Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 1, 2011

Ba anh em Tướng quân họ Phạm

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 1 10, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

BA ANH EM TƯỚNG QUÂN HỌ PHẠM Ở HẢI DƯƠNG
VỚI VƯƠNG TRIỀU LÝ NAM ĐẾ

Vào đầu thế kỷ thứ VI, nước ta có giặc Lương (Trung Quốc), đem quân xâm lược. Để giữ yên bờ cõi, Lý Bí cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa. Tháng Giêng năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí khởi binh tấn công giặc, không đầy 3 tháng đã chiếm lại hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Được tin Long Biên thất thủ, vua Lương lập tức hạ lệnh cho quân chiếm lại. Bọn xâm lược vừa kéo sang đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan. Đầu năm Quý Dậu (543), quân Lương lại kéo sang xâm lược nước ta, nhưng lần này Lý Bí chủ động đón đánh giặc ở bán đảo Hợp Phố, miền cực Bắc Châu Giao. Quân Lương thất bại thảm hại buộc phải rút về nước. Tháng 2 năm 544, Lý Bí tự xưng là hoàng đế lấy niên hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch. Lý Nam Đế cho xây dựng điện Vạn Thọ là nơi vua quan họp bàn việc nước.

Đầu năm 545, nhà Lương lại cho quân sang xâm lược nước ta, nhằm tấn công nước Vạn Xuân non trẻ. Dương Phiêu được Nhà Lương cử làm thứ sử Giao Châu, cùng với Trần Bá Tiên, một viên tướng hiếu chiến khát máu, chia hai đường thủy bộ phối hợp cùng tiến sâu vào nước ta. Lý Nam Đế đem quân chặn đánh ở vùng Lục Đầu Giang (Hải Dương), nhưng không cản nổi giặc. Vua cho lui về giữ thành ở cửa sông Tô Lịch. Quân địch tấn công ác liệt, thành Tô Lịch bị vỡ, lão tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế phải lui quân về thành Gia Ninh (vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ ngày nay). Quân Lương lại đuổi theo, cuối cùng ông cho quân đóng ở động Khuất Lão, củng cố lực lượng. Do địa thế hiểm trở lại được nhân dân ủng hộ, nên thanh thế của Lý Nam Đế ngày càng lớn mạnh, quân Lương không đánh nổi nhà Lý. Anh Vua là Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử đem một cánh quân lui vào Thanh Hóa. Ở động Khuất Lão, Lý Nam Đế đau yếu luôn, ông trao quyền cho Triệu Quang Phục, tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Lý Nam Đế qua đời vào hai năm sau đó, tức ngày 13 tháng 4 năm 548.

Trong cuộc khởi nghĩa chống quân Lương đầy quả cảm của vua Lý Nam Đế có rất nhiều tướng trẻ và hàng vạn nghĩa quân tham gia, trong số đó có ba anh em họ Phạm, người xã Hà Xá, tổng Ngọc Cục, huyện Năng An (nay thuộc xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

Căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự, sắc phong, thần tích- thần sắc các làng Hà Tiên, Hà Chợ, hương ước xã Hà Xá, tộc phả họ Nguyễn Bá và các tài liệu có liên quan cho biết: Đình Hà Chợ tôn thờ ba vị Thành hoàng làng có công lớn trong vương triều Lý Nam Đế. Sự kiện này được tóm tắt như sau:

Vào thế kỷ thứ VI, ở xã Hà Xá, có bậc đại vương, họ Phạm, tên húy là Hương, có công lập làng. Vốn người ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vợ là Trần Thị Ngọc. Sống với nhau, ông bà sinh hạ được 3 người con trai và 1 người con gái. Người con trai cả đặt tên là Ứng, người con trai thứ 2 đặt tên là Đô, người con trai thứ 3 đặt tên là Nghiêm và người con gái đặt tên là Hy. 

Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị giặc Lương xâm lược, ba người con trai sớm trở thành những người văn võ thần tài, cả ba lập chí theo Lý Nam Đế, cùng Triệu Quang Phục đem quân đi chinh phạt kẻ thù. Trong quân đội của Lý Nam Đế, cả ba anh em đều được phong tướng quân. Sau khi thành ở cửa sông Tô Lịch bị vỡ, các thành khác cũng không giữ nổi, nghĩa quân chia thành hai cánh, một cánh quân do Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử lui vào Thanh Hóa, một cánh quân do Triệu Quang Phục cầm đầu rút về Dạ Trạch (Hưng Yên) để tiếp tục cuộc kháng chiến. Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục xưng hiệu là Triệu Việt Vương (dân gian gọi ông là Dạ Trạch Vương). Đến năm Canh Ngọ (550), nhân nhà Lương có loạn, thế giặc suy yếu, Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch, xuất toàn quân giao chiến, giết được tướng giặc là Dương Sàn, thu lại Kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.

Tuy nhiên, do đã từng phò tá vua Lý Nam Đế, nên sau khi Triệu Quang Phục xưng Vương, ba anh em không theo mà cho rằng: Triệu Quang Phục không phải dòng dõi nhà Lý mà lại tự lập như vậy là không phải đạo quân thần. Ba anh em lui về lập doanh trại, chiêu mộ binh sĩ tại xã Hà Xá, nhằm đợi ngày khôi phục nhà Lý. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh tính đến vài nghìn người. Khi Lý Phật Tử tiến quân thôn tính Triệu Quang Phục nhằm lấy lại quyền bính, ba anh em đem quân nhiệt tình phò tá. Về sau, nhà Lý giành lại ngôi báu, Lý Phật Tử xưng Vương, lấy niên hiệu là Hậu Lý Nam Đế.

Do có công lao với nhà Lý, ba anh em người họ Phạm khi mất được phong làm Thành hoàng của các làng: Hà Xá, Hà Tiên và Hà Đông thuộc xã Hà Xá, tổng Ngọc Cục, huyện Năng An (nay là xã Thái Dương, huyện Bình Giang).

Trải qua các triều đại phong kiến ba anh em đều được sắc phong. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ 7 đạo sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (1853); Tự Đức năm thứ 33 (1880); Đồng Khánh năm thứ 2 (1887); 2 đạo sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 2 đạo sắc vào năm Khải Định thứ 9 (1924).

Để ghi nhớ công lao của 3 anh em Phạm Ứng, Phạm Đô và Phạm Nghiêm, nhân dân xã Hà Xá đều lập miếu, đình thờ và tôn làm Thành hoàng làng. Đã được quy định từ thời phong kiến, đình làng Hà Đông thờ Phạm Nghiêm, đình làng Hà Tiên thờ Phạm Đô và đình làng Hà Chợ( tức làng Hoàng Sơn) thờ Phạm Ứng.

Đình làng Hà Tiên được xây dựng từ thời Hậu Lê, có 5 gian và 2 giải vũ, phía trước đình có ao sen, xung quanh có nhiều cây cổ thụ và có cảnh quan đẹp.

Đình Hoàng Sơn( tức Hà Chợ) cũng được xây dựng cùng thời với đình Hà Tiên. Đình có 5 gian đại bái, đao tàu déo góc, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung, tả vu, hữu vu mỗi bên 3 gian, 2 dãy giải vũ, mỗi dãy 3 gian. Khu di tích có cảnh quan đẹp. Trải qua chiến tranh và thời gian, một số hạng mục công trình không còn, nay phần lớn các công trình đã được khôi phục.

Vương triều Lý Nam Đế tồn tại 58 năm (544 - 602), đã khẳng định nền độc lập đầu tiên của nước Vạn Xuân và quan trọng hơn là người đầu tiên xây dựng kinh thành ở miền cửa sông Tô Lịch, là nơi mà kinh thành Thăng Long được Lý Công Uẩn xây dựng vững bền gần 6 thế kỷ sau đó. Trong công cuộc dựng nước và giữ nước, vương triều Lý Nam Đế là thiên lịch sử chói lọi trong lịch sử dân tộc. Biểu hiện ý chí quật cường của nhân dân ta. 

Ba anh em họ Phạm, được tôn thờ tại xã Thái Dương, huyện Bình Giang, là những vị tướng tài giỏi đi đầu trong cuộc khởi nghĩa quyết giành độc lập dân tộc. 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người họ Phạm tỉnh Hải Dương nói riêng và họ Phạm Việt Nam nói chung càng tự hào vì có những con người lẫm liệt, đã góp tài góp sức cùng với Thượng thủy tổ Phạm Tu và hậu duệ của Người chiến đấu, đánh đuổi xâm lăng, bảo vệ kinh đô, bảo vệ đất nước, ngay từ thời kỳ nhà nước đầu tiên của Việt Nam. 

Vinh dự cho cán bộ và nhân dân làng Hoàng Sơn, ngày 22-11-2010, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định số 3171/QĐ-UBND xếp hạng Di tích Lịch sử-Văn hóa Đình Hoàng Sơn, nơi thờ Danh tướng-Thành Hoàng làng là Phạm Ứng. Ngày 15-12-2010, cán bộ, nhân dân cùng những người con xa quê ở thôn Hoàng Sơn, trong đó có các chi nhánh họ Phạm trong làng, trong xã tưng bừng trong lễ hội đón Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cho Đình làng sau nhiều thập kỷ kể từ khi đình bị giải hạ do chiến tranh và những thăng trầm của lịch sử…Đại diện BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương do ông Phạm Văn Bảo-Ủy viên BLL họ Phạm Việt Nam, Trưởng ban LL họ Phạm tỉnh Hải Dương; Nhà báo Phạm Văn Chức-Ủy viên BLL họ Phạm Việt Nam, Phó trưởng ban kiêm Tổng thư ký BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương cùng một số thành viên khác trong BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương đã về dự và dâng hương danh tướng Phạm Ứng.

Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về Lễ hội long trọng này.

Lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Hải Dương trao bằng Di tích LS-VH cho đại diện lãnh đạo đại phương

Nhân dân địa phương, con em xa quê và bà con họ Phạm về dự lễ hội và dâng hương Phạm Ứng.

Tượng Thượng đẳng thần-Thành hoàng làng Hoàng Sơn-Đại tướng quân Phạm Ứng.

                   Ông Phạm Văn Bảo, Trưởng BLL họ Phạm tỉnh Hải Dương phát biểu tại Lễ hội.




Bài & ảnh : Phạm Văn Chức




TƯỚNG QUÂN PHẠM ỨNG

Nam Đế dấy binh chống giặc Lương
Tướng quân Phạm Ứng dũng can trường
Phò tá Lý Bôn chiêu hiền sĩ
Giữ yên bờ cõi vẹn biên cương

Giặc tan trở lại với đời thường
Quy điền, lập ấp tích binh lương
Ái quốc trung quân lòng nghĩa khí
Hậu thế suy tôn bảy sắc phong

Đất nước quê hương tiếp nối dòng
Hội làng Hà Chợ, rước , trống giong
Nhà nước truy phong bằng văn hóa
Thành Hoàng Phạm Ứng tối linh thiêng.

Tác giả: Bùi Văn Quý
CLB thơ Phạm Ngũ Lão- TP Hải Dương
Có 0 nhận xét cho bài này "Ba anh em Tướng quân họ Phạm"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi