DANH TƯỚNG PHẠM TU
KHỞI ĐẦU TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC
KHỞI ĐẦU TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC
“Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” – đó là lời nhận định về Danh tướng Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (NXB Văn Hóa, 1993).
Ở đây là nói đến triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế -nhà Tiền Lý, cách nay đã trên 15 thế kỷ!
Bộ chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì có hai lần xuất hiện tên ông. Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 Sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép, trong văn cảnh như sau “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua Lý Nam Đế sai tướng Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”. Lần thứ hai vào năm Giáp Tý (544 SCN) nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng dầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc – cha của Triệu Quang Phục và Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân.
Từ điển Văn hóa Việt Nam và sách Thành hoàng Việt Nam (NXB VH-TT, 1997) đều khẳng định rằng: “Phạm Tu quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.
Lại như về niên điểm hy sinh của ông thì có lẽ xuất phát từ hai câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 Thiên Nam Ngữ lục :
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời.
Những thông tin về sự ra đời (ngày 10-3 Bính Thìn, 476 SCN), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách, đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có Tòa Thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: cửa sông Tô Lịch, vào ngày 20-7 năm Ất Sửu (545 SCN).
Phạm Tu là Thành hoàng xã Thanh Liệt, với tên gọi đầy đủ là:”Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích”.
- Giữa thiên niên kỷ thứ Nhất sau Công nguyên, nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế và võ tướng Phạm Tu xuất hiện với đường đường tư thế là Quốc gia – Dân tộc thứ ba cùa lịch sử nước nhà sau Văn Lang thời Hùng Vương và Âu Lạc thời Thục An Dương Vương từ thời trước Công nguyên. (Hồi giữa thế kỷ thứ Nhất SCN, lịch sử dân tộc Việt Nam còn được chứng kiến sự kiện ba năm, từ 40 – 43: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” của Hai Bà Trưng. Nhưng những sử liệu đích thực chưa cung cấp được những thông tin đầy đủ và cụ thể về sự kiên này).
- THỜI KỲ TIỀN THĂNG LONG : Mốc sự kiện và niên đại ở đây chính là năm 545, một năm sau khi thành lập nhà nước Vạn Xuân, khi một Tòa Thành được khởi dựng ở nơi của sông Tô Lịch (chính là miền đất gốc của Thăng Long – Hà Nội, qua các thời đại), làm nòng cốt và bằng chứng cho sự chính thức hình thành một “Thành” + “Phố”, một “Đô” + “Thị” ở nơi đây.
Và, một lần nữa, chính ở vị trí thời gian – không gian quan trọng này, lại thấy hiện diện nhân vật lịch sử Phạm Tu, vị võ tướng chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc và hy sinh anh dũng ở Tòa Thành nơi cửa sông Tô Lịch vào năm 545 này.
- THỜI KỲ THĂNG LONG: tính từ năm 1010 ( năm có văn bản “Thiên đô chiếu”, vừa có hành động dời đô, định đô của vua Lý Thái Tổ) đến năm 1888 (vừa có văn bản của vua Nguyễn Đồng Khánh nhường đất, vừa có Sắc lệnh của Tồng thống Pháp và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương , thành lập “Thành phố Hà Nội”.
- THỜI KỲ HÀ NỘI: đây là thời kỳ tiếp theo, (mặc dù địa danh Hà Nội thì đã bắt đầu có từ năm 1831, vài chục năm trước đó) có thể tính từ năm 1888, trong thời gian này, mang đặc trưng quán xuyến là một Tòa Đô thị cận - hiện đại.
Chúng ta thấy rằng: “Thời kỳ Tiền Thăng Long” như vậy là cũng rất quan trọng, vì nó hợp cùng với “Thời kỳ Thăng Long” và “Thời kỳ Hà Nội” làm nên lịch sử hoàn chỉnh và đích thực của Đất này.
Như vậy, từ quê hương Thanh Liệt trên một điểm đầu nguồn sông Tô Lịch, cuộc hành trình kỳ vĩ của Danh tướng Phạm Tu, qua thời gian từ năm 542 – 545, tới không gian cuối sông Tô, nơi có Tòa Thành và trận ác chiến cửa sông Tô, thì kết thúc oanh liệt. Nhưng đây là một kết thúc oanh liệt với ý nghĩa kép: Lão tướng Phạm Tu vừa có mặt ở vị trí thời gian – không gian mở đầu thời kỳ lịch sử “Tiền Thăng Long”, cũng chính là sự bắt đầu đích thực của toàn bộ lịch sử gồm ba thời kỳ của Đất này ; lại vừa tự mình Lập nên một gương hy sinh trong đấu tranh Anh hùng Bất khuất ở nơi đây. Chính là sự khởi đầu cho một Truyền thống vẻ vang của Lịch sử, và của Đất cùng Người nơi đây : Truyền thống Anh hùng Bất khuất – mà năm 2010, kỷ niệm 1000 năm định đô với truyền thống đó, và năm nay, 2011 là dịp kỷ niệm đúng 1466 năm tuổi của toàn bộ lịch sử Đất này. Và toàn bộ lịch sử 1466 năm ấy – sau Danh tướng Phạm Tu – cũng là một Lịch sử không chút nào rời xa Truyền thống Anh hùng Bất khuất quý báu đó!
Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, lịch sử của dòng họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, tưởng nhớ đến Đô Hồ Đại Vương PHẠM TU – vị anh hùng được họ Phạm Việt Nam suy tôn là Thượng thủy tổ, nhắc nhở con cháu hiểu rõ giá trị đạo lý “Chim có tổ, người có tông”, năm nay vào ngày 20-7 âm lịch, nhân ngày Giỗ thứ 1466, Ban Liên lạc Họ Phạm Tp.HCM tổ chức Lễ Hội Giỗ Tổ Họ Phạm - Ngài PHẠM TU vào ngày 19-8-2011 tại Nhà Văn hóa Thiếu Nhi Tp.HCM. Và trước đó, là Đêm Nhạc “Hướng về Ngày Giỗ Tổ Họ Phạm”.
Ban liên lạc Quận Gò Vấp nguyện tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện, gắn bó giữa những đồng tộc Họ Phạm, để giao lưu, xây dựng các mối quan hệ trong tình cảm dòng họ, để thiết thực chào mừng ngày Giỗ Tổ Họ Phạm.
(Tham khảo: sách Danh tướng Phạm Tu, NXB VH-TT, Hà Nội, 1999)
PHẠM VŨ ĐỘNG
Ban liên lạc Họ Phạm - Quận Gò Vấp
Đăng nhận xét