Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

4 tháng 6, 2010

Cây không gốc lá sao xanh!

Đăng ngày Thứ Sáu, tháng 6 04, 2010 bởi Phạm Đạo · 0 comments

CÂY KHÔNG GỐC, LÁ SAO XANH?

Bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế đỡ khó khăn hơn, đi lại dễ dàng hơn, thông tin nhiều hơn, người ta bắt đầu muốn tìm về tổ tiên gốc gác của mình. Cũng thông cảm thôi, ngày trước ăn còn chưa xong, nói gì đến chuyện bỏ công bỏ việc mà lo chuyện gia phả cây cành nhành lá, rồi dò tận ngọn nguồn? Nay khác rồi. Câu chuyện sau đây chỉ là một trong muôn vàn chuyện về quê nhận họ mà chúng ta từng nghe…

1-Về đất học tìm Ông Nghè

Tôi tuy là thứ nhưng vì có “số” làm trưởng (nghe các cụ bảo thế) nên được giao giữ gia phả dòng họ Phạm đã được dịch ra quốc ngữ. Và điểm sáng của cuốn gia phả này, cũng được coi là đời thứ nhất của chi họ, là một trong 14 đệ tam giáp đồng tiến sĩ đỗ khoa Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái thứ năm (1724) - cụ Phạm Hữu Du, đã được đề danh trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Điều này tôi từng nghe các bậc cha chú kể lại nhiều lần và năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết nguyên đán là con cháu Cụ lại vào Văn Miếu, trước là thắp hương viếng Cụ và các vị khoa bảng khác, sau là du xuân. Có điều cả họ vẫn ao ước là làm sao tìm được về quê gốc như trong gia phả còn ghi lại: làng Quán Các, huyện Giao Thuỷ, phủ Xuân Trường, Nam Định. Bởi cứ theo như địa lý hành chính hiện nay thì không có nơi nào ở Nam Định có địa danh đúng như vậy. Chưa tìm được về quê gốc, thắp một nén hương tại nhà thờ Tổ, tôi cứ thấy bứt rứt trong lòng.

Trong một chuyến đi công tác, tôi vui chân theo bạn đến thăm một người rất nổi tiếng trong vùng về tài dự đoán tương lai, đặc biệt là tương lai gần. Tôi bày tỏ nguyện vọng đang đau đáu của mình, và muốn biết xem dự định của tôi có thực hiện được không, thì được nghe: dứt khoát tìm được, nhà thờ Tổ vẫn còn vừa được tu bổ khang trang, còn cả mộ Tổ nữa. Nghe vậy mà lòng tôi cứ xốn xang, nhưng không dám mừng vội.
Vậy là, nhân cơ quan có công việc ở Nam Định, tôi xin nhận công việc này, để may ra có cơ duyên nào chăng. Đoàn chúng tôi đến làm việc với ngành giáo dục huyện Nam Trực là một vùng đất học nổi tiếng của Nam Định. Sau khi tìm hiểu về phong trào khuyến học ở đây, chúng tôi được địa phương tặng một cuốn Kỷ yếu “Nam Trực – vùng đất học”. Giở trang vàng đầu tiên có ghi danh 22 tiến sĩ thời phong kiến của huyện Nam Trực. Và đây rồi: tiến sĩ Phạm Hữu Du, chức vụ , quê quán xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực.
Tôi lập tức về ngay Tân Thịnh, và không khó khăn gì để tìm thấy làng Quán Các. Vừa đến đầu làng, rất vắng vẻ, tôi gặp một cụ già và hỏi thăm thì chính cụ là người trông coi từ đường họ Phạm đại tộc làng Quán Các. Tôi cứ như người đi trong mơ, không hiểu có phải các cụ Tổ linh thiêng đã “cảm” được lòng con cháu mà chỉ đường cho tôi chăng? May quá là may. Tôi cứ thế theo cụ…

2-Đất lở người mòn vẫn lưu truyền thờ phụng

Cụ đưa tôi vào thắp hương trước ở đền Quán Các, thờ nữ tướng Trịnh Thị Cực giúp bà Lê Chân đánh đuổi giặc Nguyên Mông từ những năm 40-43 mà theo huyền sử thì xác bà trôi đến bến đò Quán Các thì dừng lại, rồi biến mất. Từ đó dân làng lập đền thờ bà và tôn bà là Thành hoàng làng Quán Các.

Cụ từ kể cho tôi nghe lai lịch từ đường họ Phạm Đại tộc: Trước đây họ ta đã xây từ đường phía ngoài đê bao sông Hồng, song do bờ sông lở nên đến thời Pháp thuộc, họ ta đã dời Từ đường vào trong đê bao, sát với đê chính hiện nay nhưng bờ sông Hồng vẫn tiếp tục lở nên năm 1962, họ ta phải dỡ bỏ Từ đường, rước các cụ vào thờ chung với Thành hoàng làng tại đình làng Quán Các. Do đất lở người mòn, con cháu họ Phạm nhiều người đã di cư đến ở các nơi khác, chỉ còn rất ít người có nhà ở trong đê chính còn trụ lại làng. Để làm trọn bổn phận của cháu con đối với tổ tiên, các cụ cao tuổi ở 4 ngành trong họ đã họp dòng họ, ra khuyến cáo gửi con cháu trong họ cùng góp công của xây dựng lại Từ đường Phạm đại tộc ở thửa đất bên cạnh Đình làng, đúng với mẫu Từ đường cũ của Họ. Ngày 23, 24-4-1998, Họ đã tổ chức lễ khánh thành Từ đường, rước Cụ Thuỷ tổ họ Phạm từ đình làng về thờ ở ban trên và và rước các Cụ Tổ của 4 ngành thờ ở ban dưới. Phía bên trái là ban thờ Cụ Nghè Phạm Hữu Du, vẫn còn khám thờ đưa từ bên Từ đường cũ về; bên phải là ban thờ các liệt sĩ họ Phạm. Hàng năm, Họ tổ chức lễ Giỗ Tổ vào 28 tháng 3 âm lịch và 28 tháng 12 âm lịch, Giỗ Cụ Nghè vào 4 tháng Chạp.

Nhớ lời tiên đoán được nghe trong chuyến công tác trước, tôi hỏi dấn thêm:

-Vậy mộ cụ Tổ họ ta có còn không ạ?

-Có đấy, -cụ từ hồ hởi nói. Trước thì chỉ có một nấm đất to thôi, năm 2007 con cháu trong họ góp tiền xây lại khang trang rồi. Cả mộ cụ Nghè nữa, cũng xây quây lại gọn ghẽ. Trong đền còn giữ đòn khiêng do Vua Lê ban cho để đua cụ Nghè tạ thế từ trong Huế về an táng tại quê nhà ta. Để tôi đưa bác ra viếng mộ các cụ.
Đứng trước phần mộ cụ Tổ cách tôi đến 15 đời, mộ cụ Nghè cũng cách tôi đến 7 đời, mà sao tôi có cảm giác như có hạt máu từ mấy trăm năm đang chảy trong huyết quản mình hôm nay. Các cụ ta nói cấm có sai, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Tôi và cụ từ họ Phạm đây, là có chung một dòng cháu Tổ tiên ấy, như lá trên cây, có thể không chung cành nhưng cùng gốc.

Chia tay tôi, cụ Từ không quên dặn: Sắp đến giỗ Tổ 28-3 rồi, bác đưa con cháu về trước là thắp hương nhớ Tổ, sau là nhận họ nhận hàng nhé.

3-Về cội nguồn

Tin tôi tìm được nhà thờ Tổ và mộ Tổ nhanh chóng loan đến khắp họ hàng anh em. Chúng tôi háo hức chuẩn bị cho lần đầu tiên tìm về nguồn cội. Nói đúng ra thì không phải ai cũng háo hức, nhất là con trẻ. Chúng bảo: Từ trước đến nay mình vẫn khai trong lý lịch quê quán là Thái Bình, bây giờ lại bảo quê Nam Định, vậy là sao? Mồ mả ông bà vẫn còn ở Thái Bình kia. Tôi lại phải đứng ra giải thích một hồi, và học theo câu nói cửa miệng của những người Quán Các: đất lở người mòn, các cụ nhà ta đã dời sang Thái Bình từ 5 đời nay, còn gốc gác thì vẫn là họ Phạm ở Quán Các.

Chúng nó lại cãi lý: Nếu theo luật thì cách nhau 5 đời là đã lấy nhau được rồi đấy ông ạ. Đây thì tính đến gốc là những 15, 16 thế hệ, lại còn ngành nọ ngành kia, họ hàng như vậy thì bắn ca nông không tới.
Lý thì thế cũng phải, nhưng còn tình chứ, giọt máu đào cơ mà! Thôi, không chấp với đầu xanh tuổi trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới, nên tôi không buồn, mà cố gắng động viên con cháu cùng về quê gốc ngày giỗ Tổ.
Do mối liên hệ đã được kết nối nên càng gần đến ngày giỗ, những cuộc điện thoại Hà Nội – Quán Các càng dày hơn, dù chưa ai biết mặt ai, hoàn cảnh ra sao.

Người trong họ ra đón chúng tôi tận đầu làng. Phút gặp gỡ đầu tiên không hề có sự bỡ ngỡ xa lạ nào. Và, làng quê còn nghèo như bao làng quê khác, nhưng nhà nào cũng mời chúng tôi về ăn cơm và nghỉ lại, sáng mai dự Giỗ. Đành phải chia ra, mỗi nhà vài người cho tình cảm.

Đang vào mùa thiếu điện, bữa cơm đèn dầu gợi lại cảnh xưa. Hầu như không ai muốn ăn, câu chuyện quê quán, họ hàng cứ thế được kể ra. Đến khuya cũng không ai muốn ngủ, dậy sắp lễ, đợi cho đến sáng.
3 giờ sáng chủ nhà đã lục đục dậy, nào đun nước, thổi cơm, và tắm gội cho sạch sẽ để lên Từ đường lễ Tổ. Bây giờ, nhà nào cũng có khu toa-let sạch sẽ, thơm tho với đủ loại dầu gội sữa tắm, nhưng bà chủ nhà vẫn gội đầu bằng nước bồ kết lá bưởi. Đơn giản lắm: bồ kết sao vàng giã nhỏ đựng sẵn trong cái hộp nhựa, xúc vài thìa cho vào cái túi rút buộc lại ngâm trong nước sôi vài phút, đổ ra chậu, hái vài lá bưởi vò nát cho vào, gội vừa sạch, lại mượt tóc và thơm tự nhiên. Mấy chị em ở Hà Nội về cứ thế bắt chước làm theo. Không phải chỉ là chuyện gội đầu bồ kết, mà là cái cách người ta cung kính Tổ tiên như thế nào, cái tình cảm trong họ ngoài làng ra sao.

Lễ dâng hương, lễ Tế được tổ chức trang nghiêm, tôn kính, bất kể lễ vật lớn nhỏ thế nào, như một cụ bà nói: Người ta về lễ vì Tổ vì tiên chứ không ai vì tiền vì bạc. Các nhánh con cháu họ Phạm từ Yên Bái, Phú Thọ, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội…về, gặp gỡ nhau, trao đổi gia phả chi mình ngành mình…Tự nhiên, thấy quê hương sao mà thân thiết…

Lưu luyến chia tay nhau, chúng tôi cùng hẹn gặp lại nhau vào ngày giỗ Cụ Nghè mồng 4 tháng Chạp, đồng thời là ngày khuyến học của dòng họ để con cháu báo công với Tổ tiên, rồi nhận phần thưởng lấy khước của họ có người đỗ đạt đến tiến sĩ.

Sau đây là một số hình ảnh về buổi lễ:






Phạm Nguyễn
Có 0 nhận xét cho bài này "Cây không gốc lá sao xanh!"

Đăng nhận xét

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi