Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

30 tháng 11, 2010

Thư kiến nghị của anh Phạm Văn Điệp về chuông "Thăng Long - Hoàng thành "

Đăng ngày Thứ Ba, tháng 11 30, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Lời BBT: Ngày 25.11.2020, Trang tin điện tử của Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam hophamvietnam.org đã đăng lại bài báo của Quang Hưng - Thanh Nam của báo điện tử Cựu chiến binh Việt Nam cuuchienbinh.com.vn ngày 11.11.2010 với tiêu đề : Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” (http://cuuchienbinh.com.vn/index.aspx?Menu=1330&Chitiet=6715&Style=1). Ngay sau khi bài báo được đăng tải, BBT Trang tin điện tử hophamvietnam.org đã nhận được nhiều Thư của bạn đọc khắp nơi gửi về đồng tình với tác giả bài bảo và bày tỏ ý kiến bất bình của mình trước hành vi của ông Hoàng Trọng Tùng mà bài báo đã phản ảnh “Quả chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là công đức của nhiều cá nhân, tập thể, trong đó có ông Hoàng Trọng Tùng. Tuy nhiên, ông Tùng lại coi đó như của riêng mình và lại đem “công đức” chỗ khác dù đã phát tâm công đức tại đình thờ Đô Hồ Đại vương Phạm Tu. Chúng tôi giới thiệu sau đây một trong những bức thư đó và sẽ tiếp tục đăng những ý kiến của bạn đọc vê vấn đề này.



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Petrozavodsk Liên bang Nga , ngày 25 tháng 11 năm 2010

THƯ KIẾN NGHỊ

Kính gửi:
- UBND Thành phố Hà Nội
- Ban quản lý dự án công trình tu bổ tôn tạo
đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu
- Đồng kính gửi Ban Liên lạc Họ Phạm Việt Nam

Tên tôi là: Phạm Văn Điệp

Quê quán: phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nơi làm việc : Hội Hữu nghị Việt nam- Nga ở thành phố Petrozavodsk Liên bang Nga

Hiện nay tôi đang làm việc tại Liên bang Nga. Luôn luôn theo dõi tình hình đất nước và dòng họ Phạm, cho nên tôi thường xuyên vào Website của dòng họ hophamvietnam.org. Bài báo của Quang Hưng – Thành Nam với tiêu đề Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” đã đăng trên báo điện tử Cựu chiến binh Viêt Nam cuuchienbinh.com.vn ngày 11.11.2010 được đăng lại trên Website hophamvietnam.org ngày 25 .11.2010 đã thu hút sự chú ý của tôi và nhiều bà con không riêng họ Phạm đang sinh sống quanh tôi.

Sau khi đọc bài báo Một đại gia “thất hứa nơi cửa Phật” trên trang Web Họ Phạm Việt Nam (http://www.hopham.org/2010/11/mot-ai-gia-that-hua-voi-cua-phat.html), tôi rất bức xúc và xin có một số ý kiến như sau về sự việc mà bài báo đã nêu lên.

Sự việc mà bài báo đã cung cấp tóm tắt như sau : ngày 28/01/2010, UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu (đình thờ Phạm Tu) tại xã Thanh Liệt. Trong ngày lễ khởi công đã nhận được sự phát tâm công đức để tu bổ tôn tạo đình của nhiều tập thể cá nhân. Trong đó có ông Hoàng Trọng Tùng (nguyên quán Vũ Thư - Thái Bình) hiện công tác tại một công ty thuộc tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nhận công đức quả chuông trị giá bằng tiền là 2 tỷ đồng. Ông Tùng đã được ban tổ chức cấp giấy chứng nhận công đức quả chuông cho đình thờ Phạm Tu trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân và các cấp chính quyền.

Sau lễ khởi công đình thờ Phạm Tu, ông Tùng có chuyển 7 tấn đồng và 1,5 tấn thiếc về UBND xã Thanh Liệt để chuẩn bị đúc chuông. Ngoài số đồng và thiếc do ông Tùng cung tiến để đúc quả chuông, nguồn kinh phí tổ chức đúc chuông cũng do ông Hoàng Trọng Tùng nhận bỏ ra chi phí.
Lễ rót đồng đúc chuông được tổ chức ngày 27/5/2010 (tức ngày 14/4 Canh Dần) trước sự chứng kiến và phát tâm công đức của nhân dân xã Thanh Liệt và đông đảo khách thập phương và phật tử chùa Quang Ân. Theo sư thầy Thích Minh Ngọc ở chùa Quang Ân thì, có tới 627 người dân đến công đức tiền, vàng để đúc chuông. Ngoài ra còn có vài chục người dân cung tiến vàng nén (có người một vài chỉ, có người cung tiến hàng cây vàng) để nấu cùng với số đồng và thiếc mà ông Tùng đem đến
Sư thầy Thích Minh Ngọc cho biết: Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” đúc thành công, nặng 7650kg được đánh giá là chuông đồng thành công nhất hiện nay. Tiếng chuông trong, thanh cao và có độ ngân hơn 3 phút (độ ngân của chuông hiện nay thường là hơn 2 phút). Ý nghĩa tinh thần của việc đúc thành công chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là vô cùng to lớn đối với nhân dân xã Thanh Liệt và nhân dân cả nước để dâng lên đức Đô Hồ Đại Vương Phạm Tu, Tiền Lý Triều Tả Tường, Trưởng Ban võ của Nhà nước Vạn Xuân, người có công chiến đấu chống quân xâm lược nhà Lương và hy sinh năm 545 để bảo vệ thành cửa sông Tô Lịch (tức là Hà Nội ngày nay) đúng vào dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhưng sau khi đúc chuông xong, ông Hoàng Trọng Tùng lại coi quả chuông đó là của riêng ông. Ông đem chuông về Ý Yên - Nam Định chỉnh sửa và cho khắc tên ông và gia đình vào chuông mà không hề nhắc tới người dân xã Thanh Liệt và tăng ni phật tử thập phương đã công đức tiền và vàng trong buổi lễ đúc chuông. Đây là dòng chữ ông đã cho khắc trên chuông (ảnh 3, trong bài báo) :
“Kính nghĩ những năm gần đây Phủ Tây Hồ được tu sửa, đền Kim Ngưu được trùng tu, đền thờ Kim Ngưu Đế Quân tưởng niệm huyền tích Trâu vàng Hồ Tây.

Nay nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tín chủ là Hoàng Trọng Tùng cùng gia đình đã mua đồng trong nước phỏng theo hồng chung của An Nam tứ khí mà đúc chuông lớn cung tiến đền Kim Ngưu thuộc Khu Di tích phủ Tây Hồ phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chuông được đúc ngày 14 tháng 4 năm Canh Dần tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nôi. Chuông nặng 7650kg”
Ngày, tháng, địa điểm đúc chuông, trọng lượng chuông thì đúng là quả chuông được đúc ở chùa Quang Ân, nhưng người tiến cúng không phải chỉ riêng ông Tùng và nơi tiến cúng tại sao lại không phải là nơi làm lễ rót đồng đúc chuông và không phải là nơi ông Tùng đã nhận Giấy chứng nhận công đức cung tiến quả chuông?

Tôi được biết công trình tu bổ tôn tạo đình thờ Đô Hồ Đại Vương Pham Tu (đình thờ Phạm Tu) tại xã Thanh Liệt trong dịp chào đón 1000 năm Thăng Long có chủ đầu tư, chủ dự án là Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội với kinh phí ngân sách 29 tỷ ĐVN và tiền công đức của hàng trăm người để tu bổ tu tạo đình thờ Phạm Tu, mà Chuông “Thăng Long Hoàng Thành" là một vật thiêng trong danh mục tôn tạo đó.

Trong danh mục những người góp công đức để tu tạo đình thờ Phạm Tu có ông Hoàng Trọng Tùng .
Tôi cho rằng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” theo dự án đã được Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt phải được đặt đúng ở nơi đã được phê duyệt, đó là tại đình thờ Phạm Tu, không thể vì bất cứ lý do phe nhóm, do nhanh tay, chậm chân hay tốc độ để ai đó xóa Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” trong danh mục tu tạo đình thờ Phạm Tu. Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” là một vật thiêng được tạo ra trong một dự án tổng thể do UBND Thành Phố Hà Nội và toàn thể nhân dân góp công, góp của, góp tinh thần lễ hội trong lịch sử chung của cả dân tộc Việt Nam. Việc đem một vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” ra khỏi dự án là một việc làm mờ ám và phạm pháp. Không rõ đến giờ phút này, dự án tu bổ, tôn tạo đình thờ Phạm Tu đã sắp hoàn thiện chưa và quyết định tu tạo đình thờ Phạm tu có bị hủy không. Nhưng dù sao đi nữa thì mọi sản phẩm, mọi vật thiêng trong dự án này, được tạo tác trong dự án này, đã được cung tiến, góp công đức cho dự án này phải là tài sản lịch sử Quốc gia và bất cứ cá nhân nào cũng không có quyền sở hữu, chiếm đoạt các vật đó. Dù có hủy dự án thì cũng không ai có quyền tẩu tán các tài sản đã được tạo ra trong danh mục dự án. Thành ra, tôi cho rằng Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội là chủ dự án, chủ đầu tư dự án phải đưa ra biện pháp bảo vệ, quản lý các sản phẩm, vật thiêng của dự án cũng như tiền bạc, vật chất mà mọi người đã góp công đức, cũng như nghiêm cấm mọi sự chuyển giao những thứ đó cho bất kỳ cá nhân nào cho mục đích cá nhân. Việc ai đó giao Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” cho ông Hoàng Trọng Tùng để ông Tùng tự định đoạt, khắc chữ theo ý của riêng mình trên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” phải bị kỷ luật.

Còn về các hành vi của ông Hoàng Trọng Tùng, tôi cho rằng đó là hành vi phạm pháp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quốc gia trước mặt những người đã góp công, của và tinh thần vào Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”. Ông Hoàng Trọng Tùng lợi dụng dự án và tinh thần lễ hội, tu tạo đình thờ Phạm Tu tạo nên vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” để rồi chiếm đoạt chuông. Thông thường, nếu có gom mua đồng, có tiền thuê đúc ra chiếc chuông lớn nhất Việt Nam thì ông Hoàng Trọng Tùng phải ký hợp đồng thuê người thiết kế mẫu chuông, ký hợp đồng thuê nghệ nhân đúc chuông, thuê địa điểm đúc chuông, đăng ký xin phép đúc ở nơi được phép đăng ký sử dụng những mẫu mã được phép tránh việc nhái chuông lịch sử để chứng tỏ của cá nhân bây giờ to hơn của tổ tiên ....Đó là cả một tiến trình trang trải về thời gian, tiền bạc không phải là ít nếu người sở hữu là một cá nhân. Nhưng tôi tin chắc rằng ông Hoàng Trọng Tùng đã không làm theo tiến trình đó mà chỉ góp đồng, thiếc, tiền bạc ngụy trang dưới ý nghĩa góp công đức rồi bất ngờ lừa đảo để chiếm đoạt Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”.

Theo thông lệ, người góp công đức không còn quyền sở hữu tiền, vật đã góp công đức Ban quản lý dự án là chủ sở hữu tiền vật góp công đức. Người góp công đức chỉ có quyền giám sát hoặc tố cáo khi tiền vật góp công đức bị sử dụng sai mục đích chứ không như ông Hoàng Trọng Tùng đã góp công đức, đã nhận giấy chứng nhận góp công đức lại vẫn tiếp tục sử dụng vật góp đó vào mục đích cá nhân của mình.

Căn cứ theo dòng chữ khắc trên chuông thì điều này đã chứng tỏ sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân và của quốc gia. Cướp đoạt trắng trợn tiền bạc, công sức thời gian tinh thần của những người đã góp tạo nên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành”. Ban tổ chức dự án đúc chuông tại xã Thanh Liệt không có tiêu chí và hành vi đúc chuông cho ông Hoàng Trọng Tùng để ông này cung hiến cho đền Kim Ngưu - phủ Tây Hồ. Nếu ông Hoàng Trọng Tùng không lừa đảo, nói rõ là ông sẽ đem chuông này cung hiến nơi khác nếu muốn thì tôi tin chắc rằng Ban quản lý dự án sẽ tổ chức đúc Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” to nhỏ gì đó cho đình thờ Phạm Tu mà không phụ thuộc vào bất cứ gì từ ông Hoàng Trọng Tùng. Việc ông Hoàng Trọng Tùng nhận giấy chứng nhận công đức quả chuông cho đình thờ Phạm Tu là một sự công nhận cá nhân của ông Hoàng Trọng Tùng về việc Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” được cam kết thuộc về Ban quản lý dự án. Người cho là ông Hoàng Trọng Tùng đồng ý, người nhận là ban tổ chức chấp thuận. Việc ông Hoàng Trọng Tùng đơn phương đem đi chỗ khác khi bên quản lý dự án chưa cho phép là hành vi bất hợp pháp . Đó là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật (góp công đức đúc chuông trong dự án tu tạo đình thờ Phạm Tu), nhằm đê người khác tin đó là sự thật, góp công của, sức lực và tinh thần vào để đúc chuông, đúc chuông xong thì ông Hoàng Trọng Tùng chiếm đoạt chuông làm tài sản sở hữu riêng để định đoạt nó. Hành vi này có trong cảnh báo của điều 139 Bộ luật hình sự Việt Nam mà khung phạt cao nhất của hành vi này là chung thân.

Theo dự án thì việc ghi khắc chữ trên Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” phải được phê duyệt của Chủ dự án là UBND Thành phố Hà Nội. Việc tự ý khắc chữ lên vật thiêng Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” cũng phải được xử lý.

Vì các lý do trên, tôi đề nghị :

1. Tổ chức kiểm tra, tiến hành xóa các dòng ghi không đúng sự thật trên Chuông và ghi khắc những gì đúng với nội dung đã soạn thảo để đặt Chuông “Thăng Long Hoàng Thành” đúng chỗ của nó là đình thờ Phạm Tu
2. Tiến hành điều tra hành vi và truy cứu ông Hoàng Trọng Tùng theo điều 139 Bộ luật Hình sự Việt Nam
3. Kiểm trả lại dự án để xử lý các hành vi chuyển giao, quản lý các sản vật của dự án nhằm tránh tình trạng lừa đảo khác .

Kính mong Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quan tâm, xem xét và có các quyết định hợp lý.

Người viết đơn
Phạm văn Điệp
Có 0 nhận xét cho bài này "Thư kiến nghị của anh Phạm Văn Điệp về chuông "Thăng Long - Hoàng thành ""

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi