Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

22 tháng 4, 2011

Nghị lực phi thường của chàng thủ khoa câm điếc

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 4 22, 2011 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Nghị lực phi thường của chàng thủ khoa câm điếc


Đọc sách là sở thích của Khiêm lúc rảnh rỗi (ảnh bên)

Đoàn Phạm Khiêm, thủ khoa đầu vào khoa Hội họa Trường đại học Mỹ thuật TPHCM năm 2009 là thí sinh câm điếc duy nhất tại Việt Nam trúng tuyển vào một trường đại học chính quy.
Khu tập thể của Fafilm Việt Nam (số 112 Lê Thánh Tôn, Q.1, TPHCM) có một gia đình đặc biệt. Gia đình chỉ có 2 người và chẳng bao giờ có tiếng nói chuyện. Căn nhà tập thể chật chội được thuê lại với giá “hữu nghị” đó là của mẹ con Đoàn Phạm Khiêm.

Vượt lên nghịch cảnh

Đoàn Phạm Khiêm, sinh năm 1982, ra đời như bao đứa trẻ bình thường khác. Khiêm bụ bẫm, thông minh và được mẹ tập cho nói: “ba, mẹ, bà, đi về...” từ rất sớm và khả năng nghe của anh cũng phát triển bình thường.

Bà Phạm Cao Phương Thảo, mẹ Khiêm kể lại: Năm lên 1 tuổi, Khiêm bị tiêu chảy nặng và chữa chạy không kịp. Trong bệnh viện vào thời điểm đó có 2 đứa trẻ nữa cùng bị như Khiêm và đều đã chết. Riêng với Khiêm, ảnh hưởng của kháng sinh đã khiến cậu bị điếc đặc từ đó. Không còn khả năng nghe, do đó cũng không thể bắt chước để phát âm giọng nói, Khiêm bị câm điếc luôn.
Sau 8 năm chữa trị, tất cả hi vọng chạy chữa cho Khiêm đều trở thành vô vọng. Cha mẹ li dị từ năm 1990, Khiêm về sống với mẹ. Ngoài giờ làm việc, bà Thảo phải xin cơ quan cho làm bảo vệ đêm, đi đóng giày, bán báo... để có tiền chữa bệnh cho Khiêm và nuôi sống gia đình. Rồi đột ngột, bà bị bệnh nan y, chút tài sản cuối cùng của gia đình cũng đội nón ra đi trong nỗi đau khổ cùng cực của 2 mẹ con.

20 năm nay, hai mẹ con gắng sức tự nuôi nhau. Năm 8 tuổi, Khiêm vào học trường Khiếm thính Hy Vọng tại TPHCM. Ở Việt Nam mới chỉ có trường tiểu học dành cho người khiếm thính và chương trình học cấp 2 (không có trường dạy cấp 2 cho người khiếm thính), nên Khiêm chỉ có hi vọng được học tới lớp 9. Khác với chương trình học của người bình thường, chương trình học của người khiếm thính kéo dài một năm rưỡi đến hai năm mới xong một lớp. Do đó, đến tận năm 2000, Khiêm mới học hết lớp 7, với bảy năm là học sinh xuất sắc. Một cơ hội mở ra khi Đại học Gallaudet (một đại học của Mỹ dành cho người câm điếc) dành cho Khiêm học bổng đi học tại Đồng Nai. Sáu năm sau, Khiêm đã hoàn thành chương trình học tại đây, đạt chứng chỉ giảng dạy Ngôn ngữ kí hiệu Việt Nam (ngôn ngữ dành cho người câm điếc Việt Nam). Khiêm được mời làm giảng viên dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho Khoa Văn hóa nghiên cứu Ngôn ngữ của người câm điếc trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Khiêm còn góp phần vào việc biên soạn Bộ từ điển Ngôn ngữ kí hiệu dành cho người câm điếc Việt Nam.

Hoàn thành chương trình học ở Gallaudet, Khiêm quyết định thi đại học. Sau một năm đầu thi trượt trường Kiến trúc, Khiêm đầu tư đi luyện thi vẽ để thi vào Khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Đối với người bình thường, việc đạt được kết quả tốt trong học tập, thi cử đã là khó, huống chi Khiêm là một người câm điếc. Vậy mà, Khiêm đã xuất sắc trúng tuyển đầu vào của Khoa Hội họa với 29,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên là 31,5 điểm) với điểm số môn vẽ là 8 điểm, trở thành một trong số thủ khoa kì thi tuyển sinh năm 2009 của Khoa Hội họa.
“Người câm điếc thì làm được gì?”

Câu nói ấy đã găm vào suy nghĩ của Khiêm. Đó là nỗi đau và cũng là động lực để Khiêm phấn đấu, nỗ lực từng ngày.
- Khiêm ra dấu nói - “Nếu đã biết mơ ước thì hãy cố gắng thực hiện để chạm đến mơ ước đó Mình muốn đi du học về mỹ thuật ở Pháp hoặc Mỹ vì đây là những quốc gia mỹ thuật rất phát triển. Ở đó người ta sử dụng ngôn ngữ ký hiệu rất phổ biến. Mình sẽ trở về dạy cho những người câm điếc và những người bình thường về mỹ thuật và ngôn ngữ ký hiệu để họ truyền đạt lại hoặc phiên dịch cho người câm điếc”.

Mơ mở trường ĐH cho người câm điếc

Nhiều người khuyên Khiêm nên đi học nấu ăn làm đầu bếp hoặc đi học may làm công nhân. Còn mẹ thì bảo Khiêm học trung cấp liên thông lên cao đẳng rồi đi làm. Anh chàng khẳng định một cách tự tin và chắc chắn với mẹ: “Con sẽ thi Đại học và nhất định sẽ đậu vào ĐH chính quy để mẹ tự hào”.
Khiêm bắt xe buýt đi luyện thi Đại học tại nhà một cô giáo dạy ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, một tuần ba ngày (từ sáng đến chiều các ngày thứ hai, tư, sáu). Không có tiền, anh chàng đánh liều học “cóp” lớp luyện thi chiều - tối thứ ba, năm, bảy tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.
Học văn là môn vất vả nhất với Khiêm. Cậu phải đánh vật với từng tiết học vì chỉ có thể nhìn vào khẩu hình của giáo viên để đoán nội dung. Khiêm quyết tâm cải thiện điểm môn văn bằng cách xem trước những tác phẩm sẽ học. Cậu chăm chú nhìn khẩu hình của giáo viên để đoán ý rồi gom ý lại, viết ra giấy hỏi bạn. Nếu không hiểu nữa thì mới đưa giấy hỏi cô giáo. Rảnh giờ nào Khiêm lại đi bộ ra tiệm Internet hoặc đến các nhà sách và Thư viện Khoa học tổng hợp đọc sách, ghi chép lại những ý hay... tới 9, 10g tối mới về nhà.
Còn với những môn vẽ cứ sai tới đâu sửa tới đó. Thầy nhìn vào hình rồi gạch chéo những điểm sai và vẽ sang bên cạnh, Khiêm nhìn vào đó rút kinh nghiệm. “Nó siêng vẽ lắm. Ngày nào đi học về tới nhà cũng bò ra đất vẽ suốt tới 11g đêm rồi mang lên nhờ các thầy góp ý giùm”, cô Phương Thảo kể.

Người học sinh câm điếc ấy vừa đậu vào khoa hội họa (ĐH Mỹ thuật TP.HCM) với 29,5 điểm, chưa cộng điểm ưu tiên câm điếc (1,5 điểm) và điểm khu vực 2 (Đồng Nai 0,5 điểm).
“Khiêm còn muốn xây một trung tâm giao lưu, dạy vẽ và múa dấu miễn phí dành cho người câm điếc” và mở một trường Đại học cho người câm điếc. Đó là ước mơ lớn nhất của Khiêm.

Phạm Đình Điểu - Tổng hợp



1 nhận xét:

  1. Đoàn Phạm Khiêm rất giỏi quá. Làm tôi xúc động quá! Có số tài khoản của Đoàn Phạm Khiêm không? Để tôi sẽ ủng hộ và chuyển tiền 300.000d vào số tài khoản của Đoàn Phạm Khiêm. Thanks.

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi