Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

7 tháng 1, 2012

Đăng ngày Thứ Bảy, tháng 1 07, 2012 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Xuân Nhâm Thìn 2012
HUYỀN SỬ 
CON RỒNG CHÁU TIÊN -
GỐC TÍCH CỦA RỒNG VIỆT

        Việt Nam là đất nước của “Con Rồng Cháu Tiên” với huyền thoại khởi nguyên:

        1/- KINH DƯƠNG VƯƠNG
Vua đầu tiên nước ta – Kinh Dương Vương (Lộc Tục) là cháu bốn đời Viêm Đế Thần Nông – vị thần coi nghề nông ở trên trời. Ông là Tổ thứ nhất của dân tộc Việt Nam, họ Hồng Bàng dựng nước. Dựa vào truyền thuyết, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết rằng: Lộc Tục lên làm vua vùng đất phía nam núi Ngũ Linh (Quảng Đông) vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Cương vực Xích Quỷ khá rộng lớn, phía bắc là núi Ngũ Linh, phía nam giáp nước Hồ Tôn (sau này là vương quốc Champa), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên) và phía đông là biển Nam Hải. Nước Hồ Tôn (Phú Yên đến Quảng Ngãi): thời vua Hùng biên giới phương nam nước ta chỉ đến đèo Hải Vân. Bên kia đèo này là tỉnh Bình Thuận ngày nay, lúc ấy là nước Hồ Tôn của người Chăm. Gọi là nước nhưng thực chỉ là một liên minh bộ lạc lớn là bộ lạc Cau (vùng từ Phú Yên đến Bình Thuận) và bộ lạc Dừa (vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi) cùng nhiều bộ lạc nhỏ khác. Khi nhà Hán xâm chiếm nước ta thì chiếm luôn nước Hồ Tôn lập thành huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam. Dân Tượng Lâm từng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Kinh Dương Vương lấy con gái của Chúa hồ Động Đình là Thần Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua.

            2/- LẠC LONG QUÂN
Sùng Lãm lên làm vua thay Kinh Dương Vương, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Tương truyền rằng Lạc Long Quân có gốc Rồng từ dòng họ của mẹ nên thường ở dưới động nước. Khi người dân có việc cần giải quyết, thường đến trước động nước kêu to lên: “Bố ơi, ở đâu? Hãy đến với ta”. Thế là Lạc Long Quân liền lên cạn giải quyết mọi việc khó khăn cho dân chúng. Truyền thuyết được ghi lại trong Lĩnh Nam Chích Quái thời Trần kể rằng: Lạc Long Quân đi tuần thú gặp Âu Cơ ở động Lăng Xương kết làm vợ chồng, đưa về núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ sinh được một bọc trăm trứng, nở thành trăm con trai. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân nói: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không thể ở lâu với nhau được”. Bèn chia 50 con cho Âu Cơ đem lên núi, còn Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con cả nối ngôi, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở thành Phong Châu, truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Cũng từ truyền thuyết này mà người Việt chúng ta vẫn cho rằng Tổ Tiên của mình là Tiên Rồng.
Trong ca dao dân gian có bài ca về sự tích “Trăm trứng trăm con” giàu tính sử học: Gần đàng xa ngõ thiếp nghiêng tai chàng tỏ thiếp tường, Lạc Long Nam Việt gặp nàng Âu Cơ. 
         Dạo chơi sơn thủy dật dờ,
         Đạp nhằm dấu thỏ một giờ thọ thai.
         Nở ra nửa gái nửa trai sẵn sàng,
         Nửa thì qui phụng rồng loan.
         Nửa theo quê mẹ cho nhàn tấm thân.
        Thiếp hỏi chàng, chàng nói từng câu
        Hỏi thăm thiếp lại Tí Mẹo Dần ai sanh ?

      3/- HÙNG VƯƠNG
Người con cả được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương, Đó là Hùng Vương thứ nhất, mở đầu một thời đại mà sử sách gọi là thời đại Hùng Vương. Nhà vua đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), truyền ngôi được 18 đời, từ đời thứ nhất đến đời thứ 18 là Hùng Duệ, đều gọi là Hùng Vương.
Các tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương, các quan nhỏ gọi là Bố Chính. ( Do ngôi Hùng Vương cha truyền con nối được 18 đời, nhưng kéo dài hơn 2 000 năm làm có nhiều người hoài nghi và đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau. Trong truyền
thuyết con số 9 và bội số của 9 (18, 36…999…)thường mang tính chất biểu tượng (số thiêng) chứ không có ý nghĩa toán học. Phải chăng 18 đời vua chỉ mang ý nghĩa là Nhiều đời, truyền nối lâu dài). Đến nay di tích thời đại Hùng Vương hãy còn trên đỉnh Hùng Sơn (Núi Hùng) cách Hà Nội 97km, cũng gọi là Núi Đền, Nghĩa Lĩnh hay Nghĩa Cương. Bia 4 chữ lớn “Cao Sơn Cảnh Hùng”. Hiện nay, tại xã Hy Cương, huyện Lâm Thao còn có phần mộ và Đền vua Hùng. Tại huyện Bạch Hạc, Vĩnh Yên có Đền lớn thờ các vua Hùng, tương truyền dựng trên nền cung điện xưa.

         4/- GỐC TÍCH CỦA RỒNG VIỆT
Trong 12 con giáp, Rồng là con duy nhất không tồn tại trong giới tự nhiên. Đấy là một sáng tạo nảy sinh từ trí tưởng tượng của con người. Trong khi phương Tây hình dung Rồng là con vật thần thoại đầu chó, cánh dơi, vuốt sư tử, đuôi rắn, tượng trưng cho sức mạnh ma quỷ, chuyên quấy rối, hại người…thì phương Đông coi Rồng là con vật linh thiêng, tượng trưng cho vẻ đẹp hoàn mỹ và sức mạnh phi thường. Dưới các vương
triều phong kiến Việt Nam, Rồng trở thành một biểu tượng cao quý, một môtip trang trí trang trọng, gắn với quyền lực tối cao của Vua chúa. Người ta vẫn thường khẳng định gốc tích con Rồng – hay đúng hơn, gốc tích của hình tượng con Rồng – là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, từ việc khảo cổ, những chứng cứ về nguồn gốc phương Nam của con Rồng cũng không phải là ít. 

      - VIỆT NAM VỚI HUYỀN SỬ RỒNG TIÊN: 
Nước ta là đất nước của con Rồng cháu Tiên, với huyền thoại khởi nguyên Lạc Long Quân (bố Rồng) lấy bà Âu Cơ (mẹ Tiên) đẻ ra trăm trứng nở trăm con, thủy tổ của nòi giống Việt. Từ khi dựng nước, người Việt cổ đã có tục vẽ mình (xăm hình Rồng trên mình) để chống lại các loài thủy quái. Đến đời Trần, tục vẽ mình vẫn phổ biến từ vua đến dân, như nhận xét của vua Trần Nhân Tông: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu, đời đời ưa chuộng hùng dũng, nếp nhà theo nghề võ nên xăm hình Rồng vào đùi để tỏ lòng là không quên gốc”. Phải chăng người xưa đã lấy tên Rồng để chỉ một loài bò sát cổ đại mà thời ấy gọi là Thuồng luồng, cũng có thể là rắn nước hay cá sấu – những con vật mạnh mẽ, to lớn, dữ tợn thường gặp trên sông nước ? Chưa rõ, chỉ biết rằng nhiều đình chùa ở miền Bắc nước ta có tục thờ Thần rắn. Rắn (hoặc Rồng) đã trở thành một đối tượng được người Việt cổ tôn sùng và thần thánh hóa. Măt khác, trên một lưỡi qua Đông Sơn phát hiện ở núi Voi ( Kiến An, Hải Phòng ) có khắc rất đẹp hình ảnh một con cá sấu mõm dài, mình dài, chân ngắn, có nhiều khả năng biểu hiện hình dạng những con Rồng đầu tiên. Cũng trên một số mũi giáo đồng, một số tấm đồng che ngực, một số mặt trống đồng thời Đông Sơn, không ít lần xuất hiện hình con vật thân dài, đuôi đôi khi cong, mình đôi khi giao nhau đối xứng, có giá trị trang trí cao như hình Rồng ở những thế kỷ sau. Thêm nữa, nhìn lại hình ảnh con Rồng Việt ở buổi đầu của lịch sử, dễ dàng nhận ra cái dáng thon thả, tròn trặn với nhiều khúc uốn lượn thoăn thoắt, dài và nhỏ đều dần về phía đuôi, rất gần với con Rồng thời Lý. Tuy chúng ta chưa vội khẳng định con Rồng Việt có tiền thân là con cá sấu hay một loài rắn nước cổ đại sống ở các sông ngòi vùng nhiệt đới, những chứng cứ khảo cổ học, phong tục học nêu trên cũng là chỗ dựa đáng tin cậy cho chúng ta một Nhận thức rằng hình ành con Rồng không nhất thiết được du nhập từ Trung Quốc với văn hóa Hán tộc, mà rất có thể có nguồn gốc bản địa – từ phương Nam – để rồi từ đó truyền đi.

      - RỒNG TRONG TIỂU THUYẾT TRUNG QUỐC:
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng thường nhắc đến con Rồng. Ta có thể dễ dàng bắt gặp Hàng long thập bát chưởng với Kiến long tại điền, Tiềm long thăng thiên, Giao long xuất hải, Thần long bái vĩ, Phi long tại thiên, Kháng long hữu hối…Đây là tên các thế võ phỏng theo tên gọi các quẻ trong Kinh Dịch. Ngay móng vuốt của Rồng cũng hình thành môn võ công: Long trảo thủ, Long tượng chưởng, Cầm long công …Mà Rồng là con vật chỉ có trong linh thoại, đứng đầu Tứ linh “Long, lân quy, phụng”. Đưa con Rồng vào trong tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã đưa con người trở về với thế giới linh thoại, một thế giới vượt xa hiện thực, ở ngoài thế giới hiện thực.

       - RỒNG VIỆT CÓ BẢN SẮC RIÊNG:
 Chúng ta thấy con Rồng thời Lý vừa chịu ảnh hưởng hình thể Rồng đời Tống, lại vừa có nhiều nếp uốn tương tự như một kiểu hoa văn khắc trên một khuôn đất nung ở di chỉ văn hóa Hòa Bình ( Thanh Hóa ). Những con Rồng đời sau tiếp tục biến đổi ngày càng có khuynh hướng gần hơn với Rồng Hán tộc về những điểm chủ yếu. Tất nhiên qua sự rung động hoa mỹ của mình, những nghệ sĩ Việt Nam vẫn để lại dấu ấn Việt
Nam trên con Rồng đó. Mỗi hiệp thợ, mỗi nghệ nhân trong từng thời kỳ đều có những sáng tạo riêng, các phong cách đó đan xen vào nhau để phát triển. Ví dụ như trong khu vực Lam Sơn ( Thanh Hóa ), những con Rồng trên văn bia Vĩnh Lăng được chạm theo kiểu con Rồng thời Lý, còn cặp Rồng đá đứng trước điện chính lại vừa đưa một chân trước vuốt râu và có thân hình chắc khỏe của con Rồng thời Lê. Hay đầu Rồng bằng đá nung thời Trần tìm được ở gần chùa Côn Sơn ( Hải Dương ) có dạng như đầu một con trâu được cách điệu hóa “nom hiền lành ngộ nghĩnh, hàm dưới có mười răng dẹt kiểu răng bàn cuốc và môi trên kéo dài, cuộn lại như cái vòi”, khác hẳn đầu Rồng đất nung tìm thấy ở Lam Kinh (di tích kỷ niệm Lê Lợi)…

     - TÓM TẮT:
Điều chắc chắn là từ ngàn xưa, hình tượng con Rồng thần thoại đã là một biểu tượng quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Không gian tung hoành của Rồng thật rộng lớn, tuyệt đối: mặt đất, dưới nước, trên không. Biết bao tên núi ( Long Đại sơn ), tên sông ( Cửu Long giang ), vịnh biển ( Hạ Long, Bái Tử Long ), đảo ( Bạch Long Vĩ ), vùng đất ( Hàm Rồng ), kinh đô ( Thăng Long )…gắn liền với hình ảnh Rồng – con vật thần thoại, linh thiêng thân quen mà cao quý ấy. (Tham khảo nhiều sách báovà sách Lịch Sử Việt Nam)

PHẠM VŨ
Có 0 nhận xét cho bài này " "

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi