Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 4, 2009

Không đồng nhất Tả tướng Phạm Tu với Phò mã Lý Phục Man

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 4 10, 2009 bởi PK.Dương · 0 comments


Báo Quân đội nhân dân, ngày 4/4/2009

Trong các tài liệu lịch sử để lại, có một số nhân vật lịch sử của nước ta còn chưa thống nhất về tên tuổi. Trong đó, trường hợp hiếm có là việc một số tài liệu đồng nhất hai nhân vật lịch sử cách đây 15 thế kỷ: lão tướng Phạm Tu (476-545) và phò mã Lý Phục Man. Do tư liệu về giai đoạn này còn lại không nhiều nên chúng tôi suy luận từ những gì còn ghi lại với mục đích tìm ra điều chân thực.

Vào năm 544, Nhà nước Vạn Xuân được Lý Bí (503-548) thành lập có hai ban Văn Võ. Lão tướng Phạm Tu đứng đầu Ban Võ. Thời đó còn có một danh tướng Lý Phục Man: «ông được gả công chúa Lý Nương, ban cho ông họ Lý và chức Thiếu uý, được gọi là Phục Man tướng quân. Trở về quê quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm.» (1)

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan viết: «…Còn trong bộ "TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM" (Nxb. Khoa học xã hội, H.,1991, tr.744): “Quê làng Giá, thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông được vua Lý phong tước Phục Man tướng quân, đổi theo họ vua là Lý, nên cũng gọi là Lý Tu hay Lý Phục Man, lại được vua gả công chúa Phương Dung cho... Mộ và đền thờ ông nay hãy còn di tích tại quê ông ở làng Giá.”


Nhà bia thờ Phạm Tu trong khuôn viên đình ngoại ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Như vậy ở đây có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ "VIỆT ĐIỆN U LINH" chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết.»

*  *  *

Để tìm hiểu việc đồng nhất này, chúng ta thử dùng phương pháp “phản chứng” tạm giả thiết: lão tướng Phạm Tu chính là phò mã Lý Phục Man. Nếu vậy thì:

1. Một vị đứng đầu Ban Võ của Nhà nước Vạn Xuân – Tả tướng Phạm Tu, (Lý Phục Man) “được cử làm tướng quân coi giữ một miền biên cảnh”? (2) Có hẳn một Ban Võ, thì chắc chắn Nhà nước Vạn Xuân không thể để Lão tướng đứng đầu Ban Võ đi giữ biên cảnh phía Tây (Đỗ Động, Đường Lâm), trong khi vùng trọng yếu hơn vẫn là phía Bắc.

2. Lý Nam Đế gả công chúa Phương Dung (Lý Nương) cho Phạm Tu sao? Nếu có sự kiện này chỉ có thể xảy ra từ năm 542 đến 545. Để làm rõ điều này chúng ta xét năm sinh của Lý Bí là 503; của Phạm Tu là 476; như vậy Phạm Tu hơn Lý Bí 27 tuổi. Nếu sớm nhất là năm 542, Lý Bí gả công chúa cho Phạm Tu (Lý Phục Man), lúc này Phạm Tu đã 67 tuổi; Lý Bí 40 tuổi và con gái của Lý Bí chắc cũng khoảng mười chín, đôi mươi. Một công chúa trẻ vậy mà Hoàng đế lại gả cho lão tướng đáng tuổi cha mình, đáng tuổi ông của công chúa sao?

Việc ban quốc tính thực hiện đại trà ở thời Lê Thái Tổ, ở thời hậu Lý không phổ biến nhưng tương đối nhiều. Còn thời tiền Lý trước đó hơn 5 thế kỷ, không lẽ Lý Nam Đế thiên vị: ban cho Tả tướng Phạm Tu quốc tính là Lý Tu, mà Trưởng Ban Văn-Tinh Thiều, Thái phó Triệu Túc không được ban quốc tính?

Trong khi đó từ khi Lý Bí khởi nghĩa (542) đến lúc ông mất (548) chỉ có sáu năm, mà Phạm Tu là lão tướng còn phò mã Lý Phục Man là vị tướng trẻ tuổi. Không hiểu vì "cơn cớ" gì mà chúng ta có thể chấp nhận hai người này là một?

Điều chúng ta thấy rõ ràng rằng Lý Phục Man là một tướng quân trẻ tuổi, tài giỏi nên được Lý Nam Đế gả công chúa. Vùng phò mã cai quản cũng là vùng quê của Lý Bí. Có phải chính Lý Phục Man là người bảo vệ bên cạnh Lý Nam Đế, rồi sau về động Khuất Lão. Nên rất có thể Lý Nam Đế và Lý Phục Man cùng mất năm 548 ở động Khuất Lão.



Từ những suy luận nêu trên cho thấy: việc đồng nhất hai nhân vật lịch sử Phạm Tu (476-545) và Lý Phục Man (?-548) là thiếu cơ sở. Rõ ràng là cuốn “TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” in năm 2006 đã sửa chữa có nêu hai nhân vật riêng biệt, không coi Phạm Tu và Lý Phục Man là một người như cuốn sách cùng tên in năm 1991. Đó là một kết luận hợp lý!

Phạm Chí Nhân (Tháp Bút)

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần (ngày 10/4/2009)

- Blog của tác giả Phạm Chí Nhân (Tháp Bút)

- Blog tổng hợp tài liệu về Danh tướng Phạm Tu và Tướng công Lý Phục Man:
http://phamtu-phucman.blogspot.com/

----------------------------------------------
(1) Theo www.bachkhoatoanthu.gov.vn - Bản quyền thuộc Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn “Từ điển Bách Khoa Việt Nam”, Tổng biên tập: GS.TS. Hà Học Trạc.

(2) Theo GS. Trần Quốc Vượng
Có 0 nhận xét cho bài này "Không đồng nhất Tả tướng Phạm Tu với Phò mã Lý Phục Man"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi