được bảo khí chuông “Thăng Long Hoàng Thành”.

                Sau khi chuông đúc xong ông Tùng mang chuông về Ý Yên cho khắc tên gia đình

Theo nguồn tin của PV thì ông Tùng cho rằng do địa phương chưa có tháp treo chuông nên ông mang đi “công đức” ở nơi khác. Mặt khác ông Tùng cho rằng quả chuông đó là của cá nhân ông và ông có quyền chuyển đi “công đức” bất cứ đâu. Ông đưa ra lý do là xã Thanh Liệt không chuyển kịp cho ông bài văn khắc trên chuông về lịch sử địa phương, Kinh bát Nhã, bài chú Đại Bi nên ông chỉ khắc tên gia đình ông trên chuông. Tuy nhiên, với lý do trên người dân Thanh Liệt và cả chính quyền xã đã có những cuộc họp khẳng định khi chưa xây kịp được tháp treo chuông, chuông đúc xong sẽ đưa về Tam Quan Bảo ở Chùa Quang Ân treo để kịp rung chuông vào ngày 10-10. Khi nào hoàn thiện cả một quần thể di tích: Đình Phạm Tu, Chùa Quang Ân, Đền... lúc đó chuông sẽ được đặt đúng vị trí ban đầu. Bên cạnh đó, việc duyệt nội dung khắc trên 3 mặt quả chuông về lịch sử xã Thanh Liệt, Kinh bát Nhã, bài chú Đại Bi cũng phải có thời gian và cấp thẩm quyền duyệt…chứ không thể ông Tùng đề nghị mà chuyển ngay nội dung được, một cán bộ UBND xã Thanh Liệt cho hay.
Ngày 10/10/2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhân dân xã Thanh Liệt và nhiều phật tử chưa được nghe tiếng chuông ngân vang từ Đình thờ Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu.

                                     Chuông Thăng Long Hoàng Thành được treo tại
đ                ền thờ Kim Ngưu Đế Quân- phủ Tây Hồ chứ không phải ở đình thờ Phạm Tu

Phản ánh sự việc qua bài này, theo chúng tôi, việc ông Tùng công đức quả chuông trị giá 2 tỷ đồng cho đình thờ Phạm Tu, nếu không có tiền, vàng của nhân dân và phật tử đóng góp thêm để đúc chuông thì ông vẫn thực hiện được. Tuy nhiên, rất nhiều người dân và tăng ni phật tử cả nước cùng tham gia góp tiền, vàng để đúc quả chuông thì ông Tùng không thể nhận đó là quả chuông của riêng ông. Cho dù trong sự việc này, công lớn phần nhiều thuộc về ông Tùng nhưng ông lại quên đi những người dân cùng tham gia đóng góp với ông trong buổi lễ đúc chuông là không không thể chấp nhận được. Hơn nữa, ông đã hứa công đức cho đình thờ Phạm Tu thì ông nên thực hiện chứ ai lại thất hứa “nơi của phật” như thế để gây bất bình cho dư luận và nhân dân!

QUANG HƯNG-THÀNHNAM
»»  Đọc tiếp

24 tháng 11, 2010

Về câu đối của Vũ Phạm Hàm

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 24, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI CỦA TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM
Ở ĐỀN KIẾP BẠC VÀ ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO-SAIGON 

Ông Phạm Vũ Động, người sưu tầm(ảnh bên)

Nhân ngày Giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20-8 âm lịch (nhằm vào ngày 27/9/2010) vừa qua, Đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương), Đền Bảo Lộc (ngoại thành Nam Định) và Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Tp HCM đều tổ chức trọng thể ngày Giỗ của vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ 13, người đã có công góp phần làm rạng rỡ cho lịch sử oai hùng của nước nhà. Cuộc đời của Trần Hưng Đạo gắn liền với toàn bộ chặng đường vinh quang nhất của triều Trần. Trong suốt cả chặng đường đó, Trần Hưng Đạo đã có hàng loạt những cống hiến to lớn, trải rộng trên nhiều lãnh vực khác nhau. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của chúng ta.

Để tưởng nhớ công ơn của người, Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc ở số 36 đường Hiền Vương - Saigon (nay là Võ thị Sáu) cùng hai đền thờ Trần Hưng Đạo nổi tiếng nhất và cũng lâu đời nhất ở miền Bắc là đền Kiếp Bạc và đền Bảo Lộc năm nào cũng tổ chức Lễ hội kỷ niệm Trần Hưng Đạo nhân ngày Giỗ cùa người một cách hết sức trọng thể và linh thiêng.

ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO TẠI TP. HCM. 

Khu đền thờ Trần Hưng Đạo ngày nay vốn xưa là đất chùa Vạn An. Chùa Vạn An tuy nhỏ, nhưng cũng là một trong những ngôi chùa được khá nhiều khách thập phương tới viếng. Từ năm 1932, đền thờ Trần Hưng Đạo mới được dựng lên ở sát ngay cạnh chùa Vạn An, lúc đầu, đền chỉ có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn sơ. Đến năm 1958,cả chùa lẫn đền cũ đều bị phá bỏ, và thay vào đó, đền thờ Trần Hưng Đạo khang trang hơn, to lớn hơn, kiến thiết công phu hơn. . .đã được dựng lên. Từ năm 1958 đến nay, đền thờ Trần Hưng Đạo tuy có được tu bổ thêm nhiều lần, nhưng nhìn chung, cả vóc dáng lẫn đường nét căn bản của kiến trúc cũ vẫn được giữ nguyên.

Đền có hai cổng. Cổng chính chỉ mở vào những ngày rằm, ngày 30 âm lịch hang tháng, hoặc những ngày lễ lớn trong năm; cổng phụ mở thường xuyên để đón khách tới lễ đền và viếng đền.

Phía trên Cổng chính có khắc 4 chữ Hán cỡ lớn: HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG. Ở mặt ngoài cùa 2 cột Cổng chính, có đôi câu đối chữ Hán như sau:

- Liệt liệt oanh oanh, miễn hoài vĩ tích quan Trần sử
- Dương dương hách, cảnh ngưỡng linh quang nhập miếu môn

Nghĩa là :

- Xem sử nhà Trần nhớ mãi những chiến tích oanh liệt tích tụ lại
- Vào của miếu, thấy ánh sáng linh thiêng tỏa rạng ra.

Mặt trong của 2 cột Cổng chính cũng có đôi câu đối chữ Hán:

- Vì Châu Cơ tể, vì Hán Lưu hầu, võ lược văn hung bình họa loạn
- Tại thiên nhật tinh, tại địa hà nhạc, hung phong chính khí trấn bang ky

Nghĩa là :

- Làm như những bậc tể phụ của họ Cơ (dòng họ quý tộc} của nhà Chu, làm như những bậc công hầu của họ Lưu đời Hán, võ giỏi, văn tài, dẹp yên loạn lạc,
- Như mặt trời và tinh tú trên không trung, như con sông lớn, như ngọc núi cao trên mặt đất, oai lớn, đức dày, trấn yên bờ cõi.

Trong khuôn viên rộng chừng 2000m2, sân đền chiếm một phần diện tích lớn, nên đền có vẽ thoáng mát và rộng rãi. Sân đền lót gạch men màu nâu, thuận tiện cho việc tụ tập đông người trong những ngày lễ lớn cùa đền. Ngay ở đầu sân, là bức tượng Trần Hưng Đạo, tuy không lớn lắm nhưng rất uy nghi. Tượng đúc bằng xi- măng, tô màu đen pha vàng, được dựng lên vào cuối năm 1972.


Đền thờ có cấu trúc hình chữ đinh (T), diện tích khoảng 250 m2 và có 3 cửa liền nhau. Phía trên 3 cửa này có hang chữ Hán :

Hiển thánh Trần triều Hưng Đạo Đại Vương linh từ ( Đền thờ của bậc hiển thánh linh thiêng là Hưng Đạo Đại Vương, người triều Trần).

Ở trước bàn hương án có 2 con nghe ngồi chầu, mỗi con ngậm một cái xương sườn cá voi cong vút lên, tạo thành một hình vòng cung, trông rất uy nghi. Sau bàn hương án là nơi thờ các vị anh hùng hào kiệt đời Trần, đã có công với nước như: Trần Quang Khải, TRần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Phía trên hương án là bức hoành phi với hang chữ Hán: “Trần triều hiển thánh” (các vị hiển thánh triều Trần).

Hai bên hương án có hai hang cờ quạt, tàn lọng, đồ bát bửu, đồ lễ bộ, ngựa hồng, ngựa bạch. . .Dọc theo hai cột ở hai bên hương án có đôi câu đối:


- Nam Bộ nhất sơ tân miếu vũ
- Đông Á tam thế cựu huân thần

Nghĩa là:
- Nam Bộ, một tòa miếu mới xây
- Triều Trần, ba đời người tôi cũ có nhiều công lao.
Nơi thờ chính của đền là Nội điện- nằm ở phía trong. Ở đây có tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng, được đúc ở thế ngồi trên long ỷ, tay cầm quyển binh thư, thanh kiếm bạc dựng một bên. Phía trái là nơi thờ 2 vị nương cô (tức 1 con gái đẻ và 1 con gái nuôi cùa người). Phía phải là nơi thờ 4 vị vương tử (4 con trai cùa người). Phía trên bức tượng là bức hoành phi, giữa có thêu mấy chữ Hán: “Nam quốc cơ công” (công trạng xây dựng nền móng nước Nam)

Trên nền hoành phi và câu đối là những hoa văn: long phụng tương trình, long thăng long giáng, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt. . .Trên các vách của đền là hang loạt những bức phù điêu sơn son thếp vàng và chạm trổ công phu, diễn tạ những sự kiện lớn của lịch sử thời Trần như: Hội nghị Diên Hồng, lời thề song Hóa, trận Bạch Đằng. . .Đó là chưa kể đến một số bản đồ, nguyên văn (bản dịch) bài Hịch Tướng sĩ cùng các lời khuyên chân tình mà sâu sắc của Trần Hưng Đạo đối với vua Trần và kế sách giữ nước, trước khi Trần Hưng Đạo qua đời.

Đặc biệt mặt trước của Cửa chính dẫn vào Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Tp.HCM có đôi câu đối chữ Hán:
- Van Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
- Lục Đầu vô thủy bất THU THANH
(Vạn Kiếp núi sông hơi kiếm tỏa
Lục Đầu sông nước tiếng Thu reo! )

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI CỦA TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM

Đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo (1226-1300) ở xã Vạn kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí linh, Hải dương. Đền có một số bức hoành phi và câu đối biểu thị lòng thương tiếc và ca ngợi công lao của người anh hùng dân tộc đã nhiều phen đánh tan quân Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt. Ai đã đến tham quan đền Kiếp Bạc hẳn còn nhớ đôi câu đối dẫn, được khắc tại cổng tam quan đền, của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) :


“Vạn Kiếp hữu sơn giai Kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất THU THANH”

Đôi câu đối dẫn ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược trong lịch sử xa xưa của dân tộc vẫn còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn.

Tuy nhien về mặt chữ nghĩa của đôi câu đối cũng đã có không ít cuộc tranh luận trên mặt báo. Chỉ kể từ năm 1992 đến nay, chữ “thu thanh´ trong đôi câu đối đã được nhiều người đề cập đến trên nhiều tạp chí.

- Trước đó vào những năm 1960 của thế kỷ trước, không biết nhà văn Lãng Nhân Phùng tất Đắc đã căn cứ vào nguồn tư liệu nào mà đổi chữ “thu thanh” thành “trang thanh” (tiếng đóng cọc). Năm 1987, Nguyễn Quảng Tuân cũng đề nghị chữa lại chữ “Thu thanh” thành ‘thung thanh”, ông cho rằng đã ghi nhầm chữ “thung” ra chữ “thu”. Năm 1995 Hoàng hữu Xứng cũng đồng ý với nhận xét trên và tỏ ra bức xúc. Năm 2001, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn tiến Đoàn ở Thái bình thì lại cho rằng chữ “thu” ở đây phải có “bộ khẩu” bên cạnh với nghĩa là tiếng trẻ con (!)

- Theo nhà thư pháp học Thế Anh, những lập luận trên đây xem ra vẫn thiếu cơ sở khoa học và không đủ sức thuyết phục. Đôi câu đối này đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20, lúc đó còn nhiều nhà khoa bảng, nhiều bậc túc nho, nên không thể có chuyện nhầm lẫn, sơ xuất “chữ tác đánh chữ tộ” để chữ nghĩa sai ở nơi thắng tích như đền Kiếp Bạc ( Còn ngày nay thì khác, ngay ở trung tâm thủ đô như đền Ngọc Sơn hoặc Văn Miếu-Quốc tử giám vẫn có những đôi câu đối xếp ngược). Chúng tôi đồng tình với cách giải thích của nhà Hán học lão thành Tảo Trang Vũ tuân Sán trong bài “Lai bàn về “thu thanh” hay “trang thanh” (Tạp chí Hán Nôm số 2/13-1992) và bài “Kiếm khí” “thu thanh” của PGS Sử học Tạ Ngọc trên Tuần báo Văn Nghệ số 387 ngày 17-09-2000. Chúng tôi xin trích dẫn lời giải thích của cụ Tảo Trang :

“Thu thanh” không nên hiểu là tiếng thu đơn thuần. Theo triết học cổ truyền phương đông, mùa thu thuộc hành kim trong ngũ hành tương ứng với phương tây. Mùa thu là mùa lá cây vàng úa, có sương giáng, có gió tây khiến lá rụng, đó là quy luật nghiêm khắc của tạo hóa loại trừ những thứ không còn sự sống. “Tiếng thu” là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng: “Thu thanh phú” (Phú tiếng thu) của Âu Dương Tu (1007-1972) đời Tống, trong đó có câu: “Thu là vị quan thi hành hình phạt. . .Đó là sức mạnh đạo nghĩa của trời đất, thường dụng tâm nghiêm khắc diệt trừ”

Xét theo ý nghĩa trên đây thì “thu thanh” trong đôi câu đối trên không phải là tiếng thu đơn thuần ở bất cứ con sông nào cũng có mà nó chỉ xuất hiện ở nơi xảy ra trận chiến như sông Lục Đầu chẳng hạn. Chữ “thu” ở đây cũng không phải để nói về mùa thu cụ thể mà có thể chỉ bất cứ thời gian nào trong năm khi xảy ra cuộc chiến. Trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn có câu “Tây phong minh tiên xuất Vị kiều” mà Đoàn Thị Điểm dịch là “Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. “Tây phong” mà dịch là “gió thu” là một sự vận dụng điển cố có liên quan đến chữ “thu” đang đề cập đến trên đây.

- Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), đôi câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) có nghĩa bóng muốn nhắc tới võ công giết giặc Nguyên-Mông xâm lược của Đức Thánh Trần ở thế kỷ 13, gần đây có người muốn đổi chữ “Thu” làm chữ “Thung” (cái cọc gỗ), vì vậy từ “Thu thanh” sẽ thành ‘thung thanh’ (tiếng đóng cọc gỗ). Tôi thiết nghĩ đó không còn là chữ nghĩa của bậc đại khoa như cụ Thám Hàm nữa!

- Hoàng Thúc Trâm trong sách “Trần Hưng Đạo” viết: Khoảng năm 1945 (gần 40 năm sau khi Vũ Phạm Hàm mất) một nhà báo Nhật Bản đến thăm đền Kiếp Bạc, cảm xúc trước đôi câu đối cùa người quá cố, đã viết:

Thanh kỳ biệt hữu thử giang sơn, Sản xuất anh hùng biểu thế gian.
Kiếm khí do binh hồ lỗ phách, Thu thanh túc sái thủy sàn sàn.
Nghĩa là: Ở đây riêng có cảnh núi sông thanh kỳ này, chung đúc nên trang anh hùng làm tiêu biểu cho thế gian. Hơi thanh kiếm (của ngài) làm giặc Nguyên-Mông phải kinh hồn mất vía, tiếng mùa Thu vi vút lạnh lùng, nước (Lục Đầu) ào ạt vang xa!
Hẳn là hơi của thanh kiếm đời Trần, tiếng của mùa Thu đã được người nước ngoài cảm xúc. Hai câu đối phảng phất nét tâm linh với cái nhìn giác quan thứ sáu của Vũ Phạm Hàm đã vang vọng ra nước ngoài.

TÓM LẠI, chữ “thu thanh” trong đôi câu đối của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) cúng ở đền Kiếp Bạc và được ghi lại ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại TpHCM là có xuất xứ từ điển cố. Phổ biến hơn là cho chữ “Thu thanh” của Vũ Phạm Hàm, theo quan điểm chính thức của Viện Hán Nôm như sau:

- Nguyễn Khắc Bảo, trong Thông báo Hán Nôm năm 1998 cho rằng từ “Thu thanh” trong câu đối thì “Thu” là mùa thu, với nghĩa hàm xúc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc, như các vị Trần Thái Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du đã ghi trong thơ của mình. “Thu thanh” là tiếng mùa thu, trừu tượng, nếu đối với “Kiếm khí” (hơi kiếm) cũng là trừu tượng, là những dạng phi vật chất mà ta chỉ có thể cảm nhận được bằng linh cảm là rất hợp, rất chỉnh.

PHẠM VŨ (Tham khảo: -Sách “Trần Hưng Đạo” NXB Trẻ-1987
-Sách “Vũ Phạm Hàm” NXB Văn hóa Thông tin-Hà Nội ,2009 in xong quý II-2010)
»»  Đọc tiếp

Phạm Đăng Trí - Nhà giáo, hoạ sĩ tiêu biểu của Huế

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 24, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Phạm Đăng Trí
Nhà giáo - hoạ sĩ tiêu biểu của Huế

Họa sĩ Phạm Đăng Trí (ảnh bên)

Phạm Đăng Trí (1920-1987) là hậu duệ cuả Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Nguyên quán Gò Công nhưng ông sinh ra, lớn lên, lập nghiệp tại Huế. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội năm 1942 ông trở về Huế hành nghề giáo viên - giảng viên hội họa của các trường trung học, rồi trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Danh thần Phạm Đăng Hưng từng giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Tổng tài Quốc sử quán dưới các triều Gia Long, Minh Mạng. Ông mất năm 1825, được tặng tước Vinh Lộc Đại Phu, Trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ, thụy Trung Nhã. Vua Tự Đức phong tặng ông là Đặc tấn Vinh lộc đại phu, Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc Công. Con gái của ông, bà Phạm Thị Hằng, là vợ vua Thiệu Trị, đời Tự Đức được tấn phong Từ Dũ Hoàng thái hậu.
Phạm Đăng Trí là một hoạ sĩ tài danh và chuẩn mực. Nhưng cũng có người nói tính cách, lối sống của ông nghiêng về tư chất của một nhà giáo nhân ái, tận tình với học sinh. Thực ra ông có cả hai. Đó là nhờ sinh trưởng trong một gia đình có nề nếp gia phong, các thế hệ con cháu có ý thức gìn giữ nếp nhà do tiên tổ truyền thừa.
Ông là một trong những gương mặt đặc biệt của đất Thần Kinh. Một nhà giáo - nghệ sĩ “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, một bậc thầy về tranh lụa và giấy dó.
Suốt một đời dạy học, đồng hành với cuộc đời lao động nghệ thuật, nhưng tác phẩm của Phạm Đăng Trí để lại không nhiều. Đa phần tác phẩm không lưu hành ngoài thị trường, do quan niệm của ông về lao động nghệ thuật. Tại ngôi nhà của ông nay chỉ lưu giữ, trưng bày khoảng 40 bức tranh, trong đó có 8 bức sơn dầu, còn lại là lụa và giấy dó, tranh khổ lớn trên 1m2 chiếm khoảng 1/2.
Lý do rất đơn giản và rõ ràng: Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Ông vẽ tranh thường xuyên, nhưng rất kỹ lưỡng, chỉn chu, bức nào không vừa ý thì hủy ngay. Với ông, tác phẩm nghệ thuật không có loại thứ phẩm. Người thân, học trò của ông kể lại: Để có được một bức tranh lớn hơn 1m2 ông phải mất vài tháng trời cho công việc xử lý chất liệu và miệt mài bên giá vẽ. Suốt cuộc đời cầm cọ ông vẽ khoảng 100 bức, hủy bỏ khoảng 20 bức, giữ lại khoảng 80 bức. Năm 1968, khi đang triển lãm tại tư gia thì bị bom Mỹ đánh sập 1/2 nhà phía trước, mấy chục bức tranh bị tiêu huỷ cùng lúc.
Các thế hệ học trò của Phạm Đăng Trí kể lại rằng: Ông quan niệm vẽ tranh là vẻ cho mình, không vẽ vì danh và lợi. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Đăng Nhật, thứ nam của ông, kể rằng ông cụ tuyệt đối không bán tranh, con cái sau này cũng cố gắng gìn giữ, bảo quản. Cũng theo anh Nhật, chỉ có khoảng 2-3 bức hiện đang lưu hành bên châu Âu. Đó là do sinh thời ông cụ tặng bạn bè, sau ngày ông qua đời, tranh được giá nên họ bán ra, rày đây mai đó trên thị trường tranh. 1 bức do một bảo tàng mượn đi triển lãm bên Bungary thời bao cấp, sau đó bán luôn, cầm về đưa cho gia đình 20 đồng.
Sau khi hoạ sĩ Phạm Đăng Trí qua đời, nhiều nhà sưu tập tranh, trong đó có vài nhà sưu tập người Nhật, vốn đã theo sự nghiệp của ông Trí từ mấy chục năm trước, tìm đến đặt vấn đề với gia đình xin mua, nhưng vợ và các con ông nhất định không bán bức nào cả.
Bức Trận sông Hát, tranh lụa, cỡ 79 x 64cm, Phạm Đăng Trí vẽ cảnh Hai Bà Trưng cỡi voi ra trận đánh giặc là một hiện tượng đặc biệt. Bức này vẽ năm 1975, vài năm sau có một nhà sưu tập người Nhật nhiều lần tìm đến nhà xin được mua, và đã ra giá lên tới 70 cây vàng, nhưng Phạm Đăng Trí không bán. Ông chỉ đồng ý cho nhà sưu tập này chụp hình ông với bức tranh, rồi ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai người.
Đó là hiện tượng tranh trên thương trường. Trong nghệ thuật đích thực Phạm Đăng Trí nổi tiếng với tác phẩm Người suối bạc, tranh giấy dó, cỡ 54 x 100cm, vẽ từ năm 1945. Đó là một thiếu nữ đẹp đang nằm trên giường bệnh, sắp sửa qua đời, nhưng người xem có cảm giác như nàng đang nằm ngủ, một giấc ngủ bình yên trong cõi thiên thu.
Về nghiên cứu mỹ thuật Huế, từ sự am hiểu chất liệu và sự nghiêm cẩn trong sáng tác của người hoạ sĩ chuẩn mực, Phạm Đăng Trí đã phân tích và xác lập ra hệ ngũ sắc dân gian riêng của Huế, gồm 5 màu Đỏ - Vàng - Tím - Lục - Xanh. Khác với hệ ngũ sắc chính thống của phương Đông là Đỏ - Vàng - Xanh - Trắng - Đen.
Theo Phạm Đăng Trí, trong hệ ngũ sắc Huế thì màu Tím là trung gian giữa màu nóng và màu lạnh – và trong từng cặp màu tương phản có khả năng tạo ra ấn tượng làm dịu mắt. Trong thực tế màu Tím Huế không gây cảm xúc buồn, mà gợi một niềm vui trong sáng và thầm kín. Có lẽ đó là lý do Tím Huế được chọn làm màu áo dài truyền thống của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa?
Sau ngày hoạ sĩ Phạm Đăng Trí qua đời, gia đình có tổ chức triển lãm tranh hai lần để kỷ niệm về ông. Một lần tại nhà riêng, một lần ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tư gia của hoạ sĩ Phạm Đăng Trí ở đường Phan Đăng Lưu, gần chợ Đông Ba, như là một nhà bảo tàng nghệ thuật mi ni của Huế, một phòng trưng bày bộ sưu tập tranh cá nhân vẫn thường đón tiếp khách tri kỷ của chủ nhân và khách vãng lai đến thưởng lãm.

Phạm Hữu Thanh Tùng



»»  Đọc tiếp

19 tháng 11, 2010

Chúc mừng các NGND và NGUT họ Phạm

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 11 19, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

NGƯỜI HỌ PHẠM ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, NHÀ GIÁO ƯU TÚ

Lời BBT: Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, một tin vui đến với dòng họ chúng ta là đầu tháng 11 nhà nước đã vinh danh trên một trăm Nhà giáo Nhân dân(NGND) và trên một ngàn Nhà Giáo Ưu tú (NGUT) trong đó có gần mười NGND và trên năm mươi NGUT họ Phạm. Chúng ta nhiệt liệt chú mừng các vị ấy. Chúng tôi xin đăng bảng thống kế của ông Phạm Đình Điểu, Phó Tổng thư kí BLL họ phạm Việt Nam để bà con đông tộc được biết.

Ngày 9/11/2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định số 1917/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho 132 nhà giáo (trong đó có 8 người họ Phạm) và quyết định số 1916/QĐ/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 1062 nhà giáo (trong đó có 53 người họ Phạm) đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Giáo dục của đất nước.

DANH HIỆU NHÀ GIÁO NHÂN DÂN HỌ PHẠM

1. TS Phạm Ngọc Anh - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp 2. PGS.TS Phạm Huy Chương - Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự 3. Bà Phạm Minh Phương - Nguyên Chủ nhiệm Khoa múa dân gian dân tộc 4. GS.TS Phạm Minh Khang - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 5. GS.TS Phạm Lương Tuệ - Nguyên Giảng viên Bộ môn Công nghệ nhiệt, khoa Năng lượng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 6. GS.TS Phạm Hữu Tòng - Nguyên Phó Trưởng khoa Vật Lý Trường Đại học Sư phạm HN 7. GS.VS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 8. PGS.TS Phạm Gia Văn - Nguyên chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu, Học viện Quân y

DANH HIỆU NHÀ GIÁO ƯU TÚ HỌ PHẠM

1. PGS.TS Phạm Bình Quyền - Nguyên Giảng viên cao cấp khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
2. PGS.TS Phạm Văn Liên - Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính
3. PGS.TS Phạm Ngọc Dũng - Trưởng Ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính
4. TS Phạm Thị Thắng - Trưởng bộ môn kinh tế lượng, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính
5. PGS.TS Phạm Xuân Hằng - Chủ nhiệm khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
6. GS. TS Phạm Hồng Thái - Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
7. PGS.TS Phạm Văn Nhiêu - Giảng viên khoa Hóa, Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội
8. PGS.TS Phạm Hảo - Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM 9. TS Phạm Hữu Lộc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp t/p Hồ Chí Minh
10. PGS.TS Phạm Quang Phúc - Trưởng khoa Nghiệp vụ Cảnh sát phòng chống tội phạm hình sự, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
11. PGS.TS Phạm Văn Đoan – T/p KHCN và MT, Học viện Lục quân, Bộ QP
12. GS.TSKH Phạm Thế Long - Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng
13. PGS.TS Phạm Đình Nhịn - Phó trưởng phòng Đào tạo, Học viện Chính trị Bộ QP
14. PGS.TS Phạm Văn Thắng - Chủ nhiệm khoa Công tác Đảng, Học viện Chính trị, Bộ QP
15. TS Phạm Văn Điển - Giảng viên chính khoa Lâm học Trường Đại học Lâm nghiệp
16. GS. TS Phạm Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực Trường ĐH Bách khoa HN
17. GS. TS Phạm Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
18. PGS. TS Phạm Thị Ngọc Yến - Giám đốc TrT Nghiên cứu Quốc tế Đa phương tiện, Truyền thông và Ứng dụng (MICA), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
19. GS. TS Phạm Quang Phan - Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Kinh tế QD
20. PGS. TS Phạm Hùng Thắng - T/p Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, ĐH Nha Trang
21. TS Phạm Trọng Toàn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
22. PGS.TS Phạm Xuân Hậu - Viện trưởng Viện NC giáo dục, ĐH Sư phạm T/p HCM
23. PGS. TS Phạm Duy Hoà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng 24. TS Phạm Văn Tần - Nguyên Chủ nghiệm khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường ĐHKTQD
25. PGS. TS Phạm Ngọc Đĩnh - Nguyên Giảng viên khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm HN
26. Ông Phạm Văn Phùng - Phó hiệu trư¬ởng trư¬ờng Cao đẳng xây dựng Nam Định
27. Ông Phạm Văn Chánh - Phó Hiệu trưởng, G/đ phân hiệu phía Nam, Tổng C/ty Đường sắt 28. Ông Phạm Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường CĐ Đường sắt, Tổng C/ty Đường sắt Việt Nam
29. Ông Phạm Văn Hùng - PCN khối Chuyên toán ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia HN 30. Ông Phạm Minh Đạo – T/P Quản lý Khoa học, Trường ĐH Kinh tế- Kỹ thuật CN 31. Ông Phạm Ngọc Thụ - Trưởng phòng Khảo thí Kiểm định chất lượng giáo dục Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp
32. Ông Phạm Văn Sinh - Hiệu trưởng trường Trung cấp KT nghiệp vụ Công an nhân dân
33. Ông Phạm Công Lừng - Trưởng phòng ĐT, Trường Trung cấp Biên phòng 1, Bộ QP
34. Ông Phạm Văn Nhi - Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền, Trường Trung cấp Quân y 2, Quân khu 7, Bộ Quốc phòng
35. Ông Phạm Văn Định - Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
36. Bà Phạm Thị Minh Khánh - Giảng viên Trường Cao đẳng Múa Việt Nam
37. Bà Phạm Thị Kim Oanh - Trưởng khoa kinh tế, Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc
38. Ông Phạm Văn Nha - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su
39. Ông Phạm Viết Khang - Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao Đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ.
40. Bà Phạm Tố Như - Trưởng khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp
41. Bà Phạm Ngọc Thuý - Nguyên T/p Tổ chức Cán bộ, Sở GD& ĐT tỉnh Tuyên Quang 42. Ông Phạm Hồng Việt - Nguyên giảng viên khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm Huế
43. Ông Phạm Phong Tống - Nguyên Hiệu trưởng Trường TC Quân y 2 Quân khu 7, Bộ QP
44. Ông Phạm Văn Khánh - Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ, Thành phố HN
45. Bà Phạm Thị Mỹ Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai 13, Quận 4, T/p HCM 46. Ông Phạm Văn Trường - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu, T/p HCM
47. Bà Phạm Thị Đông - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương, T/p Đà Nẵng
48. Bà Phạm Thị Ngọc Mai - Giáo viên trường Tiểu học Thới Hưng 1, Thành phố Cần Thơ
49. Bà Phạm Thị Minh - Hiệu trường trường Tiểu học Chũ, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
50. Bà Phạm Minh Tâm - Giáo viên trường THPT Tiên Du 1, tỉnh Bắc Ninh
51. Bà Phạm Thị Tuyết Hải - Phó Hiệu trưởng Trường TH Hùng Vương, thành phố Cà Mau
52. Ông Phạm Văn Nhăm - T/p Giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk
53. PGS. TS Phạm Duy Liên - Trưởng khoa Đào tạo bồi dưỡng Tại chức, Trường ĐHNT

Phạm Đình Điểu (Tổng hợp Danh sách trên VietNamNet)
»»  Đọc tiếp

18 tháng 11, 2010

BLL họ Phạm tỉnh Bình Định đã được thành lập

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 11 18, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

ĐẠI HỘI LẦN THỨ I BAN LIÊN LẠC DÒNG HỌ PHẠM
TỈNH BÌNH ĐỊNH (2010 – 2015)

Ngày 14/11/2010, tại Trung tâm thành phố Quy Nhơn, diễn ra Đại hội thành lập Ban Liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định lần thứ I, nhiệm kỳ 2010-2015 và thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định (G100+5) (G100 có nghĩa là khoảng trên 100 doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định, cộng 5 doanh nhân ngoài họ phạm tham gia. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có Bác sĩ Phạm Văn Căn, Phó Tổng thư ký Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam khóa VI phụ trách phía Nam kiêm Trưởng ban liên lạc họ Phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 80 đại biểu đại diện cho các Hội đồng gia tộc, các chi phái họ Phạm trong toàn tỉnh và gần 30 doanh nhân họ Phạm đã về dự. Đại hội tập trung thảo luận dự thảo Quy chế hoạt động của Ban liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định, thảo luận Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định, thảo luận về nhiệm vụ hoạt động việc họ trong thời gian tới. Đại hội đã bầu Ban Liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định gồm 11 thành viên, do ông Phạm Chí Công làm Trưởng ban.

Về lâu dài, sau khi thành lập được Ban liên lạc dòng họ Phạm các huyện, thành phố sẽ củng cố Ban Liên lạc cấp tỉnh đủ mạnh theo hướng đại diện Ban Liên lạc cấp huyện làm thành viên Ban Liên lạc cấp tỉnh. Đại hội cũng nhất trí bầu ra Ban liên lạc Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm tỉnh Bình Định gồm 9 thành viên.

Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Văn Căn, Phó Tổng thư ký Ban Liên lạc dòng họ Phạm Việt Nam bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi được tham dự Đại hội này. Ông cảm thông, chia xẻ những khó khăn bước đầu trong quá trình vận động thành lập Ban liên lạc cấp tỉnh và các huyện, thành phố, ông mong rằng trong tương lai Ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Bình Định sẽ đoàn kết, chăm lo việc họ nhiều hơn nữa để làm sao hầu hết các gia đình họ Phạm và con em của họ đều là thành viên của Ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Bình Định trong đại gia đình họ Phạm Việt Nam,.. Hoạt động việc họ từng bước trở thành nhu cầu tinh thần của mọi người trong cộng đồng họ Phạm và trong toàn xã hội,…

Một số hình ảnh Đại hội Ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Bình Định lần thứ I

Ông Phạm Chí Công, Trưởng ban Liên lạc họ Phạm tỉnh Bình Định phát biểu khai mạc Đại hội.

                                                      Đoàn Chủ tịch Đại hội

                                                           Toàn cảnh Đại hội

Ông Phạm Văn Căn, Phó Tổng thư ký Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam 
 phát biểu tại Đại hội.

                                         Ban Liên lạc dòng họ Phạm tỉnh Bình Định khóa I
»»  Đọc tiếp

17 tháng 11, 2010

Thư Chúc mùng ngày nhà Giáo Việt Nam 20/11

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 17, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments


Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam - 20/11, Ban biên tập trang web hophamvietnam.org xin gửi đến các thề hệ thầy cô giáo họ Phạm trong và ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Ngườ Việt ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Mỗi năm đến ngày này mỗi người chúng ta đều nghĩ về những thầy cô từ mẫu giáo cho đến Đại học, những người đã dạy dỗ ta nên người với một tấm lòng biết ơn sâu sác. Thầy giáo là một trong những nghề cao quí nhất của xã hội, được toàn xã hội tôn vinh.  Chúng ta ai cũng nhớ câu tục ngữ "Không thầy đố mày làm nên". Ngày nay mỗi chúng ta dù ở cương vị nào, làm việc gì cũng không thể quên được công ơn đó.
Ban biên tập trang web của dòng họ xin kính chúc các thế hệ thầy cô giáo mạnh khỏe và hạnh phúc!

Tp.HCM, 17/11/2010
Tổng biên tập
PGS,TS Phạm Đạo

Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ nổi tiếng của tác giả Lê Văn Lộc đã làm xúc động bao thế hệ thày trò chúng ta,

BỤI PHẤN

                       Lê Văn Lộc

Khi Thầy viết bảng
bụi phấn rơi rơi.
Có hạt bụi nào
rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
vương trên tóc Thầy

Em yêu phút giây này
Thầy em, tóc như bạc thêm
bạc thêm vì bụi phấn
đã cho em bài học hay

Mai sau lớn, nên người
Làm sao, có thể nào quên?
Ngày xưa Thầy dạy dỗ
khi em tuổi còn thơ
»»  Đọc tiếp

14 tháng 11, 2010

Tin về CLB Doanh nhân họ Phạm

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 14, 2010 bởi Phạm Đạo · 3 comments

Thường trực Ban Chủ nhiệm
Câu lạc bộ Doanh nhân Họ Phạm Việt Nam
họp phiên thường kỳ

Tại trụ sở của Tập đoàn kính Kala (KALA GLASS CORP.) ở Thanh Trì, Hà Nội, ngày 06/11/2010, Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam đã họp phiên thường kỳ để kiểm điểm tình hình hoạt động trong thời gian qua và bàn công việc trong thời gian tới. Đại diện Thường trực Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam đã đến dự họp. Nhiều ủy viên mặc dù vẫn quan tâm đến hoạt động của CLB nhưng vắng mặt vì lý do công việc. Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB đã trao đổi bằng các phương tiện thông tin điện tử với các ủy viên này để trao đổi về những vấn đê sẽ bàn thảo trong cuộc họp và đã có sự nhất trí về đánh giá tình hình cũng như chủ trương củng cố CLB của Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB. 

CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam là thành viên của BLL họ Phạm Việt Nam được thành lập ngày 29/3/2009 tới nay đã được 19 tháng. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Quy chế tổ chức và hoạt động của CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam, mục đích của CLB là “tập hợp, đoàn kết các doanh nhân họ Phạm Việt Nam trong và ngoài nước để gắn bó, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đóng góp cho sự phat triển của đất nước; đồng thời động viên nhau tích cực tham gia các hoạt động của dòng họ Phạm toàn quốc”. Theo đánh giá của Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB, đã có nhiều doanh nhân tự nguyện tham gia nhiều hoạt động dòng họ tại các gia tộc, các BLL họ Phạm địa phương và toàn quốc. Nhưng đó mới là các hoạt động mang tính chất đơn lẻ, còn các hoạt động chung của CLB nói chung còn ít, chưa tương xứng với tâm nguyện, mong muốn và tiềm năng của các thành viên CLB.

Bởi thế cần thiết phải củng cố, điều chỉnh bổ sung nhân sự để tăng cường năng lực tổ chức của Bộ phận thường trực; thành lập các Ban chuyên môn của CLB và phân công các thành viên trong Ban Chủ nhiệm tham gia vào các Ban chuyên môn để tăng cường khả năng chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức các hoạt động đa dạng phong phú, hiệu quả thiết thực của CLB.
Thường trực Ban Chủ nhiêm CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam đã điều chỉnh, bổ sung vào Bộ phận thường trực một số thành viên, Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của CLB và phân công nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Ông Phạm Quang Hoàn, Chủ nhiệm CLB. phụ trách chung cùng 3 vị phó chủ nhiệm và 2 ủy viên thường trực.
- Ông Phạm Vũ Câu, Tổng thư ký CLB cùng hai vị Phó tổng thư ký.
- Thành lập 5 ban chuyên môn để triển khai hoạt động của CLB theo Quy chế tổ chức và hoat động của CLB doanh nhân họ Phạm Việt Nam gồm: Ban tổ chức và phát triển, Ban tài chính - kinh tế, Ban xúc tiến kết nối - hợp đồng, hợp tác kinh doanh, Ban vận động tham gia các hoạt động từ thiện và giáo dục truyền thống dòng họ, và Ban kiểm tra.
- Thành lập Văn phòng CLB doanh nhân Họ Phạm Việt Nam ở Hà Nội và sau này ở TP. Hồ Chí Minh khi có yêu cầu và đủ điều kiên.
- Thành lập trang Thông tin điện tử của CLB để cập nhật thông tin, giao lưu và quan hệ kết nối, hợp tác, quảng cáo hàng hóa thương hiệu của các doanh nghiệp do doanh nhân họ Phạm làm Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc. Ông Phạm Quang Hoàn - Chủ nhiêm CLB nhận tài trợ chi phí mở trang web này.
- Ban Chủ nhiệm giới thiệu ông Phạm Quang Hoàn tham gia Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam.
Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB cũng phân công cụ thể từng người chịu trách nhiệm về từng mảng công việc; quy định lề lối làm việc, định kỳ sinh hoạt, chế độ báo cáo như Quy chế tổ chức và hoạt động của BLL họ Phạm Việt Nam. Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB sẽ có Báo cáo với BLL Họ Phạm Việt Nam và Thông báo cụ thể với các thành viên của CLB về các nội dung đã được cuộc họp kết luận.
Thường trực Ban Chủ nhiệm CLB cũng quy định cụ thể về mức đóng góp quỹ của các thành viên và quyết định lập Quỹ của CLB cùng Sổ vàng ghi danh đóng góp của các thành viên CLB. Quỹ được chia ra thành 4 loại với các nội dung: Khuyến học, khuyến tài; Từ thiện ; Chi cho hoạt động của CLB ; Công đức, cung tiến tịnh tài để góp phần trùng tu, tôn tạo Công trình Đình thờ Thượng Thủy tổ Phạm Tu và các công trình khác theo tâm nguyện của bà con họ Phạm. Cuộc họp cũng đã bàn bạc tìm ra biện pháp tích cực để tổ chức thực hiện những nội dung đã nêu ra. 

Cuộc họp không đông người nhưng đã diễn ra sôi nổi, khẩn trương và cụ thể trong tinh thần đoàn kết, xây dựng và tâm huyết với dòng họ. Hy vọng rằng, với tinh thần ấy, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phạm Việt Nam sẽ được củng cố và khởi động lại để có các hoạt động tích cực và hiệu quả, đạt được mục đích khi thành lập CLB, đáp ứng được tâm nguyện của các thành viên CLB, góp phần thiết thực xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh, xứng đáng với vị trí vốn có của dòng họ Phạm với đất nước! 

Hà Nội, ngày 12/11/2010
Phạm Thúy Lan
»»  Đọc tiếp

Thư chúc mừng

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 11 14, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

THƯ CHÚC MỪNG

Được tin ngày mai 14/11/2010 tại Bình Định tiến hành Đại hội chính thức thành lập BLL họ Phạm tỉnh Bình Định. Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam cử ông Phạm Văn Căn, Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam kiêm Phó Tổng thư ký phụ trách các tỉnh phía Nam đến dự Đại hội.

Nhân dịp này chúng tôi xin gửi đến quí vị đại biểu tham dự Đại hội lời chúc mừng tốt đẹp nhất: Chúc quí vị sức khỏe dồi dào, tích cực tham gia các hoạt động dòng họ của tỉnh nhà cũng như toàn quốc để cho hoạt động dòng họ Phạm chúng ta ngày càng phát triển góp phần gìn giữ gai phong phát huy truyền thống tốt đẹp của họ Phạm và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước ta ngày một phồn vinh sánh với bè bạn năm châu.
Xin kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Hà Nội, ngày 13/11/2010
TM TTr. BLL họ Phạm Việt Nam
Trưởng Ban

PGS.TS Phạm Đạo
»»  Đọc tiếp

8 tháng 11, 2010

Dây cáp điện chống cháy Thiên Phú

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 11 08, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

DÂY CÁP ĐIỆN CHỐNG CHÁY THIÊN PHÚ ĐẠT DANH HIỆU “HÀNG VIỆT NAM ĐƯỢC NGƯỜI TIÊU DÙNG THỦ ĐÔ YÊU THÍCH”

LGT: Dây cáp điện chống cháy vừa được giải thưởng “Hàng Việt Nam được người tiêu dùngThủ đô yêu thích” là một trong những sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp Thiên Phú do ông Phạm Quang Hoàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Chúng tôi giới thiệu bài viết đăng trênwebsite: Thienphu group cùng với lời chúc mừng thành công của một doanh nhân họ Pham chúng ta - Phạm Thúy Lan

Tối 24/10/2010, tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra đêm hội tôn vinh “Hàng Việt Nam được người thủ đô yêu thích”. Sản phẩm Dây cáp điện chống cháy Thiên Phú của Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú tự hào được vinh danh đạt giải thưởng này.

Đây là chương trình hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”do Bộ Chính trị phát động. Tham dự buổi lễ trao giải có ông Nguyễn Huy Tưởng Phó chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số ban ngành của Thành phố Hà Nội.

Qua hơn 3 tháng khảo sát lấy ý kiến dựa trên các tiêu chí: Sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý, thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung… Dây cáp điện chống cháy Thiên Phú đã đạt đầy đủ các tiêu chí, được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người Thủ đô yêu thích”.

Ông Phạm Quang Hoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Thiên Phú cho biết: Là một doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, trước tình hình hỏa hoạn ngày càng gia tăng, Thiên Phú đã đưa ra thị trường sản phẩm Dây cáp điện chống cháy. Nhiều năm nay, người tiêu dùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã có những đánh giá tốt về chất lượng của sản phẩm. Chúng tôi đã và đang đầu tư thêm công nghệ sản xuất nhằm mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá thành hợp lý.
                                  Phạm Quang Hoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn 
                                  Công nghiệp Thiên Phú (ngoài cùng bên trái) lên nhận giải.

Sản phẩm Dây cáp điện chống cháy Thiên Phú đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam được người Thủ đô yêu thích” góp phần nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, khẳng định trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
»»  Đọc tiếp

6 tháng 11, 2010

Tộc Phạm trên đảo Lý Sơn làm khuyến học

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 11 06, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

TỘC PHẠM VĂN Ở HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN TỈNH QUẢNG NGÃI LÀM KHUYẾN HỌC

Lý Sơn là một huyên đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 10 km2, cách đất liền chừng 18 hải lý, ngay gần kề quần đảo Hoàng Sa. Đảo có khoảng 2 vạn dân với 26 dòng họ. Tộc Phạm Văn là một tộc họ lớn ở đảo, có khoảng 150 hộ với hơn 600 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu ở thôn Đông xã An Vinh, là một dòng tộc có truyền thống yêu nước lâu đời, có một vị trí nhất định trên đảo.
Theo ông Mai Duy Quý, cán bộ Phòng Giáo dục huyện Lý Sơn thì : “... Hầu hết các hộ trong dòng họ đều sống bằng nghề nông, đa phần mức sống chỉ “thường thường bậc trung”. Ấy vậy mà dòng tộc vẫn luôn giữ được truyền thống hiếu học. Nét đẹp ấy qua bao đời đã được con cháu giữ gìn và phát triển không ngừng. Có thể nói rằng dòng tộc Phạm Văn là lá cờ đầu trong công tác khuyến học ở huyện Lý Sơn”.
Chi Hội Khuyến học và Quỹ khuyến học của dòng tộc Phạm Văn xã An Vĩnh được thành lập từ năm 2002. Từ đó đến nay, liên tục 9 năm liền, cứ đến ngày kỵ tổ và kết thúc năm học, dòng họ đều tổ chức tuyên dương phát thưởng cho các học sinh giỏi để động viên con cháu ra sức học tập đạt thành tích cao. Trước khi làm Lễ tuyên dương, bao giờ cũng có lễ dâng hương tiên linh, trong không khí trang nghiêm tôn kính, ông trưởng tộc Phạm Văn Đa phát thưởng cho những cháu đạt thành tích học tập cao. Những phần thưởng tuy giá trị kinh tế không lớn nhưng các cháu được nhận rất xúc động, hứa sẽ cố gắng hơn trong học tập và tu dưỡng. Những cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt cũng có phần thưởng, đồng thời dòng tộc quan tâm động viên giúp đỡ các gia đình để không cháu nào phải bỏ học giữa chừng. Cho đến nay, trong dòng tộc đã có hơn 50 con em đã và đang học đại học, cao đẳng, một cháu đang học cao học. Nhiều gia đình có 2 hoặc 3 con học đại học và cao đẳng, như ông bà Phạm Khương An, Phạm Thạnh có 2 con đại học, 1 con cao đẳng; các ông bà Phạm Thoại Tuyền, Phạm Văn Ngọc, Phạm Hoàng Linh,... có 2 con học đại học. Ở một nơi xa xôi, còn khó khăn về nhiều mặt mà con cháu được học hành đến nơi đến chốn là một sự cố gắng rất lớn của các bậc ông bà, cha mẹ. Thật đáng trân trọng!
Nhiều con em của bà con họ Phạm Văn đảo Lý Sơn đã ra trường, có việc làm ở các cơ quan nhà nước hay các công ty. Riêng ở Khu Công nghiệp Dung Quất đã có tời 3-4 chục người của dòng tộc này là công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên các cấp sau khi ra trường được nhận vào đây làm việc đang phát huy kiến thức học được ở nhà trường vào công việc, lo được cuộc sống của mình và gia đình. Có người có những thành tích xuất sắc như anh Phạm Văn Hùng con ông Phạm Thạnh vừa được vinh danh là danh nhân thành đạt năm 2010.
Năm nay, vào ngày 29/8/2010, nhằm ngày 20 tháng 7 năm Canh Dần, đúng vào ngày họ Phạm cả nước họp mặt tại Ninh Bình nhân kỷ niệm lần thứ 1465 ngày hy sinh của Tiền Lý triều Tả tướng, Trưởng Ban Võ nhà nước Vạn Xuân, Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Thượng Thủy Tổ họ Phạm Việt Nam, Chi hội Khuyến học tộc Phạm Văn huyện đảo Lý Sơn tổ chức biểu dương thành tích học tập năm học 2009-2010 của các cháu học sinh sinh viên trong dòng họ.
Về dự có ông Nguyễn Thanh Tùng ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyện học tỉnh, P.Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lý Sơn; ông Vũ Xuân Hòa, P.Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã An Vĩnh; đại diện Ban Giám hiệu các trường từ Mầm Non đến Phổ thông Trung hoc trong huyện; đại diện các họ tộc, họ đạo trong huyện; ông trưởng tộc Phạm Văn cùng các vị trưởng chi phái trong dòng tộc.
Năm học này có 76 cháu đạt tiêu chuẩn được tuyên dương theo tiêu chí của dòng họ, trong đó có nhiều cháu học giỏi nhiều năm liền như cháu Phạm Thị Trinh, Phạm Văn Quý, Phạm Hoàng Thịnh, v.v....Nhiều năm nay, Chi hội Khuyến học tộc Phạm Văn Lý Sơn luôn luôn được huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen, năm nay Chi Hôi được Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích làm khuyến học của Chi Hội và Chủ tịch Chi Hội Phạm Văn Ngọc được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”.
Cho đến nay, Quỹ Khuyến học của tộc họ Phạm Văn đã có tới 35 triệu đồng, do bà con trong họ tộc đóng góp từ thu nhập ít ỏi của mình dành dum cho sự nghiệp trồng người, mong con cháu học hành tấn tới, giỏi giang; do con cháu trong dòng tộc đã thành đạt đi làm ăn ở khắp nơi gửi về mong góp phần động viên và tạo điều kiện cho phong trào khuyến học của quê nhà. Đặc biệt, năm nay Bác sĩ Phạm Văn Căn, Ủy viên Thường trực BLL họ Phạm Việt Nam, Trường Ban BLL họ Phạm thành phố Hồ Chí Minh đã “gởi 4 triệu đồng tặng 4 em học sinh nghèo hoc giỏi của tộc Phạm Văn ở Đảo Lý Sơn” (nguyên văn E-mail của BS Căn). Nhà báo Phạm Thị Thúy Lan, Tổng Biên tập Bản tin Nội tộc THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM cũng gửi quà vào chúc mừng buổi lễ.
Lễ trao Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam cho Chi Hội Khuyến học tộc Phạm Văn ở Đảo Lý Sơn, trao Giấy khen, phần thưởng và học bổng cho các cháu học sinh học giỏi năm học 2009-2010 của tộc Phạm Văn diễn ra trong không khí vui vẻ, xúc động, chan chứa tình dòng tộc, rất có tác dụng khích lệ các cháu “khổ công học tập” vì ngày mai lập nghiệp và xây dựng quê hương đất nước. Ông Mai Duy Quý, cán bộ Phòng Giáo dục huyện đảo Lý Sơn nói : ”Thiết nghĩ, nếu tất cả 26 dòng tộc ở đảo Lý Sơn đều làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài như tộc Phạm Văn, thì một ngày không xa, Lý Sơn sẽ có một nền kinh tế tri thức và sẽ xây dựng thành công một huyện đảo giàu đẹp vững bền”

Phạm Thị Thúy Lan - Phạm Văn Ngọc

Dưới đây là một vài hình ảnh vê buổi Lễ

                        Các vị đại diện các họ đạo, tộc họ và ông Trưởng tộc Phạm Văn dự Lễ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, P.Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lý Sơn trao Bằng khen của Hội Khuyến học VN cho Chi Hội Khuyến học tộc Phạm Văn xã An Vĩnh

Ông Vũ Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khuyến học xã An Vĩnh (phía sau bên phải) và ông Phạm Văn Ngọc, Chủ tịch Chi Hội KH tộc Phạm Văn (bên trái) trao học bổng của BS Phạm Văn Căn cho các cháu học giỏi xuất sắc của tộc Phạm Văn.

Ông Phạm Văn Ngọc Chủ tịch cùng các vị trong Chi Hội Khuyến học tộc Phạm Văn trao Giấy khen và phần thưởng cho các cháu học sinh của tộc họ có thành tích cao trong năm học 2009-2010

                                        Các cháu học sinh học giỏi của tộc Phạm Văn
                                  năm học 2009-2010 được trao thưởng trong buổi Lễ.
»»  Đọc tiếp

3 tháng 11, 2010

Tin buồn: Vô cùng thương tiếc cụ Vũ Phạm Thuyên

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 03, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Cụ Vũ Phạm Thuyên (cũng gọi là Phạm Vũ Thuyên), là một trong những người sáng lập ra BLL họ Phạm Việt Nam từ năm 1996. Cụ nguyên là Phó Trưởng Ban liên lạc họ Phạm Việt Nam các khóa I, II, III và IV. Cụ đã mất tại Hà Nội ngày 26 tháng 10 năm 2010. Chúng tôi xin đăng bài viết của cụ Vũ Phạm Chánh, em ruột cụ Vũ Phạm Thuyên để bà con xa gần biết thân thế và sự nghiệp của cụ Vũ Phạm Thuyên.

THƯƠNG TIẾC CỤ VŨ PHẠM THUYÊN


Cụ Vũ Phạm Thuyên sinh ngày 12 tháng 7 năm 1922, mất ngày 26-10-2010, hưởng thọ 89 tuổi, là người làng Đôn Thư, xã Kim Thư Huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội, là cháu đời thứ 11 của Dòng Họ Phạm Vũ Đôn Thư, là Trưởng Biệt chi Vũ Phạm trong dòng họ Phạm Vũ Đôn Thư.

Trước Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, Vũ Phạm Thuyên đã tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc ở Hà nội, hoạt động trong phong trào Học sinh sinh viên trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và đã tham gia khởi nghĩa tại Thị xã Hà Đông. Sau đó hưởng ứng lời kêu gọi tòng quân cứu nước, Vũ Phạm Thuyên đã gia nhập quân đội và là một trong những học viên sĩ quan Khóa I của Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, sau này là Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn. Tốt nghiệp sĩ quan, từ giữa năm 1946, Vũ Phạm Thuyên đã theo đoàn quân Nam tiến chi viện cho chiến trường Miền Nam. Từ đó, trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Vũ Phạm Thuyên chiến đấu ở mặt trận Khu V và Cực Nam Trung Bộ và tham gia giảng dạy đào tạo tại Trường Quân Giới Liên Khu V. Năm 1955 Vũ Phạm Thuyên tập kết ra bắc trong chuyến tầu biển cuối cùng từ Cảng Quy Nhơn ra Cảng Sầm Sơn, Thanh Hóa. Từ đó Vũ Phạm Thuyên tiếp tục trong quân ngũ, chuyên ngành Vũ Khí – Khí tài của Tổng Cục Hậu cần, QĐND VN. Ông tham gia hầu hết các chiến dich trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ ở các chiến trường miền Nam và cả những chiến dịch chống B52 ở Miền Bắc. Chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc năm 1978-1979, ông cũng được điều động tham gia cho đến khi kết thúc. Năm 1980, Vũ Phạm Thuyên được quân đội điều động ra phụ trách công tác Vận tải thuộc Tổng Cục Dầu Khí, một ngành công nghiệp mới thành lập. Ông công tác ở đây cho đến ngày nghỉ hưu năm 1985. Sau ngày nghỉ hưu, ông còn tham gia nhiều dự án, chương trình nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, như chương trình Lương Thực, chương trình dinh dưỡng… Trong quân đội cũng như trong công tác xây dựng kinh tế, Vũ Phạm Thuyên là một người tận tụy, có năng lực tổ chức, đào tạo và điều hành. Với bản thân luôn là một chiến sĩ, một sĩ quan dũng cảm kiên cường, luôn luôn học hỏi để vươn lên nắm những đỉnh cao của khoa học quân sự và vũ khí. Vừa công tác trong quân đội, ông vừa đi học các lớp ban đêm để tốt nghiệp xuất sắc hai bằng Kỹ sư Vô Tuyến Điện và Kỹ sư Cơ Khí Chế tạo. Xuất thân từ một gia đình Khoa Bảng (Ông nội là Tam nguyên Thám Hoa Vũ Phạm Hàm, ông Thân sinh là Tri Phủ Vũ Phạm Phổ), một gia đình nhân sĩ trí thức giầu lòng yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, đã tham gia với phong trào cách mạng từ rất sớm, lại là một trong những hậu duệ của một dòng họ có nhiều nhà khoa bảng, nên Vũ Phạm Thuyên là một con người sống mực thước, nhân ái và vị tha. Nhận thức rõ những bước đi tất yếu của dân tộc, nên trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, ông cũng vẫn giữ được cách sống lạc quan, yêu đời và hết sức giản dị. Vũ Phạm Thuyên cũng là người rất tôn trọng truyền thống quê hương, dòng họ và luôn gương mẫu giáo dục các thế hệ con cháu phải rèn luyện để xứng với nền nếp cha ông. Vũ Phạm Thuyên đã là một trong những người đầu tiên thành lập Ban Liên Lạc Họ Phạm toàn quốc (Ông giữ chức Phó Trưởng Ban Liên Lạc nhiều năm, cho đến gần đây do sức khỏe ông không tốt lắm, nên ông được nghỉ) Hoạt động công việc của Ban Liên Lạc Dòng Họ, mặc dù tuổi cao, ông luôn tích cực hoàn thành những công việc mà tập thể trao cho, đóng góp tích cực trong công tác của Ban Liên Lạc.

Lễ tang Ông Vũ Phạm Thuyên đã được tổ chức trọng thể tại nhà tang lễ Quân Đội. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi vòng hoa đến viếng. Các Ông Hoàng Trung Hải, Phạm Gia Khiêm Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến viếng, nhiều vị bộ trưởng trong chính phủ, các quan chức của các tỉnh và Hà Nội, các đồng đội, đồng nghiệp và thân hữu bạn bè trong Nam ngoài Bắc đã đến viếng và cùng gia đình tiễn đưa linh cữu Ông Vũ Phạm Thuyên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Vũ Phạm Chánh
»»  Đọc tiếp
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi