Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

25 tháng 2, 2011

Chữ tâm của một doanh nhân họ Phạm

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 2 25, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

CHỮ TÂM CỦA MỘT DOANH NHÂN

LGT: Bàì này đươc đăng trên báo điện tử “Người xây dựng” viết về một doanh nhân họ Phạm - ông Phạm Thiện Căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn kính Kalaglass, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân họ Phạm Việt Nam khóa I. Chúng tôi vui mừng trước thành công của ông trong kinh doanh và cảm kích vì trái tim nhân hậu của ông. Chúc ông gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước trong đó có dòng họ Phạm Việt Nam. Xin giới thiệu cùng bạn đọc
Phạm Thị Thúy Lan

Khởi nghiệp từ chiếc dao cắt kính, trải qua bao thăng trầm, đến nay ông đã có trong tay 8 Cty thành viên và 4 nhà máy sản xuất kính hiện đại bậc nhất cả nước. Ông là Phạm Thiện Căn - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn kính Kalaglass. Mặc dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng ông chưa cho phép mình được ngơi nghỉ.

Từ “Vua kính miền Bắc”…
Phạm Thiện Căn được anh em trong giới kinh doanh kính đặt cho biệt danh là “Vua kính miền Bắc”. Khi được hỏi về biệt danh này, ông cười và bảo: “Tôi chỉ là một trong những doanh nhân Việt Nam đầu tiên đưa ngành xuất kính vào miền Bắc, nên anh em nói vậy cho vui thôi”.
Ông Căn bỏ phiếu tại Đại hội hiệp hội kính và thủy tinh VN 2010.

Ông bắt đầu câu chuyện với chất giọng sang sảng và vui vẻ. Sinh ra tại làng Nhân Chính - Quan Nhân (Hà Nội), trước khi vào nghề sản xuất, kinh doanh kính, ông làm giáo viên trường cấp II xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội từ năm 1972 đến 1995. Hơn 20 năm cống hiến trong nghề giáo, phẩm chất kiên trì, tư duy khoa học và giao tiếp ứng xử được bồi đắp đã tác động đến việc kinh doanh của ông. Chính vì thế, khi không còn đứng trên bục giảng, ông tiếp tục hướng đi mới với tinh thần của một nhà giáo đầy tự tin và quyết đoán.
Tập đoàn kính Kalaglass tiền thân là HTX Kỳ Anh, được thành lập từ năm 1978. Nhân sự đầu tiên thời ấy chỉ vẻn vẹn hai người với một cửa hàng nhỏ trên phố Trường Chinh - Hà Nội. Năm 1995, sau khi nghỉ dạy học, ông về nhà giúp bà xã nâng cấp HTX Kỳ Anh thành Cty TNHH Kỳ Anh, với hoạt động chính là kinh doanh kính xây dựng. Ngày đầu thành lập Cty, nhân sự chỉ có 12 thành viên nên ông làm quản lý kiêm thợ làm kính. Ông nhớ lại: “Khi mới kinh doanh sản xuất loại VLXD này, khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng phải ngừng hoạt động. Nhưng tôi không chịu thất bại, cố ngẫm nghĩ, tìm phương hướng nâng cấp chất lượng và mẫu mã tạo ra những sản phẩm tốt nhất, để các nhà thầu xây dựng tin dùng kính của mình, không tìm tới hàng nhập khẩu nữa”.

Lúc ấy, các KĐT, KCN mới liên tục được mở rộng xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng là rất lớn, đặc biệt là những sản phẩm chất lượng, công nghệ cao. Vật liệu kính bắt đầu lên ngôi để khẳng định vị thế của mình trong nền công nghiệp hiện đại. Kính được ưa chuộng trong xây dựng, tuy nhiên các mặt hàng trong nước hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn xây dựng của các nhà thầu. Cơ hội đã đến, Phạm Thiện Căn đã cùng Cty mạnh dạn vay vốn, nhập khẩu dây chuyền sản xuất kính hiện đại, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường như dây chuyền sản xuất kính cường lực Landglass của Trung Quốc, dây chuyền sản xuất kính cường lực Tamglass của Phần Lan, dây chuyền sản xuất kính dán Hãng Bystronic Lenhardt của Đức và Foshan của Trung Quốc, dây chuyền sản xuất tranh kính của hãng DIP Tech - Israel… để tạo nên những sản phẩm kính phun cát, kính gương, kính an toàn, kính phản quang, kính hộp cách âm cách nhiệt... mang thương hiệu kính Kala. Tiếng lành đồn xa, khách hàng đến với Cty ngày càng nhiều. 15 năm xây dựng, từ lúc thị trường chỉ có số lượng rất ít, đến nay, Kalaglass đã đưa sản phẩm kính của mình ra khắp Việt Nam và lan rộng sang thị trường Malaysia, Indonesia, Singapore…

Năm 2008, khi các con đã có đủ khả năng quản lý, ông đưa Cty TNHH Kỳ Anh chuyển đổi thành Cty CP Kính Kala (có địa chỉ tại Km15 + 300 Liên Ninh - Thanh Trì - Hà Nội) do ông làm Chủ tịch HĐQT với 650 người, phụ trách công việc của 3 nhà máy tại Hải Phòng và Hà Nội là Nhà máy Kính Kiến An, Nhà máy kính Trường Sơn và Nhà máy kính Liên Ninh. Năm 2009, nhà máy gia công vách dựng, nhà máy thành viên thứ 4 của Tập đoàn Kalaglass ra đời. Hiện Kalaglass đang cho nâng cấp hai dây chuyền sản xuất, nâng tổng công suất 4 nhà máy đến cuối năm 2010 sẽ là 720 tấn kính/ngày.

Một góc phân xưởng sản xuất kính tại Nhà máy SX kính hoa và in hoa,
Kiến Anh - Hải Phòng.

Nhớ lại ngày đầu tiên được ngắm nhìn những sản phẩm kính do mình làm nên, ông không khỏi bồi hồi. Bắt đầu từ những sản phẩm đó, ông thấy mình cần phải có trách nhiệm không chỉ với Cty mà với nền sản xuất kính của đất nước. Ông cho biết “Doanh thu năm 2009 của Cty là 400 tỷ đồng, đến tháng 10/2010 đã đạt 500 tỷ đồng (vượt 40% chỉ tiêu), dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ tăng lên 600 tỷ đồng”. Liên tục tham gia vào các hội như Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam, Hội văn hóa doanh nhân Hải Phòng… Ông đã cùng Cty có những đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành kính Việt Nam. 5 năm liền (từ 2003 - 2008), ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích trong xây dựng và phát triển đất nước.
…Đến con người của lòng nhân ái

Bận rộn với công việc tại Cty, nhưng ông luôn cố gắng chăm lo cuộc sống của chính những người lao động trong nhà máy, ông cho xây nhà tập thể cho toàn thể CBCNV và đảm bảo cho họ mức lương phù hợp. Với CNLĐ, mỗi lần qua nhà máy, ông ôn tồn hỏi han và động viên họ làm việc thật tốt. Chính vì thế, anh em trong nhà máy quý ông như người thân của họ vậy.

Không chỉ làm chủ nhiệm CLB doanh nhân họ Phạm thành lập tại Hà Nội, ông còn là thành viên tích cực, đi đầu trong các hoạt động ủng hộ, từ thiện, giữ cương vị Trưởng ban từ thiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam. Thời gian này, ông tất bật về tận Hải Phòng, cùng nhiều doanh nhân ở đây vận động ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn. Ông cho biết: “Hiện chúng tôi đã quyên góp được 500 triệu đồng giúp bà con vượt qua khó khăn này”. Khi được hỏi đã thực hiện được bao nhiêu đợt từ thiện, ông chỉ mỉm cười và nói “Mình làm vì cái tâm thôi, chứ chẳng nhớ được đã làm bao nhiêu cuộc”. Nhìn vào hơn 20 tấm bằng khen, giấy chứng nhận do TP Hải Phòng trao tặng vì tấm lòng nhân ái, trái tim nhân hậu mới thấy không “ngoa” khi nhiều người coi ông là biểu tượng của lòng nhân ái.

Mới đây, khi Hà Nội náo nức tổ chức Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông cũng cùng làng Nhân Chính tham gia lễ hội tại địa phương và vinh dự được làm đại diện gõ trống kiệu của làng. Ở cái tuổi không còn trẻ nữa, được hòa mình cùng quê hương, họ tộc trong những buổi lễ hội, ông cảm thấy “hãnh diện và vui vẻ lắm”. Tuy rằng mái đầu đã bạc, có đủ cháu con, dâu, rể… nhưng ông vẫn thấy mình còn trẻ. Ông hóm hỉnh: “Mình chưa có ý định nghỉ ngơi đâu”.

Trở về với cuộc sống thường ngày, bỏ qua những bận rộn của công việc, ông vui vầy bên gia đình và hòa mình với thiên nhiên cây cảnh. Trong mỗi nhà máy, ông đều dành một mảnh đất để trồng cây cảnh và cây ăn trái, để khi có thời gian, ông tự tay chăm sóc. Ông vui vẻ rằng: “Thời gian rảnh, tôi còn làm thơ và đang ấp ủ ra tập truyện ngắn nữa đấy”. Chia sẻ về “một nửa” của mình, ông cảm thấy hãnh diện khi có một người vợ xinh đẹp, đảm đang và tài giỏi. Ông bà luôn sát cánh bên nhau xây dựng gia đình và Cty phát triển. Với ba người con, hiện nay cả gia đình ông đều là thành viên trong HĐQT của tập đoàn.

Kết thúc cuộc trò chuyện, ông nhắc lại một câu rằng: Là một doanh nhân xuất thân từ nhà giáo, tôi chỉ đi theo những nguyên tắc là phát hiện nhanh cách kiếm tiền; dám đầu tư để thành công; luôn học hỏi kỹ năng quản lý và lãnh đạo Cty của mình; phải tích cực hoạt động xã hội và phải là nhà từ thiện.
Nguồn: báo xây dựng điện tử
Trụ sở của Tập đoàn kính Kalaglass tại Thanh Trì - Hà Nội
Có 0 nhận xét cho bài này "Chữ tâm của một doanh nhân họ Phạm"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi