Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

4 tháng 3, 2011

Lời thề giữ đảo

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 3 04, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

LỜI THỀ GIỮ ĐẢO
(Bút ký)

LGT: BBT Bản tin Nội tộc THÔNG TIN HỌ PHẠM VIỆT NAM vừa nhận được từ đảo Lý Sơn bài viết của Thượng tá Nguyễn Thành Định - Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Huỵện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bài viết nói về tấm lòng của người dân đảo Lý Sơn trong đó có các thế hệ con dân họ Phạm trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Thị Thúy Lan.

Chiều cuối tuần, những hạt mưa Đông lất phất bay, gió se lạnh trên lối đi từ cơ quan về nhà, Đại úy Phạm Phi Hường (Cán bộ của Ban chỉ huy quân sự Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - BTV) rẽ vào khu mộ Thủy tổ tộc Phạm Văn (một trong những tộc họ tiền hiền ở đảo Lý Sơn) tại thôn Đông, xã An Vĩnh để thăm viếng. Nhặt nhạnh xong mấy bụi cỏ, anh nghiêng mình thành kính thắp nén nhang lên bia mộ Cụ Tổ, rồi lại đến gần đó kính bái phần mộ cụ Phạm Hữu Nhật- Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa.
Lễ viếng xong, anh bồi hồi kể lại: Trước đây cha tôi (tức ông Phạm Thông- thuộcchi 2 của dòng họ Phạm Văn, hậu duệ của cụ Phạm Hữu Nhật - BTV) đã từng được sinh ra, lớn lên tại đảo này. 14 tuổi ông tham gia thiếu sinh quân, vào dân quân, bộ đội rồi tập kết ra Bắc. Do yêu cầu nhiệm vụ và đã từng sống nơi biển đảo nên 25 tuổi, ông tình nguyện chuyển sang làm thợ lặn, chuyên trục vớt thủy lôi, tàu đắm. Trải qua nhiều cương vị công tác đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng miền Nam năm 1976, cha tôi được điều về làm phó đoạn trưởng đoạn III, bảo đảm hàng hải tại Quy Nhơn (Bình Định). Ở đây ông được Nhà nước ưu đãi cấp 400m2 đất nhà thành phố, nhưng chẳng màng chút lợi danh, ông giao trả đất nhà và xin đưa vợ con về biển đảo quê hương nơi chôn rau cắt rốn để sinh sống và công tác. Khi còn là Trạm trưởng đèn biển Lý Sơn cho đến lúc nghỉ hưu, hàng ngày lúc rỗi việc ông vẫn thường mang giỏ, vác cần đi câu cá biển. Nhân cách và lối sống thanh đạm, giản dị ở ông làm cho chúng tôi vô cùng cảm phục và quyết tâm bám đảo…

Những lời vừa kể gơi cho tôi cảm nhận một điều rằng, chính tình yêu sóng nước đã hun đúc trong anh một con người rắn rỏi, hoạt bát, nhanh nhẹn. Với thân hình săn chắc, cân đối, nước da sạm đỏ, trông anh như một kình ngư thứ thiệt! nhiều đợt tham gia hội thao, thể thao quân sự các cấp, anh đạt huy chương vàng môn bơi lội.

Đang trong câu chuyện kể như chợt nhớ ra điều gì, ngừng một lúc Phạm Phi Hường nói tiếp: - Tôi theo cha, mẹ về đảo lúc lên 7 tuổi. Học xong phổ thông, năm 1988 tôi vào lực lượng dân quân, mấy năm sau thì tình nguyện nhập ngũ. Phấn đấu được đi học rồi trở thành sỉ quan quân đội, về phục vụ ngay tại đảo quê nhà. Sống giữa biển khơi được cha và các cụ trong dòng họ kể lại, tôi mới biết rằng: từ 400 năm trước, nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy trai tráng làng An Vĩnh, An Hải sung vào. Theo lệnh vua sai, họ mang nước uống, lương thảo và bài gỗ để đóng cọc dựng bia. Mỗi người còn mang theo một chiếc chiếu, 7 đòn tre, mấy sợi dây mây và một thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán; dùng 5 chiếc thuyền câu, mỗi chiếc 14 người chèo ra biển khơi thu lượm sản vật, tuần thám, đo đạc thủy trình và dựng bia cắm mốc chủ quyền trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi năm cứ tháng 2 Âm lịch ra đi, tháng 8 lại về. Do sự gian lao hiểm nguy giữa muôn trùng mênh mông biển cả, nên trước lúc ra đi người thân của họ tổ chức Lễ khao lề thế lính- Tức là cắt giấy điều, bó rơm rạ thành hình nhân, hô bùa chú “thế mạng” mong người ra đi bình yên được sống trở về. Nhưng trái lại chiếu, đòn tre và những sợi dây mây kia là biểu hiện của sự hiên ngang bất khuất, sẵn sàng “một đi không trở về” của những tráng binh Hoàng Sa oai hùng. Họ chẳng tiếc thân hy sinh vì Tổ quốc. nếu chẳng may đồng đội tử nạn thì chiếu kia dùng bó sát, đòn tre làm nẹp, lấy dây mây buộc chặt, thả xác xuống biển với hi vọng sẽ được trôi dạt về lại đảo Lý Sơn!

