Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

24 tháng 11, 2010

Phạm Đăng Trí - Nhà giáo, hoạ sĩ tiêu biểu của Huế

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 11 24, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Phạm Đăng Trí
Nhà giáo - hoạ sĩ tiêu biểu của Huế

Họa sĩ Phạm Đăng Trí (ảnh bên)

Phạm Đăng Trí (1920-1987) là hậu duệ cuả Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng. Nguyên quán Gò Công nhưng ông sinh ra, lớn lên, lập nghiệp tại Huế. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội năm 1942 ông trở về Huế hành nghề giáo viên - giảng viên hội họa của các trường trung học, rồi trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
Danh thần Phạm Đăng Hưng từng giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Tổng tài Quốc sử quán dưới các triều Gia Long, Minh Mạng. Ông mất năm 1825, được tặng tước Vinh Lộc Đại Phu, Trụ quốc Hiệp biện đại học sĩ, thụy Trung Nhã. Vua Tự Đức phong tặng ông là Đặc tấn Vinh lộc đại phu, Thái bảo, Cần chánh điện đại học sĩ, tước Đức Quốc Công. Con gái của ông, bà Phạm Thị Hằng, là vợ vua Thiệu Trị, đời Tự Đức được tấn phong Từ Dũ Hoàng thái hậu.
Phạm Đăng Trí là một hoạ sĩ tài danh và chuẩn mực. Nhưng cũng có người nói tính cách, lối sống của ông nghiêng về tư chất của một nhà giáo nhân ái, tận tình với học sinh. Thực ra ông có cả hai. Đó là nhờ sinh trưởng trong một gia đình có nề nếp gia phong, các thế hệ con cháu có ý thức gìn giữ nếp nhà do tiên tổ truyền thừa.
Ông là một trong những gương mặt đặc biệt của đất Thần Kinh. Một nhà giáo - nghệ sĩ “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, một bậc thầy về tranh lụa và giấy dó.
Suốt một đời dạy học, đồng hành với cuộc đời lao động nghệ thuật, nhưng tác phẩm của Phạm Đăng Trí để lại không nhiều. Đa phần tác phẩm không lưu hành ngoài thị trường, do quan niệm của ông về lao động nghệ thuật. Tại ngôi nhà của ông nay chỉ lưu giữ, trưng bày khoảng 40 bức tranh, trong đó có 8 bức sơn dầu, còn lại là lụa và giấy dó, tranh khổ lớn trên 1m2 chiếm khoảng 1/2.
Lý do rất đơn giản và rõ ràng: Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Ông vẽ tranh thường xuyên, nhưng rất kỹ lưỡng, chỉn chu, bức nào không vừa ý thì hủy ngay. Với ông, tác phẩm nghệ thuật không có loại thứ phẩm. Người thân, học trò của ông kể lại: Để có được một bức tranh lớn hơn 1m2 ông phải mất vài tháng trời cho công việc xử lý chất liệu và miệt mài bên giá vẽ. Suốt cuộc đời cầm cọ ông vẽ khoảng 100 bức, hủy bỏ khoảng 20 bức, giữ lại khoảng 80 bức. Năm 1968, khi đang triển lãm tại tư gia thì bị bom Mỹ đánh sập 1/2 nhà phía trước, mấy chục bức tranh bị tiêu huỷ cùng lúc.
Các thế hệ học trò của Phạm Đăng Trí kể lại rằng: Ông quan niệm vẽ tranh là vẻ cho mình, không vẽ vì danh và lợi. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Đăng Nhật, thứ nam của ông, kể rằng ông cụ tuyệt đối không bán tranh, con cái sau này cũng cố gắng gìn giữ, bảo quản. Cũng theo anh Nhật, chỉ có khoảng 2-3 bức hiện đang lưu hành bên châu Âu. Đó là do sinh thời ông cụ tặng bạn bè, sau ngày ông qua đời, tranh được giá nên họ bán ra, rày đây mai đó trên thị trường tranh. 1 bức do một bảo tàng mượn đi triển lãm bên Bungary thời bao cấp, sau đó bán luôn, cầm về đưa cho gia đình 20 đồng.
Sau khi hoạ sĩ Phạm Đăng Trí qua đời, nhiều nhà sưu tập tranh, trong đó có vài nhà sưu tập người Nhật, vốn đã theo sự nghiệp của ông Trí từ mấy chục năm trước, tìm đến đặt vấn đề với gia đình xin mua, nhưng vợ và các con ông nhất định không bán bức nào cả.
Bức Trận sông Hát, tranh lụa, cỡ 79 x 64cm, Phạm Đăng Trí vẽ cảnh Hai Bà Trưng cỡi voi ra trận đánh giặc là một hiện tượng đặc biệt. Bức này vẽ năm 1975, vài năm sau có một nhà sưu tập người Nhật nhiều lần tìm đến nhà xin được mua, và đã ra giá lên tới 70 cây vàng, nhưng Phạm Đăng Trí không bán. Ông chỉ đồng ý cho nhà sưu tập này chụp hình ông với bức tranh, rồi ghi âm cuộc trò chuyện giữa hai người.
Đó là hiện tượng tranh trên thương trường. Trong nghệ thuật đích thực Phạm Đăng Trí nổi tiếng với tác phẩm Người suối bạc, tranh giấy dó, cỡ 54 x 100cm, vẽ từ năm 1945. Đó là một thiếu nữ đẹp đang nằm trên giường bệnh, sắp sửa qua đời, nhưng người xem có cảm giác như nàng đang nằm ngủ, một giấc ngủ bình yên trong cõi thiên thu.
Về nghiên cứu mỹ thuật Huế, từ sự am hiểu chất liệu và sự nghiêm cẩn trong sáng tác của người hoạ sĩ chuẩn mực, Phạm Đăng Trí đã phân tích và xác lập ra hệ ngũ sắc dân gian riêng của Huế, gồm 5 màu Đỏ - Vàng - Tím - Lục - Xanh. Khác với hệ ngũ sắc chính thống của phương Đông là Đỏ - Vàng - Xanh - Trắng - Đen.
Theo Phạm Đăng Trí, trong hệ ngũ sắc Huế thì màu Tím là trung gian giữa màu nóng và màu lạnh – và trong từng cặp màu tương phản có khả năng tạo ra ấn tượng làm dịu mắt. Trong thực tế màu Tím Huế không gây cảm xúc buồn, mà gợi một niềm vui trong sáng và thầm kín. Có lẽ đó là lý do Tím Huế được chọn làm màu áo dài truyền thống của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa?
Sau ngày hoạ sĩ Phạm Đăng Trí qua đời, gia đình có tổ chức triển lãm tranh hai lần để kỷ niệm về ông. Một lần tại nhà riêng, một lần ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tư gia của hoạ sĩ Phạm Đăng Trí ở đường Phan Đăng Lưu, gần chợ Đông Ba, như là một nhà bảo tàng nghệ thuật mi ni của Huế, một phòng trưng bày bộ sưu tập tranh cá nhân vẫn thường đón tiếp khách tri kỷ của chủ nhân và khách vãng lai đến thưởng lãm.

Phạm Hữu Thanh Tùng



1 nhận xét:

  1. Một họa sỹ tai danh như vậy( được các nhà sưu tập,phê bình nước ngoài đánh giá rất cao) nhưng sao các nhà phê bình Mỹ thuật CNXH không nhắc đến một lời nào hết!buồn thay!

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi