Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

25 tháng 7, 2011

MỘT NHÀ CÁCH MẠNG

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 7 25, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

Nhân ngày thương binh liệt sĩ 27.7.2011


MỘT NHÀ CÁCH MẠNG
xuât thân từ một gia đình “Tứ tử đồng khoa”

Được Ban Tổ chức Trung ương xét duyệt và ủy quyền, ngày 14/2/2011 tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 80-QĐ/TƯ “công nhận đồng chí Phạm Ích Doanh, sinh năm 1911, nguyên quán làng Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình là cán bộ hoạt động cách mạng ở cơ sở, đã hy sinh ngày 5/5/1940 là người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 có thời gian tham gia cách mạng từ 1938-1940”.
Người con trai độc nhất của ông Phạm Ích Doanh là Phạm Mạnh Xứng, trung úy QĐNDVN làm phiên dịch tiếng Nga cho bộ phận tên lửa thuộc bộ đội phòng không không quân, lại hy sinh trên mặt trận đánh máy bay Mỹ tại Đống Đa (Hà Nội) năm 1967 khi vừa tròn 29 tuổi như bố và cũng năm đó (1967) con rể ông Doanh là Trung úy Đặng Đình Tháp cũng hy sinh trên chiến trường Quảng Bình. Như vậy là ông, con trai và con rể của ông đều ngã xuống vì độc lập và tự do của Tổ quốc!
Với những cống hiến cho cách mạng và sự hy sinh lớn lao của cả gia đình, vợ ông, bà Phạm Thị Tý năm 1995 đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt đầu trong xã.
Tóm tắt thân thế và sự nghiệp của ông Phạm Ích Doanh cùng gia đình cho cách mạng như sai.:
Ông Phạm Ích Doanh là con trai độc nhất của cụ Tú Phạm Đình Liêu. Ông nội của ông Phạm Ích Doanh tên là cụ Phạm Xuân Hoành, thế hệ thứ 12 của dòng họ Phạm Tiên Hưng, một nhà nho nghèo ở thôn Phú Lễ, tổng Thuận Vi, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình (nay là thôn Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, THái Bình). Cụ có 4 người con trai (Phạm Xuân Thực, Phạm Tiến Bật, Phạm Duy Ninh và Phạm Đình Liêu) thì cả 4 anh em đều đã đỗ tú tài một khoa thi, rồi sau đó người con thứ hai và thứ ba đỗ cử nhân. Gia đình cụ Phạm Xuân Hoành được triều Nguyễn phong cho là “Tứ tử đồng khoa” và xướng báo trên loa ở khoa thi Hương của triều đình tổ chức tại tỉnh lỵ Nam Định năm 1900. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị từ xưa đến nay trong cả nước.
Ông Phạm Ích Doanh sinh năm 1911 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và nề nếp gia phong không ham phú quý quan chức như đã nói trên Được cha là cụ Tú Liêu dạy dỗ kiến thức và truyền thụ đạo đức, ông Phạm Ích Doanh sớm có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc. Từ những năm 1930 khi còn đi học ông đã làm nhân viên sửa chữa cho báo Đông Phương Thực Nghiệp là tờ báo tiến bộ thời bấy giờ. Mặc dù nhà rất nghèo gia đình cũng cố lo cho ông học tuy chỉ là bậc sơ học. Sau khi tốt nghiệp sơ học Pháp Việt (CEPFI) ông tiếp tục theo học lớp xa trưởng đường sắt (chạy de trains) trường Kỹ thuật dạy nghề, ra trường nhận việc kiểm tra vé tàu, sau chuyển vào làm xa trưởng ở tuyến Nam Trung Bộ (Quy Nhơn đi Tuy Hòa). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào cách mạng do các lãnh tụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh khởi xướng mở đầu bằng cải cách nền học vấn. Rồi cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp có tác động đến giới học sinh. Ông sớm có tư tưởng yêu nước, lại được các nhà cách mạng ở địa phương giác ngộ, giúp đỡ, ông đã tham gia các hoạt động cách mạng và trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản tại chi bộ Hỏa xa Quy Nhơn. Ông đã hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực, nhất là tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng công nhân và đấu tranh chống thực dân, chống chủ xí nghiệp, chống lại việc tuyển mộ lính cho thực dân. Ông là ủy viên Ban trị sự Họi ái hữu hỏa xa Quy Nhơn.
Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1930-1945” xuất bản 1990, trang 116: “Để đối phó với phong trào đấu tranh của công nhân Bình Định, bọn cảnh sát Trung Kỳ dựng ra vụ “Cộng sản gài mìn lầu nghỉ mát của vua Bảo Đại” tại Gành Ráng (Quy Nhơn) để lấy cớ giới nghiem và bắt người tràn lan. Từ đầu tháng 3/1940 đến cuối tháng 5/1940, hơn 60 công nhân viên chức đề-pô Diêu Trì và các ga Quy Nhơn, Phù Mỹ, Tam Quan bị bắt, Chúng đánh chết đ/c Nguyễn Đình Trụ là Bí thư chi bộ đề-pô Diêu Trì tại căn nhà số 25 đường Jules Ferry (nay là đường Phan Bội Châu) vào đêm 25 rạng ngày 26/3/1940 và đ/c Phạm Ích Doanh, trưởng xe ga Quy Nhơn, đảng viên, ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu hỏa xa vào đêm 5/5/1940 rồi vu cáo họ tự sát…”. Công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định gửi cho ông Đặng Đình Thiêm ngày 19/8/1998 lại cho biết thêm: “Sau khi đ/c Nguyễn Đình Trụ bị giết hại, đ/c Phạm Ích Doanh viết báo vạch trần thủ đoạn hèn hạ của mật thám Pháp đăng trên một tờ báo công khai ngày 1/5/1940, sau đó chúng giết hại đ/c Phạm Ích Doanh ngày 5/5/1940”.
Một tài liệu khác nói về những ngày cuối cùng của ông Phạm Ích Doanh như sau: Một lần được Đảng phân công làm tổ trưởng tổ công tác thực hiện việc gài mìn để giết tên toàn quyền Pháp trên đường đi Đà Lạt hội đàm với Bảo Đại. Việc bị bại lộ chúng đàn áp và truy lùng, ông bị bắt ngày 3/5/1940, chúng tra tấn ông 3 ngày mà không khai thác được gì. Trong đợt hỏi cung cuối cùng, tự thấy chúng chẳng để mình sống, nên thừa lúc tên chánh mật thám không để ý, ông thu toàn lực, dùng hai tay còn mang nguyên xiềng xích đập thẳng vào mặt vào đầu tên thực dân. Đồng bọn sau khi trấn tĩnh đã ập vào đánh ông để giải cứu tên chánh mật thám. Theo lệnh tên chánh mật thám, chúng đánh ông đến chết ông vào 15 giờ ngày 5/5/1940, lúc đó ông 29 tuổi.
Cách mạng thành công, nhân dân xóm quê nhà đã lấy tên tự của ông là Tiên Chu đặt tên cho quê hương để mãi nhớ đến ông, người con của quê hương đã hy sinh anh dũng.
Nhờ sự giúp đỡ của tỉnh ủy Nghĩa Bình và Sở LĐTBXH Nghĩa Bình, năm 1983, ông Doanh đã được nhà nước công nhận là Liệt sĩ cách mạng tiền bối và cấp bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 326TTg ngày 11/12/1962 của Chính phủ. Trên Bằng ghi rõ: “Liệt sĩ Phạm Ích Doanh, Đoàn viên Thanh niên phản đế, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc”.
Cùng với việc công nhận đ/c Phạm Ích Doanh là người hoạt động trước 01/01/1945, trong đợt này, ở xã Tự Tân còn có ông Phạm Huề Chủy nguyên là cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ, là bí thư chi bộ Thư Vũ bị Pháp bắt bỏ tù 3 lần, ông trốn thoát lên chiến khu Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam hoạt động. Ông là người tham gia xây dựng cơ sở Đảng bộ Nam Hà (Hà Nam) rồi hy sinh. Ông Chùy cũng được công nhận là liệt sỹ, là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945. Như vậy, làng Phú Lễ là làng duy nhất có 2 liệt sỹ cách mạng hy sinh trước ngày 01/01/1945 là những liệt sỹ cách mạng tiền khởi nghĩa, hai ông đều là người thuộc họ Phạm Tiên Hưng: Phạm Ích Doanh và Phạm Huề Chùy.
Với truyền thống hiếu học, dòng dõi khoa bảng và nề nếp gia phong, ông Phạm Ích Doanh, người con trai độc nhất của Cụ Tú Liêu sớm có lòng yêu nước, trở thành nhà cách mạng, ông cùng với con trai đã hy sinh vì Tổ quốc, nêu một tấm gương sáng và là niềm tự hào của dòng họ Phạm Tiên Hưng, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..
Thúy Lan
(Theo tư liệu và gia phả dòng họ Phạm Tiên Hưng)
Có 0 nhận xét cho bài này "MỘT NHÀ CÁCH MẠNG"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi