Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

21 tháng 2, 2010

Một vị quan thanh liêm họ Phạm

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 2 21, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

Thái tử thiếu bảo Phạm Văn Toán
Vị quan thanh liêm, tận tụy


(HNM) - Thái tử Thiếu bảo là hàm cao nhất của triều Nguyễn, phong cho cụ Phạm Văn Toán năm 1909 khi cụ đang làm Tổng đốc Nam Định. Là quan thanh liêm, tận tụy với việc triều chính, hết lòng thương dân, lại giỏi thơ phú, cụ đã có nhiều đóng góp đáng kể cho đất nước và được thờ ở đền Mây (Phố Hiến), đền Cố Trạch (Nam Định), miếu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Hiện cụ được con cháu dòng họ Phạm thờ cúng ở nhà anh Phạm Tường Long, tổ 27, ngõ 56, phố Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội).

Thời Trần, thôn Láng Trung, làng Yên Lãng thuộc đất phường Toán Viên, kinh thành Thăng Long. Từ năm 1831, vua Minh Mạng đổi kinh thành Thăng Long thành tỉnh Hà Nội, Yên Lãng thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XX, Yên Lãng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, từ năm 1942, thuộc Đại lý Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Theo gia phả để lại, cụ Phạm Văn Toán sinh ngày 30 tháng Hai năm Giáp Thìn (1843) ở phường cổ Toán Viên, trong gia tộc có truyền thống hiếu học, ra làm quan giúp nước. Truyền rằng, cụ tổ, từ Thanh Hóa ra Thăng Long, làm quan Đốc trấn Trấn Sơn Nam, lấy vợ người làng An Môn (tức Yên Lãng), và từ đó, đời nối đời, gia tộc họ Phạm trở thành cư dân gốc của Yên Lãng. Sau đó, các cụ thủy tổ đều làm quan và đỗ đạt với các chức Hiệp trấn (đời thứ nhất), Tham trấn (đời thứ hai), Thiên phủ (đời thứ ba), Thị độc Học sĩ (đời thứ tư), Thái thường Tự khanh (đời thứ năm).

Cụ Phạm Văn Toán là đời thứ sáu, được học Thi, Thư, lấy lễ, nghĩa, trí, tín làm trọng. Nhưng rồi vật đổi sao dời, kinh thành Thăng Long bị triều đình Huế giáng xuống chỉ còn là tỉnh Hà Nội. Chính sách “bế quan tỏa cảng” của triều đình nhằm ngăn chặn giặc từ bên ngoài tới chỉ là biện pháp rào dậu nhất thời trước xu thế xâm chiếm thuộc địa của thực dân Pháp và Anh lúc đó. Từ phương Bắc, quân Thái Bình Thiên Quốc tràn xuống các tỉnh miền núi, từ phương Nam, Pháp đánh ra Bắc kỳ. Đỗ đạt ra làm quan, bắt đầu từ Thông phán tỉnh Tuyên Quang (năm 1879), tri huyện Thanh Sơn (Phú Thọ - năm 1881) rồi lên Bang biện tỉnh Sơn Tây (năm 1885), cụ đều cầm quân trừ giặc Cờ vàng ở Đồn Vàng - tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc nhiễu loạn nhân dân ở các châu thượng du. Sau đó, cụ cho quân phối hợp với Thống chế Hoàng Kế Viêm đánh thực dân Pháp ở trận Cầu Giấy, giết tướng giặc F.Garnier (năm 1873).

Làm quan thời loạn, sẵn lòng thương dân nghèo đói khổ trong loạn ly nên khi làm Án sát Tuyên Quang (năm 1889), Chánh sứ Hải Phòng (năm 1891), Tổng đốc Nam Định (năm 1903), cụ luôn lo mở mang, khai phá đất đai và giữ đất cho dân. Cụ đôn đốc quan quân, dân phu mở con đường mới từ Cầu Niệm ra Đồ Sơn, làm cho dân cư ngày càng đông vui ở vùng cửa sông của Hải Phòng thời đó, dân nhớ ơn đã lập miếu thờ cụ ở Đồ Sơn. Tại Nam Định, cụ kiên quyết giữ đất cho dân làng Thiên Trường. Tài cao đức trọng, cụ được đưa vào thờ trong đền Cố Trạch. Bài vị thờ cụ trong đền ghi rõ: Trần triều văn ban thân thần công cự Phạm Văn Toán liệt vị.

Không chỉ có tài kinh bang tế thế, được triều đình trọng dụng phong hàm Hiệp tá Đại học sĩ (năm 1908), rồi Thái tử Thiếu bảo, Phạm Văn Toán còn là vị quan văn hay chữ tốt. Đến nay, trong đền Mây, di tích và danh thắng nổi tiếng của phố Hiến “Trăm cảnh nghìn cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây” vẫn lưu giữ bài văn bia “Đằng Châu từ phụng ký”do cụ làm nhân dịp đền được trùng tu năm Thành Thái thứ 11 (năm 1899). “Lời lời châu ngọc” của Tuần phủ Hưng Yên kiêm Đề đốc Quân vụ Phạm Văn Toán trên văn bia bị chìm lấp suốt hai thế kỷ, cho đến những năm 90 của thế kỷ trước, Sở Văn hóa Hưng Yên mới “khai phá” một loạt văn bia lưu tại đền Mây (dịch văn bia và bảo tồn), nhờ đó mà áng văn trang trọng của cụ ca ngợi công tích của tướng quân Phạm Phòng Át mới được hậu thế biết đến. Năm 1995, xã Lam Sơn và Sở Văn hóa Hưng Yên đã làm lễ rước ảnh cụ Tuần phủ Hưng Yên thờ trong đền.

Di bút của cụ không chỉ có ở đền Mây mà còn để lại ở đền Trần, công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng của đất nước. Đền được xây dựng trên nền cũ của cung Thiên Trường có từ thời Trần (nay thuộc Lộc Vượng, TP Nam Định). Trải bao cơn binh lửa của giặc Minh, cung điện bị phá hủy toàn bộ. Sau này, con cháu nhà Trần đã xây dựng đền thờ các vua Trần vào năm Chính Hòa (năm 1645). Những năm làm Tổng đốc Nam Định, đến viếng đền Trần, Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán đã làm thơ ca ngợi các vua Trần, hiện vẫn còn lưu giữ tại đây:

Nghiệp lớn trời trao dẹp trước sau
Lẫy lừng đệ nhất cảnh Tiên Châu
Khí thiêng Nam Mặc mây mù cuốn
Bóng nhật Đông A rực rỡ màu
Đài cao Tức Mặc nay còn thấy
Vạc báu Thiên Trường đâu bóng xưa
Thái Đường, Quất quốc nơi tôn kính
Trước sau giữ nghĩa nhớ phụng thờ.

Nằm trong quần thể di tích đền Trần còn có đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương, gia tộc của ông và Đô úy Nguyễn Chế Nghĩa, Tham tán Quân vụ Phạm Ngô, Hiệp biện Đại học sĩ Trương Hán Siêu, Định an Tổng đốc Phạm Văn Toán - những người có công với nước. Hiện trong đền Cố Trạch còn lưu bài thơ của Tổng đốc Phạm Văn Toán bái tiến năm Bính Ngọ (năm 1906) niên hiệu Thành Thái, ca ngợi công đức Đại vương Trần Hưng Đạo:

Lẫy lừng uy vũ vang phương Bắc
Hiển hách công lao dậy cõi Nam

Suốt đời làm quan thanh liêm, Thái tử Thiếu bảo Phạm Văn Toán để lại tiếng thơm cho con cháu. Với quê hương Yên Lãng, chính cụ đấu tranh với Hoàng Cao Khải không cho chiếm đất của dân làng lập ấp Thái Hà nên được dân nhớ ơn. Năm 1912, cụ đã yên nghỉ trong sự thương tiếc, kính trọng của nhân dân. Gia tộc chôn cất cụ ở Gò Đống. Sau năm 1954, gia tộc lại đưa cụ về nằm bên thân mẫu trên cánh đồng cạnh làng Yên Lãng, nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia tộc, con cháu cụ Phạm Văn Toán nhiều người là cán bộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Và thế hệ cháu chắt của cụ hôm nay đang học tập, lao động, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội và quê hương giàu đẹp.

Kim Thanh
VANCHIEN

1 nhận xét:

  1. Tôi không hiểu Cụ Toán làm quan thời Nguyễn sao bài vị lại ghi "Trần triều văn ban thân thần công cự..."? Liệu có gì không chính xác ở đây không. Bài viết có nhiều tư liệu quí. Tuy nhiên, nên tổng hợp và hệ thống hóa lại để làm rõ các ý và làm "long lanh" thêm những đóng góp của Cụ cho nước nhà.
    Dù sao cũng đáng cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi