Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

20 tháng 1, 2011

Thánh Mẫu Phạm Thị

Đăng ngày Thứ Năm, tháng 1 20, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Thánh mẫu Phạm Thị
Với quê hương Dương Lôi-Đình Sấm

Mẫu Minh Đức Thái Hậu, sử sách đều ghi là bà Phạm Thị, tên đầy đủ là Phạm Thị Ngà, là người ấp Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, nay là thôn Dương Lôi, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tương truyền, từ xa xưa ở đầu đông hương Diên Uẩn, tả ngạn bờ Tiêu Tương, có một ngôi chùa cổ kính là Kẻ Gia Châu, còn gọi là Minh Châu. Ngôi chùa này nằm liền kề đường cái Quan - đường từ chùa Tiêu cắt đường cái Sứ, đi chùa Phật Tích, chùa Kiến Sơ, vượt sông Đuống sang chùa Dâu. Vào đầu những năm 70 của thế kỉ thứ X, mẹ con bà Phạm Thị dựng một túp lều, cạnh chùa Minh Châu làm nơi ở và bán nước. Các thiền sư như Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn…trên đường đi truyền giảng Phật pháp, thường lui vào quán của mẹ con bà uống nước. Được đón tiếp niềm nở, ân cần, lại thấy mẹ con bà chủ quán là người hiếu đức, thông minh, chân thành, phúc hậu và xinh đẹp, các thiền sư đã làm lễ đặt mộ phần cụ Tổ ba đời cho bà Phạm Thị, để sau này tổ tiên phát tích, con cháu tất có người sẽ được nối ngôi Thiên tử. Từ đó bà Phạm Thị chính thức “ăn mày” cửa Phật. Bà được nhận vào làm thủ hộ ở chùa Minh Châu, sau đó lại lên chùa Tiêu, công việc chính là “Ngày ngày xách nước tưới rau, giữ vườn”.

Giữa chốn thiền môn chay tịnh, huyền bí và linh thiêng, “bỗng dưng” bà Phạm Thị có thai với… thần nhân, sư trụ trì chùa là Vạn Hạnh “đuổi” bà ra khỏi chùa vì sợ mang tiếng (!). Bà phải lang thang đi hành khất, đi đến một ngôi chùa ở rừng Báng thì đau bụng dữ dội, bà đành quay lại quê hương tìm chốn nương thân. Và, vào đêm 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (08/03/974), giữa lúc trời mưa to, gió lớn, sấm chớp đì đùng, tại ngôi quán nhỏ ở đầu đông hương Diên Uẩn, Mẫu trở dạ, sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú, tay dài quá đầu gối, hai bàn chân mang mạng đế vương. Ngày nay phương ngôn xứ Bắc còn truyền lại câu: “Đẻ Đường Sau/ Đau chùa Dặn” là có ý như vậy

Cổng tam quan đền Lý Triều Thánh Mẫu

Thời ấy không chồng mà chửa, không thể tránh khỏi những lễ giáo phong kiến nghiệt ngã, những hủ tục hà khắc. Bà Phạm Thị phải trải qua trăm đắng, nghìn cay, muôn phần tủi cực, một mình nhẫn nhục, tần tảo rau cháo nuôi con. Khi cậu bé lên ba tuổi “miệng ăn chân chạy”, bà ẵm con sang nương nhờ chùa Cổ Pháp, sư trụ trì chùa là Lý Khánh Văn nhận cậu bé làm con nuôi, ông đặt tên cho con là Lý Công Uẩn. Người mẹ nón mê, chân đất vĩnh biệt đứa con thân yêu, trở về nhà, bà đi đến rừng Miễu, sức tàn, lực kiệt, ngã gục bên đường. Nơi Người nằm xuống, mối đùn lên thành đống, như núi. Hôm ấy là ngày mồng bảy tháng Giêng năm 977 (tính theo âm lịch). Dân gian vẫn gọi “đống mối” ấy là mộ Tổ (mộ Tổ Miễu Đình), đây chính là lăng Thái Hậu. Dân làng Dương Lôi lấy ngày mồng bảy tháng Giêng làm ngày giỗ Mẫu, cũng là ngày mở hội chùa Tra Lư (chùa Sấm).

Lại nói thiền sư Khánh Văn, nuôi dạy Lý Công Uẩn đến năm lên bảy thì đem con lên chùa Tiêu (Thiên Tâm tự), cho tu học thầy Vạn Hạnh. Tại đây sư Vạn Hạnh đã mang hết tài năng, tâm huyết, trí tuệ truyền giảng Phật pháp, vũ công, văn trị cho Lý Công Uẩn. Để 28 năm sau, vào ngày mồng 2 tháng Một năm Kỷ Dậu (tức ngày 21-11-1009), học trò cưng của ông khi ấy đang là tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, được phò tá lên ngôi thiên tử. Đó là đức Lý Thái Tổ - Công Uẩn - vị vua đầu triều nhà Lý.

Đền Lý Triều Thánh mẫu – Thái miếu nhà Lý ở Dương Lôi

Nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục, mùa xuân năm 1010 vua Lý Thái Tổ về quê xây đền Lý Triều Thánh Mẫu thờ mẹ là Minh Đức Thái hậu (tức bà Phạm Thị). Ngôi đền toạ lạc ở phía đông làng Dương Lôi, cạnh khu Sơn lăng cấm địa (rừng Miễu). Sử xưa đều chép: “Mùa xuân, tháng 2, năm Canh Tuất, xa giá nhà vua về châu Cổ Pháp, yết lăng Thái hậu, ban tiền và lụa cho các kì lão, xuất tiền kho hai vạn quan, xây 8 sở chùa ở phủ Thiên Đức. Lại sai các quan đo đất lập Sơn lăng”

Mùa xuân, tháng Giêng, năm Kỷ Mùi (năm 1019), vua Lý Thái Tổ cho tôn tạo, nâng cấp ngôi đền thành Thái miếu. Đền - Thái miếu có kiến trúc “Nội vương ngoại quốc”, Được xây làm ba cấp: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ: cổng tam quan, nhà bia, dải vũ, văn chỉ…. Bên ngoài toà tam quan có hai gò đất cao, hình vuông, mỗi cạnh trên 10m, dân làng vẫn gọi đấy là hai miếng ấn. Khuôn viên đền rộng 4 mẫu 2 sào Bắc bộ. Bao quanh đền là tường thành bằng đất, giữa thế kỉ XX người dân còn trồng cây trên mặt thành. Mặt tiền ngôi đền hướng tây bắc: giáp đường cái Quan (đoạn đường này có hai bia đá, đều ghi chữ “Hạ mã” gắn ở hai đầu đường); tiếp đến giáp rừng Hoa Lâm, Du Lâm, cách hai dặm là chùa Tiêu. Phía nam ngôi đền: cách ba dặm là đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ. Phía đông: có núi Nguyệt Hằng, Đại Sơn, chùa Phật Tích. Phía tây: cách 1 dặm là chùa Cổ Pháp, đền Đô.

Như vậy đền Lý Triều Thánh Mẫu ở vị trí trung tâm các quần thể di tích lịch sử văn hoá vùng Kinh Bắc.
Đáng tiếc, năm 1952, thực dân pháp đã phá đền Lý Triều Thánh Mẫu để lấy gạch xây bốt Từ Sơn
Ở Dương Lôi Thánh Mẫu Phạm Thị được tôn vinh là Thành Hoàng làng. Chúc văn, tế ở đình làng, ghi rõ bà là: “Tuyên bảo Thái hậu đương cảnh Thành Hoàng”. Dân làng từ ngàn xưa vẫn phụng thờ Thánh Mẫu cùng với tám vua nhà Lý ở đình và ở đền. Riêng ngoài đền ( Thái miếu) còn là nơi thờ cúng tôn thất, dòng tộc đức vua Lý Thái Tổ.

Nhân dân Dương Lôi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý hiếm, đó là: chuông đồng, bia đá, 8 ngai thờ cổ, bài vị, câu đối, đồ thờ tự, văn tế, trống tế, nghi thức lễ hội… việc thờ cúng nhà Lý ở dương lôi còn có 9 đạo sắc phong làm cơ sở pháp lí. Lời sắc phong ghi rõ: “Giao cho dân làng Dương Lôi tòng tiền phụng sự Lý triều hoàng đế bát vị Miếu”

Đặc biệt cây bia Thiên đài Thạch trụ nằm trước sân đền Lý Triều Thánh Mẫu, dựng ngày lành, tháng 8 năm 1705 (năm sửa đền),mặt chữ Thạch có ghi: “Miếu đường xã Dương lôi là nơi danh lam cổ tích, phụng thờ Lý triều Thiên thánh hết sức linh thiêng…

Cổ tích Lý triều Thiên thánh chính là Dương Lôi đất báu tối thiêng. Dân có cầu tất ứng nghiệm ngay. Phúc có xin ắt cảm thông liền. Thánh gia ân xã tắc thái bình. Thần ban phúc người vật yên vui”
Khí thiêng trời đất đã hun đúc mạch đất Cổ Pháp, Bắc Giang- địa linh nhân kiệt, để miền quê này nhào luyện, kết tinh nên một người con gái họ Phạm nền nã, đoan trang, tên tuổi người đã đi vào thiên niên sử. Đó là Thánh mẫu Phạm Thị, mẹ đã sinh thành và dưỡng dục cho dân tộc Việt Nam một thiên tài trị quốc: vua Lý Thái Tổ - một bậc minh vương, một võ tướng thông kim, bác cổ, giàu lòng nhân ái. Người đã khai sinh ra vương triều Lý với tám đời vua, sáng lập Kinh đô Thăng Long, dựng nền văn minh Đại Việt, thịnh trị đất nước 216 năm, triều Lý đã viết nên trang sử vàng “Dẹp Bắc, bình Nam, trấn an bốn cõi”, làm rạng danh non sông, đất nước.

Cụm di tích lịch sử đậm đặc và sắc nét ở Dương Lôi gắn bó mật thiết, hữu cơ với lịch sử cội nguồn vương triều Lý. Hiện nay ở nơi đây còn lại 7 di tích lịch sử chính:

1- Tên làng: Dương Lôi, do vua Lý Thái Tổ đặt tên vào mùa xuân năm 1010, để kỉ niệm tiếng Sấm sinh vua mà sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư đã ghi. Dân gian vẫn thường gọi làng Dương Lôi là làng Đình Sấm, cái tên “Dương Lôi” chỉ dùng trong các văn tự hành chính(!). Cuối năm 2008, làng Dương Lôi lên…phố, gọi là khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

2- Cầu Đường: xây trên nền quán bán nước của mẹ con bà phạm thị. Cầu Đường rộng 4 sào 2 thước Bắc bộ là Ảnh đường thờ mảnh đất thiêng nơi sinh ra vua Lý Công Uẩn, Câù Đường nay chỉ còn là… phế tích (!)
3- Chùa Tra Lư (tức chùa Kẻ Gia Châu, chùa Minh Châu, chùa Sấm): do vua Lý Thái Tổ xây dựng năm 1010 , là nơi thờ Phật và thờ bà Phạm Thị. Chùa đã được cấp bằng DTLSVH cấp quốc gia năm 1993

4- Chùa Càn Nguyên: do vua Lý Thái Tổ xây dựng năm 1010, trùng tên với điện Càn Nguyên ở Kinh đô Thăng Long. Chùa bị phá huỷ năm 1962. Đáng mừng là mùa xuân năm 2010, sau 1000 năm, ngôi chùa này lại được dân làng Dương Lôi và khách thập phương, từng bước trùng tu, xây dựng

5- Đình làng (Dương Lôi điện): thờ Thánh Mẫu Phạm Thị và 8 vua nhà Lý, đình đã được cấp bằng DTLSVH, cấp quốc gia năm 1993. Toà đại đình bị phá huỷ năm 1961, hiên nay đình Dương Lôi chỉ còn lại 3 gian hậu cung và 2 gian dải muống

6- Đền Lý Triều Thánh Mẫu – Thái Miếu: do vua Lý Thái Tổ hoạch định và xây dựng, nơi đây thờ tám vị vua, Thánh Mẫu Phạm Thị, cùng tôn thất Nhà Lý. Đền được cấp bằng DTLSVH quốc gia năm 2009

7- Khu Sơn lăng Cấm địa: do vua Lý Thái Tổ hoạch định và xây dựng năm 1010, rộng 24 mẫu Bắc bộ, là nơi chôn cất 8 vị vua cùng tôn thất nhà Lý. Di tích này hiện nay chỉ còn là phế tích (!)

Ngoài ra ở Dương Lôi còn một số di tích tồn tại tới năm 1962 thì bị phá huỷ hoàn toàn:
- Đền Đức Chúa toạ lạc trên địa bàn xóm Tiến Lộc, thờ người sáng lập ra hương Diên Uẩn.
- Nghè: toạ lạc ven bờ tả ngạn sông Tiêu Tương, là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang.
- Cây Gạo Đại thụ do thiền sư La Quý An trồng năm 936, cạnh chùa Minh Châu (Tra Lư), cây gạo này bị hoả hoạn, chết năm 1981.
- Cầu Làng: toạ lạc trên địa bàn xóm Tiến Tài, là nơi thờ Thánh và cũng là nơi hội họp của dân làng khi chưa có đình.
- Chuôm Mẫu: là nơi mẹ con bà Phạm Thị thường tắm giặt, chuôm này nằm cạnh cổng Đưa Đón, là lối duy nhất đi sang chùa Cổ Pháp.
- Cầu Lý, dân làng gọi chệch đi là Cầu Ly: cầu bằng đá xanh, nối đôi bờ Tiêu Tương, dân làng Diên Uẩn đi lễ chùa Minh Châu (Tra Lư) bằng cây cầu này, cầu bị phá huỷ vào năm 1968
Trên đây là những chứng tích vô cùng quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử cội nguồn vương triều Lý. Đáng tiếc, sau hàng ngàn năm lửa khói binh đao, gió mưa khắc nghiệt, sau những biến thiên thăng trầm của lịch sử, nhiều di tích đã bị hư hại nặng, nhiều di tích hiện nay không còn nữa.
Làm theo đạo nghĩa Uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng biết ơn về một người phụ nữ bình dị nhưng vô cùng vĩ đại của quê hương, đất nước, năm 1997 dân làng Dương Lôi và khách thập phương đã bỏ công, sức, tiền, của đồng tâm tu tạo lại đền Lý Triều Thánh Mẫu. Đó là tấm lòng thành kính, sâu nặng của lớp lớp con cháu của Người, kính dâng lên Thánh mẫu và các bậc Tiền nhân tôn kính:

       “Thánh Mẫu vượt trên mọi người
      Đức to hơn Đỗ Thái hậu nhà Tống
      Hạnh nhiều hơn bà Khương Nguyên nhà Chu
      Cháu con đời đời ngưỡng vọng thiện quả”

Lời văn tế trên của trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, cách ngày nay 400 năm, ca ngợi công đức cao vời của Thánh mẫu Phạm Thị, đã nói hộ lòng ta những gì cần nói?!
Giờ đây trên quê hương Dương Lôi - đất Tổ vương triều Lý, các di tích lịch sử về cội nguồn đức vua Lý Thái Tổ, về Thánh mẫu Phạm Thị, do thời gian và những biến thiên lịch sử, đã ngày càng mai một và trở thành phế tích. Nhiều di tích như: Cầu Đường, Khu Sơn lăng Cấm địa, cầu Lý, cổng Đưa Đón…hiện đã bị xâm lấn, không còn nữa, tất cả, đã và đang bị rơi vào quên lãng?…
Thấy cảnh hoang tàn, hiu quạnh…nơi cội nguồn vương triều Lý lòng người không khỏi: nỗi niềm, xót xa, hối tiếc!?

Từ Sơn,
Mùa xuân 2008
Mùa đông năm 2010

Phạm Đăng Kiểm
Có 0 nhận xét cho bài này "Thánh Mẫu Phạm Thị"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi