Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

10 tháng 8, 2009

Họ Phạm đời đời là lương đống của xã tắc

Đăng ngày Thứ Hai, tháng 8 10, 2009 bởi PK.Dương · 10 comments

(Trích báo: Gia đình và xã hội, số 60 ngày 16- 23/3/2003)

Phạm Tu, vị danh tướng khai quốc nguyên huân của nhà tiền Lý (Vạn Xuân) vị soái tướng đứng đầu ban Võ trong triều đình của Lý Nam Đế, nhân vật họ Phạm đầu tiên mà chính sử nói đến (năm 476 - 545 sau CN) được coi là Thuỷ tổ dòng họ Phạm. Địa danh phát tích họ Phạm là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nơi mà lão tướng Phạm Tu được thờ làm Thành Hoàng làng với sắc phong là Đô Hồ Đại Vương.

Thế kỷ X, họ Phạm có Danh tướng Phạm Bạch Hổ ( Tên tự là Phạm Phòng Ât) và Đông giáp tướng quân Phạm Chiêm - Hậu duệ đời thứ 15 của Phạm Tu, có công lớn trong việc giúp Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán, Thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, ngoài danh tướng Phạm Bạch Hổ còn có hậu duệ đời thứ 17 họ Phạm là 2 danh tướng, hai anh em ruột mà số phận họ dường như đối nghịch nhau. Đó là Phạm Hạp, tả tướng tham mưu cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền phò Đinh, chống Lê Hoàn, thất bại bị giết, và người em ruột là Phạm Cự Lương, Đại tướng Thái uý phò Lê Hoàn, đã có công lớn trong việc đánh đuổi quân nhà Tống Thế kỳ XI, có một điều ít ai biết đến: Mẹ đẻ vua Lý Thái Tổ là một người trong Phạm Tộc: Bà Phạm Thị Ngà, quê quán ở làng Dương Lôi (Tiên Sơn, Bắc Ninh). Thời Lý, họ Phạm thiên phát về văn ban, tiêu biểu là vị trạng nguyên đầu tiên của họ Phạm: Phạm Công Bình, người làng Yên Lạc - Trấn Sơn Tây. Ông đỗ Trạng Nguyên khoa Mậu Thìn (1208), đời Lý Cao Tông. Một vị họ Phạm đỗ đại khoa khác là PhạmTử Hư, đỗ Thái Học Sinh, ông quê làng Nghĩa Lư (huyện Cẩm Giảng - Hải Dương).

Vào cuối triều Lý, xã hội rối ren, trăm họ loạn lạc, có 3 gương mặt họ Phạm đã đóng góp công sức vào việc thành lập triều đại mới của nhà Trần, văn hồi đại cực, đó là Phạm Kính Ân, sau được phong Thái Phó, rồi Thái Uý (năm 1236). Phạm ứng Thần sau được phong làm Thượng thư tri quốc tử viện đề điện. Phạm ứng Mộng làm tới Hành Khiển (ngang hàng với tể tướng) năm 1254. Năm 1258, đại đế quốc Nguyên - Mông xua quân tràn vào Đại Việt, vua Trần Thái Tông thân đem tướng sĩ chặn giặc ở bến Lanh Mi, sông Phú Lương. Trước thế giặc mạnh, võ tướng Phạm Cự Chính đã tử chiến giúp Lê Phụ Trần hộ giá vua rút lui an toàn. Nhân vật họ Phạm sáng chói nhất dưới triều Trần là Phạm Ngũ Lão Theo tộc phả, ông là dòng dõi trực hệ đời thứ 7 của tả tướng quân Phạm Hạp (thời Đinh - Lê). Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, thuộc chi họ Phạm định cư ở làng Phù ủng, huyện Đường Hào, lộ Khoái Châu (nay là Hưng Yên).

"Hổ phụ sinh hổ tử" con trai Phạm Ngũ Lão là Phạm Nhữ Dực (1319 - 1409) nhiều lần đánh bại quân Chiêm Thành ở phía nam, được phong Binh Chiêm thượng tướng quân, tước Dực Nghĩa hầu. Phạm Nhữ Dực chính là thuỷ tổ dòng họ Phạm ở Thanh Hóa, cũng là cao thuỷ tổ họ Phạm xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Một chi họ Phạm khác, định cư ở làng Kính Chủ, phủ Kinh Môn (thuộc Hải Dương) cũng sinh ra danh thần Phạm Sư Mạnh, hậu duệ đời thứ 25 của thuỷ tổ Phạm Tu, ông là học trò giỏi của Chu Văn An, đỗ Thái học sinh đời Trần Minh Tông (năm 1325), đại thần 3 đời Trần Minh Tông, Hiển Tông và Dụ Tông, làm tới Nhập nội hành khiển, khu mật viện sự. Cuối đời Trần, họ Phạm bị một tai họa: Xa kỵ vệ Thượng tướng quân Phạm Khả Vĩnh, cháu 4 đời Phạm Sư mạnh, cùng người cháu là Phạm Tổ Thu, võ sĩ-thích khách Phạm Ngưu Tất, tham gia với Trần Khát Chân, Trần Hãng... trong vụ mưu giết Hồ Quí Ly. Việc không thành, ông và nhiều người họ hàng con cháu Phạm tộc bị giết.

Dưới thời Lê, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, họ Phạm đã có 2 người tham gia là Phạm Văn Xảo, Phạm Vấn. Phạm Văn Xảo được xếp vào hàng khai quốc
công thần thứ 3 trong triều Lê, phong thái bảo rồi thái phó, được mang họ vua (Lê Văn Xảo); sau ông bị gian thần vu cáo phải tự sát. Phạm Vấn được phong Đại tướng quân, Bình chương quân quốc trọng sự. Khi Lê Thái Tổ mất, ông và tể tướng Lê Sát làm phụ chính cho Lê Thánh Tông phong Thái Phó. Nhân vật họ Phạm nổi bật dưới thời Lê Thánh Tông là Phạm Nhữ Tăng, ông là hậu duệ đời thứ 28 của thuỷ tổ Phạm Tu và là cháu 5 đời Phạm Ngũ Lão. Người đánh bại quân Chiêm, hạ thành Đồ Bàn bắt sống vua Chiêm là Trần Toàn. Ông chính là thuỷ tổ Phạm tộc ở Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Có thể nói dưới triều Lê, họ Phạm rất hưng phát, sản sinh nhiều nhân tài cả văn lẫn võ. Trong số 1758 vị đỗ đại khoa thời Lê, họ Phạm cũng có tới 122 vị. Ngay trong hội thơ "Tao Đàn" của vua Lê Thánh Tông cũng có 4 "tinh tú" họ Phạm trong "Nhị thập bát tú" nổi tiếng văn tài đương thời.

Dưới vương triều Mạc, họ Phạm tiếp tục phát về đường khoa cử, có tới 2 vị Trạng nguyên là Phạm Đăng Quyết, Phạm Chất, hai bảng nhãn là Phạm Công Sâm, Phạm Du và một vị Thám hoa Phạm Quang Tiến. Dưới triều Lê Trung Hưng (1533 - 1789) dòng Phạm tộc cũng sinh nhiều danh nhân, tiêu biểu là Phạm Công Trứ (1601 -1675), làm tới Thượng thư, Đông các đại học sĩ, Tể tướng tước Yên Quận Công. Ông là nhà sử học nổi tiếng, đồng tác giả bộ "Đại Việt sử ký tục biên" đồ sộ.

Vua Gia Long lập vương triều Nguyễn năm 1802, một nhân vật họ Phạm là Phạm Đăng Hưng (1765 - 1825) thuộc chi họ Phạm ở Thuận Hóa, sau định cư ở Gia Định, do lập nhiều công lao, được phong Thượng thư bộ lễ kiêm Tổng tài quốc sử quán. Một điểm đáng chú ý là con gái ông, bà Phạm Thị Hằng, sau là thứ phi của vua Thiệu Trị, mẹ đẻ vua Tự Đức. Bà nổi tiếng với danh phong Từ Dũ Hoàng Thái Hậu. Dưới triều Nguyễn, họ Phạm cũng đóng góp nhiều vị đại thần, tiêu biểu như: Tham tri Binh bộ Phạm Thế Hiển (1803 - 1861) cuối đời cùng Nguyễn Tri Phương chống giữ đại đồn Chí Hòa, ông tử thủ năm 1861. Hoàng giáp tam đăng Phạm Văn Nghị (1805 - 1881) khi làm Đốc học Nam Định đã tổ chức cả một đội quân Nam tiến vào Đà Nẵng đánh Pháp; là Cơ mật viên đại thần, Hiệp biện đại học sĩ Phạm Thận Duật (1825 - 1882), người cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Rồi các vị Thượng thư Đại thần như Phạm Phú Thứ (1820 - 1880), Phạm Hữu Nghi (1797 -1862).

Trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc Việt Nam XHCN ở thế kỷ XX. Họ Phạm có thể tự hào là đã hiến dâng cho tổ quốc nhiều người con xuất chúng: Đó là Liệt sĩ cách mạng Phạm Hồng Thái sống mãi với tiếng bom Sa Điện ngày 18/6/1924. Đó là nhà chính trị, nhà cách mạng lão thành, 2 vị Thủ tướng của nhà nước Việt Nam mới: Phạm Văn Đồng quê Quảng Ngãi; Phạm Hùng (1912 - 1988) quê Vĩnh Long, là nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tên thật là Phạm Văn Cương (1921 - 1988) quê Nam Định. ở các lĩnh vực văn hóa - khoa học, họ Phạm cũng có những gương mặt nổi bật như: Giáo sư Viện sĩ Phạm Huy Thông (1916 - 1988) quê Hưng Yên; Nhà bác học - Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, tên thật là Phạm Quang Lễ (1913 - 1997) quê Vĩnh Long; Giáo sư bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - anh hùng lao động (1909 - 1968), một trong những người tiên phong sự nghiệp y tế cách mạng quê gốc Quảng Nam...v.v.

Có thể thấy xuyên suốt lịch sử dòng dõi Phạm tộc từ thuỷ tổ Phạm Tu đến các chi nhánh con cháu Phạm Tộc ngày nay, tuyệt đại đa số những người họ Phạm nổi tiếng đều là những bậc trung thần, lương đống của đất nước, đem tài năng xương máu phục vụ dân tộc. Về mặt văn hóa, khoa bảng họ Phạm cũng có thể tự hào là một trong 4 tộc họ đứng đầu trăm họ nước NamI Trong suốt lịch sử khoa cử nước nhà, có 2896 vị đỗ đại khoa, thì họ Phạm đóng góp tới 218 vị trong tổng số 144 vị đỗ Tam Khôi, họ Phạm cũng chiếm 13 vị (có 4 vị trạng nguyên), đứng hàng thứ tư sau họ Nguyễn, họ Trần, họ Vũ.

Đông A

10 nhận xét:

  1. Ở Thái Bình cũng có họ Phạm. Quê ông Nội cháu ở Vũ Thư-Thái Bình. Có ai biết về chi họ này không ah? Xin vui lòng cho cháu một số thông tin

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Toi cung que Vu Thu, Thai Binh day. Hien o xa Viet Hung. Neu Ban (anh, chu) quan tam co the chia de voi toi tai Mail: phamcongvientb@gmail.com. Rat mong duoc ket noi

      Xóa
  2. HO PHAM LA MOT DONG HO UY DANH.TOI RAT HANH DIEN KHI LA CON CHAU HO PHAM CUA DAT TO VUA HUNG PHU THO.RAT MONG ANH E TRONG DONG HO MINH THANH CONG TRONG SU NGHIEP DE PHUNG SU DONG HO PHUC VU TO QUOC;PHAM HUNG MANH KHOA GDCT DHSPHN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi là Phạm Đức Hoà, tiền liệt ở Hưng Yên, hiện giờ đang sinh sống và làm việc ở HN, rất muốn liên lạc với tất cả người họ Phạm trên toàn quốc.
      Họ Phạm trường tồn cùng tổ quốc!
      Thông tin liên lạc xin gửi về:
      email: hiepkhach_hanh822003@yahoo.com

      Xóa
  3. Phạm Minh Giắnglúc 13:58 1 tháng 1, 2012

    Thật tự hào là con cháu họ Phạm!

    Trả lờiXóa
  4. CHÁU HIỆN GIỜ ĐANG Ở ĐÀ LẠT CŨNG MANG HO PHẠM ÔNG CỐ NỘI CHÁU TÊN PHẠM VĂN NGỌC BÀ NỘI TÊN ĐÀO THỊ TÀI , ÔNG NỘI TÊN PHẠM VĂN HỢP BA CHÁU LÀ PHẠM VĂN THỦY ĐÃ VÀO NAM .GIA ĐÌNH CHÁU(ĐỜI ÔNG NỘI)Ở ĐÔNG HƯNG THÁI BÌNH CHÁU XIN HỎI MUỐN TÌM GIA PHẢ CÓ ĐƯỢC KHÔNG? NẾU TÌM XIN CHO BIET TIM O DAU CHAU ĐÃ TRA TRONG GIA PHẢ HỌ PHẠM TRÊN MẠNG NHƯNG KHÔNG TÌM THẤY MONG CÁC BÁC CHỈ GIÚP MAIL CỦA CHÁU LÀ THAIPHAM789@YAHOO.COM. CHÁU CÁM ƠN

    Trả lờiXóa
  5. Thật tự hào khi tôi mang trong mình dòng máu Phạm tộc!
    quê Nội tôi, nơi thờ các bậc tiền liệt ở Hưng Yên

    Trả lờiXóa
  6. chau cung mang dong ho Pham. Chau nghi rang tu xa xua, chung ta deu la anh em va cung mang huyet thong voi nhau. Trong nhung nam gan day, chau nghe noi co nhung ho toc da lien ket lai voi nhau, vi du nhu: ho Le, Nguyen,... Hien gia dinh chau xa que huong, to quoc nhung gia dinh chau rat mong la ho Pham tren toan quoc cung nhu o nuoc ngoai se thong nhat va lien ket de tang them tinh than anh em, dong ho.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi cũng là người mang họ"PHẠM",cả dòng họ đều sống theo một cụm trong một làng ( Tôi sinh tại Phú Yên).Nhiều khi tôi cũng hỏi lớp ông cha họ "PHẠM" mình nguồn gốc từ đâu, nhưng chẳng ai biết.Chỉ biết đời của anh em Ông Nội trở về sau này, rồi còn trước đó nữa chẳng ai biết.Tôi cũng như những người khác nghĩ là trên Thế Gioi này những ai mang họ "PHẠM" đều là dòng máu họ "PHẠM".Hi hi không biết có đúng vậy không nhỉ???

    Trả lờiXóa
  8. Tôi thuộc họ Phạm làng Đông Phù, Thanh Trì Hà Đông. cháu đời thứ 16 của cụ cao tằng tổ khảo Phạm Bì.Nguyên gốc họ Trần ở Thanh Hoá. Trong gia phả ghi là : Vì lý do khi vua nhà Trần di vào Thanh Hoá,Sau khi đức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô (Thanh Hóa) và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
    Cụ tổ chúng tôi có tước là Đồng Cự Am Lư Tứ Phủ Quân đời nhà Trần.sinh được hai người con. Một ở lại Đông Phù Thanh Trì Hà Đông. người con thứ hai đi trở lại Thanh Hoá sau đó đi về phương nam thành dòng họ của ông Phạm Minh Dưỡng nguyên Tổng Trưởng Giao Thông/VNCH.
    Có ai biết thêm tin tức về chi nhánh họ Phạm này xin cho biết qua điạ chỉ email : Phamlewriter@sbcglobal.net. Xin cám ơn.

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi