Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

13 tháng 12, 2010

Hai tấm gương hết lòng vì dòng họ Phạm

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 12 13, 2010 bởi Phạm Đạo · 2 comments

Lời BBT: Trước thềm Đại hội Đại biểu họ Phạm Tp. HCM lần thứ 2, chúng tôi xin giới thiệu 2 tấm gương hết lòng vì dòng họ

MỘT NGƯỜI HẾT LÒNG VÌ DÒNG HỌ PHẠM
(Bài này đã được đăng trên website ho Phạm tháng 4/2009) 
 

Sau khi bác Phạm Đức Thưởng nhận trọng trách làm Trưởng Ban liên lạc họ Phạm TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng Ba năm 2008, Bác liền bắt tay ngay vào việc tìm kiếm những người họ Phạm đang sinh sống và làm việc tại Thành phố. Bác Thưởng đã lặn lội đến từng nhà vận động bà con tham gia hoạt động dòng họ. Trước hết là những người họ Phạm trong “Hội đồng hương Thái Bình” rồi theo chính sách “vết dầu loang” mà chắp nối dần ra các bà con khác.

Bác tâm sự với tôi: “Phải làm từ cơ sở ông ạ! Trước hết phải vận động để thành lập các Ban liên lạc họ Phạm ở các quận huyện. Các Ban liên lạc cơ sở có “quân” thì Ban liên lạc thành phố mới có “quân” . Có “quân” rồi thì mới có thể làm được việc này việc nọ, nếu không Ban liên lạc Thành phố chỉ là “Bộ Tư lệnh “Không quân” thôi”. Tôi rất đồng tình với sáng kiến ấy. Bác Thưởng đã trổ tài “Dân vận” của một thời đã từng công tác trong lòng địch tại ngay thành phố Sài Gòn này.

Hình ảnh một cụ già gần 80 tuổi, mái đầu bạc trắng ngày ngày lóc cóc đạp chiếc xe đạp cũ đi hết nhà này đến nhà nọ theo các địa chỉ đã được giới thiệu. Các bạn đều biết đấy, ở cái thành phố rộng lớn này tìm nhà đâu có dễ. Số nhà thì đánh lung tung, lúc ngược, lúc xuôi, rồi hết ngách này lại đến hẻm khác như một “ trận đồ bát quái” có khi mất cả buổi sáng mới tìm được một nhà.Bác kể: “Có lần tôi bấm chuông, đợi khá lâu mới nghe tiếng dép loẹt xoẹt của một người từ trong nhà đi ra, ông ta nghé mắt qua khe cổng và hỏi “Cụ tìm ai đấy ạ?”, tôi nói: “Tôi tìm ông Phạm Văn X”. Người chủ nhà nói: “Thưa chính tôi đây, mời cụ vô nhà!”. Chúng tôi đi qua một khoảng sân không rộng lắm nhưng có đủ các chậu hoa quí. Bước vào phòng khách rất lịch sự, bàn ghế sang trọng, đủ biết đây là một gia đình giầu có. Ông ta chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế Sopha bọc da cá sấu và nói luôn: “Tôi hỏi khí không phải cụ đến đây tìm tôi có việc gì đấy ạ?”. Tôi trả lời: Tôi đến đây trước hết là thăm gia đình với danh nghĩa là người cùng dòng ho Phạm, và xin mời ông tham gia hoạt động dòng họ ta ở Thành phố”. Ông ta trả lời không chút do dự: “Cám ơn thịnh tình của cụ! Xin thú thực gia đình tôi rất bận công việc làm ăn không có thì giờ để tham gia các hoạt động ấy đâu. Hơn nữa nhà tôi cũng có nối mạng “Anh-tơ-nét” nên thi thoảng các cháu cũng lướt qua trang web của họ Phạm, có tin gì mới chúng có nói chuyện lại với chúng tôi nên cũng nắm được khá nhiều thông tin về họ ta rồi. Cụ thông cảm chúng tôi không thể tham gia được!”

Bác Thưởng tâm sự tiếp: “Một lần khác, tôi đến một cụ họ Phạm cao tuổi có uy tín trong xã hội đặt vấn đề : “Tôi biết cụ đã có uy tín lớn trong giới trí thức của Thành phố. Vậy tôi xin mời cụ tham gia hoạt động dòng họ ta ở Thành phố này nhé!”. Cụ cao niên họ Phạm điềm tĩnh trả lời: “Tôi xin mạo muội hỏi cụ: “Mục đích hoạt động của Ban liên lạc họ Phạm Thành phố là gì?”. Tôi chưa trả lời cụ ấy đã nói tiếp: “Tôi thiển nghĩ hầu hết những người họ phạm ở thành phố này đều có nguồn gốc ở ngoài Bắc. Thì hoạt động dòng họ ngoài ấy mới là chính chứ ! Ở đây ta làm cái gì? Tôi giải thích một hồi, Cụ ấy chỉ lẳng lặng lắng nghe không hiểu cụ ấy có tán đồng quan điểm của tôi không? Chỉ biết khi tiễn tôi ra về cụ nói: “ Cụ cũng đã già yếu rồi, lo nghỉ ngơi hưởng phúc đi! Những việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy để cho lớp trẻ họ làm thôi!”

Có những hôm trời nắng trang trang bác Thưởng vẫn hăm hở đi vận động đến nỗi Bác ngã bệnh. Tôi vào bệnh viện thăm Bác. Bác tâm sự: “Việc này khó quá ông ạ! Lắm lúc tôi đã nản có ý định “đầu hàng” nhưng rồi lại nghĩ “Hồi kháng chiến đánh Mỹ khó thế còn làm được huống chi việc này”. Tôi động viên Bác: “Vậy tôi làm thư ký riêng cho Bác được không? Có việc gì Bác cứ “sai bảo””. Bác nói “không dám!” “Tôi đã thấy ông suốt ngày trên máy tính làm việc này việc nọ cho dòng họ nên tôi phải noi gương ông chứ!”. Hai chúng tôi cùng cười  Ra viện rồi Bác lại tiếp tục đi vận động bà con. 
\
Thật không uổng công Bác. Các Ban liên lạc họ Phạm Quận 10, Quận 5, Quận 7 và Nhà Bè đã lần lượt ra đời. Cảm động nhất là những ngày chuẩn bị cho cuộc gặp mặt lần thứ nhất bà con họ Phạm ở thành phố Hồ Chí Minh. Bác Thưởng vẫn gần như “đơn thương độc mã” dự thảo giấy mời, tìm thuê địa điểm và quan trọng hơn là vận động các nhà doanh nhân họ Phạm tài trợ kinh phí cho cuộc gặp mặt. Đến những việc cụ thể như lo cắt băng-zon, khẩu hiệu Bác cũng tự làm lấy. Từ chiều hôm trước Bác đã cùng anh con trai Bác cắt xong băng-zon treo trước cổng “Nhà khách chính phủ” đường Lý Thái Tổ – địa điểm sẽ họp mặt ngày mai. Ai ngờ một cơn mưa cực lớn bất thần đổ xuống. Dứt cơn mưa trời đã nhá nhem tối Bác đến kiểm tra thì ôi thôi băng-zon đã rơi xuống, các chữ đã bị bong ra rơi lả tả dưới đất. Thế là suốt đêm hôm ấy Bác một mình cắt cắt, dán dán lại băng –zon để sáng mai sớm treo cho kịp. May thay có hai bác Phạm Hồng Soang và Phạm Trí Dũng đến từ tờ mờ sớm trang trí cờ, ảnh, bàn thờ v.v. mới kịp. Đến cuối buổi gặp mặt bác gặp tôi hỉ hả nói: “Thế là xong một việc! Kể cũng bõ công chúng ta chuẩn bị vất vả mấy tháng nay”.

Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, Bác còn đến từng nhà các bậc cao niên họ Phạm (trên 80 tuổi) đề tặng quà của Ban liên lạc và chúc Tết các cụ. Các cụ rất cảm kích trước tấm lòng của Bác. Các cụ hứa sẽ đốc thúc con cháu tích cực tham gia “việc họ”.Suốt mấy năm tham gia hoạt động dòng họ tôi thấy ít người có được nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm như bác Thưởng. Tôi tự nhủ nguyên nhân nào khiến Bác có thể hết lòng vì dòng họ như vậy. Sau khi tìm hiểu về cuộc đời Bác tôi đã hiểu được điều đó. Bác Thưởng sinh năm 1929 tại làng Quảng Nạp, xã Thuy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bác tham gia cách mạng từ những năm làm giáo viên “Bình dân học vụ”. Bác được kết nạp vào Đảng năm 1949. Rồi năm 1959 Bác làm Công an huyện. Đến năm 1960 lại lên Công an tỉnh. Và đến năm 1967 Bác được điều biệt phái vào chiến trường miền Nam chi viện cho Ban “An ninh” hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Hòa bình lập lại Bác làm Trưởng Công an Quân 3, rồi Trưởng Công an Quận10. Đến năm 1977 làm Chủ tịch UBND Quận 10. Năm 1991 Bác về hưu với hàm Đại tá Công an nhân dân. Quá trình tham gia cách mạng kiên cường đã tạo cho Bác một nhiệt tình cách mạng như thế.

Đầu năm 2009, tại cuộc họp của Ban liên lạc họ Phạm TP. Hồ Chí Minh, Bác đề xuất: “Hơn một năm qua sau khi tôi nhận trách nhiệm làm Trưởng Ban liên lạc họ Phạm Thành phố, tôi đã cố gắng hết sức mình, đã cùng các bác làm được một số việc có ích cho dòng họ. Nay tôi tuổi đã cao, sức đã yếu xin các bác cử người khác trẻ hơn thay tôi làm Trưởng Ban để công việc của chúng ta “chạy” hơn”. Tại cuộc họp ấm tình đồng tộc ấy mọi người đã ghi nhận và biểu dương Bác về những đóng góp quí báu của Bác đối với dòng họ.Viết tới đây trong đầu tôi lại hiện lên rõ mồn một hình ảnh bác Thưởng đang gò lưng trên chiếc xe đạp “cà tèng” đến mọi hang cùng ngõ hẻm vận động bà con tham gia việc họ. Tôi trộm nghĩ nếu moị người chúng ta chỉ cần “tích cực” bằng một phần mười bác Thưởng thì phong trào họ Phạm của chúng ta trong cả nước chắc sẽ phát triến hơn bây giờ rất nhiều!
TP. HCM, 04/2009
Pha Lê

MỘT CÁNH CHIM KHÔNG MỎI 


Tôi và anh Căn đã quen biết từ lâu, nhưng vì mỗi người đều quá bận rộn nên ít có dịp “tâm sự” với nhau. Hôm nay một buổi sáng đẹp trời, nắng sớm ấm ấp, gió nhè nhẹ làm lòng người thư thái tôi đến thăm anh. Anh đích thân xuống mở cửa rồi dắt tôi vào cầu thang máy đưa lên tầng 6 của Thẩm mỹ viện Y ngọc ở ngay phía đông chợ Bến Thành nổi tiếng. Anh nói “9 giờ sáng nay tôi có ca phẫu thuật vậy ta tranh thủ “tâm sự” luôn đi!” Tôi bật máy ghi âm để ghi lại buổi “tâm sự” này. Sau đây là nội dung câu chuyện:

Pha Lê: Anh cho biết đôi nét về tuổi thơ của anh

Bs. Căn: Tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề thầy thuốc tại một làng quê hết sức thanh bình ngoại ô Cố đô Huế. Ông cụ thân sinh ra tôi là một thầy thuốc trong sáng và đức độ. Ông thường nói với các con rằng: “Các con lúc nhỏ là con cha con mẹ, lớn lên là con làng con họ”. Ông thường đưa chúng tôi tham gia các sinh hoạt của làng xã, dẫn đi dự các đám giỗ, dạy dỗ chúng tôi gìn giữ gia phong, hiếu thảo với cha mẹ, tôn kính tổ tiên dòng họ. Đó chính là hành trang đầu tiên tôi đem theo suốt cuộc đời. Những đám giỗ chạp được tổ chức rất chu đáo, tôn nghiêm đã để lại cho tôi những ấn tượng không phai. À quên, tôi sinh năm Nhâm Thìn cũng cầm tinh con Rồng chỉ khác là cách anh đúng một “Giáp”.

Pha Lê: Tại sao anh lại chọn nghề Bác sĩ, anh đã tốt nghiệp trường nào?

Bs. Căn: Những hình ảnh tận tụy và tấm lòng nhân ái của ba tôi, thể hiện mẫu mực vào những giai đoạn khó khăn, chính là những dấu ấn sâu sắc đã gieo vào tâm trí chúng tôi, hay nói đúng hơn, gương sáng của người đã thấm nhuần trong tiềm thức nên tôi quyết tâm vào ngành Y, trường Đại học Y Dược TP.HCM. Suốt những năm dùi mài kinh sử ở đây có khá nhiều kỉ niệm buồn vui, dịp nào rảnh rỗi hơn tôi sẽ kể anh nghe.

Pha Lê: Ý tưởng mở Thẩm mỹ viện Y ngọc có từ bao giờ và anh đã xây dựng nó như thế nào?

Bs. Căn: Thời gian tôi đi thực tập tại các bệnh viện và sau này khi hành nghề tôi đã chứng kiến biết bao bệnh nhân có những vết sẹo rất đáng thương tâm. Và như anh biết đấy “Con mắt là cửa sổ tâm hồn”, nếu đôi mắt khó coi thì cái cửa sổ tâm hồn ấy còn gì thi vị nữa, nhất là giới nữ thì buồn biết chừng nào! Thế là cái ý tưởng ấy cứ ám ảnh trong tôi, tôi muốn gây dựng cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vào thời đó “Thẩm mỹ viện” chưa được phát triển đồng bộ. Nhưng những hình ảnh “làm đẹp cho người” cú thôi thúc tôi. Tôi đã làm việc cật lực, chính tôi đã phải mày mò nghiên cứu tự nâng cao trình độ của mình, đi khắp nơi để tiếp cận những tinh hoa của các nước trên thế giới. Khách hàng ngày càng đông, chính là nhờ chất lượng của các ca phẫu thuật rất thành công. Và chính khách hàng là những người tạo nên tiếng vang “hữu xạ tự nhiên hương”… Niềm vui sướng của chúng tôi là được chia sẻ với sự mãn nguyện của khách hàng sau mỗi ca phẫu thuật mà chúng tôi đã dồn hết tâm trí và sự sáng tạo để hình thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Pha Lê: Nhiều người nói anh có “Bàn tay vàng” danh hiệu ấy từ đâu mà có?

Bs. Căn: Danh hiệu có lẽ là do khách hàng đặt cho tôi vì tôi đã có rất nhiều ca phẫu thuật thành công. Nhưng phải kể đến GS. Bùi Minh Đức, một Việt kiều lập nghiệp tại Hoa kỳ, một phẫu thuật gia nổi tiếng bên Mỹ – người đã có công suốt 10 năm qua đưa Hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa kỳ về Đại học Y đào tạo rất nhiều bác sĩ phẫu thuật cho Thành phố và các tỉnh lân cận. Ông đã giới thiệu rất nhiều Việt kiều đến chỗ tôi làm đẹp, khi trở lại Mỹ họ về khoe với ông và ông thấy chất lượng phẫu thuật thật vô cùng tuyệt vời. Chính ông đã tặng tôi những cuốn sách chuyên môn quí giá và tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” cho tôi.

Pha Lê: Theo tôi biết anh đã mất rất nhiều công sức để chắp nối, để thành lập các BLL họ Phạm ở nhiều tình miền Nam.

Bs.Căn: Cảm động nhất là khi ra dự buổi lễ ra mắt BLL họ Phạm TT-Huế. Khi tôi đến địa điểm họp mặt, mọi người đổ xô đến tay bắt mặt mừng, có người ôm chặt lấy tôi đến nghẹt thở. Mọi người cảm ơn tôi rối rít vì đã chắp nối, gửi tài liệu và hướng dẫn tổ chức buổi gặp mặt. Còn tôi thì vô cùng xúc động vì được về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Được sống trong đại gia đình họ Phạm của quê hương. Và mới đây nhất là tôi ra dự Lễ ra mắt BLL họ Phạm tại Bình Định. Bác Trưởng Ban đã ngoài tám mươi tuổi vẫn còn rất minh mẫn và nhiệt tình với “việc họ”. Bác coi tôi như người nhà và cùng tôi trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong công tác dòng họ. Như anh thấy đấy vấn đề mấu chốt là phải tìm được “ngọn cờ” – Người tâm huyết với dòng họ mà còn phải có trình độ tổ chức làm Trưởng BLL thì mới duy trì được hoạt động. Tránh việc đánh trống ghi tên lấy cái “danh” rồi sau chẳng làm gì nữa.

Pha Lê: Nghe nói chuyến “hành hương” của vợ chồng anh về Bắc năm ngoái thú vị lắm, có gì vui kể tôi nghe nào!

Bs. Căn: Ý tưởng tìm về cội nguồn chúng tôi đã ấp ủ từ lâu – thế nào cũng phải thắp nén hương lên bàn thời vị Thượng thủy tổ của dòng họ. Nhưng công việc cứ lu bù mãi năm ngoái chúng tôi mới thu xếp được. Một cuộc “hành hương” trên cả tuyệt vời. Đầu tiên chúng tôi đến Đình thờ Phạm Tu tại quê hương người, thành kính dâng hương rồi xin cụ tổ cho phép lấy mấy cây chân hương tại bát nhang. Chúng tôi ra vườn xin cụ tổ nắm đất. Rồi chúng tôi đến Đền Mây thờ Phạm Bạch Hổ, cũng dâng hương, xin chân hương và nắm đất ngoài vườn và một số Đình đền thờ các tiền nhân họ Phạm. Nhưng gây cho chúng tôi kỷ niệm sâu sắc nhất là khi về đền An Cố ở Thái Bình, Đền thờ Phạm Hải Đại vương tương truyền cách đây 2000 năm. Hôm ấy giữa trưa trời nắng gắt, hỏi thăm mãi hai vợ chồng mới tới đền. Một không khí tôn nghiêm bao trùm, cửa đóng then cài không biết làm sao có thể vào Đền để thắp nén nhang. Tôi loay hoay chụp vài bức ảnh, vợ tôi thầm khấn mong ngài phù hộ làm cách nào để vào được bên trong. Bỗng nhiên có một phụ nữ đi qua, vừa nói chưa dứt ý định của mình,cô ấy đã nhanh nhẹn trả lời: “Ông thủ từ ở cạnh nhà tôi”. Gặp được ông thủ từ, ông trịnh trọng cho biết: “Ồ!linh thiêng thật đêm qua tôi được báo mộng có khách phương xa về thăm Đền”. Chúng tôi vào thắp hương và thành tâm khấn vái mong ngài phù hộ cho hậu duệ họ Phạm làm ăn thuận buồn xuôi gió, dòng họ ta ngày càng lớn mạnh… Bỗng nhiên cây hương bật cháy thành ngọn lửa. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Ông Thủ từ nói: “Thật linh ứng Ngài đã về chứng giám lòng thành của vợ chồng bác”.

Pha Lê: Anh có dự định gì về “Việc họ” của Thành phố nay mai, việc ưu tiên số một là gì?

Bs. Căn: Công việc sắp tới của BLL họ Phạm Thành phố thì rất nhiều. Chúng tôi phải chọn việc nào cần thiết thì phải làm ngay. Trước hết là phải tổ chức thành công cuộc gặp mặt họ Phạm Tp. HCM và các tỉnh lân cận lần thứ 2 này. Công việc cũng đã phân công mỗi người một việc, nhưng vấn đề “đầu tiên” là cực kỳ quan trọng mới vận động tài trợ được vài chục triệu chắc là còn thiếu nhiều anh ơi. Nhưng tôi tin là sẽ thành công thôi. Vấn đề tâm huyết của tôi trong thời gian tới có hai việc: Một là tổ chức được “Tuần lễ văn hóa họ Phạm Tại Thành phố”. Đây là một việc rất có ý nghĩa nhưng cũng cựu kỳ khó khăn, tôi đang huy động lực lượng trẻ tham gia, tôi rất tin vào họ.Hai là kết nối nhân ái : Con người sinh ra vốn tính bản thiện, dòng họ Phạm chúng ta cũng vậy, vấn đề là làm thế nào để nối kết những tấm lòng nhân ái ngày càng rộng khắp, đó là ý nghĩa tuyệt vời của cuộc sống và những việc làm hôm nay cũng là hạt nhân để bước tiếp hành trình ấm áp tình người họ Phạm.

          Đã đến giờ anh phải phẫu thuật cho khách hàng, chúng tôi tạm biệt nhau. Tôi ra về rất xúc động trước một con người đầy nhiệt huyết với dòng họ. Anh đã bỏ ra rất nhiều triệu để tặng học bổng cho con em họ Phạm. Anh đã lặn lội khắp nơi để chắp nối thành lập các BLL họ Phạm ở các tỉnh miền Nam. Anh ngày đêm suy nghĩ việc thành lập quĩ “Lá lành đùm lá rách” để cưu mang những người họ Phạm cơ nhỡ. Anh không những có “Bàn tay vàng” mà còn có “Tấm lòng vàng” – Một cánh chim đầu đàn của họ Phạm Tp. Hồ chí minh nói riêng và cả nước nói chung.

Tôi đã nghĩ ra tên của bài viết này:
Một cánh chim không mỏi

Tp. HCM, 5/12/2010
Pha Lê



 








 

2 nhận xét:

  1. Tôi biết bác Thưởng gần một năm nay nhưng giờ mới biết bác là họ Phạm và cũng là người sáng lập ra Ban liên lạc họ Phạm tại Tp.HCM, tôi thấy rất vui, 26-12 này tôi sẽ cùng với em trai và con trai mình đi họp họ. Tôi tự hào về họ Phạm chúng ta, tôi hy vọng sẽ đuợc cùng với các bác trong ban liên lạc mở rông thông tin này đến với những người con họ Phạm đang sống o Tp.HCM
    Phạm Tuấn Anh
    ĐT: 0918203197

    Trả lờiXóa
  2. Mình năm nay hơn 19 tuổi, bắt đầu tìm hiểu về họ của mình từ khoảng 3 tháng trước và rất tự hào vì mình mang dòng máu họ Phạm.
    Mình rất phục ý chí và những hoạt động bác Thưởng dành cho họ Phạm ta.
    Phạm Anh Tuấn, Cần Thơ, 16/9/2011

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi