Thư kêu gọi xây dưng quỹ Tấm lòng vàng họ Phạm Việt Nam.

Kính gửi các tổ chức, cá nhân, các nhà doanh nghiệp
cùng toàn thể bà con họ Phạm trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, các hoạt động tình nghĩa của Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam cũng như của các Ban Liên lạc họ Phạm các địa phương, của các Hội đồng gia tộc các dòng họ Phạm cả nước đã có nhiều hình thức phong phú, kết quả thiết thực, cụ thể là đã khen thưởng động viên các cháu có bố hoặc mẹ họ Phạm đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động khác, cấp học bổng cho các cháu vượt khó vươn lên học giỏi, đồng thời trợ giúp cho các gia đình họ Phạm gặp khó khăn đặc biệt. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều nhà doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đứng ra tài trợ, đóng góp công của cho các hoạt động này, tạo nên tình cảm đồng tộc rất tốt đẹp, đúng với truyền thống văn hiến của Dân tộc ta. Xem tiếp
.

4 tháng 7, 2010

NSND Phạm Quí Dương

Đăng ngày Chủ Nhật, tháng 7 04, 2010 bởi Phạm Đạo · 1 comments

NSND Phạm Quý Dương: Tài hoa và nghị lực


NSND Phạm Quý Dương - Quê gốc ở làng Thượng Cát, huyện Gia Lâm - Hà Nội. Năm 1936 ông sinh ra ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi người cha làm việc khi đó.
Ngay từ khi là học sinh Trường Chu Văn An, Quý Dương thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của nhà trường. Tròn 17 tuổi, khi chứng kiến hình ảnh đoàn quân chiến thắng vào giải phóng thủ đô, cũng là lúc chàng thanh niên Quý Dương cùng các bạn của mình thành lập dàn nhạc Tuổi xanh đi hát phục vụ đồng bào. Từ đó, người yêu nhạc biết tới giọng hát trầm ấm, sang trọng của nghệ sĩ Quý Dương gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước.
Trong ấn tượng của nhiều người, ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”.... Giọng hát của ông nhẹ nhàng, thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng vời vợi cảm xúc.
Trong ký ức của người Hà Nội hẳn không thể quên những vở ôpêra trong lộng lẫy ánh đèn sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki do các đạo diễn Liên Xô dàn dựng hay “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chính các chuyên gia Triều Tiên đạo diễn. Tiếp đó là nhiều vở nước ngoài khác như “Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”, “ La vie Parisiene” (Đời sống người Pari ) …
Lớp nghệ sĩ ôpêra Việt Nam đầu tiên trong các vở diễn trên như Quý Dương, Trần Chất, Trần Hiếu, Ngọc Dậu … đều là những người chưa được học tập, đào tạo về ôpêra một cách bài bản mà chỉ được truyền thụ trực tiếp qua các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc lúc đó. Vậy mà, các chuyên gia nghệ thuật nước ngoài đã phải thốt lên kinh ngạc trước sự thông minh, tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam khi Quý Dương và các đồng nghiệp của ông thể hiện thành công những vở ôpêra kinh điển của thế giới trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Bầu không khí nghệ thuật ấy đã thúc đẩy các Nhạc sĩ Việt Nam sáng tác những vở ôpêra nói về đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết hai vở “Cô Sao” và “Người tạc tượng”, nhạc sĩ Nhật Lai viết vở “Bên bờ Krông pa”...
Với những vở ôpêra nước ngoài hay trong nước nói trên, nghệ sĩ Quý Dương luôn được chọn vào những vai “nặng”, những vai chính có nội tâm phức tạp như vai Ônhêghin - một trí thức quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX chán ghét cuộc sống nhàm chán của tầng lớp quý tộc, có hoài bão lớn lao, có khát vọng tự do, song bế tắc và bất lực trước cuộc sống; vai ông già yêu nước Triều Tiên (Núi rừng hãy lên tiếng), đặc biệt là vai Hồng y giáo chủ Môngtaneli (Ruồi Trâu) là một nhân vật có sự giằng xé nội tâm vô cùng phức tạp v.v…
Những năm 1979 - 1983 Quý Dương được Nhà nước cho đi học Thanh nhạc ở Bungari. Đây là thời gian giúp ông được trang bị phương pháp Bel Canto, tức phương pháp Thanh nhạc cổ điển của thế giới một cách bài bản và hệ thống. Song không dừng lại ở đó, cái quý giá là ở chỗ ông đã dùng phương pháp Bel canto kết hợp với cách xử lý của Nghệ thuật ca hát dân gian Việt Nam để tạo ra một cách hát rất bác học mà vẫn gần gũi với thị hiếu âm nhạc của người Việt. Trong nghệ thuật Thanh nhạc, ông đã tạo ra một phong cách kết hợp nhuần nhụy giữa kỹ thuật thanh nhạc cổ điển với cách hát dân gian Việt Nam bằng trí tuệ và trái tim của một nghệ sĩ mà cuộc sống luôn gắn bó với nhân dân và dân tộc.
Ông luôn tâm niệm rằng, một nghệ sĩ chân chính, một tài năng nghệ thuật đích thực trên lĩnh vực ca hát đòi hỏi phải có bốn yếu tố: Kỹ thuật thanh nhạc tốt, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.
Một đạo diễn ôpêra đã đánh giá Quý Dương là một Nghệ sĩ thuộc loại hiếm có bởi ông là người hát ca khúc nghệ thuật và hát cổ điển, cả hai phương diện ấy ông đều có những dấu ấn vượt thời gian. Quý Dương cũng là người “mở đường”, nói về ông người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một “điệp khúc” đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát ôpêra đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở ôpêra kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất mang ôpêra đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà ngoài các thày thuốc ra, ai cũng ngại ngần khi gặp họ. Vậy mà Quý Dương đã đến, đến một cách lặng lẽ, mang tấm lòng và tiếng hát của mình sẻ chia với các số phận kém may mắn, giúp họ có thêm tình yêu cuộc sống để chiến thắng bệnh tật …
Vào giữa những năm 80, trong cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Quý Dương cùng với nghệ sĩ Pianô Hoàng My và nhiều người bạn khác nữa đã đề xướng tổ chức “Đêm nhạc Văn Cao”, giới thiệu những ca khúc cách mạng và trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao với đông đảo công chúng Hà Nội và cả nước. Trong hai năm 1986 - 1987, hơn 60 “Đêm nhạc Văn Cao” đã được tổ chức ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố khác. Thành công vang dội này đã góp phần quan trọng khẳng định lại giá trị của Văn Cao, của Âm nhạc Văn Cao với những tác phẩm sống mãi với thời gian như Tiến Quân ca, Trường ca sông Lô, Ngày mùa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi v.v… Đó không chỉ là tấm lòng tri âm của một người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ mà còn là lương tâm và trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước mà Quý Dương và những người bạn của ông đã nêu một tấm gương đẹp.
Danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân mà Nhà nước phong tặng cho ông vào đầu những năm 1993, khẳng định những cống hiến nghệ thuật đáng trân trọng của ông. Phục hồi Nhà hát ôpêra, đào tạo lớp nghệ sĩ ôpêra trẻ tuổi, sáng tác những vở ôpêra phù hợp với đời sống và cảm xúc của con người Việt Nam hiện nay là ước mong lớn nhất của NSND Quý Dương và nhiều Nghệ sĩ cùng thế hệ với ông hiện nay. Mong sao mong ước của ông sẽ trở thành hiện thực...
Trong những ngày giặc Mỹ ném bom Hà Nội, NSND Quý Dương là người thường xuyên túc trực tại Đài Tiếng nói Việt Nam (ông là người hát đầu tiên trên Đài TNVN), thậm chí ngay tại trận địa pháo hát phục vụ chiến sĩ và đồng bào. Mỗi khi tiếng bom vừa ngớt, tiếng hát lại vang lên như minh chứng sinh động nhất về sức sống của người Hà Nội.
Cùng với nhiều nghệ sĩ khác, NSND Quý Dương đã mang tiếng hát của mình đến với các chiến trường. Giọng hát ấy đã làm ấm lòng bao chiến sĩ, nung nấu tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm và kêu gọi nguỵ quân buông súng, trở về với đất nước.
Có lần các chiến sĩ nhờ ông dạy hát, dạy được nửa bài thì đêm đã khuya, hẹn ngày mai học tiếp nhưng rồi ngay hôm sau, đồng đội đã khiêng xác các anh về mà chưa kịp học nốt bài hát còn dang dở. Những sự hy sinh như thế, khiến người nghệ sĩ trong ông luôn cảm thấy mình mắc nợ nhân dân và được hát phục vụ nhân dân là hạnh phúc vô bờ.
Chính tâm trạng day dứt ấy đã khiến ông khi là giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vẫn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.
NSND Quý Dương còn là người thầy của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó nhiều người đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi như: Trung Đức, Thuỳ Mỵ, Bích Việt... Đến nay, căn nhà của ông vẫn là điểm đến của rất nhiều nghệ sĩ trẻ. Điều mà ông thường nhắn nhủ các học trò của mình là làm nghệ thuật phải hết mình và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ được tư cách của người nghệ sĩ.
Nghệ thuật chân chính là biết truyền cho người thưởng thức thông điệp về tình yêu, lòng nhân ái, sự cao thượng... Và ông đã truyền được lòng đam mê, thái độ nghiêm túc với nghệ thuật tới bốn người con của mình.
Danh hiệu NSND ông được tặng năm 1993 là sự ghi nhận những cống hiến của ông cho nền âm nhạc nước nhà. Nhưng có lẽ, điều hạnh phúc hơn cả là ông có một đại gia đình nghệ sĩ luôn đầy ắp tiếng cười. Và với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò, ông luôn là một tấm gương sáng về tài năng và nhân cách của người nghệ sĩ.
Năm nay ông đã 74 tuổi, mặc dù sức khoẻ đã yếu nhưng ông vẫn tham gia làm cố vấn cho các hội diễn văn nghệ, là thành viên giám khảo các cuộc thi ca nhạc... ông vẫn tiếp tục dạy Thanh nhạc cho những người yêu thích nghệ thuật ca hát: Sinh viên thanh nhạc, giảng viên đại học, cô giáo…
NSND Quý Dương có con gái đầu là Phạm Thu Hương đã học Piano 7 năm, hiện đang là giảng viên dạy đàn piano. Người con thứ hai là Phạm Chí Trung (NSUT Chí Trung có vợ là NSUT Ngọc Huyền). NSUT Chí Trung khi nhỏ học Violon 3 năm, sau đó được NSND Doãn Hoàng Giang giúp đỡ trở thành Nghệ sĩ Kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Hiện là Giám đốc Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi Trẻ. Thứ ba là Phạm Quỳnh Trang, thạc sỹ piano, đang giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội, cô đang mơ ước mở trường đào tạo nghệ sỹ. Còn người con trai út, đã tốt nghiệp Đại học ở Mỹ và vừa mới nhận bằng thạc sỹ piano jazz ở Mỹ.

Phạm Đình Điểu - Tổng hợp

1 nhận xét:

  1. Có thể còn rất...rất lâu nữa, âm nhạc VN mới lại có đc một NSND đích thực như Quý Dương.

    Trả lờiXóa

Related Posts with Thumbnails
 
Trang web của BLL Họ Phạm Việt Nam chính thức bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2005. Xem phiên bản cũ tại đây
Vui lòng để liên kết về nguồn tin nếu bạn xuất bản lại thông tin trên trang web này.


Trang web được xây dựng từ nền tảng Blogger.com, cung cấp bởi