          “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
          Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây,
          Hoàng Sa trời bể mênh mông
          Người đi thì có nhưng không thấy về”
                                     ( Ca dao truyền thống Lý Sơn)

Chậm rãi, thâm trầm trong câu chuyện, Hường cho biết thêm: Nếu “người không thấy về” thì thân thích tộc họ làm lễ “Tế lính”, tức là dùng đất sét nhào nặn thành hình nhân, cầu siêu nhập hồn, khâm liệm rồi tổ chức chôn cất. Chỉ tay vào mộ cụ Phạm Hữu Nhật, Hường nói: “Đây là một trong rất nhiều những ngôi mộ chiêu hồn lính đội Hoàng Sa còn nằm rải rác khắp nơi trên đảo”.

Câu chuyện Hường kể, gợi cho tôi nhớ lại, trước đây ông Phạm Thoại Tuyền (người có công tiêu biểu trong việc sưu tầm, cung cấp sử liệu, hiện vật văn hóa Lý Sơn cho những nhà nghiên cứu) đã có lần cho tôi biết, trong hàng nghin trang tài liệu Hán Nôm của cac họ tộc Võ Văn; Phạm Văn; Phạm Quang; Nguyễn, Trần; Đặng…..trên đảo, có nhiều tài liệu cách đây 2-3 trăm năm từ thời Cảnh Hưng (1740-1780), Cảnh Thịnh (1778-1793) đến thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (1802-1883), đều xác định rõ tên tuổi các Cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, lại rất trùng khớp với các bộ sử chính triều Nguyễn. Trong những bộ sách của Đỗ Bá, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Thông… đã ghi chép, mô tả khá tỉ mỉ về những hoạt động của họ. Và, 3-4 thế kỉ nay, hàng năm người dân trên đảo Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, truyền tụng những áng hùng văn, những câu ca dao đậm chất bi tráng, cùng với sự hiện hữu của những khu mộ chiêu hồn, những cơ sở thờ tự và cả sự khám phá từ tờ lệnh Hoàng Sa, mà mới đây dòng họ Đặng cung cấp là những chứng cứ trung thực, khách quan, hùng hồn về sự chinh phục thiên nhiên, mở mang bờ cõi của quốc gia dân tộc. Vì lẽ đó, chúng ta khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác định từ rất lâu. Thế mà, họ xuyên tạc rằng, đó là đất “vô chủ” để rồi tháng 1 năm 1974, lợi dụng tời điểm chúng ta khó khăn nhất vì đang tập trung cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ngang nhiên dùng vũ lực đánh chiếm; tiếp đó năm 1988 đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của ta .

Với lương tri và trách nhiệm, chúng ta có đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng đình chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc Việt Nam. Những di tích lịch sử, những mộ chí chiêu hồn nghĩa sĩ, những áng cổ hùng văn, những câu ca đậm chất bi liệt, những kho sử vàng được bảo tồn và gìn giữ gần như nguyên vẹn, cùng với những công trình như: Đình làng An Vĩnh, Nhà trưng bày và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng tôn tạo và phục dựng… như đã nói lên tất cả về sự cống hiến xác thân, sức lực, tiền của, máu và nước mắt của hàng vạn người Việt Nam qua nhiều thế hệ để minh chứng, nỗ lực và khẳng định một chân lý duy nhất đúng: Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam; đất đai, biển trời, hải đảo của Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm!

Chiều dần tàn, gió thốc từng cơn nghe chớm lạnh, nén nhang anh thắp lên tưởng nhớ tiền nhân cũng là để thầm nhắc nhở chính mình cùng đồng đội và con cháu về tình yêu đối với quê hương, đất nước, về danh dự, bổn phận và trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong sâu thẳm tâm hồn được thoát ra từ những tiếng thì thầm khấn vái của anh, tôi nghe rất rõ lời nguyện thề: “Quyết một lòng bám giữ biển đảo quê hương”!

Nguyễn Thành Định
(Thượng tá, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn Quảng Ngãi)

Tại mộ cụ Phạm Hữu Nhật- Thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Hoàng Sa.
Từ trái sang phải: Ông Mai Duy Quý, CB Phòng Giáo dục Huyên Lý Sơn,
Thượng tá Nguyễn Thành Định, ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ cụ Phạm Hữu Nhât.


Mộ Thủy Tổ tộc Phạm (Văn) tại thôn Đông, xã An Vĩnh, Huyện đảo Lý Sơn


Lễ biểu dương thành tích học tập năm 2009-2010 của Tộc Phạm (Văn)
 tại Nhà thờ Tộc. Ông Phạm Văn Đa, Trưởng tộc dang phát biểu.


Đoàn đại biểu BLL Họ Phạm VN dâng hương tại mộ Thủy Tổ tộc Phạm (Văn) ở Lý Sơn.


1 nhận xét:

  1. Tôi là Ngọc Lệ phóng viên báo Ấp Bắc Tiền Giang đã đến Lý Sơn và thăm nhà thờ Thủy Tổ Phạm Văn. Và dự lễ cúng việc lề họ Phạm. Xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ!

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi