Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

12 tháng 12, 2010

Lặng lẽ dâng cho đời

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 12 12, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments



Lặng lẽ dâng cho đời
                             Phạm Hữu Thanh Tùng

Nhà thơ Thanh Hải(ảnh bên trái)


Không ai không biết nhà thơ Thanh Hải, vì thơ ông đã đi vào văn học nhà trường, vào sách giáo khoa. Thế nhưng ít người biết Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, một người con ưu tú của dòng họ Phạm Bá làng Phò Trạch. Ông sinh ngày 4-11-1930, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong kháng chiến chống Mỹ ông làm công tác văn hoá văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên. Sau năm 1975 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông mất ngày 15-12-1980.

Thuở nhỏ ở miền Bắc khi mới học cấp một tôi đã biết Thanh Hải qua các bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ, Mồ anh hoa nở. Lên cấp ba, rồi vào đại học tôi được đọc Những đồng chí Trung kiên. Sau tết Mậu Thân, nhiều đêm qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi ngồi nghe kịch thơ Tổ khúc mùa xuân đất Huế. Sau này hồi hương tôi được đọc Huế mùa xuân (2 tập), Dấu võng Trường Sơn; Mưa xuân đất này và Thanh Hải thơ tuyển.

Thơ Thanh Hải chất phác, bình dị, như là lời tự sự chân thành của một người chiến sĩ kiên trung, một lòng theo cách mạng. Ông có những đóng góp quan trong cho nền thơ ca chống Mỹ. Năm1965 ông được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu; năm 2001 được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đêm nay trên bến Ô Lâu/Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ... là một trong những vần thơ cảm động nhất về tình cảm của thanh thiếu niên miền Nam đối với Bác Hồ mà tôi nhập tâm từ nhỏ. Nói về tình cảm thuỷ chung, gắn bó son sắt hai miền Nam-Bắc tôi cũng không thể quên được bài Tám năm nay mới gặp nhau.

Năm 1960, trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam ra thăm miền Bắc có nhà thơ Thanh Hải. Từ chiến khu Thừa Thiên nếu đi đường bộ vòng vèo cũng chỉ khoảng 100 cây số thì qua được sông Bến Hải. Thế nhưng Thanh Hải phải cuốc bộ vào Tây Ninh, rồi sang Campuchia đi máy bay ra Hà Nội! Sau chuyến đi đầy gian nan và hiểm nguy Thanh Hải để lại câu thơ bất hủ: Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây...

Không ai không biết nhà thơ Thanh Hải, vì thơ ông đã đi vào văn học nhà trường, vào sách giáo khoa. Thế nhưng ít người biết Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, một người con ưu tú của dòng họ Phạm Bá làng Phò Trạch. Ông sinh ngày 4-11-1930, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong kháng chiến chống Mỹ ông làm công tác văn hoá văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên. Sau năm 1975 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông mất ngày 15-12-1980.

Gia đình, đồng chí, bạn bè, độc giả, người dân Huế tiễn đưa Thanh Hải về nơi yên nghỉ trong một ngày đầu mùa mưa dầm xứ Huế. Từ nhà, vòng trở lại để đi qua trụ sở Hội Văn học nghệ thuật, rồi theo đường Lê Lợi, rẽ lên đường Điện Biên Phủ vào nghĩa trang Phan Bội Châu, đi theo sau linh cữu Thanh Hải đám càng đi càng dài/càng dài càng đông mãi...

Mộ anh trên đồi cao, nằm bên cạnh những nhà chí sĩ, những đồng chí trung kiên như: Đạm Phương, Nguyễn Chí Diễu, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Ấu Triệu Lê Thị Đàn... theo “ý chỉ” của cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan mua khu đất này từ năm 1925, trong thời kỳ cụ bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, để làm nghĩa trang dành cho các nhà yêu nước và nhà cách mạng ở Huế. Nghĩa trang Phan Bội Châu ở phía trước đàn Nam Giao. Con đường chạy ngang qua nghĩa trang, từ đường Điện Biên Phủ lên đồi Quảng Tế, từ lâu đã được đặt tên là đường Thanh Hải, gần đây đã được nâng cấp, mở rộng.

Mồ anh hoa nở. Trên mộ Thanh Hải đầy hoa thơm. Hoa của bạn thơ, của đồng chí, của gia đình, của những bạn đọc ngưỡng mộ thơ Thanh Hải. Giờ phút cuối cùng đưa tiễn nấm mộ Thanh Hải trở thành một lẵng hoa lớn, xung quanh là những vòng người, là Cả làng quê đường phố/Cả lớn nhỏ gái trai... Trên mộ người cộng sản/Bông hồng đỏ và đỏ/Như máu nở thành hoa...

Trước ngày ra đi Thanh Hải kịp để lại cho đời một Mùa xuân nho nhỏ. Ngay trong đêm đưa tiễn bạn, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ rất thành công bài thơ Mùa Xuân nho nhỏ, về sau trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế, trở thành bài ca không năm tháng về mùa xuân của âm nhạc Việt Nam.

Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ trên giường bệnh. Đó là lời tự sự chân thành của một nhà thơ cách mạng với những tâm niệm đầy tính nhân văn về lẽ sống. Bên cửa sổ tầng bốn khu C bệnh viên Trung ương Huế, lộc biếc của cây xanh, nụ thắm của hoa đang hé nở và tiếng chim thánh thót ban mai đã thành những “giọt long lanh” trong bàn tay xám lạnh của nhà thơ: Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi! Con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng…. Rồi đời đập nhịp trong trái tim thổn thức của Thanh Hải; một khát vọng dâng hiến lóe lên, rực sáng trong khổ thơ, thành tiếng hát trước cuộc sống đang lớn dậy từng ngày: Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến…

Những lúc Thanh Hải mệt lả, bàn tay của chị Thanh Tâm, người vợ và là người thầy thuốc luôn luôn ở bên cạnh, xoa trán ông. Bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, đầy hơi ấm của vợ làm Thanh Hải nhớ lại những ngày hạnh phúc bên nhau. Ông giữ bàn tay người vợ hiền trên trán mình, một ý thơ hé mở: Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc… Mấy ngày sau, bài thơ hoàn thành và được trao cho nhạc sĩ Trần Hoàn, người bạn học và là người bạn văn nghệ cùng Thanh Hải đi qua hai cuộc khánh chiến.

Lặng lẽ dâng cho đời - nhà thơ nhận trách nhiệm của mình với đất nước, nhân dân bằng ngôn ngữ hết sức bình dị, khiêm tốn nhưng có sức khái quát cao, một lời tâm sự để độc giả hiểu thêm nhân cách một một nhà thơ chiến sĩ.

Mùa xuân nho nhỏ là một trong những bài thơ xuân tiêu biểu của Việt Nam. Một mùa Xuân vừa có thiên nhiên, con người, đất nước, nhà thơ, và quê hương - đất Huế nhịp phách tiền. Hình ảnh người cầm súng và người ra đồng nổi bật giữa mùa xuân của đất trời gợi nhớ hình tượng dân tộc với lịch sử bốn nghìn năm vất vả và gian lao. Lộc xanh nhú lên sau những ngày đông tháng giá là biểu tượng tươi đẹp nhất của mùa xuân, là sự rũ bỏ quá khứ tàn phai để hồi sinh, vươn dậy, đầy niềm tin vào một tương lai tươi sáng ở phía trước. Lộc dắt đầy quanh lưng người ra trận. Lộc trải dài vô tận dưới những bàn tay lặng lẽ cày cấy, gieo trồng, tất cả hoà quyện trong sự phồn thực của mùa xuân đưa độc giả bay bổng cùng cảm xúc của nhà thơ ở một tầm cao hơn: Đất nước bốn ngàn năm/Vất vả và gian lao/Đất nước như vì sao/Cứ đi lên phía trước…

Đất nước vất vả và gian lao ăn vào thẳm sâu tâm hồn con người Việt Nam. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đất nước vẫn như vì sao toả sáng lung linh trong hành trình đi lên phía trước. Đó là ước vọng cuối cùng, là mùa xuân nho nhỏ mà Thanh Hải lặng lẽ dâng hiến cho đời.
Có 0 nhận xét cho bài này "Lặng lẽ dâng cho đời"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi