Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

24 tháng 11, 2010

Về câu đối của Vũ Phạm Hàm

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 24, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI CỦA TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM
Ở ĐỀN KIẾP BẠC VÀ ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO-SAIGON 

Ông Phạm Vũ Động, người sưu tầm(ảnh bên)

Nhân ngày Giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20-8 âm lịch (nhằm vào ngày 27/9/2010) vừa qua, Đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương), Đền Bảo Lộc (ngoại thành Nam Định) và Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Tp HCM đều tổ chức trọng thể ngày Giỗ của vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ 13, người đã có công góp phần làm rạng rỡ cho lịch sử oai hùng của nước nhà. Cuộc đời của Trần Hưng Đạo gắn liền với toàn bộ chặng đường vinh quang nhất của triều Trần. Trong suốt cả chặng đường đó, Trần Hưng Đạo đã có hàng loạt những cống hiến to lớn, trải rộng trên nhiều lãnh vực khác nhau. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của chúng ta.

Để tưởng nhớ công ơn của người, Đền thờ Trần Hưng Đạo tọa lạc ở số 36 đường Hiền Vương - Saigon (nay là Võ thị Sáu) cùng hai đền thờ Trần Hưng Đạo nổi tiếng nhất và cũng lâu đời nhất ở miền Bắc là đền Kiếp Bạc và đền Bảo Lộc năm nào cũng tổ chức Lễ hội kỷ niệm Trần Hưng Đạo nhân ngày Giỗ cùa người một cách hết sức trọng thể và linh thiêng.

ĐỀN THỜ TRẦN HƯNG ĐẠO TẠI TP. HCM. 

Khu đền thờ Trần Hưng Đạo ngày nay vốn xưa là đất chùa Vạn An. Chùa Vạn An tuy nhỏ, nhưng cũng là một trong những ngôi chùa được khá nhiều khách thập phương tới viếng. Từ năm 1932, đền thờ Trần Hưng Đạo mới được dựng lên ở sát ngay cạnh chùa Vạn An, lúc đầu, đền chỉ có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn sơ. Đến năm 1958,cả chùa lẫn đền cũ đều bị phá bỏ, và thay vào đó, đền thờ Trần Hưng Đạo khang trang hơn, to lớn hơn, kiến thiết công phu hơn. . .đã được dựng lên. Từ năm 1958 đến nay, đền thờ Trần Hưng Đạo tuy có được tu bổ thêm nhiều lần, nhưng nhìn chung, cả vóc dáng lẫn đường nét căn bản của kiến trúc cũ vẫn được giữ nguyên.

Đền có hai cổng. Cổng chính chỉ mở vào những ngày rằm, ngày 30 âm lịch hang tháng, hoặc những ngày lễ lớn trong năm; cổng phụ mở thường xuyên để đón khách tới lễ đền và viếng đền.

Phía trên Cổng chính có khắc 4 chữ Hán cỡ lớn: HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG. Ở mặt ngoài cùa 2 cột Cổng chính, có đôi câu đối chữ Hán như sau:

- Liệt liệt oanh oanh, miễn hoài vĩ tích quan Trần sử
- Dương dương hách, cảnh ngưỡng linh quang nhập miếu môn

Nghĩa là :

- Xem sử nhà Trần nhớ mãi những chiến tích oanh liệt tích tụ lại
- Vào của miếu, thấy ánh sáng linh thiêng tỏa rạng ra.

Mặt trong của 2 cột Cổng chính cũng có đôi câu đối chữ Hán:

- Vì Châu Cơ tể, vì Hán Lưu hầu, võ lược văn hung bình họa loạn
- Tại thiên nhật tinh, tại địa hà nhạc, hung phong chính khí trấn bang ky

Nghĩa là :

- Làm như những bậc tể phụ của họ Cơ (dòng họ quý tộc} của nhà Chu, làm như những bậc công hầu của họ Lưu đời Hán, võ giỏi, văn tài, dẹp yên loạn lạc,
- Như mặt trời và tinh tú trên không trung, như con sông lớn, như ngọc núi cao trên mặt đất, oai lớn, đức dày, trấn yên bờ cõi.

Trong khuôn viên rộng chừng 2000m2, sân đền chiếm một phần diện tích lớn, nên đền có vẽ thoáng mát và rộng rãi. Sân đền lót gạch men màu nâu, thuận tiện cho việc tụ tập đông người trong những ngày lễ lớn cùa đền. Ngay ở đầu sân, là bức tượng Trần Hưng Đạo, tuy không lớn lắm nhưng rất uy nghi. Tượng đúc bằng xi- măng, tô màu đen pha vàng, được dựng lên vào cuối năm 1972.


Đền thờ có cấu trúc hình chữ đinh (T), diện tích khoảng 250 m2 và có 3 cửa liền nhau. Phía trên 3 cửa này có hang chữ Hán :

Hiển thánh Trần triều Hưng Đạo Đại Vương linh từ ( Đền thờ của bậc hiển thánh linh thiêng là Hưng Đạo Đại Vương, người triều Trần).

Ở trước bàn hương án có 2 con nghe ngồi chầu, mỗi con ngậm một cái xương sườn cá voi cong vút lên, tạo thành một hình vòng cung, trông rất uy nghi. Sau bàn hương án là nơi thờ các vị anh hùng hào kiệt đời Trần, đã có công với nước như: Trần Quang Khải, TRần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Phía trên hương án là bức hoành phi với hang chữ Hán: “Trần triều hiển thánh” (các vị hiển thánh triều Trần).

Hai bên hương án có hai hang cờ quạt, tàn lọng, đồ bát bửu, đồ lễ bộ, ngựa hồng, ngựa bạch. . .Dọc theo hai cột ở hai bên hương án có đôi câu đối:


- Nam Bộ nhất sơ tân miếu vũ
- Đông Á tam thế cựu huân thần

Nghĩa là:
- Nam Bộ, một tòa miếu mới xây
- Triều Trần, ba đời người tôi cũ có nhiều công lao.
Nơi thờ chính của đền là Nội điện- nằm ở phía trong. Ở đây có tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng, được đúc ở thế ngồi trên long ỷ, tay cầm quyển binh thư, thanh kiếm bạc dựng một bên. Phía trái là nơi thờ 2 vị nương cô (tức 1 con gái đẻ và 1 con gái nuôi cùa người). Phía phải là nơi thờ 4 vị vương tử (4 con trai cùa người). Phía trên bức tượng là bức hoành phi, giữa có thêu mấy chữ Hán: “Nam quốc cơ công” (công trạng xây dựng nền móng nước Nam)

Trên nền hoành phi và câu đối là những hoa văn: long phụng tương trình, long thăng long giáng, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt. . .Trên các vách của đền là hang loạt những bức phù điêu sơn son thếp vàng và chạm trổ công phu, diễn tạ những sự kiện lớn của lịch sử thời Trần như: Hội nghị Diên Hồng, lời thề song Hóa, trận Bạch Đằng. . .Đó là chưa kể đến một số bản đồ, nguyên văn (bản dịch) bài Hịch Tướng sĩ cùng các lời khuyên chân tình mà sâu sắc của Trần Hưng Đạo đối với vua Trần và kế sách giữ nước, trước khi Trần Hưng Đạo qua đời.

Đặc biệt mặt trước của Cửa chính dẫn vào Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Tp.HCM có đôi câu đối chữ Hán:
- Van Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
- Lục Đầu vô thủy bất THU THANH
(Vạn Kiếp núi sông hơi kiếm tỏa
Lục Đầu sông nước tiếng Thu reo! )

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI CỦA TAM NGUYÊN VŨ PHẠM HÀM

Đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo (1226-1300) ở xã Vạn kiếp, nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí linh, Hải dương. Đền có một số bức hoành phi và câu đối biểu thị lòng thương tiếc và ca ngợi công lao của người anh hùng dân tộc đã nhiều phen đánh tan quân Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc non sông Đại Việt. Ai đã đến tham quan đền Kiếp Bạc hẳn còn nhớ đôi câu đối dẫn, được khắc tại cổng tam quan đền, của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) :


“Vạn Kiếp hữu sơn giai Kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất THU THANH”

Đôi câu đối dẫn ngắn gọn, cô đọng, nhưng đã thể hiện được khí phách oai hùng của những trận chiến chống quân Nguyên xâm lược trong lịch sử xa xưa của dân tộc vẫn còn vang vọng mãi đến tận hôm nay làm cho chúng ta thêm tự hào và phấn chấn.

Tuy nhien về mặt chữ nghĩa của đôi câu đối cũng đã có không ít cuộc tranh luận trên mặt báo. Chỉ kể từ năm 1992 đến nay, chữ “thu thanh´ trong đôi câu đối đã được nhiều người đề cập đến trên nhiều tạp chí.

- Trước đó vào những năm 1960 của thế kỷ trước, không biết nhà văn Lãng Nhân Phùng tất Đắc đã căn cứ vào nguồn tư liệu nào mà đổi chữ “thu thanh” thành “trang thanh” (tiếng đóng cọc). Năm 1987, Nguyễn Quảng Tuân cũng đề nghị chữa lại chữ “Thu thanh” thành ‘thung thanh”, ông cho rằng đã ghi nhầm chữ “thung” ra chữ “thu”. Năm 1995 Hoàng hữu Xứng cũng đồng ý với nhận xét trên và tỏ ra bức xúc. Năm 2001, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn tiến Đoàn ở Thái bình thì lại cho rằng chữ “thu” ở đây phải có “bộ khẩu” bên cạnh với nghĩa là tiếng trẻ con (!)

- Theo nhà thư pháp học Thế Anh, những lập luận trên đây xem ra vẫn thiếu cơ sở khoa học và không đủ sức thuyết phục. Đôi câu đối này đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 20, lúc đó còn nhiều nhà khoa bảng, nhiều bậc túc nho, nên không thể có chuyện nhầm lẫn, sơ xuất “chữ tác đánh chữ tộ” để chữ nghĩa sai ở nơi thắng tích như đền Kiếp Bạc ( Còn ngày nay thì khác, ngay ở trung tâm thủ đô như đền Ngọc Sơn hoặc Văn Miếu-Quốc tử giám vẫn có những đôi câu đối xếp ngược). Chúng tôi đồng tình với cách giải thích của nhà Hán học lão thành Tảo Trang Vũ tuân Sán trong bài “Lai bàn về “thu thanh” hay “trang thanh” (Tạp chí Hán Nôm số 2/13-1992) và bài “Kiếm khí” “thu thanh” của PGS Sử học Tạ Ngọc trên Tuần báo Văn Nghệ số 387 ngày 17-09-2000. Chúng tôi xin trích dẫn lời giải thích của cụ Tảo Trang :

“Thu thanh” không nên hiểu là tiếng thu đơn thuần. Theo triết học cổ truyền phương đông, mùa thu thuộc hành kim trong ngũ hành tương ứng với phương tây. Mùa thu là mùa lá cây vàng úa, có sương giáng, có gió tây khiến lá rụng, đó là quy luật nghiêm khắc của tạo hóa loại trừ những thứ không còn sự sống. “Tiếng thu” là tiếng gió tây làm rụng lá vàng, ý nghĩa đặc biệt của nó được ghi ở bài phú nổi tiếng: “Thu thanh phú” (Phú tiếng thu) của Âu Dương Tu (1007-1972) đời Tống, trong đó có câu: “Thu là vị quan thi hành hình phạt. . .Đó là sức mạnh đạo nghĩa của trời đất, thường dụng tâm nghiêm khắc diệt trừ”

Xét theo ý nghĩa trên đây thì “thu thanh” trong đôi câu đối trên không phải là tiếng thu đơn thuần ở bất cứ con sông nào cũng có mà nó chỉ xuất hiện ở nơi xảy ra trận chiến như sông Lục Đầu chẳng hạn. Chữ “thu” ở đây cũng không phải để nói về mùa thu cụ thể mà có thể chỉ bất cứ thời gian nào trong năm khi xảy ra cuộc chiến. Trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn có câu “Tây phong minh tiên xuất Vị kiều” mà Đoàn Thị Điểm dịch là “Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. “Tây phong” mà dịch là “gió thu” là một sự vận dụng điển cố có liên quan đến chữ “thu” đang đề cập đến trên đây.

- Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), đôi câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) có nghĩa bóng muốn nhắc tới võ công giết giặc Nguyên-Mông xâm lược của Đức Thánh Trần ở thế kỷ 13, gần đây có người muốn đổi chữ “Thu” làm chữ “Thung” (cái cọc gỗ), vì vậy từ “Thu thanh” sẽ thành ‘thung thanh’ (tiếng đóng cọc gỗ). Tôi thiết nghĩ đó không còn là chữ nghĩa của bậc đại khoa như cụ Thám Hàm nữa!

- Hoàng Thúc Trâm trong sách “Trần Hưng Đạo” viết: Khoảng năm 1945 (gần 40 năm sau khi Vũ Phạm Hàm mất) một nhà báo Nhật Bản đến thăm đền Kiếp Bạc, cảm xúc trước đôi câu đối cùa người quá cố, đã viết:

Thanh kỳ biệt hữu thử giang sơn, Sản xuất anh hùng biểu thế gian.
Kiếm khí do binh hồ lỗ phách, Thu thanh túc sái thủy sàn sàn.
Nghĩa là: Ở đây riêng có cảnh núi sông thanh kỳ này, chung đúc nên trang anh hùng làm tiêu biểu cho thế gian. Hơi thanh kiếm (của ngài) làm giặc Nguyên-Mông phải kinh hồn mất vía, tiếng mùa Thu vi vút lạnh lùng, nước (Lục Đầu) ào ạt vang xa!
Hẳn là hơi của thanh kiếm đời Trần, tiếng của mùa Thu đã được người nước ngoài cảm xúc. Hai câu đối phảng phất nét tâm linh với cái nhìn giác quan thứ sáu của Vũ Phạm Hàm đã vang vọng ra nước ngoài.

TÓM LẠI, chữ “thu thanh” trong đôi câu đối của Tam nguyên Vũ Phạm Hàm (Phạm Vũ Hàm) cúng ở đền Kiếp Bạc và được ghi lại ở đền thờ Trần Hưng Đạo tại TpHCM là có xuất xứ từ điển cố. Phổ biến hơn là cho chữ “Thu thanh” của Vũ Phạm Hàm, theo quan điểm chính thức của Viện Hán Nôm như sau:

- Nguyễn Khắc Bảo, trong Thông báo Hán Nôm năm 1998 cho rằng từ “Thu thanh” trong câu đối thì “Thu” là mùa thu, với nghĩa hàm xúc là để chỉ chiến tranh và đau thương tang tóc, như các vị Trần Thái Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Du đã ghi trong thơ của mình. “Thu thanh” là tiếng mùa thu, trừu tượng, nếu đối với “Kiếm khí” (hơi kiếm) cũng là trừu tượng, là những dạng phi vật chất mà ta chỉ có thể cảm nhận được bằng linh cảm là rất hợp, rất chỉnh.

PHẠM VŨ (Tham khảo: -Sách “Trần Hưng Đạo” NXB Trẻ-1987
-Sách “Vũ Phạm Hàm” NXB Văn hóa Thông tin-Hà Nội ,2009 in xong quý II-2010)
Có 0 nhận xét cho bài này "Về câu đối của Vũ Phạm Hàm"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi