Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

4 tháng 5, 2011

Dấu ấn lịch sử của một dòng họ

Đăng ngày Thứ Tư, tháng 5 04, 2011 bởi Phạm Đạo · 0 comments

DẤU ẤN LỊCH SỬ CỦA MỘT DÒNG HỌ TRÊN MẢNH ĐẤT ANH HÙNG

Trong không khí tưng bừng của cả nước kỉ niệm 36 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước và tiến tới chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc Hội và HĐND các cấp, ngày 30 tháng 4 vừa qua Đảng bộ và nhân dân Thượng Hiền huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình còn vinh dự được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kì chống Pháp” do Đảng và Nhà nước ta trao tặng.

Tự hào về lịch sử đấu tranh hào hùng của các thế hệ cán bộ và nhân dân Thượng Hiền thời kì chống Pháp, người Thượng Hiền hôm nay cũng không quyên công lao to lớn của các bậc tiền bối tổ tiên – những người đầu tiên đến mảnh đất này để bồi cơ, quật thổ, đắp đê bối phòng lũ lụt, khai khẩn thành ruộng đồng màu mỡ cho con cháu lập nghiệp, xứng danh anh hùng như ngày nay trong đó có các thế hệ của dòng tộc họ Phạm Thế.

Là một dòng họ được xác định là những cư dân đầu tiên về mảnh đất Rãng Thông xưa Thượng Hiền nay, dòng họ Phạm Thế đã trải qua 539 năm với 16 đời con cháu . Khởi đầu từ việc quai đê lập làng của Đức thuỷ tổ đến đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thời nào người họ Phạm Thế cũng xông pha, anh dũng, cần cù cùng với cư dân các dòng họ khác xây dựng và bảo vệ vững chắc mảnh đất này.

Theo cuốn “Phạm Thế tộc Công phả” của họ Phạm Thế thì vào tháng tám Hồng Đức năm thứ ba (1472) vua Lê Thánh Tông xuống chiếu sai ngự sử phân chia đi xuống ba đạo đông, tây, nam miền ven biển để trị lụt. Đức Thuỷ tổ họ Phạm Thế là Phạm Văn Nghiêm quê cũ ở xã Thổ Khối, tổng Phủ Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông đã cùng với Quận Công Vân về đạo Sơn Nam (tỉnh Nam Định bây giờ) Bố Hải Khẩu (sông Kì Bá, Thái Bình ngày nay) để trị thuỷ. Công việc xong Ngự sử về triều, Quận Công Vân về quận còn Đức thuỷ tổ họ Phạm Thế ở lại lập đồn điền ở ấp Bản Thông xã Dưỡng Thông huyện Chân Định phủ Kiến Xương nay là xã Thượng Hiền huyện Kiến Xương.

Cũng theo cuốn “Phạm Thế tộc Công phả” của dòng họ thì việc quai đê, lập ấp ở mảnh đất này của Đức thuỷ tổ họ Phạm Thế còn gắn liền với sự tích của vị Tây Hải Đại Vương được thờ tại đình Tây xưa của làng. Theo sách viết lại vào tháng một Hồng Đức Nguyên viên Vương Đức được điều động bổ đi làm Thừa tuyên bố chính sứ chủ sự ở Sơn Nam xứ kiêm Đàn áp quan, Thuỷ trị quan, Bộ hộ quan, Bản tịch quan và Trấn phủ huyện quan, đốc thúc dân chúng đắp quai đê theo đúng kích thước. Được hai năm không xong, đến xứ Lỗ Tuấn cũng lại không xong nên bị Khâm mệnh Đốc quan đánh chết. Hai viên đàn áp quan được sai đem xác Vương về triều để tấu trình lúc đó bể, sông nước sóng như nổi dận, sóng nước đục ngầu, xác Vương biến hoá, hiển ứng thần thông. Quan Khâm sai ngự sử được phái đến xem xét đê điều xứ Lỗ Tuấn đã chứng kiến cảnh đó bèn sai xướng nhi vũ nữ ca hát để tế lễ, phong làm tôn thần. Năm Hồng Đức thứ tư (1473) khi mới đắp xong đê, Vương hiển linh thân cao tám trượng, đầu đội mũ tam tinh, người quấn lụa trăm sắc từ không trung bay tới. Quan Khâm sai cho tế lễ và phong làm '' Tây Hải Tôn Thần'', lệnh cắt ruộng xã Quảng Đức điện Hiển Khánh làm ruộng tế lễ. Sai thái giám lưu lại làm chủ thủ giữ việc thờ cúng. (Lỗ Tuấn tức Hội đê, tức sông Vị Hoàng ngày nay)

Như vậy việc phát tích về mảnh đất Thượng Hiền của Đức thuỷ tổ họ Phạm Thế gắn liền với thời kì quai đê lập ấp Thái Bình ở thời Hậu Lê và thần được thờ ở đình Tây của làng có liên quan đến công cuộc trị thuỷ đầy gian nan của thời kì này. Rất tiếc trải qua chiến tranh cùng với biến cố của lịch sử đình tây của làng hiện nay đã bị phá bỏ song dấu tích chiến công của ngài Tây Hải Đại Vương cùng đức thuỷ tổ họ Phạm Thế mãi còn lưu lại trong sử sách địa phương và lòng dân người Thượng Hiền.

Với 16 thế hệ con cháu đã qua, người họ Phạm Thế đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước như trong gia phả của dòng họ đã ghi lại về cụ tổ Phạm Thế Đĩnh đời thứ 10 đã đi lính theo Doãn Tướng Công tri phủ Nam Sách người Ngoại Lãng, vây bắt Nguỵ quân Tề ở Hải Dương. Cuộc tiễu phạt thành công cụ đã được thưởng Thất Phẩm Thiên Hộ, sắc phong thưởng hiện nay vẫn còn được lưu giữ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất Rãng Thông xưa cũng có hơn mười liệt sĩ là con cháu họ Phạm Thế như liệt sĩ Phạm Thế Tức, Phạm Thế Trinh, Phạm Thế Tiệm.... Đặc biệt trong con cháu họ Phạm Thế có người là những hạt giống đầu tiên tham gia thành lập chi bộ Đảng cộng sản tại Thượng Hiền vào những năm 1929 - 1930 như nhà giáo Phạm Thế Khuê (giáo Khuê), nhà giáo Phạm Thế Lùng (Giáo Lùng), Phạm Thế Xuy, Phạm Thế Nghiên, Phạm Thế Ước, Phạm Thế Tiệm... Nhà giáo Phạm Thế Lùng từng là Xứ uỷ Bắc kì bị địch bắt tù đầy sau ông được tha về nhưng với đòn tra tấn của kẻ địch ông đã bị điên dại và bị địch bắn chết tại bốt Dục Dương. Ông Phạm Thế Ước là cán bộ tham gia cách mạng từ năm 1935 sau này là Trưởng ty thương nghiệp Hoà Bình, thanh tra Chính phủ. Ông Phạm Thaí Tiệm ( Trần Quốc Thái) em trai ông Phạm Thế Ước cũng là cán bộ trước cách mạng tham gia cách mạng năm 1938 sau này là bí thư tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên, cục trưởng, thứ trưởng cục đê điều...Tổng kết hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, họ Phạm thế có hơn 30 người là Liệt sỹ, 2 bà mẹ được công nhận là “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 3 người được công nhận là “Lão thành cách mạng”, hiện nay đang đề nghị thêm 1 người.

Trong lịch sử của dòng họ cũng ghi nhận công lao của cụ tổ Phạm Thế Nghê đời thứ 10 trên mảnh đất Tiền Hải. Theo ghi lại cụ tổ Phạm Thế Nghê đã cùng theo Doanh điền Nguyễn Công Trứ đưa con cháu đến khai lập ấp Quý Đức nay thuộc xã Đông Quý huyện Tiền Hải, cụ đã được phong là Chánh tổng Bá hộ và có câu đối còn ghi về cụ như sau:

“Dưỡng địa dĩ năng đề hộ trưởng – Quý đình ứng hiển tác thành hoàng”

Phát huy truyền thống của dòng tộc cùng với truyền thống của quê hương, con cháu họ Phạm Thế hiện nay đã và đang tích cực lao động, học tập xây dựng quê hương giầu đẹp. Hàng năm vào ngày giỗ tổ mồng 9 tháng giêng, con cháu khắp nơi từ Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... lại tụ tập về từ đường của dòng họ mở hội giỗ tổ được tổ chức từ mồng 6 tháng giêng với hội cờ xuân, lễ tế tổ, lễ trao học bổng cuả chi hội khuyến học dòng họ. Việc tri ân đức tiên tổ họ Phạm Thế không chỉ là tri ân về cội nguồn gốc rễ mà còn là tri ân đến các thế hệ những người xưa đã có công lao quai đê, lập ấp, tạo nên mảnh đất Thượng Hiền để hôm nay con cháu chung vui tự hào về mảnh đất giầu truyền thống cách mạng- mảnh đất anh hùng.

Tiền Hải, tháng 3 năm 2011

PHẠM THẾ DƯƠNG
Phó Hiệu Trưởng
Trường THCS Nam Phú - Tiền Hải - Thái Bình
Email:duongthcsnamphu@gmail.com
ĐT: 0976136068








Có 0 nhận xét cho bài này "Dấu ấn lịch sử của một dòng họ"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi