Giao diện phần mềm Unikey
Mỗi người khi soạn thảo một văn bản tiếng Việt đều phải sử dụng một bộ gõ tiếng Việt. Với sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin, phần mềm về bộ gõ cũng là mảnh đất để trăm hoa đua nở. Và rồi "loạn mười hai sứ quân" xảy ra. Qua quá trình sử dụng, trên diễn đàn về CNTT đã hội tụ theo hướng thống nhất khẳng định sự ưu việt của bộ gõ Unikey. Ủy ban Quốc gia về chuẩn tiếng Việt Unicode của Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Thông tin & Truyền thông đều khuyến khích sử dụng phần mềm này trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước. Tác giả của phần mềm là Phạm Kim Long, chúng tôi gọi "hiệp sĩ" CNTT này là Rồng vàng trên đất "gõ tiếng Việt".
Anh học chuyên toán trường Hà Nội-Amsterdam rồi học lớp Tin A, K36 (1991-1996) ở Đại học Bách khoa Hà Nội với bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi. Từ năm 1997, anh làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha. Từ năm 2005-2007, anh phát triển phần mềm cho công ty Radiant Systems tại Praha. Đây là công ty của Mỹ, chuyên về phần mềm cho trạm bán xăng dầu. Tháng 10/2007, anh trở về Việt Nam. Rồi làm việc cho IBM Vietnam từ tháng 4/2008 ở vị trí là kiến trúc sư phần mềm (IT Software Architect).
Phạm Kim Long viết phần mềm về bộ gõ tiếng Việt ngay từ khi là sinh viên, bản sơ khai ấy là đã lập nên con đường cho việc phát triển bộ gõ tiếng Việt Unikey nhỏ gọn, tiện dụng như việc chuyển các bảng mã tiếng Việt rất thuận tiện.
Việc công bố mã nguồn mở, cho sử dụng miễn phí với mong muốn để người Việt Nam thuận lợi trong việc thể hiện chữ dân tộc trên máy tính. Trước hết anh đã khẳng định được tài năng, bản lĩnh của mình. Đặc biệt là cái tâm đối với đại đa số người dùng máy tính. Điều khẳng định là việc cho sử dụng miễn phí của anh là không vì lợi, cũng không cầu danh. Bởi khi phần mềm có vị trí xứng đáng, anh vẫn tiếp tục phát triển phần mềm mặc dù rất bận rộn.
Quả là "chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài", chúng tôi mong muốn những người con họ Phạm vừa có tài vừa có tâm vì đất nước. Đồng thời cũng mong những người trẻ tuổi như anh Phạm Kim Long góp sức cho sự phát triển hoạt động của Ban liên lạc Họ Phạm Việt Nam, mà cụ thể là sự phát triển của trang web hopham.org - một bản tin điện tử của Ban liên lạc.
Tháp Bút
Đăng nhận xét