Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

25 tháng 11, 2011

Những mẩu chuyện về Gs Vs Phạm Song

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 11 25, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments


Những mẩu chuyện về Giáo sư, Viện sĩ  Phạm Song
GS VS Phạm Song luôn nhiệt tình truyền đạt kiến thức y học tới các đồng nghiệp trẻ và người bệnh
Đã có nhiều bài báo viết về GS. Phạm Song lúc sinh thời và ngay sau khi ông từ trần. Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Y tế, đã tự coi mình  thuộc thế hệ học trò của GS. Phạm Song, và đánh giá ông là “ Một nhà chiến lược và quản lý y tế xuất sắc, một trong những nhà khoa học lớn, một tấm gương về đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ noi theo ”.
Trong Bách khoa thư - Wikipedia tiếng Việt, phần tiểu sử nhân vật, có ghi rõ: GS. VS Phạm Song là người đi đầu đạt nền móng cho nhiều tổ chức, sự nghiệp trong ngành Y tế nước ta.
Sau năm 1954 ông là người được tiếp quản Nhà Thương Đồn Thuỷ, sau này là Bệnh Viện Hữu Nghị Việt- Xô, ông làm Giám đốc đầu tiên.
Từ 1988 - 1992 làm Bộ trưởng Y tế; sau đó ông là chủ nhiệm Ban chỉ đạo Chương trình nước sạch Quốc gia; Chủ tịch Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình - một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhờ nguồn tài trợ của cộng đồng, xã hội nhưng mang lại hiệu quả cao: giảm tỷ lệ sinh xuống thấp nhất vào năm 1999. Cho tới khi qua đời, GS. VS Phạm Song là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; Chủ tịch hội khoa học Truyền nhiễm Việt Nam. Ông là chuyên gia đầu ngành của nứơc ta về Y học bệnh truyền nhiễm, về hệ thống Y tế; Ông cùng cộng sự đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 về công trình “Chiết xuất Artemicinin từ cây Thanh hao hoa vàng ở Việt Nam dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh sốt rét ”.
Đồng nghiệp, nhân dân và báo chí đã dành cho GS Phạm Song nhiều tình cảm thương yêu, kính trọng.
Khi đang làm công tác Hội khoa học, nhiều lần GS. Phạm Song trò chuyện hoặc trả lời phỏng vấn báo chí. Ông thẳng thắn nói với phóng viên Báo Khoa học và Đời sống: Chức vụ, địa vị xã hội chỉ có ý nghĩa khi ta có đủ bản lĩnh và năng lực dùng nó làm phương tiện để hoạt động đem lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội; nếu không “nó đến rồi lại đi” rất phù du. Có lần GS. Phạm Song tâm sự rằng: Ông rất tâm đắc với quan niệm của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - một bậc danh sỹ đất sông Lam - núi Hồng quê ông: Khi làm lính, Lúc làm quan Ngài luôn luôn có lòng tự tin, tự tại:                            
                                            “Làm tướng không vinh, làm lính không nhục
   “Biết ta được, không biết ta cũng được
Ta chỉ cần ta biết được ta
Dù cho giông tố phong ba
Con thuyền vững lái, hải hà coi khinh
Nguyễn Công Trứ còn giễu mấy ông quan lỉnh kỉnh chức tước mà vô tích sự như thể cây vông rỗng ruột:
Tuổi tác càng già, già xốp xáp
Ruột gan không có, có gai chông…
Trong khi GS. Phạm Song đang làm Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, trả lời câu hỏi “thế nào là trí thức ”, ông nói ông hoàn toàn chia sẻ với quan niệm về trí thức của F.A Hayek - nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, rằng người trí thức có ba chức năng xã hội, đó là: sáng tạo, cách tân; thúc đẩy khoa học tiến bộ; và dự báo, định hướng nhận thức xã hội. Như vậy, đã là trí thức thì phải hiểu biết, phải có chính kiến và không được hèn. Không trung thực cũng không là trí thức. Và vì vậy, theo ông để “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia ” thì Nhà nước và xã hội cần tạo không gian cho trí thức phát huy tài năng, dám nghĩ, dám nói, dám làm.
Điều đáng quý và đáng kính trọng đối với GS. Phạm Song là ở cương vị nào ông cũng dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Khi làm Bộ trưởng Y tế, ông đã mạnh dạn đề xuất và không mệt mỏi tìm mọi cách vận động sáng lập Viện Lâm Sàng nhiệt đới, Viện Tim mạch, Vịên Tâm thần học và Khoa Phục hồi chức năng thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Ông thuyết phục lãnh đạo cho tách Uỷ Ban Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình ra khỏi Bộ Y tế, để thoát khỏi cơ chế bao cấp, thâm nhập vào xã hội, kết quả là đã giảm tỷ lệ sinh một cách rõ rệt. Thời gian ấy, Gs. Phạm Song đang làm Bộ trưởng Y tế, lại là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, về miễn dịch học, nên có trách nhiệm và khả năng lãnh đạo triển khai nghiên cứu đề tài.
Khi được hỏi ông có gì chưa đạt được trong quá trình hoạt động trong ngành Y tế, GS.Phạm Song không ngần ngại nói ra nhiều điều còn băn khoăn, trăn trở. Chẳng hạn như về giá thuốc, thì năm 1988, ông đã đặt vấn đề Bộ Y tế cần kiểm soát về giá thuốc, nhất là thuốc biệt dược, thuốc do công ty nước ngoài thao túng thị trường. Hay như khi thảo luận về Luật hành nghề Y, ông rất búc xúc về hiện tượng nhiều thầy thuốc đã lợi dụng kinh tế thị trường để làm giàu bất chính, trong khi còn tình trạng người nghèo không được chữa bệnh kịp thời. Đến cuối đời, ông vẫn trăn trở với ý tưởng Bảo hiểm Y tế toàn dân. Trưa ngày 8/11/2011 ông đã gục ngã ngay sau khi báo cáo xong đề tài “Nghiên cứu hệ thống y tế Việt Nam ” tại một Hội nghị khoa học.
Nhớ lại lần ông tranh luận với anh con trai của mình, khi anh từ chối sự nghiệp khoa học để làm doanh nhân, ông tâm sự: “Bọn trẻ bây giờ nó khác. Mình thì luôn đặt lý tưởng sự nghiệp lên hàng đầu, còn họ lại đặt chất lượng sống lên hàng đầu”.
GS.Phạm Song là người cùng thế hệ “Lãng mạng cách mạng”, có lần ông kể về lớp học trong rừng của trường Đại học Y khoa Việt Bắc (Chiêm Hoá - Tuyên Quang). Rồi theo trí nhớ ông đọc bài thơ viết trên báo tường ngày ấy của một anh bạn học:
 “Đây nứa bốn bề phên vách nứa
Nứa đầy nơi, nứa làm bút làm bàn
Cơm gạo hẩm, muối thêm nồi măng nứa
Trộn mùi tàu và ớt đủ liên hoan 
Không tài liệu,vở học sinh giấy dó
Kính yêu thầy ghi từng chữ từng câu
Học trong tổ có điều gì chưa rõ
Lại bùng lên tranh cãi, ngẫm càng sâu
Ôi! Đẹp quá một quãng đời tươi trẻ
Sống hồn nhiên cùng trang sách ước mơ
Không lùi bước trên con đường gian khổ
Bài đầu tiên dìu dắt - mái trường xưa
Phải thừa nhận thời kỳ kháng chiến cứu nước gian khổ đã tạo ra một lớp thầy thuốc trí thức sống có lý tưởng cao đẹp, như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Trinh Cơ…,và sau này là Tôn Thất Bách, Trần Đỗ Trinh, Phạm Song, Phạm Gia Khải …
Đánh giá về lớp sinh viên Y học hiện nay, GS.Phạm Song cho rằng họ được hưởng một nền khoa học hiện đại trong thời đại thông tin và hội nhập. Đã và sẽ có những người tài, nhưng điều cần nhớ trước hết là phải lấy chữ Tâm làm đầu, phải gắn nghề y với sự nghiệp chữa bệnh cho con người.
GS.VS Phạm Song - vị Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, luôn thể hiện ba nguyên tắc sống: “Hiểu biết, kỷ luật và ứng xử” . Càng về sau ông càng thể hiện tinh thần ứng xử nhập thế “Vô cố, vô ngã, vô tư và vô thường”. GS.VS Phạm Song đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng còn để lại cho đời sự cống hiến hết mình của một Thầy thuốc Nhân dân chân chính.

Phạm Đình Điểu - Sưu tầm từ http://www.vusta.vn
(Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam)
Có 0 nhận xét cho bài này "Những mẩu chuyện về Gs Vs Phạm Song"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi