Trong văn hoá Phương Đông, nhất là trong Nho học, Khổng tử đã đặt vị trí người thầy dạy học rất cao. Nền giáo dục phong kiến xưa lấy "Tam cương, Ngũ thường", làm phương châm chủ đạo cho đạo lý làm người. Trong 3 nhân vật Quân, Sư, Phụ, người thầy (Sư) đứng hàng thứ hai sau vua (Quân) và trên cả cha mẹ đẻ ra mình (Phụ). Với nền giáo dục đào tạo ra con người có khí tiết, có đạo đức, có nhân cách, có tri thức xã hội. Vì vậy họ đã coi công ơn của người thày có công dậy dỗ và đào tạo kẻ học nên người lớn hơn cả công ơn cha mẹ có công sinh thành ra mình.
Phạm Thận Duật được học tập trong một nền giáo dục như thế. Ông đã qua nhiều thầy học. Bắt đầu là thầy Vũ Phạm Khải ở thôn bên, dạy ông khi ông lên 9 tuổi. Dạy được 7 ngày, Vũ Phạm Khải phải lên đường vào kinh nhậm chức thì Phạm Thận Duật đến học người cậu ruột là Nguyễn Hữu Văn. Sau đó theo học thầy đồ Phạm Tư Tề là người làng, ra Xuân Trường (Nam Định) mở trường dạy học. Sau bốn năm, ông quay về học Lục Khê cư sĩ Phạm Đức Diệu, người Nộn Khê cùng huyện Yên Mô, sau này trở thành nhạc phụ của ông. Lục Khê cư sĩ nhận thấy nhiều phẩm chất tốt đẹp ở người học trò nghèo này, nên đã đưa ông đến nhờ người bạn thân là Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người Nam Định khi ấy vừa cáo quan về quê mở trường dạy học.
Phạm Văn Nghị, người làng Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1838 đã từng làm Tri phủ Lý Nhân, Biên tu Sử quán, rồi không thiết công danh, cáo bệnh từ quan về mở trường dạy học. Trường Tam Đăng lúc bấy giờ là một trung tâm giáo dục nổi tiếng ở vùng Nam Hạ. Học trò từ khắp mọi nơi nô nức tìm đến học. Cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh gia đình và yêu quý cậu học trò nhiều đức tính tốt, cho nên Phạm Văn Nghị không những chí tình dạy bảo mà còn nuôi dưỡng cho ăn học ở ngay trong nhà, đồng thời làm bầu bạn thân thiết với người con trai cả của thầy là Phạm Đăng Giảng.
Sau nhiều năm đèn sách ở trường Tam Đăng Phạm Văn Nghị, người học trò nghèo Phạm Thận Duật đã được ảnh hưởng sâu đậm ở thầy về trí tuệ và đạo đức, về khuynh hướng tư tưởng cũng như lẽ sống. Chính vì vậy, Phạm Thận Duật có ân tình sâu nặng với người thầy đã hết lòng dạy dỗ cho ông nên người, làm nên sự nghiệp. Đạo lý thánh hiền đã hun đúc nên một con người cho dù làm quan to trong triều, vẫn không quên nghĩa thầy trò. Nhất là đối với Phạm Văn Nghị, người thầy đã tạo dựng nên cuộc đời ông, ông coi như cha nuôi, cha đẻ tinh thần. Với vợ thầy, ông tôn làm mẹ đẻ, với con thầy ông coi như ruột thịt.
Năm 1875, khi Phạm Văn Nghị 70 tuổi được về hưu, Phạm Thận Duật cũng đã có bài mừng thầy Phạm Tam Đăng, trong đó có đoạn như sau: "...Thầy ta nhà nghèo ra làm quan, già vẫn kiên cường, chưa hề một ngày lãng quên triều đình, đất nước. Năm ngoái, giặc Pháp ngang ngược kéo đến, trận đánh ở Độc Bộ, một mình trơ trọi, không sao chống nổi. Thế mà thầy tỏ ra nghĩa khí sáng ngời, quân giặc khiếp sợ [1]..."
Năm 1881, nghe tin Thầy Tam Đăng Phạm Văn Nghị mất, Phạm Thận Duật khi đó đang làm Thượng thư Bộ Hình được cử thay mặt toàn thể học trò của Phạm Văn Nghị đang làm quan trong triều, làm bài văn viếng gửi về viếng thầy. Bài văn đó biểu lộ tấm lòng tôn sư trong đạo của những con người trọng nghĩa kính thầy. Bài văn viếng chứa chan tình cảm, nghẹn ngào xúc động. Nỗi day dứt của Phạm Thận Duật là vì công việc bận rộn, lệ định chặt chẽ, cho nên bản thân không thể trực tiếp hầu hạ tang lễ. Phép công là trọng, niềm tây đành phải nén. Thầy mất mà không về chịu tang được, ông buồn về nỗi buồn không tròn đạo lý của mình. Ông viết: "Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể thờ thầy như cha". Song ông còn đau nỗi đau mà ông than thở: "Đang lúc sông nước ngày một cạn xuống, phong hội ngày càng ngả chiều, đạo ta cùng với dị đoan tranh sáng tối, trời sao nỡ cướp tiên sinh đi vội!".
Đoạn cuối bài văn viếng thầy Nghĩa Trai, Phạm Thận Duật đã phải thốt lên: "Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí "hạo nhiên" vẫn cùng với non Côi, bể Nha[2], động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương? Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi,lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết".
Đó là đoạn kết thống thiết bài văn viếng khi thầy mất của người học trò Phạm Thận Duật khi đang là Thượng thư Bộ Hình trong triều đình Tự Đức.
Bài văn viếng như sau:
VĂN VIẾNG PHẠM NGHĨA TRAI TIÊN SINH
(Nguyễn Văn Huyền dịch)
Tiên sinh Phạm Nghĩa Trai quy tiên, hai tháng sau tin buồn vào đến Kinh, bọn học trò chúng con nghe thấy mà lòng đau xót.
Ôi! Bầu chính khí trong trời đất, ở người ta là "khí hạo nhiên", chẳng vì sống mới tồn tại, chẳng vì chết mà mất đi, vậy thì có gì phải buồn thương?
Có điều, sự sống của tiên sinh rất hệ trọng cho thế đạo, vậy mà tiên sinh mất đi, lũ học trò chúng con sao mà không thổn thức khóc lóc?
Thương ôi! Khí thiêng của non Côi, bể Nha hội lại mà sinh ra tiên sinh. Tiên sinh đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất[3], làm quan chưa được mười năm, cáo bệnh về dạy học, người bốn phương cắp sách đến học kể có hàng nghìn. Quan Hữu tư[4] dâng biểu tiến cử tiên sinh giữ chức Đốc học ở tỉnh[5]. Gặp khi nước nhà lâm sự, tiên sinh khẳng khái lấy việc chống giặc làm trách nhiệm của mình. Dẫn quân vào Trà Sơn[6], đánh giặc ở Độc Bộ[7], chí tuy chưa đạt mà lời đồn đại về ông Phạm lẫm liệt không ai dám phạm. Nhà vua đã đặt bút khen rằng: "khi gặp việc có tinh thần phấn đấu". Lại rằng: "Học hạnh tiết nghĩa, làm khuôn mẫu cho sĩ phu". Khí tiết trung nghĩa của tiên sinh lúc bình sinh, trên chín bệ đã nghe thấy, trong thiên hạ đã truyền tụng, không phải là bọn học trò chúng con nói tốt lên đâu.
Đến khi việc nước tạm ổn, tiên sinh về động Liên Hoa[8], dưỡng lão ở Hồ Sơn, tuyệt nhiện không nói đến việc binh nữa, dường như quên hết thế sự, chí của tiên sinh cũng thực là khổ vậy.
Thương ôi! Tiên sinh quyết chết cho điều trung từ lâu rồi[9], vì quyết chết cho điều trung cho nên trời lại cho thọ. Việc biên cương lại dâng biểu[10], cành quế họ Đậu[11] thơm lừng, vinh hiển phúc trạch dồn cả vào một nhà. Đến như tuổi thọ của tiên sinh thật không thể lường được.
Trước đây, anh Cả[12] được nguyên tập giữ chức Bố chính tỉnh Thanh, lúc ấy tiên sinh tròn 70 tuổi, anh Cả định xin phép về cùng anh Hai[13] là Cử nhân Lạc Thiện và các em, dâng chén mừng thọ tiên sinh. Tiên sinh ngăn lại, dạy rằng: không nên, đã dấn thân vì nghĩa chung thì chớ nặng tình riêng, nhà ta cách tỉnh đường Thanh Hoá không xa, khi nào thư thả về thăm ta không muộn.
Mùa xuân năm ngoái, anh Ba[14], anh Năm[15] vừa đỗ cử nhân, vào triều thi Hội, tiên sinh đi cùng với các anh, đột nhiên bị ốm. Anh Cả cùng với hai anh Cử đưa tiên sinh về nhà, từ đó tiên sinh cứ thiêm thiếp trên giường bênh, rồi đột nhiên đi hẳn. Ai ngờ chuyện đi chơi tỉnh Thanh này lại là kỳ vĩnh biệt.
Tuy tiên sinh mất rồi, song cái điều không bao giờ mất là cái chí khí "hạo nhiên" vẫn cùng với non Côi, bể Nha, động Liên Hoa mãi mãi bất hủ. Người đời nay, người mai sau nghe thấy phong độ của tiên sinh ai mà chẳng kính mộ, ai mà chẳng noi theo, như thế thì tiên sinh chưa phải là mất, có gì phải đau thương?
Than ôi! Học trò cũng như con, vậy mà thầy ốm chúng con chẳng được hầu thuốc, thầy mất chúng con chẳng có thư thăm hỏi,lúc chôn cất chúng con chẳng được tiếng khóc đưa. Thầy coi học trò như con mà học trò chẳng thể coi thầy như cha. Đau xót thay, khóc mà viết.
Phạm Đình Nhân
Chủ tịch Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật
Xem thêm Blog của Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.
--------------------------------------------------
[1] Năm 1873, giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Chúng đem tàu chiến đánh vào Độc Bộ (ngã ba sông Đào chảy vào sông Đáy, thuộc huyện Ý Yên), Phạm Văn Nghị tập hợp trên một nghìn dân binh ra đó phòng thủ, chống nhau với giặc.
[2] Non Côi: núi Côi ở huyện Vụ Bản; bể Nha; vùng biển cửa sông Đáy, đều ở Nam Định, quê hương Phạm Văn Nghị
[3] Năm 1838
[4] Quan trông coi về việc nhân sự (sắp xếp quan lại)
[5] Tỉnh Nam Định, Phạm Văn Nghị làm Đốc học Nam Định từ 1857 đến 1859
[6] Chỉ việc Phạm Văn Nghị tự tổ chức đoàn Nghĩa dũng tình nguyện Nam tiến chống thực dân Pháp (1859-1860) khi chúng đánh chiếm Đà Nẵng
[7] Chỉ việc Phạm Văn Nghị tổ chức chặn đánh quân Pháp ngày 10.12.1873 ở ngã ba sông Độc Bộ khi chúng tiến quân đánh chiếm thành Nam Định (xem Chú thích về Non Côi ở trên)
[8] Động Liên Hoa thuộc Trường Yên, nay thuộc huyện Hoa Lư, Ninh Bình, Liên Hoa là tên động do Pham Văn Nghị đặt
[9] Chỉ việc Phạm Văn Nghị đã nhảy xuống sông tự vẫn khi thất trận ở Độc Bộ
[10] Năm 1869, Phạm Văn Nghị có bản điều trần về việc phòng thủ bờ biển
[11] Có ý so sánh Phạm Văn Nghị với Đậu Yên Sơn (Trung Quốc) dạy dỗ 5 con trai đều thành đạt
[12] Anh Cả tức Phạm Đăng Giảng, con cả của Phạm Văn Nghị
[13] Tức Phạm Đăng Hân, con thứ 2 của Phạm Văn Nghị
[14] Tức Phạm Văn Hài, con thứ 3 của Phạm Văn Nghị
[15] Tức Phạm Văn Phổ, con thứ 5 của Phạm Văn Nghị
Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.
Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệpcùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.
15 tháng 4, 2009
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Lưu trữ
-
▼
2009
(133)
-
▼
tháng 4
(17)
- Giáo sư Phạm Thiều - một trí thức yêu nước
- Tướng quân Yết Kiêu - Phạm Hữu Thế
- 9h00 sáng nay tại tư gia ông Phạm Văn Căn đã có c...
- Họ Phạm Thôn Dương Hồi
- Những Văn Kiện Đại Hội Lần Thứ Nhất CLB Doanh Nhân...
- Chỉ dẫn đường về thăm di tích lịch sử văn hóa Đình...
- Nữ anh hùng Hoàng Ngân (Phạm Thị Vân)
- Danh sách Ban chủ nhiệm CLB doanh nhân họ Phạm Việ...
- Họ Phạm Vũ ở Đôn Thư khánh thành Từ đường
- Đạo thầy trò của Phạm Thận Duật
- Ước mơ tạo vườn lan lớn nhất Việt Nam
- Nữ doanh nhân họ Phạm xuất sắc năm 2007
- Không đồng nhất Tả tướng Phạm Tu với Phò mã Lý Phụ...
- Thư chúc mừng BLL họ Phạm Lâm Đồng
- Danh sách BLL họ Phạm Vĩnh Phúc
- Phạm Xuân Thúy - Nghị lực và tình thương
- Gương làm ăn của anh Phạm Văn Bạch
-
▼
tháng 4
(17)
Truy cập nhanh
- *BẢN TIN NỘI TỘC
- *GIỚI THIỆU
- *HỌ PHẠM VỚI ĐẤT NƯỚC
- *HOẠT ĐỘNG DÒNG HỌ
- *THƯ VIỆN
- *TÌM VỀ CỘI NGUỒN
- +BLL Họ Phạm Việt Nam
- +Doanh Nghiệp Họ Phạm
- +Gương Sáng Soi Chung
- +Người Họ Phạm Thời Nay
- Anh hùng-Liệt Sỹ
- Bài hát truyền thống
- CLB Doanh Nhân Họ Phạm
- Con ngoan trò giỏi
- Danh mục Gia phả
- Danh mục sách
- Danh nhân họ Phạm
- Danh sách BLL
- Di tích đền thờ
- Doanh nghiệp họ Phạm
- Doanh nhân thành đạt
- Giải trí thư giãn
- Giới thiệu doanh nghiệp
- Giới thiệu dòng họ
- Góc thơ văn
- Lá cờ truyền thống
- Tác giả tác phẩm
- Thông báo-Tin vắn
- Thư bạn đọc
- Thư ngỏ
- Thượng thủy tổ
- Tìm người thân
- Tuổi trẻ họ Phạm
- Vấn tổ tầm tông
Từ xưa tới nay,đạo thầy -trò là đạo lớn trong những đạo làm người.Nó không những thể hiện bản chất Tôn Sư Trọng Đạo,mà còn thể hiện đạo đức của những nhân cách lớn.Thật đáng trân trọng.
Trả lờiXóa