Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

17 tháng 12, 2010

Đêm thơ Thanh Hải

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 12 17, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Đêm thơ Thanh Hải
                                   Mại Văn Hoan - Thanh Tùng


Những năm từ 1960 đến 1965, cùng với Giang Nam, Thanh Hải là một hiện tượng thơ rất được chú ý. Thanh Hải vinh dự được Hội Văn nghệ Giải phóng trao Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965) và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt 1 (năm 2001)
.
Kỷ niệm niệm 80 năm ngày sinh, 30 năm ngày mất của nhà thơ Thanh Hải Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Chi Hội Nhà văn VN tại Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Đêm thơ Thanh Hải và giới thiệu Tuyển tập Thanh Hải vừa xuất bản. Đến dự lễ kỷ niệm có ông Phan Công Tuyên, UVTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo; đại diện một số cơ quan, ban ngành cùng đông đảo văn nghệ sĩ, gia đình và thân hữu của nhà thơ Thanh Hâỉ.

Sau phát biểu của ông Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT và phát biểu của đại diện Tỉnh ủy, UBNH tỉnh, nhà văn Nguyễn Khắc Phê giới thiệu Tuyển tập Thanh Hải, những bài thơ của tiêu biểu của Thanh Hải qua các thời kỳ được các nghệ sĩ thể hiện. Chương trình thơ được mở đầu bằng bài Cháu nhớ Bác Hồ khá xúc động, do bé Phạm Hải Trà My, cháu nội nhà thơ Thanh Hải đọc rất diễn cảm.

- Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
- Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ

Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn

Những câu thơ này đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nó tồn tại như những câu ca dao lưu truyền trong dân gian. Nhà thơ Thanh Hải kể rằng khi anh đọc bài thơ Cháu nhớ Bác Hồ cho Bác nghe, đến câu Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn, quá xúc động, anh dừng lại giữa chừng. Bác bèn ôm lấy anh, vừa hôn vừa nói: “Đây, hôm nay Bác hôn thật đây !”. Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm thơ của Thanh Hải.

Bài Tám năm nay mới gặp nhau khi nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm trong chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam rất nhiều người đã không cầm được nước mắt. Bao nhiêu vui sướng, bao nhiêu hờn tủi, bao nhiêu căm giận… chất chứa trong những vần thơ giản dị ấy.

Xa nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây

Siết tay ôm chặt lấy tay
Nói gì, nước mắt tràn đầy đôi môi.

Bài Gửi Quảng Bình thể hiện tình cảm hết sức keo sơn, gắn bó trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ba tỉnh: QuảngTrị, Thừa Thiên, Quảng Bình, những tỉnh ở “tuyến đầu Tổ quốc”. Thanh Hải đã thay mặt đồng bào Trị Thiên bày tỏ tình cảm sâu nặng ấy với nhân dân Quảng Bình qua những dòng thơ rất chân thành:

Quảng Bình ơi, chín năm xưa giết giặc
Vui khổ cùng chung mảnh đất miền Trung

Xa cách mười năm, mười năm thầm nhắc
Lòng gởi lòng qua đôi bến Hiền Lương

Bài Sang đò đêm mưa viết về mối quan hệ tình cảm giữa đồng bào miền Nam với các chiến sĩ cách mạng nằm vùng thời kỳ 1954 - 1965. Người lái đò cho các chiến sĩ bí mật qua sông ngay cạnh đồn bốt của địch là một mẹ già. Hôm ấy trời mưa rất to. Tác giả băn khoăn không hiểu sao mẹ cứ cho đò trôi “lơ lửng, lửng lơ” trên sông làm “ướt cả thân già” mà không cập bến ?

Trời mưa, mưa mãi là mưa
Má ơi sao má chẳng đưa vào bờ ?
Con đò lơ lửng lửng lơ
Trời mưa ướt cả thân già má ơi !

Bài Giữa rừng xuân thật lãng mạn. Trong cuộc chiến đấu vô cùng cam go, gian khổ mà có được những giây phút như thế là vô cùng quý giá. Giữa cánh rừng đang vào xuân gặp người đẹp với mái tóc thề và đôi môi hồng chúm chím… Càng say, càng mê hơn khi biết em đã từng “vào đồn giết địch” và “hạ máy bay thù như cánh chim rơi”.

Suối cứ reo trong rừng xuân núi biếc
Đàn chim vui ríu rít lượn quanh em
Ai biết sáng nay vì sao rừng xuân đẹp
Cho tôi say mê quên hỏi tên em?

Anh gặp em giữa rừng xuân lá biếc
Tuổi trẻ hơn tuổi trẻ của vầng trăng
Trong kháng chiến có những mùa rất đẹp
Đất nước lớn cùng sức sống tuổi thanh xuân

Sông Hương là niềm trăn trở, thao thức ngày đêm của Thanh Hải trong những tháng ngày chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dòng chảy sông Hương cũng là dòng chảy của thời gian, dòng chảy của bao thăng trầm lịch sử. Cuộc đời của mẹ, của em, của người dân xứ Huế đã gắn chặt với dòng sông thương mến này: Cứ chảy đi trăng sáng giữa đôi bờ/Sông lóng lánh mặt người lóng lánh.

Bài Xa em mùa lũ là những lời tâm tình của nhà thơ Thanh Hải với người vợ thân yêu trong những ngày mưa lũ anh phải đi công tác xa: Lòng thương em vời vợi / Cứ ngoảnh mặt trông về... Anh hình dung cảnh “nước đỏ dưới chân đê”, lại càng thương vợ hơn. Từ tình cảnh gia đình anh nghĩ đến tình cảnh đất nước với bao nhiêu day dứt, trăn trở. Chủ đề tình yêu, tình nghĩa vợ chồng gắn bó, thuỷ chung của Thanh Hải tiếp tục được cô giáo Võ Thị Quỳnh thể hiện qua qua giọng ngâm và lời bình. Bài thơ cuối cùng của Thanh Hải trao lại cho người vợ yêu quý Từ khi anh nằm xuống/Đời có em dịu hiền – bài thơ chưa kịp đặt tên.

Chuyện tình của Thanh Hải – Thanh Tâm cảm động hơn khi được nghe những người bạn cùng đơn vị công tác của anh - chị, những người bạn cùng Thanh Hải sống và viết ở chiến trường Thừa Thiên kể lại. Đặc biệt là được nghe Bài thơ về nỗi nhớ, bài thơ tưởng nhớ anh Thanh Hải của chị Thanh Tâm, do chính chị Thanh Tâm thể hiện:

Một giọng ca Nam bình em xin trao gửi
Với tất cả tình riêng em luôn đợi anh về.

Đêm thơ kết thúc bằng ca khúc Mùa xuân nho nhỏ, bài thơ Thanh Hải hoàn thành vài ngày trước lúc ra đi. Đó là lời bày tỏ khát vọng dâng hiến tài năng và sức lực của mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Bài thơ được Trần Hoàn, người bạn đã đi cùng Thanh Hải suốt hai cuộc kháng chiến, phổ nhạc ngay trong ngày tiễn Thanh Hải về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ảnh:

                                          1. Bé Phạm Hải Trà My đọc thơ ông nội.

                                     2. Nghệ sĩ Bảo Cường đệm sáo và ngâm thơ Thanh Hải.

                         3. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể chuyện về Thanh Hải và thơ Thanh Hải.

4. Học sinh lớp 11 khối chuyên Văn tặng quà cô Thanh Tâm.

5. Chị Thanh Tâm ngâm Bài thơ về nỗi nhớ.

                                   6. Ca sĩ Thu Hằng trình bày ca khúc Mùa xuân nho nhỏ.
Có 0 nhận xét cho bài này "Đêm thơ Thanh Hải"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi