Người phi công đầu tiên lập chiến công
LGT: Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan được Chủ tịch nước ký Quyết định ngày 28/5/2010 phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do đó Họ Phạm Việt Nam đã vinh danh Ông tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ngày 29/5/2011 trong Lễ Vinh Danh Nhân Tài Họ Phạm Việt Nam. Sự nghiệp và chiến công của Ông được rẩt nhiều bài báo đăng tải trong suốt 45 năm qua, nhưng chúng tôi chọn đăng bài này của Nhà báo Nguyễn Thành Trung. Bài này chỉ chủ yếu nói về chiến công đầu tiên cuả Ông trên cương vị là phi công, số 1 - chỉ huy biên đội, người đầu tiên bắn rơi máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam trong những ngày “cả nước lên đường”. Bài báo đồng thời trả lời thắc mắc của mọi người: “Tại sao sau chiến công lừng lẫy của Ông tới 45 năm, Ông mới được phong Anh hùng?”, mặc dù trong lòng dân thì Ông đã từ lâu và mãi mãi là Anh hùng. Đối với Ông thì điều đó không quan trọng, Ông vui vẻ nói: “Tôi được gặp Bác Hồ 4 lần, Bác có dặn dò chúng tôi: Bác cháu ta tham gia cách mạng là để phục vụ nhân dân chứ không phải để đạt danh hiệu này, danh hiệu kia", nhưng với mọi người, trong đó có tôi, thì đó là một băn khoăn chính đáng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. – Thúy Lan
Tôi gặp lại ông trong ngôi nhà lặng lẽ trên phố Trường Chinh. Ngoài sân, cây ngọc lan, thứ cây mang tên chủ nhân ngôi nhà tỏa hương thơm ngát. Tôi ngồi bên ông, trầm tư tại căn gác 2, nơi gói gọn tất cả hành trang của vị tướng già. Căn phòng nhỏ chứa đầy kỷ niệm trận mạc, một bức ảnh Biên đội Lan - Túc - Quỳ - Phương một thời ngang dọc bầu trời, làm nên chiến thắng trận đầu vang dội trên bầu trời Hàm Rồng lịch sử; một chiếc tủ gỗ đã sờn chứa đầy những kỷ vật của những năm tháng chiến tranh; chiếc piano giúp ông trút những nỗi niềm tâm sự và lấy lại cân bằng sau những giờ làm việc căng thẳng.
Với bao chiến công oanh liệt, từng ném bom Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh, từ lâu, ông đã là người phi công anh hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam. Nhưng có một điều, chắc còn ít người biết tới, ông chỉ chính thức được phong Anh hùng LLVTND mới đây thôi. Ông cười đôn hậu: “Khi chưa là Anh hùng bác sống như thế nào thì bây giờ là Anh hùng bác vẫn sống như vậy”. Giờ đây, sau 45 năm lập chiến công đầu, ngày 28/5/2010 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho thiếu tướng Phạm Ngọc Lan.
13 tuổi xin cha đi bộ đội
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, sinh ngày 19/2/1934 tại xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mới 10 tuổi cậu bé Lan đã tham gia thiếu nhi cứu quốc, tập kết lương thực cho Vệ Quốc Đoàn. Lên tuổi 13, Lan nằng nặc xin cha mẹ cho đi bộ đội, nhưng chẳng đơn vị nào chịu nhận cậu.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan bên cây đàn piano
Thấy con cứ một mực đòi tham gia cách mạng, người cha đã gặp Trưởng ty Công an Đăk-Lăk đóng tại Phú Yên để xin cho con làm liên lạc viên công an xung phong. Cậu bé Lan nhanh nhẹn, tháo vát, biết bơi, biết chèo thuyền lại có tài cười ngựa, nhiệm vụ dù khó khăn mấy cũng hoàn thành. Khi đó Phạm Ngọc Lan được học thêm văn hóa, cậu nói và viết tiếng Pháp thành thạo.
Năm 1952, vừa tròn 18 tuổi, Phạm Ngọc Lan trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 84, rồi được điều về Tiểu đoàn Đặc công 30 thuộc Liên khu 5.
Tháng 10/1954, ông được lệnh xuống tàu tập kết ra Bắc. Trên đường hành quân từ Nghệ An ra Phú Thọ thì nhận được lệnh tập trung về Kiến An, Hải Phòng để học văn hóa, cả sư đoàn chỉ mình Lan được chọn. Kết thúc khóa học, cấp trên phát cho mỗi người một tờ phiếu nguyện vọng. Nhớ lại khi chiến đấu ở đường 19 được xem bộ phim Công phá Béc-lin, ông ước một ngày trở thành người lính lái xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập.
Ai ngờ, trước khi đi, ông được cấp trên thông báo là học lái máy bay. Cùng đi với ông lúc đó có các đồng chí Trần Hanh, Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Độ... những người sau này đều lập nhiều chiến công xuất sắc và đều trở thành anh hùng. Ông học lái máy bay tại Trung Quốc, đến ngày 6/8/1964 thì về nước tham gia chiến đấu.
Chiến công đầu tiên
Lúc 7 giờ, ngày 3/4/1965, các đài ra-đa của ta phát hiện một tốp máy bay địch vào trinh sát khí tượng và trinh sát mục tiêu đánh phá cầu Hàm Rồng. Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định lệnh cho Trung đoàn không quân tiêm kích 921 xuất kích trận đầu. Hai biên đội tham gia trận đầu gồm biên đội trực tiếp chiến đấu Phạm Ngọc Lan số 1 - chỉ huy biên đội, Phan Văn Túc số 2, Hồ Văn Quỳ số 3 và Trần Minh Phương số 4. Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh kiềm chế máy bay tiêm kích địch do Trần Hanh làm biên đội trưởng - bay số 1 và Phạm Giấy bay số 2.
9 giờ 30 phút, 60 chiếc máy bay cường kích của hải quân địch cùng lúc bay vào đánh cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng. 9 giờ 45 phút, biên đội làm nhiệm vụ nghi binh và yểm hộ của Trần Hanh được lệnh cất cánh bay về hướng Tây Nam thuộc vùng trời Hàm Rồng - Thanh Hóa. Một phút sau biên đội tiến công của Phạm Ngọc Lan cất cánh hướng 210 độ, tiến về vùng trời Thanh Hóa. Lúc 10 giờ 8 phút biên đội của Lan-Túc-Quỳ-Phương chỉ còn cách địch 45 km trên hướng có lợi cho việc phát hiện mục tiêu. Sau đó 1 phút, Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan chỉ huy biên đội chuyển từ đội hình cảnh giới sang đội hình công kích và phân làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm số 1 và số 2, tốp thứ hai gồm số 3 và số 4.
Biên đội “Lan - Túc - Quỳ - Phương” trong chiến thắng trận đầu lịch sử
Bốn chiếc Mig-17 vẫn tiếp tục quần nhau với tốp F-8U với số lượng đông hơn nhiều lần. Thêm 1 chiếc F-8U bị Phan Văn Túc bay số 2 hạ. Biên đội được lệnh thoát ly chiến đấu về hạ cánh, lúc đó là 10 giờ 17 phút. Biên đội yểm hộ cũng được lệnh trở về.
Năm chiếc máy bay Mig-17 về hạ cánh an toàn. Riêng Biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan phát hiện một chiếc máy bay F-8U của địch bị thương đang tìm cách tháo chạy ra biển liền đuổi theo truy kích, khi ra biển khá xa chiếc F-8U của địch kiệt sức lao ùm xuống biển. Phạm Ngọc Lan quay về...
Cú hạ cánh máy bay trên bãi cát
Tuy nhiên vào đến đất liền thì la bàn bị hỏng, Phạm Ngọc Lan liền lần theo hướng cửa sông Ba Lạt rồi bay theo triền sông Hồng ở độ cao 200m để tìm về căn cứ.
Chưa kịp về đến sân bay Nội Bài thì đồng hồ báo nhiên liệu sắp hết. Sở chỉ huy ra lệnh cho phi công nhảy dù thoát ly, nhưng máy bay là một tài sản lớn của quốc gia lại vừa lập chiến công xuất sắc chẳng lẽ lại để trở thành đống phế liệu. Do vậy, đến lần thứ 3 chỉ huy yêu cầu nhảy dù thoát ly cũng là lúc nhiên liệu sắp cạn kiệt, Phạm Ngọc Lan quyết định tìm một bãi cát ven sông để hạ cánh. Tình huống này mới chỉ được học trên lý thuyết, thực tế thì ở Việt Nam chưa có ai thực hiện. Lan kéo cần lái để ghì thăng bằng máy bay, sau khi máy bay tiếp đất cũng là lúc nhiên liệu cạn kiệt. Chiếc máy bay lướt nhanh trên bãi cát, đến cách đê sông Đuống chừng 15m thì dừng hẳn.
Phạm Ngọc Lan bị ngất do đầu đập vào máy ngắm. Tỉnh dậy nhảy ra khỏi máy bay đi một vòng quan sát chiếc máy bay vẫn an toàn. Nhân dân và du kích tự vệ địa phương ùa đến nơi máy bay vừa dừng nhanh chóng ngụy trang, canh gác bảo vệ và tìm cách báo cáo về Quân chủng Phòng không - Không quân. Chiếc Mig-17 này sau đó tiếp tục tham gia chiến đấu rồi được đưa về Trường Sĩ quan Không quân để phục vụ cho công tác đào tạo phi công.
Người anh hùng sau 45 năm
Là người lính, chiến đấu vì độc lập tự do, ông không đòi hỏi danh hiệu cho riêng mình. Nhưng lịch sử, cần sự công bằng của nó. Qua tìm hiểu được biết, lý do thiếu tướng Phạm Ngọc Lan chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là từ sự “vênh” trong quan niệm lịch sử.
Trước đây, quan niệm “đánh thắng trận đầu” xác định ngày 3/ 4/1965 ta mới chỉ đánh nhau với Không quân của Hải quân Mỹ (chủ yếu là F-8U và AD-4). Và ngày 4/ 4/1965 ta mới chính thức chiến đấu với Không quân Mỹ (F-105). Sau này, ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân Nhân dân Việt Nam được xác định lại là 3/4/1965. Do vậy, ngày 6/10/2009, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã có Tờ trình số 2226/TTr-BTL đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho thiếu tướng Phạm Ngọc Lan.
Và mới đây, ngày 28/5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 738/QĐ- CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đồng chí Phạm Ngọc Lan, nguyên phi công Trung đoàn 921, người góp phần làm nên trận đầu đánh thắng của Không quân Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nguyễn Thành Trung
http://www.baomoi.com/Thieu-tuong-Pham-Ngoc-Lan-Nguoi-phi-cong-dau-tien-lap-chien-cong/119/5421625.epi
Đăng nhận xét